Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Phần 1 - Sơ lược về bồ câu và cu

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - chim' bắt đầu bởi vnreddevil, 9/6/11.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Phần 1 - Sơ lược về bồ câu và cu
    Hein van Grouw - http://www.aviculture-europe.nl

    Có tổng cộng 309 loài bồ câu (pigeon) hoang dã phân bố ở khắp nơi trên thế giới, ngoại trừ Nam Cực. Một số loài rất phổ biến trong khi một số loài khác đang trên bờ vực tuyệt chủng. Chúng có nhiều biến thể về kích thước cũng như màu sắc. Tuy nhiên, về hình dáng thì hầu hết các loài đều khá giống nhau và có nét “bồ câu”. Không loài nào đẻ quá 2 trứng mỗi lứa và tất cả đều nuôi con bằng “sữa” trong những ngày đầu tiên. Thời gian ấp trứng tương đối ngắn và bồ câu non phát triển rất nhanh, so với những loài chim có cùng kích thước khác.

    Bồ câu là một họ chim rất tách biệt, không có họ hàng trực hệ với bất kỳ họ chim hiện hữu nào. Họ hàng gần duy nhất là chim Dodo vốn đã tuyệt chủng.

    [​IMG]
    Chim Dodo, họ hàng gần của bồ câu. Phiên bản tại Bảo tàng Động vật Amsterdam.

    [​IMG]
    Bồ câu trĩ (pheasant pigeon) là một phân họ bồ câu.

    Họ bồ câu (Columbidae) là một họ chim rất cổ xưa. Hóa thạch bồ câu xưa nhất được biết có niên đại khoảng 30 triệu năm tuổi. Mặc dù niên đại đáng nể như vậy, người ta tin rằng họ này thậm chí còn xuất hiện lâu hơn trước đó! Những nghiên cứu di truyền gần đây cho thấy, ngoại trừ chim Dodo, bồ câu không có mối quan hệ họ hàng gần nào khác (có nghĩa trong bộ bồ câu Columbiformes chỉ có mỗi họ bồ câu mà thôi, muốn truy tìm họ hàng thì phải lên đến cấp cao hơn, tức là lớp).

    Họ bồ câu được chia thành 5 phân họ bao gồm:

    1. Bồ câu (pigeon) và chim cu (dove) (Columbinae):181 loài
    2. Bồ câu trĩ - pheasant pigeon (Otidiphabinae): 1 loài
    3. Bồ câu mào - crowned pigeon (Gourinae): 3 loài
    4. Bồ câu răng - tooth-billed pigeon (Didunculinae):1 loài
    5. Cu xanh & cu cây - green & fruit dove (Treroninae): 123 loài

    [​IMG]
    Bồ câu mào là loài to con nhất trong số các loài bồ câu.

    Thức ăn
    Dựa trên nguồn thức ăn, bồ câu có thể tạm chia thành hai nhóm; nhóm ăn hạt và nhóm ăn trái cây. Nhóm ăn hạt có mề mạnh để nghiền hạt và ruột dài hơn so với nhóm ăn trái cây. Những loài ăn hạt thường nằm trong nhóm “bồ câu” chính hiệu.

    Bồ câu trĩ, bồ câu mào và bồ câu răng ăn cả hai loại thức ăn. Và sau cùng, cu cây như tên gọi, ăn trái cây là chính. Hầu hết cu cây đều tiêu hóa hạt rất khó khăn.

    Bồ câu thường kiếm ăn trên mặt đất. Tuy nhiên, nhiều loài cu cây ăn trái trực tiếp trên cây và cả đời không hề đậu xuống đất. Dù thuộc về phân họ nào thì bồ câu cũng ăn chay là chính. Dẫu một số loài cũng đôi khi cũng ăn thịt, chủ yếu là côn trùng, ốc và sâu bọ.

    [​IMG]
    Cu ngực vàng - golden heart (Gallicolumba rufigula) là loài kiếm ăn trên mặt đất.

