Bài “Chọi gà” dưới đây được trích từ cuốn "Thú vui tao nhã" thuộc bộ "Nếp cũ" của nhà văn, nhà nghiên cứu Toan Ánh, tên thật là Nguyễn Văn Toán (1916-2009). Ông sinh tại Thị Cầu, Bắc Ninh, một vùng quan họ nổi tiếng với những lễ hội, đình đám. Từng làm giảng viên ở Viện Đại học Vạn Hạnh và Viện Đại học Huế (phân khoa Nhân văn) trước năm 1975, ông dành phần lớn thời gian để ghi nhận, khám phá những phong tục tập quán, lề thói dân gian, lễ hội đình đám, tín ngưỡng, địa dư chí, ca dao của nhiều vùng miền trên đất nước. Chọi gà Người Việt Nam chơi chim, nuôi những con họa mi để chúng chọi nhau, và tiền nhân chúng ta đã tìm thấy cái thú trong những cuộc chiến giữa đôi chim hăng hái. Đây chẳng qua cũng là cách nuôi dưỡng tinh thần bất khuất tự cường của con người Việt Nam, sống trên một dải đất luôn luôn bị ngoại xâm đe dọa, sau khi đã trải hàng nghìn năm chịu sự đô hộ của phương Bắc. Gây tinh thần chiến đấu của con chim là tự nung nấu trong lòng mình một ý chí kiên quyết, một sự hăng hái bền bỉ để phòng gặp trường hợp phải đối phó với kẻ thù của đất nước, của dân tộc. Qua những cuộc chọi chim, chúng ta phải thấy chiến đấu tính của người xưa trong thú chơi này, cũng như qua hàng trăm hàng nghìn cổ tục khác xuất hiện tại các hội hè đình đám vùng quê mỗi khi xuân tới. Nuôi chim chọi nhau, các cụ ta còn nuôi gà chọi và đã truyền cho chúng ta ngày nay cái thú chọi gà, mà tác dụng đối với người xưa cũng tương tự như thú chọi chim. Những cuộc chọi gà trước hết cũng chỉ là cuộc giải trí nhưng mang rất nhiều ý nghĩa. Con gà trống được dân ta coi trọng và qua đó, người xưa đã thấy sự tượng trưng cho năm đức tính đáng quý: ● Văn: qua vẻ đường hoàng của con gà với chiếc mào gà nghiêm chỉnh. ● Vũ: qua dáng điệu bất khuất của con gà với chiếc cựa gà bén nhọn. ● Dũng: qua sự hăng hái không sợ kẻ thù của con gà mỗi khi bị khiêu khích. ● Nhân: qua sự biết thương đồng loại của con gà, mỗi khi có ăn đều biết gọi nhau. ● Tín: qua tiếng gáy canh rất đúng mực của con gà. Nuôi gà chọi, người xưa vun trồng thêm năm đức tính và tự rèn luyện cho mình luôn giữ vững một khí thế qua mọi hoàn cảnh, gặp lúc tiến được thì xông xáo như con gà nghênh địch thủ, gặp lúc cần nhẫn nại thì nhịn nhục để nung nấu thêm chí khí. SƠ LƯỢC LỊCH SỬ CHỌI GÀ Nói về chọi gà, chúng ta thử tìm hiểu sơ qua về nguồn gốc thú chơi, có người cho là tàn nhẫn vì sự bình thản của mọi người khi ngắm hai con gà đá mổ nhau đến thân hình xơ xác, đôi khi lại reo mừng vì những đòn hay của một trong hai đối thủ, nhưng trái lại, có người cho đây là một thú giải trí đầy tinh thần thượng võ và anh hùng. Tìm hiểu về nguồn gốc của thú chơi, đọc sách Thông thiên hiếu của Trung Hoa, ta thấy ghi lại: - Dưới đời vua Đường Minh Hoàng, một vị vua hiếu sắc, có vị quân sư là La Công Viễn, một hôm nhận thấy mặt rồng ủ rũ, liền ra lệnh cho bách quan nuôi gà và mùa xuân năm sau mang vào hoàng thành cho chúng chọi nhau để nhà vua giải muộn. Sự tích của tục chọi gà bắt đầu chỉ là sự giải muộn của một quân vương, sự giải muộn này đã gây tốn kém cho bách quan và dân chúng nhưng những con người lãnh đạo quốc gia ngu muội có bao giờ nghĩ đến dân, họ chỉ nghĩ đến thú vui của họ! Có kẻ đi câu đã gây xáo trộn cho hàng khu vực, nhưng họ cứ đi câu! Nước ta trước đây, về triều vua Gia Long có tả quân Lê Văn Duyệt cũng thích chọi gà, nhưng cái thích của vị tướng quân này, chính là cái thích của những người nung nấu chí khí. Tả quân rất sành chọi gà, lựa gà rất ít người sánh kịp. Hiện nay còn di tích một sân gà trên đỉnh núi Cậu, nằm gần núi Tượng trong dãy núi Thất Sơn, Tịnh Biên tỉnh Châu Đốc. Những người chơi gà rất chăm chú với gà và họ đã ví gà qua năm đức tính tượng trưng với một quan văn mang võ tướng như Bao Công đời Tống! (Đời Tống có Địch Thanh quan võ tướng văn, và Bao Công quan văn tướng võ). MÙA CHỌI GÀ Thực ra chọi gà cũng như chọi chim họa mi, đâu có mùa nào, cứ có một cặp gà đôi bên chủ nhân đồng thuận cho chúng chọi nhau là có cuộc chọi gà. Ở đây có khi chỉ là một cuộc mua vui, hai chủ gà cho gà chọi nhau để đọ hơn kém, nhưng cũng có khi là một cuộc chọi gà sinh tử, mỗi chủ gà lại có một số người tin theo gà mình, bỏ tiền ra đánh cá đấu với gà của đối phương, cuộc chọi gà trong trường hợp này đã mất hết ý nghĩa của người xưa để lại và đã biến thành một cuộc đổ bác trắng trợn. Dù gà chọi nhau trong một cuộc mua vui, hay đây là một cuộc đánh cá thì lúc chọi gà cũng rất nhiều người dự cuộc để chứng kiến những cái hay cái dở của đôi gà. Ngoài những cuộc chọi gà tổ chức tùy hứng như vậy, ngoài Bắc hàng năm có mùa chọi gà, chính là lúc dân làng tại các vùng quê mở hội vui xuân. Mùa hội hè đình đám cũng là mùa chọi gà. Tại các hội xuân, ngoài các trò bách hí khác, nhiều làng có treo giải chọi gà. Các tay chơi gà, nhân những hội xuân này, thường mang gà tới chọi, giải thưởng tuy chẳng bao nhiêu, có khi không đáng công săn sóc con gà, nhưng gà được giải đã làm đẹp mày đẹp mặt chủ nhân, và nhờ những giải thưởng hội xuân này, nhiều lò gà đã nổi danh một thời. Thường thường, chọi gà tại các hội xuân có ba giải, mỗi giải được thưởng một món tiền, trà cau và có khi dân làng đốt mừng thêm bánh pháo. Những chủ nhân những con gà hay, tùy sức gà của mình, sẽ giữ những giải nhất, nhì hoặc ba. Có những chủ nhân mang gà tới hội, thấy giải có người khác đã giữ rồi, không cho gà mình đá phá giải, lại vác gà về để dành đến một ngày hội khác vào những buổi sau. Họ có lý do riêng hoặc họ muốn để những con gà sắc nước chọi trước, hoặc vì gà của họ kỵ một vài ngón đòn riêng của con gà giữ giải. Trong ba tháng xuân, làng làng mở hội, sang tháng tư tháng năm, còn lác đác một đôi nơi kéo hội trễ tràng, các chủ gà cũng theo những ngày hội làng mang gà đi chọi hoặc đi dự cuộc đấu của những đôi gà khác. Chọi gà là một cái thú, xem chọi gà càng thấy thú và cái thú này tăng thêm gấp bội với hoàn cảnh ấm áp của các buổi hội xuân. LỰA GÀ Không phải con gà nào cũng chọi nhau được. Trước hết, gà chọi là một loại gà nuôi để chọi, và trong loại gà chọi này, người chơi cũng phải dày công phu kén chọn mới gặp được gà hay, có nuôi gà hay mới bõ công săn sóc, và phải là gà hay