Trai tai tượng Tridacna maxima James Father.ree Trong số những loài thuộc họ trai tai tượng Tridacnidae, trai Tridacna maxima chắc chắn là một trong số những loài hấp dẫn nhất. Loài trai khổng lồ này có nhiều biến thể màu sắc và hoa văn đến nỗi tôi không thể đưa ra một màu hay một dải màu đặc trưng nào. Chúng thực sự là kết hợp của mọi thứ, từ đen cho đến trắng tinh, và với bất cứ cấp độ màu trung gian nào. Thêm nữa, hoa văn trên lớp áo của chúng có thể là sọc, lấm tấm, đốm, loang lổ, cẩm thạch… Một số có tên riêng trên thị trường, chẳng hạn như maxima sọc (striped), maxima giọt lệ (teardrop), siêu maxima (super), cực maxima (ultra)… Vì vậy, dễ hiểu tại sao chúng là loài bán chạy nhất. Những cá thể khỏe mạnh tương đối dễ chăm sóc, nhưng chúng cần được chiếu sáng đặc biệt và không hề “bất tử” một khi đề cập đến việc nuôi dưỡng một cách lâu dài. Trai maxima ngoài tự nhiên Để bắt đầu, trai tai tượng Tridacna maxima là loài phân bố rộng nhất trong số các loài tridacnid. Chúng được phát hiện ở biển Đỏ, và phân bố từ Đông Phi qua Ấn Độ-Thái Bình Dương đến tận quần đảo Polynesia. Chúng cũng phân bố về phía bắc đến biển nam Nhật Bản, và về phía nam đến rặng san hô Lớn. Chúng cư ngụ ở những nơi nước nông và trong, đa số ở độ sâu dưới 8 mét. Tuy nhiên, chúng không giới hạn ở độ sâu này vì đôi khi được phát hiện ở độ sâu lên đến 15 mét. Jaubert (1977) ghi nhận rằng mật độ cá thể đột ngột giảm ở độ sâu trên 7 mét, dẫu những cá thể ở độ sâu lớn hơn hầu hết là những cá thể đơn độc. Ngoài độ sâu, trai maxima thường xuất hiện trên nền đá vôi, các tảng san hô sống, nền san hô vụn (coral rubble) và đôi khi trên nền cát. Trên nền cứng, chúng tạo ra một khuôn cạn vừa khít với phần đáy và bám chặt vào đó bằng một cấu trúc rắn chắc gọi là tơ chân (byssus). Vì vậy, chúng ở yên một chỗ cả đời với một phần ba hay một nửa phần đáy thân vùi sâu dưới nền. Ngược lại, trên nền san hô vụn, chúng đơn giản chỉ tự chôn mình giữa đám san hô và dùng tơ chân bám vào nền cứng, nếu có. Một lần nữa, thường chỉ có một phần vỏ nhô lên trên nền đáy. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là chúng không làm vậy trong hồ cảnh. Dường như, nếu chúng không làm vậy khi còn non thì sẽ không bao giờ làm nữa vì vậy đừng mong đợi cá thể chịu bám vào táng đá tươi của bạn. Bằng không, chúng luôn sử dụng tơ chân để bám vào nền đáy. Về lớp vỏ, chúng thường có màu trắng xám khi sạch sẽ, nhưng thú vị thay, đôi khi lại có tông màu vàng nhạt hay cam tím. Và mặc dù hiếm, vỏ có thể có màu vàng. Cũng lưu ý rằng, vỏ maxima có thể đạt kích thước tối đa đến 40 cm nhưng đó là kích thước lớn nhất được ghi nhận (Kinch, 2002). Do đó, bạn đừng mong bất kỳ cá thể nào của mình thật to. McMichael (1974) khảo sát hàng trăm cá thể maxima ngoài tự nhiên và báo cáo rằng chỉ một số ít phần trăm đạt kích thước trên 23 cm. Do đó, cá thể giữ kỷ lục chắc chắn là một đột biến của loài này. Nuôi dưỡng Về vấn đề nuôi dưỡng, yêu cầu chất lượng nước nhìn chung ở mức tiêu chuẩn cho các hồ san hô. Độ pH tốt nhất nên ở tầm từ 8.1 đến 8.3 và độ kiềm tối ưu ở tầm từ 9 đến 12 dKH. Nồng độ can-xi nên duy trì ở mức từ 380 đến 450 ppm, và bạn nên lưu ý rằng một khi trai tăng trưởng, nó bổ sung chất liệu vào toàn bộ mặt trong của vỏ, chứ không chỉ ở viền trên