CHƯƠNG 5: TIÊU CHUẨN CHUNG Cập nhật 15/07/2012 [Halfmoon và Đuôi Kép Vây Dài] Wacharaphol Watanasomboon Sarawut Angkunanuwat BETTA CẢNH LÝ TƯỞNG Betta cảnh lý tưởng trong [tình trạng] sức khoẻ tốt thể hiện qua điều kiện hoàn hảo (faultless) và hành vi sung mãn. Thân và vây không lỗi tật (unblemished). Không có sẹo thân, đốm hay vảy vẹo/thiếu. Tia vây phải thẳng hay cong đều. Vây được xòe căng đét (rigidly erect) và mang được phùng hết cỡ. Chuyển động liên tục và hung hăng kèm phản ứng bạo lực với bất kỳ kẻ xâm nhập nào. Betta cảnh lý tưởng thể hiện sự đối xứng gần như ảnh-gương của phần trên và dưới qua một đường-giữa tưởng tượng. Betta này hết sức tỷ lệ về vây và kích thước thân. Thân thuôn dần về phía gốc đuôi. Vây lưng tiệm cận vây hậu môn về hình dạng, chiều rộng và kích thước. Có góc xòe 180-độ giữa các tia đuôi đầu và cuối. Viền ngoài các vây lưng, đuôi và vây hậu môn vạch ra một cung tròn liền lạc không đứt đoạn giữa các vây. Vây rộng và xếp chồng ở cạnh. Phân nhánh nhị cấp và tam cấp xuất hiện với bước chẵn (even interval) dọc theo chiều dài của tia vây. Betta cảnh lý tưởng phô bày màu sắc tươi tắn với mật độ đồng nhất. Ở các lớp đơn sắc, không có lem màu trên vây và không có đốm hay chấm màu không mong đợi trên thân. Các loại hoa văn có những màu đậm và nhạt đa dạng vốn tạo ra sự tương phản cao nhất. Màu sắc chung ở Betta này có vẻ đẹp sặc sỡ, lấp lánh. TIÊU CHUẨN CHUNG Các tiêu chuẩn này bao hàm những tính trạng mà Betta chia sẻ nói chung. Tiêu Chuẩn Chung (General Standards) là các hướng dẫn đánh giá vốn nhấn mạnh đến sức khỏe và sự phát triển của những tính trạng thể chất ở Betta. Vùng Đánh Giá (Judging Areas): Trong phần này là chi tiết của Tiêu Chuẩn Chung về Dáng Vẻ (Dimension), Tình Trạng (Condition), Hành Vi (Deportment) và Bộ Vây (Finnage). Thành Phần: Mỗi Vùng Tính Điểm (Rating Area) có thể liệt kê những vùng-phụ được đánh giá gọi là Thành Phần (Components). ĐẶC ĐIỂM CHUNG 1) DÁNG VẺ 2) TÌNH TRẠNG 3) HÀNH VI a) Kích thước (Size) 1. Thân 2. Vây 3. Tổng Thể b) Đối Xứng c) Tỷ Lệ d) Hình Dạng 1. Thân 2. Vây 3. Tổng Thể ĐẶC ĐIỂM VÂY (Kích thước; Đối Xứng; Tỷ Lệ; Hình Dạng) Vây Lưng, Đuôi, Vây Hậu Môn, Vây Bụng Và Vây Ngực. Để tham khảo, một đồ hình về cấu tạo chung của betta được cung cấp, bởi vì các tiêu chuẩn này sử dụng một số thuật ngữ về các bộ phận của betta mà với chúng các trọng tài phải trở nên quen thuộc. Hình cấu tạo Betta (Jim Sonnier) 1) DÁNG VẺ (DIMENSION) a) KÍCH THƯỚC KÍCH THƯỚC THÂN: Kích thước thân cá đực phải tối thiểu một inch rưỡi [3.8 cm]. Kích thước thân cá cái phải tối thiểu một và một phần tư inch [3.2 cm]. (Xem mô tả Loại Hoang Dã về yêu cầu kích thước ở những loài đó và Plakat). Betta splendens vốn không đạt kích thước thân tối thiểu này phải bị loại. Kích thước thân nên là cân nhắc sau cùng khi đánh