Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Nguyên tắc đánh giá cá dĩa

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - cá Dĩa' bắt đầu bởi vnreddevil, 7/5/10.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Nguyên tắc đánh giá cá dĩa

    [​IMG]
    Cá hạng nhất lớp bồ câu (1st pigeon blood class) tại triển lãm cá dĩa Duisburg (Đức) năm 2008.

    Nguyên tắc đánh giá
    Hiện tại, chưa hề có một hệ thống phân loại, đánh giá và chấm điểm cá dĩa nào được công nhận và áp dụng trên bình diện quốc tế. Các câu lạc bộ địa phương, tổ chức hay đơn vị triển lãm ở mỗi vùng tự đề ra cách phân loại và tiêu chí chấm điểm của riêng mình.

    Nhìn chung, có hai mục đánh giá chính là Tổng thể và Màu sắc & Hoa văn. Mỗi mục chính lại chia thành nhiều tiêu chí nhỏ với thang điểm riêng. Đa số các tổ chức đều có xu hướng coi trọng phần Tổng thể qua tổng điểm số cao hơn. Cách mà các trọng tài đánh giá cũng tương tự như cách mà người chơi lựa chọn cá dĩa đẹp nhưng được cụ thể hóa bằng điểm số. Các trọng tài có kinh nghiệm thường không cho điểm tối đa mà dành ra một hay hai điểm thưởng ở mỗi tiêu chí để ghi nhận những cá thể cực kỳ xuất sắc ở tiêu chí đó.

    Điểm nữa cần nhấn mạnh rằng cá đoạt giải là con gần giống nhất với “cá dĩa hoàn hảo” trong số những con cùng dự thi. Cá dĩa hoàn hảo - lý tưởng - toàn mỹ là con cá tưởng tượng và cũng là mục tiêu để các nhà lai tạo và nuôi dưỡng phấn đấu. Vì vậy những con đoạt giải khi bị săm soi kỹ vẫn phát hiện ra chút lỗi là điều rất bình thường!

    Tổng thể
    Trình diễn – đây là tiêu chí cực kỳ quan trọng khi đánh giá một cá thể. Nó thể hiện điều kiện sức khỏe và sự dạn dĩ của cá thể đó. Cá dĩa có thể rất đẹp nhưng nếu nó nhút nhát và trốn vào một góc hồ thì cũng coi như không đạt. Điểm nữa là những con cá dĩa có lỗi, dị tật hay bệnh lý rõ ràng sẽ bị loại ngay từ vòng đầu cho dù màu sắc và hoa văn có đẹp đến đâu.

    Kích thước – được tính từ chóp miệng cho đến gốc đuôi. Cá dự thi phải có kích thước trên 10 cm. Cá dưới 10 cm là cá non mà màu sắc và hoa văn vẫn chưa phát triển tối đa. Cá trên 16 cm được cho điểm tối đa.

    Dạng thân – có hai dạng được chấp nhận là tròn và cao. Ngoại lệ đôi khi được dành cho cá dĩa hoang thân hơi dài. Thân phải đầy đặn, trơn láng và không được chấn thương hay sẹo. Lỗi phổ biến là tật vẹo cột sống thể hiện qua bướu ở giữa thân hay gốc đuôi.

    Vây – vây theo cặp như vây ngực, vây bụng (kỳ) phải đối xứng và đồng màu. Các tia vây phải thẳng, không được gãy, cong vẹo hay tổn thương. Màng vây phải trong suốt, không được rách. Vây lưng và vây hậu môn phải có kích thước tương đương, các gai vây phải bắt đầu ở cùng một khoảng cách so với miệng ở viền trên và dưới của thân. Tật phổ biến là vây lưng hay vây hậu môn bị teo. Các gai vây phải liền lạc, tăng đều về kích thước để tạo ra đường cong trơn tru cân xứng với dáng tròn tổng thể của cá dĩa. Chúng không được cong vẹo hay ngả về một bên (dấu hiệu hậu chấn thương). Chóp vây lưng và vây hậu môn, nếu có, phải hơi cong và xuôi theo dáng vây. Phần gốc vây ngực và đuôi không được có màu bất thường như đỏ và xanh (dấu hiệu của việc kích màu quá mức). Viền các vây phải trơn tru. Nước hồ nuôi không thích hợp có thể khiến vây bị răng cưa. Quá trình vận chuyển khó khăn cũng có thể khiến vây bị răng cưa và rách. Một số ban tổ chức triển lãm yêu cầu các trọng tài châm chước cho lỗi nhẹ này.

