Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Điều trị cá dĩa: ngộ nhận, sai lầm và giải pháp

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - cá Dĩa' bắt đầu bởi vnreddevil, 29/3/11.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Điều trị cá dĩa: ngộ nhận, sai lầm và giải pháp
    Andrew Soh, tác giả "Discus: The Naked Truth" - http://www.bidka.org:80/library/andrewsoh1.shtml

    Andrew đam mê cá dĩa từ khi ông mới 19 tuổi. Năm 1989, ông chuyển từ thú chơi sang kinh doanh bằng việc lập công ty chuyên bán cá dĩa có tên Associates Aquarium Pte. Ltd. ở Outram Park. Vào năm 1994, ông mua 1.95 hec-ta đất ở Lim Chu Kang Agrotechnology Park để phát triển qua lãnh vực xuất nhập khẩu cá cảnh. Ngoài cá dĩa, trại còn sản xuất các chủng loại cá kiếm và bảy màu cao cấp.

    GIỚI THIỆU
    Tôi từng nuôi nhiều loài cá cảnh khác nhau trong quá khứ nhưng cá dĩa vẫn là loài yêu thích nhất. Không gì có thể thay thế tình yêu của tôi với cá dĩa, kể cả cá bảy màu và cá kiếm. Mặc dù tôi đạt được một số công nhận trong việc lai tạo cá bảy màu trong ngành công nghiệp cá cảnh, đoạt một số giải vô địch và cũng tạo ra dòng “cá kiếm koi” danh tiếng, nhưng với tôi tất cả thiên về kinh doanh hơn là thú đam mê.

    [​IMG][​IMG]

    Vậy cá dĩa có điều gì đặc biệt? Một trong số nhiều lý do mà tôi có thể chia sẻ, có một điều vẫn khiến tôi tâm đắc… thậm chí sau hơn 33 năm đam mê cùng cá dĩa. Có ai từng để ý tới bản năng tự nhiên của cá dĩa tiết ra thức ăn dưới dạng nhớt trên thân thể để nuôi cá con, rất giống với mẹ cho con bú ở người? Trên thực tế, cá dĩa tỏ ra hiệu quả hơn bởi vì cả cha lẫn mẹ đều có thể tạo ra thức ăn cho cá con, trong khi ở người chỉ mẹ mới có sữa. Tôi tin rằng đây là loài cá duy nhất có khả năng bẩm sinh độc đáo này… và có lẽ là sinh vật sống duy nhất trong thế giới của chúng ta có khả năng làm vậy.

    Để thành công, dù là người chơi hay đơn vị kinh doanh, có ba nguyên tắc cơ bản mà bạn cần phải nắm vững và theo đuổi để có hướng tiếp cận đúng đắn trong việc nuôi dưỡng cá dĩa.

    BA NGUYÊN TẮC CƠ BẢN

    1) Nước: thông số và chất lượng
    Thông số nước là một yếu tố quan trọng trong việc nuôi dưỡng cá dĩa và các loài cá khác nói chung. Nhưng cá dĩa là một trong những loài thủy sinh nhạy cảm hơn với thông số nước. Thông số nước có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và khả năng sinh sản của cá dĩa. Thông số nước không thích hợp cũng có thể khiến cá dĩa bị căng thẳng và trong điều kiện như vậy, chúng dễ dàng bị nhiễm bệnh. Do đó, nhất thiết chúng ta phải điều chỉnh thông số nước sao cho thật gần với điều kiện tự nhiên của chúng. Thông số nước bao gồm các yếu tố như độ pH, độ cứng tổng, độ dẫn và những thành phần khoáng chất và vi lượng trong nước. Theo đó, chúng ta có thể dùng hóa chất, bộ lọc thẩm thấu ngược (reverse osmosis system) hay bộ trao đổi ion (deionizer) để điều chỉnh sao cho điều kiện nước là tốt nhất với cá dĩa. Với kiến thức hiện nay, không khó để tạo ra môi trường tương tự như môi trường tự nhiên nơi địa bàn sinh sống của chúng.

    [​IMG]

    Được biết, không phải tất cả cá dĩa đều phải nuôi với thông số nước thật giống với môi trường tự nhiên của chúng. Cá dĩa có thể được chia thành 2 nhóm. Một nhóm là cá dĩa hoang dã và nhóm kia là cá dĩa thuần dưỡng. Bởi vì cá dĩa hoang dã sinh ra và lớn lên ngoài môi trường tự nhiên nên sẽ hợp lý khi cho rằng chúng thích hợp với hồ cá có thông số nước tương tự như môi trường tự nhiên của chúng. Nhưng với cá dĩa thuần dưỡng vốn sinh ra và lớn lên trong môi trường hồ nuôi, chúng thích nghi và chịu đựng tốt hơn với môi trường mới, do đó chúng có thể nuôi trong hầu hết các loại nước chừng nào mà các thông số còn không vượt quá giới hạn cho phép, dù là tăng hay giảm.

