Làm sao để cá dĩa bồ câu chăm con? Tony Silva – FAMA 5/08 Cặp cá dĩa lượn lờ bên trên bầy cá bột mới bắt đầu bơi tự do, nơi chúng tụ tập dưới đáy hồ. Đôi khi, một số con bơi ra xa bám vào bộ lọc khí hay cây sưởi. Cặp cá liên tục rùng mình – tín hiệu dùng để hấp dẫn cá bột – nhưng không có tác dụng. Cá bột vẫn không hề phản ứng gì. Hầu hết chúng sẽ bị chết trong vòng một ngày. Vài con sót lại cũng hấp hối và chết sau đó. Không con nào chịu bám vào cá bố mẹ. Kịch bản trên khá phổ biến và xảy ra với mọi dòng cá dĩa, kể cả cá hoang dã. Tuy nhiên, sự cố đôi khi mới xảy ra ngoại trừ dòng dĩa bồ câu và những dòng đột biến khác. Rất nhiều cặp cá bố mẹ của những dòng này không thể chăm con. Việc tiết nhớt Cá đĩa bố mẹ thường trở nên sậm màu một khi cá bột bắt đầu bơi tự do. Màu sậm lên là vì cơ thể chúng tiết ra nhớt. Bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được lớp nhớt nếu chạm vào người chúng tại thời điểm này hoặc khi chúng đang chăm con. Thậm chí bạn có thể ấn nhẹ vào da để lấy ra một ít lớp nhớt này. Cá bột ăn lớp nhớt dinh dưỡng này, nhờ đó mà chúng lớn rất nhanh. Việc ăn nhớt là sự thích nghi tự nhiên, cá dĩa bột mới nở rất nhỏ và miệng của chúng nằm ở mặt dưới của thân. Điều này cho phép chúng ăn ở tư thế thẳng đứng khi đang bám vào mình cá bố mẹ. Khi chúng lớn, miệng sẽ di chuyển về vị trí bình thường và cá sẽ ăn ở tư thế nằm ngang. Cá đĩa ăn nhớt bởi vì nguồn nước ở quê hương của chúng rất mềm và có tính a-xít. Điều này tiêu diệt phần lớn nguồn thức ăn của cá bột bao gồm vi sinh vật và những thành phần dinh dưỡng khác. Những loài cichlid khác sống trong cùng địa bàn, chẳng hạn như Uaru, cũng có tập quán nuôi con tương tự. Ấp nhân tạo Trong hồ nuôi, hoàn toàn có thể ấp nhân tạo cá bột mà không cần cá bố mẹ nhưng đây là công việc khó khăn. Cá bột phải luôn có sẵn thức ăn ở xung quanh mà nước phải thật sạch – một nhiệm vụ cực khó xét trên mật độ thức ăn cao trong một lượng nước hạn chế. Việc ấp nhân tạo cá bột đòi hỏi phải thay nước hàng ngày và theo dõi chất lượng nước thật sát sao. Cá bột có thể được cho ăn ấu trùng artemi (thường là gượng ép) hay thức ăn chế biến sẵn, mà thành phần thường bao gồm lòng đỏ trứng, artemi xay và những thực phẩm dinh dưỡng khác. Cả hai loại đều phân hủy rất nhanh, đấy là lý do tại sao cần phải thay nước trong chậu ươm, đôi khi là khay, một cách liên tục. Vì hiệu quả công việc, hầu hết các nhà lai tạo cá dĩa để cá bố mẹ tự chăm con. Nhà lai tạo chuyên nghiệp có hàng trăm cặp cá giống và dễ dàng tráo bầy con từ cặp này sang cặp khác, nếu dòng cá đó không có khả năng chăm sóc con. Nhà lai tạo bình thường không có cả trăm cặp để mà hoán đổi. Khi bắt đầu nuôi cá dĩa bồ câu, tôi phát hiện thấy chúng có tỷ lệ trứng được thụ tinh cao, mắn đẻ và nhìn chung là cá bố mẹ xuất sắc. Nhưng dường như cá bột không chịu bám vào