Bài “Thú chơi gà chọi” dưới đây được đăng trên tờ Ánh-đèn-dầu, số 1 năm 1961. Cụ Vương Hồng Sển có trích dẫn nhiều phần đưa vào bài “Thú chọi gà”, đăng lần đầu trên tập san Mai (1961), sau lại được đưa vào cuốn Phong lưu cũ mới (1970). Thú chơi gà chọi Lê Huy Oanh - Tạp chí Ánh-đèn-dầu (1961) Nói họ thân-thiết với nhau e chưa đúng hẳn. Phải nói là họ mê nhau. Họ gồm năm, bẩy người trong số có cha tôi. Hầu như không ngày nào nhà tôi cũng thiếu những ông khách quý ấy. Có người đến ăn ngủ ở nhà tôi hàng tuần lễ. Chuyện trò thường nổ như pháo ran và ít khi ra ngoài vấn đề gà chọi. Nhưng ý hợp tâm đầu với cha tôi hơn cả là cụ lang Chim. Tình bạn bè nồng đượm giữa hai ông Bá Nha và Tử Kỳ ở bên Tầu ngày trước chắc cũng chẳng hơn được sự giao tế mật thiết giữa cha tôi với cụ lang Chim. Gần như ngày nào hai cụ cũng gặp nhau. Hoặc cha tôi đến nhà cụ hoặc cụ đến nhà cha tôi. Cụ lang đã qua đời sáu, bẩy năm nay nhưng hình bóng cụ vẫn còn rõ rệt nguyên vẹn trong óc tôi. Tôi còn nhớ những buổi cha tôi đứng trước cửa mong ngóng cụ hệt như một chàng si tình mong ngóng người yêu. Khi thấy bóng cụ, vầng trán cha tôi sáng hẳn lên vì vui mừng. Hai người bạn già ngồi xếp chân vòng tròn trên tấm phản gụ, cạnh bình trà Chính thái thơm ngát. Chuyện trò giữa hai người sôi nổi ngay từ phút đầu. Có một lần, hai bên vừa chào nhau, chưa kịp phân ngôi chủ khách, cha tôi bỗng hơi sịu mặt xuống, than thở với cụ lang: - Rủi quá cụ ạ, con Tía Vỉa của tôi hôm qua nhẩy từ nóc bu xuống, bàn chân trái đụng phải một hòn đá nhỏ thành thử hôm nay thỉnh thoảng nó đứng co chân trông thương quá… Rồi cha tôi chuyển giọng, ánh mắt thoáng tia giận dữ: - Trẻ nhà tôi chúng hư quá, không biết đứa nào nhặt đá về bỏ ở sân cát. Tôi tra hỏi nhưng chúng nó sợ không đứa nào dám nhận cả. Đứa nọ đổ tội cho đứa kia... Đến đây, giọng cha tôi dịu lại: - Không biết có sao không cụ nhỉ? Tôi hơi lo ngại, vì chắc cụ còn nhớ trước kia con Xám Bốn Kỳ của tôi cũng chỉ vì một sự rủi ro như vậy rồi bị lậu đề, chữa không khỏi đành phải để đạp mái. Giá nó không lậu đề (sưng chân) còn ăn (thắng) nữa. Độ của nó đẹp lắm mà. Mặt cụ lang cũng thoáng nét lo ngại khi nghe những lời than thở của cha tôi. Cụ nói: - Chết thật, chết thật, gà sắp ra sới rồi sao lại gặp rủi như vậy được. Phải xuống sân xem nó thế nào chứ. Chiến tướng của mình sắp giáp trận mình phải cẩn-thận lắm mới được Thế là hai cụ lật đật xuống sân để thăm bịnh “ông” Tía Vỉa. Tôi lóc cóc đi theo. Ông Tía Vỉa đứng sừng sững trong bu, cái cần (cổ) đỏ trần trụi dựng thẳng, bộ mặt nhỏ choắt, nghé nghé nghiêng nghiêng có vẻ anh