    Chất lượng nước thậm chí còn quan trọng hơn cả thông số nước mặc dù nó chủ yếu tập trung vào các yếu tố như nồng độ ammonia, nitrite và nitrate; những thông số khác như nhiệt độ và nồng độ ô-xy hòa tan. Lượng vi khuẩn gây bệnh cũng là một yếu tố của chất lượng nước. Bất kỳ thay đổi ở một hay nhiều yếu tố này cũng có thể dẫn đến thương tổn, nhiễm bệnh, dị tật, chậm lớn và chết.

    2) Thức ăn: chủng loại và chế độ
    Người Hoa thường nói “bệnh phát sinh từ ruột” và điều này cũng đúng với thế giới của cá. Những thức ăn có nguồn gốc nước ngọt như trùng chỉ, lăng quăng và trùng đỏ mang theo rất nhiều vi sinh vật. Khi đem vào hồ, hầu hết chúng đều có hại với cá dĩa. Và bởi vì không gian giới hạn của hồ, cá dĩa bị đe dọa thường trực và một khi chất lượng nước giảm xuống, điều kiện vốn kích thích sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, cá sẽ nhanh chóng bị nhiễm bệnh và chết. Do đó, chủng loại thức ăn rất quan trọng. Tôi luôn phản đối các loại thức ăn có nguồn gốc nước ngọt dù tươi sống hay đông lạnh vì đồng nghĩa với việc mang mầm bệnh vào hồ. Bất kỳ loại thức ăn nào không có nguồn gốc nước ngọt hay đã qua xử lý tức được nấu chín là lựa chọn của tôi.

    [​IMG][​IMG]

    Chế độ cho ăn cũng là một yếu tố quan trọng đối với cá. Mặc dù số lần cho ăn hàng ngày có quan hệ trực tiếp đến sự tăng trưởng, cho ăn càng nhiều lần thì cá dĩa càng lớn nhanh. Nói một cách đơn giản, một con cá dĩa mỗi lần ăn 1 gram thức ăn và một ngày ăn 3 lần vào 6 giờ sáng, 3 giờ chiều và 10 giờ đêm thì sẽ lớn nhanh hơn cá dĩa ăn 1 gram thức ăn mỗi lần và một ngày ăn 3 lần vào 8 giờ sáng, 12 giờ trưa và 5 giờ chiều.

    3) Điều trị: chẩn đoán, hiểu biết và áp dụng
    Chẩn đoán là bước đầu tiên trong việc điều trị bệnh cho cá dĩa và sau bước này, điều kế tiếp là nắm vững mối quan hệ giữa tình trạng của cá và phương hướng điều trị. Nói cách khác, chúng ta phải hiểu biết toàn diện về nguyên nhân gây bệnh và tình trạng của cá; giới hạn chịu đựng của cá ở các cấp độ điều trị khác nhau; đặc tính, ưu nhược điểm của vi khuẩn gây bệnh; hiểu biết về khả năng tương tác giữa các loại thuốc và hóa chất khác nhau và hiệu quả của chúng đối với vi khuẩn gây bệnh và điều quan trọng là nó có hại với bản thân chúng ta và gia đình hay không. Sau cùng, trước khi tiến hành điều trị, chúng ta phải xác định đâu là phác đồ thích hợp nhất. Đó có thể là phác đồ ít gây căng thẳng cho cá nhất; đem lại cơ hội hồi phục cao nhất trong thời gian ngắn nhất với lượng thuốc được sử dụng ít nhất; điều trị áp dụng cho nước hay qua thức ăn; và cá có bị phản ứng phụ hay tổn thương vĩnh viễn sau khi phục hồi hay không. Đây là những cân nhắc quan trọng trong việc áp dụng bởi vì nhiều tài liệu ghi nhận việc dùng quá liều một số loại thuốc và hóa chất nhất định, dù số lượng hay thời lượng, có thể dẫn đến tổn thương nội tạng chẳng hạn như bóng bơi, gan và cơ quan sinh sản.

    NGỘ NHẬN
    Cách thức mà thú chơi này phát triển khá khôi hài. Bạn thường thấy mọi người khuyên nhau nên làm thế này, thế nọ mà không cần phải nhìn thấy cá. Thậm chí nếu có nhìn thấy cá bệnh, bạn có nghĩ họ có thể chẩn đoán bệnh chỉ bằng cách nhìn vào những dấu hiệu bên ngoài? Bạn có biết đa số họ đều chưa từng sử dụng kính hiển vi? Bạn có vậy không? Điều mà tôi hài lòng ở chỗ họ đang cố gắng giúp đỡ lẫn nhau, điểm đáng khen ngợi. Nhưng đồng thời tôi cũng không hài lòng ở chỗ một số lời khuyên bảo có thể lợi bất cập hại?

