Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Tản mạn về gà: dấu vết văn minh Đông Nam Á

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - gà' bắt đầu bởi vnreddevil, 25/6/10.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Tản mạn về gà: dấu vết văn minh Đông Nam Á
    GS. Nguyễn Văn Tuấn - www.ivce.org

    Nghĩ đến con gà là tôi nghĩ đến một làng quê êm ả bên con sông nhỏ, và một buổi trưa hè nóng bức oi ả. Cái nắng chói chang làm khô đống lúa ngoài sân mới gặt về. Một vài ngọn gió hiu hiu thổi qua. Một đàn gà vô tư nhặt lúa. Tiếng gà gáy ó ò o... Đám gà bên kia sông phụ họa: ò ó o. Đám gà hàng xóm cũng họa theo cái điệp khúc đồng quê mà hình như tự nhiên đã giao phó cho chúng tự bao giờ. Lúc nào cũng đúng giờ Ngọ. Một hình ảnh đầm ấm, no đủ của miền quê Việt Nam. Trong bài Nắng mới, Lưu Trọng Lư tả thật hay cái hình ảnh lung linh đó:

    Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
    Xao xác gà trưa gáy não nùng,
    Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
    Chập chờn sống lại những ngày không.


    Nắng. Làn gió. Sân nhà. Tiếng gà gáy. Những thành tố đó có thể khuấy động hồn quê của mọi người Việt. Xao xác gà trưa gáy não nùng hay lạ! Trong tâm khảm của bất cứ người Việt nào, kể cả những người sinh trưởng ở thành thị, cũng hàm chứa một chút cái nhà quê. Hoài Thanh đã từng nhận xét như thế. Sống trong thời đại chạy đua với thời gian trong cái xã hội mà có người gọi là “hiện đại” này, chúng ta ngày càng đi xa cái nhà quê đó; nhưng một khi có dịp nghe tiếng gà gáy trong cái nắng chang chang thì chúng ta quay về cái nhà quê ấy tức khắc.

    Chế Lan Viên từng viết về cái tâm trạng nhớ quê da diết khi nghe tiếng gà gáy: Nhớ biển miền Trung tiếng sóng đùa/Nhớ nhà cha mẹ, cảnh trường xưa/Nhớ chao ôi nhớ! Trời xanh thế!/Gà lại dồn thêm tiếng gáy trưa! Tiếng gà gáy trong thơ Việt Nam, theo nhận xét của Phan Cự Đệ và Mã Giang Lân (1), là tiếng gà rất Việt Nam, nó khác biệt với tiếng cuốc, tiếng oanh, hay tiếng nhạn trong thơ Đường. Tiếng gà gáy trong buổi trưa hè có một tác động phi thường, như khơi dậy những tiềm thức và tầng u ẩn của tâm hồn con người trong cộng đồng làng xóm Việt Nam. Nó khơi dậy cái gốc gác văn hóa nông nghiệp của người Việt.

    [​IMG]
    Tranh dân gian Đông Hồ: "em bé và gà" và "gà trống"

    * * *

    Có lẽ trong 12 con vật dùng làm biểu tượng cho chu kì 12 năm trong lịch Việt Nam, con gà đóng một vai trò lớn nhất nhì trong quá trình phát triển văn hóa nông nghiệp. Mà chắc đúng như thế, bởi vì nói đến gà là nói đến con người, hai sinh vật đã chung sống qua hàng chục ngàn năm, và trong thời gian dài đằng đẳng đó con người đã biến đổi gà quá nhiều, nhiều đến độ có thể nói rằng chúng là sản phẩm sáng tạo của con người, chứ không còn là sáng tạo nguyên thủy (là loài chim) của tự nhiên nữa. Mối liên hệ của gà và người có khả năng nói lên sự khác biệt giữa văn hóa Đông và Tây rõ nét nhất. Người Tây phương xem con gà như là một con vật cấp thấp, một con vật họ có thể kĩ nghệ hóa để lấy trứng, lấy chất đạm nuôi con người. Nhưng đối với người nông dân Việt Nam và Đông Nam Á, con gà là bạn và là một biểu tượng văn hóa.

