Nguyên tắc đánh giá cá la hán Bài viết dưới đây mang tính chất tham khảo dành cho các câu lạc bộ cá la hán trong quá trình tổ chức triển lãm. Nó cũng giúp người chơi cá cũng nắm vững cách thức tổ chức và chấm điểm, từ đó có bước chuẩn bị thích hợp nhất trước khi đem cá đi dự thi; ngoài ra người chơi cũng có thể học hỏi cách đánh giá cá la hán một cách toàn diện và áp dụng vào thú chơi của mình. Hiện tại, chưa hề có một hệ thống phân loại, đánh giá và chấm điểm cá la hán nào được công nhận và áp dụng trên bình diện quốc tế. Các câu lạc bộ địa phương hay đơn vị triển lãm có thể tự đề ra cách phân loại và tiêu chí chấm điểm riêng. Triển lãm mừng sinh nhật của CLB LHSG 1/2010 1. Phân loại * Dưới đây liệt kê một số thể loại mà chúng tôi tổng hợp từ các cuộc triển lãm cá la hán: Kim hoa (kamfa): dòng kim hoa. (tham khảo) Trân châu (pearl): dòng trân châu (cá kim cương cũng thuộc dòng này). Kim mã lưu (kamalau): dòng kim mã lưu. (tham khảo) Cổ điển (classic): dòng cá la hán đời đầu, tuy ít châu nhưng màu và thân rất đẹp. Cá lột (golden base/fade): ban đầu chỉ bao gồm hoàng kim, tức những con la hán lột đời đầu, nhưng về sau còn xuất hiện thêm kim hoa lột, trân châu lột. Không chữ (free marking/flowerless): dành cho bất kỳ con la hán thiếu chữ nào (châu, màu và gù phải rất đẹp). Không gù (free head/kokless): dành cho bất kỳ con la hán thiếu gù nào (châu, màu và chữ phải rất đẹp). Short body: dành cho những con la hán ngắn đòn. Bonsai: dành cho những con la hán “đèo đẹt” theo lối bonsai. * Mỗi dòng cá đều có một số đặc điểm riêng mà nếu được phân thành từng thể loại thì việc chấm điểm sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, thị trường và thú chơi la hán vốn nhiều biến động, không ở đâu có đầy đủ người chơi và nhà lai tạo tâm huyết trong từng thể loại. Trên thực tế, các cuộc triển lãm thường bao gồm hai dòng la hán chính là kim hoa và trân châu. Thậm chí, ở Singapore người ta còn gom tất cả vào một thể loại duy nhất. * Ngoài hai thể loại chính, chúng ta cũng có thể mở thêm một thể loại gọi là “tự do” dành cho những con la hán cực kỳ đặc biệt hay xuất sắc nhưng không đủ điều kiện hay lợi thế khi tham gia vào hai thể loại trên. * Mỗi thể loại cũng có thể chia làm nhiều bảng tùy vào kích thước cá dự thi. Thường người ta chia làm ba bảng: A) trên 20 cm, B) dưới 20 cm và C) dưới 15 cm. 2. Tiêu chí và thang điểm * Các tiêu chí đánh giá bao gồm: Trình diễn (overall impression) Gù (kok/head growth/nuchal hump) Thân (body) Vây & đuôi (finnages & tail) Châu (pearls) Màu (color) Mặt và mắt (face & eyes) Chữ (flower marking) * Thang điểm: 100 * So sánh một số triển lãm trong vùng, điểm số ở từng tiêu chí không có nhiều khác biệt. Chẳng hạn, triển lãm la hán Singapore: trình diễn - 15, gù – 20, thân – 15, vây & đuôi – 15, châu – 10, màu – 10, mặt & mắt – 10, chữ – 5 (tham khảo). Triển lãm la hán nội địa: trình diễn - 10, gù – 25, những tiêu chí khác tương tự (tham khảo). Triển lãm la hán CLB LHSG 2012: trình diễn - 15, gù – 15, thân – 10, vây & đuôi – 15, châu – 15, màu – 5, mặt & mắt – 10, chữ – 5, linh hoạt - 10 (lưu ý: các triển lãm khác, tiêu chí "linh hoạt" là một phần của "trình diễn"). 