    Bạn đã bao giờ tự hỏi làm thế nào mà các “chuyên gia về cá dĩa” chẩn đoán một bệnh nhất định mà không cần kiểm tra cá để phát hiện loại vi khuẩn gây ra bệnh? Hầu hết đều tuyên bố rằng với nhiều năm kinh nghiệm, họ có thể xác định nguyên nhân gây bệnh thông qua việc quan sát màu sắc bên ngoài, dáng bơi và việc tiết nhiều nhớt ở cá dĩa. Chẩn đoán như vậy có chính xác không? Tôi nghi ngờ điều này.

    [​IMG]

    Để tôi giải thích điểm này. Bất cứ khi nào cá dĩa bị tổn thương, nhiễm bệnh hay bị đe dọa một cách nghiêm trọng, các sắc tố co cụm lại và do đó thân cá sẫm màu đi dù cho nguyên nhân là gì. Thậm chí xuất hiện các sọc đứng. Trên thực tế, cần lưu ý rằng có rất nhiều loại bệnh xuất hiện ở cá dĩa và để xác định dòng vi khuẩn gây bệnh, giải phẫu và nuôi cấy là những bước cần thiết. Bạn có biết cá dĩa cha mẹ trở nên sẫm màu vào một số thời điểm nhất định trong ngày trong giai đoạn nuôi con?

    Hoạt động của sắc tố và sọc đứng ở cá dĩa cũng tương tự với cơ quan tiết mồ hôi ở người.

    1. Khi cá dĩa hoảng sợ, thân sẫm màu và sọc đứng xuất hiện. Người xuất mồ hôi khi hoảng sợ.

    2. Hầu hết cá dĩa khi bị căng thẳng, thân sẫm màu và sọc đứng xuất hiện. Khi chúng ta căng thẳng, một số người xuất “mồ hôi lạnh”.

    3. Khi cá dĩa bị táo bón, thân sẫm màu và sọc đứng xuất hiện. Khi bị đau bụng hay táo bón, chúng ta xuất mồ hôi.

    4. Khi cá dĩa bị mắc bệnh kinh niên, thân sẫm màu. Khi chúng ta bị thương hay trải qua tai nạn nghiêm trọng, chúng ta xuất mồ hôi. Chúng ta xuất mồ hôi trong và sau khi tập thể dục. Thậm chí khi chúng ta nói dối về điều gì nghiêm trọng, chúng ta cũng xuất mồ hôi. Ở trên là một số ví dụ để chúng ta suy ngẫm. Để vấn đề thú vị hơn, giả sử chúng ta cũng không thể nói hay ra dấu mà chỉ xuất mồ hôi đầm đìa như cá dĩa. Bạn mong muốn người chăm sóc hay bảo vệ cho mình làm những gì? Cho bạn uống kháng sinh sau khi bạn vừa tập thể dục xong? Xức mefenamic acid vào vết thương? Làm mát trong phòng máy lạnh để trị bệnh táo bón và tiêu chảy hay uống thuốc metronidazole?

    Như bạn thấy ở trên, rất khó để chẩn đoán bệnh chỉ bằng việc quan sát triệu chứng bên ngoài. Nhiều “chuyên gia” tuyên bố họ “từng thành công trước đây”, do đó đề nghị áp dụng cùng cách thức cho những trường hợp sau này chỉ bởi vì họ thấy có điểm tương đồng. Nếu chẳng qua họ ăn may lần đầu thì sao? Do đó, điều quan trọng là phải biết nguyên nhân gây bệnh nhưng tất cả người chơi và nhà lai tạo chuyên nghiệp có nhất thiết phải nắm kiến thức và kỹ năng giải phẫu hay không? Có, sẽ rất tốt khi nắm được kiến thức và kỹ năng này nhưng không phải ai cũng sẵn sàng để đạt đến mức độ nghiêm túc về thú chơi như vậy.

    Ngộ nhận phổ biến
    Một cụm từ hay thuật ngữ phổ biến mà nhiều người chơi cá và nhà lai tạo hồi những năm 1980 hay sử dụng là “bệnh Aid cá dĩa”. Nó ám chỉ tình trạng mà tất cả cá dĩa trong cùng hồ trở nên sẫm màu và tụm vào một góc gần mặt nước và đồng loạt xuất thật nhiều nhớt. Nếu không điều trị thì bệnh trở nên trầm trọng, hầu hết cá sẽ chết trong vòng 2 tuần.

    [​IMG]

    Nghe vậy, nhưng có đúng là “bệnh Aid cá dĩa”? Nếu đúng thì chúng ta đành chịu thua, vì như mọi người đều biết, không có thuốc chữa loại virus đó. Tôi không rõ ai đặt ra cái tên “bệnh Aid cá dĩa” nhưng có thể khẳng định rằng đấy không phải do virus. Theo kinh nghiệm và tìm hiểu của tôi thì đó là trường hợp “đa nhiễm”. Thú vị thay, vài năm sau cũng triệu chứng đó không được gọi là “bệnh Aid cá dĩa” mà là “bệnh dịch cá dĩa”. Dẫu là “bệnh Aid” (discus Aid) hay “bệnh dịch” (discus plague) thì đó cũng là phát biểu quá lố. Theo chỗ tôi hiểu, người ta đặt tên như vậy bởi vì bệnh này quá hiểm nghèo, tỷ lệ tử vong từ 10 đến 90%. Và với bất kỳ người chơi cá tài tử nào, đó là một cơn ác mộng. Thậm chí những nhà lai tạo danh tiếng ở châu Á cũng mất toàn bộ bầy cá sau khi thất bại trong trận chiến với bệnh dịch.