mới hy vọng thắng những cuộc chọi nhau và chủ nhân mới mong đoạt giải trong những ngày hội và hoặc ăn cá trong những cuộc chọi gà đổ bác. Thường những con gà dị tướng là những con gà hay, và dị tướng của mỗi con gà chỉ cặp mắt những tay sành chơi gà mới nhận thấy. Có những con gà được nhận là Linh kê hoặc Thần kê, vì tướng rất lạ lùng và với tướng lạ này đấu trăm trận nó thắng cả trăm, cho đến lúc về già cái khí thế oai hùng của nó cũng không mất. Lão tướng ngày tàn nhớ kiếm cung Năm qua hồ nhớ lệ anh hùng J. Leiba Những con lão thần kê vẫn không mất vẻ uy nghi của thời niên thiếu, là lúc chúng về già, người ta dùng chúng để gây giống tạo nên những thần kê con, linh kê cháu! Dưới đây là những loại tướng gà đã được những tay chơi phân lực, căn cứ theo đó để chọn gà hay loại bỏ gà dở. 1. Gà tử mị: Gà này có hai loại. - Loại thứ nhất lúc ngủ nằm ngay đầu, sải cánh, xuôi giò. - Loại thứ hai lúc ngủ đôi giò móc lên cây, như dơi, đầu thõng xuống, đôi cánh buôi xuôi. 2. Gà phụng: Loại gà này đuôi như đuôi chim phụng, dân chơi gọi là phụng vĩ. 3. Gà lân: Tướng gà như con lân, đi đứng đường hoàng với một vẻ ngạo nghễ. 4. Gà quy: Hình giống như con rùa. Những con gà này, nếu chúng nằm giấu chân đi, co đầu lại, thụt đuôi vào, ta trông thân chúng đúng là thân con rùa, chỉ khác có phủ thêm lượt lông vũ. 5. Gà võ hầu: Giống như con khỉ, khi chọi nhau, lông nó dấn lên như con nhồng. 6. Gà mắt ếch, gà mắt mèo: Loại gà này mắt rất tinh, tránh đòn rất tài và trả đòn rất trúng. 7. Gà độc nhãn, gà độc dao: Đâu là những con gà lúc mới sinh ra có một mắt, một cựa. Những con gà này thật là hung ác, dữ tợn, không bao giờ nao núng trước địch thủ, đã chọi nhau thì đến chết cũng không chạy. 8. Gà có mào đóng chót vót trông như ổ gò mối. 9. Gà có mào trơn như đầu lươn. 10. Gà có mào hình cuốn lại, chót mào như ẩn giấu trong mào. 11. Gà có bộ lông thép: Lông thép thường thấy ở đuôi hay ở dưới cổ, cuốn tròn như vảy ốc, lúc kéo thì thẳng ra. 12. Gà có lông như lông nhím. 13. Gà có lông giống như đuôi công, khách chơi mệnh danh là lông công. 14. Gà lông trĩ: Loại lông này mọc ở cổ hay ở sau đuôi, khi tẽ ra thành hai chiếc lông. 15. Gà có xoáy trên đầu. 16. Gà có lỗ trên đầu. 17. Gà trên đầu có vằn ngang mào. 18. Gà sấu, danh từ chỉ loại gà lúc sanh ra không có lưỡi. 19. Gà mỏ cuốn: Gà này lúc ngậm mỏ lại để lộ ra lỗ trống theo hai bên. 20. Gà dưới cổ có vảy: Đây là một loại gà rất hiếm và cũng là một loại gà rất anh hùng. 21. Gà trên lưng có lỗ vuông. 22. Gà sinh đôi: Loại gà này chỉ có chủ nó mới biết. 23. Gà tam nhĩ: Những con gà này có ba lỗ tai. Ở bên trái hoặc bên phải, ngoài lỗ tai thường, còn có một lỗ tai nhỏ, lỗ tai này thường bị lông phủ kín, người lựa gà phải để ý vạch lông ra mới thấy. 24. Gà gáy liên tiếp ba tiếng. 25. Gà bịp: Gà này giống bìm bịp, ban đêm kêu cộc cộc như bìm bịp kêu trong bụi rậm. 26. Gà dị động: Đây là những con gà có những cử động đặc biệt khác thường. Các tay sành chơi gà, xếp loại gà dị động thành ba hạng sau đây: a. Thứ nhất là chấm cát quăng ra, nghĩa là mỗi bước đi của gà đều chúm cả tám ngón chân xuống đất rồi mới bước. b. Thứ nhì vịt lội, nghĩa là con gà đi thì con gà xòe cả tám ngón chân buông ra sau rồi mới bước, giống như loài vịt khi lội. c. Thứ ba là né lồng. Gà này khi bị nhốt vào lồng, nó chạy rong theo vách lồng. Những con gà chọi có một trong ba lối dị động trên đều là những con gà hay, lúc chọi gan lỳ và lúc mổ, đá thì chắc nịch. 27. Gà có bộ vẩy dị hình. Gà có nhiều loại vẩy, mỗi loại vẩy một khác nhau, chúng tôi xin trình bày sau. Trên đây là 27 loại gà thường được những tay sành chơi gà kén chọn. Thấy một con gà, một tay chơi chú ý ngay, con gà có dị tướng không, dáng đi tiếng gáy của nó ra sao? Kén được một con gà chọi hay giữa một đàn gà, chẳng khác nào tìm được một vị tướng giỏi giữa ba quân. Nhiều con gà đối với những con mắt bình thường chỉ là những con gà bỏ đi, nhưng đến tay người sành đá gà đây lại là một con gà có quý tướng. Có nhiều con gà lúc nhỏ rất nhát tưởng chừng như không bao giờ chọi nhau được, vậy mà lúc lớn lên lại chính là một con gà hay, chọi nhau gan lì, địch thủ nào cũng không sợ. Có những con gà lúc thường trông rất hiền lành, khi bị khiêu khích lại là con gà dữ tợn nhất, lúc chọi nhau đâm bổ vào kẻ địch, lông dấn lên, vừa muốn thắng địch bằng điệu bộ, vừa muốn thắng địch bằng những đòn chí tử. Lựa chọn, kén được một con gà mới là giai đoạn đầu của người nuôi gà, rồi đây còn phải vỗ về, chăm sóc và luyện dần cho con gà trở nên một con kê tướng. Màu sắc lông gà Bề ngoài ảnh hưởng rất nhiều tới bên trong. Đối với con người cũng vậy. Ta thường nói khôn ngoan hiện ra nét mặt và ca dao cũng có câu: Trông mặt mà bắt hình dong, Con lợn có béo thì lòng mới ngon. Người chơi gà, khi kén chọn gà nòi, trước hết nhắm ở bề ngoài, nghĩa là ở mão gà, nhất là ở màu sắc lông gà. Theo họ, sắc lông gà cũng có nhiều ảnh hưởng đến sự bền bỉ, đến những đức tính gan lì và khôn ngoan trong lúc chiến đấu của con gà. Năm màu lông thường được lựa chọn là các màu: Nhạn, Xám, Điều, Ô và Nghệ. Năm màu này theo người xưa thuận với ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ theo thứ tự: Nhạn thuộc kim Xám thuộc mộc Điều thuộc hỏa Ô thuộc thủy Nghệ thuộc thổ Những người chơi gà cần phải hiểu ngũ hành của năm sắc gà để biết sự xung khắc theo nguyên tắc dịch lý: Kim khắc mộc Mộc khắc thổ Thổ khắc thủy Thủy khắc hỏa Hỏa khắc kim Và: Kim sinh thủy Thủy sinh mộc Mộc sinh hỏa Hỏa sinh thổ Thổ sinh kim Theo nguyên tắc dịch lý trên, những mã gà khắc nhau theo màu lông: ● Gà nhạn khắc với gà xám ● Gà xám khắc với gà nghệ ● Gà nghệ khắc với gà ô ● Gà ô khắc với gà điều ● Gà điều khắc với gà nhạn Trong những cuộc đá gà, người xưa thường tìm cách tránh những con gà mã khắc với mã gà mình, vì chấp nhận một cuộc đấu như vậy, vì sự xung khắc, con gà bị khắc có thể bị bại. Những con gà có những màu sắc thuộc các hành sinh nhau, người xưa dùng để lựa những cặp gà trống mái hợp nhau ghép với nhau, với lòng tin tưởng cuộc phối hợp giữa gà hợp nhau sẽ sinh những con gà hay. ● Gà nhạn mạng kim hợp với gà ô mạng thủy. ● Gà ô mạng thủy hợp với gà xám