Về Sóc Trăng bắt cá lia thia đồng L.S quê ở Sóc Trăng và từng làm chung công ty với tôi ở Sài Gòn. Năm ngoái hắn nghỉ việc về quê phụ giúp công việc kinh doanh của gia đình. Mọi người thường chọc hắn là “về quê chăn vịt”. Tuần trước (cuối tháng 7/2006), vợ chồng tôi ghé chơi dưới đó vì có hắn là dân thổ địa, biết chỗ đi chơi. Ngày đầu chúng tôi đi thăm vườn nhãn của người em họ của L.S ở Cù Lao Dung và hai chùa nổi tiếng ở Sóc Trăng là chùa Dơi, chùa Đất Sét. Ngày sau chúng tôi mướn xe hơi đi Bạc Liêu thăm nhà Công tử Bạc Liêu và Vườn Chim, nhân tiện ghé Vườn Nhãn nghỉ trưa, ăn bánh xèo. Chúng tôi thường gọi đùa L.S là “Hắc công tử” vì hắn đen thui, nhưng hắn chẳng giận vì vợ chồng tôi… cũng vzậy! Tóm lại là ai cũng vui, phần vì bạn bè lâu ngày mới gặp, phần nhờ không khí thoáng đãng và yên tĩnh ở miền đồng quê sông nước. Đây là lần đầu tôi đến Sóc Trăng nhưng đã nghe nói đến nhiều qua các trang sách của cụ Vương Hồng Sển; nhất là bài “Thú chơi cá thia thia” trong quyển “Phong lưu cũ mới”. Bài viết đề cập đến hoạt động nuôi và đá cá lia thia cách nay non một thế kỷ; và tất nhiên là nó rất hấp dẫn nhất là đối với những người yêu thích cá cảnh, trong đó có tôi. Phải nói là bài viết của cụ Vương có tác động đáng kể đến thú sưu tầm cá lia thia đồng của tôi gần đây. Nói thêm một chút, cá lia thia hay cá Xiêm đều được gọi chung là cá Betta, người ta chia chúng ra làm nhiều thể loại; chẳng hạn như Halfmoon (đuôi bán nguyệt), Crowntail (đuôi tưa), Plakat (cá đá đuôi ngắn hay cá Xiêm) và Wild Betta (cá hoang dã mà ở ta gọi là lia thia). Các thể loại đầu được lai tạo cho các mục đích chiến đấu (Plakat) hay nuôi làm cảnh (Halfmoon, Crowntail); chúng đều là cá lai tạp và được thuần dưỡng từ các loài Betta hoang dã. Ngày nay, một số người lại thích chơi cá thuần chủng (tương tự như người ta chơi chó, chơi mèo giống) nên mới phát sinh thể loại Wild Betta (gọi là hoang dã nhưng có là F1, F2… cũng được, miễn là phải thuần chủng). Có khoảng hơn 50 loài Betta hoang dã phân bố ở các nước trong vùng Đông Nam Á. Ở ta có khoảng 5 loài Betta gọi là cá lia thia đồng phân bố ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (xin đừng nhầm với các loài gọi là cá lia thia, cá cờ hay săn sắt ở miền Bắc và miền Trung; chúng không thuộc chi Betta mà thuộc chi Macropodus). Thú chơi lia thia đồng mới chỉ manh nha gần đây thôi, đa số mọi người thích nuôi cá Xiêm hơn. Hiếm khi có dịp về miền quê như thế này, đời nào tôi chịu bỏ qua cơ hội đi xúc, hớt cá lia thia đồng. Chiều hôm đó, trên đường từ thị xã Bạc Liêu về Sóc Trăng, tôi biểu L.S dừng lại chỗ nào có người bắt cá trên đồng để nhờ họ dẫn đi hớt cá lia thia. Trên đường về Chúng tôi không quay về theo đường quốc lộ mà đi qua hướng Vĩnh Châu. Đến một đoạn đồng trống có mấy mẹ con đang bắt cá, chúng tôi dừng xe. Người mẹ sử dụng loại lưới cầm tay liên tục quăng xuống kênh nước bên vệ đường rồi lại kéo lên, mỗi lần chị chỉ bắt được một vài con cua hay ốc nhỏ. Cô con gái lớn khoảng 15 tuổi đang bế đứa em nhỏ chưa biết đi, bên cạnh là chú bé khoảng 7-8 tuổi. Đây chính