    Thành thật mà nói, việc tiêu tốn hàng đống tiền để mua tất cả các loại thuốc từ tiệm cá rồi thảy vào hồ, dẫu bạn nghĩ như vậy là tốt, chỉ làm vấn đề thêm phức tạp. Một khi không vô trùng và điều trị thích hợp, nó có thể hủy hoại thú chơi của bạn tức toàn bộ bầy cá trong vòng vài ngày. Qua nhiều năm kinh nghiệm và giải phẫu cũng như nuôi cấy vi khuẩn và mô tế bào của cả ngàn con cá dĩa, tôi xin khẳng định rằng virus không phải nguyên nhân gây ra bệnh này. Trên thực tế, đây không phải là loại bệnh vô phương cứu chữa. Dĩ nhiên, quy trình và cách thức chữa trị tốn nhiều thời gian và tiền bạc nhưng cá phục hồi chỉ sau vài ngày. Tất cả những nguyên tắc chữa trị đều được tôi giải thích ở đây.

    Ký sinh kháng thuốc
    Tôi rất buồn khi nói rằng “thế giới ký sinh đang thống trị loài người”. Ký sinh (pathogens) bất kể là nguyên sinh bào (protozoan), giun sán hay vi khuẩn ngày càng chịu đựng tốt hơn với hóa chất, thuốc và vô số loại kháng sinh khác nhau. Ai có lỗi trong việc này? Đó chính là chúng ta… cái gọi là “sinh vật thông minh nhất địa cầu”. Loài người phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác bởi vì nhiều người chơi cá và nhà lai tạo thiếu những hiểu biết cần thiết trong việc điều trị bệnh cho cá dĩa, từ đó giúp các vi sinh vật sống sót qua các đợt điều trị, thích nghi và đột biến thành những dòng kháng thuốc và nhanh chóng lấn át chúng ta. Dưới đây là một thí nghiệm của các nhà khoa học nhằm khảo sát khả năng kháng thuốc ở côn trùng.

    [​IMG][​IMG]

    Ví dụ: một thí nghiệm được thực hiện về “phản ứng của côn trùng đối với điều trị hóa học liên tục”.

    Loài côn trùng được sử dụng trong thí nghiệm này: ruồi nhà.
    Chất hóa học được sử dụng: Diptrex, còn được biết dưới các tên Masoten, Dylox, Trichlorfon hay Neguvon.

    Ngày 1: rất nhiều ruồi được thả vào một lọ thủy tinh trống. Diptrex ở nồng độ hủy diệt được xịt vào lọ. Tất cả ruồi đều chết trong vòng vài giây.

    Ngày 2: lượng ruồi tương tự được thả vào cùng lọ trên. Lọ được xịt Diptrex với cùng nồng độ. Tất cả ruồi đều chết trong vòng vài phút.

    Ngày 3: cũng lượng ruồi tương tự được thả vào cùng lọ, và sau nửa giờ, lọ được xịt Diptrex với cùng nồng độ. Một số ruồi bị chết trong khi số khác chống chọi và sau cùng vượt qua cuộc điều trị.

    Ngày 4: những con sống sót vẫn được giữ trong lọ cũ để thực hiện thí nghiệm kế tiếp. Lần này, lượng Diptrex nồng độ cao hơn được sử dụng. Tất cả ruồi đều còn sống.

    Ngày 5: nồng độ Diptrex lại tiếp tục được tăng lên nhưng không một con ruồi nào bị chết.

    Thí nghiệm này giúp chúng ta hiểu biết hơn về khả năng đột biến và trở nên kháng thuốc của côn trùng. Vậy đâu là kẽ hở trong thí nghiệm trên khiến cho những con ruồi có cơ hội thích nghi? Như bạn thấy vào ngày thứ 3, những con ruồi mới được thả vào lọ nhưng chúng có thời gian trước khi xịt thuốc. Trong thời gian đó, những con ruồi sống sót làm quen với nồng độ Diptrex thấp hoặc mất tác dụng từ những ngày trước đó và tìm ra cách thích nghi với chúng. Trên thực tế, việc sử dụng Diptrex hay một vài hóa chất khác không đúng liều hoặc không khử hết 100% dư lượng phi hoạt (inactive residues) trong bồn chứa sẽ khiến ký sinh gia tăng khả năng kháng thuốc.

    Tôi có nhiều kinh nghiệm cá nhân và từng thí nghiệm nhiều loại hóa chất và thuốc, tôi rất tiếc phải nhắc lại ý kiến của những chuyên gia khác rằng trong số những loại hóa chất và thuốc, kháng sinh hay bị sử dụng sai nhất. Mặc dù việc thiếu khả năng chẩn đoán và không nắm vững vấn đề là hai yếu tố góp phần vào việc kháng thuốc ở ký sinh, cách thức áp dụng lại là yếu tố chủ yếu.