mình cá bố mẹ. Chúng cố bám vào cây sưởi, bộ lọc khí hay bất kỳ chỗ tối nào trong hồ. Cá bố mẹ dù rất cố gắng nhưng hiếm khi nuôi dưỡng bầy con một cách thành công. Ban đầu, tôi tráo bầy cá cho cặp dĩa nâu (alencer/alenquer) hoặc bông xanh (turquoise) nuôi vú, và chúng nuôi thành công. Khi suy nghĩ nhiều đến vấn đề này, tôi hoàn toàn tin rằng việc tiết nhớt không phải là nguyên nhân. Một số người có kinh nghiệm gợi ý rằng vấn đề có thể liên quan đến sự khiếm khuyết pheromon mà cá bố mẹ tiết ra để hấp dẫn cá con. Điều này được kiểm chứng bằng cách sử dụng nước lấy từ hồ có cặp cá giống thuộc dòng khác đang chăm sóc con. Cá dĩa bồ câu đột nhiên có khả năng hấp dẫn bầy con. Tuy nhiên, thử nghiệm này không hề được thực hiện một cách liên tục trong thời gian đủ dài, và vì vậy tôi không thể kết luận rằng đó có phải là nguyên nhân chính hay không. Sự lẫn lộn của cá bột Khi đã có kinh nghiệm và suy nghĩ kỹ hơn, tôi cảm thấy nguyên nhân chính ở chỗ cá bột không thể nhìn thấy cá bố mẹ. Điều này giải thích tại sao cá bột tụ tập vào những vùng tối hay các vật dụng trong hồ. Tôi thiết lập ba thử nghiệm trên các cặp cá giống trong những hồ 80 lít với bộ lọc khí, đầu sưởi và giá đẻ bằng nhựa PVC. Khi chúng đẻ, tôi theo dõi sự khác biệt ở mỗi hồ. Ở một hồ, tôi lấy cây sưởi và cục lọc ra sau khi cặp cá đẻ. Hồ được đặt ngoài trời và nhiệt độ đủ ấm nên không cần cây sưởi. Sau khi lấy cục lọc khí ra, chỉ còn lại mỗi ống sục khí. Hồ được châm thêm một ít methylene blue và do đó cá bột tụ tập xung quanh ống khí sẫm màu vì chất thuốc cũng như chất bẩn bám bên trong. Chỉ còn vài con sống sót và sau đó bám lên người cá bố mẹ. Ở hồ thứ hai tôi cũng áp dụng cách tương tự. Ống sục khí được rửa sạch và giá đẻ được lấy ra. Cá bột tụ tập ở một góc hồ nơi có chút tảo sẫm màu phát triển. Tảo này bị ăn sạch. Sau một tuần, chỉ còn vài con cá bột ở hồ này đột nhiên chuyển sang bám vào cá bố mẹ sau khi mảng sẫm màu biến mất. Thiết lập quy trình Hồ thứ ba cũng được bố trí cực kỳ đơn giản. Ở những hồ trước, rất nhiều cá bột tụ tập vào ống nước, có lẽ bởi vì màu của nó giống như vật thể sẫm màu trong hồ. Tôi gỡ nắp hồ ra và giảm mực nước xuống sát vây lưng của cá bố mẹ. Cặp cá này rất thành công với một bầy cá con lớn. Kết quả cũng tương tự với những cặp cá khác khi quy trình này được lập lại. Bây giờ tôi đã biết cách lai tạo cá dĩa bồ câu khá đơn giản. Tất cả những điều này đều không cần thiết nếu cá dĩa bồ câu lai với cá dĩa thường, chẳng hạn như dĩa bông xanh, vì cá bột tụ vào cá dĩa bông xanh trước, rồi sau đó sẽ lan sang dĩa bồ câu. Tôi đã thử nghiệm trước khi phát biểu như vậy. Đây là khía cạnh lai tạo mà tôi yêu thích nhất: giải quyết những chướng ngại dường như không thể vượt qua được.
hihhi !!!! đọc ài viết thật sự say mê . Kinh nghiệm thật nhìu nhưng như vậy đâu có Bồ câu thuần chủng......