Sumatra - giống gà chọi đuôi dài xứ vạn đảo Wanda Zwart - www.vechthoenders.com Nguồn gốc Giống gà sumatra (ayam gallak) bắt nguồn từ đảo Sumatra, Indonesia. Đây là một trong những giống gà chọi lâu đời nhất và có ảnh hưởng di truyền đáng kể lên những giống gà đá khác. Tuy nhiên, có những nghi vấn về nguồn gốc thực sự của giống gà này bởi giống gà sumatra ngày nay và những con gà chọi trong quá khứ không hề có quan hệ huyết thống (theo giáo sư G. Kooy 1995). Hình vẽ vào năm 1895 của một họa sĩ vô danh. Một con gà trống sumatra do đại úy E. Duckworth (Anh) lai tạo vào năm 1906. Bản sao thu nhỏ/gà tre (bantam) của gà sumatra đen được lai tạo ở Hà Lan. Ở Anh, gà sumatra trắng được tạo ra bằng cách lai xa với yokohama trắng; tuy còn rất nhiều việc phải làm để cải thiện chất lượng những con gà trắng này. Cá thể đầu tiên được nhập vào Mỹ từ năm 1847. Nhờ màu lông ánh kim và vẻ ngoài duyên dáng mà chúng trở nên rất phổ biến. Vào năm 1883, giống gà sumatra được ghi nhận trong tiêu chẩn gia cầm Mỹ (Standard of Perfection). Vào cùng thời điểm, chúng du nhập và Đức và năm 1900, du nhập vào Anh. Ở Sumatra, giống gà chọi này vẫn được duy trì dưới tên ayam sumatra. Ở các nước phương Tây, gà sumatra được lai tạo chủ yếu với mục đích làm cảnh. Qua nguồn thông tin trên mạng, tôi nghe nói giống gà này được tái lai tạo cho mục đích chọi gà ở Pháp. Đặc điểm Gà sumatra có kích thước trung bình với bề ngoài giống như chim trĩ. Lưng có chiều dài vừa phải, lông mã dày. Đuôi dài và rậm. Lông phụng cong tại hai phần ba chiều dài và cụp xuống. Lông phụng không lết trên mặt đất được chuộng hơn. Gà mái cũng có đuôi tương đối dài nhưng chỉ những lông phụng trên cùng mới cong. Lông mã xanh bóng của gà sumatra trống. Gà sumatra có bộ lông rậm nhưng bó chặt chứ không bù xù. Chân lông cứng chắc. Gà mái cũng có đuôi tương đối dài, những lông phụng trên cùng hơi cong ở đầu cuối. Đầu gà nhỏ (còn gọi là đầu rắn) với mồng dâu ba khía. Màu của mồng biến thiên từ đỏ đến tím. Màu mắt càng sẫm càng tốt. Nhưng con ngươi và tròng mắt phải rõ ràng. Cẳng chân có màu đen và bàn chân màu vàng. Có cả loại bàn chân màu trắng nhưng ở Hà Lan, chúng bị coi là lỗi loại. Ở Mỹ, bàn chân trắng không bị coi là lỗi và được chấp nhận. Một số dòng có nhiều cựa nhưng cũng có một số dòng mà cựa chỉ nhú mầm. Gà trống cân nặng từ 2 đến 2.5 kg. Gà mái từ 1.8 đến 2.3 kg. Kích thước của vòng đeo chân là 18 mm. Gà sumatra trưởng thành hoàn toàn ở 2 năm tuổi. Đây là một yếu tố quan trọng cần cân nhắc trước khi đem gà tham dự triển lãm. Bàn chân màu vàng. Cựa đôi. Màu sắc Ở Hà Lan, chỉ có màu đen ánh kim mới được coi là màu chuẩn, ánh đỏ hay tím cũng tồn tại nhưng bị coi là lỗi. Ngoài ra còn có những màu khác nữa. Ở bán đảo Scandinavia người ta duy trì cả sumatra xám (blue). Ở Hà Lan, chỉ một số ít người duy trì màu xám. Ở Đức có một số cá thể màu đen-đỏ hay nâu sậm. Ở Anh