    Nhiều người chơi cá, nhà lai tạo và thậm chí cả nhà sinh học quan tâm đến liều chỉ định và phác đồ điều trị (treatment regimen). Chỉ cần lướt qua tất cả các sách vở về nuôi cá và bạn sẽ đồng ý với tôi rằng, không tác giả nào ngoại trừ tôi nhấn mạnh đến việc cần phải có một quy trình áp dụng nghiêm túc và có kiểm soát để ngăn ngừa sự phát triển của các dòng ký sinh kháng thuốc.

    SAI LẦM
    Dưới đây là những sai lầm thường nhật. Nghe có vẻ quá cẩn trọng nhưng tôi hy vọng rằng, sau khi đọc xong, một số người có thể cải thiện được phương pháp điều trị hàng ngày của mình.

    1) Mua một gói “tetra nhật”. Dẫu không hiểu bất kỳ từ tiếng Nhật nào ghi trên gói, rắc thẳng vào hồ và chỉ ngưng khi nào thấy màu vàng trong hồ trông vừa mắt.

    2) Mua thuốc từ nhà sản xuất thiếu trách nhiệm, những người thậm chí không có chút kinh nghiệm nuôi cá cũng như điều trị bệnh cho chúng.

    3) Sau khi điều trị theo liều chỉ định, lo lắng bởi vì cá dĩa trông căng thẳng. Ngay lập tức thay 50% nước từ đó gián tiếp giảm liều điều trị và hiệu lực của thuốc.

    4) Mua thuốc quá hạn sử dụng.

    5) Sau 1 đến 2 ngày điều trị, nước bị đục. Thay một phần nước. Quên không bổ sung thuốc đến liều điều trị.

    6) Sau 1 đến 2 ngày điều trị, thay 100% nước và đợi đến khi châm đầy 100% nước trở lại mới bổ sung thuốc theo liều điều trị.

    7) Trước khi điều trị, bắt cá bệnh ra và điều trị trong hồ riêng. Sau khi cá phục hồi, thả nó lại hồ cũ.

    8) Có một hộp thuốc kháng sinh. Đặt nó bên ngoài, nơi có ánh sáng hay không đậy nắp.

    9) Dùng muỗng để múc thuốc từ hộp, nhúng muỗng vào hồ rồi quậy để hòa tan thuốc, rồi lại dùng muỗng để múc thuốc điều trị cho hồ khác.

    10) Đánh giá và điều trị sai.

    11) Sau khi điều trị, thay 20% nước mỗi ngày.

    12) Sau khi điều trị, thay 100% nước.

    13) Sử dụng bất kỳ loại thuốc nào mà bạn có trong tay để điều trị cá dĩa.

    14) Thả cá vừa mới bệnh xong vào một hồ đang điều trị.

    15) Hồ điều trị đặt ngay bên cạnh hồ nuôi bình thường hay dùng chung dụng cụ.

    Những kiểu áp dụng ở trên rất phổ biến, nhưng tất cả đều không thể chấp nhận được. Một số người ích kỷ có thể không quan tâm bởi vì họ nghĩ rằng một khi cá được điều trị và bán đi, họ đã hết trách nhiệm và không ảnh hưởng gì đến trại cá của mình. Tôi xin nhắc để họ nhớ rằng vi khuẩn còn sót qua lần điều trị trước đó sẽ kháng thuốc và một khi cá mới được thả vào hồ thì sẽ bị nhiễm bệnh, phương pháp điều trị cũ có thể không còn tác dụng nữa. Và nếu việc này cứ tiếp diễn, có lẽ những loại thuốc rẻ tiền thông thường sẽ không còn đủ mạnh để chữa trị cho cá dĩa của họ. Chúng ta thường nghe các nhà lai tạo than thở rằng một loại thần dược vốn có tác dụng tốt trong quá khứ nhưng hiện không còn tác dụng gì nữa. Vậy đâu là phương pháp điều trị và chăm sóc thích hợp?

    [​IMG]

    Sau khi liệt kê những sai lầm mà chúng ta có xu hướng mắc phải trong việc điều trị hàng ngày, bây giờ tôi xin giải thích và đề nghị phương pháp điều trị thích hợp mà chúng ta nên thực hiện.

    1) “Tetra nhật” là hỗn hợp của nhiều loại hóa chất và kháng sinh khác nhau. Thành phần chính là kháng sinh Furnance. Vì vậy, nếu bạn không biết liều dùng, hãy nhờ người khác dịch dùm. Dùng không đủ liều sẽ khiến ký sinh kháng thuốc.