    Hình ảnh con gà không chỉ xuất hiện trong thơ ca mà còn được thể hiện trên ngọn bút của những họa sĩ dân gian. Trong bộ tranh truyền thống làng Đông Hồ, tranh gà và lợn vẫn chiếm đa số. Bộ tranh gà lợn được trang trọng treo trong nhà nhân dịp Tết để diễn tả niềm mong ước được sung túc, viên mãn, hay dồi dào sức khỏe (tranh gà trống) trong năm sắp đến. Hãy để vài phút nhìn và chiêm nghiệm những nét vẽ dân tộc đậm đà trong tranh gà lợn. Bình luận về màu sắc trong tranh gà tranh lợn, một học giả nhận xét: “Tranh gà tranh lợn đỏ như xôi gấc, vàng như lúa chín, xanh như lá mạ, hay vàng như nghệ kho cá, xanh như cốm non, đỏ như ngô già, nâu như đất cày, toàn những màu sắc quen thuộc thân mến từ bao nhiêu đời người rồi. Những màu sắc ấy in sâu vào tâm não nông dân, hết thế hệ này đến thế hệ khác thành những màu sắc dân tộc rồi. Những màu sắc xanh đỏ chói rực của tranh Tàu, tranh Tây nó chướng quá, nó không mộc mạc, quen thuộc như những màu xanh, đỡ thô kệch, điềm đạm thật thà của tranh lợn, tranh gà.” (2). Chả thế mà Nhà thơ Hoàng Cầm tóm tắt ý nghĩa của những bức tranh gà lợn bằng hai câu thơ: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

    * * *

    Gà là một dấu tích của văn minh và văn hóa nông nghiệp. Trên Trống Đồng, gà và chim (cùng giống) là những loài vật được thể hiện khá nhiều. Chim đứng trên mái nhà hình thuyền giống chim công, gà và đa số đứng dưới đất là loài chim nước: cò, bồ nông, xít, v.v…

    [​IMG]
    Hình gà và chim sưu tầm trên trống đồng.

    Người Đông Nam Á cổ (tức người Thái, Mon-Khmer, Tạng-Miến, Mã Lai, hay gọi chung là Bách Việt), chắc phải bị quyến rũ bởi con gà lắm, không phải vì gà là nguồn thực phẩm (trần tục quá!) cho con người, mà có lẽ ở diện mạo màu mè và tiếng hót thánh thót như là biểu tượng huyền bí của thần thánh. Ở Sumatra (Nam Dương) người ta có đền thờ gà và tổ chức ngày lễ hàng năm để vinh danh thần gà. Trong huyền sử Việt Nam, có truyền thuyết cho rằng thời vua An Dương Vương Thục Phán nước Âu Lạc, nhà vua cố công xây thành ở đất Việt Thường, nhưng đấp đến đâu thì đất lở đến đấy. Thục Phán cầu trời thì được một con rùa (thần Kim qui) đến giúp. Rùa thần báo cho nhà vua biết ở núi Thất Diệu có một con gà trắng sống đến ngàn năm rồi hóa thành yêu tinh ẩn trong núi, nếu diệt được nó thì việc xây thành sẽ thành công. Bên cạnh núi có một quán trọ, mà chủ quán là Ngộ Không có một cô con gái và một con gà trống trắng vốn là dư khí của quỉ tinh biến thành để làm ám hại dân làng. Đến khi nhà vua giả dạng thường dân ghé lại quán nghỉ qua đêm, và với sự giúp đỡ của rùa thần, nhà vua xua đuổi ma quỉ đến tận chân núi Thất Diệu. Quay về quán, nhà vua bảo Ngộ Không nên giết đi con gà trắng, và khi con gà chết, lập tức người con gái cũng quay ra chết. Sau đó chỉ nửa tháng thành quách xây xong (3).

