Làng gốm cổ và giống gà chọi giá trăm triệu Bùi Lương Việt - http://bee.net.vn Từ lâu, người ta biết đến làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên- Bắc Giang với làng nghề làm gốm, nhưng ít ai biết rằng nơi đây còn là một làng nuôi và chơi gà chọi, sự nổi tiếng không chỉ ở trong ở trong nước mà còn bay ra cả nước ngoài. Nhiều gia đình nơi đây đã đổi đời, bởi có những con gà có giá tiền lên đến 18- 20 triệu đồng, thậm chí có con lên đến cả 60-70 triệu đồng, bằng cả gia tài của một người nông dân nơi đây. Nhà nào ở Thổ Hà cũng có gà chọi Mê gà như "lên đồng" Ngày nào cũng vậy, khi bước chân đến làng Thổ Hà người ta bắt gặp những đám đông đang vòng trong vòng ngoài, tụ tập dưới những tán cây lớn hay ở sân đình để chứng kiến những trận đá gà đang vào hồi gay cấn bất phân thắng bại. Hầu như gia đình nào ở đây cũng nuôi gà chọi, họ nuôi để đem đi thi đấu để xua tan những phút giây lao động mệt nhọc. Họ mê gà đến quên ăn, quên ngủ và nhất là mỗi khi có gà nơi khác về thách đấu. Bất kể già trẻ lớn bé, trai hay gái, mỗi khi nói về gà thì như phải “lên đồng”. “Đầu tiên phải chọn giống cho tốt, để sau này trong đàn tìm lấy một, hai con để “hồ” thành gà chiến. Với một chế độ chăm sóc đặc biệt theo một công thức riêng của từng người. Nhưng có lẽ để nuôi được một con gà đúng theo sở thích của mình thì chủ gà cũng bận và mệt hệt như đi.. cày”- ông Nguyễn Đức Quân- một lão nông cho biết. Thông thường, một chú gà chọi từ lúc nở ra đến lúc bước vào giai đoạn huấn luyện thường là 6 tháng. Đây là thời kỳ đầu tiên để những lão nông có thể “hồ” thành những chú gà chọi chuyên nghiệp để có thể lên sới và thi đấu được. Giai đoạn này, được gọi là “om trường” - đây là thời gian vất vả nhất - ngày ít nhất ba lần, những người chăm gà phải dùng củ nghệ, lá chè xanh đun sôi, vỗ và mát xa cho gà. Làm sao cho da gà được săn chắc và dày nhất để khi vào cuộc chiến, đối phương có mổ hay đá chúng cũng không hề hấn gì. Sau giai đoạn “om trường” là đến thời kỳ là đến thời kỳ vần gà. Đây là giai đoạn hàng ngày gà bắt đầu được tập các bài tập làm quen chuẩn bị đưa đi nghênh chiến. Tiếp theo là đến giai đoạn vần đòn, đây là giai đoạn gà được lên sới thi đấu. Vì thế, khi bước đến làng thế nào mọi người cũng được xem những trận đá gà bởi đây hầu hết là những những con gà đang trong quá trình “vần đòn” được các lão nông đem ra thách đấu. “Vần đòn” như thế này, những lão nông biết được những con gà nào có miếng đánh đẹp, đầy uy lực để rồi từ đó họ bổ sung những kinh nghiệm chăm sóc cho người chủ gà. Theo gia phả làng nghề và những hiện vật khảo cổ, gốm Thổ Hà có từ thế kỉ 12 và là một trong ba trung tâm gốm sứ cổ xưa nhất của người Việt, bên cạnh Phù Lãng và Bát Tràng. Gà được phân chia rất nhiều lối đánh khác nhau nhưng thông thường có mấy kiểu đánh được người chơi gà quen gọi, đó là lối đá Hầu dọc ( đá chuyên vào yết hầu), đá Kềng (đá vào hai đầu cánh), đá Mé (đá hai mang tai), đá Rong trâu (đá vào gáy)… Đến những chú gà xuất ngoại… Sau đó, những cặp gà này được các chủ gà xem, con nào có cùng lối (cùng kiểu đánh) với gà mình và con nào khác lối (khác kiểu đánh) để tìm các lên lịch để tổ chức cho gà đi “vần đòn”. Ban đầu, họ đến xem và đưa ra cả những lời thách đấu. Vì vậy, tại nơi đây không hiếm có những trận đá gà hay, mọi người từ khắp nơi yêu thích thú chơi tao nhã này thỉnh thoảng đi ô tô, xe máy .. tìm về để xem các cặp gà thi đấu. Hầu hết, những khách hàng về đây đều thích những con gà được bàn tay người dân nơi đây chăm sóc, theo họ các lão nông nơi đây rất có nghề. Con gà nào được các lão nông chọn thì họ khỏi phải suy nghĩ vì chúng đã được tuyển bởi các con mắt rất tinh tường. Mấy năm trở lại đây nuôi gà chọi đã trở thành nguồn thu nhập chính của rất nhiều gia đình. Khách khắp nơi từ Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… lên, Quảng Ninh, Lạng Sơn tìm xuống, thậm chí có năm còn có gà ở cả nước láng giềng Trung Quốc, Campuchia, Lào tìm sang để xin được thi đấu và mua bằng được những con gà có nguồn gen tốt nơi đây. Gà được bán với giá từ 10- 20 triệu đồng bây giờ không còn chuyện hiếm ở làng nữa. Rất nhiều gia đình nơi đây có những con gà đã được khách nước ngoài trả đến 100 triệu đồng mà vẫn chưa … bán. Con gà có giá cao nhất đang nắm giữ “kỷ lục” ở làng là con gà của lão nông Trịnh Xuân Việt. Đây là con gà theo anh Việt và những người dân trong làng có miếng đánh hầu dọc cực hay. Kể từ khi bước ra sới, chưa lần nào nó chịu thất bại. Có một kỷ lục nữa mà nó đang nắm giữ là có trận đánh suốt hơn một ngày với đối thủ đến từ Trung Quốc, hai con quần thảo bất phân thắng bại, đá từ đầu giờ sáng cho đến tận tối, phải thắp đèn điện lên để chiến đấu tiếp. Chúng chinh chiến hăng máu đến nỗi, nhiều người xem mệt quá cuối cùng phải bỏ về. Cuối cùng, phần thắng đã nghiêng về chú gà này. Bằng miếng đá hầu dọc sở trường của mình, nó đã khiến đối thủ đến từ Trung Quốc phải đo ván.
Phóng sự: Về Thổ Hà xem gà chọi... nghìn “đô” Người giữ gen gà chọi dòng Tây Sơn Nguyễn Văn Trang - http://www.baobinhdinh.com.vn/Butkyphongsu/2008/8/64405/ Hội thi Chọi gà Dân gian 2008 diễn ra tại Trường gà Quy Nhơn (khu vực 5, phường Ghềnh Ráng) đầu tháng 8 vừa qua, đã thu hút đông đảo người mê gà chọi tham gia. Trong thời gian diễn ra hội thi, người ta luôn thấy một người đàn ông đi sớm về muộn, chạy đi chạy lại lo đủ việc. Đó là ông Lê Công Thành, một người nuôi gà chọi nổi tiếng; đồng thời, đang làm một nhiệm vụ đặc biệt: bảo tồn gen gà quý. Một trận chọi gà trong Hội chọi gà dân gian 2008. Ảnh: Văn Trang * Người nuôi gà chọi không mê... chọi gà Là một người nuôi gà chọi nổi tiếng, lại đang bảo tồn một nguồn gen quý, nhưng ít người biết rằng, ông Thành lại không hề mê… chọi gà. * Không mê chọi gà, nhưng lại là một tay nuôi gà chọi tiếng tăm. Có gì mâu thuẫn ở đây không? - Thực ra cũng không có gì mâu thuẫn cả. Tuy không mê chọi gà nhưng hồi còn đi học, tôi cũng từng tham gia chơi chọi gà với bạn bè cùng xóm. Lớn lên, nhập ngũ, tôi bỏ hẳn. Khi về hưu, anh em trong khu phố biết trước đây tôi có chơi chọi gà, nên gợi ý và khuyến khích tôi mở trường gà và nuôi gà chọi. Theo tôi, không thể đồng nhất việc mê chơi chọi gà với việc nuôi gà chọi. * Vậy việc mở trường có thuận lợi cho việc tạo giống gà, giữ gen gà không, thưa ông? - Có chứ. Khi mở trường gà, đối với việc tạo giống và giữ gen gà chọi có hai cái lợi. Thứ nhất là mình có cơ hội đem gà ra đá thử, “dợt” với gà cùng “lò” và các con gà khác, rồi “khích”, tập cho gà miếng đá, thế đá. Thứ hai, trường gà là nơi tập trung “gà chiến” khắp nơi về, mình có thể quan sát, lựa chọn, từ đó mua được những con gà trống tốt làm giống lai tạo với gà mái giữ gen. Đây được coi như là một mô hình khép kín của quá trình tạo và giữ gen gà chọi. * Giữ một dòng gen Từ nhu cầu của dân chơi chọi gà, ông Thành bắt đầu chú ý đến các giống gà chọi, tuyển lựa và huấn luyện để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Hiện gà chọi của ông Thành cung cấp đến nhiều địa phương, từ Gia Lai, Phú Yên, Hà Nội… Thậm chí, có người từ Lào, Thái Lan, Philippin, Trung Quốc… cũng lặn lội tìm mua. Hầu hết họ đều đánh giá cao phẩm chất gà chọi Bình Định. Ông Thành bảo, trong các giống gà tuyển chọn được, đáng chú ý có dòng Đất Võ Tây Sơn - dòng gà có từ thời Tây Sơn. * Ông nói gen gà mà ông đang giữ có nguồn gốc từ thời Tây Sơn. Cơ sở nào để khẳng định vậy, thưa ông? - Gen gà mà tôi đang bảo tồn và phát triển được lấy từ ông Bảy Quéo, một nghệ nhân chơi gà chọi nổi tiếng. Đây là dòng gà gia truyền của gia đình ông Quéo, được truyền từ thời cụ tổ của ông Quéo sống dưới thời Tây Sơn. Ông LÊ CÔNG THÀNH sinh năm 1935, quê gốc Tây Sơn. Từng tham gia cách mạng và là thương binh hạng 2/4, cũng từng đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau. Vậy nhưng, sau khi về hưu (năm 1998), người ta lại thấy ông lui cui xây dựng trường gà, thành lập trại nuôi gà chọi. Đến năm 2000, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi Miền Trung (thuộc Viện Chăn nuôi Quốc gia) ký hợp đồng với ông để xây dựng một cơ sở bảo tồn gen gà chọi. Nhiệm vụ chính của cơ sở là bảo tồn và phát triển gen gà chọi dòng Đất Võ Tây Sơn. * Gìn giữ, bảo tồn và phát triển một dòng gen quý, công việc nghe có vẻ rất phức tạp. Vậy cụ thể, ông phải làm gì? - Bảo tồn và phát triển gen gà chọi dòng Đất Võ Tây Sơn là một cách nói gọn, chứ thực ra công việc của tôi gồm nhiều công đoạn. Đầu tiên là tìm kiếm, gìn giữ những con mái thuộc dòng Đất Võ Tây Sơn, có sức chịu đòn tốt, gan dạ và nhất là không có thói xấu “trả độ”. Hiện trong trại của tôi thường xuyên có khoảng 80 đến 100 con dòng này. Kế đến là tuyển trống. Tôi phải đi khắp nơi, đặc biệt là ở các trường gà để phát hiện, lựa chọn, mua về những con