Sơ lược về trai tai tượng Barry Neigu.t – F.A.M.A 8/07 Trai tai tượng (giant clamp) là loài trai khổng lồ vì loài lớn nhất đạt kích thước kỷ lục đến hơn 1m2. Tuy nhiên, loài nhỏ nhất đạt kích thước tối đa khoảng 15 cm, và 6 loài còn lại có kích thước ở khoảng giữa đó. Ngoài ra, chúng cũng là loài cực kỳ ấn tượng, thường xuất hiện trong các rặng san hô ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và là một bổ sung tuyệt vời cho bất kỳ hồ cảnh san hô nào. Vì một số lý do, trai tai tượng hoàn toàn khác biệt về mặt sinh học so với những loài trai khác. Kết quả là một số phương diện về nhu cầu chăm sóc sẽ gây ngạc nhiên cho những người vốn chưa quen với chúng. Chẳng hạn, một số loài cần nguồn chiếu sáng mạnh để tồn tại. Lưu ý rằng, bạn bắt buộc phải có hiểu biết tối thiểu về những loài này và nhu cầu của chúng trước khi mua về nuôi trong hồ cảnh của mình. Những thông tin sơ lược mà người nuôi trai cần biết được đề cập ở đây. Nhưng còn nhiều điều nữa cần phải học hỏi, vì vậy tôi đề nghị bạn tìm đọc một số tài liệu bổ sung về chúng. Sinh học Trai tai tượng thuộc họ Tridacnidae nên được gọi là tridacnid. Ngoài kích thước khổng lồ thì chúng cũng có hình dạng như trai thường. Hầu hết các loài trai, kể cả trai tai tượng, kiếm ăn bằng cách lọc những phần tử li ti trong môi trường xung quanh, nhưng trai tai tượng độc đáo ở chỗ chúng đồng thời chứa đựng một cộng đồng tảo đơn bào gọi là zooxanthellae. Đây cũng là loại tảo mà các loài san hô đá (reef-building/stone coral) chứa đựng và tận dụng cho phần lớn nhu cầu dinh dưỡng của mình. Tảo đơn bào zooxanthellae được chứa trong một cấu trúc đặc biệt của trai gọi là lớp áo (mantle). Thực ra, tất cả các loài trai đều có lớp áo nhưng ở đa số các loài trai tai tượng, nó rất lớn và vươn ra khỏi vỏ. Ở san hô, khi những mô áo này, vốn chứa zooxanthellae, vươn ra và phô bày dưới nguồn sáng mạnh, zooxanthellae sẽ sản xuất thức ăn thông qua quá trình quang hợp. Và chúng sản xuất rất nhiều. Trên thực tế, chúng sản xuất nhiều hơn so với nhu cầu của bản thân và lượng đường và những chất dinh dưỡng dôi ra sẽ được vật chủ là trai tai tượng hấp thu. Đây là lý do trai tai tượng luôn xuất hiện ở tư thế nằm ngửa thay vì vùi mình trong bùn hay nằm ngang với một bên vỏ tiếp xúc mặt đáy. Chừng nào mà chúng còn nằm ngửa với các mô áo hướng lên trên, thì chúng còn có thể đáp ứng được phần lớn nhu cầu dinh dưỡng của mình thông qua zooxanthellae. Chất lượng nước Trai tai tượng nên được nuôi trong điều kiện tương tự với các cư dân khác ở hồ san hô và không đòi hỏi chất lượng nước đặc biệt. Nhiệt độ thích hợp từ 25 đến 28 độ C. Độ mặn khoảng 1.025 (tính bằng tỷ trọng). Độ pH từ 8 đến 8.4. Độ kiềm nên từ 9 đến 12 dKH. Và nồng độ can-xi nên duy trì trong tầm từ 380 đến 450 ppm. Điều duy nhất cần lưu ý đó là trai tai tượng sử dụng can-xi để tạo vỏ và chúng hấp thu từ nước hồ hay nước biển cực nhanh. Khi vỏ phát triển, mặt bên dày lên trong khi kích thước bề ngoài gia tăng. Điều này có nghĩa nhiều chất liệu vỏ được hình thành hơn là những gì mà chúng ta nhìn thấy, và người nuôi cần hết sức lưu ý đến nồng độ can-xi và độ kiềm, nhất là khi nuôi trai cực lớn hay nhiều cá thể một lúc. Ánh sáng Khi nói về vấn đề chiếu sáng cho trai tai tượng, hệ thống tốt nhất là đèn halogen kim loại kèm theo các bóng huỳnh quang. Điều này đặc biệt đúng với loài Tridacna crocea, vốn là loài duy nhất ở nước-cạn, nhưng thậm chí loài nước-sâu cũng ổn khi được chiếu sáng mạnh. Vẫn có người nuôi