Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Lai tạo cá đuối nước ngọt

Thảo luận trong 'Bài Viết' bắt đầu bởi vnreddevil, 26/8/06.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Lai tạo cá đuối nước ngọt
    Colin - www.captivebredstingrays.com

    Theo kinh nghiệm của tôi, lai tạo loài cá đuối nước ngọt hầu như không khó khăn như chúng ta thường nghĩ. Tôi muốn chia xẻ một số kinh nghiệm nhằm giúp đỡ các bạn tự lai tạo cá của mình. Tôi nghĩ rằng việc trải qua những nỗ lực và thành công khi lai tạo loài cá này trong hồ nuôi cũng mang lại nhiều điều thú vị như ở những loài sinh vật cảnh khác.

    Cá giống
    Điều đầu tiên và quan trọng nhất trong việc lai tạo loài cá đuối nước ngọt là lựa chọn cặp cá giống thành thục sinh dục. Theo tôi thì đây là điểm khó khăn nhất. Hầu hết cá đuối lưu hành trên thị trường cá cảnh đều là cá non chưa trưởng thành. Vì những lý do khác nhau mà tôi không thể liệt kê hết ở đây, nhiều người không thể nuôi cá đuối sống đủ lâu để chúng đạt độ thành thục sinh dục.

    Ở cá cái, những dấu hiệu thành thục không thể hiện ra ngoài. Thường người ta chỉ đánh giá dựa trên kích thước và độ tuổi của chúng. Ở cá đực, mức độ thành thục được đánh giá dựa trên thùy sinh dục (clasper). Khi cá thành thục, thùy sinh dục sẽ phình to và tròn căng. Kích thước thùy sinh dục tỷ lệ với kích thước vành đĩa và khác nhau tùy theo mỗi cá thể. Cá thể nhỏ mà có thùy sinh dục lớn hoặc cá thể lớn mà có thùy sinh dục nhỏ là điều rất bất thường. Ngoài ra còn có những dấu hiệu khác ngoài kích thước để đánh giá về mức độ thành thục. Những ghi nhận chung chỉ ra rằng thùy sinh dục ở cá đuối đực tăng trưởng rất nhanh chóng trong trường hợp có sự hiện diện của cá cái. Điều này dường như xảy ra dưới tác động của hormon.

    Cần bao nhiêu thời gian để cá đạt độ thành thục sinh dục là một vấn đề còn nhiều tranh cãi. Nó liên quan đến yếu tố di truyền, thức ăn và có lẽ cả sự kích thích của chất pheromone* tiết ra từ cá thể khác giới tính. Có báo cáo ghi nhận rằng một cá thể cái sinh sản ở độ tuổi 18 tháng tuổi. Với thời gian mang thai trung bình là trên 3 tháng, điều này có nghĩa là cá cái thụ tinh ở độ tuổi 15 tháng. Hầu hết cá cái loài Potamotrygon motoro mà tôi được biết bắt đầu sinh lứa đầu tiên khi đạt kích thước đĩa trên 25 cm và độ tuổi xấp xỉ 3 năm.
    [​IMG]
    [​IMG]

    Hồ đẻ
    Một trong những câu hỏi thường gặp nhất trên mạng đó là “kích thước hồ tối thiểu để nuôi một cặp cá đuối là bao nhiêu?”. Đây là một câu hỏi khó. Nếu sử dụng một bộ lọc thật tốt kết hợp với việc thay nước thường xuyên thì có thể nuôi chúng trong hồ có kích thước khá nhỏ và hầu hết những người nuôi cá đều sử dụng hồ có kích thước nhỏ so với kích thước của cá.

    Có nhiều loại hồ làm sẵn ở tầm thể tích 500 lít mà về lâu dài chúng ta có thể nuôi nhiều loài cá đuối khác nhau. Chúng có bán sẵn ở ngoài tiệm với giá cả phải chăng. Chúng ta có thể tiết kiệm tiền bằng cách tự làm chân đế hồ và bộ lọc.

    Bên cạnh những hồ làm sẵn còn có hàng loạt những công ty chuyên làm hồ trên mạng, cả hồ kiếng lẫn hồ mi-ca. Giá cả thường đắt hơn loại hồ làm sẵn nhưng lại có kích thước mong muốn tùy vào số lượng cá và bộ lọc của bạn. Ở đó có bán cả những hệ thống khung đặt hồ. Cũng có một số hồ nuôi cá chép và chậu** thật lớn để nuôi cá đuối và giá rất rẻ so với hồ kiếng có cùng thể tích.