trống đá giỏi, có chân đá hiểm hóc, nhiều đòn thế hay, thuộc các dòng khác để giao phối với các con mái trong trại. Đặc biệt, không được cho giao phối cặp trống - mái cùng dòng, nhằm tránh xảy ra hiện tượng “trùng huyết”. - Khi gà đẻ trứng, mùa đông, tôi sưởi ấm, lót ổ dày; mùa hè kết hợp làm ổ thưa và “tắm trứng” (thả nước). Việc “tắm trứng” không chỉ theo kinh nghiệm dân gian mà phải tiến hành một cách khoa học, vào những giờ nhất định trong ngày. Khi gà con ra đời thì theo dõi để phát hiện những con có phẩm chất nổi trội đặc biệt, đặng áp dụng chế độ chăm sóc riêng. Cuối cùng là huấn luyện những chú gà choai trở thành những “hùng kê” trong mành đấu. Thường gà “chấm niên” (tròn một tuổi) mới bắt đầu đưa vào “dợt” (đá thử). Gà được bán đi có thể là gà choai hoặc là gà đã trưởng thành. * Công việc như vậy xem ra khá vất vả, phải theo dõi, giám sát đàn gà thường xuyên. Vậy đâu là động lực để ông làm tốt công việc của mình, nhất là khi ông không mê đá gà? - Quả thật, nuôi gà chọi là cả một nghệ thuật; bảo tồn và phát triển gen gà chọi càng đòi hỏi công phu và tỉ mỉ. Từ theo dõi, sản xuất thức ăn, chăm sóc thuốc thang, huấn luyện… đều phải tự mình làm lấy. Khổ nhất là khi gà đẻ, phải theo dõi cặn kẽ, bảo vệ trứng gà. Người ta vẫn nói: “Cưng như cưng trứng mỏng” mà. Khi trứng nở ra, hầu như cả ngày tôi phải ở bên đàn gà con. - Vất vả là thế, nhưng khi đứng ra thành lập cơ sở, tôi chưa nghĩ đến lợi nhuận trước mắt. Điều mà tôi muốn hướng đến, cũng là động lực giúp tôi hoàn thành tốt công việc của mình, là muốn giữ gìn nét đẹp của một trò chơi dân gian, góp phần nhỏ vào việc bảo tồn một truyền thống văn hóa. * Quá trình nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển gen gà chọi, hẳn ông rút ra nhiều kinh nghiệm hay. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm ông tâm đắc nhất? - Có ba điều tôi cảm thấy tâm đắc nhất. Thứ nhất là quy trình khép kín như tôi đã nói ở trên, dùng trường gà để giữ gen gà. Thứ hai là kinh nghiệm chọn gà. Qua nhiều năm chọn gà, tôi đã luyện được con mắt nhìn gà. Từ một bầy gà con, sau vài tuần chăm sóc theo dõi, căn cứ vào các yếu tố chính như tướng mạo (dáng đi), vảy chân, cựa… để chọn ra một vài con đặc biệt nổi trội. Vảy gà có nhiều loại, thường gà chiến có kiểu vảy “áng thiên” (trực trời) hoặc “áng địa” (trực đất). Cựa gà thì rất phong phú. Tôi đặc biệt chú ý đến những con gà có cựa “nhật nguyệt” (một cựa đen, một cựa trắng). Thứ ba là thời điểm cho gà giao phối, tốt nhất là buổi sáng, lúc mặt trời mới lên, tỉ lệ gà con là trống sẽ cao (từ 70 đến 80%), gà con sinh ra khỏe mạnh và dẻo dai. Ngược lại, giao phối vào buổi chiều, tỉ lệ trống thu được chỉ khoảng 10 đến 20%, gà con sinh ra kém sức sống. Ông Lê Công Thành đang chăm sóc một chú gà chọi. Ảnh: Văn Trang * Ước mơ về một trang trại rộng lớn Hiện tại, Cơ sở Bảo tồn Gen Gà chọi của ông Thành có hai mành đấu được xây dựng công phu, được dân chọi gà khắp nơi đánh giá là “xịn” so với các trường gà ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hà Tây… Cơ sở thường xuyên có ít nhất 10 con gà chọi giống có chất lượng cao. Hàng năm, cơ sở cung cấp cho thị trường 20 đến 30 gà choai. Trừ chi phí, mỗi năm ông Thành thu được khoảng 30 triệu đồng. Tuy nhiên, một số hạng mục của cơ sở như nhà trung tâm, căn tin… vẫn còn thiếu thốn, tạm bợ. Ông Thành tâm sự: - Cơ sở rộng khoảng 1.000m2 do tôi mua đất và tự bỏ vốn ra xây dựng. Thế nhưng, theo quy hoạch, sắp tới địa điểm này sẽ nằm trong khu vực xây dựng hồ sinh thái. Do vậy, tôi chưa dám xây dựng kiên cố. Ước muốn lớn nhất của tôi là nếu được chính quyền quan tâm giúp đỡ, tôi sẽ thuê một khu đất rộng khoảng 1ha để xây dựng trang trại. Đó sẽ là một trang trại quy mô lớn, tập trung bảo tồn và phát triển gen gà chọi Đất Võ Tây Sơn. Bên cạnh đó, tôi cũng sẽ tập trung lai tạo để hình thành những gen gà mới. Đây cũng sẽ là nơi sinh hoạt của những người chơi chọi gà tâm huyết. * Năm nay ông đã 73 tuổi. Liệu ông có đủ sức để hoàn thành tâm nguyện ấy không? - Tuổi đã cao, vết thương cũ hành hạ, sức cũng đã yếu dần, nhưng tôi vẫn tin mình sẽ làm được. Vả lại, con trai tôi (anh Lê Hoài Thanh cũng là một tay nuôi gà chọi có nghề), sẽ nối nghiệp cha. Ngoài ra, bạn bè tôi cũng hứa sẽ chung tay. Tôi nghĩ rằng chỉ cần mình có cái tâm, thì sẽ được mọi người ủng hộ. * Xin cảm ơn ông. Nguyễn Văn Trang (Thực hiện)
Phóng sự: Về Thổ Hà xem gà chọi... nghìn “đô” Đá gà kiểu Campuchia Nam Hải - http://danviet.vn Anh Phan Thành Thọ (Rạch Giá, Kiên Giang) vừa bị gà chọi đá thủng tim! Nghe thì tưởng chuyện lạ nhưng với trò đá gà kiểu Campuchia đang du nhập vào Việt Nam, chuyện ấy là thường. Những con quỷ khát máu Qua mấy trường đá gà bên Campuchia, bỗng thấy sợ môn chơi mang tính thượng võ này. Xem qua dăm trận, dù có đặt cược chút tiền cho phải phép nhưng tôi không dám để mắt vào sân đấu. Họ đá gà “bọc cựa”. Thợ gà đá kiểu “giác đấu” hoàn toàn có thể lấy những chấn thương giữa hai đùi làm thước đo cho sự chuyên nghiệp của mình. Ở miền Bắc của Việt Nam, “bọc cựa” là một hành động phong lưu mã thượng, gà lớn hơn sẽ phải chấp bọc cựa lại bằng vải 1 – 2 hồ đấu tuỳ theo chênh lệch kích thước. “Bọc cựa” tại các trường gà ở đây khác hẳn; mục đích để gà nhanh chết. Những chiếc cựa thép nhỏ như đầu đũa, dài 7 phân, mài nhọn hoắt được ốp vào cựa gà. Chỉ cần dính một cước là “xong vụ”, thời gian là vàng có khác, chưa một trận đấu nào tôi chứng kiến kéo dài quá 3 phút, không hồ đấu, không “vần” gà, đánh chết thôi. Không con nào chịu đánh thì “gò sới”, vòng quây thu hẹp, hai con sát sạt nhau, không muốn đánh cũng không được. Con chết sau thắng con chết trước (cực hiếm ở các sới gà ngoài Bắc) là chuyện thường. Đúng là kiểu “giác đấu”. Cú “duỗi cẳng” hạ nốc ao đối thủ. Ở miền Bắc Việt Nam, có những ông chơi gà tìm cả đời mới được đủ 3 con theo ba “sở” khác nhau: Thước thợ, nguyệt cung, chiều tà. Đó là khuôn vàng, thước ngọc của môn chơi gà chọi: Thước thợ đá đẹp, đá như biểu diễn; nguyệt cung đánh đòn âm, chủ yếu phá đòn đối phương nhưng khi ra đòn thì cực kỳ tàn độc; chiều tà vật vờ nhưng ra đòn nhẹ mà kín, một đòn là xong. Cả ba loại đều có một “tật” để người ta yêu, bao giờ cũng đánh thăm dò, chờ đòn của đối phương ra trước. Thế nên 3 thứ bảo vật này gặp mấy anh gà “cơ điên” ở đây là “hết thuốc chữa”. Các anh “cơ điên” là loại “không biết địch – không biết ta” xông vào là đá văng mạng, hễ yếu cơ hơn thì chạy như chuột, đố ông nào đuổi được. Thứ binh pháp mạt hạng này nhờ chiếc cựa thép 7cm nhọn hoắt đâm ra lại đắc dụng. Chỉ cần đánh trúng một đòn là xong, sau đó có chạy quanh, chạy quẩn, tránh đòn, chờ đối phương chảy hết máu lăn đùng xuống giãy đành đạch là xong. Vì chơi gà bọc cựa thép nên mấy “thợ gà” tại các trường gà này có dáng “kẹp gà” xấu không thể tả. Hiếm người biết được, việc “kẹp gà” quyết định tới 50% kết quả trận đấu. Trước khi xung trận, gà được thợ gà kẹp chặt giữa hai đùi, mục đích là làm gà cuồng cẳng để lúc gặp đối thủ, gà có được cú “duỗi cẳng” hoàn hảo. Với kiểu đá gà truyền thống, nhiều khi sau cú “duỗi cẳng”, kết quả trận đấu đã được định đoạt. “Duỗi cẳng” là cú đánh phủ đầu mang toàn bộ sức mạnh khiến đối phương phải kiêng nể, dè chừng (ngôn ngữ đá gà gọi là bị “chột”). Với trò đá gà kiểu khát máu mới du nhập này thì tất nhiên đòn “duỗi cẳng” càng mang tính quyết định hơn. Thế mà mấy ông thợ gà lúc “kẹp gà” nhìn rúm ró như mấy anh nghiện, một tay ôm gà, một tay (xin lỗi) ôm hạ bộ. Chiếc cựa bọc thép dài 7cm là kẻ thù của tất cả các bộ phận loanh quanh khu vực giữa hai đùi. Thợ gà đá kiểu “giác đấu” hoàn toàn có thể lấy những chấn thương giữa hai đùi làm thước đo cho sự chuyên nghiệp của mình. Hai đấu sĩ gà chuẩn bị vào cuộc sống mái tại một trường gà ở Campuchia. Ám ảnh “gà cặp” Trên bất cứ bức tường quây của tất cả các trường gà đều in rành rành dòng chữ “Cấm đá gà cặp. Phạt 20 triệu đồng” cùng với dòng “Quay phim chụp ảnh – phạt 20 triệu”. “Gà cặp” là hai con gà đã biết nhau từ trước, thắng thua đã rõ ràng, gà thắng gọi là “phổng”, còn thua là gà “tẹt”, cho đánh nhau nhiều lần để khiến một con phải “tâm phục, khẩu phục” và cũng để con “tẹt” dạn đòn. Dạn đòn có nghĩa là khi thả gà ra, con thua không chạy ngay mà sẽ cố đánh dăm miếng lấy lệ với “người quen” sau đó mới bỏ chạy, điều này tránh để khán giả nghi ngờ. Còn tất nhiên khi hai chủ gà bắt tay nhau, lại biết rõ kết quả trận đấu thì ai cũng hay rằng tiền sẽ ồng ộc chảy vào đâu. “Vần gà” là chỉ việc chăm sóc, huấn luyện gà, còn “ma vần” chỉ việc đào tạo “gà cặp”, sau này từ “ma vần” còn được dân gian hoá chỉ những chuyện bẩn thỉu. Chỉ thấy bất công với chúng tôi, đá gà cặp, nếu thoát thì ăn vài trăm triệu như bỡn, bị phát hiện phạt 20 triệu. Chúng tôi sang viết bài, chụp ảnh kiếm