    2) Một trong những lý do khiến thuốc chữa bệnh cho cá không bị kiểm soát chặt chẽ ở một số quốc gia là vì tính mạng của chúng được coi là chả có mấy giá trị và không thể khẳng định một cách chính xác về liên can của thuốc đến việc cá chết. Một số nhà sản xuất thiếu trách nhiệm khai thác điểm lập lờ này và sản xuất đủ thứ thuốc mà không cần quan tâm đến yếu tố an toàn. Với họ, điều quan trọng nhất là mô tả trên bao bì phải thật hấp dẫn để bạn bỏ tiền ra mua. Một số loại thuốc được sản xuất và đóng gói một cách bừa bãi và thậm chí còn không đủ liều lượng để gia tăng lợi nhuận. Điều này có thể khiến thuốc mau quá đát hay thậm chí chuyển hóa thành chất độc. Do vậy, hãy mua thuốc từ những nhà sản xuất có nghiên cứu & thử nghiệm và uy tín trên thị trường toàn cầu.

    3) Nhiều người quá cưng chiều cá dĩa. Liều điều trị đầu tiên thường khiến cá bị căng thẳng… nhất là cá dĩa. Hãy để chúng tự thích nghi. Chỉ thay 200% nước nếu hiện tượng căng thẳng kéo dài quá 6 giờ hay cá dĩa đang chết dần ngay trước mắt bạn. Dẫu có phải do nhiễm độc hay không (điều rất hay xảy ra khi thuốc quá đát hay pha trộn sai hóa chất với kháng sinh, hóa chất với hóa chất hay kháng sinh với nhau), không bao giờ được thay 50% nước… Nếu bạn giảm liều điều trị một cách không cần thiết, kháng thuốc sẽ hình thành. Vì vậy, hãy nắm vững liều điều trị và đặt niềm tin vào đó.

    4) Như đã nói, sản phẩm quá đát có thể gây độc. Nếu bạn không có cách gì biết được đát của sản phẩm thì đừng mua.

    5) Vào ngày điều trị đầu tiên, vi khuẩn sẽ hết sức chống chọi để sống sót. Theo tập quán, vi khuẩn vẫn tiếp tục sinh sôi và đồng thời cũng bị thuốc tiêu diệt. Điều này khiến nước bị đục. Hãy sử dụng bộ lọc khí. Tốt nhất không nên thay nước nhưng nếu bắt buộc, hãy thay 100% nước rồi bổ sung liều cũ. Đừng quên bổ sung liều cũ. Nếu bạn quên, liều thấp sẽ khiến vi khuẩn thích nghi, phục hồi, trở nên kháng thuốc và chống chọi thậm chí còn dữ dội hơn nhiều kể cả khi bạn nhớ ra và bổ sung liều cũ.

    6) Tôi khuyên không nên thay nước một cách không cần thiết. Trường hợp bắt buộc vì bất kỳ lý do nào, để chống kháng thuốc, sau khi hút nước ra hết, hãy bổ sung liều cũ ngay lập tức trước khi châm đầy nước chứ không đợi đến khi châm đầy xong. Bởi vì vòi nước mỗi nơi mỗi khác, có nơi cần đến nửa giờ mới châm đầy hồ. Đấy là quãng thời gian đủ để vi khuẩn thích nghi và đột biến lên cấp độ độc hại và khó chữa trị hơn.

    7) Đây là lối thực hành rất tệ. Đừng bao giờ dời cá bệnh vào hồ điều trị bởi vì điều này có thể khiến chúng bị căng thẳng hơn. Đề nghị của tôi là, hãy điều trị cá trong hồ cũ cùng với cả bầy bởi vì số còn lại cũng có thể đã bị nhiễm bệnh.

    Hơn nữa, giả sử rằng bạn dời cá bệnh qua hồ điều trị và sau vài ngày, bạn nghĩ cá đã phục hồi (nhờ quan sát nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu cá chưa phục hồi hoàn toàn?) và thả nó về hồ cũ cùng với những con “mạnh khỏe” chưa qua điều trị. Bệnh có tể tái xuất hiện vì lây nhiễm lẫn nhau. Không chỉ loại vi khuẩn gây bệnh bạn đem về có thể kháng thuốc mạnh hơn mà loại thuốc áp dụng trước đây có thể không còn tác dụng nữa.

    8) Nhiều hóa chất và thuốc rất nhạy cảm với ánh sáng dẫu trực hay gián tiếp và cả ô-xy nữa. Đa số đều bị hư. Một số trở nên độc hại, trong khi số khác bị phân hủy hay ô-xy hóa. Trường hợp này, sẽ rất bình thường nếu kháng sinh vốn tác dụng rất tốt trước đây thì nay trở nên vô dụng dẫu có tăng liều cao đến đâu.

    9) Thuốc, đặc biệt là kháng sinh và Diptrex rất dễ bị ô-xy hóa, dẫn đến giảm tác dụng hay thậm chí vô dụng. Luôn sử dụng thìa khô để múc thuốc. Đừng bao giờ thọc muỗng vào hồ này, rồi lại thọc vào hồ kia hay thọc muỗng ướt vào lọ thuốc.

