Lai tạo cá dĩa: kiến thức cơ bản Ngày nay, việc lai tạo cá dĩa là tương đối dễ dàng vì các bạn có thể thu thập hàng đống thông tin cả trên mạng lẫn qua sách vở hay các câu lạc bộ cá cảnh địa phương. Các nhà lai tạo tiên phong đã bỏ thời gian, công sức lẫn tiền bạc để nghiên cứu và hoàn thiện phương pháp lai tạo cá dĩa. Những người đi sau được lợi rất nhiều vì chỉ cần học hỏi và áp dụng vào hoàn cảnh thực tế của mình. Việc tìm cá giống với giá cả phải chăng cũng không khó khăn lắm vì thị trường cá dĩa đã tương đối phát triển. Tuy nhiên vấn đề không phải ở chỗ cá dĩa có sinh sản hay không mà nhà lai tạo phải nuôi dưỡng được bầy cá con một cách thành công cho đến lớn, phải giữ để bầy cá không nhiễm bệnh và điều quan trọng là phải tạo ra được những cá thể đẹp. Sau đây là từng bước trong quy trình lai tạo cá dĩa mà một người mới chơi phải nắm: Kích thước hồ Kích thước hồ 50 x 50 cm với chiều cao mực nước 30 cm là thích hợp nhất để ép cá. Nếu hồ quá nhỏ, nước sẽ mau ô nhiễm mà cặp cá bố mẹ cũng khó xoay trở. Nếu hồ quá to, cá bột sẽ khó tìm thấy cá bố mẹ để bám, một khi không bám được thì chúng sẽ chết đói. Mặt kiếng Ngoại trừ mặt kiếng phía trước dùng để quan sát, bốn mặt kiếng còn lại gồm đáy, hai bên và phía sau đều được sơn màu tùy thuộc và dòng cá lai tạo. Nhìn chung, màu được sử dụng là màu xanh da trời nhạt. Màu trắng tinh có thể được sử dụng cho những dòng cá nhạt màu chẳng hạn như albino. Mục đích là để tạo sự tương phản giữa cá cha mẹ với hồ, nói chung là cá cha mẹ phải nổi bật trên nền hồ. Các dòng cá như albino, bạch ngọc, golden và bồ câu có tỷ lệ cá bột sống sót cao hơn một khi màu hồ nhạt hơn so với cá bố mẹ. Cá bột bị thu hút bởi màu tối. Chúng không chuộng những màu tươi sáng như đỏ, vàng và trắng vì cảm thấy không an toàn. Có thể chứng minh điều này bằng cách đặt vật thể sẫm màu vào hồ thì cá bột sẽ bỏ cá bố mẹ để bám vào đó. Trên thực tế, những nhà lai tạo kinh nghiệm chuyên về dòng dĩa đỏ thường không kích màu cá dĩa giống dùng vào việc lai tạo. Để thành công, cá bố mẹ các dòng này phải hết sức kiên trì. Cá bố mẹ phải ở gần cá bột và khuyến khích chúng bám vào để ăn chất nhờn. Bạn có thể hỗ trợ thêm bằng cách hạ thấp mực nước tối đa (gần chạm vây lưng cá bố mẹ). Có nhiều tranh cãi về việc cá bố mẹ ở những dòng như vậy có nuôi con được hay không. Dẫu đúng hay sai thì trên thực tế tỷ lệ thành công là rất thấp, có lẽ nhờ cá bố mẹ vẫn còn sót chút sắc tố xanh hay đen/nâu hoặc nhờ những yếu tố khác như ánh sáng (xem bài Làm sao để cá dĩa bồ câu chăm con?). Nắp hồ Cá bố mẹ có thể bị căng thẳng nếu nắp hồ để mở hoàn toàn. Hơn nữa cá dĩa vẫn hay nhảy ra khỏi hồ (mà thường là những con to đẹp nhất mới đau). Vì vậy, tốt nhất nên đậy khoảng 10 cm kể từ mép hồ để ngăn cá nhảy và