Cách xoá chấm kỳ ở cá La Hán Chấm kỳ là những chấm hay vệt đen xuất hiện ở “kỳ trên” tức vây lưng của cá La Hán. Cá có chấm kỳ thường là cá mái nhưng đôi khi cá đực cũng có chấm kỳ. Một số cá La Hán được di truyền đặc điểm này và người nuôi cá vốn coi đó là điều bình thường. Nhưng hiện nay có người lại nghĩ khác. Một lần tôi ghé thăm nhà người bạn, thấy cá của anh đẹp nên tôi khen nhưng anh trả lời rằng con cá đó có nhược điểm là bị “chấm tang”. Chấm tang theo tôi hiểu là cái chấm lớn ở trên trán, tức “màng tang” của cá La Hán và hầu như con nào cũng có. Tôi bèn hỏi lại cho kỹ thì anh giải thích rằng “tang” ở đây nghĩa là “tang tóc”, "chấm tang" là hàng chữ đen ở "kỳ trên" của cá La Hán tức là chấm kỳ, do vậy chấm kỳ mang ý nghĩa không tốt. Cứ suy diễn theo kiểu này thì có ngày “chấm” và “chữ” trên mình cá La Hán cũng có thể mang ý nghĩa không tốt vì chúng nằm kế nhau tạo thành vệt đen kéo dài từ sau nắp mang cho đến đuôi. Theo chỗ tôi biết thì người Á Đông vốn coi màu trắng là màu tang chứ không phải là màu đen như ở Âu-Mỹ. Dĩ nhiên, bạn tôi không phải là người khởi xướng cách lập luận này và anh cũng nghe từ người khác như tôi mà thôi. Tôi tìm hiểu và thấy rằng nhiều người tránh mua và nuôi những con cá như vậy dù rằng họ chẳng tin vào chuyện “chấm tang”, chẳng qua họ không muốn người khác bàn ra tán vào hoặc sau này có muốn bán cá đi cũng khó. Ngày nay, các nhà lai tạo và buôn bán cá La Hán cũng tránh các dòng cá có chấm kỳ bởi vì những lý do tương tự. Tuy thiếu cơ sở nhưng cách suy luận này đã khá phổ biến rồi, cũng giống như thầy bói phán mấy bà, mấy cô có nốt ruồi to trên gò má là số “sát phu”, kiểu gì cũng phải xoá đi chớ không làm sao lấy chồng? Nếu cá của bạn rất đẹp nhưng lỡ có chấm kỳ rồi thì thể nào cũng bị bàn ra tán vào, mà có muốn đem bán cũng khó mà được giá cao. Cũng giống như nốt ruồi ở người, chấm kỳ hoàn toàn có thể xoá đi được. Có hai cách xoá chấm kỳ: - Cách 1: dùng máy tạo ozon xục nước liên tục khi cá còn nhỏ. Cách này không rõ kết quả thực hư ra sao nhưng đâu phải người nuôi cá nào cũng có máy tạo ozon để thử nghiệm? - Cách 2: dùng kim cạo đi lớp hắc sắc tố trên vị trí chấm kỳ. Bạn phải chờ cho cá đủ lớn, tức cỡ hai ngón tay trở lên để các gai vây và màng vây cứng cáp, mặt khác cá cũng mạnh khoẻ để có thể chịu đựng cuộc “giải phẫu” kéo dài khoảng 10 phút. Cách này rất đơn giản, hầu như ai cũng có thể thực hiện được. Cách làm như sau. Chuẩn bị một cái khăn ướt gấp làm đôi hay làm tư và một cây kim. Khăn phải “ướt” chứ chỉ “ẩm” thôi là chưa đủ, nghĩa là khi ép mạnh xuống thì có nước chảy ra. Mục đích là để giữ ẩm cho cá. Bạn có thể sử dụng kim khâu cỡ lớn như loại khâu bao tải (hay dùng đầu nhọn của cây lấy ráy tai) để cạo thô, sau đó dùng kim khâu nhỏ để cạo các vệt nhỏ. Tôi để cá nằm trên tấm khăn như thế này, chỉ vài giây là cá sẽ nằm im để được “chữa trị”. Tôi từng nghĩ cần phải gây tê cho cá La Hán để nó khỏi giãy dụa như