mấy đồng nhuận bút còm, bị phát hiện cũng phạt 20 triệu đồng. Thế hóa ra người lương thiện lại bị đối xử tàn tệ hơn kẻ bất lương. H, chàng thanh niên đưa chúng tôi qua đây chép miệng: “Hổng dễ đâu nghe, vớ phải “cặp ngược” như tui là mất nghiệp đó”. H là dân thị trấn Tân Hưng (Long An), làm nghề buôn trâu. Nghề buôn trâu được xác lập từ khi H bị một trận “cặp ngược” đến mức tán gia bại sản. Để gò được một trận gà cặp, H phải gửi gà xuống tận TP. Long An để “ma vần”. Khi “vần” xong xuôi, một con được mang từ Hưng Điền qua, một con mang tận TP. Long An tới, khó ai có thể nghi ngờ được. Dân “chạy biển” (báo tỉ lệ cược và ghi cáp cho khách chơi) hôm đó được bữa chạy bở hơi tai, bao nhiêu cũng “tưới”. Khách đánh độ cũng được bữa “bung” hết tầm, gà “đồng chạng” (cùng cân) mà chấp cuối cùng đến 7 ăn 10, bạc “lụt” luôn. Khi trọng tài hô “Chuẩn bị, “chạy biển” ra khỏi sới, làm nóng gà, rồi các cánh cửa vào trường gà đóng sập lại (đề phòng có kẻ “bùng chạc”), H mừng rơn. Kiểm toán lại thấy hơn hai trăm triệu chỉ còn chờ cánh cổng kia mở ra là sẽ nằm gọn trong túi mình. Vào trận, hai con đá nhau chí chạp, sau ba đòn lấy lệ, con “tẹt” đã bị dính đòn vào ức, chẳng bao lâu sẽ mất máu chết. H và “đồng bọn” thở phào nhẹ nhõm. Sau ba đòn, con “tẹt” cắm cổ chạy, con “phổng” lao rát sau lưng. Cùng đường, đến sát vách sới, con “tẹt” lao lên đạp đúng nơi có tấm biển “Cấm đá gà cặp” rồi nhảy quay lại, đúng lúc con “phổng” cũng lao lên đòi ăn thua đủ. Lần nhảy tháo thân này thành cú “mã hồi” khủng khiếp, cả hai chiếc cựa đóng ngập vào thân con “phổng” trong một tư thế quái gở: Một cựa xuyên diều, một cựa xuyên qua nách. Tư thế “chéo cẳng gà” này đóng chặt con “phổng” xuống đất, cựa đóng qua nách vào phổi sủi bong bóng, đó là kiểu bị đòn chóng chết nhất. Trên sàn, H cũng chỉ mong được chết ngay như con “phổng” kia. Hỏi về chuyện bịp bợm kiểu ấy liệu còn không khi bây giờ gà đá theo bốc thăm, không được tuỳ ý chọn cặp. H bảo: “Ừ! Thì bốc thăm rồi sau đó tráo gà ai biết”. Chỉ tấm biển “Cấm đá gà cặp” rồi tôi chỉ tay vào chủ trường gà bảo H: “Ông cấm chúng tôi đá “gà cặp” thì ai cấm ông” - H cười thổn thức. Nam Hải
Phóng sự: Về Thổ Hà xem gà chọi... nghìn “đô” Đá gà xuyên quốc gia Đình Phú - www.thanhnien.com.vn Sư gà Bảy Quéo tại nhà riêng của danh ca S.Carabao (người đứng) - Ảnh: Nhân vật cung cấp Nghiệp gà chọi của ông nổi tiếng đến mức mà “bạn gà” gọi ông bằng những danh xưng rất oách: đại ca, cha gà, sư gà... Ông có một kỳ tích khác với nhiều năm bôn ba mang gà chọi Việt Nam đi “chinh chiến” ở nhiều nước khiến các đại gia xứ người kính nể dài dài. Thế mà khi mở đầu câu chuyện “đá gà xuyên quốc gia”, ông trầm tĩnh bảo “cứ gọi tui Bảy Quéo là được rồi!”... Thương hiệu Bảy Quéo Chơi gà chọi rành rõi đến mức định danh một thương hiệu như ông Bảy Quéo quả là chẳng uổng công sức tí nào. Cả đời gắn với nghiệp gà, từ thời trai trẻ đến lúc mái đầu bạc trắng, với ông, gà là nỗi đam mê không gì lấn át được. Ông chăm gà cần mẫn bất kể đêm ngày như chăm con nhỏ. Nhiều người ví von công việc của ông như thế. Ngôi nhà của ông nằm đầu ngã ba quốc lộ 1A rẽ vào thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn (Bình Định). Trước nhà án ngữ một chiếc ô tô cáu cạnh, phía sau ông dành một khoảnh đất rộng, nhô nhúc gà chọi thoạt trông rất “ngầu” như vẻ bề ngoài của chủ nhân ngôi nhà. Hẹn gặp ông chẳng dễ dàng, khi thì ông bảo đang ở Hà Nội, khi thì TP.HCM, lắm lúc ông vội vã “tui đang ở Lao Bảo, chuẩn bị sang Lào, Thái Lan chọi gà...” Đang mùa gà thay lông không thể mang đi du đấu, ông dành cho tôi một buổi chiều chuyện trò cởi mở: “Tên tui là Trần Đình Văn, theo giấy tờ năm nay tôi 64 tuổi. Tính thật ra thì tui chỉ mới 60 xuân xanh thôi, do ngày trước mẹ tui thấy lớn nhanh quá nên “kê” thêm cho mấy tuổi “làm vốn lận lưng”. Có lẽ vì chuyện “kê” ấy mà tôi duyên may với kê (gà) cả đời”. Tôi tò mò: “Tục danh Bảy Quéo nghe ngồ ngộ chú ơi!”. Ông bỗ bã: “Cái tên ấy do nẫu (người ta) gọi. Tui là con thứ bảy trong gia đình, có bộ râu queo quéo từ hồi trẻ, thế là “được”... Bảy Quéo. Chừ hỏi Trần Đình Văn là ai, chắc chẳng ai biết, chứ gọi Bảy Quéo thì ô-kê liền à. Đi ra đường gặp cảnh sát giao thông, lên bệnh viện gặp bác sĩ... nói tên Bảy Quéo, tui cũng được nhờ nhiều lắm. Festival Tây Sơn – Bình Định vừa rồi, tỉnh tặng tui một bằng khen vì: “đã có công nuôi gà chọi”! Ông Bảy Quéo. Ảnh: Đ.P Ngày trước ông Bảy Quéo sống cùng gia đình quê ngoại ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước (Bình Định). Ông ngoại của Bảy Quéo thời ấy nức tiếng về nghề nuôi và chơi gà chọi. Lúc tóc còn để chỏm, ngoài giờ đi học, ông Bảy Quéo theo ngoại và các cậu đi đá gà khắp các vùng phụ cận. Chừng năm 1970 - 1971, thì bước vào sới gà chuyên nghiệp, mỗi tuần đều mang gà đi đá ngoại tỉnh. Càng chơi, ông càng thích, dẫu chịu nhiều khó khăn nhưng vẫn không thể nào dứt bỏ được. Từ việc chỉ nuôi gà chọi đơn lẻ, ông nghĩ đến chuyện phải tuyển lựa gà nòi (cả trống và mái) để nhân giống. “Mấy mươi năm trước, tui mua được một con gà mái “chiến” của một chủ gà có tiếng ở cùng thị trấn, mất hết hơn 1 lượng vàng. Việc nhân phối giống gà chọi bắt đầu từ đó. Thời cao điểm nhất tui có tới cả trăm con gà chọi, nuôi dưỡng ở nhiều địa điểm khác nhau”, ông Bảy Quéo kể. Gà chọi thương hiệu Bảy Quéo nhìn là... ghiền! Các trường gà mỗi khi có “gà ông Bảy Quéo” ra sới đấu là rôm rả hẳn lên. Tiếng lành đồn xa, bạn gà các nơi tìm về kết giao học hỏi kinh nghiệm lên đến hàng ngàn. Những chiến kê từ lò Bảy Quéo xuất bán khắp 3 miền, ra cả các nước Đông Nam Á, Trung Quốc (giá từ 2 triệu đến 20 triệu đồng/con). Tài liệu báo cáo kết quả điều tra về công tác bảo tồn giống gà chọi tại Bình Định của Viện Chăn nuôi ghi nhận: “Từ lâu đã có hai dòng gà nổi tiếng là dòng Ngân Hàng và dòng Bảy Quéo, hằng năm đều đạt thành tích cao tại các đấu trường khu vực...”. Ông Bảy Quéo nói thêm: “Nuôi gà chọi như nuôi vận động viên. Kê tam mã lục (ý nói đời gà chọi chỉ 3 năm, ngựa chiến 6 năm, thì sẽ “quá độ”) nên phải biết nuôi, biết dưỡng. Quá cân sẽ dẫn đến nặng nề, thiếu cân thì không đủ sung lực và cả hai trường hợp đó đều không “chiến đấu” hiệu quả được”. “Du đấu” xuyên quốc gia Danh tiếng gà chọi Bảy Quéo “nổi như cồn” và đã lọt vào “tầm ngắm” của các đại gia là chủ trường gà ở Lào, Thái Lan. Họ tìm cách “rước” ông sang để “xem gà chọi Việt Nam nó chọi hay đến cỡ nào”. Chuyến đầu tiên ông Bảy Quéo mang gà qua Lào du đấu là vào tháng 11.2001, thông qua một người bạn Lào gốc Việt. Ông bảo lúc đầu quyết định nhận lời đi thách đấu cũng thấy lo bởi chẳng may qua đó đá toàn thua gà xứ người thì bẽ mặt bẽ mày quá. Kết quả ngoài mong đợi từ những trận thư hùng trên sới gà nơi đất khách một lần nữa khẳng định thương hiệu gà chọi Bảy Quéo, gà chọi Việt Nam. Ông kể: “Lên một chiếc ô tô 7 chỗ, theo một người dẫn đường, mang 5 con gà băng đường 9 Nam Lào qua Savanakhet. Đến nơi, ông bạn tên Ký là một thương gia giàu có đón tiếp nồng nhiệt, rồi sau đó bố trí lịch đi chọi gà. 5 con mang theo thì 1 con ngỏm củ tỏi vì kiệt sức, “lạ nước lạ cái”. 4 con còn lại chọi với gà Lào, 3 con thắng 2 độ/ngày với 6 “đối thủ” khác nhau (thường thì 1 con chỉ chọi 1 lần/ngày), 1 con hoà. Kính nể “phong độ” gà chọi Việt Nam, phía đối phương năn nỉ mua để “củng cố lực lượng”. Tỏ rõ thiện chí kết giao tình bằng hữu, tui không bán mà tặng luôn. Cảm phục, họ tặng lại tôi 500 USD gọi là tiền lộ phí. Con chiến kê “đỉnh” nhất của tui sau đó được xuất hiện trên bìa tạp chí chuyên về gà chọi...”. Chiến kê trong nhà ông Bảy Quéo. Ảnh: Đình Phú Sau chuyến xuất ngoại du đấu ấn tượng đó, ông Bảy Quéo liên tục được giới mộ điệu đánh tiếng mời sang thi thố tài luyện gà, chọi gà ở Thái Lan. Khi đến Bangkok, nghe có ông Bảy Quéo Việt Nam sang, danh ca S.Carabao liên hệ mời về nhà mình chơi. Ông Bảy Quéo nhớ lại: “Tui lạnh xương sống khi vô nhà S.Carabao. Cơ ngơi anh ấy quá đồ sộ. Trong ga-ra có cả một lô xe ô tô xịn và xe mô tô phân khối lớn. Những ngày ở Bangkok, tui được sở hữu tạm 1 chiếc Harley Davidson, cùng với S.Carabao thăm thú phố phường. Ngoài việc ca hát, S.Carabao rất mê chọi gà. Đây là thú vui tiêu khiển số một. S.Carabao nổi tiếng đá gà nhất nước cũng như nghề ca hát của anh ấy. Trang trại gà chọi của S.Carabao có tới hơn 500 con. Gà chọi ở Thái không có độ bền, ít lì đòn, dáng nhỏ, lối đá mồng - mặt tựa như lối quyền Anh đối kháng, nên thường bị thua nhiều hơn khi đấu với gà Việt Nam vốn đòn thế nguy hiểm, đá vô xương - mắt, gan lì, bền bỉ. S.Carabao rất thích khi được tặng mấy chiến kê mà tui mang theo”. Chinh chiến chọi gà nơi xứ người, ông Bảy Quéo bảo trong lòng ít nhiều cũng có phần tự hào về cái nghiệp gà của mình. Ông kể: “Các trường gà ở Thái Lan, Lào có trường rộng cả chục ha, bãi đỗ toàn xe ô tô nhìn... lác mắt. Phần lớn dân chơi gà chọi thuộc giới đại gia. Để vào trường gà phải mua vé, thi thoảng thấy cảnh sát xuất hiện bảo vệ trật tự trị an bên ngoài. Mỗi con gà chọi chuyên nghiệp đều có một cái tem thông hành, được “kiểm tra sức khoẻ” định kỳ nữa. Có “anh bạn gà” của tui ở Lào, nhưng khi vợ chuẩn bị sinh con thì đưa sang Mỹ, ở luôn bên đó tới khi mẹ tròn con vuông. Họ tiêu tiền như nước mà vẫn... còn giàu. Nhìn cũng lạ thiệt!”, đoạn ông Bảy Quéo nói như than: “Người ta xem chọi gà như một hoạt động thể dục – thể thao hẳn hoi. Chơi mà nó sang trọng lắm. Ở mình thì vẫn còn điều ra tiếng vào, lắm khi giới chơi gà chọi bị xem như là... dân cá độ. Nghĩ cũng thiệt buồn!”