hùng. Tên hắn là Tía Vỉa vì bộ mã hắn mầu đỏ tía, và hắn sở trường lối đòn vỉa, nghĩa là chuyên luồn cổ vào cánh địch thủ mà đá thốc lên. Đòn vỉa có công dụng làm tiêu thịt ngực và cạnh sườn, đồng thời làm sã cánh địch thủ. Bị nhiều đòn vỉa, con gà sẽ mất dần sức thăng bằng, đòn đánh sẽ kém tin (trúng) kém mạnh. Đòn đánh có nhiều loại, tỉ như đòn đấm là bấu mạnh vào vào khúc dưới cần hoặc vào lưng kẻ thù rồi đá thốc khoản vào ngực; đòn mé là đứng bên tống khoản vào mặt; đòn dọc là đứng trước địch thủ đá vào cần hay vào mặt. Thường thường gà phải bấu chặt mỏ vào thịt địch thủ rồi mới đá. Đánh đòn mé hay đòn dọc đều phải cắn vào mặt hay vào đỉnh đầu chỗ mào đã bị xén. Nếu mổ vào hầu, đá vào hầu thì gọi đó là đòn hầu. Cũng có những đòn chỉ đá mà không cắn, kêu là đòn buông. Thường những khi bị đánh mất mỏ hoặc câm mỏ, gà phải dùng đòn buông để trả lại đòn. Nhưng nếu gân cốt còn bền-bỉ, gà mới có thể xử dụng đòn buông. Giống gà mỗi khi đá ắt phải tung cả hai chân chứ không thể có những đòn độc cước như loài người. Chúng là loại chuyên xử dụng lối đá song phi. Cha tôi và cụ lang ngồi chồm-hỗm bên chiếc bu nứa ngắm-nghía ông Tía Vỉa. Trông hắn vẫn mạnh khỏe như thường, nước da đỏ gay đỏ gắt, hai cánh khép chặt, đôi khoản (ống chân) đầy vẩy bóng, có võ trang hai mấu cựa nhọn. Mắt hắn hơi nhỏ vừa sắc-sảo vừa gườm gườm. Thằng này vó bộ đẹp, coi tốt tướng quá. Hắn có đủ vẻ của một con gà hay: Đầu công, mình cốc, mắt hạt trai Đùi dài, khoản ngắn chẳng sợ ai Dáng đi của hắn mới thật đẹp. Hắn bước xiên một chút, mình hơi né sang một bên, trông đặc vẻ con nhà giòng giõi. Hắn có cái vẻ điềm tĩnh khoan thai của người quân tử, của đấng trượng phu. Cái dáng đi này quý lắm. Há đã chẳng có câu thứ nhất bốc cát ném ra, thứ nhì lắc mặt, thứ ba né mình đấy hay sao? Gà né mình là loại gà có những đòn đánh rất nặng, khi giao tranh chỉ cần đánh năm bẩy đòn là đủ chiếm phần thắng. Năm ngoái hắn đã hạ con Cáp Tô Văn bằng mấy đòn vỉa mạnh không kém gì những đòn phát ra từ cây kích lợi hại của Tiết Nhân Quý. Không hiểu sao người ta không đặt tên cho hắn là Tiết Nhân Quý mà vẫn cứ gọi tên hắn là Tía Vỉa. Ý hẳn người ta mặc nhiên công nhận rằng dưới gầm trời Việt Nam này hắn là tay xử dụng đòn vỉa cừ khôi nhất? Hắn còn nổi tiếng gan lì và rất mực chịu đòn. Trong cuộc giao chiến lần đầu, hắn đã gặp con Điện Quang ở Nghệ an ra Hà nội để bắc phạt. Con này quả không hổ với cái tên Điện Quang. Y xử-dụng đòn né nhanh như chớp và có thể đánh thông luôn hàng chục đòn một lúc, mà đòn nào cũng tin như dán khoản vào mặt đối thủ. Trong ba bốn hồ đầu, Điện