là người mà tôi cần hỏi. “Nè em, đồng này có cá lia thia không? Dẫn anh đi bắt anh cho tiền”. Cậu bé mở to mắt nhìn tôi có vẻ sợ sệt đến nỗi tôi phải hỏi lại rằng nó có biết con cá lia thia là con gì không thì nó gật đầu và nói rằng nó cũng có vài con cá lia thia đang nuôi chơi ở nhà. Người mẹ tiếp lời và khoát tay về phía cánh đồng phía xa bảo rằng ở đó có cá lia thia, tôi cứ vào đó mà bắt chớ nhà họ ở cách xa chỗ này cả cây số không tiện về lấy rổ. Tôi nài nỉ họ dẫn đi bắt cá lia thia hay bán mấy con của cậu bé lại cho tôi cũng được nhưng họ chỉ nhìn tôi với ánh mắt rụt rè và từ chối. Dù rất nóng ruột muốn xem mặt mũi con cá lia thia ở vùng đó như thế nào nhưng tôi đành chịu thua sau một hồi năn nỉ. Chúng tôi đi tiếp, mắt tôi như dán vào cửa sổ. Đến một xóm nhà có mấy chú bé người Khmer đang chơi ngoài sân, chúng tôi dừng xe vẫy tay gọi nhưng mà các em chỉ đứng đàng xa mà nhìn với ánh mắt rụt rè. Tôi mở cửa bước ngang qua đường “chộp” ngay một cậu bé đi xe đạp ngang qua rồi hỏi chỗ nào có cá lia thia thì nhận được một cái lắc đầu ngơ ngác. Lúc này thì các chị, các mẹ người người Khmer trong xóm túa ra nhòm ngó bàn luận rất hiếu kỳ. Chúng tôi đành lên xe đi tiếp. Tôi thầm cảm ơn những người đồng hành với những gì mà họ phải chịu đựng vì sở thích khác người của tôi. Thấy tôi rất thất vọng nên L.S gợi ý rằng chúng tôi có thể đi tìm cá lia thia vào sáng hôm sau ở Sóc Trăng nên tôi hầu như từ bỏ ý định tìm cá lia thia trên đường về. Chúng tôi tiếp tục đi hết đường Vĩnh Châu thì quẹo trái đi Mỹ Xuyên (tức Bãi Xàu). Khi đi qua một cánh đồng trống thấy có mấy người đang lúi cúi dưới kênh thì hy vọng bỗng lại trỗi dậy. Tôi bảo L.S dừng xe. Dưới kênh có hai cha con đang dùng vợt bắt cá. “Em ơi, có cá lia thia bán anh mấy con” tôi hỏi. Cậu bé trả lời là không có nhưng cha của cậu nói rằng phía chân cầu phía trước mặt có bán. “Oh, mannnn” đây là thông tin tích cực đầu tiên. Chúng tôi hào hứng tiến về phía trước. Cầu đây rồi, chúng tôi dừng lại hỏi hai người đàn ông trên cầu về cá lia thia thì lại được chỉ đến… cây cầu kế tiếp nữa. Đến cây cầu kế tiếp, tôi xuống xe hỏi mấy bé gái người Khmer về chỗ bán cá lia thia thì mấy em lắc đầu, hơi nghi ngờ tôi hỏi lại mấy em biết cá lia thia không thì chúng bảo rằng có biết. Vậy ra, người Khmer cũng gọi cá lia thia là …“lia thia”, hay quá ha! Tôi qua đường hỏi một ông già thì được biết là phải đến ngã ba có cây xăng kế tiếp mới có người bán cá! Tiếp tục lên đường thôi. Cây xăng đây rồi. Ghé hỏi thử mấy cậu bán xăng xem sao. Không ai biết cả ư? Vậy qua hỏi người đàn ông ở trần, quần xà lỏn đang lui cui bắt cá bên vệ đường xem sao. Ông này nói tiếng Việt lơ lớ nhưng qua trao đổi một hồi tôi cũng lõm bõm hiểu được là trong xóm có một người từng nuôi và ép cá lia thia, kể cả lai với cá Xiêm nữa để bán nhưng hiện giờ phải đi làm xa nên đổ bỏ hết đi rồi. Dẫu thất vọng ghê gớm nhưng tôi cũng cố nài nỉ ông dẫn ra đồng bắt cá lia thia hay nếu đang có thì bán cho tôi vài con. Ông nói là mùa này người ta xịt thuốc trừ sâu rầy nên cá chết hết, rất khó kiếm, nếu dăm