. Hỏi đã “kinh qua” bao nhiêu trường gà, bao nhiêu “cuộc chiến” trên hành trình chọi gà xuyên quốc gia, ông Bảy Quéo cười khề, thủng thẳng: “Nhiều lắm, nhớ không hết. Tui chỉ nhớ là khi mang gà qua các nước Đông Nam Á đá, thường thì 10 trận, mình thắng 7, thua 3. Khi đi đá, toàn gặp người Lào, người Thái, nói toàn tiếng Lào, tiếng Thái, tui tài đâu mà biết, mà nhớ cho hết”. Ông Bảy Quéo khoe cái passport đã ken kín các loại dấu xuất nhập cảnh của các nước. Ông vừa mới làm thêm một passport mới có thời hạn đến năm 2011, mục đích cũng chỉ để đi chọi gà, đoạn nói: “Dịch cúm gia cầm vẫn còn dư âm, nên giới đại gia các nước tạm lắng cơn mê chọi gà. Họ sợ tiếp xúc với gà sẽ lây bệnh, chết, rồi không còn cơ hội chơi gà, chọi gà nữa. Người giàu chơi kiểu vậy đó, nhưng qua mùa gà thay lông, thế nào tui cũng lại lên đường đi chọi”. Theo một số tài liệu, thú chơi gà chọi và truyền thống đá gà ở Việt Nam có từ lâu đời, có thể hơn 700 năm trước. Thời nhà Trần, thú chơi này khá phổ biến, có chi tiết được đề cập trong Hịch tướng sĩ (của Hưng Đạo Đại Vương). Tục truyền Tả quân Lê Văn Duyệt nuôi hàng ngàn chiến kê để nghiên cứu về các thể loại như Ngũ Hành luận dựa trên sắc lông, phép xem tướng và phép xem vảy. Một trong những thủ bản về gà chọi còn lưu truyền đến nay là Kê Kinh, được giới mộ điệu dùng làm “kim chỉ nam”. Bài Võ Hùng kê quyền tương truyền cũng do Đông Định Vương Nguyễn Lữ (thời Tây Sơn) đúc kết chiêu thức từ những thế đánh của gà chọi... Đình Phú
Phóng sự: Về Thổ Hà xem gà chọi... nghìn “đô” Về Thổ Hà xem gà chọi... nghìn “đô” Việt Tùng - Văn Thương - www.baobacgiang.com.vn Nằm bên bờ sông Cầu, làng Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên - Bắc Giang) từ lâu nổi danh với thương hiệu gốm "Thổ Hà". Những năm đầu thế kỷ XII, nơi đây từng là thương cảng tấp nập thuyền bè ngược xuôi ra vào bến sông Như Nguyệt, mang đi những sản phẩm gốm. Không những thế, Thổ Hà còn được người ta biết đến là nơi nuôi và chơi gà chọi "giá khủng" nhất cả nước... Tuyển chọn từ... trong trứng Về làng Thổ Hà, đi trên những con đường nhỏ hẹp, được lát bằng những viên gạch đỏ truyền thống đã phai màu theo thời gian, những ngôi nhà được lợp bởi thứ ngói mũi hài đã nhuốm màu rêu phong, đâu đâu cũng thấy gà chọi. “Nhiều gia đình đã đổi đời nhờ gà, bởi có những con trị giá 6 - 8 triệu, thậm chí có con lên tới 60-70 triệu đồng, một số tiền lớn đối với người nông dân, mà trước kia họ có nằm mơ cũng không thấy. Chẳng thế mà ở đây, trẻ lên ba đã biết mang gà đi đá" - ông Nguyễn Công Lợi trưởng thôn tâm sự. Về làng Thổ Hà, nhất là những ngày cuối tuần, bên gốc đa làng người ta thường bắt gặp những đám đông tụ tập vòng trong vòng ngoài, chen lấn xem những cú đá “dọc”, “mé” của những cặp gà chiến. Người dân nơi đây khoái môn "đá gà" lắm. Họ bảo: “Trong nhà có thể thiếu cái tủ lạnh, cái xe máy, thậm chí là thiếu nồi nấu rượu, nhưng không thể thiếu gà chọi được”. Không phải dễ dàng để có được những con “gà chiến” tốt. Đầu tiên giống phải tốt. Ông Chỉ, bậc thầy chơi gà chọi của làng bảo: “Chọn gà chọi phải chọn những con hình dáng “đầu công, mình cốc, cánh vỏ chai” chân thoai thoải bắp chuối, háng gà rộng, dài... mới đạt tiêu chuẩn”. Gà chọi Thổ Hà được tuyển từ trong trứng, cho đến lúc nở và nặng tầm 6-7 lạng. Sau khi được lựa chọn kỹ lưỡng, gà sẽ được huấn luyện thử đánh 1-2 hồ (mỗi hồ dài 15-20 phút) để chọn ra những chú gà có miếng đánh hay, hiểm. Qua nhiều trận, gà sẽ được vần sức chịu đựng, tăng sự dẻo dai. Một công đoạn không thể thiếu khi luyện gà chiến là “om trường”. Mỗi ngày 2-3 lần chủ gà lấy lá tre, củ nghệ, lá chè tươi đun sôi giã nát, tất cả bọc vào một miếng vải, rồi áp vào da, xoa bóp cho gà. Cách làm này nhằm làm cho da gà săn chắc, dày hơn, ít bị thương hơn khi chiến đấu. Nên trong làng, bàn tay người nuôi gà ai cũng nhuốm một màu vàng. Sau thời kỳ “om trường”, những chú gà được huấn luyện, chăm sóc bởi một chế độ đặc biệt. Thức ăn của chúng chủ yếu là thóc và ốc hến. Để gà hăng chiến, chủ gà cho gà “chạy bu”. Nghĩa là cứ cho đánh nhau một hồi, lại nhốt một con vào bu cho chúng nhìn nhau mà hăng tiết. Thời gian "chạy bu" khoảng 15 - 20 ngày, sau đó chuyển sang giai đoạn “vần hơi, vần đòn”. Đây là thời gian gà chiến được tập luyện hàng ngày, tập những miếng đánh hiểm, phát huy sở trường, làm quen thế trận chuẩn bị nghênh chiến. Gà chọi được gọi là "chuyên nghiệp", phải trải qua những trận đá vòng loại xóm, các xóm giao hữu, rồi mới tới những hồ gà làng, xã... Chẳng thế mà, người có được chú gà chiến "khủng", "bách chiến, bách thắng", được nể phục, tôn vinh như những "võ sư" cao tay vậy. Kỷ lục gà chọi giá 3.500USD Ban đầu chỉ là những trận đấu giao hữu giữa các làng, xã với nhau. Tiếng lành đồn xa, dân thích chọi gà rỉ tai nhau, rồi các tỉnh bạn cũng đưa gà tới thách đấu. Cứ thế, gà chọi từ mọi miền đổ về Thổ Hà phân cao thấp. Chỉ cần nghe tin có gà nơi khác tới nghênh chiến, dân làng Thổ Hà bận mấy cũng hoãn lại để đi xem. Cả gà và khách được tiếp đón chu đáo như những "vị khách quý". Những trận đấu nảy lửa, trong tiếng vỗ tay, reo hò như muốn xé toạc sự yên bình của cái ngôi làng nhỏ này. Chuyện kể rằng, thập kỷ 60 của thế kỷ trước cụ thân sinh ra ông Trịnh Xuân Lác, ở xóm 4, có con gà “Mây” một thời làm mưa, làm gió khắp 3 miền, rồi sang cả nước bạn Lào, Campuchia. Con gà này được mệnh danh là “Quỷ kê”, bách chiến, bách thắng. Chỉ 2 hồ là nó dứt điểm được đối thủ. Đầu, chân, vai, mào nó xù xì như quỷ, mình cứng như thép. Với những cú đá “hầu dọc” nguy hiểm xé toạc hầu gà Thái Lan sang thách đấu năm 1964, hạ gục sau một đêm ngày ròng rã chiến đấu không nghỉ. “Sau thời gian không có đối thủ, con gà “Mây” của bố tôi chết vì già...” - ông Lác ngậm ngùi kể. Trong các miếng đánh của gà chiến, nguy hiểm nhất phải kể tới đá “hầu dọc”, có thể giết chết đối thủ chỉ sau vài miếng. Sau đó mới đến đá kiềng (đá vào hai đầu cánh gà); rồi đá mé (đá vào hai mang tai); đánh dọc (đánh thẳng vào đầu gà)... Mỗi trận hồ gà được cân nhắc kỹ lưỡng, bởi phải “sóng gà”, cân, đo về chiều cao, cân nặng, cựa... để chọn ra những đối thủ phù hợp. Gà nặng từ 2,5 - 2,7kg là dễ ghép cặp nhất. Còn trọng lượng gà trên 3kg thì ít, nếu có thì đó là những chú gà già, có kinh nghiệm chiến đấu cao. Gà chọi Thổ Hà nổi danh sau những trận đánh "không có hồi kết". Bởi sự dẻo dai, gà đẹp, nhiều miếng đánh hiểm... Vì vậy, khách rất thích gà của những bậc cao niên, bởi đó là những chú gà đã được tuyển chọn rất kỹ lưỡng, nên họ không tiếc tiền cho những cặp gà chiến ưng ý. Vài năm trở lại đây, nuôi gà chọi đang trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Khách mua gà đủ cả 3 miền, có khi có cả khách Trung Quốc, Lào, Campuchia. "Từ những năm 1996 - 1997, gia đình tôi đã bán gà với giá 6 - 7 triệu đồng, những năm gần đây những chú gà chiến có giá 15 - 20 triệu đồng nhiều vô kể" - anh Hùng một người dân nuôi gà cho hay. Nhưng con gà hiện đang giữ kỷ lục "khủng" nhất, phải kể đến con “Hắc kê” của anh Hoan xóm 3, với giá 3.500USD do một đại gia ở Hà Nội trả giá khi thắng con gà của mình. Chú gà này có miếng hầu dọc, đánh kiềng cực hay. Kể từ khi ra sới nó chưa hề biết đến mùi thất bại. Người dân Thổ Hà ngày nay, không những tự hào về làng gốm, làng gà chọi, mà còn tự hào bởi những đổi thay của quê hương... (Theo Việt Tùng - Văn Thương/ANTĐ)
