Onagadori - huyền thoại sống! Marc King - www.longtail-fowl.com Lời đầu: một khi được tôn xưng là Vua Lông Vũ thì nhất định phải đi kèm với những huyền thoại, chuyện kể và truyền thuyết (cả có thực lẫn đồn thổi). Trong trường hợp của gà onagadori, nhiều con ở Mỹ và châu Âu vượt xa so với trí tưởng tượng và sự hợp lý. Những thành công trong việc lai tạo giống gà thuần dưỡng hiển nhiên có giá trị như là một hay hai câu chuyện thú vị, vì vậy tôi sẽ gắng tóm lược cho các độc giả câu chuyện về giống gà tuyệt vời này. Đợt nhập khẩu gà đuôi dài đầu tiên vào châu Âu là gà “onagadori gốc” không thay lông (non-moulting). Tôi sử dụng tên gọi đặc biệt này vài năm gần đây cho những cá thể đuôi dài được nhập khẩu rải rác vào châu Âu từ những năm 1800. Gà onagadori được nhập khẩu rải rác trong hơn hai trăm năm qua với nhiều cấp độ chất lượng khác nhau. Theo tờ rơi “Festschrift” của Knut Roeder viết cho Hiệp hội Onagadori và Phoenix Đức, giống gà onagadori trở nên hoàn thiện như chúng ta thấy ngày nay vào thời Đại Chánh (Taiso, 1912 - 1926). Đợt nhập khẩu vào Mỹ diễn ra trong giai đoạn 1930-1940, và sau đó vào những năm 1960 cho một xưởng làm mồi câu giả (fly-tying). Đợt nhập khẩu đầu tiên vào châu Âu bắt đầu từ những năm 1800, rồi sau đó vào các năm 1970, 1980 và 1990. Ở châu Âu có một đợt nhập khẩu đình đám qua “gia đình Wild” ở miền nam nước Đức vào những năm 1970 với gần 40.000 euro chi phí. Những đợt nhập khẩu gần đây cũng được ghi nhận: qua Anton Huijkmann ở Hà Lan những năm 1960, qua Willy Coppens ở Bỉ những năm 1970, qua Knut Roeder ở bắc Đức những năm 1990. Những cá thể duy nhất mà tôi biết, xuất hiện công khai và chính thức, nhờ những nỗ lực tột bậc của gia đình Wild và Coppens ở Bỉ mà đến giờ tôi cũng chỉ thấy qua hình chụp. Tôi tin rằng Coppens cũng là nguồn phát xuất đầu tiên của nhiều giống gà Nhật và những người chơi gà ở châu Âu vô cùng biết ơn ông. Theo chỗ tôi biết, tomaru, satsumadori, totenko, onagadori, shamo và những giống gà khác được giới thiệu lần đầu thông qua Coppens và con trai ông. Có hai đợt nhập khẩu giống gà đuôi dài vào Mỹ. Đợt đầu là nhập khẩu chính thức qua Đại học Nam California và tác giả của bài viết trên tạp chí National Geographic vào năm 1970, tiến sĩ Dr Ogasawara mà những con còn lại đến tay Donald Barger ở California. Đợt nhập khẩu thứ hai diễn ra trước đó vào Hội chợ Thế giới 1940, những con còn lại đến tay Daniel Boone và sau đó được cải thiện và nâng lên một đẳng cấp cao hơn vào những năm 1960 bởi các nhà lai tạo bậc thầy John Kriner, Sr và John Kriner, Jr. Dòng gà của nhà Kriner sau đó đến tay Cy Hyde ở New Jersey, nơi mà từ đó lan ra toàn nước Mỹ dưới tên gọi “phoenix – onagadori.” Với những dòng gà ở Mỹ, chỉ những phát hiện gần đây về đặc điểm di truyền tương tự như bộ lông của gà onagadori mới khiến các nhà lai tạo bắt đầu tái tuyển chọn đặc điểm không thay lông ở gà trống tơ 3-5 năm tuổi. Nhiều dòng gà, thậm chí cả dòng thuần, cũng bị