mạng mộc. ● Gà xám mạng mộc hợp với gà điều mạng hỏa. ● Gà điều mạng hỏa hợp với gà nghệ mạng thổ. ● Gà nghệ mạng thổ hợp với gà nhạn mạng kim. Tới đây tôi tưởng cũng cần nhắc thêm mỗi màu sắc gà như thế nào. Gà nhạn có bộ lông xám bạc chuyển sang trắng như lông chim nhạn. Gà xám có bộ lông màu xám toàn thân, gà nghệ có bộ lông màu vàng, nhưng không phải cứ bắt buộc vàng hẳn như màu nghệ, gà ô có bộ lông màu đen và gà điều pha trộn giữa màu nọ với màu kia, thí dụ như gà xích ô, là con gà có bộ lông vừa đen vừa đỏ, hoặc như gà bạch nhạn có bộ lông giống như lông nhạn trắng v.v… Gà mã điều có khi còn được gọi là gà xích thố. Ngoài năm sắc lông gà ăn theo ngũ hành, giới chơi gà còn phân biệt thêm nhiều mã gà khác được mệnh danh: ● Gà ó có sắc lông như con ó. ● Gà cú có sắc lông như con chim cú. ● Gà chuối có sắc lông chen lẫn đen, trắng, vàng. ● Gà hoa mơ có sắc lông lốm đốm trắng như hoa cây mơ. Sắc lông này người miền Nam gọi là Miên Bông. Những tay chơi gà, xem tướng gà qua những dị tướng, những người xưa cũng rất chú ý đến màu sắc lông gà. Ngày nay, giới chơi gà , rất ít người lưu tâm đến điểm này, họ căn cứ nhiều nhất vào giống gà, cho rằng con cháu những con gà hay sẽ là những con gà hay, nếu trong đám con cháu gà hay, có một con thêm được dị tướng càng đắc dụng hơn. Mào gà Mào gà tăng vẻ oai hùng cho con gà. Con gà có mào trông bệ vệ, khi nó đi trong sân gà vịt, với chiếc mào đỏ chói, với tiếng gáy ngạo nghễ, nó quả thật là vị hoàng đế trong sân gà vịt, quả là tổng thống trong đám kê áp quần cư. Mào gà cũng có nhiều loại, mỗi loại lại nói lên đức tính của con gà. Giới chơi gà phân biệt ba loại mào chính, những con gà có những chiếc mào thuộc những loại này đều là những chiến sĩ giao đấu không biết mệt, có chết mà không có chạy! Ba loại mào chính đó được đặt tên: ● Mào ổ mối: Chiếc mào đóng vọt lên như ổ mối. ● Mào cuốn: Chiếc mào hình cuốn lại, chót mào như ẩn giấu trong mào. ● Mào trạch: Chiếc mào trơn tuột như mào lươn. Ngoài ba loại mào chính nói trên, giới chơi gà còn phân biệt thêm ba loại mào nữa, những con gà mang ba loại mào sau này cũng là những con gà hay: ● Mào bánh lái: Chiếc mào lệch hẳn sang bên trái hoặc bên phải như bánh lái một chiếc thuyền. ● Mào dâu: Chiếc mào nhìn tương tự như bông hoa dâu. ● Mào trích: Chiếc mào giống như mào chim trích. Ba loại này, tuy vậy không được giới chơi gà chuộng bằng ba loại mào trên, nhưng dù sao ba loại này cũng là những loại mào nói lên phần nào đức tính của con gà. Một con gà đã có dị tướng lại có chiếc mào bánh lái, mào dâu hoặc mào trích phải là con gà hay. Mặt gà và mắt gà Con gà trông uy vũ và hùng dũng, một phần lớn nhờ chiếc mào, nhưng thường nó cũng lại có một bộ mặt đặc biệt khiến nó càng có vẻ anh hùng dữ tợn hơn. Bộ mặt gà thường được kén chọn là bộ mặt võ hầu, nghĩa là trông giống như mặt khỉ. Con gà đã có bộ mặt võ hầu lại thêm đôi mắt hoặc lanh lẹ hoặc lừ lừ bao giờ cũng được ưa chuộng. Trong các cuộc chọi gà, thật chẳng khác chi trong một cuộc đấu quyền, đấu vật của con người, đối thủ cần phải tinh mắt để tránh đòn. Đôi mắt lanh lẹ và đôi mắt tinh, đôi mắt này trông giống như mắt mèo. Con mèo rình con chuột cần tinh mắt bao nhiêu để biết ngay hướng con chuột định chạy, qua những cử động rất nhỏ của nó, thì con gà có cặp mắt mèo cũng tinh như con mèo để thấy ngay ý muốn của địch thủ qua những cử động rất nhỏ của mỏ, đầu, cánh, hoặc chân của con này. Con gà mắt mèo lại còn thêm đức gan lỳ, chịu đòn nếu chẳng may gặp địch thủ lợi thế hơn mình. Một loại mắt cũng được giới nuôi gà chọi ưa chọn là mắt ếch. Gà mắt ếch cũng tinh nhanh và cũng lỳ lợm không kém chi gà mắt mèo. Trong những trận đấu, nếu chẳng may bị trọng thương, nó nằm lỳ trong sân chọi chịu chết, không chạy. Tục ngữ ta có câu nói về cặp mắt ếch của gà chọi: Gà chân xanh mắt ếch chém chết không chạy. Vảy gà Gà chọi khi đá địch thủ cần có bộ giò. Bộ giò có lượt vảy bên ngoài. Theo những tay thạo chơi gà, bộ vảy rất ảnh hưởng tới con gà, hay nói đúng hơn tới sự chiến đấu của nó. Màu sắc của chân gà ăn theo bộ vảy, và bộ vảy này có đủ màu sắc, đen, hồng, xanh, trắng, đỏ, vàng. Mấy màu này nổi lên để phân biệt, chứ thật ra không phải những màu gà có những vảy sắc hoàn toàn đúng với những màu sắc thiên nhiên này, gọi là đen nhưng chỉ là màu chì, gọi là trắng nhưng chỉ màu phơn phớt trắng… Đã có màu sắc, nhưng bộ vảy, theo sự khám phá của giới chơi gà, có lắm kỳ hình, nhiều bộ vảy có đường nét giống như chữ nho. Qua những kỳ hình, những tay chơi gà đã đoán được tướng gà như các thầy tướng xem tướng tay vậy. Những con gà được gọi là linh kê hay thần kê thường có những vảy chân đặc biệt. Những loại vảy được phân biệt theo nghệ thuật chọn gà: 1. Vảy rồng: vảy trông giống như vảy trên mình rồng. 2. Vảy hàm long: những chiếc vảy trông giống như hàm rồng. 3. Vảy giao long: những chiếc vảy giao nhau từng đôi một như vảy rồng giao nhau. 4. Vảy lưỡng long: từng hai cặp một giao nhau như bốn vảy rồng giao nhau. 5. Vảy bán nguyệt: mỗi chiếc vảy giống như nửa mặt trăng. 6. Vảy nguyệt cung: mỗi chiếc vảy trông như một mặt trăng tròn. 7. Vảy tam tinh: những hàng vảy xếp như ba ngôi sao một. 8. Vảy khai vương: mỗi chiếc vảy trông như chữ vương. 9. Vảy nhật thần: mỗi chiếc vảy trông như chữ thần.["thần" (辰), tác giả nhầm lẫn, phải là chữ "nhật" (日) mới đúng] 10. Vảy linh khẩu: mỗi chiếc vảy trông như chữ khẩu 11. Vảy linh chu: mỗi chiếc vảy trông như chữ chu. 12. Vảy triết quế: mỗi chiếc vảy trông như chữ quế bị gãy. 13. Vảy công tự: mỗi chiếc vảy trông như chữ công. 14. Vảy sổ nội: vảy nhỏ nằm liền ngay trên hoặc dưới cựa. 15. Vảy đệm: vảy trông từa tựa mặt chiếc đệm 16. Vảy vuông: vảy hình vuông. 