Thế nào là hợp cách giữa màu lông và màu chân gà chọi BaLoi - www.ganoi.com Bài nghiên cứu và đóng góp cho Hội Gà Nòi Việt Nam do bác Ba Lợi biên soạn. I. Vài lời mở đầu Có nhiều tranh cãi và ngộ nhận về việc so sánh "khập khiễng" khi chọn màu hợp cách giữa màu lông ở trên thân mình gà và màu vảy ở quản gà. Câu hỏi thường được dân chơi gà chọi đặt ra là "Thế nào mới là hợp cách?". Những người mới tập tễnh chơi gà chọi thì lại càng rối trí hơn về các tên gọi màu sắc lông khác nhau giữa gà đòn và gà cựa, giữa các địa phương gọi tên màu lông khác nhau. Do đó nếu xem lại trong Văn chương truyền khẩu chúng ta có một số câu ca dao đúng và một số câu ca dao sai do hiểu lầm hay không dựa trên cơ sở của Ngũ Hành mà ra. Thí dụ: "Gà ô chân trắng mẹ mắng cũng mua. Gà trắng chân chì mua chi thứ ấy" Câu ca dao trên hoàn toàn đúng vì dựa vào căn bản của Ngũ Hành. Còn trong thí dụ dưới: "Xám chân vàng cả làng mất váy" Câu này tuy không hoàn toàn sai nhưng màu lông gà Xám được nhận xét 1 cách phổ quát tức là bao gồm cả Xám khô, Xám hồng (trong Nam gọi là Xám Điều hay Xám son), Xám sắt. Sự nhận xét này không dựa vào căn bản Ngũ Hành một cách xác thực mà chỉ dựa vào kinh nghiệm của một vài cá nhân, sự kiện xảy ra nên không có tính thuyết phục. Bài viết tham khảo này hy vọng làm sáng tỏ phần nào cách phối trí giữa màu lông và màu chân gà để định nghĩa cho sự hợp cách trong môn chơi gà chọi. Theo định nghĩa thông thường ta có 5 sắc lông : Ô, Xám, Điều (Tía), Nhạn và Vàng (gà Cú và và Chuối cũng được xếp trong hạng này). Ngày nay khi xét đến sắc lông rất có nhiều phức tạp do những màu sắc mới được pha cản và cho ra những cái tên như Khét, Sữa, Bướm,vv... Do đó làm thế nào để xác định cho đúng màu lông của con gà để định vị trong Ngũ Hành cho nó ? II. Phân định màu lông theo Ngũ Hành. Muốn phân định màu lông 1 cách chính xác chúng ta phải nhìn vào lông mã và lông bờm cổ của gà để xác định chứ không dựa trên lông ở thân hay đuôi gà. Đó chỉ là màu lông phụ để gọi cho dễ nhận diện con gà mà thôi. Thí dụ con gà có lông ức, lông đùi, lông cánh, lông đuôi màu đen nhưng lông mã và lông bờm cổ màu đỏ thì ta gọi là con gà Ô Tía hay Tía chứ không gọi nó là gà Ô được. Tuy chữ Ô đọc trước chữ Tía nhưng Ô không phải là màu lông chính mà là lông Tía là màu chủ đạo để định màu trong Ngũ hành. 1. Gà Ô - mạng Thuỷ - đây là con gà có lông mã và bờm cổ màu đen, bất luận là mã kim hay mã tre hay mã lại. Con gà Ô hợp cách theo thứ tự các màu vảy sau đây: màu trắng, kế đến là đen và sau cùng là màu xanh hay màu chì (màu chì còn được gọi là màu da đá do màu đen pha với trắng hay xanh mà ra). Những màu sau đây được xem là không hợp cách : đó là màu mây ráng đỏ do màu chân vàng pha màu đỏ bên trên vảy như màu mây. Thứ đến là màu chân vàng. Ô Mã lại hợp cách chân đen. 2. Gà Xám - mạng Mộc - đây là con gà có lông mã và bờm cổ có màu xám khô, xám bẩn hay xám mã lại. Con gà Xám có màu lông này sẽ hợp các màu chân sau đây: màu chân đen, màu chân xanh, chì và sau cùng là màu chân vàng mây có pha ráng đỏ. Những màu chân sau đây được xem là không hợp cách : đó là màu chân vàng và màu chân trắng. Trong câu ca dao ở trên "Xám chân vàng cả làng mất váy" ý muốn nói đến Xám tuyền mạng mộc. Còn những màu lông xám khác như Xám