    Khi cho cá sinh sản, kích thước hồ có thể quan trọng hay cũng có thể không. Một nguồn tin đáng tin cậy nói rằng hồ càng lớn thì càng tốt. Tuy nhiên, có rất nhiều người nuôi cá chứng kiến điều ngược lại. Có người nuôi cá thường xuyên cho cặp cá Potamotrygon motoro đẻ trong hồ có kích thước 680 lít, 170 x 60 x 60 cm. Hầu hết các nhà lai tạo cá đuối đều coi kích thước này là quá nhỏ để nuôi những cá thể trưởng thành nhưng rõ ràng là chúng khỏe mạnh bằng không chúng đã chẳng chịu sinh sản. Một nhà lai tạo khác nói rằng nhóm 3 con cá Potamotrygon magdalenae của ông dường như đẻ thường xuyên hơn khi chúng được nhốt trong hồ có kích thước nhỏ hơn.

    Cá của tôi sinh sản trong hồ có kích thước 1500 lít đặt dưới tầng hầm. Hồ được đóng bằng những tấm ván ép cao 90 cm, mặt ngoài có ghép những tấm cách nhiệt. Một tấm bạt*** được trải bên trong hồ và mép trên được gia cố bằng những tấm nhựa plastic 5 x 15 cm để thêm chắc chắn. Tôi làm nắp hồ bằng nhựa plastic và ống nhựa PVC để ngăn cản nước bốc hơi .

    Hồ được lọc với một bộ lọc ướt-khô tự chế thật lớn, một bộ lọc dòng đáy và một bộ lọc công suất. Tôi cũng bố trí thêm vài máy bơm công suất để tạo dòng chảy. Hồ cá được giữ ở nhiệt độ 28 độ C nhờ một đầu nhiệt công suất 300 W nằm bên trong thùng lọc. Độ pH được duy trì ở mức 7.8. Nước được thay 2-3 lần/ tuần, mỗi lần thay 30% thể tích hồ và được lấy từ vòi thông qua bộ lọc làm mềm nước****.
    [​IMG]

    Thức ăn
    Chướng ngại thứ hai cần phải vượt qua khi lai tạo cá đuối nước ngọt đó là vấn đề cho cặp cá giống, đặc biệt là cá cái ăn. Theo tôi, tôi không tin rằng mọi người cho cá ăn đủ no. Có phải người ta thường nói rằng một con cá đuối mạnh khỏe không bao giờ từ chối thức ăn? Dù câu này nói hơi quá nhưng nó chứa đựng một phần sự thật. Cá đuối tiêu thụ rất nhiều thức ăn. Bạn có thể cho chúng ăn cho đến khi chúng không thể ăn được nữa và bao tử của chúng tròn căng như sắp bị nổ tung. Sau đó vài giờ, nếu bạn cho chúng ăn nữa thì chúng lại tiếp tục ăn một cách ngấu nghiến như thể bị bỏ đói cả ngày hay lâu hơn.

    Tôi tin rằng thức ăn là yếu tố rất cần thiết khi lai tạo cá đuối. Được biết, ở một vài loài cá đuối nước mặn, cá cái có khả năng triệt tiêu bào thai đang phát triển bên trong cơ thể nếu điều kiện sinh sản không thuận lợi. Giả sử rằng điều này cũng đúng đối với cá đuối nước ngọt thì một trong những điều kiện không thể thiếu của cá cái đang mang thai là lượng calorie được cung cấp để duy trì sự tăng trưởng của bào thai.

    Giả thiết trên dựa vào quan sát của hai người thường xuyên lai tạo cá đuối nước ngọt. Họ nói rằng họ từng nuôi cá đuối trong hồ nhỏ và thiếu thời gian để cho chúng ăn một cách thường xuyên. Cả hai đều tin rằng những con cá cái đang có thai chấm dứt việc mang thai khi người ta không cho chúng ăn chỉ trong một thời gian ngắn từ 1-3 ngày. Điều này chứng tỏ rằng cá đuối nước ngọt có lẽ có khả năng triệt tiêu bào thai khi gặp phải điều kiện khó khăn.

    Những nghiên cứu gần đây ở Brazil chỉ ra rằng bên trong bao tử của những loài cá đuối nước ngọt chứa phần nhiều là các loại động vật nhuyễn thể. Cá đuối thường ăn tôm và tép nhỏ. Chúng cũng ăn ốc nhỏ, trùn và những động vật sống trong bùn cũng như một số loài cá nhỏ.

