Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Bệnh đường hô hấp

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - gà' bắt đầu bởi vnreddevil, 3/9/11.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Bệnh đường hô hấp
    Monique de Vrijer - www.aviculture-europe.nl

    Gà cũng bị cảm lạnh giống như người, và thường bị vào mùa thu hơn là mùa hè. Một cái hắt hơi hay ho thì chưa có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng phát triển thành nấc và ho liên tục. Tức gà của bạn đã mắc bệnh thực sự với đầu và mắt sưng húp. Với các nhà lai tạo, triệu chứng này được gọi là “sưng” (roup). Nhưng sưng là gì, và làm thế nào để gà của bạn phục hồi một cách nhanh chóng?

    Trước hết, có sự khác biệt giữa bệnh đường hô hấp mãn tính và cấp tính, và hai loại có tác nhân gây bệnh khác nhau.

    CRD
    CRD là từ viết tắt của Chronic Respiratory Disease (bệnh đường hô hấp mãn tính), còn gọi là “sưng mãn tính” (chronic roup) hay “Mycoplasmosis”. Bệnh gây ra bởi vi khuẩn Mycoplasma gallisepticum, viết tắt là Mg. Khuẩn này được phát hiện ở khắp nơi trên thế giới. Nó là loài tấn công gia cầm mạnh nhất; không chỉ gà mà còn gà tây, gà guinea, công và bồ câu. Chim hoang dã có thể mang mầm bệnh mà không phát bệnh.

    Mg có thể lây từ gà mẹ sang gà con thông qua trứng. Đây là cách lây truyền mạnh nhất. Mg cũng lây truyền bằng cách tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dụng cụ mang mầm bệnh.

    Mg là bệnh gia cầm rất phổ biến và hầu hết gà đều mang mầm bệnh hoặc ngã bệnh vào một thời điểm nhất định. Mặc dù gà không phải lúc nào cũng thể hiện dấu hiệu bệnh lý; cơ chế ngã bệnh cũng khá “phức tạp”. Nói một cách đơn giản, chừng nào mà sức đề kháng giảm, Mg có thể xuất hiện. Điều này có thể xảy ra vào thời kỳ thay lông hoặc thậm chí khi chăm sóc kém. Độ ẩm kém! Điều kiện vệ sinh và thông gió kém hoặc nuôi quá nhiều, kết quả lượng ammonia tích tụ và khiến mọi thứ trở nên tệ hại.

    [​IMG]

    Triệu chứng
    Gà có thể mang mầm bệnh Mycoplasma gallisepticum cho đến khi chúng bị căng thẳng vì nhiễm virus hay vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp khác, chẳng hạn như nhiễm Escherichia coli, IB (Infectious Bronchitis) hay NCD (Newcastle Disease). Khi kết hợp với một trong số những bệnh này, một dạng bệnh đường hô hấp nặng có thể xuất hiện.

    Vì vậy, cần hiểu rằng mức độ nặng nhẹ của bệnh phụ thuộc rất nhiều vào triệu chứng của các loại lây nhiễm khác.

    Nấc dồn dập thành tiếng, hắt hơi và ho. Chảy nước mũi và thậm chí nước mắt. Những triệu chứng khác như chán ăn, sụt ký và đẻ kém.

    Bởi vì gà cũng nuốt cả vi khuẩn nên tình trạng ngày càng nghiêm trọng. Phần trên của khí quản rất dễ nhiễm bệnh, nhưng một khi nhiễm nặng thì cả phần dưới lẫn phổi đều bị nhiễm bệnh.

    Khi gà bị nhiễm khuẩn Mg, bệnh sẽ kéo dài; gà bệnh sẽ bị di chứng cả đời. Một số gà chỉ thỉnh thoảng khò khè trong khi có con khò khè hoài suốt đời, nhất là khi bệnh không trị khỏi hoặc quá chậm trễ. Những con gà này luôn đi loanh quanh và phát ra tiếng rít như bình pha cà phê. Đặc biệt trong mùa nắng và oi bức, chúng đau đớn và bệnh rất nặng. Một số con cũng có giai đoạn phục hồi tốt, những con khác luôn có vấn đề, đặc biệt là những con gà to.