3. Cách chấm điểm * Các trọng tài có kinh nghiệm thường không cho điểm tối đa mà dành ra một hay hai điểm thưởng ở mỗi tiêu chí để ghi nhận những cá thể cực kỳ hiếm hay xuất sắc ở tiêu chí đó. Chẳng hạn theo cách này, nếu thang điểm chấm gù là 20 thì những con gù to được coi là đạt và chấm “điểm chuẩn”: 18 điểm. Những con gù đặc biệt to, căng, tròn trịa nhưng trông vẫn cân đối sẽ được “thưởng” thêm 2 điểm và chấm tối đa 20 điểm. * Lỗi ở từng tiêu chí sẽ được phát hiện và ghi chú trong mẫu đánh giá. Các trọng tài sẽ căn cứ vào những lỗi này để trừ điểm. Đây là công đoạn nặng phần cảm tính. Để dễ chấm, trọng tài có thể chia ra nhiều cấp độ lỗi: lỗi nhẹ (trừ 0.5 điểm), lỗi vừa (trừ 1 điểm), lỗi nặng (trừ 1.5 điểm) và lỗi nghiêm trọng (trừ 2 điểm). * Những lỗi quá nổi bật có thể bị trừ nhiều hơn. Tuy nhiên, lỗi quá nổi bật có thể bị coi là “tật” và loại từ đầu. Hoặc nếu triển lãm lớn với nhiều cá dự thi, cá với lỗi nổi bật sẽ không qua nổi vòng sơ loại. * Sau khi chấm điểm, thí sinh có điểm số cao hơn (trong cùng một bảng hay thể loại) sẽ được xếp hạng cao hơn. 4. Quy trình đánh giá * Quy trình đánh giá trong một triển lãm cá la hán nhìn chung bao gồm 3 bước. Bước đầu tiên và quan trọng nhất là thảo luận giữa ban tổ chức và các trọng tài về cách thức chấm điểm cũng như các vấn đề đặc thù của triển lãm. Mọi người sẽ thảo luận cách xử lý những con cá la hán tham dự nhầm thể loại cũng như các sự cố khác khiến cá bị loại. Cá bệnh, cá bị thương hay dị tật nghiêm trọng sẽ bị loại ngay từ đầu. * Bước thứ hai là chấm điểm cá dự thi qua mẫu đánh giá do ban tổ chức cung cấp. Với những cuộc triển lãm bao gồm nhiều ứng viên, cần phải có vòng sơ loại. Các trọng tài được yêu cầu chọn ra từ 4 đến 6 ứng viên từ mỗi thể loại. Một khi các trọng tài quyết định xong danh sách cá lọt vào vòng sau, quá trình chấm điểm cẩn trọng và căng thẳng bắt đầu. Từng lỗi nhỏ đều được cân nhắc, xem xét và có thể ảnh hưởng đến kết quả xếp hạng chung cuộc. * Bước sau cùng, thu thập mẫu đánh giá của các trọng tài và tính tổng số điểm cho từng ứng viên. Điểm số sẽ xác định các vị trí nhất, nhì và ba ở từng thể loại. Trưởng ban trọng tài so sánh thang điểm của từng trọng tài. Hy vọng rằng các trọng tài đánh giá tương tự như nhau với đôi chút khác biệt nhỏ. Trường hợp một ứng viên nhất định có khác biệt bất thường về điểm số giữa các trọng tài, hoặc hai ứng viên có cùng điểm số, các trọng tài sẽ được yêu cầu đánh giá lại lần nữa. Quy trình tương tự được áp dụng cho từng thể loại trong triển lãm. Lưu ý: Để khắc phục sự cố trên, một số triển lãm yêu cầu 5 trọng tài chấm điểm. Ban tổ chức sẽ loại bỏ các điểm số cao nhất và thấp nhất (1 & 5). Các điểm số ở khoảng giữa (2, 3 & 4) sẽ được lấy để tính tổng điểm cho ứng viên. Đây là cách thức hữu hiệu để hạn chế hiện tượng “kích” hay “dìm hàng”, điều đôi khi xảy ra trong các cuộc triển lãm nói chung. 5. Chuẩn bị cá dự thi Với người chơi cá bình thường, hiểu rõ cách thức đánh giá sẽ gia tăng mức độ thú vị về thú chơi. Mặt khác, có những người thích đem cá tham dự triển lãm. Nếu bạn là một trong số đó thì bạn cần phải chuẩn bị một số thứ để gia tăng cơ hội đoạt giải. * Nếu bạn chưa từng đem cá dự thi bao giờ thì tốt nhất nên tham quan vài triển lãm trước khi tham gia. Liên hệ với ban tổ chức hoặc lên diễn đàn để tìm hiểu thông tin về các cuộc triển lãm gần nhất. Bạn cũng có thể gặp gỡ những người có kinh nghiệm dự thi để học hỏi kinh nghiệm. * Sau khi tìm hiểu, nếu bạn vẫn giữ ý định dự thi thì hãy yêu cầu ban tổ chức cung cấp những thông tin liên quan đến triển lãm như thể loại, tiêu chí, nội quy, hướng dẫn và mẫu đánh giá. Nghiên cứu thông tin kỹ càng để quyết định thể loại mà bạn dự thi. * Liên hệ ban tổ chức để tìm hiểu điều kiện môi trường tại triển lãm. Nếu bạn luyện cá la hán của mình quen với môi trường tương tự tại triển lãm thì cá của bạn sẽ thể hiện được phong độ tốt nhất tại triển lãm. Bạn cần tìm hiểu độ cao của kệ đặt hồ, kích thước hồ, nắp đậy, tấm phản chiếu, màu của phông nền và đáy hồ và quan trọng nhất là các thông số nước như độ pH và độ cứng. * Nhiều tuần trước triển lãm, cách ly cá la hán dự thi của bạn trong hồ riêng với điều kiện môi trường càng giống với triển lãm càng tốt. Bốn thông số quan trọng nhất cần giả lập là nhiệt độ, độ pH, độ cứng và chiếu sáng. Nếu điều kiện môi trường tại triển lãm quá khác biệt với điều kiện ở nhà thì cá của bạn sẽ không thể hiện được phong độ tối đa. Nếu có thể, bạn nên chuẩn bị cá dự phòng trong trường hợp có sự cố bất ngờ khiến bạn không thể đem cá dự kiến tham dự triển lãm. * Có một số phương pháp cải thiện màu sắc và gù mà bạn có thể nghiên cứu và áp dụng. Lưu ý không được quá lạm dụng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cá. Cho cá nhịn ăn một ngày trước khi vận chuyển đến triển lãm. (tham khảo & tham khảo) * Ban tổ chức luôn đảm bảo điều kiện vệ sinh cho các hồ cá dự thi. Tuy nhiên, một số cá có thể ngã bệnh ngay và sau khi tham dự triển lãm. Nguyên nhân ở chỗ, trên thực tế chúng ta không thể sát trùng một cách tuyệt đối cũng như mức độ đề kháng của từng cá thể không giống nhau. Để giảm thiểu rủi ro, bạn cần liên hệ với ban tổ chức trước ngày thả cá để biết vị trí hồ. Sau đó, bạn có thể yêu cầu sát trùng hồ theo cách thức mà mình mong muốn. Châm formol và chạy sục khí liên tục cùng với bộ lọc là cách thức đơn giản và hiệu quả. Formol sát trùng mạnh nhưng dễ bay hơi, sau một, hai ngày bạn có thể thả cá. (tham khảo) * Các triển lãm cá la hán thường cho phép thả cá vào hồ từ 24 đến 48 giờ trước khi chấm điểm. Gắng sắp xếp thả cá càng sớm càng tốt để cá có thời gian làm quen hồ. Khi vận chuyển, châm nước bịch đựng cá vừa đủ trên phần vây lưng. Sử dụng vợt to, nông và lưới mịn để bắt và chuyển cá vào bịch đựng. Vợt không phù hợp có thể làm tổn thương vây lưng và vây hậu môn. Sau cùng, lồng ba loại bịch đựng với