    Điều quan tâm của tôi khi nuôi cá đuối là chất lượng và số lượng thức ăn. Hầu hết những người nuôi cá đuối đều cho cá ăn các loại thức ăn tổng hợp dành riêng cho cá đuối và thực phẩm đông lạnh. Trong tự nhiên cá đuối không ăn tôm đã lột vỏ và đầu. Chúng không ăn cá nhỏ đã được làm sạch ruột và bỏ đầu. Chúng cũng không ăn các lát thịt cá hồi và cá da trơn. Chúng ăn các loài giáp xác và cá với đầy đủ mọi bộ phận, bao gồm cả xương và da. Tôi thường tự hỏi thành phần dinh dưỡng nào mà cá đuối nuôi hồ còn thiếu bởi vì chúng không được ăn các phần nội tạng và xương… cùng các loại vitamin, chất béo và chất khoáng mà các bộ phận này mang lại.

    Thật tuyệt nếu như chúng ta nuôi cá bằng loại thức ăn mà chúng vẫn ăn trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, loại thức ăn tươi sống ngoài việc đắt đỏ và khó kiếm lại tiềm ẩn nguồn bệnh. Có một loại thức ăn thay thế lành mạnh hơn đó là bạn tự nuôi cá, tôm, ốc hay trùn để làm thức ăn cho cá đuối.
    [​IMG]

    Giao phối
    Một khi đã có một cặp cá đuối thành thục, bạn cần để ý đến những dấu hiệu cho thấy cá giao phối. Trong quá trình kết đôi, cá đuối đực sẽ cắn vào rìa vành đĩa của cá cái. Vết cắn thường ở vào giữa thân (nên nhớ rằng hành vi này là không thường xuyên ở cá đực và có lẽ vì cá cái còn chưa thành thục? Cá luôn cắn như vậy).

    Có nhiều phim và ảnh rất đẹp trên mạng của những người nuôi cá may mắn ghi lại được hình ảnh về cá đuối của họ khi chúng đang giao phối. Theo kinh nghiệm của tôi, việc này được thực hiện vào ban đêm hay sáng sớm. Có vài lần, tôi bắt gặp cặp cá của tôi đang giao phối lúc sáng sớm. Thật không may, tôi làm chúng giật mình nên chúng ngừng thực hiện.

    Khi giao phối, cá đực sẽ cắn chặt vào thân cá cái và cố gắng lật ngửa nó lên hay xoay trở để nó nằm bên dưới cá cái. Hành động này có thể diễn ra ở gần đáy nhưng thường là ở giữa cột nước. Nếu cá đực hay cá cái xoay trở thành công, nó sẽ đẩy thùy sinh dục vào lỗ huyệt của cá cái và thụ tinh cho cá cái. Thùy nào được sử dụng còn tùy thuộc vào bề nào của cá cái mà con đực cắn vào. Quá trình giao phối diễn ra rất nhanh và thường kết thúc chỉ sau 30 giây.

    Không dễ để xác định xem cá cái đã mang thai hay chưa. Trên mạng, có trường hợp người ta siêu âm cho cá cái với kết quả rất đáng ngạc nhiên và chính xác. Những đường nét cơ thể của cá con hiện lên rất rõ ràng. Hầu hết người nuôi cá không thể có loại phương tiện xịn như thế này. Tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu để nhận biết. Cá đực thường ngừng việc liên tục cắn vào vành đĩa của cá cái. Nhu cầu tiêu thụ thức ăn của cá cái tăng lên một cách đáng kể và phần rìa nửa trên của cơ thể phồng lên. Dấu hiệu chắc chắn nhất đó là chuyển động của bào thai ở vùng bụng cá cái. Tuy điều này chỉ có thể phát hiện vào giai đoạn trễ của thai kỳ nhưng chắc chắn là chính xác.

    Đẻ con
    Đến nay, cặp cá Potamotrygon motoro của tôi đẻ được 6 lứa. Mỗi lứa, cá con được đẻ vào khoảng từ 11 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Tôi nghĩ rằng cá đuối có cơ chế phòng vệ vì thời điểm sinh nở này giúp cá con lẩn tránh những kẻ săn mồi ngoài tự nhiên. Tôi không rõ cá của những nhà lai tạo khác có sinh nở vào thời điểm này hay không.

    Mặc dù chưa bao giờ tận mắt chứng kiến, tôi đã xem nhiều phim và ảnh về cá đuối đẻ con. Nói chung cá cái không nằm dưới đáy hồ trong quá trình đẻ con. Nó thường đẻ khi đang bơi hay trườn lên thành hồ (nhờ vậy mà người ta chụp được nhiều ảnh đẹp). Cá con được sinh ra rất nhanh và màu sắc cũng như hoa văn của chúng gần như là bản sao thu nhỏ của cha mẹ chúng.