Quang tấn công như vũ bão khiến Tía Vỉa bị lệch cần và híp mang bên trái. Những người bên phe Điện Quang cười khoái trá và reo hò ầm ỹ. Tôi còn nhớ cái ông văn sĩ Lý Ngọc Hưng, chuyên viết truyện kiếm hiệp, vốn tính điềm đạm trầm lặng mà hôm đó thỉnh-thoảng cũng nhấp nhổm cười la thích trí. Trong khi ấy những người bên phe Tía Vỉa ngồi im lặng vì tức bực và thẹn thuồng. Con Điện Quang chắc được tám phần mười vì suốt sáu, bẩy hồ nó nắm vai chủ động. Tía Vỉa đau lắm nhưng nhất định đứng lì chịu đòn chứ không chạy. Nó cũng có trả lại đòn nhưng rất ít, phần vì bị đau, phần vì chậm chạp hơn bị đối thủ quá nhanh cướp hết đòn. Sau hồ thứ tám, được uống chút mật gấu và được chữa cẩn thận, Tía Vỉa tỉnh táo hơn. Vào khoảng giữa hồ thứ chín, Tía Vỉa lần mỏ cắn chặt vào đầu cánh bên trái Điện Quang, tung lên một đòn vỉa mạnh đến đỗi Điện Quang ngã nhào về phía sau, dộc mạnh đít xuống nền đất. Điện Quang giãy dụa vùng dậy nhưng chưa kịp đứng vững đã bị Tía Vỉa mổ vào mặt phóng vút một đòn mé. Đôi khoản rắn như sắt của Tía Vỉa chặt vào cần Điện Quang. Con gà Nghệ an kêu lên một tiếng đau đớn, chạy vùng ra đến nửa thước tây, lả hẳn cần xuống. Đến lượt những người bên phe Tía Vỉa vỗ tay reo hò ầm ầm. Nhờ hai đòn hiểm độc ấy, Tía Vỉa chuyển bại thành thắng, cướp lấy thế chủ động. Đến hồ thứ mười ba, Điện Quang chịu không nổi đòn, kêu quang quác rồi chạy bay khỏi đấu trường. Ông Tía Vỉa oai dõng ấy chiều nay vẫn đứng trong bu nứa trước mặt hai ông già đang ngắm nghía hắn và lo sợ vì bàn chân đau của hắn. Thật ra chân hắn có đau đớn gì lắm đâu. Hắn vẫn đi quanh quất trong bu rộng, và bước đi không có chút gì khó khăn ngượng ngập hết. Hai ông cụ chăm chú ngó hắn, âu sầu hốt hoảng vì hắn nhưng hắn không thèm nhận biết sự ưu ái ấy. Hắn vênh mặt nhìn trời xanh hoặc chuyển thân mình quay phải quay trái, đảo truớc đảo sau. Đôi lúc hắn khẽ đập đầu vào bu, khẽ xỉa hẳn bộ mỏ ra ngoài mắt nứa. Cả thân thể hắn toát ra sức sống thừa thãi. Không được gần gà mái lại ăn nhiều chất bổ và tập luyện luôn luôn ắt hẳn ông Tía Vỉa phải thành lực sĩ. So sánh tôi với ông Tía Vỉa, có lẽ hắn sướng hơn tôi. Hắn được chăm sóc từng li từng tí. Lương thực gồm toàn loại thóc mẩy, kèm thêm lòng đỏ trứng gà, lươn, thịt bò, rau tươi, cao hổ cốt, cao ban long… Không những thế tôi còn phải hầu hạ hắn như một gã tiểu đồng hầu ông hoàng tử. ... ... Còn tiếp ... ---------------------------------------------------- *Download bản scan tại đây: It appears your Web browser is not configured to display PDF files. No worries, just click here to download the PDF file.