    Không chỉ Đông Nam Á, các nền văn minh cổ khác cũng xem gà là một con vật đặc biệt (4), có ý nghĩa tôn giáo (5). Thời đại nữ hoàng Victoria, Người Anh xem con gà trống là biểu tượng của đàn ông tính và sức sống. (Cũng cần nói thêm, tiếng Anh “cock” có nghĩa là gà trống, nhưng tiếng lóng còn có nghĩa là dương vật). Những nhà văn danh tiếng như Aldrovandi có lần cho rằng gà trống là “tấm gương tốt nhất và trung thực nhất về người cha trong một gia đình”, bởi vì không chỉ là một người bảo vệ an toàn cho gia đình, nó còn tất tả lo lắng đến sự sinh tồn cho tất cả thành viên trong gia đình.

    * * *

    Tính can đảm của gà được biểu hiện qua đá gà. Đá gà (hay nói theo phương ngữ miền Bắc là chọi gà) là một trò chơi dân gian đã được lưu truyền tại vùng Đông Nam Á qua nhiều thế kỉ. Ở nước ta sử sách cũng có đề cập đến đá gà từ thế kỉ 12. Hưng Đạo Vương trong Hịch Tướng Sĩ từng than trách những người ham mê đá gà mà quên việc lớn của nước nhà (6).

    Mỗi khi Tết về đá gà là một loại thể thao tiêu khiển khó có thể thiếu được trong nông thôn. Thời trước 1975 miền Nam còn có hẳn một kĩ nghệ nuôi gà nòi và có nhiều trường đá gà. Trò chơi đá gà không chỉ là một thú vui của nông dân mà còn của giai cấp giàu có, với những cuộc tranh tài được tổ chức rất qui mô và có nội qui nghiêm chỉnh, với sự tham gia của các quan chức cao cấp. (Trước năm 1975, ông Nguyễn Cao Kỳ, cựu phó tổng thống miền Nam, là một trong những người nổi tiếng ham mê đá gà). Trong các giống gà đá, có lẽ gà tre (chỉ thấy ở miền Tây Nam bộ) là nổi tiếng nhất. Đây là một giống gà nhỏ, lông màu sặc sỡ, đuôi dài, chân cao, đùi săn chắc, rất lí tưởng cho đấu trường đá gà.

    Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, với sự ra đời của các học thuyết đạo đức mới và biến chứng cờ bạc trong trò chơi, đá gà không được xem là một loại “thể thao”, mà là một hành động tàn nhẫn với thú vật không thể nào chấp nhận được. Nhiều người Tây phương nhìn trò đá gà ở các nước Đông Nam Á như là một tàn dư, một dấu vết về sự “kém văn minh” của người dân trong các nước đang phát triển. Nhưng có lẽ họ quên rằng đá gà có một lịch sử rất lâu dài, đã từng thịnh hành và thậm chí vẫn còn đang tồn tại tại một số nước Tây phương. Theo cổ sử, đá gà là một trong những thể thao phổ biến nhất trong xã hội người Ai Cập, Ba Tư (tức Iran ngày nay), Do Thái, và Canaan (Trung Đông). Thời đó, người nuôi và gây giống gà chọi để đấu và đánh cuộc trong các phiên chợ, cũng chẳng khác gì đá gà trong thế kỉ 20 ở nước ta. Thời thế kỉ thứ nhất (sau Công nguyên), Julius Caesar là người truyền bá thể thao đá gà đến người dân La Mã và sau này đến người Anh. Đến thời vua Henry thứ VIII (thế kỉ 16), đá gà ở Anh thịnh hành đến độ trở thành một loại thể thao quốc gia. Thời đó, những cuộc tranh tài thường diễn ra tại cung điện của nhà vua, và tại các khuôn viên nhà thờ vì các giáo sĩ cũng ham mê đá gà. Đến thời Hoàng hậu Victoria thì môn thể thao này bị suy tàn vì sắc lệnh của triều đình cấm đá gà.

