Betta sp. Mahachai: loài đang bị đe dọa tuyệt chủng Gerald Gardner – http://bettysplendens.com/articles/page.imp?articleid=1039 Chương trình bảo tồn cá hoang dã của IBC – SMP (Species Maintenance Program). Loài Betta sp. Mahachai đang trong tình trạng bị đe dọa tuyệt chủng, cần phải có phản ứng ngay lập tức. Chương trình bảo tồn cá betta hoang dã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc duy trì một số lượng cá nuôi nhất định để làm giảm nhu cầu đánh bắt cá hoang dã phục vụ cho thị trường cá cảnh. Bằng nỗ lực của mình, chương trình hân hạnh công bố rằng chúng tôi có khả năng phân phối những cặp cá được lai tạo trong hồ nuôi (tham khảo website của chúng tôi tại http://www.ibc-smp.org) của loài này cho những nhà lai tạo muốn tham gia vào chương trình bảo tồn. Các điều kiện để sở hữu những cặp cá này được liệt kê dưới đây: - Cá sẽ được phân phối thông qua việc quyên góp tình nguyện, cộng thêm phí vận chuyển. Số tiền quyên góp phụ thuộc vào khả năng của bạn khi tham gia vào chương trình. Tất cả tiền quyên góp sẽ được dùng vào việc mua thêm cá để phân phối với cùng một cách thức (lưu ý, trường hợp phải mua cá thì chương trình sẽ phân phối cá với giá cá cộng thêm số tiền quyên góp tự nguyện, xin nhắc lại rằng số tiền quyên góp tùy thuộc vào khả năng mà bạn có thể tài trợ cho chương trình). - Số cá mà chúng tôi gửi đến có kèm theo trách nhiệm cá nhân. Nhà lai tạo phải ghi chép dữ liệu liên qua đến cá và đóng góp cá con trở lại vào ngân hàng cá của chương trình bảo tồn. Số lượng cá góp về là 20% bầy cá hay 10 cặp tùy nhà lai tạo chọn. Phần cá còn lại thuộc về sở hữu của nhà lai tạo, họ có thể buôn bán, trao đổi hay tặng cho những nhà lai tạo khác tùy thích. Dù sao đi nữa, với chương trình bảo tồn này chúng tôi không hề có ý định khai thác loài cá đang bị đe dọa tuyệt chủng để kiếm lợi. Giới thiệu Xin nhấn mạnh rằng tình trạng hiện tại của loài cá đá Mahachai là rất ngặt nghèo, chủ yếu bởi vì chúng phân bố trong một vùng rất nhỏ, nơi không loài betta hoang dã nào có thể tồn tại và đang bị thu hẹp bởi sự phát triển kinh tế và công nghiệp, và bởi vì loài chưa được mô tả một cách chính thức nên không được hỗ trợ bảo vệ. Do vậy, chúng có khả năng bị tuyệt chủng trước khi được công nhận là một loài chính thức. Tranh cãi liên quan đến loài Mahachai có thực sự là một loài? Một số người cho rằng Mahachai là loài lai tạp giữa cá thuần dưỡng với những loài cá hoang dã khác như imbellis, hay giữa cá thuần dưỡng với Betta splendens hoang dã. Mặc dù có những tuyên bố như vậy, nhiều người vẫn tin rằng Mahachai là một loài thực sự bởi vì không có loài betta hoang dã nào có thể sống trong môi trường khắc nghiệt đến như vậy. Mahachai được phát hiện trong vùng nước chịu ảnh hưởng bởi thủy triều, bị ngập mặn hàng ngày, một môi trường mà không có loài betta hoang dã nào thuộc nhóm splendens tồn tại. Người dân địa phương gọi Mahachai là “plakat xanh” trong khi cá plendens hoang dã được gọi là “plakat đỏ” và họ lưu ý rằng, cả hai không bao giờ được phát hiện ở cùng một địa điểm. “Plakat xanh” sống ở vùng nước lợ trong khi “plakat đỏ” sống ở vùng nước ngọt. Vùng phân bố của