giá cá đẹp nhất trong một lớp. Nếu mọi thứ khác là như nhau (cùng số điểm trừ lỗi) thì cá lớn hơn phải chiến thắng. KÍCH THƯỚC VÂY: Kích thước vây dưới đây được áp dụng cho các lớp Betta splendens đực. Mặc dù chúng mô tả độ dài vây (fin length), các trọng tài và nhà triển lãm phải nhớ rằng trọng tâm việc đánh giá vây phải đặt trên chiều rộng (breadth) và kích thước của chúng. Vây Lưng Phải đạt tối thiểu một-nửa chiều dài thân, tính từ gốc tia vây giữa đến chóp ngoài (outer tip) của cùng tia. Đuôi Phải đạt tối thiểu một-nửa chiều dài thân, tính từ gốc đuôi đến giữa viền ngoài – KHÔNG phải viền của chóp dài nhất (greatest extension). Vây Hậu Môn Phải đạt tối thiểu một-nửa chiều dài thân, tính gốc tia vây giữa đến chóp ngoài (outer tip) của cùng tia. Vây Bụng Chiều dài phải gần bằng vây hậu môn. Vây Ngực Vây ngực khó đánh giá, đặc biệt nếu chúng trong suốt. Tuy nhiên, nhìn chung vây ngực to đầy đặn được mong đợi. b) ĐỐI XỨNG (SYMMETRY)Betta lý tưởng phải cân đối với thân và vây hình thành một cung trơn tru và liền lạc. Thân phải gần như đối xứng giữa trên và dưới qua đường-giữa (mid-lateral) tưởng tượng, ngoại trừ vùng phía trước vây hậu môn nơi chứa nội tạng. Bóng (silhouette) của ba vây lẻ phải càng gần với vòng tròn càng tốt với viền ngoài của những vây này vạch ra một cung liền lạc không đứt đoạn. Ở Betta đuôi kép, Trong Tài phải mong đợi để thấy, về nguyên tắc, mức độ đối xứng cao hơn được thấy ở Betta đuôi đơn. Các vây lẻ phải thể hiện sự đối xứng ảnh-gương của phần trên và dưới qua một đường-giữa tưởng tượng. Đấy là vì vây lưng rộng hơn của cá đuôi kép có thể tiệm cận chiều rộng, kích thước và hình dạng của vây hậu môn. c) TỶ LỆ (PROPORTION)Một Betta tỷ lệ đẹp ăn đứt con vốn đơn thuần to xác. Điều quan trọng đó là vây và thân phải tỷ lệ với nhau. Nếu các vây thật lớn thì thân cũng phải như vậy. Một vây lẻ to (hay nhỏ) một cách bất cân đối làm giảm sự đối xứng và vẻ đẹp tổng thể của cá. d) HÌNH DẠNG HÌNH DẠNG THÂN (BODY SHAPE) Thân phải có dạng con suốt (spindle) cải tiến vốn phần nào to hơn ở vùng vây bụng. Nó phải thuôn đều về phía đầu và đuôi với gốc đuôi nhỏ hơn. Nó phải hơn [gốc đuôi] từ ba đến bốn lần, nếu nó “rộng” (deep) từ đỉnh đến đáy. Hình dạng tổng thể của Betta rất quan trọng. Thân và hình dạng của nó nói riêng tác động mạnh đến hình dạng tổng thể của Betta. Thân phải bổ sung vào cấu trúc vây, mà không lấn át nó. Ví dụ, một cái thân mập mạp với bộ vây nhỏ là lỗi trọng. Betta Đuôi Kép có thể có thân rộng hơn -- từ đỉnh đến đáy -- so với Betta đuôi đơn. Thân dày hơn (thicker) được chấp nhận, chừng nào nó góp phần vào việc hỗ trợ bộ vây lớn hơn của cá đuôi kép. (Các thí ngư lớp Biến Dị Hình Dạng, Plakat và Loại Hoang Dã lại khác). HÌNH DẠNG VÂY Vây lưng Vây Lưng Đuôi Đơn: Nhiều hình dạng được chấp nhận – bán nguyệt, góc tư vòng