    Đầu/mang – phải trơn tru, liền lạc từ miệng cho đến gai vây lưng đầu tiên. Đầu không được có gù, bướu hay lõm. Không được có vết trầy xước hay lở loét, nhất là ở vùng xung quanh mắt và đường bên. Nắp mang phải bằng phẳng, khép và phủ kín phần lá mang bên trong. Mang không được cong hay vênh. Lá mang không được lòi ra ngoài. Môi phải đều, không được móm hay hô. Miệng không được lệch khi nhìn từ phía chính diện.

    Mắt – phải tròn, nhãn cầu trong suốt, màu tròng mắt phải đỏ và đồng nhất. Hai mắt phải tương đương về kích thước và vị trí, và phù hợp với kích thước và độ tuổi của cá. Mắt phải khép sát và không được lồi. Không được có can chạy qua mắt. Tròng mắt đỏ bầm hay có màu khác sẽ bị chấm điểm thấp.

    [​IMG]
    Mẫu đánh giá cá dĩa.

    Download tại đây: mẫu đánh giá

    Màu sắc & Hoa văn
    Phần này đánh giá các đặc điểm đặc thù của từng dòng cá dĩa. Một số triển lãm xây dựng mẫu đánh giá riêng cho từng lớp dự thi. Dù gộp chung hay tách riêng, phần này thường bao gồm 4 tiêu chí - Hoa văn thân, Hoa văn đầu/vây, Màu của hoa văn thân và Màu nền. Để đánh giá, các trọng tài phải am hiểu về đặc điểm của các dòng và lớp dự thi bởi vì đặc điểm cần thiết ở lớp này có thể là lỗi ở lớp kia. Chẳng hạn, chỉ trên vây lưng và vây hậu môn là đặc điểm phải có ở lớp chỉ nhưng là lỗi ở lớp đơn sắc.

    Hoa văn thân – chỉ, hoa văn và đốm phải rõ ràng, kích thước và phân bố đều đặn. Các vùng bụng, giữa thân và gốc đuôi được lưu ý đặc biệt. Đấy là những vùng mà mức độ đồng nhất của hoa văn rất khó đạt. Với cá đơn sắc, mức độ đồng nhất và cường độ màu là điều quan trọng nhất. Màu thân phải đồng nhất mà không được có gợn hay vệt chỉ.

    Hoa văn đầu/vây – đầu, vây lưng và vây hậu môn phải đều, đồng nhất và hài hòa với thân. Ở một số dòng, rất khó đạt được sự hài hòa giữa các vùng này với thân; trong khi ở những dòng khác, chẳng hạn như beo, mục đích này có thể đạt được. Ở cá đơn sắc, vùng đầu và vây nên có màu đơn sắc và càng ít chỉ càng tốt.

    Màu của hoa văn thân – chỉ, hoa văn, vệt trên thân phải có màu ánh kim đậm và đốm đỏ. Với cá đơn sắc, toàn thân phải có màu đậm và đồng nhất. Đây là lãnh vực mà sự am hiểu của trọng tài về các dòng cá đóng một vai trò quan trọng. Chẳng hạn, màu đồng nhất ở cá đỏ và vàng khó đạt hơn nhiều so với cá xanh, và những con đạt đến mức độ tương đương với cá xanh nên được thưởng thêm điểm.

    Màu nền – đối với các lớp chỉ, hoa văn và đốm, màu nền phải đều và làm nổi bật màu của chỉ và đốm.