mất gien không thay lông đặc trưng, điều giúp chúng khác biệt với những giống gà còn lại. Ở những dòng gà mà tôi biết, chỉ có các dòng của Barger, Hujkmann, Coppens và Roeder là còn giữ được gien “thuần”. Và trong số đó, các dòng của Coppens và Roeder được pha trộn, phát triển và cải tiến nhiều nhất. (LƯU Ý: việc mang trứng gà ra khỏi Nhật Bản vẫn đang BỊ CẤM bởi Luật Bảo Vệ Di Sản Tự Nhiên. Trứng của các giống gà trong diện bảo vệ không được phép mang ra nước ngoài). Thông tin đề cập ở đây không chỉ về những cá thể mà tôi đang nuôi mà còn về 5 dòng gà mà tôi biết: Cy Hyde (Mỹ), Anton Huijkmann (Hà Lan), Brian Reeder (Kentucky - Mỹ), Donald Barger (California - Mỹ) và Knut Roeder (Đức). Những minh họa ở đây được tôi tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Hình minh họa thứ nhất lấy từ một tạp chí cổ ở San Marco mà tôi đấu giá được. Có một chú thích ngắn ở bên dưới rằng đây là một “hiện tượng.” Hình minh họa này được đăng vào năm 1921, thời mà giống gà onagadori và con cháu của chúng đã nổi tiếng và trở thành huyền thoại. Hình minh họa thứ hai, một con gà tại trại của nhà lai tạo Donald Barger ở California, đấy là một trong những con onagadori màu chuối đẹp nhất ở Mỹ. Dòng gà của Donald được phát triển từ những con mà tiến sĩ Ogasawara lấy từ Đại học California và một số từ dòng của Cy Hyde. Những cá thể mà Knut Roeder hiện đang sở hữu có lẽ là những con onagadori được nhập khẩu gần đây nhất ở phương Tây; thể hiện chất lượng lông và độ dài ở đẳng cấp cực cao. Hình minh họa thứ ba là dòng onagadori màu chuối lửa nhạt (goshi) của Hà Lan, được lai tạo trong hơn 20 năm bởi Anton Huijkmann gần Zwolle. Trong hình là một trong số gà của chính tôi vào năm 1988. Dòng này mang gien không thay lông với bộ lông đặc biệt dày. Chẳng may, không có con gà trống nào sống quá 3 tuổi do đó đuôi không bao giờ dài tới 2 m. Dòng này được phát triển từ những trái trứng lấy từ Nhật Bản vào cuối những năm 1960. Đột biến trắng xuất hiện từ biến thể màu điều nhạt akazasa, đi kèm với chân màu ô-liu. Biến thể trắng ở Nhật Bản chỉ có chân màu vàng. Biến thể màu chuối lửa goshi (goshiki) có lông cực dày, nhiều con có vài ba cặp lông phụng đột biến được săn lùng rất dữ. Nhiều bạn hữu chơi gà người Đức của tôi không cho rằng đây là gà onagadori thuần bởi vì chúng không giống với những con gà của vợ chồng Manfred và Hildegard Wild ở Steinmauer mà những con onagadori thuần của họ được lai với gà lơ-go (leghorn) với mục đích cải thiện thể chất vốn rất yếu ớt của chúng. Tất cả gà của tôi đều mua từ Knut Roeder vào 1990. Ông nuôi chúng trong vài năm, triển lãm tại hội chợ và rồi “đẩy” tất cả đi khi ông bắt đầu ấp được trứng gà onagadori. Hầu hết lứa gà đầu đều được bán từng con – nghĩa là không kèm gà mái. Một số cá thể thuộc dòng này vẫn còn sống đến ngày nay ở châu Âu. Nếu bạn đang giữ chúng thì hãy cho tôi biết nhé. Những con gà còn lại của Anton được trao cho con rể, người tiếp tục nhân bầy