"O" gà nòi http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan/Cuoc-song-muon-mau/Phong-su-ho-so/16735/O-ga-noi.html TTCN - “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh. Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”. Lần theo câu hát dân gian ấy, tôi về xứ Cao Lãnh (Đồng Tháp) để tìm tư liệu cho bài viết này. Và quả thật, “danh bất hư truyền”. Xổ gà Đi cặp theo sông Cao Lãnh vô miệt vườn thuộc các xã Hòa An, Tân Thuận Tây, trên đường đi cứ cách khoảng 5-7 căn nhà là có một nhà đặt cái lồng nhốt gà trước sân. Bên trong khi thì chú gà ô lông đen tuyền, lúc thì anh gà điều màu vàng đỏ, hoặc chú gà chuối bông lốm đốm trắng ưỡn ngực cất cao tiếng gáy. Có nhà để một lúc cả chục cái lồng như vậy và dành hẳn một sân rộng để “chưng” gà. Có người kín đáo hơn, đem sân gà ra phía sau nhà. Cũng có người lập hẳn một trại chuyên nuôi gà nòi, rào chắn cẩn thận. Từ cách nuôi truyền thống… Tôi ghé nhà chú Ba Sa, một người có tiếng trong nghề nuôi gà nòi hơn 30 năm qua. Ông dành hết khoảnh sân rộng xung quanh nhà để nuôi gà nòi. Mỗi con gà trưởng thành được nhốt riêng trong cái lồng đan bằng nan tre. Coi cái cách của ông cho gà uống nước cũng thấy hết sức kỹ lưỡng. Phải là nước mưa, đựng trong lu có nắp đậy đàng hoàng. Tới cữ mới đem ra cho vô cái ca nhựa móc trên thanh tre của lồng. Chuyện cho gà ăn càng công phu hơn như ông cho biết: phải “ví” sẵn năm bảy chục giạ lúa trong nhà, mà phải là lúa phơi khô rê sạch như tiêu chuẩn lúa xuất khẩu. Trước bữa cho gà ăn phải “gút” lúa bằng cách ngâm nước, ủ cho ra mộng. Mà cho ăn cũng phải có chừng mực, sao cho vừa đủ chất vừa không dư mỡ, nếu không gà sẽ nặng nề, xoay trở chậm chạp. Gà đang đá độ Cũng giống như huấn luyện cầu thủ bóng đá vậy, ăn uống phải đầy đủ dinh dưỡng và chế độ tập luyện nghiêm ngặt gà mới khỏe, nhanh nhẹn và chịu đòn dai, sẵn sàng “nạp”, hứng chịu mọi cú va chạm của đối thủ. Để con gà có da thịt săn chắc, hằng ngày ông tẩm nghệ, phun rượu toàn thân gà. Các thứ lông cánh, đuôi, chân, cổ… được cắt tỉa cẩn thận. “Để cho thân gà gọn nhẹ, không vướng víu khi lâm trận. Còn tẩm gà thì có bài thuốc riêng thuộc loại bí truyền, đủ sức tẩm gà tới mức da nó dày như da… voi, cựa thường đâm không lủng, trừ cựa sắt mà thôi”. Gà nuôi được một năm thì tới tuổi trưởng thành, bắt đầu “cáp” đá được rồi. Nhưng thường các chủ gà chưa cho ra trận liền mà “ủ” đó cho tập luyện ráo riết. Cứ độ chừng 5-7 ngày là gà được “xổ” một lần, giống như võ sĩ đấu tập vậy. Chọn hai con gà bằng chạn nhau cho đá thử. Trước khi đá, các “huấn luyện viên” thường cẩn thận dùng vải mềm bịt cựa gà lại để tránh rủi ro. Mỗi trận đấu tập chừng 10 - 15 phút thì nghỉ một hiệp. Cứ 3-4 hiệp thì xong. Sau khi đấu tập, các chủ gà thường coi thế đá, phân tích từng cú nạp, móc giò, né đòn, mổ, đâm... để đánh giá năng lực của “võ sĩ”. Từ đó sẽ có cách “cáp độ” thích hợp khi gặp đối thủ. Trong thời gian “tập nặng” như vậy, các chú gà được tẩm bổ hết sức kỹ lưỡng. Cách chừng 2-3 ngày gà được cho ăn một lòng đỏ trứng gà, thịt hoặc cá sống. Tốt nhất là cho ăn lươn tươi chặt khúc nhỏ, không để mất máu tươi. Ngoài ra giặm thêm các thứ cà chua, đậu xanh, đậu nành... Chú Ba cho biết: mỗi sáng sớm cho gà uống một lần, có ly, chén đong đo cẩn thận. Làm như vậy để gà bền sức khi đá, không “hốc” nước. Sau đó đem gà ra tắm sương, dùng khăn sạch lau gà cho đều rồi phun ít rượu. Cách này để gà dai sức, đá không hết “pin”. Và điều tối kỵ là không bao giờ để cho gà đạp mái. Chứ nếu không, đang đá nửa chừng mà bị run chân là gà “cúng mạng” đối phương liền. Hiện nay, các “lò” nuôi gà xuất hiện ở đều khắp các tỉnh chứ không riêng gì Cao Lãnh. Có thể thấy nổi lên khá rầm rộ ở miệt Gò Công (Tiền Giang), Đức Hòa (Long An), Hóc Môn - Bà Điểm (TP.HCM), Ô Môn (Cần Thơ), Châu Đốc (An Giang)... đều là những nơi có nuôi gà nòi truyền thống từ xưa. …đến công nghệ nuôi gà nòi Trần Thịnh, công an ấp Phước Thuận, xã Phước Thịnh (Châu Thành, Tiền Giang), cho biết dân đá gà thường cáp sẵn ở quán cà phê. Gà thuộc hạng cân nào, đá bao nhiêu tiền, địa điểm ở đâu... đều được thỏa thuận trước. Khi tới nơi chỉ cần đem ra đá rồi chung độ. Chớp nhoáng như vậy nên công an khó có thể bắt được. Dân chơi gà truyền thống thường là dân “ghiền”, cốt để làm vui, giải trí, có cá độ thì cũng ở mức nhỏ, chừng một vài trăm ngàn đồng trở lại. Gà nuôi rồi bán ra, giá thường cũng bình dân. Thường là 500.000 - 600.000 đồng/con. Gà đẹp, vảy đều, đá có nét, cao lắm bán được 1,3 - 1,5 triệu đồng/con. Còn dân cá độ thứ thiệt, cỡ 5-7 triệu tới vài chục triệu mỗi độ thì có cách nuôi và chơi gà thuộc đẳng cấp chuyên nghiệp. Gà cỡ này phải có giá 5-7 triệu đồng/con. Cá biệt gà “dữ”, thường thắng hai, ba độ rồi giá tới 10 triệu đồng/con cũng có người tranh mua. Năm Đại, một tay nuôi gà có tiếng ở xã Tân Thuận Tây, được biết tới như một người nuôi gà nòi chuyên nghiệp. Anh thường tuyển giống từ những con gà đã giải nghệ sau khi thắng những độ lớn. Khi đem về gà cũng te tua, bầm dập, nhưng với cách dưỡng của anh, gà mạnh khỏe, sung sức trở lại. Rồi anh đi qua tận miệt Bến Tre, Tiền Giang tìm những con mái tơ nòi đem về phối giống. Giải thích vì sao phải đi xa như vậy, anh cho biết “để tránh gà bị “lộn kiếp”, tức là đồng huyết, cùng họ hàng, gà sẽ yếu”. Khi gà bằng cùm tay, trong một bầy 8-9 con, anh chỉ giữ lại 3-4 con “tuyển” và bắt đầu “o” cho tới ngày khôn lớn. Gà của anh bán giá bét nhất cũng 1,8 triệu đồng/con. Nuôi gà cao cấp hơn phải kể tới anh P.H. ở xã Hòa An (TX Cao Lãnh, Đồng Tháp). Dựa vào câu nói dân gian “chó giống cha, gà giống mẹ”, anh tìm mua cho được gà mái Mỹ nhập từ nước ngoài. Theo suy luận của anh, gà mái Mỹ có lá phổi nhỏ, cho lai gà nòi Việt sẽ cho ra lứa gà giống mẹ là có phổi nhỏ. Điều này hết sức có lợi cho gà khi lâm trận. Bởi vì khi đá, gà thường đâm vào nách đối thủ, nếu trúng phổi thì thua liền. Nếu gà có lá phổi nhỏ thì xác suất bị đâm trúng sẽ không cao. Ngoài ra, do đặc tính của gà Mỹ là sung sức, mạnh mẽ, khi lai với gà nòi Việt nhanh lẹ, khôn ngoan sẽ cho ra lớp kế thừa có đầy đủ tố chất của dòng gà vừa khỏe vừa tinh khôn, có đòn hiểm. Không biết lý luận trên có đúng với thực tiễn không, nhưng xem ra gà của anh bán đắt như tôm tươi. Đa số dân chơi gà nòi ở khắp xứ, từ TP.HCM đến các tỉnh ĐBSCL, tận Campuchia đều tìm về anh để chọn gà. Gà nhốt nuôi thúc chờ đá Anh có hẳn một “dây chuyền” nuôi gà khá hoàn hảo. Khi gà nở, anh đem rải đều cho các tay chuyên nuôi thúc. Cứ mỗi người chừng hai ba chục con. Khi gà lớn, anh lại chuyển cho các tay chuyên huấn luyện để tập đấu. Các “huấn luyện viên” này lo luôn việc “tẩm” gà hằng ngày, “xổ” gà theo lịch, cắt tỉa lông sạch sẽ và theo dõi sức khỏe cùng cân nặng để phân loại và… xếp hạng cân trong thi đấu. Cũng công phu và tỉ mỉ như nuôi bò sữa, gà loại này được ghi rõ xuất xứ bố mẹ, chủng loại, cân nặng, độ tuổi… hẳn hoi. Và tất nhiên là tiền nào của nấy, một con gà ở đây bán ra không dưới 2 triệu đồng. Và chỉ cần thắng một độ đầu tiên, lập tức nó tăng lên tới 9 -10 triệu đồng. Giống như cầu thủ bóng đá vậy, chỉ qua vài trận nổi lên là lập tức giá chuyển nhượng sẽ tăng tới mức chóng mặt. Mánh khóe trường gà Tại một quán cà phê ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang), một nhóm thanh niên chừng 9-10 người móc điện thoại di động gọi nhau liên tục. Sau một hồi thỏa thuận, cả nhóm lên xe gắn máy rồ ga phóng về hướng ngoại ô. Len lỏi qua nhiều vườn cây rậm rạp, họ đến một bãi đất trống, vắng vẻ. Một tốp thanh niên khác không biết ở đâu ra, cũng bất ngờ xuất hiện. Hai bên trao đổi vài câu ngắn gọn rồi mỗi bên đem một con gà của mình ra. Họ vẽ một cái vòng tròn đường kính chừng 2m rồi thả gà vô. Gà nào cũng được chồng hai cây cựa sắt dài 5-6 phân ở chân. Cựa nhọn hoắt, bén ngót, tưởng tượng nó đâm vô ngực mình cũng chết, huống chi gà. Hai con gà được thả vô vòng đấu. Chúng xù lông, nhảy lên xông vào nhau đá rẹt rẹt. Khán giả bên ngoài vỗ tay reo hò cổ vũ. Được khoảng 5 phút, con gà ô dùng mỏ túm được mồng con gà điều. Nó nhảy lên nạp mạnh một cái. Hai con rớt xuống nằm dính cục vào nhau. Hai “nài” gà của đôi bên nhào vô gỡ ra. Phe gà điều chửi thề: “Mẹ nó. Dính nguyên cựa vô ức”. Cái cựa sắt được gỡ ra, con gà điều loạng choạng vài bước rồi ngã gục. Độ gà nhanh chóng kết thúc. Hai bên chung tiền rồi mạnh ai nấy… biến. Dân chơi gà thường kể nhau nghe những vụ thắng độ đáng ngờ của ông Sáu Dâu, một tay chơi gà có hạng ở Bà Điểm (TP.HCM). Sau nhiều lần thua xiểng liểng ở Long An, ông bán hết nhà cửa giải nghệ. Nhưng sau đó một năm, bỗng dưng người ta lại thấy ông xuất hiện. Ông ôm theo những con gà không lấy gì xuất sắc lắm, nhưng gà đá đâu thắng đó. Ông thắng chừng 7-8 độ gì đó, chuộc lại nhà cửa rồi từ đó tới nay giải nghệ luôn. Gà nhốt nuôi thúc chờ đá Giới chơi gà đồn đại với nhau rằng ông được một “ông thầy” nào đó cho một bài thuốc “tẩm gà”. Thuốc này đem tẩm vô mồng gà của ông. Gà đối phương chỉ cần cắn vô mồng một cái, tự nhiên bủn rủn hai chân không đá được. Gà ông chỉ cần đá vài cú nhẹ là thắng. Người ta cũng đặt câu hỏi: “Vì sao ông không tiếp tục dùng nó để ăn độ dài dài?”