hồng hay Xám son thì màu chân vàng lại được xem là hợp cách vì màu lông chủ đạo của xám hồng là màu đỏ (tía) chứ không là xám nữa nên sự hợp cách thay đổi theo Ngũ Hành, vì trong trường hợp này lông Xám chỉ là tên gọi để nhận diện mà thôi. Riêng màu lông Xám sắt tức là gà Xám có lông mã và lông bờm cổ màu đen. Nếu lông mã và bờm cổ chỉ pha lẫn ít lông đen thì được gọi là Xám bẩn. Gà Xám bẩn chính là mạng Mộc nên rất kỵ màu chân trắng. Nhưng nếu gà Xám có mã và bờm cổ đen hoàn toàn thì đây là Xám Sắt chinh hiệu hay gọi cho đúng màu lông là Xám Ô thì chân trằng lại đúng mạng và hợp cách. (phần này để giải thích cho câu hỏi của bạn HoaSontay ở phần dưới) Xám sắt (Xám Ô) hợp cách chân Xanh. 3. Gà Điều - mạng Hoả - đây là con gà có màu chiếm đại đa số trong các màu lông của gà chọi. Gà điều có lông mã và bờm cổ màu đỏ rực hay màu đỏ mật. Có nơi như ngoài Bắc hay miền Trung thì gọi đây là gà Tía. Còn trong miền Nam thì thường gọi là lông điều, riêng dân chơi gà cựa còn tuỳ theo màu lông cánh, đuôi, ức mà gọi con gà những cái tên nghe rất lạ là Khét, Que,... như đã nói đến ở trên những màu lông này chỉ là phụ và giúp nhận diện màu lông con gà dễ dàng hơn mà thôi. Nếu những con gà khét, que này có mã và bờm cổ màu đỏ thì vẫn là gà mang mạng Hoả. Những màu chân sau đây được xem là hợp cách: chân xanh, chì, chân vàng mây có ráng đỏ và sau cùng là chân vàng. Những màu chân sau đây được xem là không hợp cách: chân trắng và chân đen. Gà Điều hợp cách chân xanh. 4. Gà Vàng - mạng Thổ - con gà có lông vàng ít được chuộng vì hay bị nhầm lẫn cho là màu lông gà Tam hoàng, gà tàu là loại gà thịt. Tuy nhiên có những loại màu lông khác cũng được xếp hạng là gà mạng Thổ đó là gà cú, gà bịp là tiếng ngoài Bắc gọi gà lông ó mã lại, gà có màu lông chuối trắng hay chuối vàng. Gà mạng Thổ thì hợp với các màu chân sau: chân vàng có ráng mây đỏ, chân vàng và chân trắng. Những màu chân sau đây được xem không hợp cách với con gà mang mạng Thổ: đó là màu chân đen và chân xanh hay chì. Con gà mạng Thổ không hợp cách. Khi xét màu lông vàng thổ và màu lông điều đỏ thì nhiều người hay lẫn lộn và gọi một cách "vô thưởng vô phạt" là Tía đỏ hay Tía vàng - nghe buồn cười và sai lạc hoàn toàn về màu sắc. Đã là Tía thì dĩ nhiên là đỏ và không phải là màu vàng. Khi xét màu lông mà không xét kỹ là đỏ hay vàng, cứ cho là lông màu Tía tràn phát rạ thì dễ xảy ra sự nhầm lẫn, chẳng hạn như chân trắng thì hợp với con gà mạng Thổ lông vàng, trong khi con gà Tía mạng Hoả thì lại không hợp cách với màu chân trắng. 5. Gà Nhạn - mạng Kim - gà nhạn là gà có màu mã kim và lông bờm cổ màu trắng. Một điều lý thú là rất ít khi thấy gà nhạn lông mã mái. những con gà có màu lông bướm, khét sữa, vv... nhưng nếu lông mã và bờm cổ màu vàng như gà chuối đều được xem là gà có mạng Thổ. Gà Nhạn hợp cách với màu chân như sau: chân vàng, chân trắng và chân đen. Những màu sau đây được xem là không hợp cách: chân xanh và chân vàng mây có ráng đỏ. Nhạn hợp cách chân vàng. III. Kết Luận Bài tham khảo này chỉ đưa ra một góc độ nhỏ, đó là cách xét màu lông và màu vảy chân sao cho hợp cách. Phương pháp xét màu cho hợp cách ở trên ở trên đều dựa trên căn bản của Ngũ hành tương sinh và tương khắc. Ở đây chúng ta chỉ đưa ra những cách ghép màu sắc