Tôm cảnh nước mặn Bob Goemans – FAMA 9/07 Một trong những điều tuyệt vời nhất của thú chơi hồ cảnh san hô là sự đa dạng của các loài thân mềm, và tôm hiển nhiên thuộc về nhóm động vật này. Chúng không chỉ phù hợp với hồ cảnh san hô mà còn thích nghi với hồ nuôi toàn cá nếu người chơi quan tâm đến những loài nuôi chung và chất lượng nước. Phân loại Trước khi bàn về thú chơi, hãy tìm hiểu xem tôm nằm ở vị trí nào trong ngành chân khớp Arthropoda, vốn bao gồm cả nhện và côn trùng. Phân ngành giáp xác Crustacea, mà người chơi quan tâm hơn cả, bao gồm bảy lớp với 32 ngàn loài được mô tả và rất nhiều loài chưa được mô tả khác. Hai trong số bảy lớp, lớp chân mang Branchiopoda và lớp thân giáp cao Malacostraca, được yêu thích hơn cả vì hầu hết các loài giáp xác mà chúng ta biết đều thuộc về hai lớp này. Các loài thuộc lớp Branchiopoda hầu như phân bố ở nước ngọt và nước lợ, chẳng hạn như artemia, mà chúng thường được gọi một cách thiếu chính xác là Artemia salina, một loài được cho là đã tuyệt chủng. Một trong những loài đã biết ở vịnh San Francisco, A. franciscana, thường được ươm nuôi để phục vụ ngành công nghiệp cá cảnh. Một loài phổ biến khác nữa là bo bo Daphnia pulex, vốn quen thuộc với người chơi cá nước ngọt, cũng được sử dụng làm thức ăn cho cá biển. Lớp chính Dẫu vậy, những loài thuộc lớp Malacostraca được yêu thích hơn cả. Lớp này bao gồm cua, tôm hùm, tôm, tôm pan-đan (prawn) và tôm càng (crawfish). Chúng được chia nhỏ thành các phân lớp Phyllocarida, Hoplocarida và Eumalacostraca. Phân lớp Phyllocarida bao gồm hầu hết các loài sơ khai hay đã bị tuyệt chủng. Ở phân lớp Hoplocarida, bộ Stomatopoda bao gồm những con tôm tích đáng sợ vốn không thích hợp với hồ cảnh. Chúng trông tương tự với loài bọ ngựa nên còn được gọi là tôm bọ ngựa (mantis shrimp). Tôm tích là loài săn mồi dữ dằn với cặp càng cực mạnh mà nó có thể kẹp vỡ lớp vỏ cứng của con mồi. Trên thực tế, nó có thể kẹp vỡ vỏ sò, ốc, cua; dễ dàng bắt cá; ăn thịt giun tơ (feather duster), giun ống cứng (hard tube) và có thể cắt rời ngón tay bạn! Loài xinh đẹp Tôi từng nuôi loài tôm tích Odontodactylus scyllarus màu xanh dương như lông công, kích thước lên đến 45 cm, trong hồ dung tích 80 lít với rất nhiều đá vụn và nền trải cát mỏng. Loài cực kỳ thú vị này xuất xứ từ vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương, và thích nghi tốt với loại nước biển thông thường với khẩu phần hàng ngày là thịt. Dẫu cực kỳ thú vị, loài này lại khá ồn ào. Như mọi người đã biết, tôm gõ mõ (pistol shrimp) tạo ra âm thanh tương tự như tiếng súng lục 22-caliber khi săn mồi hay quấy nhiễu. Tôm tích cũng tạo ra âm thanh, tuy nhiên, tiếng động của chúng giống như tiếng súng máy với một tràng âm thanh hơi nhỏ hơn. Trên thực tế, đấy là cách rất tốt để phân biệt xem tôm gõ mõ hay tôm tích đang ẩn nấp trong hồ của bạn. Phân tích các bộ Trong phân lớp Eumalacostraca có rất nhiều liên bộ (superorder) và hai trong số đó được những người chơi cá cảnh ưa chuộng. Liên bộ Peracarida bao gồm những loài chân giống (isopod) và chân khác (amphiphod) nhỏ sống ở tầng đáy cùng với