17. Vảy vấn sáo: vảy giống như vảy chim sáo. 18. Vảy vấn khâu: mỗi chiếc vảy giống như chiếc khâu vàng đeo tay. 19. Vảy hai hàng trơn: chân gà có hai hàng vảy đều đặn từ trên xuống dưới. 20. Vảy huyền châm: giữa hai hàng vảy trơn, có thêm hàng vảy nằm giữa. 21. Vảy dép: vảy ở dưới bàn chân gà, loại vảy này thật hiếm. 22. Vảy án nhãn: vảy nằm ngang cựa, đôi khi gà chọi nhau, vảy này thường đâm vào mắt địch. 23. Vảy xà cốt: hàng vảy giống như bộ xương khô của con rắn. 24. Vảy yến son: những chiếc vảy hồng ẩn khuất dưới chân, nơi trên bốn ngón, khi gà co chân lên cuốn chân xuống mới thấy được. 25. Vảy vòng móng: loại vảy nhỏ ở gối, bị lông gối phủ lên, khi vạch lông gối mới thấy được. 26. Vảy độc đao: vảy giống như một thanh đao. 27. Vảy song đao: vảy giống như hai cây đao. 28. Vảy tam tài: ba vảy liền nhau. 29. Vảy tứ vi: bốn vảy đấu đầu. 30. Vảy bát nhân tự: vảy ở tám ngón chân đều có chữ nhân. 31. Vảy công hậu: hàng vảy ở phía sau chân. Trên đây là 31 loại vảy theo người xưa phân tích tùy cách thành hình tại mỗi chân con gà, mỗi loại vảy được đặt tên theo hình dáng, nhiều tên thật là văn vẻ. Tuy tên như vậy, song trên thực tế, những loại vảy chỉ xuất hiện với một vẻ tương tự như những hình người xưa đã dựa theo đặt tên cho từng loại vảy: vảy độc đao không giống hệt đao, nhìn chỉ giông giống thanh đao, vảy xà cốt không giống hẳn bộ xương khô con rắn, trông hàng vảy chỉ tương tự phần nào với xương khô này, vảy khai vương không đúng với chữ vương, tuy nhiên nhìn bộ vảy với những chiếc vảy trông người ta có thể bảo đấy là chữ vương được v.v… Người xưa chơi gà cẩn thận, lựa gà cầu kỳ, để ý đến vộ vảy cũng như các bộ phận khác của con gà, các sư kê ngày nay phân đông ít chọn vảy tỉ mỉ như người xưa, chỉ căn cứ đến giống gà, và nhất là xem con gà chọi nhau, nếu có những đòn đá hay đã kể là con gà hay. Cựa gà Cựa gà còn được gọi là kê đao, đây chính là một thứ ngón chân nhưng không có đốt lại vuốt nhọn ở mé trên những ngón chân và ở phía sau chiếc chân gà. Cũng như vảy, cựa gà có đủ màu sắc với năm màu chính được giới gà mệnh danh. Cấu tạo toàn bằng chất giống chất cấu tạo nên móng chân gà, cựa gà gồm các loại: - Hồng đao: chiếc cựa màu hồng hồng lợt. - Xích đao: chiếc cựa màu đỏ. - Hắc đao: chiếc cựa màu đen. - Bạch đao: chiếc cựa màu trắng. - Thanh đao: chiếc cựa màu xanh. Những màu sắc này, lúc con gà mới bắt đầu có cựa, trông chưa phân biệt ngay, nhưng khi chuốt qua bộ cựa, màu sắc mới lộ rõ. Ngoài màu sắc, bộ cựa còn có những hình dáng riêng, tùy mỗi con gà. - Bộ cựa nghiêng: đầu cựa nghiêng về một bên, được gọi là đao nghiêng. - Bộ cựa ngay: đầu cựa hơi cất lên cao, được gọi là đao cắt chéo. - Bộ cựa chúc: đầu cựa chúc xuống, được gọi là cựa trụi. - Bộ cựa hom: mỗi chiếc cựa như những chiếc hom chụm lại. - Bộ cựa nóc đố: mỗi chiếc cựa vênh đầu lên cao. Những loại cựa trên là những loại cựa lợi hại, khả dĩ tạo thương tích cho đối phương trong những cuộc đấu. Có nhiều chủ nhân còn mài chuốt cho bộ cựa của gà mình đã nguy hiểm càng sắc bén hơn để hạ gà địch. Bộ cựa đối với con gà cũng như khí giới với con người, gà dùng bộ cựa để tự vệ trong bị tấn công, hoặc để tấn công, khi bị khiêu khích. Bộ cựa càng lợi hại bao nhiêu, gà càng dễ chiến thắng do những thương tích gây ra cho đối thủ bấy nhiêu. Theo các tay chơi gà sành sỏi, nguy hiểm hơn cả là những bộ cựa đao nghiêng và bộ cựa đao cắt chéo, khi đụng độ, con gà sử dụng hai chiếc cựa của mình như hai thanh long đao của một viên võ tướng. Con gà hay Gà chọi thì con nào cũng biết chọi, nhưng không phải con nào cũng là gà hay, do đó các tay chơi gà mới phải lựa gà, lựa một cách rất kỹ lưỡng. Trước hết con gà phải có một thân hình cân đối, rắn chắc và gân guốc. Khi nhấc bổng lên cặp giò của nó không lòi chòi lạng quạng. Cổ gà, gọi là thụt cổ vào dễ dàng như con đỉa. Mỏ gà phải nhỏ, miệng phải sâu, như vậy gà mới lanh lẹ khi mổ địch thủ. Chân phải lùn, gà mới có những cái đá chắc và mạnh. Lông gà phải cứng như lông thép để gà có sức chịu đựng trong những cuộc giao phong. Những con gà lông mềm thiếu sức bền bỉ. Qua bề ngoài với những nét chính trên mỗi bộ phận, con gà có thể được lựa chọn. Thêm vào đấy, nếu là một con gà nòi, nghĩa là con cháu một con gà hay, người chơi có thể tin tưởng phần nào ở tương lai con gà, tuy nhiên người ta còn phải để ý tới cánh gà, tới gối gà và tới bán chân gà nữa. Bộ cánh nếu có gián nghĩa là có chiếc thẹo nhỏ giữa, con gà cũng phải loại, bộ cánh như vậy sẽ yếu, không đủ mạnh để con gà nhảy đá gà địch cho trúng đòn, và dù cho có trúng đòn chăng nữa, đòn này cũng khôgn đủ nặng để gây nguy hiểm cho địch. Bộ gối gà chọi cần phải lớn, bộ gối nhỏ khiến cho con gà không đủ sức đứng lâu, sẽ kém dai sức nếu cuộc chiến kéo dài. Bàn chân gà phải tránh không có mắt cá, mắt cá chính là một thương tích gây nên bởi con gà đã giẫm phải gai, hoặc phải đinh hoặc vì con gà đã có lần dầm chân lâu trong đám phân gà sinh bệnh hà chân. Người ta còn để ý tới hậu môn của gà, xem gà có mắc bệnh kiết lỵ hay không, gà mắc bệnh sức sẽ sút kém. Lẽ tất nhiên, ngoài những điểm trên, bộ vảy và bộ cựa dự phần quan trọng trong việc lựa chọn con gà như đã trình bày. Mấy giống gà hay Về gà nòi, những tay chơi miền Nam thường nhắc tới mấy danh tiếng trong đó có gà Cao Lãnh thuộc Đồng Tháp. Giống gà này lông nhiều, cựa nhọn, bay đá thật nhanh. Lại còn giống Bà Điểm, thành phố Hồ Chí Minh, lông ít, cựa ngắn nhưng gan dạ vô cùng. Ngoài Bắc, trước đây người ta thường nhắc tới giống gà Kim Liên ở khu đằng sau Khâm Thiên, Hà Nội và gà Vân Hồ ở phía Nam Hà Nội là những giống gà hay. Ngày nay, nhiều tay chơi gà tìm cách cho lai giống để lấy gà hay, ghép mái Bà Điểm với gà trống Cao Lãnh, hoặc gà mái Cao Lãnh với gà trống Bà Điểm v.v… Sự ghép giống này sản xuất ra loại gà lai có đủ đức tính của cả gà bố lẫn gà mẹ, vừa gan lỳ vừa bay nhanh, đá mạnh.
