Lai xa kép Mike Everett – http://sabungero.trimp-media.com Trước hết, tôi đã lai tạo theo đủ mọi cách trong hơn 40 năm chọi gà. Đây là cách mà tôi lai tạo trong vòng 30 năm lại đây. Nếu bạn từng đọc bài viết trước đây của tôi về lai tạo thì bài này cũng vậy, nhưng ở đây tôi sẽ bổ sung cách lai tạo một bầy mà tôi gọi là “gà chiến”. Tôi khởi đầu với 10 cá thể mua từ 3 nhà lai tạo khác nhau, tất cả đều là H.H. "Buck" Moore. Có lẽ chúng là Madigan Claret ghép với một ít máu Murphy Whitehackle. Từ 10 cá thể này, tôi pha và lai cận huyết với nhau. Tôi dùng “công cụ” lai cận huyết. Tôi lai nửa máu (1/2sib - anh em cùng cha khác mẹ), lai dòng cha mẹ/con, ông bà/cháu và anh em họ với nhau để cô đọng những gien ưu việt vào 4 phân dòng khác nhau (line). Tôi không lai anh chị em cùng bầy (fullsib), nhưng hai trong số gà gốc được lai theo cách này. Tôi thanh lọc rất nhiều và chỉ duy trì những con ưu việt nhằm một mục đích… lai xa, và không phải lai xa hú họa, mà lai xa kép (di-hybrid). Ý tưởng đó là, nếu tiến hành lai xa bên trong một dòng “thuần” thì tôi có thể hạn chế mức độ cận huyết của dòng gà, tránh lạc gien (drift) và thoái hóa cận huyết (inbreed depression). Vậy lai xa kép như thế nào sau khi đã có 4 phân dòng? bạn lai xa (hybrid) tức lai chéo hai phân dòng với nhau để tận dụng ưu thế lai (hybrid vigor). Kế tiếp bạn lai xa hai phân dòng còn lại. Rồi bạn lại lai xa hai bầy này với nhau cho ra bầy lai xa kép, để có ưu thế lai nhiều hơn nữa. Bởi vì những phân dòng này từng được lai xa trước đây, việc lai xa kép sẽ có nhiều cơ hội thành công. Đây có phải là cách duy nhất để thiết lập và duy trì một bầy gà… không, đây chỉ là cách của tôi. Phương pháp này được lấy từ môn Khoa Học Gia Cầm tại trường đại học Texas A&M khi tôi theo học ngành Wildlife Biology. Tôi không muốn "đặt tất cả trứng vào một rổ", bởi vậy mà tôi phát triển phân dòng mà tôi gọi là “gà chiến”. Chúng được lai với ý tưởng hoàn toàn tập trung vào việc đá trường. Tôi dùng những chất liệu vốn tạo ra chiến kê tốt. Lai chéo?... vâng, nhưng tôi sử dụng một phương pháp gọi là lai chéo ngọn (top-crossing). Đấy là lúc tôi dùng bầy có kiểu hình Claret ghép vào. Dẫu nền tảng "gà chiến" là sự pha trộn giữa các phân dòng, tôi định kỳ ghép máu kiểu hình Claret vào nó. Điều này luôn giúp nâng cao chất lượng của phân dòng. Một số cá thể thuộc phân dòng “gà chiến” thừa hưởng kiểu hình Claret, một số mồng dâu hay chân vàng thừa hưởng từ những tổ tiên khác. Cũng vậy, nếu tôi thấy một cá thể xuất sắc nào từ bên ngoài mà phù hợp, tôi liền ghép nó vào phân dòng. Nhưng máu chính vẫn luôn là Claret. Bây giờ, bạn nên hiểu đúng ngữ cảnh, tôi luôn lập kế hoạch lai tạo dài hơi. Và tôi yêu thích gà của mình, bạn có thể không, cũng tốt thôi. Tôi biết phân dòng gà chiến này có thể không được coi là thuần, nhưng chúng là một dòng gà và tôi thấy đá tốt. Gà chọi được lai tạo và duy trì theo nhiều cách, và cho dù Ray Boles có nói gì thì việc cận huyết giữa anh chị em cùng bầy (fullsib) cũng không phải là cách duy nhất. ---------------------------------------------- Ghi chú: *Tác giả không mô tả chi tiết cách ông tạo ra các phân dòng, chỉ nhấn mạnh ông không lai cận huyết giữa anh chị em cùng bầy (fullsib). Thay vào đó, có lẽ ông ghép một trống với hai mái rồi mới lai chéo hai bầy con với nhau, đây là lai giữa anh chị em cùng cha khác mẹ hay lai nửa máu (1/2sib). *Ông tạo thêm phân dòng mới gọi là “gà chiến” bằng cách lai xa các phân dòng với nhau. Dòng gà chiến này lại được ghép với phân dòng mang kiểu hình Claret (một trong bốn phân dòng chính). Rồi khi xuất hiện một cá thể xuất sắc trong các phân dòng chính hoặc bầy lai của chúng, thì nó liền được ghép vào phân dòng gà chiến. Kỹ thuật ghép không được mô tả chi tiết. Tác giả chỉ nhấn mạnh rằng, ông có thể tạo ra phân dòng mới mà không cần phải cận huyết sâu giữa anh chị em cùng bầy (như cách của Ray Boles). *Bởi vì những cá thể góp máu vào phân dòng gà chiến đều thuộc về 4 phân dòng chính nên tất cả chúng đều thuộc về một dòng gà.