những loài tép có túi (opossum shrimp) nhỏ mà chúng ta gọi là tép mysis. Liên bộ Eucarida bao gồm hai bộ đáng quan tâm. Bộ Euphausiacea bao gồm loài tép krill Thái Bình Dương (Euphausia pacifica) mà nó là thực phẩm tuyệt vời cho cá cảnh, dù đông lạnh hay sấy khô. Và có lẽ nhóm thú vị nhất là bộ mười chân Decapoda, bao gồm tôm, tôm pan-đan, tôm hùm, ốc mượn hồn và cua. Bộ bao gồm 68 họ với gần 10 ngàn loài. Bộ này lại được chia làm hai phân bộ: Dendrobranchiata và Pleocyemata. Sự khác nhau giữa hai phân bộ là ở cấu trúc mang và chân, và cách mà ấu trùng phát triển. Những loài thuộc phân bộ Dendrobranchiata đẻ trứng vào nước và trứng nở ra ấu trùng nauplii. Và nếu hiểu tôm với ý nghĩa “thực phẩm cho con người” thì có cả một ngành công nghiệp chăn nuôi được hình thành xung quanh các loài tôm pan-đan thuộc phân bộ này. Ở phân bộ Pleocyemata, các loài giữ trứng giữa các chân bụng (còn gọi là swimmeret) cho đến khi trứng nở, và đây là những loài được người chơi hồ cảnh ưa chuộng hơn. Tôm khoang Một khi nói về phân bộ Pleocyemata, có vô số cận bộ (infraorder) riêng cho từng nhóm loài khác nhau (chẳng hạn như tôm, tôm hùm, cua…) và quan trọng với người chơi bởi vì chúng là tôm cảnh. Ở cận bộ Stenopodidea, có những loài rất quen thuộc gọi là tôm khoang - banded/boxer shrimp (Stenopus hispidus). Tuy nhiên, chúng không được coi là tôm chính hiệu. Chúng gần với tôm hùm hơn. Đây là loài sống quanh vùng nhiệt đới, và mặc dù chúng chọn vật chủ (cleaning station) ngoài tự nhiên, điều này hiếm khi xảy ra trong hồ nuôi. Chúng phải được nuôi riêng lẽ hay một cặp trong hồ cảnh bởi vì chúng sẽ giết những thành viên cùng giới tính. Tôm cái có thân dày hơn và mang trứng dưới bụng trong vòng hai tuần. Trứng có thể được nhìn thấy qua lớp vỏ, ban đầu là màu vàng sau đó chuyển qua màu xanh nhạt. Khi tôm cái lột xác, sau mỗi 16 ngày, tôm đực sẽ thụ tinh cho trứng. Trứng nở dưới bụng tôm cái từng ít một sau khoảng hai tuần và được phóng thích ra ngoài. Ấu trùng tôm có kích thước bằng một nửa ấu trùng artemia và có thể sống nhờ noãn hoàng trong ba ngày đầu. Trùng bánh xe (rotifer) là thức ăn thích hợp cho đến khi ấu trùng tôm có thể ăn loại thức ăn lớn hơn. Tôm trưởng thành có thể ăn vụn rã đông của sò, tôm, tép krill, cá hay artemia tươi sống. Chúng là một trong những loài được người chơi cá ưa chuộng nhất với nhiệt độ thích hợp từ 22 đến 28 độ C. Trên thực tế, việc nuôi chúng trong các hồ san hô rất dễ dàng một khi cung cấp đủ hang động và nơi trú ẩn. Chúng có thể phá hoại san hô và hải quỳ (anemone) khi không được cung cấp đủ thức ăn. Kích thước tối đa có thể lên 10 cm. Tôm chính hiệu Khi đề cập đến cận bộ Caridea thì các chi “tôm chính hiệu” bắt đầu lộ diện. Họ Hyppolytidae trong cận bộ này có lẽ bao gồm những chi tôm cảnh nổi tiếng nhất. Chi Lysmata bao gồm “tôm vệ sinh” (cleaner shrimp) và một trong số những biến thể khá phổ biến là tôm vệ sinh đỏ - scarlet cleaner shrimp (L. amboinensis). Trên thực tế, chúng có lẽ là loài tôm phổ biến nhất trong giới chơi hồ cảnh biển. Và đó là vì chúng không chỉ rất đẹp mà còn là những vệ sinh