Cách đóng gói vận chuyển trứng D.J. Honour - http://www.aviculture-europe.nl Vận chuyển gà sống rất đắt đỏ. Dịch vụ hàng không của các hãng chuyển phát dường như đang trong thời kỳ suy thoái. Vận chuyển trứng có trống là phương tiện duy nhất để bổ sung con giống. Nên nhớ rằng nhiệt độ quá cao hay quá thấp có thể là vấn đề. Gói hàng có thể bị quăng quật và vứt lên xe, đôi khi ở khoảng cách 6-7 m. Nếu vận chuyển bằng đường hàng không, ai mà biết được nhiệt độ trong khoang hành lý như thế nào hoặc ảnh hưởng của việc giảm áp và các sóng radar/tia X nữa. Không thứ gì kể trên tốt cho trứng vì vậy đừng mong tỷ lệ nở sẽ cao. Trung bình từ 30-40% là ổn. Nếu bạn chỉ thu được vài con gà, như vậy cũng là rất tốt rồi. Tôi thích gửi trứng vào sáng thứ hai để chúng đến đích trước cuối tuần mà không phải trôi nổi đâu đó cả ngày chủ nhật. Tôi gửi bằng dịch vụ chuyển phát nhanh, đôi khi hàng đi cực lẹ, trong vòng 3-4 ngày là đến nơi. Nhưng tôi không dám chắc luôn như vậy. Tôi dán nhãn “đồ thủy tinh” lên hộp bởi vì tôi thấy người ta cẩn trọng đối với đồ thủy tinh hơn là trứng gà! Bao bì nhất định phải cực tốt. Cách vận chuyển của tôi rất ổn theo như lời của một nhà lai tạo gà lơ-go, Fred Van Duesen ở Schuylerville, New York. Tôi sử dụng băng keo sợi. Tôi đánh dấu nắp hộp bằng mũi tên. Rồi tôi kiểm tra tất cả các trứng đều sạch sẽ, không bị bể nứt. Tôi gói từng trứng trong giấy xốp (tissue paper). Rồi tôi trải giấy báo khổ đôi ra, đặt trứng vào một góc và bắt đầu gói. Sau một đoạn ngắn, khi hai đầu cuộn cách mép giấy độ 2.5 cm, tôi gập thẳng hai mép giấy và cuộn tròn thành ống xy-lanh. Nếu bạn không gập mép giấy thì hai đầu sẽ nhọn và không thể dán băng keo cho gọn. Khi hoàn tất, bạn sẽ có một cuộn xy-lanh bằng giấy báo với hai đầu cách trứng khoảng 2.5 cm cùng với lớp giấy bao xung quanh trứng. Cách bao trứng: 1) Trứng với giấy xốp (tissue paper), 2) Cuộn trứng trong giấy xốp. 3) Đặt trứng tại góc tờ báo khổ đôi, 4) Gói trứng. 5) Gấp nếp giấy hai bên cho thẳng, 6) Gấp tiếp cho gọn hơn. 7 & 8) Cuộn lại. 9) Dán băng keo, 10) Hoàn tất Khi gói theo cách này, trứng sẽ được đặt thẳng đứng và dán chặt vào nhau rồi cả nhóm được đặt vào thùng hàng. Ý tưởng của ống xy-lanh là bạn có cả vài cm chịu lực, cả bên trên lẫn bên dưới trứng. Tôi luôn đóng gói như vầy mỗi khi gửi trứng. Rồi tùy thuộc vào số lượng gửi và hộp cac-tông (hãy hỏi bưu điện, tôi nghĩ họ giới hạn kích thước hộp – cỡ 60 cm2 là tối đa - bạn có thể cần đến 2 hộp nếu vận chuyển nhiều), rồi bạn dựng đứng ống xy-lanh trứng, ràng chúng lại với nhau bằng băng keo điện hay sợi. Tôi thường ràng 8-12 trứng vào một nhóm. Bạn có thể xếp nhóm này lên trên nhóm kia nhưng nhớ ràng băng keo để đảm bảo tất cả trứng đều đứng thẳng trong hộp. Rồi tôi trải tấm plastic bọt (bọt lớn hiệu quả hơn bọt nhỏ) lên đáy và mặt của hộp. Rồi tôi rải thêm vụn mút xốp (vỏ đậu phộng, bắp rang cũng được) lên trên tấm bọt. Ở các góc hộp tôi đặt xy-lanh báo với chiều cao bằng với chiều cao của hộp, những cột này không cần gấp từ góc báo, chỉ cần hơi cao hơn hộp một chút và không quá dày. Những cột báo này làm đầy các góc và giúp hộp chặt hơn. Rồi tôi đặt gói trứng vào hộp, bỏ thêm một ít vụn mút xốp vào cho đầy hết khoảng trống. Rồi đậy nắp và ràng bằng băng keo sợi. Tôi ràng nhiều lớp; nó giúp làm chặt hộp. Trứng thường đến đích bình an với một vài trái bị hư, bể. Tôi để yên số trứng vừa nhận được (sau khi dỡ và hướng nắp lên trên) trong từ 12-24 giờ trước khi đặt vào lò ấp. Tôi từng thử những phương pháp vận chuyển khác nhưng kết quả đều không bằng. Hy vọng bài viết này sẽ giúp đỡ các bạn khi gửi trứng.