gà đến số lượng 85 con cho đến khi bị nhiễm chất thải độc có lẽ giữa vào những năm 1950, chất độc thấm vào chuồng nơi nhốt những con dê Cashmere và gà onagadori. Tất cả chết hết trong vòng ba ngày. Minh họa thứ tư là con gà mà tôi ấp từ trứng mua từ trang trại của Cy Hyde ở New Jersey, Mỹ, đây là dòng phát triển từ những cá thể tại Hội chợ Thế giới tổ chức ở Chicago vào năm 1934. Con gà này đại diện cho những con mà tôi ấp từ trứng. Màu chuối trắng (silver duckwing) sạch và sáng, chúng mạnh mẽ hơn so với dòng Hà Lan yếu ớt nhưng không nhiều lông bằng. Chúng không thể hiện gien “nm” và vẫn thay lông như bình thường. Gà của Cy Hyde được bán khắp nước Mỹ và được lai tạo với nhiều cấp độ thành công khác nhau từ Phoenix đuôi cực dài cho đến onagadori chất lượng thấp. Khi tôi viếng thăm trang trại của ông vào cuối những năm 1980, ông có vài con trống với đuôi dài gần 2 m nhưng đa phần đều ngắn hơn và được thả rông ngoài trời và thể hiện những tổn thương đuôi điển hình ở gà đuôi dài trong môi trường bùn đất ẩm ướt. Hầu hết báo cáo mà tôi lượm lặt trên mạng chỉ ra rằng dòng này cũng bị suy yếu vì lai cận huyết quá sâu với mục đích duy trì dòng thuần. Tuy nhiên, dường như việc tuyển chọn sai đã xảy ra trong nhiều thế hệ nên nhiều cá thể gà của ông không có gien “nm” mà trong những điều kiện thích hợp nhất, chúng sẽ tạo ra loại lông không bao giờ thay. Một vài dòng gà không thay lông mà tôi nghe nói vào năm 2001 và tiếp tục được phát triển dưới chế độ chăm sóc đặc biệt. Tôi xin giới thiệu sự phát triển của dòng gà phoenix mới, không thay lông ở Mỹ. Điều rất hứa hẹn là một số nhà lai tạo tâm huyết ở Mỹ đang làm việc để phục hồi hoàn toàn đặc điểm không thay lông vốn hiện hữu ở dòng gà gốc. Kết quả có vẻ rất khả quan vì nghe nói một số cá thể đặc biệt trong chương trình lai tạo không hề thay lông ở 4 và 5 tuổi. Tôi xin trích dẫn lời của Brian Reeder mô tả về di truyền của giống gà đuôi dài: “… “gt” không phải là gien chịu trách nhiệm cho sự thay lông. Đấy là gien chịu trách nhiệm cho sự tăng trưởng về độ dài của đuôi và các lông phụng hàng năm, dẫu cho gà có thay lông hay không. Chính alen “gt” khiến bầy lai F1 có đuôi dài hơn gà thường nhưng lại ngắn hơn gà đuôi dài bởi nó là gien đồng trội (co-dominant), thể hiện một phần ở đời F1. Gien không thay lông “nm” (non-moulting) hay “ns” (non-shedding) là gien lặn do đó đời F1 bao gồm toàn cá thể thay lông. Còn một gien thứ ba ở gà onagadori thuần là gien lông mã “sg” (saddle). Gien “sg” khiến cho lông mã dài ra giống như gien “gt” đối với lông đuôi và độc lập với gien “gt”, do đó đôi khi chúng ta thấy gà phoenix với bộ đuôi tuyệt vời nhưng lông mã không đủ dài và ngược lại. Gien lông mã có thể kết hợp với gien không thay lông như ở gà onagadori, nó có thể xuất hiện ở những cá thể phoenix thay lông hoặc không xuất hiện ở những giống gà đuôi dài như cubalaya hay sumatra. Onagadori là ví dụ về giống gà duy nhất kết hợp được cả ba gien trên