    Ở Tây Ban Nha đá gà là môn thể thao đã và đang tồn tại qua hàng ngàn năm. Chưa ai biết đích xác môn thể thao này du nhập qua Tây Ban Nha từ thời nào, nhưng có thuyết cho rằng nó được truyền bá qua thương gia từ các vùng Trung Đông. Ngày nay, đá gà vẫn là bộ môn thể thao phổ biến tại những vùng như Bilbao, Oviedo, Madrid, Barcelona và Valencia.

    Ở Mĩ, đá gà cũng có thời rất thịnh hành. Tổng thống George Washington, Thomas Jefferson, Andrew Jackson và Abraham Lincoln là những người rất ham mê đá gà. Thời đó, đá gà được xem là một môn thể thao của giới đàn ông sành điệu. Có lúc những cuộc chọi gà được tổ chức ngay trong phòng của tổng thống! Đến khi cuộc nội chiến xảy ra, môn đá gà từ đó suy tàn theo thời gian. Cho đến nay, chỉ có bang Louisana và một phần bang New Mexico cho phép đá gà, còn các bang khác đều có luật cấm đá gà.

    Nhưng có nhiều bằng chứng gần đây cho thấy đá gà bắt nguồn từ vùng Đông Nam Á, chứ không phải từ các nước Tây phương. Theo cuốn “Cockfighting all over the World” (Đá gà khắp thế giới) (7), trò chơi đá gà xuất hiện sớm nhất ở Á châu, đặc biệt là Đông Nam Á vì đây là quê hương cổ xưa nhất của các loại gà trên thế giới ngày nay. Sách Nam Việt Chí chép rằng ở huyện Lỗ Thành có nhiều gà rừng hay chọi nhau, nên dân trong vùng đem gà nhà chọi nhau với gà rừng để bắt lấy. Truyền thuyết Pú Lương Quân cũng kể lại câu chuyện vợ chồng Báo Lương bắt gà rừng về nuôi (8).

    [​IMG]
    "Chọi gà". Tranh khắc của Henri Oger (1908)

    * * *

    Công cuộc truy tìm nguồn gốc của gà là một đề tài nghiên cứu qui mô của nhiều nhóm khoa học gia trên thế giới, và qua các nghiên cứu này, nhiều phát hiện thú vị đã làm thay đổi cái nhìn về nền văn minh nông nghiệp Đông Nam Á.

    Hiện nay trên thế giới, người ta thống kê có tất cả 175 giống gà khác nhau, và tất cả đều xuất thân từ loài chim rừng màu đỏ có tên [tiếng Anh] là Red Jungle Fowl, và tên khoa học là Gallus gallus. Theo các tài liệu khảo cổ học trong, và dựa vào các di vật khảo cổ, giới khoa học cho rằng loài chim này được con người thuần dưỡng vào khoảng 4000 năm trước đây tại vùng Thung lũng Indus (tức Pakistan ngày nay) (9). Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học Trung Quốc dựa vào các di chỉ tìm thấy trong các vùng thuộc sông Hoàng Hà (Yellow River) cho rằng Trung Quốc mới là nơi đầu tiên thuần dưỡng các loài gia cầm như gà và ước tính thời điểm thuần hóa gà xảy ra vào khoảng 6.000 đến 7.500 năm trước đây (10). Nhưng thời điểm này cũng bị nghi ngờ, bởi vì khí hậu và môi trường miền bắc Trung Quốc không thể là nơi lí tưởng cho loài gà rừng Red Jungle Fowl được.