Betta sp. Mahachai hoàn toàn bị bao bọc bởi Betta splendens nhưng chúng vẫn duy trì được đặc điểm di truyền của mình. Điều này đủ để chứng tỏ đó là một loài riêng biệt. Tình trạng của loài Mahachai Tình trạng của loài Mahachai rất dễ hiểu. Vùng Mahachai chỉ cách Bangkok nửa tiếng đi xe nên dĩ nhiên nó sẽ phát triển. Nó nằm trong vịnh Thái Lan và thường bị ngập lụt bởi con sông Tha Chin. Nói một cách chính xác thì đó là vùng đầm lầy nước lợ. Hiện tại vùng Mahachai đang phát triển mạnh mẽ, điều khiến loài betta hoang dã địa phương sẽ đi đến chỗ tuyệt chủng. Các đầm lầy nơi chúng sinh sống sẽ bị san lấp để xây nhà xưởng, đồng muối và trang trại nuôi tôm. Cơn lũ quan trọng cũng bị khống chế khiến chu kỳ tự nhiên bị đảo lộn. Các nhà xưởng khiến cho nguồn nước bị ô nhiễm và làm biến đổi môi trường tự nhiên ỏ đầm lầy. Cá “plakat xanh” cũng trở nên rất phổ biến và được khai thác quá mức từ môi trường tự nhiên. Bên cạnh những đe dọa này, Nonn còn cảnh báo rằng có hai loài ngoại lai ảnh hưởng đến chúng là cá bảy màu Poecillia reticulata và cây thủy sinh waterfern Azolla sp. Nonn chính là người đầu tiên phát hiện cá Betta sp. Mahachai trong môi trường hoang dã nơi anh cũng phát hiện thấy sự bùng phát của loài Azolla và anh cho rằng nó góp phần vào sự tuyệt chủng của cá Mahachai dựa trên một thực tế rằng cá không thể bơi lên mặt nước vì lớp Azolla mọc dày bên trên. Nhờ những nỗ lực của Nonn Panitvong mà loài Betta sp. Mahachai đến được bàn tay khéo léo của Ralph Tran, người đã lai tạo và phân phối loài cá này đến hàng loạt các nhà lai tạo trên toàn thế giới. Như Nonn phát hiểu “loài cá này có lẽ chỉ có thể tồn tại trong lọ nuôi”, và thật không may, điều đó có thể xảy ra với loài này, tức chúng sẽ tuyệt chủng ngoài tự nhiên trước khi được công nhận. Ít ra, loài này cũng tồn tại trong môi trường nuôi dưỡng bởi rất nhiều nhà lai tạo quan tâm đến chúng. Mahachai trong hồ nuôi Nuôi cá “plakat xanh” (Betta sp. Mahachai) trong môi trường nhân tạo không khó. Ngoài môi trường tự nhiên, chúng sống trong nước có độ pH cao đến 7.8 và cứng, tức có muối. Chúng là loài cá mạnh mẽ và có thể thích nghi với các loại môi trường khác nhau. Hầu hết nước máy ở Mỹ đều thích hợp để nuôi loài cá này, chỉ cần khử clor và thêm vào một nửa muỗng cà phê muối mỗi 3.8 lít (gallon). Nuôi dưỡng Có thể nuôi một cặp cá trong hồ dung tích 45 lít, hồ lớn hơn có thể nuôi nhiều cặp. Trong môi trường thích hợp tức có nhiều cây thủy sinh và điểm trú ẩn như chậu trồng cây hay những loại hang hốc khác, cặp cá sẽ lên màu rất đẹp. Cá cái có thể lên màu tương đương với cá đực. Khi sinh sản, tốt nhất nên nhốt riêng từng cặp và cho chúng sinh sản tương tự như cách áp dụng với cá splendens, ngoại trừ việc không cần phải cách ly cá cái. Nhiệt độ thích hợp từ 26 đến 30 độ C. Có thể tăng nhiệt độ lên vài độ để kích thích cá sinh sản. Sinh sản Đây là loài làm tổ bọt thuộc nhóm splendens, vì vậy sinh sản cũng tương tự như các loài cá betta hoang dã khác ngoại trừ tổ bọt hơi nhỏ. Theo kinh nghiệm của tôi, cá đực bố trí trứng trên một tổ bọt tạm ngay cạnh “khu vực sinh sản” cho đến khi hoàn tất, sau đó nó sẽ đuổi cá cái đi và