tròn, chữ nhật – chừng nào mà độ rộng (breadth) và kích thước (volume) được thể hiện. Hình tam giác không được chấp nhận. Như các vây khác, độ rộng và sự đầy đặn là quan trọng, với vây lớn tối đa là mục tiêu. Một cách lý tưởng, vây lưng xếp chồng lên đuôi và trông như hòa vào nó, dẫu không dính liền về mặt thể chất. Tia vây đầu tiên (gần hơn về phía đầu) phải có chiều dài tương đối (comparable) so với những tia khác. Vây Lưng Đuôi Kép: Gốc (base) vây lưng của một Betta đuôi kép được mong đợi lớn một cách đáng kể so với đuôi đơn. Vây lưng đuôi kép, một cách lý tưởng, là ảnh-gương của vây hậu môn trong việc theo đuổi quan niệm đối xứng. Đuôi Ở Betta đuôi đơn, hình dạng lý tưởng là bán-nguyệt vốn xòe một góc 180-độ hoàn hảo. Nhờ sự tuyển chọn đúng đắn của các nhà lai tạo, phân nhánh tia vây, chăm sóc, biệt dưỡng và sự xòe vây, đây là một ý tưởng khó đạt để cản theo (breed for) và duy trì. Bởi vậy, một số lớp đôi khi không có cá thể nào với bộ đuôi lý tưởng này. Ở những lớp như vậy, nếu mọi thứ khác là như nhau, những con đối xứng nhất với góc xòe rộng nhất và những con ít lỗi nhất theo hướng dẫn lỗi chung và tiêu chuẩn đặc biệt, sẽ có cơ hội đoạt giải (placing) tốt nhất. Đuôi vốn xòe hơi quá 180-độ không được chuộng hay tính lỗi, so với con thể hiện góc xòe 180-độ. Mọi loại đuôi, kể cả Betta đuôi kép, phải có tia vây phân bố đều ở bên trên và bên dưới đường giữa của cá. Kích thước tương xứng (proportionate volume) là lý tưởng thay vì chiều dài. Lưu ý: với Đuôi Kép – kích thước của thùy trên và dưới phải bằng nhau và phân bố đều ở bên trên và bên dưới đường giữa. Hai thùy đuôi có thể xếp chồng nhưng phải tách bạch đến tận gốc đuôi. Hình bán nguyệt là lý tưởng cho hình dạng tổng thể của hai thùy đuôi. Vây hậu môn Hình dạng khá vuông vức. Hình dạng lý tưởng của vây hậu môn là một hình thang cân với cạnh [bên] ngắn ở gốc vây tại thân. Nói cách khác, viền ngoài của vây [cạnh bên dài] phải rộng hơn gốc. Cạnh [đáy] trước (front edge) không được hội tụ vào một điểm, [để cùng cạnh đáy sau] làm thành một tam giác. Kích thước và sự đầy đặn được mong đợi. Một cách lý tưởng, vây hậu môn xếp chồng lên, nhưng không dính liền với đuôi. Hình tam giác ở vây hậu môn là một lỗi hình dạng (form fault) bởi quá dài (1.5 đến 2 lần chiều rộng. Vây hậu môn không được vượt quá cạnh đáy của đuôi). Vây bụng Hình dạng phần nào giống con dao với lưỡi hướng ra sau. Cạnh trước hơi lồi. Chóp nhọn. Các vây phải đều và không bắt chéo. Chúng phải hợp nhau. Vây này không được dài, ngắn hay mảnh mai thái quá. Sự đầy đặn được mong đợi. Vây bụng cá cái nhìn chung ngắn hơn về tỷ lệ so với thân. Vây ngực Vây ngực quan trọng nhất trong việc bơi lội, giữ thăng bằng trong nước và chuyển động nhanh mạnh. [Vây] to và dài được ưu tiên. HÌNH DẠNG TỔNG THỂ Ngoại hình tổng thể lý tưởng của một