Nhóm Splendens Chi cá (genus) Betta bao gồm khoảng gần bảy chục loài phân bố ở vùng Đông Nam Á. Bởi vì các loài betta hoang dã rất đa dạng về màu sắc, hình dạng, phân bố và tập quán nên người ta phân chúng thành nhiều nhóm khác nhau. Trong khi việc phân biệt giữa các nhóm khá dễ dàng thì phân biệt giữa các loài trong một nhóm lại khó khăn bởi những khác biệt về hình thái là rất nhỏ. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung vào nhóm cá betta quen thuộc với mọi người nhất – nhóm splendens (splendens complex). Nhóm splendens là nhóm cá rất quan trọng vì chúng được coi là tổ tiên của tất cả các loại betta cảnh hiện đại mà chúng ta thấy ngày nay. Nhóm này bao gồm các loài sau: *Betta splendens Regan, 1910: loài bản địa ở lưu vực sông Mekong, phân bố rộng bao gồm Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam. Đặc điểm: sọc đỏ trên nắp mang. Betta siamorientalis Kowasupat, Panijpan, Ruenwongsa & Jeenthong, 2012: phân bố ở các tỉnh đông Thái Lan gồm Chachoengsao, Sa Kaeo, Prachin Buri và Chon Buri cùng với tỉnh Banteay Meanchey ở tây Cambodia (giáp giới Sa Kaeo). Đặc điểm: thân rất đen và ít ánh kim, mang đỏ hoặc đen. Đến nay (2024), nhóm tác giả vẫn chưa cung cấp bằng chứng vững chắc (DNA barcoding) cho việc xác định loài Betta siamorientalis nên hiện nó được xem như là tên phụ đồng nghĩa của Betta splendens (Fishes Of The Indochinese Mekong; Nagao Natural Environment Foundation; Tokyo, Japan, 2021). *Betta imbellis Ladiges, 1975: phân bố ở Thái Lan, Malaysia, Sumatra (Indonesia), Việt Nam và được giới thiệu vào cả Singapore. Đặc điểm: sọc xanh trên nắp mang (cá lia thia mang xanh ở Việt Nam là Betta cf. imbellis, vì chưa có tài liệu định loại nào về chúng kể từ thời còn được xem là B. splendens, riêng quần thể mang xanh Phú Quốc có đốm đen trên đuôi tương tự B. smaragdina và B. stiktos). *Betta smaragdina Ladiges, 1972: loài bản địa ở cao nguyên Khorat, đông bắc Thái Lan và một số nhánh sông Mekong ở Trung Lào. Đặc điểm: đốm ánh kim đặc trưng trên thân, các sọc ánh kim và chấm nhỏ đặc trưng trên vây. Biến thể guitar có vây lớn và sọc ngang như phím đàn hoặc mạng nhện. Betta splendens Long An (ảnh Trần Gia Huy) Betta splendens (ảnh Minh Trí Kiệt) Betta imbellis (ảnh Blackwater Aquatics) Betta smaragdina (ảnh Linh Le Tuan) Betta smaragdina Buriram "super green" (ảnh Minh Trí Kiệt) Betta smaragdina Guitar với những vạch dọc trên vây như phím đàn (ảnh Minh Trí Kiệt) *Betta stiktos H. H. Tan & P. K. L. Ng, 2005: địa bàn chuẩn là các dòng chảy nhỏ từ Stung Treng đến Ban Lung, khoảng 3/4 đến cầu bắc qua Tonle Srepok. Đặc điểm: đốm đen đặc trưng trên các vây lẻ, châu lan đến tận mí mắt và gai vây bụng (kỳ) xanh. Loài rất giống và quan hệ rất gần với Betta smaragdina. Betta stiktos (ảnh Minh Trí Kiệt) Green Alien (Stiktos hybrid) với các vạch đen đặc trưng ở các vây lẻ, nhất là vây hậu môn (ảnh Minh Trí Kiệt) *Betta mahachaiensis Kowasupat, Panijpan, Ruenwongsa & Sriwattanarothai, 2012: phân bố ở vùng Mahachai trong các đầm nước lợ cửa sông, cách Bangkok khoảng 20 km. Loài vốn được biết đến từ lâu trong thú chơi và có ý kiến cho rằng chúng là cá lai tạp. Nhưng vào năm 2012, B. mahachaiensis được công nhận là loài chính thức. Đặc điểm: đốm ánh kim lớn trên thân, các sọc ánh kim đặc trưng trên vây. Betta mahachaiensis (ảnh Minh Trí Kiệt) *Dr. Gene Lucas, người bỏ cả đời nghiên cứu cá betta, có quan điểm trái chiều về các loài betta hoang dã. Theo ông, những loài trong nhóm splendens (complex) là các biến thể thuộc về cùng một loài Betta splendens mà thôi. Lý do là các loài có thể pha (cross) lẫn nhau. Trên thực tế, người ta đã lai tạp đủ kiểu khá dễ dàng, ngoại trừ B. plendens x B. mahachaiensis với một số khó