đem lại cảm giác an toàn cho chúng. Ánh sáng Tốt nhất nên bật đèn liên tục với lượng ánh sáng vừa phải. Nếu được, bạn cũng có thể bố trí bóng đèn xanh nhỏ ngay phía trên hồ ép. Đèn này sẽ được mở vào ban đêm để cá bố mẹ thấy đường chăm sóc trứng và cá bột. Mặt khác cá bột cũng thấy đường bám vào mình cá bố mẹ để kiếm ăn. Bóng tối Dù chiếu sáng tự nhiên hay nhân tạo thì cũng nên chừa chút vùng tối trong hồ. Cá dĩa thường nhút nhát. Cá bố mẹ cũng thường trốn vào các vùng tối mỗi khi hoảng sợ. Tuy nhiên, đối với những dòng cá nuôi con kém và phải tăng cường ánh sáng để cá con bám mình bố mẹ thì có lẽ điều kiện bóng tối khó mà đáp ứng được. Giá thể Mặc dù một số con thích đẻ trên mặt kiếng nhưng tốt nhất nên đặt giá thể để kích thích cá đẻ. Mọi loại giá thể, từ chậu đất, bình gốm, chai bia cho đến gạch tấm gắn theo hình tam giác, miễn là chắc chắn, nhẵn nhụi và không tiết ra chất độc là được. Màu đỏ nâu như gạch nung là thích hợp nhất nhưng màu khác cũng được. Sục khí Điều chỉnh chế độ sục khí nhẹ nhàng, vừa phải. Chỉ khi cá bột bắt đầu bơi tự do mới tăng lượng sục khí lên dần dần. Thay nước Tốt nhất nên duy trì chất lượng nước hồ ép thật sạch. Bạn có thể hút phân, thức ăn thừa ra và bổ sung nước mới. Một số người thích bố trí bộ lọc khí vào hồ ép nhưng cá bột có thể bị hút vào hoặc bị hấp dẫn bởi màu sẫm của mút lọc. Nhưng nếu lấy ra một khi cá nở thì có thể khiến cá bố mẹ bị hoảng sợ và ăn con. Khoảng 2 giờ sau khi cá đẻ trứng, bạn có thể thay nước nếu thấy hồ quá dơ. Trứng có thể ở ngoài không khí trong vài phút vì vậy đừng lo lắng nếu mực nước tụt xuống dưới giá thể. Nhanh chóng bổ sung nước nhưng không để dòng chảy quá mạnh, bạn nên dùng ngón tay để phân tán lực đẩy từ vòi. Trứng nở sau khi đẻ khoảng 60 giờ. Trước đó 12 giờ, thay nước càng nhiều càng tốt. Đợt thay nước kế tiếp vào ngày thứ hai và thứ ba sau khi cá bơi tự do. Sau đó mọi việc sẽ dễ dàng hơn. Độ pH và độ cứng dH Cá dĩa sinh sản tốt trong điều kiện độ pH từ 6 đến 8, độ cứng dH dưới 2, độ dẫn dưới 200. Đây là những thông số chung dẫu có nhiều trường hợp sinh sản ngoài điều kiện này. Có nhiều cách để kích thích cá đẻ. Một trong số đó là thay đổi độ pH. Điều quan trọng là không để độ pH biến thiên quá nhiều. Chỉ thay đổi 1 độ là đủ. Một mẹo nhỏ mà mọi người thường áp dụng là ngưng thay nước để giảm pH. Đây là cách chủ động hơn: Ngày đầu: giảm 1 độ pH bằng cách nhỏ a-xít phosphoric. Làm theo chỉ dẫn vì nồng độ của mỗi nhà sản xuất có thể khác nhau nhưng thông tin chung là 2.5 ml a-xít/100 lít nước --> giảm 1 độ pH. Để nước trộn đều sau 15 phút sau đó kiểm tra lại bằng dụng cụ thử. Ngày thứ hai: thay toàn bộ nước hồ, độ pH sẽ tăng lại như cũ. Ngày thứ ba: nhỏ a-xít để giảm 1 độ pH. Ngày thứ tư: thay toàn bộ nước hồ, độ pH