NUÔI GÀ CHỌI Nuôi gà chọi là cả một công phu và lại là một nghệ thuật. Người chơi gà phải chịu tốn kém với con gà, phải hy sinh thì giờ, tiền bạc để chăm nom và tẩm bổ cho gà. Con gà trống chọi thường trưởng thành trong vòng mười tháng và từ thời gian này trở ra, con gà có thể dự những cuộc giao phong được, tuy nhiên mọi cuộc chọi nhau chỉ nên hạn chế trong khoảng từ tháng chạp đến cuối tháng tư âm lịch mỗi năm, sau tháng tư gà chọi bắt đầu thay lông, chúng chịu sự ảnh hưởng thay lông nên chiến đấu không được bình thường. Ở ngoài Bắc, những cuộc chọi gà thường diễn ra trong những hội xuân. Nuôi gà, các chủ gà đợi cho con gà mọc đủ lông, lông được thật già, là bắt đầu sửa soạn bộ mã cho nó, lông cổ được hớt bớt, lông hai bên nách được tuốt cho tới đuôi, cả lông hậu môn cũng bỏ đi. Con gà được hớt tuốt lông rồi, trông thật gọn gàng với một vẻ oai nghi dũng mãnh. Sau đó gà được tẩm thuốc cho thân cứng cáp, thuốc gồm bốn thứ mài chung với nhau: ngải, nghệ, muối và phèn. Thuốc này tẩm vào thân gà để gà săn da thịt, chống đỡ và chịu đựng được đòn của địch. Tẩm thuốc như vậy miền Nam gọi là vô ngải, nghệ. Nếu con gà quá mập, cách một ngày chủ gà lại vô ngải, nghệ một lần. Về mùa nóng, trời oi bức, chủ gà hàng ngày tắm cho gà ba lần mà trời lạnh thì cũng hàng ngày tắm một lần. Ở miền Bắc, về mùa đông gặp khi tiết trời thật lạnh người ta không tắm cho gà sợ nó mắc bệnh sưng phổi. Người ta lại đem phơi sương, phơi nắng để gà hấp thụ khí thiêng của trời đất, chịu đựng được sự thay đổi của thời tiết, và với sự phơi sương, phơi nắng này, mã gà trông như tươi tốt hơn. Luyện gà Không phải con gà khi lớn lên là chủ gà cho đá ngay với gà lạ trong những độ ăn giải hoặc ăn cá. Chủ gà phải luyện gà trước khi đụng độ với gà ngoài, để gà quen với vũ đài, để gà được bạo dạn, bền bỉ và nhất là tạo cho gà tính hiếu chiến. Khi con gà lớn tới mức có thể chọi được, chủ gà lựa một đôi gà nhà đồng sức đem ra bịt cựa, nghĩa là lấy vải, lấy bông bọc kín những cặp cựa gà, vô hiệu hóa những cặp cựa này, dù con gà nọ có đá trúng con gà kia, rồi cho đá lẫn nhau, cuộc đá thử này miền Nam gọi là sổ. Gà đá thử không lâu, chủ gà lại ngưng cuộc đá, phải cho gà đá thử liên tiếp ba bốn lần, có trở nên gan dạ, tinh khôn trong chiến đấu và vì cuộc đá thử không bao giờ đi đến hồi kết cuộc, tính hiếu thắng của gà không được thỏa mãn, gà trở nên hiếu chiến và tự tin vào sức mình. Đá thử xong, chủ gà vỗ hen cho gà, làm cách nào cho gà tuôn nhớt rãi trong cổ gà ra, người ta lấy một chiếc lông gà rửa sạch luồn ngoáy vào trong cổ gà để kéo hết đờm rãi ra. Hết rãi nhớt, gà không còn khò khè khi lâm trận. Rồi người ta lại vô ngải nghệ làm cho tan những chỗ bầm tím gà bị đòn. Tại sao gà chọi phải sổ? Trước hết để luyện gà, nhưng cũng để biết sở trường của mỗi con gà qua mấy lần đá thử. Thường những sở trường này, xuất hiện qua những cuộc giao phong đầu tiên, các chủ gà luôn có con mắt hầu như chuyên môn để nhận xét. - Gà xuất sắc về giàn nạp: trong một vài nước nạp nhanh nhẹn và dũng mãnh, con gà có thể hạ đối thủ như chém chết hoặc chém vào chỗ nhược để đối thủ chạy rót. - Gà giỏi về đá đầu: nghĩa là nhằm đầu địch thủ ra đòn. - Gà chuyên về đá má [có lẽ là "đá mé"]: nghĩa là nhằm cổ địch thủ đưa ra những ngón đá chí mạng. - Gà sở trường về đá hầu: nghĩa là những ngón đòn chỉ nhằm vào hầu địch thủ. - Gà đặc biệt đá dĩa tối: miền Bắc gọi là đòn luồn. Gà tìm cách luồn đầu vào hai bên cánh địch, xuất kỳ bất ý mổ lên vai, lưng hoặc đầu đối thủ rồi ra một đòn chí tử. Đòn này thường nhằm vào hai bên phao câu, lưng và mắt địch. - Gà te: đang đá, gà bỏ chạy, lừa địch thủ rượt theo, bất thần quay đầu trở lại tấn công địch thủ bằng một đòn mãnh liệt, thường là đòn buông. Đòn này miền Bắc gọi là Đà đao, theo tích Quan Vân Trường dùng kế đà đao định hạ Hoàng Trung. - Gà đá buông: gà phải mổ vào địch trước rồi mới tung cẳng lên đá, nhưng có nhiều con gà luôn luôn sử dụng đòn buông nghĩa là khi đá địch không cần mổ vào địch thủ mà đá vẫn trúng. Những đòn đá buông này, miền Bắc gọi là đòn phóng tiễn, tức bắn tên ra, ở đây chiếc cựa được sử dụng như một mũi tên. Chủ gà cần phải luyện gà để gà quen chiến đấu, để biết sở trường sở đoản của mỗi con gà. Như vậy khi vào trường gà, khi mang gà đi đá ở hội hè sẽ tùy liệu ghép gà mình trong các trận đá, miền Nam gọi là cáp. Gà của mình có ngón đá đầu ư? Chủ nhân sẽ lựa một đối thủ thấp hơn gà mình để nó dễ đá. Gà của mình có ngón đá buông ư? Chủ nhân sẽ tìm cho nó giao phong với một con gà có đòn luồn, con gà địch luồn đầu vào nách, ẩn đầu đi, như vậy chọi với nó, khó mổ được vào đầu nó để phóng đòn lên. Con gà có đòn buông không cần phải mổ vào đầu địch vẫn ra được những đòn mạnh mẽ, trong khi địch cứ phải luồn rồi mới xuất kỳ tấn công được. Mỗi sở trường của gà lại áp đảo được sở đoản của những con gà khác. Nuôi gà chọi thực là cực nhọc, phải mất thì giờ, mất công và tốn tiền nữa. Chủ gà phải thức khua, dậy sớm trông nom cho gà. Thức ăn đồ uống của gà phải sạch và phải lựa chọn. Có những thức ăn phải nhường cho gà. Có những chủ gà mua hàng cân thịt bò bắp để vỗ gà, nuôi cho gà lớn chắc và bền bỉ. Trường gà Ở miền Bắc, người chơi gà thường mang gà đi đá hội, hoặc các chủ gà ước hẹn cho đôi gà chọi nhau. Ở hội, chủ nhân cho gà của mình giữ giải. Các chủ gà khác mang gà tới phá giải. Những cuộc đá gà tại hội cũng coi như trò bách hí, và giải thưởng những làng mở hội trao tặng thực ra không đáng giá bao nhiêu, thường chỉ có ba giải, giải nhất, giải nhì và giải ba, những giải được phát bằng trà, nhiễu điều hoặc lụa hồng, cau và thêm một món tiền nhỏ tùy theo từng giải. Các chủ gà mang gà tới đá giải tại các hội hè đình đám, không nhằm vào giá những giải thưởng, chỉ nhằm vào tiếng tăm do sự ăn giải, tuy nhiều khi sau trận đá, gà có thể mạng vong hoặc bị thương, bị sụt sức, và chủ gà lại phải vỗ cho gà hồi sức trở lại, sự tốn kém vượt xa giá trị vật chất của giải thưởng. Trong những cuộc đá gà này, đôi khi cũng có đánh cá, mỗi con gà đều có một số người bỏ tiền ra để cá sự thắng trận. Dù sao, sự đánh cá trong ngày hội cũng không quá to và không có nhiều người tham dự như những cuộc đánh cá gà tại miền Nam. Những cuộc đá gà ngoài hội hè cũng vậy. Có những chủ gà và một số người đánh cá vào con gà mỗi bên khi có sự hẹn hò của một số trận giao phong giữa một đôi gà, số tiền cá thường to hơn những món tiền cá đánh vào những đôi gà chọi ở hội, nhưng so với sự đánh cá ở miền Nam vẫn không đáng kể. Ở miền Nam có những cuộc đánh cá gà thật to tát. Và ở đây đánh cá trong những cuộc đá gà rất thịnh hành nhất là dưới thời Pháp thuộc. Có nhiều người ở những địa phương tổ chức những trường gà thật chu đáo. Họ dành hẳn những ngôi nhà lớn có thể chứa nổi ba bốn trăm khán giả làm một trường gà. Những khán giả này hoặc cũng là những tay chơi gà sành sỏi, hoặc là những người tham sự cuộc đánh cá và cũng biết sơ lược về chọi