    [​IMG]
    Gian trưng bày cá dĩa ở triển lãm cá cảnh Praha (Czech) - năm 2009.

    Quy trình đánh giá
    Quy trình đánh giá trong một triển lãm cá dĩa nhìn chung bao gồm 4 bước. Bước đầu tiên và quan trọng nhất là thảo luận giữa ban tổ chức và các trọng tài về quy tắc đánh giá cũng như các vấn đề đặc thù của triển lãm. Mọi người sẽ thảo luận cách xử lý những con cá dĩa tham dự nhầm lớp cũng như các sự cố khác khiến cá bị loại. Ở một số triển lãm, cá bị thương hay dị tật nghiêm trọng sẽ bị loại ngay từ đầu. Một chủ đề cũng thường được đề cập là làm thế nào để đánh giá cá dĩa hoang hay cá dĩa lai. Chẳng hạn có nên đặc biệt châm chước cho con cá dĩa hoang có vây không đạt? Có nên đánh giá cá lai theo tiêu chí của dòng cá hoang mà nó phát xuất?

    Bước thứ hai là chấm điểm cá dự thi qua mẫu đánh giá do ban tổ chức cung cấp. Với những triển lãm lớn bao gồm hàng trăm ứng viên, các trọng tài không thể đánh giá chi tiết từng ứng viên. Cần phải có vòng sơ loại. Các trọng tài được yêu cầu chọn ra từ 6 đến 8 ứng viên từ mỗi lớp trong khi những ứng viên còn lại không được quan tâm nữa. Đây là thời điểm mà một lỗi dù nhỏ nhưng dễ nhận thấy có thể khiến cá bị loại khỏi vòng sau. Các trọng tài thường nhanh chóng loại chúng. Một khi các trọng tài quyết định xong, danh sách cá lọt vào vòng sau được tổng kết cho mỗi lớp. Quá trình chấm điểm dài và căng thẳng cho từng con cá vào vòng sau bắt đầu.

    Bước kế tiếp, thu thập mẫu đánh giá của các trọng tài và tính tổng số điểm cho từng ứng viên. Điểm số sẽ xác định các vị trí nhất, nhì và ba ở từng lớp. Trưởng ban trọng tài so sánh thang điểm của từng trọng tài. Hy vọng rằng các trọng tài đánh giá tương tự như nhau với đôi chút khác biệt nhỏ. Trường hợp có bất đồng giữa các trọng tài về một ứng viên nhất định, hoặc hai ứng viên có cùng điểm số, các trọng tài sẽ được yêu cầu đánh giá lại lần nữa. Quy trình tương tự được áp dụng cho từng lớp trong triển lãm.

    Bước thứ tư và sau cùng là chọn ra cá vô địch (Grand Champion). Các trọng tài được yêu cầu kiểm tra lại đánh giá của mình về cá hạng nhất ở mỗi bảng và chọn ra cá vô địch. Việc bầu chọn danh hiệu này được tiến hành một cách độc lập nhưng thường kéo theo những tranh cãi dữ dội giữa các trọng tài trước khi danh hiệu được thông qua và công bố.

    [​IMG]
    Ban trọng tài tại triển lãm cá dĩa Barcelona (Tây Ban Nha) - năm 2007. Thảo luận điều lệ và chấm điểm.

    Chuẩn bị cá dự thi
    Với hầu hết người chơi cá dĩa, nắm vững cách đánh giá cá dĩa sẽ gia tăng mức độ thú vị về thú chơi. Nói cách khác, có những người yêu thích việc tham dự vào các triển lãm cá dĩa. Nếu bạn là một người trong số đó, bạn cần chuẩn bị một số thứ để gia tăng khả năng đoạt giải.

    Nếu bạn chưa từng đem cá dự thi bao giờ thì tốt nhất nên tham quan vài triển lãm trước khi tham gia. Liên hệ với cộng đồng cá dĩa địa phương để tìm hiểu thông tin về các triển lãm gần nhất. Khi viếng thăm họ, bạn có thể thu thập thông tin và xin lời khuyên.