ba ngày nữa tôi trở lại thì may ra ông kiếm được vài con. Nhác thấy mấy đứa nhỏ đứng lố nhố bên kia đường, ông “xổ” một tràng tiếng Khmer rồi quay qua bảo tôi là có đứa nhỏ đang nuôi cá lia thia. Ngay lập tức tôi phóng sang đường “Nè em, đem cá cho anh coi hé, được anh sẽ mua”. Cậu bé gật đầu rồi nhanh chóng biến ra sau một quán nước bên đường. Cậu này khá dạn dĩ, nó không có vẻ gì là ngơ ngác hay sợ sệt như những đứa tôi từng gặp trên đường. Tiếp theo đó là những phút chờ đợi vô cùng hồi hộp và phấn khích. Con cá lia thia đồng ở Sóc Trăng thuộc giống gì? Một phụ nữ Khmer có bầu từ trong quán bước ra; chị cười rất tươi và thân thiện. Không rõ chị quan hệ thế nào với thằng nhỏ nhưng chị nói gì đó về nó với vẻ rất quan tâm. Cuối cùng thì cậu bé cũng xuất hiện, mỗi tay cầm một lọ nước biển nửa lít. Bạn phải biết là tôi gần như vồ lấy chúng! Đây rùi! Điều đầu tiên đập vào mắt tôi đó là nắp mang của chúng có… màu xanh. Chính thị Betta aff. imbellis. Loài này tôi chưa có. Quan sát kỹ hơn thì cả hai con đều là cá đực, thân cá có nhiều đốm xanh óng ánh hơn ở loài mà tôi đang có là Betta splendens. Khi để hai chai gần nhau thì một con xung hơn con kia, nắp mang của nó nổi màu xanh tuyệt đẹp. Những gì sau đó diễn ra rất nhanh. Tôi móc túi đưa 20.000 đồng cho thằng bé. Nó lí nhí một hồi là không có tiền thối, tôi đoán giá cá chỉ một vài ngàn vì với ngần ấy tiền ở Sài Gòn có thể mua được hàng trăm con lia thia sáp. Tôi cười bảo nó cứ cầm lấy rồi đi vớt thêm cho tôi vài con cá cái nữa cho đủ cặp. Ngồi đợi trong quán một chập thì người đàn ông lúc nãy xuất hiện mang thêm hai lọ cá nữa. Tôi phát hiện một trong hai lọ có chứa một con cá cái nhỏ. Cá cái rất dễ nhận biết, vây và kỳ của chúng ngắn, thân có sọc dọc thay vì sọc ngang như ở cá đực, đặc biệt bụng lòi ra một trứng nhỏ màu trắng. Tôi đưa cho thêm cho ông 20.000 đồng để lấy luôn 2 chai nước biển của thằng nhỏ (mà tôi đoán là con ông này) cộng thêm cái lọ có chứa con cá cái nữa. Tôi thấy gia đình họ rất vui vẻ với vụ “giao dịch” này, tôi cũng vậy, mà có lẽ những người đi cùng với tôi còn mừng hơn vì họ sẽ thoát được những “quấy nhiễu” của tôi trên đường về. Và đúng như vậy, giã từ gia đình người bán cá xong, chúng tôi về đến Sóc Trăng mà không phải dừng lại một lần nào nữa vì tất cả tâm trí của tôi đã để vào việc mân mê, ngắm nghía mấy con cá lia thia vừa tậu được. Tại Sóc Trăng Như bị ảnh hưởng bởi sự nồng nhiệt thái quá của tôi, L.S hứa sẽ dẫn tôi đi săn lùng cá lia thia ở ngay thị xã Sóc Trăng bởi hắn tin rằng người ta có bán cá lia thia ở đó. Về đến nhà, sau khi an vị mấy con cá lia thia đâu đó xong xuôi, chúng tôi lái xe máy đi kiếm món dằn bụng sau chuyến đi dài khá mỏi mệt. Còn gì khác nữa ngoài món bún nước lèo Sóc Trăng! Nói thêm, trong chuyến đi này L.S bị tra tấn bởi hai điều, thứ nhất là cá lia thia còn thứ hai là… món bún nước lèo. Hắn là dân thổ địa tất nhiên là khoái món này rồi nhưng ăn theo kiểu… sáng, trưa, chiều, tối thì hắn… khóc lóc xin tha.Vậy đó! No bụng rồi, cả chiều tối chúng tôi rảo quanh phố tìm mua cá lia thia đồng