khăn. *Loài thuần chủng lại là một vấn đề khác. Hoạt động đá cá hoang dã thúc đẩy việc lai tạp (hybrid) cá hoang dã với cá thuần dưỡng, vốn có nguồn gốc pha tạp lâu đời. Số cá lai tạp này lại được thả về môi trường bán tự nhiên như ao, hồ để giấu giếm thân phận cá lai (lai biệt dạng). Không gì đảm bảo số cá này không thoát ra ngoài và nhiễm vào nguồn gien hoang dã. Hậu quả, loài thuần chủng đúng nghĩa gần như biến mất khỏi môi trường tự nhiên! Cận cảnh đầu và nắp mang của cá trống: (a) Betta splendens, (b) Betta imbellis, (c) Betta mahachaiensis, (d) Betta smaragdina, (e) Betta stiktos (châu lan đến mí mắt) (http://novataxa.blogspot.com) Bảng liệt kê về các đặc điểm của mỗi loài (theo Nonn Panitvong): Đặc điểmBetta splendensBetta imbellisBetta smaragdinaBetta mahachaiensisNắp mang2 vạch đỏ2 vạch lụcVảy xanh bao phủ gần hết nắp mang2 vạch lục/lamThânBình thườngBình thườngDài hơn hai loài đầuDài hơn hai loài đầuTia vây bụng (kỳ) đầu tiênĐen chóp trắngĐen chóp trắngĐen chóp trắngLục/lam chóp trắngMàu đuôiLam & đỏ. Viền đỏ. Không chấm đenLam & đỏ. Viền đỏ. Không chấm đenLam & đỏ. Không viền đỏ. Một số quần thể có chấm đenLam & đỏ. Không viền đỏ. Thường có chấm đenVây lẻBình thườngBình thườngLớn hơn hai loài đầuLớn hơn hai loài đầu (dường như Nonn Panitvong lẫn lộn về đặc điểm chấm đen ở đuôi. Chấm đen thường xuất hiện ở Betta smaragdina, còn Betta mahachaiensis chỉ thỉnh thoảng mới có chấm đen) *Nhiều người hiện đang bán các biến thể copper và blue như là một loại hoang dã (wild type) đích thực! Điều này có đúng không? Hãy quay lại kiến thức về cá betta ánh kim (thuần dưỡng) với ba loại màu cơ bản: lục (BlBl), thép (blbl) và lam (kết hợp của cả hai, Blbl). Nên nhớ rằng xanh thép (bl) là một đột biến màu, chỉ hiện diện ở cá thuần dưỡng. Copper là kết hợp của xanh thép với gien hoang dã (blbl++). Cá hoang dã chỉ có một màu duy nhất: xanh lục (BlBl++). Một khi bạn nhìn thấy màu copper hay blue, tức có sự hiện diện của xanh thép (bl), nghĩa là loài “hoang dã” đã được “lai” với cá thuần dưỡng. Đấy là cá lai (hybrid), không phải cá hoang dã. Copper Smaragdina (ảnh Minh Trí Kiệt) Blue Guitar (ảnh Linh Le Tuan) *Có một quy luật về phân bố lia thia: tả ngạn sông Cửu Long là mang xanh (Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu...); hữu ngạn sông Cửu Long là mang đỏ (Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, Củ Chi...). Tài liệu tham khảo Betta splendens Regan, 1910 - Rainboth, W.J., 1996. Fishes of the Cambodian Mekong. FAO species identification field guide for fishery purposes. FAO, Rome, p. 215 Betta smaragdina Ladiges, 1972 - Betta smaragdina nov. spec., Aquarien und Terrarien-Zeitschrift 25(6): 190-191 Betta imbellis Ladiges, 1975 - Betta imbellis nov. spec., der Friedliche Kampffisch. D. Aqu. u. Terr. Z. (DATZ)28 (8): 262–264 Betta stiktos H. H. Tan & P. K. L. Ng, 2005 - The fighting fishes (Teleostei: Osphronemidae: genus Betta) of Singapore, Malaysia and Brunei. Raffles Bulletin of Zoology Suppl. 13: p.95 Betta mahachaiensis Kowasupat, Panijpan, Ruenwongsa & Sriwattanarothai, 2012 - Betta mahachaiensis, a new species of bubble-nesting fighting fish (Teleostei: Osphronemidae) from Samut Sakhon Province, Thailand Betta siamorientalis Kowasupat, Panijpan, Ruenwongsa & Jeenthong, 2012 - Betta siamorientalis, a new species of bubble-nest building fighting fish (Teleostei: Osphronemidae) from eastern Thailand ======================== Nhóm Splendens Stiktos – Báu Vật Dòng Srepok Về tên khoa học của lia thia mang đỏ
Lia thia mang đỏ và mang xanh Việt Nam với chóp vây hậu môn "sắc sảo". Chưa kể lưng và đầu hoàn hảo, đúng chất cá hoang. Đặc điểm khá hiếm ở cá Thái, rất đáng để lai tạo vào các dòng hoang dã ngoại nhập.