    Sau khi tìm hiểu, nếu bạn vẫn muốn tham dự triển lãm thì hãy yêu cầu ban tổ chức cung cấp bản điều lệ triển lãm và mẫu đánh giá. Điều lệ triển lãm phải giải thích rõ số lượng lớp dự thi và nguyên tắc đánh giá. Nghiên cứu điều lệ kỹ càng để quyết định lớp mà bạn tham gia dự thi và nắm vững những điều kiện bị loại. Liên hệ ban tổ chức để tìm hiểu điều kiện môi trường tại triển lãm. Nếu bạn luyện cá dĩa của mình quen với môi trường tương tự tại triển lãm thì cá của bạn sẽ thể hiện được phong độ tốt nhất tại triển lãm. Bạn cần tìm hiểu độ cao của kệ đặt hồ, kích thước hồ, nắp đậy, tấm phản chiếu, màu của phông nền và đáy hồ và quan trọng nhất là các thông số nước như độ pH và độ cứng.

    Nhiều tuần trước triển lãm, cách ly cá dĩa dự thi của bạn trong hồ riêng với điều kiện môi trường càng giống với triển lãm càng tốt. Bốn thông số quan trọng nhất cần giả lập là nhiệt độ, độ pH, độ cứng và chiếu sáng. Nếu điều kiện môi trường tại triển lãm quá khác biệt với điều kiện ở nhà bạn thì cá của bạn sẽ không thể hiện được phong độ tối đa. Nếu có thể, bạn nên chuẩn bị một ứng viên dự phòng trong trường hợp có sự cố bất ngờ khiến bạn không thể đem ứng viên dự kiến tham dự triển lãm. Cho cá nhịn ăn một ngày trước khi vận chuyển đến triển lãm.

    Các triển lãm cá dĩa thường cho phép thả cá vào hồ từ 24 đến 48 giờ trước khi chấm điểm. Gắng sắp xếp thả cá càng sớm càng tốt để cá có thời gian làm quen hồ. Khi vận chuyển, châm nước bịch đựng cá vừa đủ trên phần vây lưng. Sử dụng vợt to, nông và lưới mịn để bắt và chuyển cá vào bịch đựng. Vợt không phù hợp có thể làm tổn thương vây lưng và vây hậu môn. Sau cùng, lồng ba lớp bịch đựng với nhau rồi bơm ô-xy đủ cho cá thở trong thời gian vận chuyển. Bởi vì cá tham dự triển lãm quá giá trị và thường là độc nhất, để chắc ăn bạn nên nhờ tiệm cá địa phương đóng gói dùm.

    Đến nơi triển lãm, cẩn trọng chuyển cá vào hồ được chỉ định. Kiểm tra nhiệt độ, sục khí và độ pH của hồ trưng bày để đảm bảo chúng thích hợp cho cá của bạn. Đảm bảo rằng nắp hồ được đậy kỹ và mặt kiếng trước không bị dơ.

    Bạn đã làm tất cả để chuẩn bị cho việc tham dự triển lãm. Còn bây giờ, quyền quyết định nằm trong tay các trọng tài.

    [​IMG]
    Gian triển lãm cá dĩa ở Aquafair 2008 (Malaysia). Ở trên là con cá beo khoen với danh hiệu vô địch. Trong vòng 6 năm gần đây, cá dĩa beo và hoa văn đoạt hầu hết các giải vô địch (grand champion/best of show) trong các cuộc triển lãm cá dĩa trên toàn thế giới.