sẽ tăng lại như cũ. Lặp lại quá trình cho đến khi cá đẻ. Một khi cá đã đẻ thì không cần phải giảm pH nữa. Nếu độ pH đang thấp thì sẽ từ từ tăng trở lại, không cần phải làm gì thêm khiến cá căng thẳng. Lưu ý: không được điều chỉnh pH trong khi cá bố mẹ đang chăm sóc trứng và cá bột bằng không bạn có thể mất toàn bộ bầy cá! Kim loại và chất vi lượng Ở một số quốc gia, nguồn nước máy có độ cứng khá cao khiến trứng không thể nở được. Để hạ dH, người ta phải lọc thẩm thấu ngược (RO) để thu nước tinh khiết nhưng nước này không thể nuôi cá dĩa vì chúng cần kim loại và chất vi lượng. Người ta phải trộn lại với khoảng 5% nước máy để nuôi và ép cá dĩa. Tỷ lệ nước trộn không cố định vì nguồn nước mỗi nơi mỗi khác. May thay, nguồn nước máy ở nước ta phù hợp cho sinh sản của cá dĩa và không cần phải làm gì thêm. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng nguồn nước giếng và gặp vấn đề trong việc nuôi dưỡng cá dĩa thì cách làm như trên có lẽ là một gợi ý tốt. Bắt cặp Cần chắc chắn rằng bạn thả một cặp cá dĩa. Đây là lúc mà bạn cần áp dụng các kiến thức về phân biệt giới tính cá dĩa. Đôi khi hai con cá cái hay hai con cá đực vẫn bắt cặp với nhau và hiển nhiên là bạn sẽ không thu được bầy cá bột nào cả! Tần suất cho ăn Một khi được thả trong hồ ép, cá được cho ăn hai lần mỗi ngày, một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối. Bạn chỉ cần cho cá ăn vừa đủ, nếu bạn muốn tẩm bổ cho cá thì cần tăng cường chế độ thay nước. Một khi cá đẻ thì ngưng cho ăn để duy trì chất lượng nước hồ. Bạn đừng lo lắng vì cá có thể nhịn trong nhiều ngày. Do bản năng sinh sản, cá bố mẹ sẽ ăn rất ít hoặc nhịn đói hoàn toàn trong giai đoạn chăm sóc trứng và cá bột. Điều quan trọng là đáy hồ phải thật sạch. Bắt đầu cho cá bố mẹ ăn vào ngày thứ hai sau khi cá bột bơi tự do. Hạn chế ở mức một lần mỗi ngày trong thời gian 6 ngày. Lưu ý duy trì chất lượng nước thật sạch, nước dơ dễ làm vi khuẩn gây bệnh phát sinh hoặc làm cá chết. Dinh dưỡng cho cá bột Trong số các loại thức ăn cho cá dĩa bột, ấu trùng artemia là phù hợp nhất vì vệ sinh và bổ dưỡng; và nên được cho cá bột ăn vào ngày thứ ba sau khi bơi tự do. Ấu trùng artemia tốt hơn những loại thức ăn có nguồn gốc nước ngọt khác như bo bo, trùn chỉ băm nhỏ hay trùng huyết băm nhỏ vì nhiều lý do: Thứ nhất, ấu trùng artemia không mang các loại vi khuẩn gây bệnh có nguồn gốc nước ngọt. Vi khuẩn nước mặn nếu có không thể gây hại cho cá dĩa và tự biến mất trong môi trường nước ngọt. Thứ hai, nghiên cứu cho thấy, cá dĩa được cho ăn ấu trùng và artemia trưởng thành tăng trưởng nhanh hơn các loại thức ăn khác. Để tăng cường dinh dưỡng, hãy tẩm bổ cho ấu trùng bằng tảo spirulina (hay các chất dinh dưỡng đặc biệt) trước khi cho cá ăn. Bên cạnh đó, trứng artemia