Khởi nguồn và phát triển của cựa nhân tạo George Ryley Scott - Trích "History of Cockfighting" (2009) Gà trống, như tất cả những người nuôi gà và nhiều người không nuôi gà vẫn biết, sở hữu một cặp cựa, mỗi chân một chiếc. Kích thước, sức mạnh và độ dài của những chiếc cựa này thay đổi một cách đáng kể tùy vào giống gà, khác biệt ở từng cá thể trong cùng giống, và ở mỗi cá thể tại những giai đoạn phát triển khác nhau trong vòng đời của nó. Chẳng hạn, ở gà tơ cựa ngắn với chóp tù hay hơi nhọn; và cho đến tận năm tuổi thứ hai chúng mới trở thành công cụ chiến đấu mạnh mẽ, cứng cáp, sắc nhọn, sát thương. Chọi gà đã trở nên phổ biến với liên tưởng đến cặp cựa thép đáng sợ mà một số người nhận ra rằng gà trống của một số giống gà nhất định, đặc biệt là gà chọi, sẽ thỉnh thoảng đá đến chết mà không cần sử dụng gì khác ngoài những vũ khí mà tự nhiên ban tặng cho chúng. Nhiều trận đấu khốc liệt và đẫm máu mà tôi chứng kiến, không chỉ giữa gà chọi mà còn giữa các cá thể hung hăng của giống gà khác, chẳng hạn như Rhode Island Reds. Đúng là tôi chưa bao giờ thấy một trận đấu kiểu này khi mà kẻ thắng trận gáy vang trên xác đối thủ, nhưng đấy là bởi vì tôi luôn can thiệp. Thỉnh thoảng, vì chen ngang nên tôi lãnh trọn một cú đá của một trong hai đấu thủ: do đó cá nhân tôi có thể kiểm chứng cho sự khốc liệt mà cựa xương có thể gây ra. Ở tất cả các nước, khi những con gà chọi đầu tiên được cho đá với con khác, tôi nghĩ có lẽ chúng đá với cựa xương mà không gắn bất kỳ dạng cựa thép nào. Việc sử dụng cựa nhân tạo chắc chắn diễn ra sau thời kỳ mà cựa xương thịnh hành. Dĩ nhiên cũng có nhiều trận đấu mà gà được trang bị cựa nhân tạo diễn ra đồng thời với những trận đá cựa xương, như trong các văn bản lịch sử, chúng ta biết đấy là trường hợp ở La Mã cổ. Với thể loại cựa xương, điều bắt buộc là cựa phải nhọn-sắc và sạch. Do đó, theo thông lệ chúng phải được chuốt bằng dao cho đến khi bóng và sắc. Để đảm bảo các sư kê gian xảo không thể giở trò, theo thông lệ ở một số trận đấu, cựa phải được lau sạch ngay lập tức trước khi đá dưới sự chứng kiến của toàn thể khán giả, và trong một số trường hợp, để ngăn ngừa việc dụng độc, sư kê phải liếm cựa. Ở hầu hết các nước, cựa nhân tạo đã thay thế cựa xương, nhưng vẫn còn một vài nơi mà hình thức đá cựa xương hay một số biến thể của nó vẫn còn tồn tại. Chẳng hạn ở Tây Ban Nha, thể loại cựa xương vẫn chiếm đa số, thậm chí cả dạng cựa cải tiến lấy từ gà chết lắp vừa với chiến kê mà nó, do độ tuổi non nớt, nên cựa chưa mọc đủ dài và sắc để đá trường. Các sư kê vùng West India [biển Caribbean] gắn loại cựa cứng và nhọn hoắt mà đôi khi mọc ở gà mái. Mục đích thực sự của việc trang bị cựa thép cho gà dường như là để trận đấu công bằng hơn. Trong thể loại cựa xương, gần như không thể đảm bảo hai bên đồng đều nhau. Mặt này hay mặt khác đều có con lợi thế hơn: cựa có thể dài hơn, chúng có thể nhọn hơn, chúng có thể cong theo hướng tăng cường mức độ sát thương hơn. Như tôi đã nói, gà thuộc các giống khác nhau và thậm chí giữa các cá thể của cùng một giống đều ít