Betta splendens chất lượng (đuôi đơn hay đuôi kép) là một vòng tròn mà không có khoảng trống giữa ba vây chính. Betta đuôi kép đực (Wasan Sattayapun) BETTA ĐUÔI KÉP Betta Đuôi Kép được mong đợi khác với cá đuôi đơn về nhiều phương diện: 1. Sở hữu hai “đuôi” hay thùy đuôi riêng biệt thay vì một, với sự phân tách hoàn toàn đến tận gốc đuôi. 2. Sở hữu gốc đuôi rộng hơn, để hỗ trợ các thùy kép. 3. Sở hữu một vây lưng lớn hơn, gần bằng kích thước của vây hậu môn. 4. Thân của chúng luôn “mũm mĩm” (chunky) và thường ngắn hơn một chút. 5. Sự cong vẹo ở gốc đuôi thường thể hiện với mức độ biến thiên ở hầu hết betta đuôi kép. Điều này được nhận biết dễ dàng hơn khi quan sát cá từ bên trên. Cong vẹo lộ liễu phải bị tính lỗi; nếu cong vẹo không thái quá khi nhìn từ bên trên, cá không bị trừ điểm. BETTA MÁI Betta mái thuộc mọi thể loại có hình dạng chung tương tự như trống cùng loại của mình, nhưng vây ngắn hơn và thân mập hơn. IBC khuyến khích việc duy trì những dạng đực và cái riêng biệt. Betta mái khác biệt đáng kể với cá đực ở nhiều phương diện và luôn phải trông “nữ tính”. ĐÁNH GIÁ BETTA MÁI HM/VÂY-DÀI : 1. Mái nhìn chung được mong đợi phần nào nhỏ hơn. Chúng thường tròn trịa ở vùng bụng so với cá đực. 2. Vây cá mái không được mong đợi có cùng kích thước và tỷ lệ của bộ vây cá đực. Betta mái nên có vây to rộng, nhưng không sở hữu chiều dài vây cá đực. 3. Mái được mong đợi thể hiện một đốm trứng (egg spot). 4. Mái có lẽ bớt hung dữ hơn trong hành vi của mình. 5. Kích thước tối thiểu để trưng bày là 1 ¼ inch [3.2 cm]. 6. Mái được đánh giá theo cùng tiêu chuẩn chung và màu sắc như cá đực. 7. Lỗi Loại (Disqualify): Tắc-trứng (egg-bound) hay không thể hiện đốm trứng (egg spot); bộ vây quá “đực”. Lỗi Dạng và Vây Betta splendens MÁI HM/VÂY-DÀI: 1. Một vây lẻ dài hơn 1/3 chiều dài thân (lỗi nhẹ). 2. Hai vây lẻ dài hơn 1/3 chiều dài thân (lỗi nặng). 3. Cả ba vây lẻ dài hơn 1/3 chiều dài thân (lỗi trọng). 4. Một vây lẻ bằng hay dài hơn ½ chiều dài thân (lỗi nặng). 5. Hai vây lẻ bằng hay dài hơn ½ chiều dài thân (lỗi trọng). 6. Cả ba vây lẻ bằng hay dài hơn ½ chiều dài thân (lỗi loại). 7. Tắc-trứng (lỗi loại). 8. Không hiện đốm-trứng (lỗi loại). Cá mái với bộ vây quá “đực” (Wasan Sattayapun) 2) TÌNH TRẠNG (CONDITION) TÌNH TRẠNG CHUNG “TÌNH TRẠNG” đề cập đến sức khỏe của Betta và mức độ “tổn thương” thân/vây vốn góp phần vào ngoại hình tổng thể của một con Betta. Cá phải trông sống động, dinh dưỡng đầy đủ, và với mô thân và vây lành lặn. Tuổi tác có thể khiến chất lượng tình trạng giảm sút, chẳng hạn như thân quá khổ và tia vây cong vẹo. Thân Ngoại hình hoàn hảo là chìa khóa. BẤT KỲ sứt mẻ nào ở thịt, thiếu vảy, chênh vảy hay khiếm khuyết (defects) nào khác về chất liệu thân đều bị tính lỗi. Vây Mặc dù có hai bộ vây chẵn -- vây bụng và vây ngực -- và ba vây lẻ -- vây lưng, đuôi và vây hậu môn -- những khía cạnh phát triển nhất định được áp dụng cho mọi vây. Các tia vây phải thẳng hay hơi cong cho đến khi chúng phân nhánh và phát triển song song hay xòe ra một cách trơn tru khi chúng đi xa khỏi gốc vây. Tia vây có thể nhú khỏi màng vây -- được gọi là tia nhú (extended) hay trồi (protruded). Nếu cá thể hiện tia nhú, mọi vây phải thể hiện tia nhú, cách đều. Màng vây phải đầy đặn, mạnh và không tổn thương. Viền (margin) phải trơn tru và liền lạc ngoại trừ ở cá thể hiện tia nhú. Các vây phải trương thẳng với các tia và màng xòe đều và đầy (fully). Các lỗ mọt (pinhole), cạnh không đều chứng tỏ tổn thương vây trước đây, vết rách ở vây và “vây nổ” đều là những dấu hiệu về tình trạng của cá, chế độ chăm sóc mà cá được nhận và phơi nhiễm căng thẳng. Đây là tất cả những lỗi trải từ nhẹ cho đến bị loại. Hiệu ứng “Đuôi Lược” trên cạnh vây lưng và vây hậu môn (Wray Tsusaki & Jack Lewin) Minh họa ở trên là một ví dụ về tia trồi hay nhú. Loại phát triển vây này không nên tính vào tình trạng của cá. Răng cưa (fringed) còn được biết như là đuôi lược (combtail). Tia siêu-nhú với ít màng vây hơn bình thường được gọi là đuôi tưa (crowntail) và có tiêu chuẩn riêng của chúng. 3) HÀNH VI (DEPORTMENT) Hành vi tốt, thường được nghĩ như là việc sừng (flaring), là một tính trạng quan trọng với Betta splendens bởi vì, nó không chỉ thể hiện sự sung mãn, mà còn cho phép những tính trạng khác, chẳng hạn màu sắc, được phô diễn thuận lợi. Mặc dù giá trị [điểm số] tương đối nhỏ, hành vi kém cỏi có thể gây ra hậu quả thảm hại cho những thành phần đánh giá khác. Hành vi kém cỏi thường tạo ấn tượng rằng Betta “không mạnh khỏe”, hay bị hoảng sợ. Hiển nhiên, cá phải được xem xét toàn diện khi đánh giá hành vi. Mỗi phần vây/thân đều có một vai trò. Lưu ý: Betta Hoang Dã có hành vi rất khác biệt -- xem mô tả. Những loài Betta khác splendens, nhất là cá ấp miệng, thường rất nhút nhát trong lọ và hậu quả hiếm khi sừng. Tuy nhiên, mọi cá bất kể loài nào phải trông cảnh giác với các vây không cúp (unclamped). * * * * * * * * * * * * LỖI CHUNG LỖI LOẠI – MỌI LỚP 1. Thân dưới kích cỡ (cá đực dưới 3.8 cm, cá cái dưới 3.2 cm). 2. Bơi lội khó khăn (vì bộ vây quá khổ hay bệnh bóng bơi). 3. Lỗi lớp (cá tham gia sai lớp). A. Loại non-splendens không định danh (labeled). B. Biến dị màu hay dạng không định danh. C. Sai giới tính cho lớp. D. Sai loài cho lớp. E. Cá lai trong lớp non-splendens. 4. “Đốm trứng” ở đực, không “đốm trứng” ở cá cái. 5. Cá cái với vây (đực) quá khổ (excessive). 6. Thân dị dạng (đặc biệt ở cá đuôi kép). 7. Thiếu phần cơ thể bên ngoài, chẳng hạn như mắt, nắp mang hay vây. 8. Lỗi vảy cực đoan: vảy bất thường thái quá/nhiều vảy lệch hàng (misaligned). 9. Bất kỳ dấu hiệu bệnh tật hay ốm yếu nào. 10. Mù (đặc biệt ở Opaque và Bạch Tạng). 