    Thảo luận chung
    Đánh giá sao cho chính xác là một nhiệm vụ rất khó khăn, các trọng tài đôi khi vẫn mắc sai sót. Tuy nhiên, quyết định của trọng tài cần được tôn trọng và hầu như là quyết định cuối cùng trừ phi ban trọng tài hay trưởng ban trọng tài chỉnh sửa lại kết quả (điều rất khó xảy ra trên thực tế). Do vậy, mỗi trọng tài nên chuẩn bị để giải thích kết quả chấm điểm của mình, đấy là lý do tại sao việc ghi chú và đánh dấu vào mẫu đánh giá sẽ giúp ích cho cả ứng viên lẫn trọng tài. Các trọng tài cũng cần chuẩn bị những dụng cụ cần thiết cho công tác chấm điểm bao gồm tài liệu, đèn pin, que và kiếng lúp. Với những dòng cá không quen thuộc, trọng tài nên tham khảo tài liệu và xin lời khuyên từ các trọng tài khác hoặc trưởng ban trọng tài.

    Trọng tài cũng là con người và có quan điểm riêng. Có trọng tài không chuộng “đầu gù” ở cá dĩa và loại những con có đặc điểm như vậy, mặc dù điều lệ chấm giải không ưu tiên cũng như hạn chế đặc điểm này một khi nó không ảnh hưởng đến dáng tròn tổng thể của cá. Hy vọng điều tương tự không xảy ra một cách thường xuyên ở các triển lãm cá dĩa, trọng tài phải khách quan, bám sát điều lệ chấm giải và không nên để “quan điểm riêng” của mình ảnh hưởng đến công tác đánh giá.

    Mức độ “hiếm – khó – xuất sắc” tuy không phải là một trong những yếu tố đánh giá nhưng một trọng tài kinh nghiệm nên cân nhắc đến những ngoại lệ bằng cách dành ra một hay hai điểm thưởng ở mỗi tiêu chí chấm điểm. Chẳng hạn theo cách này, nếu thang điểm chấm kích thước là 10 thì những con có kích thước 16 cm được coi là “đạt” và chấm 8 điểm. Những con đặc biệt to từ 18-20 cm sẽ được “thưởng” thêm 2 điểm và chấm tối đa 10 điểm.

    Ban tổ chức cần phối hợp với ban trọng tài để xây dựng, cập nhật và công bố điều lệ chấm giải. Việc phổ biến điều lệ chấm giải sẽ giúp định hướng thẩm mỹ cũng như nâng cao năng lực đánh giá cho mọi người. Điều lệ càng cụ thể, chi tiết thì công tác đánh giá càng bớt phần cảm tính. Để xây dựng điều lệ, ban tổ chức cần phối hợp với các câu lạc bộ cũng như người chơi nhằm tổng hợp các lỗi thông thường ở cá dĩa, phân tích và thiết lập các cấp độ lỗi, điểm trừ ở từng cấp độ cũng như mức gia giảm cho phép của trọng tài. Điều lệ chi tiết có thể khiến các trọng tài và người dự thi phải mất thời gian tìm hiểu nhưng suy cho cùng đó là điều cần thiết và thể hiện đúng sự đa dạng và tinh tế của thú chơi (tham khảo hệ thống tiêu chuẩn đánh giá cá betta: Sổ Tay Triển Lãm).

    Sau cùng, mọi người nên hiểu rằng cá đoạt giải là con đẹp nhất trong số những con dự thi nên sẽ rất bình thường nếu bạn thấy nó có lỗi hoặc chưa phải là con cá xuất sắc theo ý mình (những con khác còn kém hơn nữa!). Đối với các lớp triển lãm nhỏ, số lượng cá tham dự ít hoặc kém chất lượng thì ban tổ chức có thể cân nhắc trao ít giải thưởng hơn so với thường lệ. Sẽ không ý nghĩa gì khi tặng giải cho con cá mà chất lượng quá kém. Dĩ nhiên, nếu hạng mục có điểm số trên trung bình, tức khoảng từ 65 đến 70, thì giải thưởng sẽ được trao.

    Hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn xuyên suốt vào thế giới triển lãm và đánh giá cá dĩa; và quan trọng hơn cả, bạn có thể hỗ trợ ban tổ chức bằng những đóng góp có tính xây dựng.
     
    Last edited by a moderator: 5/3/16

Chia sẻ trang này