    Những loài cu kiếm ăn trên mặt đất, chẳng hạn như Gallicolumba criniger (mindanao bleeding-heart) và Geotrygon montana (ruddy quail-dove), ăn thịt tương đối nhiều so với các loài khác. Đấy là những thức ăn được tìm thất trên mặt đất trong địa bàn sinh sống của chúng. Bồ câu cần nước để tiêu hóa thức ăn. Ngoài ra, nước cũng cần để tạo ra “sữa” và điều hòa thân nhiệt. Hầu hết các loài đều uống nước sau khi ăn. Nhiều loài cu cây không hề uống nước bởi chũng đã có đủ nước lấy từ nguồn trái cây.

    Đặc điểm
    Các loài bồ câu có kích thước rất khác nhau. Bồ câu mào dài nhất, đến 68 cm và nặng trên 2 kg. Tuy nhiên, cu đất – ground dove (Columbina passerina) chỉ dài có 14 cm, nặng vỏn vẹn 30 g; đây là loài nhỏ nhất trong họ.

    Trong tiếng Anh, các từ “dove” và “pigeon” có ý nghĩ như nhau mặc dù những loài lớn hơn cu turtle thường được gọi là “pigeon” (bồ câu) và những loài nhỏ hơn cu turtle thường được gọi là “dove” (cu). Người Hà Lan không phân biệt mà gọi tất cả là “bồ câu”.

    Đặc điểm chung của bồ câu và cu là đầu tương đối nhỏ, thân tròn trĩnh và chân ngắn. Gốc mỏ được bao phủ bởi viền thịt thay vì sừng. Nhìn chung, chúng bay giỏi và nhiều loài có cánh dài. Cánh tương đối lớn và phát triển; chiếm đến 31-44% trọng lượng cơ thể. Bồ câu non phát triển rất nhanh, so với những loài chim cùng kích cỡ khác. Một trong những nguyên nhân là vì tất cả bồ câu đều mớm “sữa” cho con trong những ngày đầu tiên. “Sữa” là chất sền sệt rất giàu đạm. “Sữa” được cả chim bố lẫn chim mẹ tiết ra từ chính cơ thể của mình dưới tác động của hormon. Loại “sữa” này là độc nhất và trong thế giới loài chim, nó chỉ được phát hiện ở các loài bồ câu mà thôi.

    Một đặc điểm chung nữa ở các loài bồ câu và cu là cách mà chúng uống nước. Hầu hết các loài chim đều ngậm nước bằng mỏ và ngửa cổ để nuốt. Dẫu vậy bồ câu có thể uống bằng cách nhúng mỏ ngập đến mũi và húp từng ngụm. Cùng với một số loài finch ở Úc, đây là đặc điểm độc đáo của bồ câu so với những loài chim khác. Bất cứ quy tắc nào cũng đều có ngoại lệ, bồ câu răng uống nước giống như những loài chim khác: ngậm nước bằng mỏ và ngửa cổ để nuốt.

    Mặc dù mỗi loài chim đều có cách ngủ khác nhau. Không con bồ câu hay cu nào gác mỏ lên vai trong khi ngủ. Điều này lại rất phổ biến ở các loài chim khác, chúng cũng co một chân trong khi ngủ. Ngoại trừ bồ câu đá (rock pigeon), tất cả bồ câu và cu đều ngủ trên hai chân.

    Sinh sản
    Bồ câu và cu đẻ tối đa hai trứng mỗi lứa. Chúng bắt đầu nằm ổ sau khi đẻ trứng thứ hai. Chúng nằm lên trứng trước hết để bảo vệ chứ không phải để sưởi ấm. Làm vậy để ngăn trứng nở cùng lúc. Vì chim non phát triển cực nhanh, nếu hai trứng nở cách nhau một hay một ngày rưỡi thì sẽ là thảm họa đối với con nhỏ hơn. Ở chim cỡ nhỏ như cu, trứng nở sau 11 đến 16 ngày tùy loài. Những loài lớn hơn cần đến 17 ngày để trứng nở, trong khi bồ câu mào cần đến 30 ngày.