11. Tắc trứng (bụng sưng phồng nghiêm trọng). 12. Hành vi nhút nhát hay hoảng sợ – không rời đáy lọ. 13. Bất kỳ cá nào vốn được can thiệp một cách nhân tạo bằng các phương pháp nhằm cải thiện màu (như nhuộm) hay ngoại hình chung thông qua việc cắt tỉa vây (fin trimming), loại bỏ tia (ray removal), chải chuốt (grooming) hay bất kỳ phương pháp nào khác sẽ bị loại. LỖI ĐẦU – MỌI LỚP 1. Môi biến dạng (disfigurement) (lỗi sơ). 2. Bướu (bump), lõm (groove) nhỏ hay dị dạng nhẹ khác (lỗi nhẹ). 3. Bướu, lõm lớn hay dị dạng lớn khác (lỗi nặng). 4. Đầu chệch hàng (thường lên trên) với thân (lỗi trọng). LỖI THÂN – MỌI LỚP 1. Thân cũn cỡn hay hơi mập (lỗi sơ). 2. Thân đuôi kép quá ngắn hay cũn cỡn (lỗi sơ). 3. Thân khá nhỏ so với vây (lỗi nhẹ). 4. Thân không thể hiện hình dạng lý tưởng – hơi bất thường (lỗi nhẹ). 5. Thân có một hay hai vảy lệch hàng (lỗi nhẹ). 6. Thân có nhiều vảy lệch hàng (lỗi nặng). 7. Thân “mập” hay “gầy” (lỗi nặng). 8. Nắp mang trồi ra ngoài khi đóng [vênh] (lỗi nặng). 9. Thân thể hiện lưng võng (swayback) hay gù (humpback) nhẹ (lỗi nặng). 10. Gốc đuôi cá đuôi kép bị bướu hay cong đáng kể (lỗi nặng). 11. Thân thể hiện lưng võng (swayback) hay gù (humpback) thái quá (lỗi trọng). LỖI VÂY – MỌI LỚP Tổng thể – mọi vây 1. Tia nhú (projected) ở mọi vây, nhưng một số không đều (lỗi nhẹ). 2. Một tia vây cong (lỗi nhẹ). 3. Tia nhú chỉ trên một số vây (lỗi nhẹ). 4. Viền ngoài các vây-lẻ thể hiện hình oval thay vì hình tròn (lỗi nhẹ) – KHÔNG áp dụng cho Plakat hay cá mái. 5. Khoảng hở (gap) giữa ba vây lẻ - không xếp chồng (lỗi nặng). 6. Vây quá nhỏ so với thân (lỗi nặng). 7. Các tia vây cong – nhiều hơn một (lỗi nặng). 8. Các vây không đều – cái rộng, cái hẹp (lỗi nặng). 9. Viền ngoài các vây-lẻ thể hiện hình dạng bất-đối xứng một cách đáng kể, chẳng hạn như vuông, chữ nhật hay bất thường (lỗi nặng). Vây bụng 1. Vây bụng bắt chéo (lỗi sơ). 2. Vây bụng mảnh (lỗi sơ). 3. Vây bụng cực dài – ngoại trừ Plakat (lỗi sơ). 4. Vây bụng ngắn một cách đáng kể (lỗi nhẹ). 5. Vây bụng cong (lỗi nhẹ). 6. Vây bụng cũn cỡn (lỗi nặng). Vây lưng 1. Có vài tia ngắn ở trước vây lưng (lỗi sơ). 2. Vây lưng phần nào nhỏ so với vây hậu môn và đuôi (lỗi nhẹ). 3. Vây lưng Đuôi Đơn hơi hẹp (lỗi nhẹ). 4. Vây lưng Đuôi Kép hơi hẹp hơn vây hậu môn (lỗi nhẹ). 5. Vây lưng Đuôi Kép và Đuôi Đơn có không quá 3 tia cũn cỡn ở cạnh trước (lỗi nhẹ). 6. Vây lưng Đuôi Kép có hơn 3 tia cũn cỡn ở cạnh trước (lỗi nặng). 7. Vây lưng Đuôi Đơn hẹp một cách đáng kể (lỗi nặng). 8. Vây lưng Đuôi Kép hẹp hơn nhiều so với vây hậu môn (lỗi nặng). 9. Vây lưng rất nhỏ so với vây hậu môn và đuôi (lỗi nặng). 10. Vây lưng Đuôi Đơn có hơn 3 tia cũn cỡn (lỗi trọng). Vây hậu môn 1. Vây hậu môn dài xuống dưới cạnh đáy của đuôi (lỗi nhẹ) 2. Vài tia trước cong vẹo ra trước (lỗi nhẹ). 