trai tai tượng thành công với hệ thống toàn bóng huỳnh quang nhưng chỉ khi hồ rất cạn, hay là khi trai được đặt trên tảng đá ở hồ sâu, nơi chúng chỉ cách bóng đèn chưa đầy gang tay. Bố trí Trai tai tượng có thể tạo ra một cấu trúc bám gọi là tơ chân (byssus) để bám vào các bề mặt cứng. Cấu trúc này là bộ phận nằm ở mặt dưới của thân trai, mà nó tiết ra chất lỏng đông cứng nhanh để hình thành những sợi tơ rắn chắc. Những sợi này bắt nguồn từ một lỗ nằm ở đáy vỏ, một đầu bó tơ bám chặt vào đá, san hô… và đầu kia nằm ở bên trong vỏ gắn vào bộ phận tơ chân. Điều này giúp chúng không bị dòng nước hay những kẻ săn mồi xô đẩy hoặc cuốn đi. Do đó, tốt nhất nên đặt cá thể lên bề mặt cứng chẳng hạn như tảng đá, hay lên mặt cát với một tấm đá nằm ở bên dưới. Trai có thể đào xuyên qua cát và bám vào nền cứng, cho dù có hơi bị vùi một chút. Thường trong vòng vài ngày, trai sẽ sử dụng tơ chân để bám chắc vào mặt đá. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là nhiều loài ngưng sử dụng tơ chân một khi chúng đạt đến một kích thước nhất định và từ từ đóng lại lỗ tơ chân ở đáy vỏ. Thông thường, chúng có thể yên vị chỉ đơn giản nhờ vào trọng lượng của mình. Điều mà bạn không nên làm là bố trí bất kỳ cá thể nào mà lỗ tơ chân nằm chính giữa hai tảng đá, với khoảng trống bên dưới và không có gì để bám vào. Bạn cũng không được bố trí trai ở vị trí khiến chúng không thể mở vỏ một cách bình thường hay ở vị trí mà dòng nước ngăn cản các mô áo vươn ra hết mức. Thức ăn Trai tai tượng hiển nhiên là loài lọc thức ăn và sẽ bẫy và ăn những phần tử li ti trong nước. Chúng bao gồm các loại động vật phù du (zooplankton) và vi tảo (phytoplankton) và cả mùn bã hữu cơ. Mùn bã hữu cơ vốn có rất nhiều trong hồ cảnh vì nó chủ yếu bao gồm phân cá và thức ăn thừa. Có rất nhiều sản phẩm dành cho người nuôi bao gồm vi tảo chế biến hay thậm chí cả tươi sống. Có thể dùng những sản phẩm này để nuôi trai tai tượng, nhưng chúng còn có tảo đơn bào zooxanthellae và có thể hấp thu chất dinh dưỡng trực tiếp từ nước biển nữa. Do vậy, cho trai ăn là điều không cần thiết trong hồ đông cư dân. Chừng nào mà hồ nuôi nhiều cá thì mùn bã hữu cơ luôn tồn tại và ammonia từ chất thải của cá có thể được trai hấp thu và sử dụng. Nhiều người đã thành công trong việc nuôi hàng loạt loài trai tai tượng với nhiều kích cỡ trong hồ cảnh trước khi các sản phẩm chứa vi tảo trở nên phổ biến hay thậm chí có mặt trên thị trường. Nhưng nếu trai được nuôi trong hồ rất thưa dân cư, có thể lượng thức ăn và chất dinh dưỡng hòa tan không đủ nên việc cho trai ăn là cần thiết. Dẫu vậy, đây là trường hợp rất hiếm gặp. Nói chung, nếu mọi điều kiện đều phù hợp, cá thể sẽ tăng trưởng, điều được thấy khi phần vỏ mới, màu trắng được bổ sung ở viền vỏ. Nếu trai không tăng trưởng và bạn nuôi ít cá thì bạn phải sử dụng loại thức ăn chất lượng. Hãy làm theo chỉ dẫn của nhà sản xuất và theo dõi xem có kết quả hay không. Bằng không, bạn cũng có thể sử dụng thức ăn ngay từ đầu và sau khi bạn thấy vỏ phát triển, bạn có thể giảm lượng thức ăn và theo dõi xem vỏ có tiếp tục tăng trưởng nữa hay không. Nếu nó tăng trưởng, bạn có thể giảm nhiều hơn cho đến khi không cho ăn gì và hoàn toàn ngưng sử dụng thức ăn. Lựa trai Để lựa chọn cá thể tốt nhất, có một số điều cần đặc biệt lưu ý và tránh. Trước tiên, bạn cần tránh bất kỳ cá thể nào mà vỏ đóng hay mở quá nhiều so với bình thường. Vỏ ngưng mở trong thời gian dài chắc chắn là dấu hiệu bất thường đối với bất kỳ loài