    Một trong những điều thú vị khác về sinh sản của cá đuối đó là chúng có thể tiếp tục mang thai hầu như ngay lập tức sau khi đẻ xong một lứa cá con. Thông thường mỗi lứa đẻ cách nhau khoảng 100 ngày, trong đó thời gian mang thai chiếm khoảng 90 ngày. Trên một webside có những hình ảnh siêu âm của một con cá đuối cái mà những đường nét của những cái thai đang phát triển xuất hiện cùng với những quả trứng. Điều đó có nghĩa là ngay trong thời gian đang mang thai lần này, cá đuối cái đã chuẩn bị sẵn cho lần mang thai kế tiếp.

    Cá con
    Cá con mới ra đời không có vẻ gì là rụt rè hay sợ sệt đối với mọi thứ xung quanh. Thực tế, tôi từng chứng kiến cá con bơi ngay trên đầu cha mẹ chúng và bơi cả lên thành hồ. Chúng trông có vẻ như đang ở nhà. Lúc này, chúng có túi chất dinh dưỡng (yolk sac) đủ để chúng tiêu thụ trong vài ngày đầu đời. Cái túi màu hanh vàng này lòng thòng giống như rìa của chữ Q. Từ 3 đến 7 ngày sau, cá con sẽ tiêu thụ hết chất dinh dưỡng trong túi và túi sẽ bị triệt tiêu.
    [​IMG]

    Tôi khuyên là nên đem cá con sau khi sanh sang hồ chăm sóc riêng càng nhanh càng tốt. Mặc dù hiếm khi xảy ra nhưng đã có báo cáo về việc cá đuối lớn cắn và làm bị thương cá con. Tôi vớt cá con khoảng 24 giờ sau khi chúng ra đời. Hồ nuôi cần được cung cấp càng nhiều nước hồ cũ càng tốt để chúng dễ thích nghi.

    Tôi vớt cá con ra khỏi hồ bằng một cái chậu nhỏ bằng nhựa trong. Tôi dồn chúng vào góc hồ rồi từ từ múc ra. Cách này không làm chúng quá sợ hãi vì hầu như chúng luôn ở trong nước. Nhờ chậu nhỏ bằng nhựa trong mà tôi có thể quan sát chúng được kỹ lưỡng. Chúng có thể được xác định giới tính và kích thước một cách dễ dàng thông qua việc quan sát từ phía mặt dưới chậu. Có khoảng từ 3 đến 6 cá con một lứa. Cá ở lứa đông con (5 đến 6) có kích thước đĩa từ 8.5 đến 10 cm trong khi cá ở lứa ít con (3 đến 4) có kích thước đĩa từ 11 đến 11.5 cm.

    Lúc này tôi cũng thay một số lượng lớn nước ở hồ đẻ. Tôi thấy nước hơi đục sau khi cá con ra đời. Tôi chắc là nước bị đục do nước ối từ cá mẹ tiết ra. Sau khi thay nước xong tôi liền cho cá ăn tuy nhiên chúng thường không muốn ăn. Tôi phát hiện ra rằng không có con cá nào ở hồ đẻ ăn uống một cách bình thường 3 ngày sau khi đẻ. Điều này đối lập hoàn toàn với thói quen trước khi sinh của chúng khi mà chúng luôn ngốn rất nhiều thức ăn. Tôi có 4 con cá đuối thành thục sinh dục trong hồ đẻ, một con Potamotrygon histrix đực 27.5 cm, một con Potamotrygon leopoldi cái 35 cm, một con Potamotrygon motoro đực 40 cm (cá cha) và một con Potamotrygon motoro cái 35 cm (cá mẹ). Không có gì bất thường khi cả 4 con ăn hết gần nửa ký cá một ngày, ưu tiên cho việc sinh sản của chúng. Thật đáng ngạc nhiên khi một số lượng lớn thức ăn được tiêu thụ chỉ bởi có 4 con cá.

    Sau khi qua hồ mới, cá con vùi mình xuống dưới lớp nền đáy, trường hợp ở đây là cát. Tôi đoán đây là phản ứng của chúng đối với việc di chuyển bắt buộc khỏi hồ đẻ. Chúng hầu như chôn mình ở đó vào ban ngày trong tuần đầu tiên. Chúng có vẻ hoạt động nhiều hơn sau khi tắt đèn.