nhưng chỉ thấy bán toàn cá Xiêm. Khi L.S đề nghị sáng hôm sau đi vớt ngoài ruộng thì tôi đồng ý hai tay, hai chân; phần vì tôi còn muốn kiếm con cá cái nữa thật đẹp, phần vì muốn trải qua cái cảm giác đi vớt “cá lia thia đồng” nó như thế nào. Khi quay về nhà tôi mới tá hỏa vì thấy con cá lia thia cái nhảy ra khỏi lọ cách xa đến 3 mét! Lại bắt nó trở vô rồi rút mực nước xuống còn khoảng 1 cm thôi, khỏi nhảy nhót gì được nữa. May mà nó vẫn còn sống! Sáng hôm sau, chúng tôi diện quần tà lỏn, rổ, lọ đầy đủ kéo nhau ra khu ruộng hoang phía sau nhà L.S. Chuyến đi này có một “đại ca” cỡ 12 tuổi là dân ruộng chánh gốc và đã có kinh nghiệm bắt, chơi và đá cá lia thia làm “trưởng đoàn” nên chúng tôi khá an tâm. Sau khi khảo sát nước “đồng sau nhà”, đại ca kết luận đây là nước tù, nước phèn không có cá lia thia. Thực tế chúng tôi chỉ thấy đám bọt của cá sặc mà thôi, đám bọt của cá lia thia phải nhỏ hơn. Chuyến đi không để lại ấn tượng gì ngoài việc “trưởng đoàn” mặc bộ đồ thun màu đỏ nên không dám đi ngang qua mấy con bò đang gặm cỏ, sợ chúng rượt. Chúng tôi tiếp tục khảo sát một “đồng khác cách nhà vài trăm mét”, ở phía bên kia đường. Ghé vài mảnh ruộng nước sâm sấp độ nửa gang tay nhưng không thấy có cá. Tiếp tục đi qua một con rạch khoảng 3 m để coi mấy mảnh ruộng phía bên kia, cũng chẳng có bóng dáng cá lia thia hay bất kỳ loài cá nào khác. Khi quay về ngang qua kênh thì xảy ra chuyện rất tức cười. Số là chúng tôi phải bước qua một cây cầu khỉ to cỡ bắp chân. L.S đi đến giữa đường thì … Ùm…ướt như chuột lột. Mọi người được một phen cười bể bụng. “Trưởng đoàn” phát hiện vài lọ thuốc trừ sâu bên bờ ruộng nên khoát tay biểu chúng tôi trở về, không kiếm cá nữa. Đồng nào đã xịt thuốc trừ sâu thì chỉ có cua mới sống nổi thôi, cá chết hết. Chúng tôi lấy xe rảo một vòng quanh các con kênh ở ngoại ô nhưng không thấy chỗ nào có ổ bọt, dấu hiệu có cá lia thia làm tổ. L.S về thay đồ rồi lại dẫn tôi đi kiếm cá lia thia ở mấy tiệm cá nhưng không tiệm nào có. Ở đây không ai bán cá lia thia làm thức ăn cho cá La Hán như ở Sài Gòn. Chỉ duy nhất một tiệm ở ngã tư… có cô bán cá dễ thương mà lại rành về cá lia thia nữa. Hôm chúng tôi đến cô nói cá lia thia lâu lâu mới có mà bán rất chạy. Tiệm cô chỉ còn hai con cá lia thia đực mà tôi thấy cũng là loài Betta aff. imbellis nhưng mà tôi lại chỉ muốn mua lia thia cái thôi. Ngoài ra tiệm bán nhiều cá Xiêm và lia thia lai Xiêm. Được biết người ta lai cá lia thia đực với cá Xiêm cái để cho ra bầy cá con có màu sắc óng ánh như cá lia thia mà lại sậm màu như cá Xiêm. Đặc biệt, chúng có đuôi và vây hậu môn dài, đẹp như cá lia thia cha. Mấy con mà tôi thấy màu rất khác với cá lia thia đồng. Nhưng mà tôi sưu tầm thể loại “Betta hoang dã” nên mấy thứ cá này tôi không quan tâm lắm. Nhớ lại ngày xưa chơi cá thì ngoài cá phướn, cá đuôi dài, còn có 3 loại cá đá là cá Xiêm xanh lá, Xiêm tím và Kỳ Điểm. Cách phân loại và gọi tên như vậy do bà bán cá gần xóm quy định (mỗi bà bán cá đều là một nhà ngư loại học!). Ai cũng biết cá Xiêm xanh lá, cá Xiêm tím đá rất bền còn cá Kỳ Điểm có