trai tai tượng nào bởi vì chúng cần ánh sáng để tồn tại. Ngược lại, nếu một cá thể mở vỏ quá rộng và lớp áo không vươn ra hết hay thậm chí tệ hơn, nó hoàn toàn thụt vô hay trông như co vào trong vỏ, thì chắc chắn là có điều gì đó bất thường. Vỏ gãy hay mất lớp áo thường dẫn đến tử vong. Bạn cũng nên tránh bất kỳ cá thể nào có dấu hiệu tổn thương mô. Bất kỳ tổn thương nào trên viền áo ngoài đều lộ rõ nhưng bạn cũng nên kiểm tra cả các mô ở vùng xung quanh lỗ tơ chân. Việc đánh bắt ẩu chẳng hạn như bẻ gốc của trai tai tượng thay vì cẩn thận cắt bó sợi để lấy trai, có thể làm tổn thương bộ phận tơ chân. Đây tổn thương nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong. Tương tự, nếu có bất kỳ viên đá hay sỏi nào dính vào đáy cá thể, bạn bắt buộc không được bẻ nó ra. Nếu nhất định phải bỏ thì vẫn được nhưng bạn cần hết sức cẩn thận để không cắt vào phần mô của trai. Đây là một nhiệm vụ khó khăn và nên tránh. Điều nữa cần để ý là sự mất màu. Dưới những điều kiện không thích hợp (chẳng hạn như vận chuyển) trai tai tượng có thể mất một phần hay toàn bộ màu và chuyển thành màu trắng. Điều này xảy ra khi một phần hay toàn bộ tảo đơn bào zooxanthellae chứa bên trong cá thể bị mất hay chết khiến sắc tố mất đi để lại những mô áo màu trắng. Cũng vậy, để ý những cá thể mắc bệnh nhúm áo. Viền áo ngoài vốn trơn tru trông có vẻ nhúm nhó hay biến dạng nếu bị nhiễm bệnh, và bệnh này cực hiếm và nghiêm trọng. Bệnh có thể chữa được nếu lỡ mua rồi mới phát hiện nhưng khi mua tốt nhất nên chọn cá thể hoàn toàn khỏe mạnh thay vì mạo hiểm chữa trị con bị bệnh. Sau cùng, nếu mọi thứ đều ổn, hãy khảo sát kỹ mặt dưới của cá thể xem có ốc bám trên đó hay không. Một số ốc nhỏ xíu, hình nón gọi là pyramidellid được biết sống ký sinh trên trai tai tượng, chúng sinh sản cực nhanh và thực sự gây rắc rối. Chúng có màu nhạt và chỉ to khoảng 0.6 cm vì vậy hãy quan sát thật kỹ. Một lần nữa, vấn đề này cũng có thể xử lý được nhưng tốt nhất hãy để tiệm cá giải quyết thay vì tự làm. Còn đây là lưu ý sau cùng, tôi khuyên bạn nên đảm bảo tất cả các loài nuôi chung trong hồ phải tương thích với trai tai tượng. Một vài loài mà tôi biết chẳng hạn như cá thiên thần và những loài thoắt ẩn thoắt hiện khác. Hãy nuôi cách ly trai trước khi thả chúng vào hồ chính. Lai tạo trong hồ cảnh Trai tai tượng sinh sản bằng hình thức đẻ trứng khi phóng thích hàng triệu tinh trùng và trứng vào môi trường xung quanh, nơi mà chúng có thể kết hợp với trứng và tinh trùng của cá thể trai bên cạnh. Điều này cũng xảy ra trong hồ cảnh nếu trai trưởng thành và mạnh khỏe. Nhưng nó cũng xảy ra nếu cá thể cực kỳ căng thẳng. Dẫu điều này nghe có vẻ thú vị và bạn bắt đầu nghĩ rằng mình có thể thu được vô số trai non nhưng thực tế không diễn ra như vậy. Trong một không gian nhỏ hẹp thì lượng tinh trùng dồi dào sẽ giết chết trứng bởi có quá nhiều con cạnh tranh để thụ tinh cho mỗi trứng. Hiện tượng này gọi là đa thụ (polyspermy) và có nghĩa rằng cơ hội để trứng sống sót và nở thành trai non là bằng không. Hơn nữa, thậm chí nếu có vài trứng được thụ tinh thành công, trai tai tượng còn phải trải qua một số giai đoạn ấu trùng bơi tự do diễn ra trong nhiều ngày, điều đó có nghĩa chúng có khả năng bị các cư dân khác trong hồ ăn thịt hay bị giết bởi bộ lọc trước khi yên vị dưới đáy hồ. Thật không may, tôi chưa từng nghe thấy trường hợp lai tạo trai tai tượng một cách thành công nào trong hồ cảnh. ============================ Trai tai tượng Tridacna maxima