    [​IMG]

    Điều trị
    Cách tốt nhất là điều trị bằng thuốc; hầu hết đều có thể mua theo chỉ định của bác sĩ thú y. Bác sĩ sẽ gọi là “chẩn đoán” bởi chỉ có phòng thí nghiệm mới có thể xác định chắc chắn nguồn gây bệnh.

    Nếu bạn từng gặp bệnh này trước đây, bạn sẽ nhận biết triệu chứng rất nhanh. Nếu bạn không điều trị hay điều trị chậm trễ, bệnh này sẽ trở nên mãn tính theo chiều hướng luôn mang lại rắc rối.

    Tôi có một nguyên tắc là không bao giờ lai tạo gà có triệu chứng bệnh này từ khi còn non, bởi chúng có thể truyền bệnh qua trứng.

    Trong hình: những vệt phù nề xung quanh mắt và dịch tiết ra từ mũi và mắt hay thậm chí mắt không thể mở; các triệu chứng đặc trưng của bệnh đường hô hấp.

    Coryza
    “Sưng cấp tính” gọi là Coryza, gây ra bởi vi khuẩn Haemophilus paragallinarum. Bệnh này xuất hiện trên phạm vi toàn cầu và tấn công gà ở mọi lứa tuổi, dẫu vậy mức độ nhạy cảm giảm dần khi gà càng lớn.

    Gà có thể mang mầm bệnh và lây cho những con khác. Đây là bệnh lây nhiễm mạnh qua đường tiếp xúc trực tiếp, uống phải nguồn nước ô nhiễm và giao phối. Nó KHÔNG lây truyền qua trứng như Mycoplasmosis. Cũng như Mg, bệnh Coryza xuất hiện khi sức đề kháng giảm.

    [​IMG]

    Triệu chứng
    Gà nhiễm bệnh thường có biểu hiện lông xơ xác, dịch tiết ra từ mũi và mắt hoặc thậm chí có ghèn trong mắt. Mặt hơi sưng ở xung quanh mắt và tích, nhưng cũng có thể sưng nặng tùy thuộc vào mức độ nhiễm bệnh.

    Những phù nề này có thể thấy từ hai bên đầu, bởi xoang và mắt bị nhiễm khuẩn và sưng, thường thì thị trường cũng bị ảnh hưởng bởi sưng. Bệnh thường có mùi đặc trưng. Gà thường chán ăn và sụt ký. Ngưng đẻ trứng hoặc đẻ kém dần. Hơi thở khò khè và gà sẽ ủ rũ. Đa số trường hợp, vết sưng sẽ giảm dần sau 2 tuần. Khi bị nhiễm bệnh cơ hội, mọi thứ sẽ trở nên tệ hơn và gà mất nhiều thời gian phục hồi hơn. Bệnh cơ hội thường góp phần vào triệu chứng viêm đường hô hấp truyền thống chẳng hạn như khi kết hợp với Mycoplasma gallisepticum; loại sau có thể gây ra bệnh mãn tính.

    [​IMG]

    Điều trị
    Việc điều trị tương tự như Mycoplasmosis; nếu chẩn đoán bệnh Coryza, bác sĩ thú y sẽ kê đơn thuốc kháng sinh.

    Một số điều cần lưu ý
    Luôn cách ly gà bệnh bởi chúng lây nhiễm rất mạnh. Nhốt chúng ở nơi yên tĩnh và ấm áp. Gà có thân nhiệt khá cao và cần giữ cho ổn định. Bạn có thể tận dụng một số nguồn nhiệt, như chai nước nóng hay đèn sưởi, để gà bệnh không phải cố gắng duy trì thân nhiệt và tập trung năng lượng cho việc phục hồi sức khỏe. Bạn cũng cần lưu ý để gà có thể tránh xa nguồn nhiệt nếu muốn.

    Thuốc thường được bổ sung vào nước uống. Tuy nhiên, gà bệnh nặng đặc biệt là những con bị nghẹt mũi và không mở mắt được, sẽ không thể tự uống. Bạn cần hỏi bác sĩ thú y liều lượng để bón trực tiếp cho gà.