người ta thường làm khi giải phẫu cá rồng nhưng vì kiếm không ra thuốc nên làm đại, không ngờ cá La Hán khá dễ tính và “hợp tác”. Nếu thấy da cá bị khô thì bạn phải tưới thêm chút nước lên mình cá. Bạn cũng có thể bỏ tấm khăn vào trong chậu có nước sâm sấp như thế này để cá được giữ ẩm tốt hơn, nhưng thao tác cũng hơi khó hơn một chút vì vướng chậu. Bạn sẽ thấy nắp mang của nó co bóp liên tục để thở. Một điểm thuận lợi, vốn là cá vây gai nên khi có người đưa tay lại gần hay chạm vào người cá, các vây của nó liền trương thẳng lên nhờ vậy mà chúng ta có thể thao tác dễ dàng hơn. Đây là cơ chế tự bảo vệ để chống bị “nuốt chửng” ở cá, nếu bạn bắt con cá rô đồng thì nó cũng phản ứng tương tự như vậy. Khi vây cá trương lên, tôi dùng đầu kim cạo đi lớp hắc sắc tố nằm trên màng vây và các tia vây. Cạo xong một bên thì tôi đổi sang mặt bên kia. Sau khi cạo, tôi dùng tay vuốt dọc theo các tia vây để làm sạch hết lớp sắc tố còn sót lại. Nếu cạo thật kỹ, vây lưng sẽ trông sạch sẽ như thế này: Sau khoảng 10 phút thao tác, tôi thả cá trở về hồ và bỏ thêm chút muối để phòng cá bị nhiễm trùng. Bây giờ chúng ta cần đợi một thời gian để cá phục hồi màu trên phần vây bị cạo. Tóm lại, nếu cá của bạn có chấm kỳ thì bạn hoàn toàn có thể xóa nó đi theo cách mô tả ở trên. Chúc bạn thành công!
Bài viết của bạn hay mà công phu quá. Thật không ngờ có nhiều vấn đề ghê nhỉ. Hôm ở Hội chợ cá cảnh, Cá_con có mua một con Kingkamfa con với giá 60 ngàn. Nhưng sau đó do hồ cá bị vỡ Cá_con nhôt nó tạm với một con khác lớn hơn tí. Hậu quả là khi thả trở lại vào hồ nó bầm dập, mất hết đuôi. Trên thân thể nó có vài chỗ tróc vẩy lên đốm trắng như bông gòn. Thế là Cá_con bèn ngâm thuốc cho nó( hỏi mua ở Nguyễn Thông). Cá_con xin hỏi mấy việc: 1. Nó có lành lặn được ko? Có mọc đuôi lại ko? 2. Sau khi ngâm thuốc nó ko tróc " bông gòn" nữa mà mất vảy chỗ đó luôn. Vì vậy các chữ cũng mất tiêu. Có phục hồi được ko ạ? Cám ơn bạn nhiều nhé Cá_con_Xấu xí
Anh Đại ơi, em có con LH dài 10cm, nó cứ đen thui thùi lùi và xấu hoắc, lại không có đầu nữa, bữa nào đi off em mang nó theo nhờ anh trị nó cho nó bớt đen lại giùm em nha !!! Hôm bữa em đã thử làm bác sĩ nhưng xém chút thành ác quỷ ... hehe, kỳ nó te tua mà chấm đen chưa hết... đại ca rảnh thì chữa giúp em nhé !!! Tết đến khách tới nhà mà thấy con này thì buồn lắm !
_ Đó là do cá bị nhát nên đen người thôi ! nên tập cho em xung lại tẩm bổ cho nó nhiều chút ! bật đèn thường xuyên em nó sẽ sáng lên thôi !
Trong bài này mình chỉ cạo sơ lớp da bên ngoài nên sau một thời gian thì chấm đen xuất hiện lại. Theo đúng "chỉ dẫn" thì phải phá luôn phần vây mềm (chỉ để lại phần gai cứng) thì sẽ có tác dụng.
em cắt vây cá betta bị lỗi.1 thời gian sau nó mọc lại i sì đúc luôn.cái này là theo gien di truyền rồi.làm sao mà mất đi được chứ.nốt ruồi ở người em nghĩ không phải do gien mà do tuyến nội tiết có vấn đề mới hình thành nên mới xóa được.chút ý kiến nhỏ của em.