cho hợp với phương pháp của Ngũ hành để thấy sự hài hoà theo lẽ tự nhiên. Sự hợp cách này không có nghĩa tuyệt đối và cũng không có nghĩa sẽ mang lại kết quả thực tiễn là sẽ mang về chiến thắng hay chiến bại khi đem gà ra sới. Những yếu tố về màu sắc như màu lông, màu vảy ở chân, màu mỏ và màu mắt đều là do yếu tố di truyền từ những con gà gốc (gà nọc) đã được truyền xuống cho các thế hệ sau qua việc phối giống. Ngoài việc phối giống cho hợp cách về màu lông và màu vảy ở chân, người nuôi gà chọi phải hiểu biết và ứng dụng những yếu tố khác quan trọng hơn trong di truyền học đó là cách chọn gà về đòn lối, thế đá, thể lực và hình trạng để mang lại kết quả khả tín và cho ra những chiến kê xuất sắc hơn.
Ghi chú *Hợp cách của màu lông và màu chân là quan hệ "tương sinh". Dường như màu lông là trung tâm của mối quan hệ này. Chẳng hạn trong câu “Gà ô chân trắng mẹ mắng cũng mua. Gà trắng chân chì mua chi thứ ấy” thì tất cả đều là quan hệ tương sinh: "kim sinh thủy", nhưng ở vế đầu màu lông là sinh nhập (được lợi) nên "mẹ mắng cũng mua", còn ở vế sau màu lông là sinh xuất (mất công lực) nên "mua chi thứ ấy". *Quan hệ tương khắc hiển nhiên là không hợp cách, chẳng hạn “Xám chân vàng cả làng mất váy”. *Tóm lại, quan hệ giữa màu lông và màu chân như sau: màu lông sinh nhập, màu chân sinh xuất (hợp cách), màu lông sinh xuất, màu chân sinh nhập (không hợp cách), màu lông khắc màu chân và ngược lại (không hợp cách), màu lông và màu chân như nhau (bình hòa). Một lần nữa chúng ta lại thấy quan điểm tương tự như "vận tam lâm" trong Kê kinh: sinh xuất, khắc nhập và khắc xuất là kiêng kỵ, cần tránh. *Những con gà sau đây được gọi là hợp cách: gà ô chân trắng (kim sinh thủy), gà xám chân chì (thủy sinh mộc), gà điều hay tía chân xanh (mộc sinh hỏa), gà nhạn chân vàng (thổ sinh kim). Bởi không có màu chân đỏ nên chẳng thể có gà vàng chân đỏ (hỏa sinh thổ). Tóm lại, chẳng có con gà vàng nào được gọi là "hợp cách", khả năng tốt nhất là gà vàng hoặc ó chân vàng (bình hòa). *Sinh khắc theo màu chân: có tổng cộng 5 màu, vàng [thổ], trắng [kim], chì [thủy], xanh lục và xanh dương [mộc]. Xanh dương và chì là một xét về mặt di truyền, bởi vậy có rất nhiều con được gọi là "chân xanh" trên thực tế có thể xếp vào chân chì. Xanh lục bắt nguồn từ gà rừng đỏ (red jungle fowl), bằng cách nào đó nó lẫn vào máu gà Mỹ rồi sang gà nòi Việt; màu này hầu như không xuất hiện ở gà đòn hoặc nếu bạn có thấy phảng phất ở đâu đó thì có lẽ do người ta bôi nghệ! Tính ra thiếu màu đỏ [hành hỏa] mà lại dư một màu xanh [hành mộc]. Đây là lý do người ta không thể xây dựng một lý thuyết màu mạng hoàn chỉnh dựa vào màu chân. Màu chân chỉ nên coi là yếu tố phụ, dùng đến khi xét “hợp cách”. *Bản thân màu lông cũng có nhiều quan điểm khác nhau: Kê kinh coi màu ở thân là màu chính, chẳng hạn như con gà chuối thuộc hành thủy (chứ không phải hành kim). Gà điều hành hỏa là ngoại lệ và cũng là điểm mâu thuẫn của Kê kinh. Hầu hết các môn phái màu mạng dân gian lấy màu lông bờm, lông mã làm màu chính, như vậy con gà chuối thuộc hành kim. Trong bài viết ở trên tác giả cố gắng chứng minh cách gọi "xám son" là không chính xác mà phải là "điều xám" và như vậy thì con này hành hỏa hoặc thổ (tùy tông màu của bờm) chứ không phải hành mộc!