    Trong hai công trình nghiên cứu quan trọng công bố trên Tập san Viện hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ (11-12), một nhóm khoa học gia Nhật so sánh cấu trúc di truyền của 21 giống gà thuộc gia đình Gallus gallus từ Thái Lan, Nam Dương, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật, Sri Lanka, v.v…, và phát hiện rằng giống gà ở Thái Lan có hệ số phong phú di truyền cao nhất, tức là giống gà ở đây có độ tuổi di truyền cao nhất. So sánh DNA gà Đông Nam Á và DNA các giống gà khác trên thế giới, các nhà nghiên cứu Nhật đi đến kết luận rằng tất cả các giống gà nuôi trên thế giới ngày nay xuất phát từ một giống gà từng sống (hay thuần hóa) tại một vùng đất mà ngày nay thuộc Thái Lan và Việt Nam. Họ còn ước tính rằng thời điểm thuần hóa gà rừng tại Đông Nam Á bắt đầu vào khoảng 8.000 năm về trước.

    Phát hiện này của các nhà nghiên cứu Nhật, dựa vào phương pháp nghiên cứu sinh học phân tử hiện đại nhất, cũng phù hợp với các di chỉ khảo cổ học tìm thấy ở nước ta. Tài liệu khảo cổ học Việt Nam cho biết có khá nhiều xương cốt của các loài gia cầm như gà, vịt, chó, trâu, bò, v.v… thuộc thời kì hậu đồ đá mới được tìm thấy tại Phùng Nguyên, Gò Mun, Đồng Đậu, và Hoa Lộc. Tại Đồng Đậu, các nhà khảo cổ học Việt Nam còn phát hiện 2 tượng gà nặn bằng đất nung (13). Như vậy, có thể nói gà đã được con người thuần dưỡng ít nhất là 8.000 năm trước đây tại những vùng đất thuộc Việt Nam ngày nay.

    Trong cuốn “Origin of species”, Darwin cũng từng khẳng định rằng tất cả các giống gà nuôi trên thế giới đều có nguồn gốc từ gà rừng Đông Nam Á. Trong một bài viết cho Tập san National Geographic, W. G. Solheim II nhận xét rằng Đông Nam Á là nơi phát triển nền chăn nuôi đầu tiên trên trái đất (14). Gần đây, có hai nghiên cứu từ Nhật cho thấy giống gà Shamo, một loại gà nòi được nuôi chủ yếu cho thể thao đá gà, có nguồn gốc từ Đông Dương và miền Nam Trung Quốc ngày nay (15-16).

    * * *

    Qua phân tích mối tương quan di truyền giữa các sắc dân trên thế giới, giới khoa học có thể khẳng định rằng con người hiện đại di dân ra khỏi Phi châu và đến Á châu vào khoảng 100.000 năm trước đây. Trong đợt di dân đầu tiên họ đến vùng Trung Đông, nhưng không thể định cư được vì thời tiết khắc nghiệt, sau đó có thể họ phải làm thêm một hành trình thứ hai từ Trung Đông đến tận vùng Đông Nam Á châu và định cư tại đây (17). Từ Đông Nam Á, họ lại di cư một lần nữa: nhóm một đi về hướng nam ra Úc châu và Tân Guinea; nhóm hai đi về hướng bắc đến Trung Quốc và Nhật Bản, và cuộc di dân này xảy ra vào khoảng 55.000 năm trước đây. Điều này cũng phù hợp với các dữ kiện di truyền gần đây cho thấy người Trung Hoa ngày nay, nhất là người Trung Hoa ở phía nam Trung Quốc rất gần và có tổ tiên ở vùng Đông Nam Á châu (18-19).

    Ngày nay, chúng ta biết rằng quê hương nguyên thủy của cây lúa nước là vùng Đông Dương - Mã Lai - Miến Điện (chứ không phải Trung Quốc, nơi mà bằng chứng về cây lúa lâu đời nhất chỉ 5.900 đến 7.000 năm về trước, thường thấy ở các vùng xung quanh sông Dương Tử). Văn minh Hòa Bình có lẽ là nền văn minh nông nghiệp đầu tiên trên thế giới, khoảng 15.000 năm trước dương lịch. Vài ngàn năm trước Công nguyên, cư dân Đông Nam Á đã đưa cây lúa đến vùng Đông Á và Tây Á, những nơi mà cư dân chỉ quen với nghề trồng lúa mạch (20). Nhận xét này cũng hợp lí bởi vì với khí hậu nhiệt đới Đông Nam Á là môi trường thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp.