. Có người trả lời: “Vì ông đã thề độc với thầy là chỉ dùng mánh này để lấy lại vốn đã mất thôi. Sau đó phải bỏ nghề. Ông giữ đúng lời hứa, sau đó thì biệt tích giang hồ luôn”. Ở Gò Công (Tiền Giang), vào cuối năm 2002, gần Tết Nguyên đán, một chủ gà đã nhờ hẳn một bác sĩ phẫu thuật nách con gà của mình, luồn vô đó một miếng inox nhỏ làm “giáp” che thân. Con gà bị đâm liên tục ba bốn nhát mà vẫn… trơ trơ. Nó thắng tới độ thứ tư thì chủ của nó cũng đem đi... nấu cà ri luôn vì sợ bể mánh. Tại Châu Đốc, mới hồi đầu năm nay, một bác sĩ mê đá gà đã cho con gà cưng của mình uống một loại “doping” cực kỳ sung mãn. Khi ra đá, sức nạp của nó hết sức mãnh liệt. Chỉ cần ba cú “nhập kê”, gà đối phương đã bị đo ván liền. Dân độ khoái quá, tưởng gà chiến nên tranh nhau mua với giá cao. Ai dè chỉ một độ kế tiếp, gà này thua tan nát. Lý do vì thiếu “doping”. Dân chơi gà độ thường “xử” nhau theo luật giang hồ. Vì mang tính cờ bạc nên Nhà nước cấm, khi tranh chấp nhau không ai phân xử, cho nên chuyện đánh lộn, đâm chém gây rối loạn trật tự thường xuyên xảy ra. Chú Ba Sa kể: “Có lần trong khi đá, con gà của bên A bị đâm một cựa sắp chết. Khi gỡ gà ra, “nài” của bên A đã kịp thời bí mật lòn tay đâm gà bên B một cựa. Hai con gà cùng ngất ngư, coi như huề. Bên B sinh nghi bèn kiểm tra gà của mình thì phát hiện bị gian lận. Họ xách dao rượt đuổi bên kia chạy có cờ. Báo hại bà con xóm làng phải một phen khiếp vía”. Chăm sóc gà Chú Phan Kim Huê ở đường Hoàng Hoa Thám, thị xã Tân An (Long An), một người có ba đời chuyên nghề nuôi gà nòi, đã từng viết hẳn một cuốn sách về “cách chọn và nuôi gà nòi”, nói về mánh trường gà như sau: “Các nài gà thường có những ngón điểm huyệt gà rất hiểm. Vô tình để gà mình cho đối thủ coi thử hoặc so hạng cân, lúc cầm gà hắn đã bí mật móc nhẹ vào yếu huyệt của gà mình. Khi ra đá, gà bỗng dưng yếu xìu và bị hạ trong nháy mắt. Cho nên điều tối kỵ trong “binh kê” là không bao giờ cho đối thủ cầm con gà của mình”. Chú Huê cho biết thêm chơi gà nòi là một nghệ thuật của ông bà ta từ xưa. Nhìn cặp gà đá nhau, người xưa coi thế đá, né đòn, cách tiến thủ của gà mà sáng tạo ra bài “kê quyền” trong môn võ Bình Định. Cũng giống như nhìn khỉ đùa với hổ mà ông bà mình có bài “hầu quyền”, nhìn rắn và chuột đấu với nhau cho ra bài “xà quyền”... Người xưa đá gà có phân hiệp đấu, cho gà nghỉ giải lao vô nước, vỗ hen đàng hoàng. Trường gà có dựng mê bồ, có sân ngồi coi, giống như coi thi đấu võ đài thật sự. Một độ gà đá cả buổi, có khi kéo dài tới cả ngày mới kết thúc, bởi vì gà đá cựa thiệt. Chứ không như bây giờ, mấy chú trẻ toàn chồng cựa sắt, đá vài ba phút là gà đâm nhau chết rồi chung độ. Đá kiểu đó mang tính cờ bạc, không còn gì là nghệ thuật. DƯƠNG THẾ HÙNG
Bí thuật độ 'thần kê' của 'vua gà' chọi một thời vang bóng http://www.nguoiduatin.vn/bi-thuat-do-than-ke-cua-vua-ga-choi-mot-thoi-vang-bong-a312380.html “Mãnh tướng” giữa “quần hùng” Dù “gác kiếm”, “ở ẩn” đã nhiều năm nhưng danh tiếng “vua gà” Ba Cồ (tên thường gọi của ông Châu Bô-PV), (85 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre) vẫn vượt khỏi con đường mòn hun hút. Mỗi khi có người tìm ông trao đổi thú vui đá gà, lòng ông lại rạo rực. Những tháng ngày ôm gà, quần thảo khắp Nam kỳ lục tỉnh trong ông lại ùa về. Ông nhớ lại: “Với tôi, đá gà vẫn vẹn nguyên nét đẹp văn hóa của một trò chơi dân gian. Đến mùa gió chướng, lúa chín vàng là cận tết. Lúc này, ai cũng ra sức chăm gà rồi đem lại đá với nhau xem gà ai hay hơn, đẹp hơn. Ngày đó, mục đích chính của trò đá gà là để giải trí, gắn kết tình làng nghĩa xóm”. "Vua gà chọi" Ba Cồ hào hứng chia sẻ những tuyệt kỹ luyện "chiến kê" (Ảnh: Hà Nguyễn) Thời của ông, niềm sung sướng và cũng là niềm tự hào lớn nhất của người luyện gà là khi gà của mình ra “chiến trường”, đá thắng một con gà có tên tuổi khác. Sau những trận đấu như vậy, không chỉ người luyện gà mà cả “chiến kê” vừa thắng giải cũng hết sức nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Thế nên, dịp cận tết, những bậc thầy nuôi, luyện gà đá đều thi nhau trổ tài nuôi dưỡng, huấn luyện cho các “chiến kê” của mình. “Khi còn rất nhỏ, tôi đã theo cha ôm gà đi so tài cao thấp mỗi khi tết đến. Thường thì, gà nhà tôi luôn thắng. Mỗi khi cha tôi đến trường gà nào, ai cũng muốn đấu với ông vì chỉ cần thắng ông thì họ sẽ nổi tiếng”, ông ba Cồ cho biết. Sớm được “danh sư” truyền đạt kinh nghiệm luyện gà, năm 20 tuổi, Ba Cồ tự tin đưa chiến kê do chính tay mình huấn luyện xuất chiến. Giữa lúc Nam kỳ lục tỉnh có vô vàn dòng gà hay với những bậc thầy luyện gà nổi tiếng, cái tên Ba Cồ nổi lên khắp nhiều vùng đều biết đến. Gà của ông đi đến đâu thắng đến đó. Những người cùng thời với ông cho biết, Ba Cồ có phong thái chơi gà chọi “rất công tử”. Không như người khác, mỗi khi đem gà đi đấu, ông luôn “đóng” vest, mặc comple, dùng xe hơi, xe vespa đến trường gà. Tuy nhiên, dù xuất hiện trong hoàn cảnh nào, gà của ông vẫn luôn thuyết phục người xem bởi có đòn đá hiểm, đá giao chân đẹp mắt. Liên tục bất bại trên các sàn đấu, luôn sở hữu hàng tá “chiến kê” dũng mãnh, Ba Cồ nhanh chóng trở thành “vua gà” chọi xứ dừa, danh tiếng vang xa tận Sài Gòn. Sau khi tắm nắng, các "chiến kê" được đưa vào khu vực râm mát chuẩn bị "luyện đòn" (Ảnh: Hà Nguyễn) Ông nhớ lại: “Năm tôi 30 tuổi, gia đình làm ăn khá giả. Mỗi khi tết đến, nghe đâu có gà hay, gà dữ là tôi ôm gà đến so tài. Tôi nhớ nhất là con gà điều đá chục độ không thua độ nào. Con gà này nặng 1,8kg, chân trắng, lông đuôi dài 7 tấc, mặt nhỏ, mắt tinh. Khi đá, nó biết lựa thế tung đòn hiểm ác, khi đuối sức, nó biết thế thủ. Đặc biệt, dù bị trúng đòn đau, gãy chân, xệ cánh nó không chạy hoảng mà vẫn hiên ngang đối đầu khiến gà sống cũng phải sợ. Cái uy này ít gà có được". "Năm đó, tôi đem gà đi cáp độ tại trường Võ Văn Vân (Bến Tre) thắng lớn. Lúc này, có ông tỉnh trưởng nhìn thấy gà hay nên báo cho ông Nguyễn Cao Kỳ biết. Tướng Kỳ cũng là người mê gà đá, nghe tôi có gà hay liền tới nhà hỏi mua. Cha tôi nhất quyết không bán. Mãi sau này, khi nghe người Tỉnh trưởng nói nếu bán cho tướng Kỳ, một người thân của tôi sẽ được miễn quân dịch, cha tôi mới đồng ý”, ông Ba Cồ đắc ý chia sẻ. “Bí thuật” luyện “chiến kê” Theo ông Ba Cồ, để có được “chiến kê” dũng mãnh người chơi phải có những bí thuật nhất định. Công việc luyện gà được ông tiến hành từ lúc lấy giống đến khi gà trưởng thành và trải qua vô vàn công đoạn. “Vua gà” cho biết: “Có người phải đi lấy giống về luyện. Tuy nhiên, để tiết kiệm thời gian thì mua gà đã trưởng thành cũng được. Nhưng muốn có gà hay phải biết xem tướng gà. Cái này nói ra thì nhiều lắm nhưng cơ bản là ôm phải chặt tay, vảy chân đều, lông mịn, đều, óng ả, mặt nhỏ, mắt tinh, … ngoài ra còn phải xem tướng đứng, tướng đi, tiếng gáy, … của nó nữa”. Hơn thế, để chen chân trong thế giới luyện gà, các bậc thầy cũng phải dày công nghiên cứu, đúc kết vô vàn kinh nghiệm về các loại gà. Theo “vua gà” Ba Cồ, việc nắm bắt tên tuổi, đặc điểm các giống gà cho phép người luyện biết được “sở trường, sở đoản” của “chiến kê”. Qua đó, có thể tìm ra “đấu pháp” thích hợp mỗi khi “lâm trận”. Ông cho biết: “Người xưa có câu: “Gà que gà vàng đâm nhiều”, “Sáng gà điều chiều gà xám” là để cho mình biết cách nhận dạng gà, biết đặc điểm của nó để phát huy hết sở trường và tránh đi sở đoản của nó. Ví như nếu cầm gà xám thì nên cáp độ, đá từ 3h chiều trở đi. Ngược lại, gà điều dù rất dữ nhưng nếu cho nó “so chân” với gà ô chân trắng, mỏ ngà là thua ngay. Nó kỵ nhau mà”. Những "chiến kê" dũng mãnh của "Vua gà" Ba Cồ (Ảnh: Hà Nguyễn) Cũng theo ông, sau khi đã chọn được “thần kê”, các bậc thầy luyện gà còn phải “lên” “giáo án” luyện tập cùng một chế độ dinh dưỡng, chăm sóc đặc biệt. Ông cho biết thức ăn sơ đẳng của “chiến kê” là thóc sạch, không mối mọt, được phơi thật khô. Chế độ ăn cũng phải hết sức khoa học, nếu không gà mập lên, tích mỡ thì coi như bỏ. “Ngoài ăn thóc, tôi còn bắt ếch, cào cào, xắt nhỏ thịt bò cho gà ăn. Muốn nó có lông đẹp, mượt, óng thì thì trộn lòng đỏ trứng gà với thóc. Trong việc ăn uống của gà cũng có những điều kiêng kỵ. Ví như có thể cho nó ăn thịt ếch nhái nhưng không được cho ăn thằn lằn. Lỡ ăn phải con này thì gà gom thịt, khi xung trận mau xuống sức”, ông Ba Cồ bật mí. Xung quanh ngôi nhà vườn "Vua gà" luôn vang vọng tiếng gáy của những "thần kê" oai vệ (Ảnh: Hà Nguyễn) “Lên” được chế độ ăn uống, Ba Cồ tiếp tục đem mọi tinh túy luyện gà nòi tích lũy được từ cha và các bậc thầy khác áp dụng vào “giáo án” huấn luyện “chiến kê”. Ông nói: “Để gà khỏe, phải nhốt cách biệt với nhau. Hằng ngày phải tắm nước nóng, lau mặt, lau cánh cho gà mát. Mỗi buổi sáng, đúng 5h, tôi đem gà ra hứng sương. Đêm, 12h thức cho gà uống nước, kiểm tra lồng úp xem phân gà có gì thay đổi, khác thường không, sờ bầu diều xem cứng hay xẹp,… Khi gà đủ tuổi, hằng ngày sau khi tắm, lau mình, ngâm chân bằng nước gừng, … thì đem gà ra quần với nhau để xem chân, xem giò. Lúc này, mình phải để ý tính khí từng con xem con nào đá hay nhưng chịu đòn kém, con nào gan lỳ, con nào có miếng đánh ác