nhau rồi bơm ô-xy đủ cho cá thở trong thời gian vận chuyển. Bởi vì cá tham dự triển lãm quá giá trị và thường là độc nhất, để chắc ăn bạn nên nhờ tiệm cá uy tín đóng gói dùm. * Đến nơi triển lãm, cẩn trọng chuyển cá vào hồ được chỉ định. Kiểm tra nhiệt độ, sục khí và độ pH của hồ trưng bày để đảm bảo chúng thích hợp cho cá của bạn. Đảm bảo mặt kiếng trước không bị dơ. Bạn đã làm tất cả để chuẩn bị cho việc tham dự triển lãm. Còn bây giờ, quyền quyết định nằm trong tay các trọng tài. 6. Thảo luận chung * Đánh giá sao cho chính xác là một nhiệm vụ rất khó khăn, các trọng tài đôi khi vẫn mắc sai sót. Tuy nhiên, quyết định của trọng tài cần được tôn trọng và hầu như là quyết định cuối cùng trừ phi ban trọng tài hay trưởng ban trọng tài chỉnh sửa lại kết quả, điều rất khó xảy ra trên thực tế. * Các trọng tài nên ghi chú lỗi vào mẫu đánh giá và chuẩn bị để giải thích kết quả chấm điểm của mình với ban tổ chức. Bởi tuy không có quyền khiếu nại, người dự thi có thể yêu cầu ban tổ chức cho xem bảng điểm. Đấy là lý do tại sao việc ghi chú lỗi sẽ giúp ích cho tất cả các bên. * Trọng tài cũng là con người và có quan điểm riêng. Chẳng hạn, trọng tài có thể không chuộng “cạnh đuôi tròn” ở cá kim hoa và trừ điểm những con có đặc điểm như vậy, mặc dù hướng dẫn đánh giá không ưu tiên cũng như hạn chế đặc điểm này một khi nó không ảnh hưởng đến hình dáng tổng thể của bộ vây. Hy vọng điều này không xảy ra một cách thường xuyên ở các triển lãm cá la hán. Trọng tài phải khách quan, bám sát hướng dẫn đánh giá và không nên để “quan điểm riêng” của mình ảnh hưởng đến công tác đánh giá. * Ban tổ chức cần phối hợp với ban trọng tài để xây dựng, cập nhật và công bố hướng dẫn đánh giá. Việc phổ biến hướng dẫn đánh giá sẽ giúp định hướng thẩm mỹ cũng như nâng cao năng lực đánh giá cho mọi người. Hướng dẫn càng cụ thể, chi tiết thì công tác đánh giá càng bớt phần cảm tính. Để xây dựng hướng dẫn đánh giá, ban tổ chức cần phối hợp với các câu lạc bộ cũng như người chơi nhằm tổng hợp các lỗi thông thường ở cá la hán, phân tích dạng và cấp độ lỗi, điểm trừ ở từng cấp độ cũng như mức gia giảm cho phép của trọng tài. Điều lệ chi tiết có thể khiến các trọng tài và người dự thi phải mất thời gian tìm hiểu nhưng suy cho cùng đó là điều cần thiết và thể hiện đúng sự đa dạng và tinh tế của thú chơi. (tham khảo) * Sau cùng, mọi người nên hiểu rằng cá đoạt giải là con đẹp nhất, hay nói cách khác, là con gần giống nhất với “cá la hán hoàn hảo” trong số những con dự thi nên sẽ rất bình thường nếu bạn thấy nó có lỗi hoặc chưa phải là con cá xuất sắc theo ý mình (những con khác còn kém hơn nữa!). Những con đoạt giải khi bị săm soi kỹ vẫn phát hiện ra lỗi là điều rất bình thường. Mặt khác, điểm số phụ thuộc vào rất nhiều tiêu chí, không nên chỉ dựa vào một, hai đặc điểm để so sánh và đưa ra kết luận. ------------------------------------------------------ Phụ lục 1. Nội quy triển lãm Điều 1. Người dự thi đồng ý chấp nhận mọi rủi ro. Ban tổ chức cam kết sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo nhu cầu của cá trong thời gian triển lãm, nhưng họ không chịu trách nhiệm cho bất kỳ trường hợp mất mát, tổn thương, bệnh tật hay chết của cá dự thi. Điều 2. Tất cả cá dự thi đều được đánh giá dựa trên bộ tiêu chí của ban tổ chức. Quyết định của trọng tài là quyết định cuối cùng và ban tổ chức không xem xét bất kỳ khiếu nại nào trong và sau triển lãm. Điều 3. Người dự thi không được thâm nhập vào khu vực triển lãm trong quá trình chấm điểm. Điều 4. Cá không được cho ăn trong thời gian triển lãm. Người dự thi cũng không được chuẩn bị hồ hay thả bất kỳ vật dụng cũng như cá vào hồ mà không được phép của ban tổ chức. Điều 5. Tất cả cá dự thi đều phải đem đến khu vực giao cá đúng giờ. Mọi chậm trễ đều không được chấp nhận và không được hoàn trả lệ phí dự thi. *Ban tổ chức chịu trách nhiệm phân loại cá dự thi. Điều 6. Một khi cá được nhận và trưng bày tại khu vực triển lãm, người dự thi không được phép lấy cá đi trừ phi được ban tổ chức chấp thuận. Điều 7. Sau triển lãm, người dự thi đều phải đến nhận cá trong thời gian quy định. Cá vô thừa nhận sau triển lãm mặc nhiên trở thành tài sản của ban tổ chức. Điều 8. Ban tổ chức có quyền tăng, giảm số lượng cá dự thi tuỳ tình hình thực tế. Các đăng ký hợp lệ hay không hợp lệ đều được thông báo trước khi triển lãm bắt đầu. Điều 9. Trường hợp bẩt khả kháng khi triển lãm phải kéo dài, rút ngắn hay huỷ bỏ ngoài tầm kiểm soát của ban tổ chức, ban tổ chức sẽ không chịu trách nhiệm cho bất kỳ thiệt hại nào, dù trực tiếp hay gián tiếp, của người dự thi. Phụ lục 2. Điều kiện dự thi Cá dự thi sẽ bị loại nếu rơi vào một trong những trường hợp sau đây: * Kích thước không đạt (tính từ chóp miệng cho đến gốc đuôi). * Giao cá không đúng thời gian quy định của ban tổ chức. * Cá có dấu hiệu bệnh lý: lở loét, mất màu, đờ đẫn, mất thăng bằng v.v… * Khuyết tật nặng: khuyết vây, khuyết đầu, mù mắt, méo miệng, vẹo xương sống, đuôi xoắn, sụp, vênh mang, mất vây ngực .v.v… * Cá quá nhát: mất màu, sọc dưa hoặc hoảng hốt khi thấy người .v.v. *Cá dự thi sai thể loại sẽ được Ban tổ chức “tái phân loại”. Nếu chủ cá không đồng ý thì cá sẽ bị loại ngay lập tức. Phụ lục 3. Tư cách trọng tài * Trọng tài phải là người có chuyên môn, kinh nghiệm cũng như hiểu biết về cá La Hán. * Trọng tài phải là người có uy tín, đảm bảo việc chấm thi một cách công bằng và trung thực. * Trường hợp trọng tài cũng đồng thời là nhà lai tạo, trọng tài cần thông báo với ban tổ chức nếu có cá do mình lai tạo dự thi (trực tiếp hay gián tiếp). Trọng tài sẽ được yêu cầu không chấm điểm thí sinh đó. Phụ lục 4. Mẫu đánh giá Download ở đây: mẫu đánh giá Triển lãm của CLB LHSG 9/2010