và Mỹ có một số gà sumatra tóe (splash) nhưng đến nay chúng vẫn chưa được đưa vào tiêu chuẩn. Ở Bỉ có một số gà sumatra bờm đỏ (màu điều) được triển lãm nhưng những màu này cũng chưa được cập nhật thành tiêu chuẩn. Một con gà trống già thuộc dòng gà Đông Đức. Hành vi Hành vi ở gà sumatra cho thấy chúng vẫn duy trì những đặc điểm của tổ tiên. Chúng thực sự thích đi dạo loanh quanh và cũng rất cảnh giác. Nếu cảm thấy bị đe dọa thì ngay lập tức chúng có thể bay qua hàng rào cao một cách dễ dàng. Nếu được lựa chọn giữa chuồng gà với một cành cây thì hầu hết gà sumatra đều chọn cách thứ hai. Bởi hành vi như vậy mà gà sumatra cần chuồng nuôi rộng rãi và chạc cây cao. Chúng cũng cần chạc để giữ cho bộ lông sạch sẽ và cơ bắp mạnh khỏe. Gà sumatra không đòi hỏi loại thức ăn cầu kỳ nào khác. Đôi khi chỉ cần tăng cường thêm một lượng chất đạm để kích thích lông phát triển. Gà sumatra là giống gà mạnh mẽ với khả năng kháng bệnh cao. Bạn chỉ cần theo dõi bệnh viêm đường hô hấp mãn tính hay CRD (Chronic Respiratory Disease), một loại bệnh di truyền ở gà. Để giúp gà mạnh khỏe, tốt nhất nên giữ môi trường khô ráo và che chắn vào ban đêm. Gà sumatra tóe. Mặc dù là gà chọi, gà sumatra vẫn chấp nhận nhau ở một mức độ nhất định. Gà trống tơ có thể lớn lên cùng nhau sau khi sự phân cấp trong nhóm đã rõ ràng. Nhưng chúng cần không gian để tránh xa khỏi vùng rắc rối. Gà nuôi trong chuồng có vẻ ít cá tính hơn những con được thả rông. Nhà lai tạo chăm sóc gà của mình hàng ngày và đặc biệt những con gà tơ thể hiện sự tin cậy và cả ảnh hưởng nữa. Gà tơ được cho ăn bằng tay sẽ theo chân nhà lai tạo khắp mọi nơi. Gà được nuôi cùng chó và mèo sẽ quen với chúng và cảnh báo khi những động vật khác thâm nhập vùng lãnh thổ của chúng. Gà mẹ với bầy gà con. Nhờ dáng vẻ bề ngoài giống như chim trĩ mà gà sumatra trở thành bảo bối của khu vườn hay bãi chăn thả. Gà mái đẻ khá nhiều trứng mỗi măn và trứng có màu trắng. Gà mái chăm con rất giỏi. Nếu chim ác là (magpie) hay những loài “săn mồi” khác đe dọa gà con thì gà mái sẽ thể hiện hành vi mạnh mẽ nhất để bảo vệ con mình. Tôi từng được chứng kiến điều này rất nhiều lần. Bạn sẽ thấy bầy gà rất hạnh phúc khi được thả rông sau một thời gian dài bị cách ly trong chuồng (vì dịch cúm gà). Chúng đập cánh và nhảy, thậm chí còn giả vờ “đá” nhau nữa. Tiếng gáy của gà sumatra hơi lạ nếu bạn mới nghe lần đầu. Nhưng gà trống vẫn gáy như bất kỳ con gà trống nào khác. Gà sumatra cực kỳ duyên dáng và bí ẩn. Chúng thực sự là giống gà có giá trị! Hiện trạng Ở Hà Lan, gà sumatra tương đối hiếm, mặc dù trên thực tế có đầy đủ các dòng và gà giống để lai tạo. Nếu so sánh ở tầm mức toàn cầu, tình trạng của giống gà là “nhạy cảm”. Vì vậy, cần tiêm chủng gà sumatra để không bị loại bỏ bắt buộc vì những quy định y tế. Lý do là để bảo tồn giống gà này như là một di sản văn hóa. -------------------------------------