hiểm, … để tuyển lựa, tìm cách phát huy sở trường, khắc phục sở đoản của nó”. Ngoài các phương pháp mang tính sách vở, các bậc thầy luyện “chiến kê” luôn nắm giữ riêng cho mình những bí thuật đặc biệt. Trong giới luyện gà chọi xứ dừa, ông nổi tiếng với bí thuật “vô ngải”. Bật mí bí thuật riêng, ông chia sẻ: “Trước đây ngải này nhiều lắm. Ai nuôi gà cũng có ngải này. Nó là một loại củ nhưng có sức mạnh đặc biệt với gà đá. Người ta bảo ngải Tàu tốt, nhưng tôi thấy ngải mình tốt hơn. Khi lấy ngải thì đào củ to, đem về nấu trong nồi đất với rượu, phèn chua, muối,… đến khi củ ngải teo lại, nắm được trong lòng bàn tay là được. Đem nước này tắm cho gà rồi đem gà đi phơi nắng. Sau đó, tắm lại gà bằng nước sạch. Vô ngải này, gà rất sung. Đặc biệt, ngải này đưa hương theo mùa gió chướng. Khi đem gà cáp độ, đã vào ngải này rồi, chỉ cần có gió là gà sẽ rất sung và dũng mãnh. Thế nên, khi tết đến, xuân về, gió chướng nổi lên là gà tôi lại thắng”. Phai nhạt tinh hoa Ông Châu Bô, vua gà chọi một thời xứ miền Tây cho biết: “Ngày nay, thú vui đá gà phai nhạt dần cái tinh hoa, lý thú của nó. Họ không còn xem trò này như một thú vui lành mạnh, gắn liền với văn hóa dân gian nữa mà biến nó thành trò cờ bạc, sát phạt. Trước đây, mỗi độ đá gà kéo dài cả tiếng, người xem được chiêm ngưỡng những đòn đánh đẹp, người thắng được vinh danh biết xem, luyện gà. Ngày nay, gà gắn cựa sắt, mỗi độ chưa tròn vài phút, người xem đâu có biết môn này đẹp, hay ở chỗ nào nữa”. Hà Nguyễn
Gà chọi NGUYỄN BẢO SINH - http://vannghequandoi.com.vn/Van-xuoi/ga-choi-9224.html Lấy chồng gà chọi sướng hơn tiên Sờ túi đâu đâu cũng thấy tiền Gà chọi thời Pháp được chơi tự do. Ngày xưa chợ Bắc Qua là sân vận động nghiệp dư. Các tay chơi gà chọi thường mang gà ra sân vận động tập và chọi ăn tiền công khai. Người hay mang gà ra vần tập ở đây có ông Quế ở nhà phố Ô Quan Chưởng. Ông Quế là huấn luyện viên thể dục, có vợ tên là Nhung, người nhỏ nhắn xinh xắn. Ông Quế này có hỗn danh “Quế con” để phân biệt với ông “Quế to”, lái ô tô. Quế con có biệt tài chữa cần cổ gà khi chiến đấu bị sai, bị nghẹo, cho nên còn có hỗn danh “Quế cần cổ”. Thời Hà Nội tạm chiếm, có những tay chơi gà chọi nổi tiếng là Nguyệt, Mẫn ở khu Hoàn Kiếm, Cả Trầm ở trên Bưởi, Sáu Tiếp ở Hàng Bạc. Ngày xưa cá độ gà to lắm. Theo cụ Trưởng Anh cho biết cá cược có khi bằng cả dinh cơ, lò gạch. Những bậc tiền bối vẫn tiếp tục chọi gà sau ngày giải phóng. Thời ấy có sới gà nghiệp dư đá để phục vụ các lễ hội như ở Văn Miếu. Giải thưởng thường chỉ là cái phích, khăn mặt, xà phòng kèm theo là cờ đuôi nheo màu đỏ thêu chỉ vàng: “Vô địch gà chọi”. Người thích chọi gà kiểu này có ông Điệp Tần ở Hà Trung. Nghe đâu khi về già, ông Điệp Tần ít chơi gà chọi mà chuyển sang đi câu. Một lần ông ngồi câu, mãi tối không về, chủ hồ ra xem chỉ thấy đôi dép trên bờ và cái mũ trôi dưới hồ, có lẽ ông đã thành Lý Bạch mò trăng… Chọi gà nhà nghề bị cấm nên phải chọi chui. Sới chọi chuyên nghiệp thường xuyên ở nhà ông Đắc ở Cổ Nhuế. Dạo ấy từ Hà Nội vào Cổ Nhuế phải qua trường Đảng, chứ không đi bằng nhiều đường như bây giờ. Ông Đắc là y sĩ của huyện nên ông quen nhiều công an, được ô dù che chở, chứ nơi khác chứa sới được dăm bữa là vỡ. Làng Cổ Nhuế xưa có nghề đi hót phân. Người dân Cổ Nhuế có câu: Ra đi quyết một lời thề Phân chưa đầy sọt chưa về thăm quê Sở dĩ sới gà chọi hay bị vỡ vì dân gà chọi to mồm hò hét rầm trời nên rất dễ bị lộ. Hơn nữa, dân cờ bạc gà chọi hình như nhiễm máu nóng của gà nên hay gây gổ đánh nhau. Một trong những người chữa cho gà chọi giỏi nhất phải kể đến ông Tùng. Ông Tùng con cụ Trưởng Anh, là một tay chơi gà chọi nổi tiếng. Bốn con của cụ Trưởng Anh gồm: Cúc, Thông, Tùng, Bách đều chơi gà chọi. Song chỉ ông Tùng là siêu sao. Ảnh minh họa Người chơi gà chọi nhà nghề có tiếng có thể đến Quang Lốp, một chủ hàng nhựa giàu có tiếng ở Khâm Thiên. Quang Lốp chơi gà khác đồng nghiệp ở phong thái ông chủ, nên rất có uy tín. Thời ấy, chợ Hà Đông là trung tâm mua bán gà chọi toàn miền Bắc và làng Phùng Khoang gần đấy có rất nhiều tay chơi gà chọi có tiếng. Giữa làng Phùng Khoang có gia đình ông Hội rất kính chúa và yêu gà, nhà ông có con gà Xám Cóc nổi tiếng. Nghe tiếng đồn, Hai Thoại, một tay mê chơi gà người miền Nam tập kết mang gà chọi của mình vào nhà ông Hội để vần thì bị con Xám Cóc đâm lia lịa, máu chảy đầm đìa. Sau đó vài hôm, Hai Thoại đến gạ mua được Xám Cóc với giá rẻ. Ông Hội đồng ý bán và Hai Thoại như bắt được vàng, sau khi vần tập kĩ mang ra sới ghép. Trận đấu Xám Cóc ghép với Tía Ngỗng là một trận kinh điển. Tía Ngỗng to cao hơn Xám Cóc ba lạng nhưng Xám Cóc đã đâm chết Tía Ngỗng rất nhanh. Trận thứ hai cũng vậy, Xám Cóc trở thành lừng danh khắp sới. Trận thứ ba, Xám Cóc gặp Cu Ly, Cu Ly là tên gọi chệch của con gà Cú của ông Luy, cánh gà chọi Bưởi. Trận đó, Xám Cóc đã thua một cách đơn giản. Nhưng cánh anh Hai bầy nhầy không chịu, đòi thi đấu lại sau vài tháng. Chính vì có sự lạ này cho nên giới gà chọi rất quan tâm. Trận đánh đó đã gây sốc và thu hút sự chú ý của giới gà chọi toàn miền Bắc. Trận đấu phục thù của Xám Cóc và Cu Ly đã gây sững sờ cho toàn giới chơi gà chọi, vì bất cứ con gà chọi nào trưởng thành đã thua một lần là vĩnh viễn xóa phiên hiệu, gọi là gà vỡ, chỉ có thể cho vào nồi để nấu phở thôi. Chỉ có điên thì mới mang Xám Cóc ra đá lại. Hai Thoại đã làm điều mà từ cổ chí kim không ai dám làm, kể cũng đáng khâm phục. Dĩ nhiên, trận báo thù này, Xám Cóc lại thua nhục nhã, nhưng ý chí chiến đấu và niềm tin của Hai Thoại thì mãi mãi in dấu ấn trong lòng người chơi gà chọi. Gà chọi dù thắng bao nhiêu trận chỉ cần thua một trận là đủ xoá sạch thành tích và ô danh muôn thuở. Duy chỉ có Xám Cóc, thua đến hai trận mà lại lưu danh muôn thuở. Một trong những con gà lừng danh nữa là Ô Mướp. Cụ tổ bốn đời của Ô Mướp là Ô Tía Mơ Đa Hội của Nam Chánh. Đa Hội vốn là làng rèn, con gái ở đó tháo vát đảm đang. Tất cả mọi việc ngoại giao, mua bán, kinh bang tế thế đều bởi tay đàn bà. Đàn ông chỉ có việc quai búa, chơi gà chọi, uống rượu. Gà chọi Đa Hội có chân đá quyết định, song lối chưa hay lắm và kém sức dẻo. Dân Đa Hội khi kết hôn hoặc li hôn không theo luật hôn nhân. Trong làng có hai cái cột đá, đôi nào kết hôn hoặc li hôn cứ dán tên lên cột đá coi như bỏ nhau hoặc thành vợ thành chồng. Báo Nhân Dân thời bao cấp, cơ quan ngôn luận cao cấp nhất của Đảng phải viết: “Làng Đa Hội đường chim bay cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 10 km mà họ chống luật hôn nhân, kết hôn, li hôn không thông qua ủy ban”. Nhưng cuối cùng phép vua vẫn thua lệ làng. Ô Tía Mơ Đa Hội của Nam Chanh cũng mang tính Đa Hội: chân đá nặng, lối chưa hay. Cũng như người dân Đa Hội, suốt ngày quai búa nên tay to, ngực nở, đôi chân thì cẳng cà. Đòn sở trường của Ô Tía Mơ Đa Hội là đang đánh bỗng bỏ chạy, đối phương đuổi theo, Ô Tía Mơ quay lại tát liên tục để làm mất mắt, dập mỏ kẻ địch - cũng tương tự như đòn hồi mã thương của Lâm Sung, đà đao của quan Vân Trường. Cụ ba đời của Ô Mướp là Mơ Thôn. Mơ Thôn vốn ở Cầu Bươu, lông màu mơ, do ông Thôn nuôi. Thời trước năm 1975, sới gà chọi chính ở Cổ Nhuế, sới phụ ở cầu Bươu. Mơ Thôn thần kê thắng bảy kì. Kì thắng cuối cùng do ông Kiên chợ Giời làm chủ kê. Trận thắng đi vào lịch sử khi Mơ Thôn đang ở cửa dưới, bị đâm cựa khoé mào không cầm máu nổi, thì bỗng chỉ một cựa, Mơ Thôn đã đâm vỡ tim đối thủ, máu chảy như máy nước, địch thủ chết tại trận. Nhị tổ Ô Mướp là Bịp Cưa Cần của Phúc Ỳ. Bịp Cưa của Phúc Ỳ thắng tám trận. Bịp Cưa rất ít đá, chỉ cưa đối phương gãy cần cổ phải bỏ chạy hoặc chết. Lối đá cưa cần, thế võ tối thượng thừa. Gà Cưa Cần rất quý hiếm như thần kê. Thân phụ trực tiếp Ô Mướp là Ô Huấn La Phù - gà của ông Huấn nuôi ở La Phù. Ô Huấn chân vàng, cựa đen xếp vào thần kê. Ô Huấn rất liền bộ: đầu công, mình cốc, cánh vỏ trai, đẹp như bức tranh, đôi cựa oai hùng như đôi Thanh Long đao của Quan Vân Trường. Ô Huấn không đánh tốc chiến tốc thắng như Ô Tía Mơ Đa Hội, hay như Mơ Thôn mà chủ yếu vần cho đối phương thỉu dần đi. Ô Huấn rất dễ lừa đối thủ, tưởng là thắng lại hoá thua, nên kiếm được rất nhiều tiền cho chủ kê. Thường thì kê tam, khuyển lục. Sau ba năm gà suy yếu dần vì già. Còn chó sau sáu năm cũng vậy. Riêng Ô Huấn tám năm mà vẫn như Triệu Tử Long. Trận cuối cùng Ô Huấn đá ở Thổ Hà với cánh tay Nguyệt, Cương ở Hàng Mã. Ai cũng khinh Ô Huấn quá già nên chấp. Không ngờ Ô Huấn càng đánh càng hay. Trận đó, Ô Huấn thắng oanh liệt. Ông Sứu dưới Tân Mai theo Ô Huấn thắng to, tiền cá cược về xây được nhà. Thời 1970 xây được ngôi nhà bằng tiền gà chọi coi như một kì tích, một kỉ lục Guiness. N.B.S
nhà báo đăng hình mấy con gà tơ chưa cự lộn đứng gần nhau mà bảo là "chiến kê" chuẩn bị luyện đòn ???
