Giải phẫu thực vật: Phần 2 - Lá Freemann - www.aquascapingworld.com Lá là bộ phận mọc xung quanh trục thân; nó thường dẹp và tăng trưởng ở mức giới hạn. Lá là công cụ hữu dụng để hấp thu ánh sáng cho quá trình quang hợp và với cây thủy sinh, chúng ổn định sự thoát hơi nước. Chúng cũng có những chức năng khác chẳng hạn như dự trữ chất dinh dưỡng, và có thể hình thành những tế bào sinh sản. Dạng phân bố lá ở các mắt gọi là phyllotaxis (hình 1). Trên trục thân dài, lá được phân bố theo dạng mọc cách (alternate) (hình 1.1). Mỗi mắt mọc ra một lá và góc giữa hai lá gần nhau luôn cố định, thường là 2/5 vòng tròn. Dạng mọc cách này hiếm khi xuất hiện ở cây thủy sinh nhưng vẫn có, chẳng hạn Lobelia cardinalis. Ở dạng mọc đối (two-rowed) (hình 1.2), góc giữa hai lá luôn cố định ở 180 độ. Lá nằm hai bên trục ở đúng hai cột đối diện, chẳng hạn như các loài Potamogeton. Nhiều cây thủy sinh phân bố lá theo dạng mọc đối chữ thập (decussate & opposite) (hình 1.3); mỗi mắt mọc hai lá đối xứng với nhau và vuông góc với những lá ở mắt kế cận. Ví dụ về dạng mọc đối chữ thập như ở các chi Hygrophila và Ludwigia. Nếu có nhiều hơn ba lá mọc ra từ một mắt thì đó là dạng mọc vòng (whorled) (hình 1.4), chẳng hạn như chi Myriophyllum và các loài Limnophila. Trên trục thân ngắn, các lá mọc gần sát nhau; chúng phân bố theo dạng mọc xòe (rosettes) (hình 1.5). Ở hầu hết các loài phổ biến, lá đơn (foliage) có vô số hình dạng và kích thước. Nó bao gồm ba phần chính: phiến lá (lamina); cuống lá (petiole); gốc lá (sheath) (hình 2). Phiến lá là phần chính của lá và có nhiều hình dạng khác nhau (hình 3). Ngoài hình dạng chung, các phần chóp, mép và gốc lá cũng khác nhau và có vô số hình dạng. Phiến lá có thể mảnh mai và trong suốt; dai và dẹp; uốn lượn hay phồng rộp. Nếu phiến lá uốn lượn hay phồng rộp (bullate), mặt trên và dưới của nó nhấp nhô (thường dày đặc) chẳng hạn như Cryptocoryne aponogetifolia. Màu sắc ở mặt trên và dưới phiến lá cũng rất khác nhau. Lá được bao phủ bởi một mạng gân có chứa những bó mạch. Trong nhóm cây một lá mầm, gân chính có những gân phụ chạy song song, dọc hai mặt lá. Ở cây hai lá mầm, gân phụ phân nhánh từ gân chính. Chiều dài cuống lá có thể rất khác nhau. Ở một số cây thủy sinh, cuống có thể lẫn hoàn toàn vào lá hoặc nếu lá dài và tù ở phần gốc, nó có thể hiện rõ. Lá không có phần cuống thường được gọi là lá không cuống (sessile). Mặt khác, gốc lá có thể không hiện rõ và trông như phần kéo dài và mở rộng của cuống. Ở một số cây đầm lầy và thủy sinh, gốc lá có hình dạng rất đặc trưng mà nó không hoàn toàn tách biệt với cuống lá, chẳng hạn như các loài Crytocoryne. Những gốc lá như vậy có một chức năng khác; chúng bao bọc và bảo vệ lá non trong một thời gian. Lá peltiphyllum là dạng lá đơn đặc biệt; cuống nằm gần như ở tâm của mặt dưới lá. Ví dụ về loại lá này là một số loài Hydrocotyle. Một số lá