nhiều khác biệt về kích thước và đặc điểm của cựa mà tự nhiên ban tặng cho chúng. Nhất là độ tuổi như đã nói, ảnh hưởng đáng kể đến kích thước cựa. Hầu hết gà trống, trước khi đạt hai năm tuổi đều chẳng được trang bị gì để đá cựa xương, vốn chẳng mấy gây hại cho đối thủ. Mặt khác, nhiều con hai tuổi rưỡi hay ba tuổi, có cựa đạt đến kích thước tối thiểu 3 inch [7.6cm]; và trong một số trường hợp thậm chí vượt quá kích thước này. Cựa cũng có xu hướng cong lên. Bởi xu hướng này, theo thông lệ cần đột cựa vốn mọc dài và sắc-nhọn, đặc biệt là những trống dùng vào mục đích lai tạo, bằng không gà mái sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. Rồi cựa cong dài cũng có thể cản trở vận động của chính gà trống. Mặt khác, gà chọi Ấn ngực-nở lại không bao giờ mọc cựa thật dài, và cặp chân tương đối ngắn rất hạn chế khi cần đến tốc độ. Ban đầu, giống gà này có chân dài hơn và được thợ mỏ Cornish [vùng Cornwall cực nam đảo Anh] dùng để đá, nhưng ngày nay chúng trở nên quá nặng nề nên rất khó cản mái. Lại nữa, trận đấu thường kéo dài hơn khi áp dụng thể loại đá cựa xương, và gà thắng cũng như thua (nếu không trúng chân chết) dường như đều bị các vết thương nghiêm trọng mà chúng chậm lành và thường dẫn đến mất sức. Mặt khác, cựa thép tạo ra vết thương sạch, mà nếu không gây ra tử vong, thường lành hẳn sau một thời gian ngắn và gà có thể đá lại. Loại cựa bạc cũng vậy. Nhưng loại cựa làm bằng nickel xuất phát từ John Harris là một ngoại lệ: các vết thương mà nó gây ra đều chí tử, chậm lành hoặc vô phương cứu chữa. Những tay đá cựa xương đều khẳng định rằng phần thắng hầu như nghiêng về những con dai sức và gan lỳ hơn. Một trận đấu bình thường kéo dài khoảng hai giờ đồng hồ, và thậm chí lâu hơn trong một số trường hợp hiếm hoi. Hơn nữa, hiếm khi nào chiến kê kết thúc trận đấu bằng một chân chết may mắn, điều vốn không quá bất thường nếu đeo cựa kim loại. Bịt cựa (muff/muffle) - cựa và bao cựa (Bali) Cựa nhân tạo. Dường như không có văn bản cổ nào ghi nhận thời điểm đầu tiên cựa nhân tạo được sử dụng, hay nước nào sử dụng chúng trước tiên. Nhiều tác giả thảo luận về chủ đề này và đưa ra lời khẳng định, nhưng chúng, khi được kiểm tra, dường như đều là sự võ đoán. Tuy nhiên, có tham thảo thường được trích dẫn của Aristophanes về việc sử dụng cựa nhân tạo vào thời cổ Hy Lạp. Dạng sơ khai của loại cựa nhân tạo này, vốn được gọi là telum, dường như bao gồm một cái chụp (cap) bằng đồng thiếc hay kim loại khác mà nó được tròng lên chính cựa xương. Trong số những cổ vật La Mã được phát hiện lúc này lúc nọ ở nhiều vùng khác nhau tại nước Anh có cả cựa sắt, đồng thiếc và bạc, trong một số trường hợp được gắn vào xương cán của gà. Trong cuốn sách thú vị và có thẩm quyền của Atkinson Cockfighting & Game Fowl, có một hình minh họa về loại cựa La Mã được phát hiện ở Cornwall: nó được làm bằng bạc. Một số học giả và sử gia cho rằng cựa nhân tạo không được biết đến ở vương quốc Anh trước thế kỷ mười bảy, nhưng theo tôi, bằng chứng mà giả thiết dựa vào dường như là đáng ngờ. Dựa vào việc sử dụng