viên cần mẫn dọn sạch ký sinh trên mình cá, đa số luôn chọn vật chủ và liên tục phát tín hiệu đến vật chủ bằng cách vẫy những cái râu dài của mình. Loài xinh đẹp này có hai sọc dọc thân màu đỏ xen giữa bởi một sọc trắng. Chúng xuất xứ từ vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương và biển Đỏ. Loài tôm vệ sinh 7.5 cm này có thể được nuôi theo bầy nhỏ và sẽ tiến thẳng đến tay bạn để lấy những mẩu thức ăn như sò, tôm, tép krill, trai, tép mysis, cá tươi và cả sợi tóc bứt từ đầu bạn. Chúng thường xuất hiện vào ban ngày và có thể xơi cả san hô nhưng không đến nỗi phá hoại lắm. Đây là loài tôm lưỡng tính (hermaphroditic) tức có cả bộ phận sinh dục cái lẫn đực, và tất cả những thành viên trưởng thành đều đẻ trứng mà chúng được thụ tinh bởi những thành viên còn lại trong nhóm. Do đó, bất kỳ hai con tôm nào thuộc loài này cũng đủ để duy trì nòi giống, miễn là chúng thích nhau! Tôm vệ sinh có thể sinh sản trong hồ nuôi, nhưng những cá thể lai tạo có sẵn ngoài thị trường hay không hãy còn là câu hỏi. Tuy nhiên, chúng dường như nhạy cảm với nhiệt độ cao hơn 26 độ C. Có một loài giống hệt ở Đại Tây Dương L. grabhami ngoại trừ sọc trắng chạy lên cả đuôi trong khi sọc trắng ở tôm L. amboinensis dừng lại ở mép đuôi. Những loài được ưa chuộng khác Loài cũng được ưa chuộng khác thuộc chi này mặc dù đắt tiền hơn là tôm huyết – blood red shrimp (L. debelius) xuất xứ ở vùng trung tâm Ấn Độ-Thái Bình Dương, từ quần đảo Chagos Archipelago đến Indonesia. Cách chăm sóc loài này về cơ bản tương tự như loài trên, nhưng chúng cực kỳ nhút nhát và dành phần lớn thời gian để ẩn náu. Thực tế trong hồ lớn, bạn có thể không nhìn thấy những con tôm 5 cm này trong nhiều tháng trời và do vậy rất khó đảm bảo rằng chúng được cho ăn đầy đủ để duy trì sức khỏe. Vẫn trong chi này, loài tôm bạc hà – peppermint shrimp (L. wurdemanni) cũng được ưa chuộng - chỉ vì một lý do là chúng ăn các loài hải quỳ có hại Aiptasia. Thực tế, tôi từng thấy nhóm tôm mới thả bơi ngay đến những cụm hải quỳ trong hồ cảnh và ở đó cho đến khi ăn sạch hải quỳ! Không nhất thiết phải cho chúng ăn một cách trực tiếp bởi vì chúng hầu như ẩn náu vào ban ngày, thường là dưới kẽ các tảng đá, và lùng sục thức ăn vào ban đêm. Không may, chúng cũng xơi cả san hô tổ ong (zoanthid) chẳng hạn như Parazoanthus gracilis, mà người chơi cá thường gọi là polyp vàng. Loài tôm này lột xác sau mỗi 7 tháng. Chúng bắt đầu đời sống như tôm đực rồi sau đó đa số biến thành tôm cái. Tuy nhiên, chúng vẫn duy trì ống dẫn tinh và sản xuất tinh trùng. Do đó, tôm cái có khả năng thụ tinh cho trứng của chính mình mà không cần đến tôm đực. Chúng được lai tạo một cách thành công trong môi trường nuôi dưỡng. Lột xác Một cách định kỳ, lớp vỏ ngoài bong ra và tách rời khỏi cơ thể trong khi lớp vỏ mới phát triển ở bên dưới. Khi lột xong, tôm thoát khỏi lớp vỏ cũ và rồi thấm nước, làm dãn lớp vỏ mới mềm mại bằng thân hình to hơn. Sau khi hoàn tất, lớp vỏ mới trở nên cứng cáp. Chúng không thể tự vệ trong giai đoạn lột xác và cần nơi ẩn náu mà những kẻ săn mồi không thể mò đến. Chăm sóc tôm Tất cả tôm