    Tôi thường cho cá con ăn trùn vào ngày đầu tiên chúng qua hồ mới. Ngay cả khi có trùn trong hồ (loại thích ăn ưa thích của cá đuối) chúng cũng không có vẻ gì là hào hứng. Chúng còn có vẻ bị làm phiền bởi những con vật ngoe nguẩy này. Đến ngày thứ 3 hay 4, cá con bắt đầu thỉnh thoảng ăn trùn. Vào cuối tuần đầu tiên, chúng thực sự ăn trùn và điều đó được chứng thực qua cái bụng tròn căng và sự xuất hiện của những viên phân hình lò xo trong hồ.

    Nuôi cá con bằng trùn trong thời gian bao lâu là một câu hỏi khó trả lời một cách chính xác. Mặc dù chúng nhịn ăn trong những ngày đầu, tôi thường cho chúng ăn trong ba tuần đầu đời. Lúc này, tôi cố gắng luyện cho chúng ăn loại thức ăn đông lạnh như là cá nhỏ và tôm. Đây là thức ăn chính của cá đuối. Có con rất dễ luyện cho ăn loại thức ăn này nhưng có con cũng rất khó. Thực tế chúng nhanh chóng chấp nhận những miếng nhỏ cá và tôm làm thức ăn. Nếu chúng không chịu ăn, tôi sẽ bỏ một ít trùn tươi cùng với thật nhiều vụn tôm và cá vào hồ. Sau một hai tuần, tất cả cá con sẽ chấp nhận thức ăn đông lạnh.

    Ban đầu màu của motoro non rất nhạt. Màu nền giữa những chấm không đậm vì thế rất khó thấy chúng. Sau hơn hai tháng thì màu nền đậm lên nên những chấm và viền trông rất rõ. Vào thời điểm này, cá con thường tăng trưởng thêm được khoảng 2,5 cm đường kính đĩa. Sự tăng trưởng ở đĩa đồng nghĩa với sự tăng trưởng của toàn bộ cơ thể.

    Hình dạng và hoa văn
    Một trong những điều luôn khiến tôi thích thú đó là hình dạng của cá con sẽ trông như thế nào so với cha mẹ của chúng. Con cá cái của tôi là loại motoro nâu. Nó có màu nâu đậm với rất ít chấm. Ngược lại cá đực là loại motoro màu cẩm thạch tươi với rất nhiều chấm. Màu sắc của chúng hoàn toàn đối lập với nhau trong dải màu sắc của loài motoro. Cá con sinh ra hầu như có màu sắc trung gian. Chúng có nền màu nâu đậm với rất nhiều chấm và có rất ít màu cẩm thạch.
    [​IMG]

    Tôi hân hạnh có cơ hội chứng kiến bầy cá con của một cặp cá khác màu trông như thế nào. Bề ngoài tương tự của loài schroederi với loài menchacai, loài leopoldi với loài henlei, loài motoro loại thường với loại cẩm thạch (tôi chỉ liệt kê vài loài) làm dấy lên câu hỏi về mối quan hệ giữa những loài và các biến thể hình thái. Đây là một chủ đề gây tranh cãi và cần có thêm nhiều ánh sáng soi rọi lên đó khi mà ngày càng có rất nhiều người lai tạo cá đuối.

    Kết luận
    Lai tạo cá đuối không khó khăn lắm. Để tổng kết tôi cho rằng có 5 bước mà chúng ta cần phải thực hiện:

    1- Lựa chọn cặp cá giống.
    2- Cho chúng ăn thật nhiều, - cả về số lượng lẫn chất lượng.
    3- Thay nước thật nhiều, tùy thuộc vào kích thước hồ và số lượng cá nuôi.
    4- Để chúng có thời gian thành thục sinh dục, có khi mất nhiều năm trời.
    5- Để chúng tự nhiên, tự nhiên có cách riêng của chúng.

    Chúc bạn thành công.


    ==========================================


    Ghi chú
    * Pheromone: chất tiết ra từ một cá thể để thông báo cho các cá thể cùng loài khác; chẳng hạn như cảnh báo nguy hiểm, chỉ dẫn nơi có thức ăn, hấp dẫn sinh sản với cá thể khác giới tính…
    ** Dạng hồ bằng nhựa dùng để làm hồ cảnh ngoài trời. Người ta đào đất, đặt hồ xuống và trang trí, như vậy sẽ đỡ mất công tráng chống thấm.
    *** Bạt trải hồ (pond liner) tương tự như dạng bạt mà người ta dùng để làm hồ nuôi tôm vậy.
    ****Bộ lọc làm mềm nước (softener) được sử dụng để lọc các ion Ca2+ mà Mg2+ có trong nước, làm nước bớt “cứng”.
     
    Chỉnh sửa cuối: 24/6/17

Chia sẻ trang này