Anh chưa toát hết cả mồ hôi phải ko? Đọc đi rồi mà sợ nè: Hôm nay minh xin kể lai cho ae nghe một trận đấu gà mà minh đã từng gặp. Chuyen này la thật 100/100. Các ban xem thử xem tài nghệ của mình dc bao nhiêu so với lão tiền bối này. Chuyen la như vay: Vao nam 1999 lúc đó đang vào chiến dịch truy quét tệ nạn xã hội nên những bồ gà ở nội thành tp Hồ Chí Minh bị động, tạm thời nghỉ ko chơi lúc này chỉ có một bồ gà duy nhất là còn đá tiền lớn, bồ này sâu ở trong khu rừng tràm xã Lê Minh Xuân huyện Bình Chánh. Vì ko còn chỗ để chơi và sát phat nhau nên hầu như tất cả rắn hổ (dân đá gà chuyên nghiệp, dân cơm gạo) đều có mặt ở bồ gà này để sát phạt nhau. Sau cả ngày đấm đá thì đến xế chiều thì đã cạn gà đá. Lúc này mọi người kẻ ngồi tán dóc người thì chơi tài xỉu, lắc bầu cua. Đột nhiên có 1 ông lão ngoài 70 bước vào trên vai ông là một cây đòn gánh, phía trước treo 1 con ga màu trắng phía sau treo một con màu đen, cả hai con đều bị trói giò treo tòn teng vào đòn gánh. Thấy lạ mọi người ngước nhìn ông với ánh mắt tò mò và ko mấy thiện cảm, ông lão cười thân thiện và nói rằng muốn bán hai con gà này có ai mua ko. Lúc này mọi người cười ồ lên và một người trong số họ nói với ông bằng cái giọng mĩa mai rằng ở đây mua gà đá chứ ko mua gà thịt. Ông lão trầm ngâm ko nói gì chỉ cười và khẽ đưa mắt nhìn quanh mà thôi. Ngồi một lúc thấy ko ai mua và cũng ko ai để ý đến mình nên ông lão gặp chủ trường xin đc đá gà của mình, nhưng vì trường này đá lớn tiền nên ông ko đủ tiền để đá. Mọi người ngồi buồn thì có một người hỏi ông lão có đc bao nhieu tiền, ông lão trả lời có 700.000 ngàn. Người này mới nói cho ông thêm 300000 ngàn nữa để đá cho vui cho mọi người xem. Chủ trường và mọi người thấy vậy thì cũng hưởng ứng cho vui. Ông lão vẫn điềm tĩnh từ tốn mở dây trói chân cho con gà trắng của mình và đem vào bồ cân. Chủ trường đem ra con vàng bằng chạn để ứng chiến. Không khí lúc này bận rộn hẳn lên. Bổng nhiên bên ngoài bước vào bốn người ăn mặc sang trọng, chủ trường nhận ra ngay bốn người này là việt kiều Mỹ rất nhiều tiền và cũng đam mê cờ bạc, là dân cờ bạc chuyên nghiệp nên chủ trường nhận ra ngay đây là cơ hội để kiếm tiền rất tốt. Trong số những rắn hổ ở đây cũng có người nhận ra bốn ng này nên trường gà trở nên sôi động và hoạt náo hẳn. Ông lão vẫn thái độ điềm tĩnh cười khẽ và nói ko đá con gà chủ trường đem ra mà chỉ vào con gà điều chân xanh hay nhất đôc đinh hay nhất và ăn đến 26 độ chưa con nào chịu đc đến chân thứ 3 và là gà giữ trường. Sau một thoáng ngần ngại suy nghĩ chủ trường quyết tâm làm độ này vi thừa hiểu bốn a chàng Việt kiều chẳng biết gì về con gà cả nhưng lại co máu cờ bạc và ham bạc rẻ chắc chắn sẽ bị sụp bẩy và mẻ lưới từ từ đc chủ trường và các đệ tử giăng ra. Sau khi đem gà ra cân và cáp xong ông lão xin đc ôm gà ra ngoài bồ băng cựa với lí do vì lớn tuổi nên bị ngộp. Mọi người chẳng ai để ý đến ông cả mà chỉ lo nhìn chăm chăm vào gà của chủ trường mặc dù trận đấu chưa diễn ra nhưng thừa biết đc phần thắng sẽ nằm về con gà bên nào. Sau khi lên cựa xong thì chủ trường lên tiếng điều đá nhạn ăn 9 moi người im lặng và chờ đợi một thoáng nặng nề. Thái độ của 4 a chàng Việt kiều kia chỉ dửng dưng đứng xem thôi. Sau một hồi xuống bạc thì con điều đá con nhạn ăn 6 lúc này tất cả rắn hổ đều nằm trên còn bốn a viet kiều ham bạc rẻ nên bắt bạc dưới rất nhiều. Chủ trường muốn hốt cú chót nên con điều đá nhạn ăn 5. Vậy là xong bao nhieu tiền của bốn a việt kiều này đc đem ra đặt cược hết. Mọi người chỉ lo ăn thua mà chẳng ai để ý đến ông lão cả. Lúc này ông lão mới lên tiếng, mấy chú biết gà tôi như thế nào mà đá ăn 5 hả, mấy chú nghĩ sau nếu gà tôi đá lại con điều ăn 5. Mọi nguoi cười khanh khách chủ trường nói với giọng mĩa mai vì cá đã nằm trong lưới ông làm gì có tiền mà đá hả. Ông ko nói gì móc ra cái điện thoại to cục gạch alo cho ai đó chưa đầy 3 phút sau có 4 ng đem vào 4 cái cặp khi mở ra chỉ toàn là tiền chẳn được xếp ngay ngắn. Ông lão đứng lên nghiêm mặt và nói lớn con nhạn đá con điều ăn 4 bao sổ. Tất cả mọi người trong trường gà nhao nhao ko còn kiềm chế đc bản thân nữa có người ko tin vào tai và mắt của mình và thế là bao nhiêu tiền, xe, những vật có giá trị khác đc đem ra cầm cố để đặt cược hết cho trận quyết đấu này. Do quá nhiều tình huấn xảy ra nên từ lúc lên cựa cho đến lúc thả gà hơn 35 phút. Trận này vì đá gà của chủ trường nên mọi người đồng ý mời đại cao thủ Hai Lương làm trọng tài ( người này là 1 chủ trường ơ Đức Hòa). Sau tiếng đếm 1 2 3 thả gà con gà điều của chủ trường đứng canh điềm tĩnh cài đầu lắc lư nhè nhẹ ko vào, còn con gà của ông lão mặt trắng bệch chân đứng run run ko vững và nằm xuống giống như gà bi thuốc. Bắt gà trọng tài cho thả lại lần 2 cũng như vậy con nhạn lại nằm xuống mặt tái nhợt. Mọi người ko ai nói ai nhưng đều nghĩ rằng con gà của ông lão đã bi thuốc nên chỉ cần con điều đá vài chân là kết thúc trận đấu. Thế là con điều đá con nhạn ăn 2 bao nhiêu đồng tiền cuối cùng đc vét sạch đem ra chơi hết. Ông lão lại cười nhẹ quay lại nhìn bốn đệ tử ông khẽ ra hiệu và bốn đệ tử của ông bắt sạch ko cho lọt một đồng. Đến lần thứ ba ông lão vuốt nhẹ lưng con gà và nói ráng nghe con đến phiên mày rồi đó, đến lúc này con điều ko còn kiên nhẩn giữ đc bình tỉnh mà đứng canh nữa nên vỗ cánh tung cước đá trước với 1 thần lực kinh hồn của một con chiến kê, còn con nhạn dường như đã có sự chuẩn bị trước nên cũng tung cước đá theo. Bộp âm thanh khô khốc vang lên hai con đâm cựa dính quyện vào nhau ko tách ra đc. Mọi người ko nhìn đc con gà nhạn vì con gà điều của chủ trường 2 cánh dang xòe ra ôm trọn con gà nhạn. Trọng tài kêu bắt gà thì con điều đã chết ko kip giẫy dụa, hai cựa con điều đâm vào bã cánh con nhạn, hai cựa con nhạn đâm vào nách và chảng ba con điều. (Đơn chiêu đối nhất chiêu.) Vậy là thắng thua đã rỏ ông lão nhìn chủ trường nghiêm mặt nói từ tốn đừng bao giờ nhìn bên ngoài mà đánh giá người khác. Chủ truong tỏ vẻ tâm phục khẩu phục trả lời nhỏ dạ. Trước khi đi ông để lại cho ae 20.000.000 tiền uống nước và về xe. Còn số tiền thắng thua của trận gà đó ko ai biết đc là bao nhiêu. Cho đến bây giờ bản thân mình cũng ko ngờ đc chuyện như vậy nếu như ko đc tận mắt chứng kiến. Đã từng có nhiều người vì hâm mộ vì danh lợi hay vì........ tìm kiếm tung tích của cao nhân này nhưng đều vô vọng. Từ đó đến nay ko ai còn thấy ông lão này xuất hiện trên giang hồ nữa. Kể từ khi chứng kiến trận gà lịch sử đó mình ko còn ôm gà đi đá nữa mà chỉ học va tìm hiểu về con gà mà thôi. NÚI CAO CÓ NÚI CAO HƠN. Chuyện kể rằng: Buổi sáng nọ có H nhận đc cuộc đt đầu bên kia giọng 1 ông lão nói rằng chú H phải ko. H có gì ko ông. Ông lão nói có người chỉ tôi bán 2 con gà cho chú. H ai chỉ cho ông biết số đt mà ông gọi cháu Ông lão nói mấy đứa nhỏ và xin số nhà nơi H ở. H hỏi ai vậy ông Ông lão ậm ừ ko nói. Rồi ông lão có hình dáng hơi quái, chân mày ngược, mắt xếch, râu ria tua tủa đem đến nhà H 2 con gà, 1 con điều chân xanh ĐUÔI LAU và 1 con điều đỏ chân trắng có chỉ nguyệt anh. H xem gà thích lắm hỏi ông lão bao nhiêu tuổi và ở đâu nhưng ông lão ko trả lời. H hỏi thêm 2 con gà bao nhiêu tiền Ông lão nhìn H dò xét và nói nhẹ nhàng, ông thích mày cầm lấy đi con cho con đó. H nhìn ông ngỡ ngàng ko nói đc lời nào. H mời Ông lão uống cafe nhưng ông lão cười móc trong giỏ ra 1 chải màu trắng nói tao uống cái này. Ông lão mở chai ra và uống vài ngụm với vẻ khoái chí, lúc này H mới nghe mùi rượu thoang thoảng từ chai nước của ông lão bay ra. H chưa kịp nói gì thì ông tay cầm giỏ đệm đi thẳng ko nói lời nào, lúc này H mới biết mình đã gặp cao nhân nên vội chạy theo và nói ông ơi ông ở đâu có gì cháu qua thăm ông. Ông lão cười và nói CỔ CHIÊN QUẸO PHẢI. Hai tháng sau con điều chân xanh ĐUÔI LAU thay lông ko đá đc. Con điều đỏ chân trắng chỉ nguyệt anh ăn tám cái trong đó giết 3 con cọp và 2 con gà danh rồi thay lông. Lúc này H mới giật mình ko biết tìm ông lão ở đâu.......va lấy làm khó hiểu lý do vì sao ko quen biết lại đc ông lão tặng gà. Một ngày cuối tháng 8 H sắp xếp công việc quyết tâm đi theo lời ông lão nói........ Và......... Khi H đến cầu cổ chiên nghe theo lời ông quẹo phải, dọc đường H hỏi thăm nhiều người những ko ai biết ông lão. Trên đường đi H bỗng nghe tiếng gà gay rất kì lạ nên lần theo tiếng gà va tìm đến một căn nhà lá bình dị. H nhìn quanh nhà thấy có vài chục bội gà. Trời ơi gà gì nhìn muốn nổ con mắt luôn ko lẻ là cọp ko H nghĩ thầm. Sao lại có nhiều gà đẹp quá. Lúc này có 1 nguoi bước ra và hỏi khỏe ko con. H xoay người lại ko khỏi giật bắn mình chính ông lão đã cho gà mình. Ông lão nhìn H trìu mến...... sau đó pha trà cho 2 ông cháu ngồi mạn đàm về gà. Câu chuyện đến đây xin đc kết thúc mà ko có đoạn kết vì ông lão ko cho H nói thêm gì nhiều về lí lịch ông lão tiền bối cao nhân đó. ..... Cuối cùng H cũng tìm đc cái mà H trăn trở day dứt thời gian qua. Kakkakakakakakakaka. Câu chuyện đến đây là kết thúc Cảm ơn mọi người đã đọc câu chuyen này. Chúc ae buổi tối vui vẻ. HCM HOA. .........................