được cải tiến và phát triển từ lá đơn, chẳng hạn như lá vảy (scale) - thường thấy trên thân bò (runner); lá bắc (bract) gần chùm hoa ;và – sau cùng – là những cánh hoa mà chúng thực ra là dạng lá cải tiến và biến dạng. Có một mối liên kết nhất định giữa địa bàn phân bố và cấu trúc lá của cây. Nếu môi trường có nguồn nước ổn định, lá thường bao gồm lớp biểu bì bên trên, lục mô (palisade) và mô xốp (spongy), và một lớp biểu bì bên dưới. Lục mô bao gồm những tế bào dài, dày đặc nhất; mô xốp có cấu trúc xốp và rỗ. Các tế bào mô xốp có hình dạng bất định, và mô có các khoang. Chất diệp lục (chlorophyll) không hiện diện trong các lớp biểu bì trên hay dưới; lớp biểu bì dưới có một số lỗ khí (stomata). Ví dụ điển hình về cấu trúc này là lá nổi (mặc dù ở đây lỗ khí nằm trong lớp biểu bì trên) (hình 4.1) và lá nước của những loài cây vốn chủ yếu mọc ở đầm lầy (hình 4.4). Lá nước điển hình không có lỗ khí, nhưng các tế bào của lớp biểu bì có chứa các hạt diệp lục. Lá nước mỏng hơn, cấu trúc bên trong không có lạp mô và mô xốp vốn dần triệt tiêu khi biến đổi thành dạng đơn giản. Chỉ còn lại hai lớp biểu bì, chẳng hạn như các loài họ bèo (hình 4.8) nhưng phát triển các khoang khí (hình 4.2, 4.3, 4.6 và 4.7). Nhiều loài cây đầm lầy thích nghi tốt với địa bàn lưỡng cư; chúng có đặc điểm lá dị hình (heterophyllous), nghĩa là có thể tạo ra các dạng lá khác nhau tùy thuộc vào môi trường. Ví dụ, các loài Sagittaria thường mọc lá nước mảnh, dài, nhưng lá nổi và lá khí phân thành cuống và phiến riêng biệt (hình 5). Lá của nhiều loài hai lá mầm khi nổi có xu hướng nhọn và có lông; Limnophila aquatica là một ví dụ. Đôi khi, cây mọc lá với phiến khác biệt trong môi trường lưỡng cư, chẳng hạn Echinodorus berteroi và Hygrophila difformis. Định nghĩa *Chữ thập (decussate): phân bố trên thân theo từng cặp đối xứng và vuông góc với cặp ở trên hay dưới, tạo thành bốn cột lá. *Phồng rộp (bullate): có dạng răn và rộp. *Một lá mầm (cotyledon): mầm có một lá, *Hai lá mầm (dicotyledon): mầm có hai lá. *Lục mô (palisade): các tế bào dẹp, dày đặc nằm ở mặt trên của thịt lá (mesophyll). Đây là nơi các lạp lục (chloroplast) hấp thu ánh sáng mạnh nhất. *Phiến lá (lamina): phần xòe rộng của lá. *Chóp lá (leaf apex): chóp đối diện với gốc lá. *Gân chính (midrib): gân chính giữa lá, nó luôn nối với cuống lá. *Gân phụ (vein): cấu trúc mao mạch trên lá gọi là mạng gân (venation). *Cuống (petiole): phần đế hay cành nối lá với cây, thường phần gốc phình to gọi là gối (pulvinus) (cuống không hiện diện ở dạng lá không cuống) *Nách lá (axil): góc giữa thân và cuống lá. *Thân (stem): (còn gọi là trục) nơi từ đó lá mọc ra. *Lá bẹ/lá kèm (stipule): cặp bộ phận phụ, nhỏ nằm ở hai bên gốc cuống lá. *Lá chét (pinna): phân nhánh của lá kép. ------------------------------------------- Giải phẫu thực vật: Phần 1 - Thân Giải phẫu thực vật: Phần 3 - Rễ