    Như vậy có thể suy luận rằng trước khi tiếp xúc và chịu ảnh hưởng hai nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ, vùng Đông Nam Á đã hình thành một nền văn hóa lúa nước, và cư dân cổ ở đây (dân Bách Việt) đã phát triển một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, trong đó có cả văn minh châu thổ sông Hồng, hay văn minh Đông Sơn. Theo Trần Quốc Vượng (21), chính nghề trồng lúa nước (một ngành nghề đòi hỏi người dân phải nắm vững và thích nghi với thời tiết, môi trường sông nước) đã dẫn người cư dân cổ Đông Nam Á sáng tạo ra lịch dùng 12 con vật gần gụi với nền văn minh lúa nước làm biểu tượng. Do đó, có khả năng lịch 12 con giáp có nguồn gốc từ Đông Nam Á, chứ không phải từ Trung Hoa. Có thể qua giao lưu văn hóa, người Trung Hoa cổ đã vay mượn lịch Đông Nam Á và cải tiến lại. Do đó, 12 con vật trong lịch của Ta không giống với 12 con vật trong lịch của Trung Hoa (thử, ngưu, hổ, miêu, long, xà, mã, dương, hầu, kê, khuyển, trư).

    Tất cả những bằng chứng này cho thấy Đông Nam Á có thể là một cái nôi văn minh nông nghiệp đầu tiên của con người (22), và cư dân tại đây rất có thể là những người phát minh ra kĩ thuật trồng lúa nước, chăn nuôi, và truyền các kĩ thuật này lên phía Bắc (tức miền Nam Trung Quốc ngày nay). Phát hiện mới nhất về quê hương Đông Nam Á của loài gà gia cầm cho chúng ta thêm một cơ sở để suy luận rằng trong quá trình định cư và phát triển nông nghiệp, người Đông Nam Á cổ đã thuần dưỡng giống gà rừng, và từ đây giống gà này được truyền bá đến miền Nam Trung Quốc, và từ Trung Quốc “di cư” sang Âu châu. Những phát hiện này, cộng với những di chỉ khảo cổ học và di truyền học mới nhất củng cố thêm cho giả thuyết Đông Nam Á là một trung tâm văn minh nông nghiệp đầu tiên trên thế giới.

    Chú thích và tài liệu tham khảo:
    1. Phan Cự Đệ và Mã Giang Lân. Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam 1900-1945. Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2000.

    2. Lê Văn Hòe. Lẽ sống của tranh gà tranh lợn. Văn Nghệ Xuân Quí Tị , 1953; trích theo Văn Ngọc, Đi trong thế giới hội họa, Nhà xuất bản Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2004.

    3. Trích từ Lĩnh Nam Chích Quái, bản dịch của Đinh Gia Khánh và Nguyễn Ngọc Khánh. Nhà xuất bản Văn Hóa, Hà Nội, 1960.

    4. Sách nhân chủng học và văn hóa học Tây phương cho biết trong văn hóa cổ Syria gà đá được xem là một vị thần. Người Hi Lạp – La Mã xưa xem gà đá là thần Mặt trời (Apollo), thần Thủy (Mercury) và thần Hoả (Mars). Người La Mã còn xem gà như là một nhà tiên tri; họ tin rằng khi con gà xuất hiện từ phía trái là một điềm tốt; khi gà được cho ăn trong chuồng mà chúng vỗ cánh bay đi là một điềm không lành.