gà. Tại trường gà có đấu trường là nơi những cặp gà chọi nhau. Gần ngay đấu trường, một bên là bàn quan khách, các tay chơi cho bàn này là khán đài danh dự. Những quan khách được mời tới tham dự trận đấu gà sẽ an tọa nơi đây. Tại khán đài có bộ nhang kỳ, nơi để cây nhang có phân thành đoạn, mỗi đoạn là một thời kỳ của một hiệp, ngoài Bắc gọi là một hồ. Nén nhang này cắm vào một trụ cao độ năm tấc, một ống trúc để cắm nhang, và phía dưới có một chiếc đĩa. Tất cả được đặt trên một miếng ván nhỏ vuông hoặc hình chữ nhật, có khi miếng ván được thay bằng một chiếc bàn nhỏ. Đối diện với khán đài danh dự là một chậu chứa nước đựng rãi nhớt của gà tiết ra, danh từ chuyên môn của giới chơi gà gọi là để cho nước gà. Gà sắp sửa đụng độ, một cây nhang có phân kỳ được cắm vào ống trúc. Tới một hiệp, nơi cây nhang có buộc một sợi chỉ trắng treo lủng lẳng một đồng xu. Khi cây nhang cháy tới chỗ chỉ, đồng xu rơi keng xuống đĩa là xong một hiệp. Ở miền Bắc để phân hiệp, cây nhang được chia làm năm đoạn, mỗi đoạn có vạch vôi hoặc phấn trắng, khi cháy đến chỗ phấn trắng là hết một hiệp gọi là hồ. Dứt một hiệp, đôi gà ngưng đá ngay. Lập tức có hai người – làng chơi gà miền Nam gọi là người cho nước, nhanh nhẹn chạy tới ôm lấy gà mình ra cho nước, nước gà gồm rãi nhớt tiết ra. Người ta lòn chiếc lông gà vào miệng gà xoáy vài lần rồi kéo rãi nhớt ra. Thời kỳ nghỉ cho nước dài hai phần nhang kỳ, gọi là nhang om. Nghỉ cho nước xong, đôi gà lại tái đấu. Mỗi ngày có thể có tới năm độ, nghĩa là năm trận đấu tại một trường gà. Tiền cá độ mỗi độ lớn nhỏ tùy theo các chủ gà và tùy theo số người đánh cá. Chủ trường gà được quyền lấy xâu mỗi độ là mười phần trăm. Số tiền này sẽ chia làm bốn phần đồng đều: một dành cho chủ trường gà và một cho người phụ trách thư ký, biên số tiền hoặc giữ trước số tiền cá của đôi bên, có hai phần dành cho hai người cho nước gà. Cáp gà Ghép đôi gà cho chúng chọi nhau gọi là cáp gà theo miền Nam. Trong việc cáp gà, các chủ gà đều hêt sức thận trọng, ở đây có thể nhiều mưu toan gian lận. Sự tinh ý của chủ tránh được nhiều sự gian lận này, gian lận không phải ở bản thân con gà, chính lại do các chủ gà. Các chủ gà phải đặc biệt để ý đến gà của mình cũng như gà của địch để đề phòng mọi sự tẩm thuốc, lẽ tất nhiên là thuốc độc vào cựa gà địch hoặc sự đầu độc gà của mình. Ông Nguyễn Văn Kiềm ở Tân Châu, tỉnh Châu Đốc, tác giả quyển Địa phương chí Tân Châu có cho chúng tôi biết: Mỗi khi ôm gà chọi đến trường, chủ kê hai bên và phe nhà giữ gà họ thật chặt chẽ, để ngừa kẻ manh tâm thuốc gà họ bằng cách tẩm thuốc độc vào lúa gạo, rồi ngắt đít dế hoặc bò cào nhét thuốc vào. Thừa cơ gà bất cẩn, người chủ mưu liệng thuốc để gà ăn, hay vùi thóc dưới đất cho gà bươi ăn. Gà bị thuốc khi đụng độ thế nào cũng thua vì suy yếu. Tại mỗi trường gà có một người kê trạm, còn gọi là kéo trạm, là người thông thạo trong việc cáp gà. Người kê trạm do chủ trường gà đề cử ra. Khi các chủ gà bốn phương theo lời ước hẹn hoặc tự ý ôm gà đến trường, người kê trạm liền quan sát tất cả những con gà, việc này người đó làm thường ngày nên rất tinh tường. Trong lúc quan sát, y đã nhận ra những con giao đấu được. Y nhắm từng đôi, rồi y mời hai chủ gà đầu tiên có một đôi gà – theo con mắt của y là đồng chạn – mang gà vào trường để cáp. Theo những thể lệ đã được giới chơi gà chấp nhận. Hai chủ gà đồng ý, độ gà giao đấu khai diễn. Tất nhiên, trước khi thỏa thuận cho gà mình đụng độ, chính chủ gà cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng, xem xét gà địch, so sánh với gà mình để ước đoán trận đấu gà, nếu gà mình không thắng tất cũng không được bại. Sự ước đoán của nhiều chủ gà rất đúng, nhưng cũng lại nhiều chủ gà ước đoán sai, do đó các trận gà mới phân được thắng bại, và mới có những cuộc đấu gà. Chính ra đấu gà là những cuộc đấu trí giữa hai chủ gà, một cuộc đấu trí công khai nhưng vô cùng lợi hại. Hai chủ gà là hai sư kê sành sỏi, tuổi trong nghề chơi rất khả kính, để nhìn thấy những dụng tâm của người, để tiên liệu cả những mưu sâu hiểm độc của người. Tai mắt chủ gà lúc nào cũng phải nghe bốn phương, ngó tám hướng để không thể có một sự sơ xuất nào. Có thể nói thêm rằng cáp gà là một sự cò kè tế nhị từng li, từng tí, lẫn đủ mánh khóe xảo trá và thủ đoạn điêu ngoa đánh lừa người vào cạm bẫy để gà mình ăn chắc. Thể lệ cáp gà Cáp gà có những thể lệ được toàn thế giới chọi gà công nhận: - Lông lá như nhau. - Cựa bằng nhau. - Không cao thấp hơn nhau. - Sức nặng tương đương. Muốn biết sức nặng đôi gà người ta đem cân như cân hai võ sĩ. Để tìm hiểu sự đồng cân đồng lạng này, các chủ gà có quyền trong những cuộc cáp gà, tay phải luồn vào lườn gà nhà, tay trái luồn vào lườn gà địch rồi nâng lên cùng lúc để so sánh nặng nhẹ. Trên đây là thể lệ chính của mấy điểm cáp gà. Tại các hội miền Bắc, một gà giữ giải, khi có một gà tới phá giải, hai chủ gà cũng so sánh sự tương đương của hai con gà, nếu chúng đồng hạng mới có giao phong. Sự so sánh này có đại diện ban tổ chức giải chứng kiến, vị đại diện này cũng là một tay am hiểu về nghề chơi gà. Có nhiều trường hợp hai con gà đã hiển nhiên đồng chạn nhưng một trong hai chủ gà vẫn từ khước đấu của đôi gà… Chủ gà đã biết gà mình và gà người, đã nhận thấy một hoặc nhiều nhược điểm của gà mình. - Gà mình kém nhanh nhẹn hơn gà đối phương. - Gà mình không có bộ cựa sắc bén nguy hiểm như bộ cựa của gà đối phương. - Gà mình thiếu gân guốc không so sánh với gà đối phương được. - Gà mình kỵ vảy hoặc kỵ sắc lông với gà đối phương, kỵ theo ngũ hành hoặc kỵ theo một lý lẽ nào khác, về thực tế hoặc siêu hình. - Chạy gà ế độ của đối phương. Giới chơi gà tin rằng những gà đã ế độ, khi bắt được độ thường hay thắng, hoặc do sự gian lận của chủ gà, hoặc do sự ghê gớm của con gà mà các chủ khác đều cho là kỵ với gà mình. Thể lệ cáp gà như trên, tuy nhiên, trên thực tế, nhiều khi các chủ gà chấp nhấn sự chênh lệch, hoặc vì tin tưởng ở sự dũng cảm của nơi gà mình, hoặc trên những thể lệ bù trừ giữa những gà đồng chạn, thể lệ bù trừ này cũng được giới chơi gà công nhận như thể lệ cáp gà: - Gà ngang chạn nhưng kém cao, kém lông, lại hơn phần nặng có thể đụng độ với