đều phải tập cho quen dần với môi trường mới. Chúng có xu hướng bị sốc khi được thả vào hồ nuôi nơi mà các thông số nước hơi khác với nước trong bịch vận chuyển. Nhiệt độ và tỷ trọng phải tương tự trước khi chuyển chúng vào nơi ở cố định. Trái với điều mà bạn có thể nghe nói, bất kỳ loài tôm nào cũng không được tắm qua bằng nước ngọt để diệt ký sinh trước khi thả vào hồ. Tắm như vậy có thể làm tôm chết, vì chúng rất nhạy cảm với sự biến đổi của áp suất thẩm thấu. Và với mọi loài tôm biển, độ kiềm, nồng độ can-xi, i-ốt và đặc biệt là ma-nhê thấp có thể ảnh hưởng đến quá trình lột vỏ. Ma-nhê phải được duy trì ở nồng độ thích hợp tương quan với tỷ trọng, bằng không quá trình lột vỏ sẽ không thể hoàn tất (theo tiến sĩ Vincent Hargreaves). Việc không thể duy trì nồng độ ma-nhê thích hợp là nguyên nhân chính khiến nhiều người chơi cá không thể nuôi tôm một cách lâu dài. Chất lượng nước Hãy duy trì các thông số sau: nồng độ can-xi từ 330 đến 430 ppm, độ kiềm từ 3.5 đến 4.5 meq/l; độ pH từ 8.1 đến 8.2, tỷ trọng từ 1.024 đến 1.026, nồng độ Mg khoảng 1280 ppm ở tỷ trọng từ 1.025 đến 1.026 (liên quan đến tầm tỷ trọng nhất định). Có những loài tôm rất thú vị khác nhưng không được giới thiệu ở đây vì những lý do xác đáng, mặc dù chúng vẫn được bày bán ngoài thị trường. Tôi sẽ liệt kê những loài tôm này ở một bài viết khác trong tương lai. Tôm cảnh: bạn và thùTôm cảnh được nuôi vì hai chức năng: trang trí và dọn vệ sinh. Một số chi có chức năng trang trí như tôm huyết – blood red shrimp (Lysmata debelius), tôm hề - harlequin/clown shrimp (Hymenocera picta), tôm khoang – banded coral/boxer shrimp (Stenopus hispidus) và tôm sexy – sexy shrimp (Thor amboinensis). Số khác, chẳng hạn như tôm bạc hà – peppermint shrimp (L. wurdemanni) được nuôi để hạn chế hải quỳ hại (Aiptasia spp.). Một số nữa thuộc chi Lysmata chọn vật chủ, bao gồm tôm vệ sinh đỏ - scarlet cleaner shrimp (L. amboinensis), tôm vệ sinh Catalina – Catalina cleaner shrimp (L. californica) và tôm vệ sinh mía – candy cane cleaner shrimp (L. grabhami). Mọi loài tôm đều an toàn với một số loài cá, cũng như bị đe dọa bởi một số loài cá khác, những loài xem chúng là con mồi. Nhưng thậm chí những loài vốn được coi là bạn cũng có thể gây ra vấn đề. Trong một họ cá cũng có thể có vài loài hành xử theo cách khác. Bạn Khách ThùCá hề (anemonefish) Cá thiên thần (angelfish) Cá mú anthias (anthias) Cá bướm cờ (bannerfish) Cá lon (blenny) Cá bướm (butterflyfish) Cá đàn lia (dragonet) Cá bống bay (dartfish) Cá chình (eel) Cá phèn (goatfish) Cá bống (gobby) Cá hàm (jawfish) Cá vẹt (parrotfish) Cá chìa vôi (pipefish) Cá dìa (rabbitfish) Cá ngựa (seahorse) Cá đuôi gai (surgeonfish)Cá sơn (cardinalfish) Cá rô biển (damselfish) Cá sơn đá lính (soldierfish) Cá đầu vuông (tilefish) Cá bàng chài (wrass)Cá nóc hòm (boxfish) Cá đù (drum/croaker) Cá bò (triggerfish) Cá bò giấy (filefish) Cá nóc (pufferfish) Cá mù làn (scorpionfish) Cá mao tiên (lionfish) Cá đai lưng (dottyback) Cá ếch (frogfish) Cá mú (grouper) Cá diều (hawkfish) Cá sơn đá sóc (squirrelfish) Cá tù và (trumpetfish) ====================================================== Ghi chú * Tôm tích hay tôm tít (mantis shrimp) mà mọi người đều biết là loài tôm biển có cặp càng co lại như càng bọ ngựa (bộ Stomatopoda). Ở miền Nam, có loài tôm cũng được gọi là tôm tích/tít (không rõ tên khoa học) nhưng là tôm nước lợ, màu vàng nhạt, hai càng không đều, và cũng phát ra tiếng động. Tôm này có lẽ thuộc họ tôm gõ mõ Alpheidae (pistol shrimp), bộ Decapoda. Xin lưu ý để tránh nhầm lẫn. * Từ “tôm” trong tiếng Việt dùng để chỉ hầu hết các loài trong bộ mười chân Decapoda (ngoại trừ cua và ốc mượn hồn). Tuy nhiên, bài viết này lại phân biệt các khái niệm “tôm chính hiệu” (true shrimp), “tôm” (shrimp) và “giáp xác hình tôm” (shrimp-like). Cụ thể như sau: “Tôm chính hiệu” được định nghĩa là những loài thuộc cận bộ Caridea, phân bộ Pleocyemata, bộ mười chân Decapoda. Một số loài tôm chính hiệu phổ biến gồm tôm càng xanh (Macrobrachium), tép đồng, các loài tép cảnh nước ngọt như tép cherry, amano, tép ong; các loài tôm cảnh nước mặn như tôm hề - harlequin/clown shrimp (Hymenocera picta), tôm sexy – sexy shrimp (Thor amboinensis), tôm cẩm thạch – marble shrimp (Saron marmoratus), tôm vệ sinh Catalina – Catalina cleaner shrimp (Lysmata californica), tôm vệ sinh mía – candy cane cleaner shrimp (Lysmata grabhami)… “Tôm” là những loài cùng bộ Decapoda nhưng không thuộc cận bộ Caridea như tôm hùm/mũ ni (spiny lobster/slipper lobster), tôm càng (crawfish), tôm pan-đan (spawn). Con tôm khoang - banded/boxer shrimp (Stenopus hispidus) rơi vào trường hợp này vì thuộc cận bộ Stenopodidea. Đặc biệt, tôm pan-đan bao gồm rất nhiều loài phổ biến như tôm thẻ, tôm he (Parapenaeus), tôm đanh (Trachypenaeus), tôm sắt (Parapenaeopsis), tôm rảo (Metapenaeus), tôm sú… “Giáp xác hình tôm” (shrimp-like) là những loài có họ hàng xa (ngoài bộ Decapoda) nhưng hình dáng tương tự như tôm. Một số giáp xác hình tôm phổ biến bao gồm tôm tích (mantis shrimp), tép krill, tép mysis, artemia (brine shrimp), tép gammarus… *Giải thích một số từ. Tôm hùm (spiny lobster) mà chúng ta vẫn biết thuộc họ Palinuridae. Tôm hùm càng (lobster) có cặp càng lớn, thuộc họ Nephropidae, phân bố ở bắc Đại Tây Dương (bên mình không có, nên dịch lobster=tôm hùm là thiếu chính xác). Tôm càng (crayfish hay crawfish) bao gồm nhiều họ tôm nước ngọt khác nhau, phân bố nhiều nơi, chủ yếu ở Bắc Mỹ và Úc. Vấn đề là crayfish cũng được dùng để gọi tôm hùm, gây nhầm lẫn. Prawn và shrimp là trường hợp đặc biệt, prawn thường là các loài to (tôm), shrimp là các loài nhỏ (tép). Nhưng không có quy ước chặt chẽ nào và người ta vẫn dùng lộn xộn, có khi đảo ngược. Kết quả là ngày nay, hai từ này tương đương nhau. * Về tên các loài cá, xin được ghi chú như sau: Cá hề (anemone/clownfish): phân họ Amphiprioninae, họ Pomacentridae, bộ Perciformes. Lưu ý: các loài còn lại trong họ này là cá rô biển (damselfish). Cá thiên thần (angelfish): họ Pomacanthidae, bộ Perciformes. Cá mú anthias (anthias): phân họ Anthiinae, họ Serranidae, bộ Perciformes. Cá bướm cờ (bannerfish): cá bướm có vây lưng dài (họ Chaetodontidae, bộ Perciformes). Cá