di chuyển trứng vào tổ bọt nằm trong vùng sinh sản. Cá cái cũng xuất hiện các vạch đứng trước khi và trong thời gian sinh sản, và cũng lên màu tương tự như cá đực. Cá cái tiến đến với tư thế đầu chúc xuống và cả hai cuộn lấy nhau như cách của cá splendens. Tôi nhận thấy cá cái kẹp vây bụng để trứng khỏi rớt vì vậy cá đực có thể thu trứng ngay trên vây bụng của nó. Thời gian ấp trứng cũng như splendens và cá con bơi tự do sau từ 4 đến 5 ngày. Cá bột được nuôi bằng ấu trùng artemia và lớn rất nhanh. Kết luận Theo tôi, đây là một trong những loài betta hoang dã xinh đẹp nhất. Loài này đang lâm vào tình trạng nguy cấp và sự tuyệt chủng dường như là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh vấn nạn ô nhiễm, những loài xâm lấn, môi trường bị hủy hoại và khai thác quá mức để phục vụ thị trường cá cảnh, có một thực tế rằng đây chưa phải là loài chính thức nên không được quan tâm bảo vệ, chúng có rất ít hi vọng tồn tại. Có vẻ như dự đoán của Nonn có thể trở thành sự thật.
Lại một lần nữa hân hạnh là người đầu đọc bài dịch của Anh Rất cám ơn Anh VNRD về bài dịch. Mong rằng loài cá trên đừng đứng trên bờ tuyệt chủng.
Loại này có phải là cá Lia thia đồng mang xanh mà anh Vnreddevil phải cất công đi vớt ở miền Tây không ạ?
Theo e thì không fải đâu anh nhixuan ơi vì con này dáng người và vây cũng khác con lia thia mang xanh mà.
Có ai trên đây sống vùng nước lợ cho biết là cá lia thia tại địa phương nhìn có giống cá Mahachai không ? cá lia thia bị tình trạng đô thị hóa đe dọa khắp nơi . Trước đây tại các kênh rạch trong SG cũng còn cá lia thia theo lời các người lớn tuổi . Ở Cần Thơ cũng vậy nay thì tuyệt tích . Vùng ven sông SG vẫn có người đi bắt rắn mưu sinh không biết chỗ này còn cá lia thia sống trong không ?
@nhixuan: cá mahachai chỉ có ở vùng ngoại ô Bangkok thôi, loài lia thia mang xanh ở Việt nam là loài khác, Betta imbellis. @dthong: mình nghe nói ở những vùng như Bạc Liêu và Cà Mau cũng có cá lia thia, có khả năng nước ở đấy là nước lợ. Vùng ngoại ô Sài Gòn như Bình Chánh trước đây có rất nhiều cá lia thia, bây giờ không còn cá nhưng nếu có thì là cá mang đỏ.
Hy vọng một ngày nào đó chúng ta sẽ lai tạo được một loài betta mang nhãn hiệu VN hen.Betta Mahachai đang bị đe dọa tuyệt chủng mà quốc tế còn quan tâm bảo vệ , cá lia thia đồng seo không thấy ai lên tiếng bảo vệ ta!. Mai mốt tụi nó tiệt chủng thì sao không biết nữa!
Betta sp. Mahachai cũng như Betta BungBinh ở Việt Nam và rất nhiều loài cá khác đang đi đến bờ vực tuyệt chủng . Điều này dường như là điều không thể tránh khỏi khi môi trường sống của chúng lần lần biến mất. Gã Nhà Quê nghĩ đó là điều tất yếu không chỉ với loài cá mà còn rất nhiều loài sinh vật khác. Làm sao khác hơn được khi dân số thế giới tăng liên tục không ngừng, các thành phố đua nhau mọc và không có dấu hiệu chậm lại. Ngay cả không gian sống của con người ngày càng thu hẹp huống chi là của các loài hoang dã. Dù sao cũng có một điều an ủi là các nhà lai tạo cũng đã và đang tạo ra các loài mới đó chứ. Dĩ nhiên làm sao phong phú và kỳ diệu bằng thiên nhiên được, bởi vì để làm được điều đó, thiên nhiên phải cần đến hàng ngàn năm.