gà cao và lông lá nhiều. - Gà ngang chạn mà thiếu cựa, chủ gà hoặc có quyền trồng cựa nghĩa là một cặp cựa nhân tạo vào chân gà, hoặc buộc gà địch phải bịt cựa. - Gà tuy kém chạn gà đối phương, nhưng chủ gà thấy gà mình nhanh nhẹn, đòn nguy hiểm chịu nhận sự cáp gà. Ở đây chỉ nêu ra những điểm chính về thể lệ bù trừ, thực ra, các chủ gà còn nhiều trường hợp chấp nhận một cuộc giao đấu tuy gà không đồng chạn, sự chấp nhận tùy theo mỗi con gà và hoàn cảnh đấu. GÀ ĐỤNG ĐỘ Giây phút gà đụng độ là giây phút hồi hộp nhất của chủ gà. Bao nhiêu công trình chăm nom nuôi vỗ liệu có được kết quả chăng? Và bao nhiêu hy vọng không phải riêng của chủ mà của cả những người đánh cá nữa, liệu có tiêu tan chăng? Chủ gà sẽ hãnh diện vì con gà, và cũng có thể mất tiếng tăm vì con gà đó. Vậy thì giây phút gà xông ra đụng độ là giây phút thiêng liêng đối với người chơi gà. Một con gà uy nghi hùng dũng xông ra một đòn đầu tiên chí mạng là một niềm thống khoái cho chủ nhân. Mới r sân gà đã ăn ngay đòn phủ đầu của địch, điều này quả thật chủ gà chẳng mấy hài lòng. Rồi trong trận đấu, con gà tiến, con gà lùi, con gà đàn áp đối phương hay giơ đầu chịu báng đều làm cho chủ gà thấp thỏm. Có thể bảo rằng tuy là đôi gà giao phong, nhưng chính chúng không lo lắng đến sự thất bại như chủ của chúng. Chủ của chúng đã đặt hết tâm hồn vào chúng trong những giờ phút này. Nếu có thể xuất hồn để nhập vào gà, có lẽ các chủ gà đã làm rồi. Tiền độ, tiền cá Gà đụng độ có một tầm quan trọng tối yếu đối với các chủ gà. Do đó, trước khi có sự đụng độ, tại các trường gà miền Nam cũng như trong cuộc chọi gà đánh cá tại miền Bắc bao giờ cũng có sự thương lượng giữa hai chủ gà về nhiều điểm, trong đó quan trọng nhất là tiền cá, tức là độ của đôi bên bằng lòng, phải chồng trước sòng phẳng, ở trường gà có người thư ký ghi chép vào sổ, tiền do chủ trường giữ, còn trong những cuộc đá gà tại miền Bắc thì do một người thứ ba đủ uy tín cầm giữ. Tôi xin nói thêm là những cuộc chọi gà đánh cá lớn ở miền Bắc không phải xảy ra ngay tại nhà một chủ gà nào, mà tại một nơi thứ ba, như vậy để tránh sự quen không khí của một con gà có thể tạo cho nó thêm sự hăng hái thêm sự tin tưởng, đúng với câu: Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng. Nơi thứ ba có trận chọi gà thường cũng là nhà một tay chơi gà, và để có sự chắc chắn trong vấn đề tiền đánh cá, số tiền này do chủ nhà đứng thu hộ và đảm bảo giữ cho cả đôi bên. Tại các hội xuân, những cuộc chọi gà chỉ nhằm vào tiếng tăm nên ít có sự đánh cá, đôi khi cũng có những cuộc đánh cá trên những con gà giữ giải và phá giải. Những điều kiện để gà giữ giải Trước khi đi sâu vào trận đá thực sự của những đôi gà, xin nhắc sơ qua về những điều kiện của những con gà giữ giải tại những hội xuân miền Bắc. Không phải bất cứ con gà nào muốn giữ giải cũng được. Các làng thường có ba giải để cho ba hạng gà giữ giải như đã nhắc trên. Giải nhất thường dành cho những con gà đã có cựa dài, nặng cân từ bao nhiêu ký trở lên, cao bao nhiêu và sẽ đấu kỳ tẩu kỳ tử. Giải nhì dành cho những con gà nhẹ cân hơn, cựa ngắn hơn và độ cao cũng kém hơn. Cuộc đấu kéo dài ít nhất trong năm hồ. Giải ba điều kiện nhẹ hơn, và cuộc đấu kéo dài ít nhất trong ba hồ. Qua giải nhất, đôi gà phải chọi nhau cho đến khi có một con thua chạy hoặc bị hạ chết. Tuy nhiên, con gà thắng vẫn được ăn giải nếu cuộc đấu chưa kéo dài đến năm hồ. Và như vậy, con gà thắng phải đủ một trận nữa với một con gà thứ hai, và nếu cũng thắng sẽ được ăn giải dù được giao phong dài ngắn bao nhiêu. Con gà giữ hoặc phá giải nhì cũng vậy, nếu đánh bại hoặc hạ được địch thủ trước năm hồ, phải tái đấu với một con gà khác. Con gà giữ hoặc phá giải ba thì lấy ba hồ làm căn bản, thắng sau ba hồ mới được, dưới ba đã thắng phải có cuộc tái đấu với một con gà khác. Nguyên tắc thì như vậy song trên thực tế vẫn có sự châm chước, vì thắng một con gà địch, con gà thắng cũng đã mệt mỏi lắm. Gà đá hội, khi thắng chỉ mang danh dự cho chủ. Việc phát giải thưởng rất long trọng. Làng mời các chủ gà thắng vào lễ thần, mời xơi trà nước, đốt một bánh pháo toàn hồng để mừng trước khi trao giải. Trước khi thả gà Trước khi thả gà, đôi bên đem gà ra làm cựa, dùng con dao con sắc bén chuốt cho cựa gà mình thật nhọn. Kế họ phun nước cho gà khỏe, và có người cho gà ăn thêm để tăng sức lực. Nhiều lúc sau khi gà đã cáp rồi, tiền độ đã trao rồi, có chủ gà nhận thấy gà mình chắc ăn họ dám ra cá năm phân, họ chỉ ăn một nửa tiền họ cá, thí dụ họ cá 1000 đồng, lúc gà họ thắng họ chỉ lấy 500 đồng, số tiền này là tiền cá thêm, ngoài tiền độ đã thỏa thuận trước. Lời rao cá năm phân thường có người nhận vì đôi gà chưa giao đấu. đã chắc mèo nào cắn mẽo nào, và đây nếu thua chỉ xuất một nửa, còn nếu được dĩ nhiên họ được ăn cả. Làng chơi gà miền Nam thường dùng danh từ phóng để chỉ sự cá ăn năm phân, và danh từ bắnt để chỉ sự chấp nhận đánh cá thêm này. Kẻ phóng người bắt, số tiền bao nhiêu đều phải ghi vào sổ để tránh sự cãi lẫy về sau, tuy nhiên cả đôi bên không phải đụng tiền ngay như tiền độ. Những mánh khóe gian lận Đá gà ở trường gà, từ thú giải trí đã biến thành một môn đổ bác, nói tới đổ bác là có thể có gian lận. Trong giới chơi gà cũng có nhiều người gian lận với những mánh khóe khác nhau, đại để tẩm thuốc độc vào gà địch, trộn lẫn thuốc với thóc rồi cho gà ăn như đã đề cập ở mục cáp gà. Họ còn nhiều mánh khóe khác nữa. Có chủ gà lợi dụng người cho uống nước. Người cho uống nước là người làm nghề có từng trải, biết đấm bóp như tẩm quất, đấm bóp người mệt mỏi, đấm bóp làm sao để cho gà khỏe trở lại. Nếu người này thông đồng với chủ gà địch, họ sẽ thi hành những thủ đoạn để làm hại gà của mình, mà dưới đây là những thủ đoạn chính: - Bấm mỏ gà cho gà ê mỏ, không mổ được, nhiều gà không có đòn đá buông, muốn đá địch cần phải mổ địch. - Chuốt lườn gà: bấm mạnh cho gà tê liệt. - Bóp mề gà: gà sẽ không đứng được lâu, cuộc đá kéo dài, gà sẽ không có sức chịu đựng. - Bẻ chậu: tức là khớp xương trên bốn ngón chân, gà bị bẻ chậu xương chẳng nhảy, đá không được. Còn nhiều mánh khóe gian lận khác, tỷ như tẩm thuốc, thường nhiều người dùng bụi hạt tiêu rắc vào chân gà