    Trong tuần đầu tiên sau khi ra đời, chim non được bố mẹ nuôi bằng “sữa”. “Sữa” được tiết ra dưới tác động của hormon và được kích hoạt bằng việc nằm ổ. Âm thanh và chuyển động của chim non mới nở sau 24 giờ, cũng tác động tích cực đến việc tiết “sữa”. Sữa của bồ câu đá bao gồm khoảng 58% đạm và 34% chất béo. Phần còn lại chủ yếu là chất xơ và khoáng. Vì được cung cấp nguồn dinh dưỡng chất lượng, chim bồ câu non lớn nhanh nhất so với những loài chim khác.

    [​IMG]
    Bồ câu hoàng đế - pied imperial pigeon (Ducula bicolor), một trong số 123 loài cu cây.

    [​IMG]
    Cu màu - magnificent fruit dove (Megaloprepia magnifica) nổi danh bởi màu sắc nổi bật.

    Trong những ngày đầu tiên, loại “sữa” này cực kỳ quan trọng đối với bồ câu non. Nếu không được cung cấp đầy đủ trong gia đoạn này, chúng sẽ không thể sống sót. Để có đủ sữa, bồ câu bố mẹ phải hợp tác trong việc nuôi dưỡng con.

    Tuy nhiên, việc tiết sữa sẽ tiêu tốn rất nhiều năng lượng, vốn lấy từ thức ăn. Hạt chứa rất nhiều chất đạm; trái cây ít hơn nhiều. Điều này lý giải tại sao cu cây chỉ đẻ một trứng và nuôi dưỡng một con vào mỗi thời điểm. Không chỉ bồ câu mái cần tẩm bổ để đủ sức đẻ trứng, mà cả bồ câu trống cũng cần tẩm bổ để tiết “sữa” nuôi con. Vì cách nuôi dưỡng “đốt năng lượng” này mà bồ câu không thể nuôi quá hai bồ câu non cùng lúc.

    Vào những ngày đầu tiên, bồ câu non được nuôi bằng “sữa” nhưng ở những tuần tiếp theo chúng sẽ bắt đầu ăn hạt và trái cây. Số ngày nuôi con bằng “sữa” tùy vào mỗi loài; đôi khi kéo dài đến khi chim non bắt đầu tập bay; điều này đặc biệt đúng với cu cây vì nguồn sữa kém đạm hơn. Khi mớm sữa, bồ câu bố mẹ cạp mỏ và mớm thẳng vào họng của bồ câu con. Đó là lý do lớp lông xung quanh mỏ của bồ câu con không phát triển cho đến khi chúng có thể tự lo được. Điều này nhằm tránh lông dính vào mỏ chim.

    Bồ câu với con người
    Trong đời sống con người, bồ câu luôn đóng một vai trò quan trọng. Cách diễn tả như “bill and coo” (rỉa và gù), thể hiện hành vi thường thấy ở bồ câu và cũng mang ý nghĩa như vậy. Hầu hết mọi tiếp xúc đều diễn ra với các biến thể cu thuần dưỡng trong phạm vi thành thị, chẳng hạn như cu cười (laughing dove). Cu thuần dưỡng là hậu duệ của cu hoang, những thành viên thuộc họ bồ câu.

    [​IMG]
    [​IMG]
    Bồ câu đem lại niềm vui cho trẻ em… và cả người lớn.

    Thời xưa, bồ câu đóng một vai trò quan trọng trong nhiều nền văn hóa và tôn giáo. Vì vậy chúng thường là biểu tượng của tình yêu và hòa bình hay mang một ý nghĩa tốt đẹp. Hãy lấy ví dụ con bồ câu của Noah quay về sau cơn đại hồng thủy, ngậm theo cành ô-liu, báo ông biết rằng nước bắt đầu rút đi và đất liền đã hiện ra đâu đó. Bồ câu là biểu tượng của tình yêu và sự sinh sản. Thần thoại Hy Lạp đồng hóa bồ câu với Aphrodite, thần tình yêu. Bồ câu cũng là biểu tượng của Astarte, thần tình yêu Ai Cập. Và Venus, thần tình yêu trong thần thoại La Mã, cũng “có” liên quan đến bồ câu. Trong công giáo, bồ câu là biểu tượng của “tình yêu thánh thiện”, tâm hồn thánh thiện. Thậm chí vào ngày nay, bồ câu cũng thường được sử dụng như là biểu tượng của hòa bình và tình yêu, chẳng hạn như trong các đám cưới.