răng sắc và đá dữ dội hơn nhưng lại hay chạy sảng. Ngày nay thông tin đầy đủ, tra trên mạng mới thấy con cá đá thuần dưỡng bên Thái Lan tức Plakat có màu tương tự như cá Xiêm xanh lá, Xiêm tím còn cá Kỳ Điểm lại khá giống với cá Betta hoang dã tức cá lia thia đồng. Như vậy, cá Kỳ Điểm có lẽ là cá lai giữa cá Xiêm với cá lia thia đồng; cũng vì lẽ đó, khi lựa cá Xiêm “rặt” tụi con nít trong xóm thường rỉ tai nhau bí quyết “càng ít màu đỏ trên vây càng tốt” bởi vì cá hoang dã có chót vây màu đỏ. Trưa hôm đó, sau khi cám ơn L.S vì lòng hiếu khách, chúng tôi từ biệt hắn và quay về Sài Gòn. Cá được đổ từ chai nước biển sang chai nước suối nhỏ để chống va đập khi di chuyển. Ngang qua Cần Thơ thì bị kẹt phà khoảng 1 tiếng nên 9 giờ tối mới về đến nhà. Về nhà, tôi thay nước mấy lọ cá, sau để lên giá, ngắm một hồi cho đã rồi lên lầu đi ngủ. Sáng sớm vừa thức dậy là phi xuống ngó chừng coi mấy con cá ra sao. Tuyệt vời! Chúng trông rất khỏe mạnh, tự nhiên và xinh đẹp như vốn từng ở đấy từ rất lâu rồi. Lời kết Tuy đợt này không có dịp tự tay hớt cá lia thia đồng nhưng tôi hy vọng mình còn nhiều cơ hội để làm điều này. Dù sao thì đi chơi mà kiếm được cá cũng là một thành công đáng kể rồi. Ở Sài Gòn mùa này kiếm cá lia thia rất dễ (chúng được bán lẫn lộn với cá bã trầu làm thức ăn cho cá La Hán) nhưng tôi thấy toàn là loài Betta splendens mang đỏ; không rõ người ta vớt chúng ở đâu nữa. Còn loài Betta aff. imbellis sống trên đồng lúa và các con kênh lân cận nên ngày nay trở nên khá hiếm bởi vì nông dân xịt thuốc trừ sâu. “Khá hiếm” ở chỗ nếu như lùng sục như thằng tôi thì thể nào cũng tìm ra nhưng biểu cứ ra sau nhà lấy rổ mà vớt thì chắc là không còn đúng nữa rồi. Vậy đó, ai muốn chơi thể loại cá Xiêm đá, cá Xiêm cảnh thì cứ ra phố mà mua, chỗ nào cũng có; còn như cắc cớ mà chơi thể loại cá “lia thia đồng” thì làm ơn chịu cực, chịu khổ chút xíu vậy.
hẹn bạn trong vòng 1 tuần mình sẻ cho bạn sem cá liathia mang xanh của Kiên Giang,đúng cá liathia đồng còn nhanh có thể 3 ngày mình có hình là up lên liền
nghe bạn nói chắc có nhiều anh em mong lắm, sớm hơn 1 tuần đi ( năn nĩ đó) bạn cho anh em trên diễn đàn xem thôi hay là bạn share với anh em vậy? nếu được chia sẽ mấy em mang xanh dưới chổ bạn cho mấy anh em trên diễn đàn, lấy về mấy em betta hiện đại cho vui.
Có chuyện này nhờ các chuyên gia liathia đồng cho hỏi: Liathia mái khi xung lên bụng nó nổi sọc đúng không? Trong hoang dã liathia mái có tạo ổ bọt không? Anh Vnreddevil cho Raymond 4 con, nhìn bên ngoài là 1 trống 3 mái. Nhưng có 1 con mái to gần bằng con trống, bụng nổi sọc tùm lum, khi ngâm nước lá bàng (vì Raymond dùng nước lá bàng thay nước tập thể) thì nó tạo tổ bọt. Raymond tính ép con mái này, mình cũng biết là có những con mái nó cũng tạo tổ bọt và tự đẻ luôn. Nhưng con này tạo tổ bọt rất dày, hơn những con trống khác nên đâm ra--->mất tự tin vào mình....He He He...
Em thấy lia thia đồng mái nổi sọc đứng là chuyện rất bình thường, còn nó có nhả bọt hay ko thì em cũng ko để ý lắm...Anh Raymond ép thử đi, tụi này lâu lớn nhưng mạnh cùi cụi.