dưới dạng đồng hợp tử và do đó là đỉnh cao đích thực của nghệ thuật lai tạo.” Tôi mong muốn đề cập đến sự khác biệt giữa giống gà onagadori thuần với onagadori lai hay còn gọi là phoenix-onagadori với đầy đủ hình minh họa và mô tả về cả hai. Để làm được như vậy, tôi phải đề cập đến những đặc điểm quan trọng của giống gà onagadori thuần trước... ------------------------------------------------------------------------- ONAGADORI, tiếp theo... Onagadori, “giống gà cao quý nhất”, được bảo vệ bởi chính quyền Nhật Bản trong nhiều năm trời và và được coi như là Bảo Vật Sống trong văn hóa Nhật Bản. Giống gà onagadori và giống gà phoenix do phương Tây lai tạo, có quan hệ nhưng không phải là một. Có nhiều nhầm lẫn ở Âu Mỹ về hai giống gà này bởi vì gà phoenix, ở hai bên bờ Đại Tây Dương, là sản phẩm lai tạp của gà onagadori. Gà onagadori là Bảo Vật Sống thuần và hiếm của các bậc thầy lai tạo và độc đáo ở phần trăm lông phụng, lông măng cũng như lông mã phát triển suốt đời. Gà mái cũng tương tự như gà mái của những giống gà lông dài khác về một số phương diện. Như những giống gà khác, có nhiều cấp độ chất lượng ở gà onagadori: cấp độ cao nhất là những con có từ hai đến ba cặp lông phụng và từ 60 đến 70% lông đuôi không thay. Chất lượng của gà onagadori cũng phụ thuộc rất nhiều vào cách nuôi dưỡng và gà với chất lượng di truyền cao nhất cũng không thể phát huy được độ dài mong muốn nếu chế độ nuôi không thích hợp. Kết quả nghiên cứu tại Nhật Bản của tiến sĩ Fritzsche chỉ ra rằng gien “gt” chịu trách nhiệm về độ dài của đuôi gà. “Kết quả thí nghiệm thực hiện trên gien tăng trưởng đặc biệt này, chứng tỏ rằng việc đạt được mục tiêu là cực kỳ khó khăn, bởi vì biểu hiện của những yếu tố di truyền không chỉ dựa vào những gien nhất định mà còn vào những bí quyết chăm sóc và nuôi dưỡng giống gà, tất cả chúng dường như đều đóng một vai trò nhất định trong đặc điểm không thay lông.” Để lai tạo, bạn phải nuôi nuôi một số gà trống trong môi trường cách ly, không căng thẳng, điều kiện nhiệt độ phù hợp nhất với giống gà đuôi dài. Một khi được chọn, đuôi của những con gà này được tỉa và thả chung với một nhóm gà mái tuyển, vốn là những con từ bầy mà gà cha không thay lông. Một khi gà onagadori được đem lai tạo, việc gia tăng hoạt động sẽ khiến lông măng (blood feather) trở nên khô và chịu tác động của quá trình thay lông bình thường. Chỉ bằng cách này bạn mới có thể phát hiện và duy trì gien không thay lông trong bầy gà giống. Một ví dụ thực tế: các hậu duệ onagadori thuần của Cy Hyde bị mất gien không thay lông dưới mọi hình thức vì sai sót trong tuyển chọn. Tôi nghe nói rằng có những dòng nhất định phát triển từ gà giống của ông đôi khi xuất hiện một hay hai cá thể không thay lông và chúng được sử dụng để củng cố tính trạng này. Để hiểu hiểu hết ảnh hưởng của gien này lên sự tăng trưởng của lông đuôi, tôi đã chụp hình những con onagadori để minh họa. NUÔI DƯỠNG Gà onagadori mái đẻ và ấp trứng