mình, gà đá lên, bụi bắn vào mắt gà địch, gà địch bị cay mắt không đá được. Có người lúc gà gần đá, họ cho gà uống nước sâm để gà thêm sức mạnh, và đây cũng là một điều cấm trong những cuộc chọi gà. Mánh khóe gian lận thay đổi tùy người và từng trường hợp, người chơi gà có kinh nghiệm bao giờ cũng đề phòng những sự bất trắc này. Vai trò của người cho nước Người cho nước giữ vai trò quan trọng trong cuộc chọi gà. Đây là người với sự nắn bóp đã hồi sức lực được cho gà. Qua mỗi hiệp đá, gà lại được bắt ra, người bắt gà chính là người cho nước. Người này luôn luôn khoác trên vai một khăn trắng sạch có thấm nước. Bắt gà ra, người này vạch mỏ, khua và trong họng làm cho ra hết nhớt rãi bằng một chiếc lông gà sạch, rồi vạch mỏ gà vắt nước vào họng cho gà uống. Họ lại phủ khăn ướt trùm lên đầu gà cho đến cổ để gà mát mẻ phục lại sức. Rồi khăn được đắp sau hậu môn cho gà tươi tắn trở lại. Kế đó họp cặp gà vào hai gối, cọ xát mạnh đôi bàn tay vào nhau để tạo nên sức nóng, dùng bàn tay đã có sức nóng này xoa vào cần cổ gà, giới chơi gà gọi là làm mé. Cựa gà hơi nhụt qua những đòn đá vào đối thủ cũng được làm lại cho bén sắc. Sau đó con gà được thả đi thong thả trong một khoảng tròn. Đường kính chừng năm thước, chung quanh có che kín bằng lá cao độ bảy tấc. Đây là chiếc bồ tại trường gà, luôn luôn có sẵn, dùng làm nơi cho gà nghỉ ngơi sau mỗi hiệp giao phong. Đi thong thả trong bồ, gà phục hồi sức khỏe để lại sẵn sàng tái đấu trong hiệp sau. Dứt thời kỳ nghỉ ngơi, thời kỳ ngang om, gà nghỉ để làm nước một hiệp lại bắt đầu theo nhang kỳ, hai người cho nước lại thả đôi gà vào tái đấu. Sự thắng bại của con gà tùy thuộc rất nhiều ở người cho nước. Đây phải là người được tín nhiệm. Nhiều chủ kê không tin ai, tự đảm nhiệm công việc người cho nước để tránh những thủ đoạn gian lận hằng xảy ra. Thả gà Đây là giây phút quan trọng nhất của các chủ gà. Chủ gà hồi hộp, chủ gà hy vọng. Hơn thua nhau sẽ kể từ giây phút này, giây phút lợi hại và nguy hiểm đối với cả hai con gà. Theo thường lệ, và đây cũng là quy luật của giới chơi gà, hai con gà phải được thả cùng một lúc khi nhang kỳ bắt đầu, nhưng có thể một trong hai người thả gà, hoặc chính chủ nhân hoặc người cho nước, sơ xuất, chậm chạp, con gà sẽ bị ngay những đòn đầu tiên, có khi là những đòn chí mạng. Trong một thoáng sơ xuất và chậm chạp của người thả gà, đối phương sẽ lợi dụng xô ập ngay gà họ vào gà địch, giành quyền cho gà mổ đá trước. Con gà bị cắn đá bất ngờ đã chịu những đòn thật nặng, nhiều khi thật lợi hại, lợi hại có thể đến mức độ bị chém chết tại trận. Ở đây xin nói thêm, nếu chính chủ gà thả gà, ít khi xảy ra sơ xuất, sự sơ xuất, nhất là chậm chạp này chỉ có thể có với người cho nước. Đây cũng là một mánh khóe gian lận, có sự thông đồng giữa người cho nước với chủ gà địch. Các tay chơi gà luôn luôn đề phòng sự thông đồng tai hại này. Lúc thả gà cũng là lúc được mọi khán giả theo dõi. Lúc đó cả đấu trường im phăng phắc. Chỉ có hai người thả gà ngồi với hai con gà ở trong bồ cách một làn ranh thả gà, giới chơi gà gọi là chữ cong. Gà thả ra lần đầu ngay sau khi nhang kỳ đầu tiên rực đỏ. Hai người thả gà thủ thế buông gà. Hai con gà thần, một con nhảy lên đá buông địch thủ, địch thủ vừa né mình vừa quay trở lại. Đôi bên lừa những miếng hiểm nguy, ra những đòn ồ ạt, lúc công lúc thủ, lúc mổ lúc đá, lúc con nọ luồn dưới cánh con kia, lúc con này cắn đầu con nọ thật là ác liệt. Có những đòn đẫm máu vì cựa chém, có những đòn gió những chưởng võ lâm khiến địch thủ phải lùi trước những thế đá dũng mãnh. Hai con gà đều muốn hạ địch, đều muốn giành nước thắng, đều là thi thố hết tài ba của mình. Khán giả ở đấu trường vẫn im phăng phắc, theo từng nước từng đòn của mỗi con gà. Trong lúc này, những tay đánh cá nhắm theo gà để quăng tiền đánh cá thêm. Con gà nào thắng đòn, gây nhiều vết thương nguy hại cho địch, được nhiều khán giả nhận cá, họ quăng tiền ra ăn hai phân, ba, bốn hoặc năm phân tùy theo con gà đã thắng đòn nhiều hay ít. Con gà bị đòn, chủ nhân ắt rõ gà mình, không phải không còn có người bắt cá, trước hết chính chủ gà không bỏ lỡ cơ hội thua ít được nhiều. Đấu trường trước sự phóng, bắt gay cấn của các tay chơi cá, trở nên sôi nổi, khán giả tự thấy hào hứng vô cùng. Trong lúc ấy, hai con gà vẫn lao mình cấu xé mổ đá nhau. Nhìn những đòn đá hay, chủ gà càng khoái trá hãnh diện vô cùng. Trong khi các khán giả phóng, bắt, đánh cá, viên thư ký trường gà ghi rõ tên và số tiền để tránh mọi sự bất trắc về sau, cũng để căn cứ theo số tiền cá mà thu xâu. Nhang cháy hết hiệp đầu, hai người cho nước vội vã xông vào ôm gà ra. Sau thời gian nhang om, cặp gà lại tái đấu với những ngón đòn của đôi bên. Trận đấu càng kéo dài, đôi gà càng như mê đòn, lăn xả vào nhau như muốn mau hạ ngay kẻ địch. Có nhiều trận đấu gà, cả hai đấu thủ đều đồng tài đồng sức, và cả đôi bên đều có sức chịu đựng dẻo dai, đã kéo dài cả buổi không kết thúc. Lại có những độ gà, một con gà bị đòn nặng, chỉ chờ thua chạy, nhưng đây là một con gà vào loại gan lỳ, chết thì chết chứ không chạy, cứ tiếp tục trận đấu và chịu đựng những ngón đòn của địch cho đến cùng rồi chờ cơ hội, xuất kỳ bất ý, phóng ra một đòn vào chỗ hiểm của địch làm cho địch ngây ngất: sau đòn này, thêm những đòn khác, con gà đã chuyển bại thành thắng. Trong trường hợp này, những tay đánh cá vào con gà hơn đòn ăn chắc trăm phần trăm, đã nhiều người méo mặt. Phần hơn thua Có những trận gà hòa, không con nào chịu con nào, nhưng thường một trận gà có phân thắng bại. Gà sở dĩ bị thua hoặc vì trọng thương hoặc vì chết tại sân đấu. Thua cuộc vì trọng thương do: - Bị đòn nặng, chạy ngay trong ván đá. - Bị cựa địch đâm vào nhược điểm, chịu đựng không nổi phải bỏ chạy. - Bị nhiều ngón đòn trở nên thấm đòn hết sức chịu đựng. - Bị địch dùng cựa đá mù cả hai mắt. - Bị địch mổ mù cả hai mắt. - Bị chém vào chỗ hiểm, chân như bị khóa lại, đứng đá không được. Thua cuộc vì tử trận do: - Bị đối phương đá thủng sọ. - Bị đâm vào kẹt cần cổ. - Bị đá nặng và kẹt vào ba sườn. - Bị đâm vào hang cuâ thấu phổi Tại các hội quê, trong những trận đá giải, nếu cuộc đấu bất phân thắng thua, giải sẽ chia đều cho đôi bên.