3. Tròn thái quá ở trước và sau của vây hậu môn tiệm cận “góc tư hình tròn” (lỗi nặng). 4. Các tia trước cong nghiêm trọng về trước (lỗi nặng). 5. Dạng tam giác (lỗi trọng). Đuôi 1. Cạnh đuôi thẳng nhưng hơi tròn ở góc (lỗi sơ). 2. Các thùy Đuôi Kép đầy đặn, nhưng phân tách không hoàn toàn – phân tách vẫn hơn ¾ (lỗi sơ). 3. Đuôi bất đối xứng – cụp nhẹ dưới đường giữa (lỗi nhẹ). 4. Các thùy Đuôi Kép hơi không đều (lỗi nhẹ). 5. Các tia cạnh đuôi đầu tiên ngắn (lỗi nhẹ). 6. Đuôi hơi nhỏ - không tỷ lệ với vây lưng và vây hậu môn (lỗi nhẹ). 7. Cạnh đuôi không thẳng, cong nhẹ về phía sau (lỗi nhẹ). 8. Thấp hơn phân nhánh nhị cấp (4 nhánh từ tia gốc) ở cá cái, hay tam cấp (8 nhánh từ tia gốc) ở cá đực (lỗi nhẹ). 9. Nhỏ hơn 180 độ giữa các tia cạnh đuôi, nhưng lớn hơn 165 độ (lỗi nhẹ). 10. Các thùy Đuôi Kép phân tách từ ½ đến ¾ (lỗi nhẹ). 11. Đuôi bất đối xứng – cụp 75% hay hơn dưới đường giữa (lỗi nặng). 12. Đuôi rất nhỏ - không tỷ lệ với vây lưng và vây hậu môn (lỗi nặng). 13. Các thùy Đuôi Kép không đều một cách đáng kể về kích thước và hình dạng (lỗi nặng). 14. Các thùy Đuôi Kép đều, nhưng hẹp (lỗi nặng). 15. Thấp hơn phân nhánh sơ cấp (2 nhánh từ tia gốc) ở cá cái, hay nhị cấp (4 nhánh từ tia gốc) ở cá đực (lỗi nặng). 16. Các thùy Đuôi Kép phân tách ½ hay thấp hơn (lỗi nặng). 17. Nhỏ hơn 165 độ giữa các tia cạnh đuôi, nhưng lớn hơn 150 độ (lỗi nặng). 18. Các thùy Đuôi Kép không đều và hẹp (lỗi trọng). 19. Loại đuôi bất-đối xứng (lỗi trọng). 20. Nhỏ hơn 150 độ giữa các tia cạnh đuôi (lỗi trọng). LỖI TÌNH TRẠNG – MỌI LỚP 1. Một lỗi (defect) nhỏ trên bất kỳ vây nào – lỗ mọt hay tia cong vẹo (lỗi sơ). 2. Một lỗi vừa (moderate) trên bất kỳ vây nào (lỗi nhẹ). 3. Mép vây hơi sờn (lỗi nhẹ). 4. Nhiều lỗi nhỏ hay một lỗi nặng (lỗi nặng). 5. Nhiều lỗi vừa (lỗi vừa). 6. Tia gãy trên bất kỳ vây nào (lỗi trọng). 7. Thân có sẹo hay mất vảy (lỗi trọng). LỖI HÀNH VI – MỌI LỚP 1. Trình diễn đầy đủ liên tục (Betta splendens), nhưng chỉ thể hiện phản ứng hung dữ (không bạo lực) trước kẻ thâm nhập (lỗi sơ). 2. Vây căng, nhưng mang chỉ thỉnh thoảng sừng, và chỉ thể hiện chuyển động đến kẻ thâm nhập (lỗi nhẹ). 3. Vây thỉnh thoảng căng, mang hiếm khi sừng, và không thật phản ứng trước kẻ thâm nhập (lỗi nặng). 4. Không thể hiện và phản ứng trước kẻ thâm nhập (lỗi trọng). HỖ TRỢ ĐÁNH GIÁ Viền ngoài của các vây-lẻ thể hiện một cung gần như tròn.
Vây hậu môn Phải dài tối thiểu 1/2 chiều dài thân, đo từ điểm gốc đến chóp của tia vây trung tâm Vây bụng (Kỳ) Nên gần bằng chiều dài của vây hậu môn. Vây ngực Vây ngực rất khó đánh giá, bởi vì chúng hầu như trong suốt. Tuy nhiên, nhìn chung vây ngực to được ưu tiên hơn. Tui thấy cách gọi vây bụng (kỳ) và vây ngực rất dễ gây nhầm lẫn, vây ngực nếu gọi là vây bơi có lẽ chính xác hơn nhỉ, và cũng vì cái được gọi là vây bụng (kỳ) thì lại gần với ngực hơn.