giỏi nên có thể chăm con mà không gặp vấn đề gì, nhưng nếu nuôi số lượng lớn thì tốt nhất nên ấp nhân tạo và nuôi gà con trong chuồng ấm và khô. Điều quan trọng là tuyển chọn và tách nuôi những con gà trống chất lượng thật sớm. Quá trình tuyển chọn dựa vào tính tình (gà quá dữ sẽ tự cắn đuôi của chính mình, gà hiền lành và thuần dễ nuôi thành công hơn), số lượng lông đuôi (mỗi con gà trống phải có trên 40 lông đuôi và lông phụng) và lông mã. Những đặc điểm khác tùy thuộc vào tiêu chuẩn ở mỗi quốc gia bao gồm: mồng, tích, xương ức, cẳng và ngón. Cần lưu ý rằng giống gà onagadori, vốn phát triển trong vùng khí hậu ôn hòa của đảo Shikoku, miền nam Nhật Bản, phù hợp với khí hậu không quá nóng hoặc lạnh. Nếu nuôi ở vùng lạnh hơn thì nên sưởi chuồng. Nếu nuôi ở vùng nóng hơn thì cần tạo bóng mát (cây cối…) và thông thoáng. Nếu gà đột nhiên bị căng thẳng, chẳng hạn như bị rượt đuổi (bởi chó, mèo hay trẻ con), chúng có thể phản ứng bằng cách gồng cứng lông rồi sau đó thay hết những lông này. Gà trống dùng để lai tạo thường bị rụng 3/4 số lông không thay (non-moulting) trước đó vì những hoạt động mạnh bạo khi bắt cặp. Một con gà trống của bạn tôi ở Đức, Knut Roeder, khi được đem về chuồng nuôi riêng thì nhanh chóng mọc đuôi lại. Tôi có những con gà tương tự như vẹt thuần dưỡng, chịu đứng trên vai tôi và đuôi của chúng được rửa và hong khô bằng máy sấy tóc. Lông gà onagadori rất mềm ở phần ngực, chẳng hạn, bạn có thể thổi vào đám lông và chúng sẽ nhúc nhích và dựng lên. Lông cứng là dấu hiệu của lai tạp. Cần hết sức cẩn trọng khi lựa gà mái. Nguyên tắc tương tự như với gà trống là đuôi phải nhiều lông, lông phụng dài và lông mã dày. MÀU SẮC Các biến thể màu sắc được biết ở giống gà onagadori gồm: SHIROIRO = trắng (nhạn) AKAZASA = điều (black breasted red/red duckwing/"red bamboo"/akasasa) SHIROZASA = chuối trắng (black breasted silver/silver duckwing/shirofuji/shirafuji) GOSHIKI = chuối lửa/ngũ sắc (black breasted golden/golden duckwing) (đôi khi được gọi là goshi - một biến thể rất nhạt của màu điều AKAZASA, mà nhiều người Nhật tin là màu của con onagadori đầu tiên) SHOJO = khét (golden red-black tail/black-tailed buff) Màu khét được cho là đã tuyệt chủng từ cuối những năm 1980. Hiện nay, nhiều người Nhật đang nỗ lực tái tạo biến thể màu này bằng cách lai tạo những con cùng huyết thống với những con được xuất khẩu trước đây. Gà onagadori màu nhạn phải có chân vàng với tai trắng hanh vàng. Màu chân khác ở gà nhạn là xám ô-liu. Tai phải có màu trắng, liên kết di truyền tự nhiên với tông vàng-phớt xanh lục của sắc tố chân. Màu chuối trắng và điều không có vạch sậm màu ở giữa lông bờm và rất rất ít ở lông mã. Đấy là những đặc điểm quan trọng về màu sắc. Biến thể onagadori nhạn Biến thể onagadori điều Biến thể onagadori chuối bạc Biến thể onagadori chuối lửa
dài kinh,trước kia mình có con lông két,đuôi dài,lông tía mu lưng quệt đất,nó bay như gà rừng mà cũng ko bằng con này,kinh thật