    Ngoài thuốc chữa bệnh, gà cũng cần được cung cấp thức ăn và nước uống. Đôi khi bạn chỉ cần đưa mỏ chúng vào máng thức ăn hay nước uống là đủ, nhưng đôi khi bạn phải bón cho chúng.

    Đấy cũng là lý do mà bạn phải hỏi bác sĩ loại dầu bôi chống sưng và nhiễm khuẩn; nó sẽ giúp gà mau phục hồi, để chúng có thể tự ăn uống được.

    Dĩ nhiên gà sẽ phục hồi nhanh hơn khi bạn để ý và chữa trị ngay khi mới bắt đầu nhiễm bệnh.

    Dẫu mất nhiều thời gian để gà phục hồi, và thậm chí trông còn xơ xác, hãy đừng từ bỏ hy vọng một cách dễ dàng, bởi vì với việc điều trị thích hợp, cả hai loại viêm nhiễm này sẽ phục hồi tốt.

    Thông báo cho bác sĩ nếu có nhiều gà ngã bệnh cùng lúc; sẽ khôn ngoan nếu chữa trị tất cả cùng lúc.

    Ngoài điều trị, việc giữ vệ sinh cũng vô cùng quan trọng! Cả hai loại khuẩn này không quá mạnh mẽ và có thể bị tiêu diệt bởi ánh sáng, sự khô ráo và qua việc cọ rửa, sát trùng.

    [​IMG]

    Kết luận
    Rất nhiều trường hợp chúng ta thấy có người mua gà mới về và nhiều ngày sau đó phải đối mặt với một số con bị bệnh “sưng”. Điều thường xảy ra là gà mua từ cửa hàng, nơi nuôi nhốt nhiều loại gia cầm khác nhau trong một không gian chật hẹp, chăm sóc kém khiến cho gà bệnh và gà yếu luôn tiếp xúc với nhau.

    Đưa gà về nơi ở mới sẽ gây ra căng thẳng, căng thẳng dẫn đến suy giảm đề kháng. Vì vậy gà sẽ cực kỳ nhạy cảm và nhiễm bệnh. Bạn nên cách ly gà mới mua về một thời gian. Luôn tốt nếu bổ sung vitamin, đặc biệt là vitamin C giúp giảm stress và tăng sức đề kháng.

    ------------------------------------------------------------------------------------------------------

    Ghi chú (vnrd)
    *Phòng bệnh đường hô hấp bằng tỏi.
    http://sonongnghiep.bentre.gov.vn/c...-bnh-viem-ho-hp-man-tinh-crd-tren-gia-cm.html

    *
     
    Chỉnh sửa cuối: 6/9/11
  2. carom

    carom Active Member

    nhân đây a VNRDV nói về bệnh hô hấp, mình chia sẻ thêm tý kinh nghiệm về bệnh hô hấp.
    Mình có con gà tre 800g bị sổ mũi, khò khè chắc đc hơn 1 tháng, uống thuốc tây của người đủ loại mà kg hết, bữa bị khò nặng quá mặt mày tím tái, mồng mặt lạnh ngắt, đi đứng loạng choạng như thằng say té qua té lại. Mình sợ quá chạy ra 28c Mạc Đĩnh Chi mua thuốc, đc bà chủ tư vấn 1 mua 1 lọ kg nhãn mác (bà ta nói chiết ra từ thuốc ngoại, lọ 10cc/70k), tối về nhỏ 4-5 giọt thì sáng ra gà tỉnh liền mặc dù trước đó tưởng kg qua nổi đêm nay^^
    Đến nay uống đc 4 lần thì gà đã hết khò, tuy vẫn còn sổ mũi nhưng thấy mũi đã khô -> gà đã hồi phục 60-70% sức khỏe, vậy ae nào có gà bị trường hợp như mình có thể ra đó mua về sd thử, trước mình hay mua thuốc thú y của thằng cha ở chợ GV, mà cha đó toàn bán thuốc gì đâu (chắc tay nghề yếu^^)
    mùa này mùa mưa bão nên gà dễ bị vấn đề về hô hấp, ae chú ý giữ ấm gà là ok.
     

Chia sẻ trang này