Phụ lục 5. Hướng dẫn đánh giá 1) Trình diễn Trình diễn thể hiện sức khỏe, sự sung mãn cũng như dạn dĩ của cá. So với những loài cá cảnh khác, cá la hán rất thân thiện, có thể nhận biết được chủ nuôi, thậm chí người ta có thể chơi đùa với chúng. Tiêu chí này hiện chưa được quan tâm một cách đúng mức, bởi có rất nhiều cá vẫn còn nhút nhát khi được mang đến triển lãm. * Cá sung, phùng xòe, chạy tay: điểm chuẩn. Cá sung có xu hướng chạy tay, tuy nhiên để tập cho thành phản xạ, người nuôi cũng phải kiên trì huấn luyện (tham khảo). * Cá sung, phùng xòe nhưng không chạy tay: lỗi nhẹ. * Cá không phản ứng với tay người: lỗi vừa * Cá hơi cảnh giác hoặc hổt hoảng với tay người: lỗi nặng, tùy mức độ nhiều hay ít mà trừ. Một số cá được huấn luyện đặc biệt có thể làm những trò lạ, chẳng hạn lộn một vòng theo tay người hoặc bơi ngửa .v.v… Trường hợp này có thể chấm điểm tối đa. 2) Gù Gù là tiêu chí quan trọng nhất ở cá la hán. Tại các cuộc triển lãm ở nước ngoài, tiêu chí gù chiếm từ 15 – 20 điểm; trong khi ở triển lãm nội địa, tiêu chí này chiếm điểm số kỷ lục: 25 điểm. Hình dạng gù rất khác nhau tùy từng cá thể và dòng cá; gù có thể tròn, hơi vuông vức, đổ ra trước, hoặc đổ ra sau (tham khảo). Theo quan niệm chung, gù đẹp phải đạt 4 yếu tố: a) to, b) cân đối với thân hình, c) căng và d) đối xứng (khi quan sát từ chính diện). Lưu ý rằng không phải gù càng to thì càng đẹp, nếu gù to đến mức không còn cân đối với thân hình sẽ gây phản cảm và bị coi là lỗi. Một số lỗi thông dụng ở gù: * Gù không cân đối so với thân, quá nhỏ hay quá to, quá vát về phía sau hay quá đổ về phía trước. * Gù bẹt, gãy khúc. * Gù trông sần sùi, lồi lõm. * Gù méo về một bên (khi quan sát từ chính diện). * Gù tóp hay có nếp nhăn. Gù lên hay xuống là hiện tượng thông thường ở cá la hán hay cichlid nói chung. Tuy nhiên, những con đầu khủng nhờ chơi “thuốc” thường bị sốc và rớt thê thảm một khi môi trường thay đổi hay đơn giản là… vã thuốc! Cá có gù xuất sắc, to mà vẫn cân đối, căng mọng, tròn trĩnh và đối xứng .v.v… Trường hợp này có thể chấm điểm gù tối đa. (Ví dụ đánh giá gù cá la hán) 3) Thân Một số người thích cá ngắn đòn như “short body” hay “bonsai” nhưng xin lưu ý rằng đấy chẳng qua là những dạng dị tật cột sống, dẫu có biểu hiện ra ngoài hay không. Nếu ưu tiên lai tạo theo hướng này thì các thế hệ về sau sẽ ngày càng teo tóp, đèo đẹt, và nhiều dị tật. Cá la hán chỉ trông có vẻ dài “thõng thượt” khi bị ép size một cách thái quá. Thân đẹp phải có bản rộng, nở hậu, gốc đuôi to và thẳng, ức cân đối và mạnh mẽ (tham khảo). Lỗi thân thường xuất hiện ở vùng ức, lưng và gốc đuôi: * Thân tóp về phía đuôi: trường hợp này đầu càng to thì càng mất cân đối. * Ức teo, thân dài “thõng thượt”: những con cá bị ép size thường rơi và trường hợp này. * Vẹo xương sống, nhất là phần gốc đuôi. * U lồi, lõm trên thân. * Vảy khuyết, không đều hoặc sứt sẹo. Thân xuất sắc phải có bản cực rộng, gốc đuôi to .v.v… Tiếc thay đặc điểm này ngày nay hầu như không còn thấy nữa. Trường hợp này có thể chấm điểm tối đa. 4) Vây và đuôi Đây là đặc điểm được người chơi “soi” rất kỹ vì hoàn cảnh đặc biệt ở ta. Lưu ý rằng cạnh đuôi thẳng không phải là yếu tố tăng điểm dẫu đuôi quạt thường khít và không bị sụp. Chúng ta vẫn thấy có những con đuôi tròn nhưng rất căng và to, thậm chí còn “vây bao” (wraptail) nữa. Chính việc lai cận huyết