cựa kim loại của người La Mã, dường như chẳng có lý do gì mà người ta không sử dụng chúng trong những thế kỷ tiếp theo. Đúng là những chiếc cựa cổ nhất được làm tại nước Anh hiện còn tồn tại dường như là cặp cựa mà vua Charles đệ nhị tặng cho người hầu của ông Nell Gwynn vào khoảng giữa thế kỷ mười bảy (mà chúng được trao lại cho John Harris và hiện được sở hữu bởi một người họ hàng gần) nhưng nhiều khả năng những chiếc cựa bạc này bị qua mặt bởi loại cựa nón, làm bằng sắt và đồng thau. Tuy nhiên vào những thập kỷ đầu của thế kỷ mười chín ở nước Anh, loại cựa bạc dường như lấn át tất cả những loại khác, ít ra theo ghi nhận của các trường đấu chính thức. Trong luật và quy định về chọi gà ở những trường đấu danh tiếng chúng tôi thấy phát biểu rằng trận đấu phải được tiến hành với việc đeo cựa bạc. Trong những ngày đó, chỉ ở những trường đấu cấp thấp, nơi đá ít tiền, người ta mới có thể thấy gà được trang bị bằng cựa sắt và thép. Lý do chính cho việc sử dụng cựa bạc đó là các trận đấu dường như kéo dài hơn so với khi sử dụng loại cựa thép sắc nhọn. Với việc từ bỏ loại cựa nón rỗng dùng tròng lên cựa xương, cựa bạc là một miếng đặc duy nhất, hình dạng tương tự cựa xương và hơi cong. Cựa bạc không còn được sử dụng thậm chí ở cả những nơi mà chọi gà được cho phép. Có một lý do rất hợp lý. Việc chế tạo cựa bạc ít nhiều là một quy trình bí mật, mà hiện nay được xếp vào dạng nghệ thuật bị thất truyền. Cũng tương tự với việc chế tạo cựa vàng, mà nghe nói từng có thời được sử dụng. Những loại cựa kim loại này, cả bạc lẫn vàng, phải được tôi cứng, và ngày nay không còn ai nắm được cách thức thực hiện. Ở bất cứ nơi nào còn đá gà ngày nay (ngoại trừ một vài nơi đá cựa xương) gà đều được đeo cựa thép. Bởi vì việc chọi gà ở vương quốc Anh là cực kỳ bí mật, có rất ít thông tin về loại cựa đang được sử dụng, nhưng đa số có lẽ đều dùng theo mẫu cựa bạc vốn nổi tiếng vào thế kỷ mười tám và đầu thế kỷ mười chín. Tuy nhiên, ở Mỹ chẳng có gì là bí mật. Cựa thép được mua bán công khai; minh họa về chúng xuất hiện trên truyền thông mà qua đó họ quảng cáo bán một cặp cựa với giá từ mười đến hai mươi đô la. Gọng cựa phải tuyệt đối tròn, thuôn dần từ đế cho đến mũi và hơi cong. Nó được chế tạo với nhiều kích thước, từ 1.25 inch [3cm] đến gấp đôi kích thước này. Chiến kê được chỉnh cựa trước khi thi đấu ở đảo Bali (Indonesia). Một biến thể của loại cựa tròn chính thống là “cựa dao dài” (slasher), một lưỡi dao-sắc lẻm-đáng sợ với mũi nhọn. Đây là loại cựa sát thương mạnh, và trận đấu được trang bị cựa dao dài thường kết thúc khốc liệt. Lưỡi dao có chiều dài thay đổi. Trong đa số trường hợp, chỉ một bên chân được gắn cựa. Có lẽ các sư kê Anh và Mỹ hơi e ngại nên việc sử dụng cựa dao dài* bị cấm. Nó dường như chỉ xuất hiện ở Mexico, Philippines và một số vùng nhất định ở Trung và Nam Mỹ. Việc lắp cựa nhân tạo lên chân gà không phải là công việc đơn giản để có thể phó thác cho một tay gà mờ. Ngược lại nó đòi hỏi kỹ năng đáng kể và không ít kinh nghiệm. Các tác giả trước đây trong lãnh vực chọi gà đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc chuẩn bị sơ bộ này. Không có nguyên tắc đơn giản hay cứng nhắc nào trong vấn đề làm sao để lắp cựa nhân tạo một cách chính xác. Nó phụ thuộc rất nhiều vào mỗi cá thể, và chỉ sau quá trình quan sát cẩn trọng và lâu dài về lối đá cũng như cách thức sử dụng cựa tự nhiên của nó, mà một chuyên gia mới có thể quyết định được vấn đề này, vấn đề có thể đem lại sự khác biệt giữa thắng và thua. Vì lý do này, cựa nhân tạo không phải lúc nào cũng được lắp một cách chính xác theo hướng cựa tự nhiên: vị trí và phương hướng phụ thuộc vào lối đâm (method of striking) của gà, thông qua việc quan sát lúc xổ. Vì vậy nếu việc lắp cựa mắc sai sót thì chiến kê sẽ rơi vào tình thế cực kỳ bất lợi trong trận đấu thực tế. Về nguy cơ này, Ferguson nói: “Một mục tiêu của chiến kê trong trận đấu là nắm lông bờm của đối thủ, ghì nó xuống và đâm vào đầu: để làm được như vậy nó phải đá hay đâm sượt qua đầu mình; và do đó nếu cựa không được lắp với một góc thích hợp thì nó sẽ có xu hướng tự đâm vào đầu chính mình”**. Ngày xưa, cựa bạc được gắn vào gốc cựa trên chân gà (cựa xương được cắt ngắn hay loại bỏ) bằng dây da, da heo hay da hoẵng. Lối thực hành này tồn tại qua nhiều thế kỷ và trong hầu hết trường hợp, “cột dây da” (leathering), như nó được gọi, vẫn là phương pháp được ưa chuộng, những sợi da dê mảnh hay loại vật liệu mềm khác được sử dụng. Tuy nhiên, ở một số nơi, nhất là Mỹ, việc sử dụng dây da bị cấm, cựa phải được cột bằng sợi chỉ (string). Với cựa nhân tạo, sẽ ít có nguy cơ một trong hai chiến kê gặp bất lợi [ngay từ đầu], trừ phi người chịu trách nhiệm lắp cựa không hoàn thành nhiệm vụ. Việc lắp cựa quá chặt hay quá lỏng có thể tạo ra sự khác biệt giữa thắng và thua. Lại nữa, có khả năng cựa thậm chí được lắp cực kỳ tốt mà gà lại phản ứng tiêu cực với sự hiện diện của cựa nhân tạo. Đúng là hiếm khi nào chiến kê cố gắng loại bỏ những đồ gắn thêm này, nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng không cảm thấy khó chịu hay không ảnh hưởng đến hành vi tự nhiên của chúng. ========================================= *Dường như “cựa dao dài” hay đại loại như vậy, thỉnh thoảng được sử dụng ở Anh. Đoạn trích dẫn sau đây lấy từ sách của John Ashton Social Life in the Reign of Queen Anne (trang 30) sẽ cho thấy việc này “Lưu ý rằng vào thứ tư sẽ có một trận đấu duy nhất bằng lưỡi liềm (sickle) theo kiểu Đông Ấn. Và vào thứ năm sẽ có một trận Battle Royal [nhiều con đá lộn xà ngầu], một con gắn lưỡi liềm, và 4 con để cựa tự nhiên. Vào thứ sáu, sẽ có một cặp quá chạng (shakebag) đá với 5 bảng [tiền độ]. Và vào thứ bảy, có một trận Battle Royal giữa một con quá chạng để cựa xương, và 4 con gắn lưỡi liềm, lưỡi trích (launcet) và dao nhíp (penkife), điều chưa từng xảy ra trước đây. Vì niềm vui của các quý ông và đại sứ ngoại quốc”. **Bài viết về chọi gà của cựu thủ tướng Ferguson trong Transactions of the Cumberland and Westmorland Antiquarian & Archaeological Society, Vol. IX, 1887. Bộ sưu tập cựa của tiến sĩ Clarke, một chuyên gia về cựa ở Mỹ.