cùng. Chúng vì vậy tiêu thụ nhiều can-xi hơn so với những gì mà bạn thấy. Nhiệt độ nên duy trì ở tầm tối ưu từ 25 đến 28 độ C, và độ mặn nên từ 1.025 đến 1.027 khi sử dụng đơn vị đo là tỷ trọng. Một khi có dòng nước, trai tai tượng ở môi trường rặng san hô và vùng kế cận thường xuyên phơi mình trong dòng chảy mạnh và biến động. Điều này đặc biệt đúng với trai maxima vốn sống trên mặt rặng san hô, nơi sóng cuốn mạnh nhất – chúng đã quen với sóng mạnh, giật và sự biến động của nước. Tuy nhiên, trong hồ cảnh, dòng nước có xu hướng đều đặn và đẳng hướng bởi vì đầu ra của máy bơm thổi nước theo đúng một hướng cả ngày lẫn đêm với cùng một khối lượng mỗi phút, hầu như không tạo ra sóng giật và biến động. Vì vậy, bạn cần lưu ý điều này một khi bố trí trai trong hồ cảnh. Đặt trai maxima ở nơi có dòng chảy chậm hay ít biến động cũng được, nhưng đặt chúng ở vị trí mà máy bơm liên tục thổi dòng nước mạnh và đẳng hướng là không nên. Nói chung, bất kỳ dòng chảy nào khiến lớp áo liên tục bị cuốn lên trên quá nhiều (hay gập lên chính nó), cũng như bất kỳ dòng chảy nào liên tục đẩy lớp áo vào bên trong, đều không tốt. Do đó, bạn có thể bố trí trai ở bất kỳ vị trí nào mà bạn thích miễn là lưu ý để dòng chảy không tác động như trên. Tôi xin bổ sung thêm rằng dẫu trai hầu như cư ngụ ở vùng có nền cứng hay vụn ngoài môi trường tự nhiên và rất nên bố trí chúng như vậy, thì điều này là không bắt buộc. Đặt trai ở nền cát/sỏi không hề làm chúng chết, nhưng trai thường di chuyển rất nhiều, cố tìm chỗ nào đó để tơ chân bám vào. Ánh sáng và dinh dưỡng Ngoài ra, việc cung cấp đủ ánh sáng thực sự là yếu tố quan trọng nhất trong việc chăm sóc trai tai tượng. Giống như san hô, trai tridacnid chứa một cộng đồng tảo đơn bào gọi là zooxanthellae, nguồn cung cấp dinh dưỡng cho chúng. Những tế bào tảo được chứa trong các mô áo mềm và chúng cần ánh sáng mạnh để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho vật chủ. Do vậy, nhất định phải cung cấp đủ ánh sáng cho trai maxima nếu muốn nuôi chúng sống một cách lâu dài. Maxima sống ở độ sâu tương đối thấp nơi chúng nhận được khá nhiều ánh sáng vì vậy đèn huỳnh quang chỉ thích hợp với hồ nông, hay nếu cá thể được đặt trên tảng đá gần mặt nước trong hồ sâu. Tôi cố gắn càng nhiều bóng đèn càng tốt lên chụp đèn (canopy/fixture) và treo bóng gần mặt nước, rồi bố trí bất kỳ cá thể nào cách mặt nước chưa đầy gang tay, ít hơn càng tốt. Một số cá thể đôi khi có nhu cầu ánh sáng ít hơn và có thể đặt sâu hơn nhưng tôi khuyến cáo bạn không nên thử. Đèn halogen kim loại là tốt nhất, với bóng đèn tiêu chuẩn 175 watt, thường cung cấp đủ ánh sáng cho hồ kích thước từ nhỏ đến trung bình - với độ sâu dưới 45 cm. Tuy nhiên, tôi tăng công suất bóng đèn lên từ 250 đến 400 watt nếu cá thể được bố trí sâu hơn. Tôi biết nghe có vẻ nhiều nhưng việc chiếu sáng không đủ dường như là nguyên nhân phổ biến nhất khiến trai bị chết. Vấn đề ở chỗ ánh sáng hoàn toàn đủ để san hô phát triển tốt nhưng vẫn chưa đủ cho các loài trai tai tượng, chẳng hạn như maxima. San hô là sinh vật sơ khai, không thực sự có “ruột”, trong khi trai tridacnid có đầy đủ mọi bộ phận như động vật bậc cao. Chúng có bao tử, thận, tuyến sinh dục, mang và thậm chí cả tim vì vậy chúng có cấu tạo phức tạp hơn nhiều so