    10) Nhiều người sử dụng kháng sinh một cách vô tội vạ mà không cần biết cá có thực sự bị nhiễm khuẩn hay không. Bệnh có thể do nguyên sinh bào (protozoan) hay giun sán, đúng không? Hay có khi do nước dơ? Hãy cẩn trọng, bạn có thể tạo ra kháng thuốc. Cá dĩa không thể thở, vì kháng sinh. Cá dĩa bỏ ăn, vì kháng sinh. Cá dĩa trông yếu ớt, cũng vì kháng sinh. Cá dĩa thờ ơ và thậm chí không thèm giương mắt dẫu bạn có nhảy nhót xung quanh, lại kháng sinh. Có dại dột quá không? Hãy đừng làm như vậy nữa nhé!

    11) Thay 20% nước mỗi ngày sau khi điều trị đủ liều là một sai lầm chết người. Mỗi ngày bạn lấy đi 20% nước, nồng độ thuốc giảm đi nhưng thuốc vẫn hiện diện thậm chí cả tháng sau khi điều trị? Và bạn có biết rằng sau 5 ngày, 50% nồng độ thuốc vẫn còn sót lại trong hồ? Hãy tính toán và bạn sẽ hiểu điều tôi nói. Lần chữa trị sau sẽ trở nên vô dụng vì kháng thuốc. Cách làm đúng là thay 200% nước.

    12) Chỉ thay 100% nước cũng sai lầm. Để đảm bảo loại thuốc tương tự có thể sử dụng trong tương lai, hồ cần được kỳ cọ và thay 100% nước. Sau đó, châm đầy 100% trở lại, kỳ cọ tất cả các mặt kiếng lần nữa. Xả nước và châm đầy trở lại. Đây là cách mà chúng ta gọi là “thay 200% nước”.

    13) Đừng sử dụng bất kỳ loại thuốc nào mà bạn có trong tay. Nó có thể không tác dụng hay thậm chí khiến tình hình tệ hơn và làm chết cá. Bạn phải có một kế hoạch… và kế hoạch xuất phát từ kiến thức.

    14) Đừng bao giờ dời cá bệnh qua một hồ đang điều trị vì nghĩ rằng có thể tiết kiệm tiền thuốc. Bạn có thể làm vấn đề thêm trầm trọng hay thậm chí làm chết một số cá đang điều trị trong hồ… nếu không muốn nói là tất cả. Đấy là vì lượng thuốc điều trị vốn đã thấp mặc dù vẫn có tác dụng kháng khuẩn, nhưng bất ngờ một loại vi khuẩn mới bỗng xuất hiện và tham gia vào cuộc chiến, khỏi cần phải nói, cá nhanh chóng bị nhiễm bệnh mới. Với những con vốn đã căng thẳng và kiệt sức, chúng không có cơ hội sống sót vì hệ miễn dịch không đủ mạnh để chống chọi với một cuộc chiến mới.

    15) Tốt nhất nên ngăn hồ bình thường với hồ điều trị. Điều này nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm vì rớt hay văng nước. Đừng bao giờ dùng chung dụng cụ.

    Chúng ta đã đề cập đến hầu hết những sai lầm trong vấn đề chăm sóc cá dĩa, kết quả dẫn đến các khó khăn trong điều trị bệnh và sự kháng thuốc. Để cung cấp thêm thông tin cho các bạn, vi khuẩn thông thường có thể kháng hơn 20 loại kháng sinh. Tệ hơn nữa, tôi lấy làm tiếc khi lưu ý rằng những vi khuẩn thông thường này được phát hiện kháng với một số loại kháng sinh mới và đắt tiền nhất thuộc nhóm Quinolones và Cephalosporins.

    [​IMG][​IMG]

    GIẢI PHÁP
    Tôi luôn cho rằng điều trị ngắn hạn thì tốt hơn. Thử tưởng tượng bạn đang điều trị cá dĩa bằng một phương pháp kéo dài 2 tuần mới hồi phục, và một phương pháp cấp tập hơn, nhưng chỉ mất 4 đến 5 ngày để hồi phục? Bạn thích phương pháp nào hơn?

    Theo phương pháp đầu, nó có vẻ chậm và chắc nhưng căng thẳng kéo dài hơn và tỷ lệ chết có thể cao trong thời gian hai tuần điều trị.

    Phương pháp thứ hai mạnh, tốn kém hơn và cực kỳ căng thẳng trong một thời gian ngắn nhưng cá bắt đầu ăn lại sau từ 2 đến 3 ngày và có lẽ không con nào bị chết. Trên thực tế, tôi tin rằng phương pháp thứ 2 đỡ hại cho sức khỏe của cá hơn.

    Phương pháp điều trị của tôi
    Các bước:

    1) Duy trì mực nước ổn định.

    2) Dùng loại hóa chất và thuốc có thể tiêu diệt hầu hết ký sinh ngoài da. Sử dụng formol nồng độ 36 ml trên 100 lít nước để tắm cá trong vòng 25 phút. Sục khí mạnh trong quá trình điều trị.

    3) Thay toàn bộ nước sau khi tắm.