    5. Trong Thánh Kinh, Jesus mượn hình ảnh về mối liên hệ giữa gà mẹ và gà con để nói lên tình yêu thương ngài dành cho người dân Hebrew (Do Thái). Nhưng cũng chính Jesus có lúc xem gà trống là một biểu tượng của sự phản bội (“And he said, I tell thee, Peter, the cock shall not crow this day, before that thou shall thrice deny that thou knowest me – Luke 22:43 và Luke 22:61). Trong phúc âm Phê-rô, tiếng gà gáy được vài nhà chú giải xem như là phương tiện Chúa dùng để thức tỉnh Phêrô đang dần dần sa vào chước cám dỗ.

    6. Trần Hưng Đạo nhắc nhở quân sĩ nên hạn chế bớt chơi đá gà: “…Hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển…”.

    7. Finsterbusch CA. Cockfighting all over the World. Diamond Farm Book, 1991

    8. Lã Văn Lô. Xã hội Tày qua truyền thuyết Pú Lương Quân. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử 1964; số tháng 8-65.

    9. Zeuner FE. A history of domesticated animals. Hutchison, London, 1963.

    10. West B, Zhou BX. J Archaeol Sci 1988; 15:515-533,

    11. Fumihito A, et al. One subspecies of the red jungle fowl (Gallus gallus gallus) suffices as the matriarchic ancestor of all domestic breeds. Proc Natl Acad Sci USA 1994; 91:12505-9.

    12. Fumihito A, et al. Monophyletic origin and unique dispersal patterns of domestic fowls. Proc Natl Acad Sci USA 1996; 93:6792-95.

    13. Lê Xuân Diệm và Hoàng Xuân Chính. Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu. Tạp chí Khoa học Xã hội, 1983, trang 81.

    14. Solheim II WG. New light on a forgotten past. National Geographic, 1971;139:number 3. Trích đoạn, “Theo truyền thống, người ta cho rằng trong thời kỳ tiền sử, kỹ thuật miền Đông Nam Á là kết quả của những làn sóng di dân từ phương Bắc mang đến. Riêng tôi cho rằng văn hóa nguyên thủy thời đồ đá mới Ngưỡng Thiều (Yangshao) ở Trung Quốc mà người ta biết đến chính là kết quả của một nền văn hóa tiền Hòa Bình đã di chuyển từ miền bắc Đông Nam Á lên phía bắc vào khoảng 6000 hay 7000 năm trước Công nguyên.” và […] “Văn hóa Long sơn (Lungshan) vẫn được xem là phát triển từ Ngưỡng Thiều, […] thực ra là đã [được] khai sinh ở Nam Trung Quốc và di chuyển lên phía Bắc. Cả hai nền văn hóa này đều bắt nguồn từ gốc văn hóa Hòa Bình.”

    15. Komiyama T, et al. The evolutionary origin of long-corwing chicken: its evolutionary relationship with fighting cocks disclosed by the mtDNA sequence analysis. Gene 2004; 333:91-99.

    16. Komiyama T, et al. Where is the origin of the Japanese gamecocks? Gene 2003; 317:195-202.

    17. Nguyễn Văn Tuấn. Nhân năm khỉ: bàn về nguồn gốc con người hiện đại. Diễn Đàn 2004, số tháng?.

    18. Chu JY, et al. Genetic relationship of populations in China. Proc Natl Acad Sci USA 1998; 95: 11763-11768.

    19. Su B, et al. Y-chromosome evidence for a northward migration of modern humans into eastern Asia during the last Ice Age. Am J Hum Genet 1999; 65:1718-1724

    20. Chesnov Ja. V. Dân tộc học lịch sử các nước Đông Nam Á. 1976. (Trích dẫn theo Trần Ngọc Thêm, “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2001.

    21. Trần Quốc Vượng. Văn hóa Việt Nam: Tìm tòi và suy ngẫm. Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. Hà Nội, 2000.

    22. Oppenheimer S. Eden in the East: the Drowned Continent of Southeast Asia. Phoenix (London), 1998.
     
    Chỉnh sửa cuối: 15/2/18
  2. Do Toan

    Do Toan Active Member

    Cảm ơn thông tin hữu ích của bạn
     

Chia sẻ trang này