không đúng cách mới là nguyên nhân khiến các dòng cá ở ta bị sụp đuôi. Một số lỗi thông dụng: * Tật gai vây lưng và vây hậu môn. * Vây lưng và vây hậu môn ngoác ra. * Vây lưng và vây hậu môn cúp vào đuôi. * Vây hở. * Đuôi đào. * Đuôi nhỏ so với thân. * Tật ở tia đuôi, đôi khi kéo dài như tua. * Vây ngực cúp, không đều (khi quan sát từ chính diện). * Vây sờn, rách, lỗ mọt. Những con vây và đuôi không mắc lỗi, căng, cân đối và đặc biệt là có vây bao (wraptail) sẽ được chấm điểm tối đa. (Ví dụ đánh giá vây và đuôi cá la hán) 5) Châu Châu là các hoa văn ánh kim trên mình cá. Ví như con thái-silk dẫu ánh kim phủ toàn thân nhưng không tạo ra “hoa văn” nào hết nên nếu xét về châu, coi như 0 điểm! Châu có đủ loại: nào là châu sợi, châu hột, châu viền, châu lưới .v.v... Ở đây, chúng ta không bàn tới dạng châu mà chỉ tập trung vào hai yếu tố: mật độ và độ sáng. Châu thường xuất hiện trên thân và vây cá, châu phủ càng nhiều càng tốt, xét theo thứ tự ưu tiên như sau: 1) châu lên tới gù, 2) châu lên tới mặt và nắp mang, 3) châu lên tới bụng và ức. Một số lỗi thông dụng: * Châu không lên tới đầu. * Châu chỉ lên đến hai bên thái dương. * Châu quấn đầu nhưng mờ, xỉn. * Châu không lên tới mặt và nắp mang. * Châu không lên tới bụng. * Thân có ít châu. * Châu mờ, xỉn. Cá xuất sắc với châu sợi quấn đầu, châu sáng toàn thân, đặc biệt châu lan tới mặt và bụng có thể chấm điểm tối đa. 6) Màu Phần da nơi không có châu và chữ sẽ được đánh giá theo tiêu chí màu. Theo tiêu chí này, không tính tới diện tích bao phủ mà chỉ tính đến tông màu. Màu phải tươi sáng (đỏ & cam), màu đen hay nâu sẽ làm cho cá bị tối đi. Lỗi thường gặp: * Nền nâu xỉn. * Bụng màu kem hay đỏ nhạt. * Lem đen ở các chóp vây (lột không sạch). Những con cá xuất sắc với tông màu trên thân biến đổi từ đỏ, cam đến vàng có thể chấm điểm tối đa (tham khảo). 7) Mặt và mắt Một số lỗi thường gặp: * Hàm dưới trề (miệng móm). * Miệng không khép được. * Mõm nhọn. * Tật mép (nhìn chính diện). * Miệng méo (nhìn chính diện). * Mắt lồi. * Tóp hay vênh mang. Những con miệng bằng, mắt sâu, thần sắc khí thế, dữ dằn được chấm điểm tối đa. (Ví dụ đánh giá mặt và mắt cá la hán) 8) Chữ “Chữ” là cách gọi ở ta, đúng ra phải là “hoa” (flower); đây là nguồn gốc của tên gọi “hoa giác” hay “flowerhorn”, tức “cá la hán”. Tiêu chí này kém quan trọng nhất, chỉ chiếm có 5 điểm. Chữ phải đậm, liền lạc, tách bạch và chạy từ gốc đuôi cho đến đầu. Một số lỗi liên quan đến chữ: * Chữ mờ hặc bị bể. * Chữ lem lên lưng và vây lưng (“hoa đôi” – double-flower). Chữ quá nhiều sẽ khiến màu cá bị tối đi. * Chữ dính với nhau thành một vệt dài. * Thiếu chữ trên nắp mang. * Thiếu chữ trên màng tang. * Chữ chỉ chạy đến giữa thân: lỗi nặng. * Chữ chạy chưa đến giữa thân hay rời rạc (tức chỉ có 3 chấm): lỗi nghiêm trọng. Những con xuất sắc chữ đậm, liền lạc, tách bạch và chạy từ gốc đuôi cho đến đầu được cho điểm xuất sắc. Hoặc nếu "chữ" thể hiện một ý nghĩa tốt đẹp (chẳng hạn như chữ phúc, chữ thọ .v.v...) thì cũng được chấm tối đa.