    4) Tiếp theo tắm kháng sinh trong 2.5 giờ. Liều lượng gấp 2.5 lần so với liều chỉ định. Đảm bảo sử dụng loại kháng sinh phổ rộng… loại trực tiếp sát khuẩn (bactericide) thì tốt hơn loại ngăn cản hấp thụ protein. Tôi không thể giới thiệu tên loại kháng sinh cụ thể nào. Một kháng sinh nhất định có thể tác dụng tốt ở trại cá này vì nó chưa hề được sử dụng trước đây. Nhưng vẫn loại kháng sinh đó chữa cùng triệu chứng bệnh, cùng dòng vi khuẩn, áp dụng ở trại cá khác vốn hay sử dụng nó, có thể không tác dụng gì vì bị kháng thuốc. Vì vậy, việc giới thiệu các loại kháng sinh áp dụng cho các dòng vi khuẩn khác nhau chỉ giúp bạn có sự định hướng và lựa chọn nhưng chưa chắc đã có tác dụng. Hãy đảm bảo rằng loại kháng sinh bạn định sử dụng không hề được dùng thường xuyên hoặc tốt nhất là chưa bao giờ được dùng trước đây. Do vậy, tốt nhất nên để liều lượng sử dụng là một bí mật cá nhân và không nên chia sẻ với bạn bè. Đây không có nghĩa làm khó bạn bè mà là vũ khí tiêu diệt vi khuẩn. Hãy sử dụng một cách chính xác và riêng tư, nó sẽ là cứu cánh cho thú chơi của bạn. Nên nhớ rằng: không loại thuốc nào có tác dụng mãi mãi. Một khi thông tin về thuốc bị chia sẻ, nó sẽ không còn tốt nữa.

    [​IMG]

    5) Thay 100% nước sau từ 2.5 đến 3 giờ. Một số kháng sinh gây căng thẳng hơn so với loại khác. Luôn duy trì sục khí mạnh và quan sát hành vi của cá dĩa.

    6) Một khi thay nước, nhớ bổ sung liều lượng cũ (điều trị trong 5 ngày) trước khi châm đầy trở lại. Điều này giúp ngăn chặn sự phát triển của dòng kháng thuốc.

    7) Kết hợp điều trị kháng sinh với sulfate đồng dị kết (chelated), theo liều chỉ định của nhà sản xuất. Thời gian điều trị: 12 ngày. Cá dĩa bắt đầu phục hồi vào ngày thứ 2. Nếu vào ngày thứ 3 mà cá vẫn còn yếu, có lẽ loại kháng sinh mà bạn sử dụng không thích hợp. Thay thuốc và lập lại bước 1.

    8) Nếu vào ngày thứ 3, cá có dấu hiệu hồi phục nhưng chưa hoàn toàn, hãy lập lại bước 1 với cùng loại thuốc. Cá dĩa nên phục hồi vào ngày thứ 2. Nhớ đừng thay nước trong quá trình điều trị. Chỉ thay nước sau mỗi 4 ngày và bổ sung liều cũ trước khi châm đầy nước.

    9) Sau khi cá dĩa phục hồi hoàn toàn, nhớ áp dụng cách vệ sinh hồ… thay 200% nước.

    10) Kể cả khi thuốc phát huy tác dụng và bạn có thể tin tưởng vào nó, hãy tự hứa đừng sử dụng cùng loại kháng sinh đó trong việc phòng bệnh thông thường. Chỉ sử dụng lại trong trường hợp cá bị bệnh nặng.

    Hơn nữa, chế độ dinh dưỡng cân bằng kết hợp giữa carbohydrate, protein, chất xơ, vitamin và những chất khác, cùng với chất lượng nước tốt và không dùng thực phẩm có nguồn gốc nước ngọt, cả tươi sống lẫn đông lạnh, là sự đảm bảo cho sức khỏe của cá dĩa.

    Kết luận
    Trong lãnh vực lai tạo cá dĩa, khả năng điều trị và cứu chữa là yếu tố sống còn. Vì lợi ích của cả người chơi lẫn nhà lai tạo, tôi kêu gọi các bạn hãy hết sức cẩn trọng khi dùng thuốc và hóa chất. Tôi thực sự không muốn thấy cái ngày mà chúng ta thất bại trong cuộc chiến với những sinh vật nhỏ bé bởi vì sự bất cẩn của chúng ta, tất cả hóa chất, thuốc hay kháng sinh đều không thể giải quyết được vấn đề mà đáng ra chúng phải làm…
     
    Chỉnh sửa cuối: 22/11/17
  2. Love-Discus

    Love-Discus Active Member

    Bài viết hay quá, cảm ơn anh :D
     
  3. rainvn

    rainvn Active Member

    quá tuyệt,thx a.............
     
  4. bibu

    bibu Active Member

    Cảm ơn Bạn rất nhiều vì được mở rộng tầm mắt...
     
  5. tuan.da

    tuan.da New Member

    Cảm ơn anh vnreddevil rất nhiều !
     

Chia sẻ trang này