lon (blenny): cá nhỏ, thân dài, mắt và miệng to thuộc phân bộ Blennioidei, bộ Perciformes. Bộ này bao gồm các họ Blenniidae (cá mào gà), Chaenopsidae, Clinidae, Dactyloscopidae, Labrisomidae và Tripterygiidae. Cá bướm/cá chim (butterfyfish): họ Chaetodontidae, bộ Perciformes. Cá đàn lia (dragonet): tương tự như cá bống thuộc họ Callionymidae, bộ Perciformes. Cá trạng nguyên xanh Synchiropus splendidus là một thành viên thuộc nhóm này. Cá bống bay (dartfish): tương tự như cá bống thuộc họ Ptereleotridae, bộ Perciformes. Cá chình (eel): bộ cá chình Anguilliformes. Cá phèn (goatfish): họ cá phèn Mullidae, bộ Perciformes. Lưu ý phân biệt với cá phèn sông thuộc chi Polynemus, họ Polynemidae, bộ Perciformes. Cá bống (gobby): họ Gobidae, bộ Perciformes. Cá hàm (jawfish): tương tự như cá lon thuộc họ Opistognathidae, bộ Perciformes. Cá vẹt (parrotfish): nhóm cá có mỏ như mỏ vẹt thuộc họ cá bàng chài – wrasse (họ Labridae, bộ Perciformes). Cá chìa vôi (pipefish): phân họ Syngnathinae, họ chìa vôi Syngnathidae, bộ Syngnathiformes. Cá ngựa (seahorse): phân họ Hippocampinae, họ chìa vôi Syngnathidae, bộ Syngnathiformes. Cá dìa (rabbitfish): các loài miệng như mõm thỏ thuộc họ Siganidae, bộ Perciformes. Cá đuôi gai (surgeonfish/tang): họ Acanthuridae, bộ Perciformes. Cá kỳ lân (unicornfish) cũng thuộc nhóm này. ------------------------------------ Cá sơn (cardinalfish): họ Apogonidae, bộ Perciformes. Cá rô biển (damselfish): họ Pomacentridae, bộ Perciformes (ngoại trừ phân họ cá hề Amphiprioninae gồm các chi Amphiprion và Premnas). Cá sơn đá lính (soldierfish): phân họ Myripristinae, họ Holocentridae, bộ Beryciformes. Lưu ý: các loài còn lại trong họ là sơn đá sóc (squirrelfish). Cá đầu vuông (tilefish): họ Malacanthidae, bộ Perciformes. Cá bàng chài (wrasse): họ Labridae, bộ Perciformes. Cá vẹt thuộc nhóm này. ------------------------------------ Cá nóc hòm (boxfish/trunkfish): họ Ostraciidae, bộ Tetraodontiformes. Cá đù (drum/croaker): loài cá phát ra âm thanh như tiếng trống, họ Sciaenidae, bộ Perciformes. Cá bò/cá nóc gai (triggerfish): họ Balistidae, bộ Tetraodontiformes. Cá bò giấy/bò một gai (filefish/leatherjacket): họ Monacanthidae, bộ Tetraodontiformes. Cá nóc (pufferfish): họ Tetraodontidae, bộ Tetraodontiformes. Cá mù làn (scorpionfish/stonefish): họ Scorpaenidae, bộ Scorpaeniformes. Cá mao tiên gồm một số chi thuộc họ cá mù làn. Cá mao tiên (lionfish): các chi Pterois, Parapterois, Brachypterois, Ebosia và Dendrochirus, họ cá mù làn Scorpaenidae, bộ Scorpaeniformes. Cá đai lưng (dottyback): họ Pseudochromidae, bộ Tetraodontiformes. Cá ếch (frogfish/anglerfish): họ Antennariidae, bộ Lophiiformes. Những con còn lại trong bộ là cá cá vây chân (anglerfish). Cá mú (grouper): một số chi thuộc phân họ Epinephelinae, họ Serranidae, bộ Perciformes. Cá diều (hawkfish): họ Cirrhitidae, bộ Perciformes. Cá sơn đá sóc (squirrelfish): phân họ Holocentrinae, họ Holocentridae, bộ Beryciformes. Các loài còn lại trong họ là sơn đá lính (soldierfish). Cá tù và (trumpetfish): họ Aulostomidae, bộ Syngnathiformes.[/tr2][/tr2]