với bạn nghĩ và chúng tiêu thụ rất nhiều năng lượng để duy trì mọi bộ phận vận hành. Vì vậy, xin nhắc lại, một khi cung cấp đủ ánh sáng cho trai thì cũng đủ cho san hô. Sau cùng, có một câu hỏi là khi nào bạn cần cho trai maxima ăn trong hồ cảnh. Tất cả trai tridacnid đều là những loài kiếm ăn bằng cách lọc nước (filter feeder) mà chúng lọc những phần tử hữu cơ từ môi trường xung quanh nhờ mang. Tuy nhiên, tảo zooxanthellae có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu dinh dưỡng của chúng, và chúng cũng có khả năng hấp thu trực tiếp nhiều chất dinh dưỡng từ nước biển. Trên thực tế, nếu được chiếu sáng đầy đủ, trai maxima dù với kích thước nào cũng không cần lọc nước và có thể tồn tại trong môi trường thiếu vắng phần tử hữu cơ chừng nào còn có đủ chất dinh dưỡng hòa tan. Chi tiết làm thế nào để trai tridacnid có thể thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng của mình được mô tả bằng một chương riêng trong quyển sách gần đây của tôi, Giant Clams in the Sea and the Aquarium (Liquid Medium, 2006), vì vậy tôi chỉ đề cập ngắn gọn ở đây và rằng, trong hồ cảnh, mọi thứ đều ổn nếu trai được chiếu sáng đầy đủ và chỉ cần cho cá ăn. Lượng thức ăn thừa sẽ trở thành mùn bã hữu cơ mà trai maxima có thể lọc được, và thức ăn thừa cũng tiết ra chất dinh dưỡng vào nước khi tan rã. Tương tự, thức ăn mà cá tiêu thụ cũng sẽ được thải ra và trở thành mùn bã. Nhưng quan trọng hơn, cá cũng tiết ra chất hòa tan mà trai có thể thấp thu. Chẳng hạn, cá thải ra ammonia mà trai có thể hấp thu và dùng nó như là nguồn cung cấp ni-tơ. Do đó, khi bạn cho cá ăn thì cũng có nghĩa là bạn cho trai ăn. Vì vậy, câu hỏi thực sự sẽ là: có đủ cá trong hồ để nuôi một hay nhiều trai không. Dẫu điều này hiếm thi xảy ra, tôi đề nghị nên để tải sinh học của cá (fish load) thấp (hay tải sinh học của trai cao, tùy cách hiểu), điều này có nghĩa rằng tổng lượng chất thải của cá không đủ để cung cấp cho nhu cầu của trai. Do đó, lời khuyên của tôi là giảm bớt số lượng cá nếu có cơ hội và sử dụng những sản phẩm vi tảo chất lượng nếu bạn lo trai không đủ chất dinh dưỡng. Lưu ý Vâng, tôi ghét phải để lại những ý kiến khó chịu nhưng tôi phải nói vài điều không hay về trai maxima. Thật không may, người nuôi nhiều kinh nghiệm đều đồng ý rằng trai Tridacna maxima là loài khó nuôi nhất trong số những loài tridacnid. Vì lý do nào đấy, tôi chứng kiến và nghe về nhiều trường hợp thất bại với loài trai này hơn là những loài còn lại. Điều đó không có nghĩa rằng tất cả chúng đều chết trong hồ cảnh nhưng chỉ đơn giản rằng chúng cần nước đặc biệt sạch và ánh sáng cực mạnh. Nếu bạn không thể đáp ứng được cả hai điều kiện này thì hãy đừng nuôi trai. Tôi cũng bổ sung thêm rằng mặc dù rất hấp dẫn, sẵn có và tương đối rẻ, những cá thể quá nhỏ thường bị chết. Thực tế, hồi còn bán trai, tôi từng chứng kiến quá nhiều trường hợp trai non bị chết đến nỗi tôi phải ngưng bán hoàn toàn một thời gian, và tôi cũng nghe điều tương tự từ những đại lý khác. Chúng không chịu nổi việc vận chuyển và thích nghi với môi trường hồ nuôi và thường bị chết sau một vài tuần. Nhất định chỉ nên mua những cá thể lớn xấp xỉ chục cm và bạn sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn. ============================== Sơ lược về trai tai tượng