đã xử lý vỏ còn bổ dưỡng hơn so với ấu trùng artemia. Chỉ có một điểm bất lợi là nó không phải là thức ăn tươi sống. Dinh dưỡng cho cá bố mẹ Cá bố mẹ cần lượng dinh dưỡng không chỉ cho bản thân mà còn để tạo ra trứng và tinh trùng chất lượng đồng thời phải đủ sức vượt qua quá trình chăm sóc trứng và nuôi dưỡng cá bột. Cá càng đẻ dày thì càng cần nhiều chất dinh dưỡng. Chế độ ăn thông thường là không đủ và sẽ khiến chúng đổ bệnh. Chất lượng trứng và tinh trùng sẽ giảm sút, lượng cá bột bị giảm và thậm chí tỷ lệ cá dị tật gia tăng. Khuẩn gây bệnh Cần đảm bảo rằng cá bố mẹ không bị nhiễm khuẩn và truyền cho bầy cá bột. Hầu hết mầm bệnh đều bị tiêu diệt bởi formol, malachite green và thuốc tím. Nhưng rất khó để tiêu diệt hoàn toàn mầm vi khuẩn, cả nội lẫn ngoại. Chúng thường tồn tại cả trên mình cá lẫn thành hồ, nhất là khuẩn lao cá mycobacterium. Một khi cá bị suy giảm hệ miễn dịch vì căng thẳng hay vết thương hở, vi khuẩn sẽ thừa cơ xâm nhập và gây bệnh. Tốt nhất nên điều trị bệnh ký sinh cho cá giống bố mẹ trước khi lai tạo. Lưới bảo vệ trứng Lưới bảo vệ là một dụng cụ hữu dụng. Lưới được bao bên ngoài ổ trứng để ngăn không để cá bố mẹ phá hủy trứng. Lưu ý rằng không có phương pháp cố định nào trong việc lai tạo cá dĩa. Chúng không thích bị can thiệp nhiều, một số hoảng sợ khi lưới bảo vệ hiện diện và ăn thịt cá bột! Do vậy, bạn phải để chúng tự chăm sóc trứng trước, nếu chúng không ăn trứng thì cũng chẳng cần đặt lưới bảo vệ làm gì. Nếu cặp cá ăn trứng hoài thì cần đặt lưới bảo vệ. Kích thước mắt lưới vừa phải, đủ nhỏ để ngăn cá bố mẹ ăn trứng nhưng đủ to để chúng nhìn thấy trứng. Mắt lưới độ 1.3 cm2 là thích hợp. Lưới bảo vệ hạn chế việc trao đổi khí nên cần đặt đầu sục khí cách ổ trứng độ 2.5 cm.
Cảm ơn bạn vnreddevil vì bài viết rất hay. Tôi có một thắc mắc nhỏ: Khi cá nở vài ngày rồi mình điều chỉnh pH là bao nhiêu? Vì có lần tôi để như vậy pH ko tăng trở lại, mà lại giảm làm cho cá con chết dần. Cảm ơn bạn!
Cá nở rồi thì bạn có thể chỉnh pH=7 (nước máy). Nước dơ, ammonia cao cũng có thể làm cá chết. Nếu bạn xài nước máy thì chỉ cần thay nước là đủ.
Cho mình hỏi chút...cặp cá nhà sau khi đẻ trứng lên giá vài ngày sau nhìn lại chúng nó ăn hết là sao vậy? có phải do bỏ đói nó ko( có mở đèn bóng mờ cho nó )...mình vẫn cho nó ăn 1 lần/ ngày rất ít. Che rất kỹ hồ để riêng ít có người lui tới,nó ăn trứng vài lần rồi ( có cần mua giá có lưới che ko? )
Những lần sinh sản đầu tiên thường thất bại và cá bố mẹ sẽ "dọn sạch" trứng hư. Hy vọng những lần sau cá của bạn sẽ thành công! Bằng không thì bạn đành phải dùng lưới che thôi.
Bài viết rất hay cám ơn vnreddevil. Cho mình hỏi thêm làm sao để cân bằng đc dh và độ dẩn vậy. Mình mới đổi chổ ở nên lúc này trứng hay bị hư hoài. Thanks rất nhiều