    Hình ảnh của hòa bình có lẽ xuất phát từ cách mà cặp bồ câu giao tiếp với nhau. Tiếng gù dịu dàng và gắn bó được để ý từ lâu. Trên thực tế, biểu tượng bồ câu luôn có màu trắng, điều chứng tỏ vị thế đặc biệt của bồ câu nhà trong hình ảnh này.

    Ngoài giá trị biểu tượng bồ câu cũng là nguồn thực phẩm có ý nghĩa. Những loài bồ câu ăn hạt đặc biệt dễ nuôi. Có lẽ ban đầu người ta bắt bồ câu non và nuôi dưỡng cho đến khi trưởng thành, rồi sau đó phát hiện ra bồ câu có thể sinh sản trong môi trường nuôi nhốt. Đấy là cách mà bồ câu nhà ra đời. Nhưng việc nuôi bồ câu hoang để lấy thịt hay vì lý do tôn giáo khác với trường hợp của bồ câu nhà. Bồ câu nhà là bồ câu vô chủ sống ở thành thị. Bồ câu nhà xuất hiện khi người ta bắt đầu can thiệp vào quá trình sinh sản của bồ câu nuôi nhốt. Sự can thiệp này dẫn đến việc hình thành loài chim khác hẳn với đồng loại ngoài tự nhiên. Có hai loài thực sự là bồ câu nhà. Loài đầu tiên là bồ câu đá (rock pigeon), tổ tiên của tất cả các loài thuần dưỡng bao gồm bồ câu cảnh và bồ câu đua ngày nay.

    Loài này được thuần dưỡng từ rất sớm. Vào khoảng 4500 trước công nguyên ở Iraq, con người đã biết thuần dưỡng bồ câu. Ở vùng đó, rất nhiều tượng bồ câu cổ được phát hiện và bồ câu cũng thường được chạm nổi trong đồ cúng tế của người Assyria. Người Hy Lạp cổ bắt đầu vẽ bồ câu lên các bình gốm và tượng vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên. Cách mà họ thể hiện cho thấy đó là loài bồ câu nhà.

    Loài cu vòng cổ có lẽ là loài thứ hai được thuần dưỡng. Nó được thuần dưỡng sau bồ câu đá nhưng không rõ vào thời điểm nào. Biến thể cu thuần dưỡng có tên cu cười (laughing dove) được nuôi dưỡng từ rất lâu thậm chí còn trước cả khi khoa học biết về biến thể hoang dã của chúng. Trong khi bồ câu đá chủ yếu được nuôi để lấy thịt, phân hoặc nuôi vì vấn đề tín ngưỡng thì cu cười chắc chắn được nuôi để giải trí hay lấy hên.

    Mặc dù cả bồ câu đá và cu vòng cổ đều thuộc họ bồ câu và đều được thuần dưỡng, không hề có sự lai tạp giữa chúng với nhau.

    [​IMG]
    Cu ngói - red collared dove (Streptopelia transquebarica) được bày bán ngoài chợ ở Hà Nội, Việt Nam.

    Ghi chú (vnrd)
    Theo www.vncreatures.net, Việt Nam có khoảng 24 loài bồ câu và chim cu hoang dã, trong đó đáng chú ý nhất là những loài cu gáy hay cu đất, cu cườm (Streptopelia chinensis tigrina), cu ngói (Streptopelia tranquebarica humilis) và cu sen (Streptopelia orientalis orientalis). Nuôi cu gáy và bẫy cu là thú chơi truyền thống lâu đời của người Việt. Ngoài bồ câu, được biết người châu Âu cũng chơi cu từ rất lâu đời, các loài được nuôi gồm cu cổ áo – collared dove (Streptopelia decaocto) và cu vòng cổ - african collared dove/ringneck dove (Streptopelia roseogrisea); loài sau xuất xứ từ châu Phi.

    ---------------------------------------------------

    Phần 2 - Bồ câu đá: tổ tiên của bồ câu cảnh
    Phần 3 - Cu vòng cổ
     
    Chỉnh sửa cuối: 18/4/20

Chia sẻ trang này