Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Cá vương miện

Thảo luận trong 'Bài Viết' bắt đầu bởi vnreddevil, 16/5/14.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    [​IMG]

    Khi tôi hãy còn là một tay chơi trẻ trung hồi những năm 1960, các tiệm cá thường bày bán loại sách nhỏ, gáy mềm với giá dưới một đô la. Hồi đó chuột cory còn được bán với giá 49 cent – cao hơn giá của một gallon [3.78 lít] xăng! Khi một người hàng xóm nghỉ chơi cá, chị cho tôi một chồng sách cá cảnh nhỏ mà tôi thích thú bổ sung vào bộ sưu tập của mình. Một cuốn trong đó là sách ảnh về các loài cá cảnh mà nó bao gồm một tấm hình rất đẹp (chụp bởi Gene Wolfsheimer) về loài Distichodus sexfasciatus – tức cá vương miện (six-barred distichodus).

    Cơ bản

    D. sexfasciatus là một loài characin xuất xứ từ các nhánh của sông Congo, Angola và vùng kênh rạch lầy lội ở hồ Tanganyika. Các dấu vết hóa thạch cho thấy rằng chi Distichodus từng phân bố rộng khắp châu Phi vào thế Miocene muộn cho đến thế Pleistocene (Stewart, 2001). Theo Jacques Géry (và fishbase.org), chúng thuộc về họ Citharinidae, phân họ Distichodontinae, trong khi số khác coi chúng là một họ riêng [Distichodontidae].

    Từ quan điểm thú chơi, có lẽ nên xem chúng như là một trong những loài tetra cỡ lớn, như cá pacu. Nó là loài cá xinh đẹp với màu sắc giống như cá chạch hề (clown loach) và tứ vân (tiger bard). Có sáu sọc đen trên nền thân màu cam. Cá thể lớn hơn có màu đỏ phai với sáu sọc hơi ánh xanh và đuôi đỏ. Khi lớn hết cỡ, cá sẽ trở nên xám xịt.

    Có một loài mà màu sắc rất giống với cá vương miện, D. lusosso, mà nó có thể được phân biệt nhờ dạng đầu lõm (concave). Ngoài điều đó, tôi còn đọc thấy rằng D. lusosso có xu hướng hơi nhiều tia vây, vảy và sọc hơn.

    Tôi thấy dáng của cá vương miện đẹp hơn D. lusosso, vì vậy tôi chưa bao giờ nuôi D. lusosso, nhưng sách vở nói rằng những gì áp dụng cho cá vương miện đều có thể áp dụng cho D. lusosso, với một ngoại lệ rằng loài sau không to bằng.

    Khi nhìn từ mặt bên, cá vương miện trông đặc biệt mạnh mẽ, nhưng khi nhìn từ phía trước chúng dường như rất mong manh vì thân hình dẹp lép, mỏng như cá dĩa hay cá ông tiên. Sự tương phản có thể gây ngạc nhiên khi nhìn thấy lần đầu.

    Kiếm cá vương miện

    Ngày nay, cá vương miện thường được bày bán trong các tiệm cá cảnh, dài khoảng 2-3 inch [5-7.6 cm]. Giá của chúng nói chung không cao so với một số loài cá cảnh đắt tiền khác. Chúng không được lai tạo thương mại, và phần lớn giá cả nằm trong chi phí vận chuyển từ châu Phi. Cá sông Congo thường phổ biến ở châu Âu hơn. Thỉnh thoảng bạn có thể kiếm được con to hơn ở tiệm cá cảnh do người chơi bán lại.

    Cuốn sách mà tôi có hồi nhỏ ghi nhận kích thước của loài cá này là 10 inch [25 cm], nhưng các nguồn tin mới hơn cho biết kích thước của chúng có thể từ 14 đến 40 inch [35-100 cm]. Thông tin trước đây chắc chắn dựa trên những cá thể chết yểu trong hồ nuôi vốn còn quá nhỏ.

    Nói chung, mọi người mua cá cỡ 2-3 inch [5-7.6 cm] từ tiệm và nuôi chúng trong hồ có kích thước tương ứng; tôi đề nghị khoảng 75 gallon [280 lít] là tối thiểu. Cá bắt đầu lớn với tốc độ phi mã cho đến khi chúng đạt kích thước từ 8 đến 11 inch [20-28 cm], sau đó tốc độ giảm một cách đáng kể. Ở kích thước này, màu sắc bị phai đi một chút, có lẽ các vạch hơi ánh xanh, và đuôi vẫn còn đỏ tươi. Như đã nói ở trên, chúng sẽ trở nên xám xịt một khi trưởng thành hoàn toàn. Hiện tượng thay đổi màu sắc như thế này vốn chẳng xa lạ gì ở các loài Distichodus sp., bởi hiện tượng tương tự cũng xảy ra ở các loài D. schenga và D. mossambicus (hai loài vốn chưa bao giờ xuất hiện trên thị trường cá cảnh).

    Tôi từng thấy một con D. sexfasciatus đã đủ lớn để chuyển sang màu xám xịt. Nó xuất hiện ở tiệm cá cảnh trong một hồ tự xây to khoảng 400 đến 500 gallon [1.5-1.9 mét khối]. Ấn tượng đầu tiên của tôi đó là con này không phải là cá vương miện, nhưng cái dáng đặc trưng khẳng định danh tính của nó. Con cá màu xám toàn thân và không hề có cái vạch nào. Màu xám mờ mịt, xấu xí mà không có chút ánh kim nào. Con cá lớn hơn con pacu được thả chung với nó, và có lẽ dài gần cả mét.

    [​IMG]

    Cho ăn

    Vậy chúng ăn gì? Một trong những dấu hiệu tiết lộ cá ăn gì là khoảng cách tương đối từ miệng cho đến vây hậu môn. Nếu khoảng cách dài, nó chứng tỏ đường tiêu hóa dài và cá có lẽ xơi cả thực vật trong khẩu phần ăn, bởi thực vật khó tiêu hóa hơn và đường tiêu hóa cần phải dài. Cá vương miện có đường tiêu hóa dài và được biết ăn thực vật. Nó cũng ăn cả trùn và giáp xác, và phần chóp miệng (dưới mõm) cho thấy nó có lẽ là loài ăn xác bã (detritivore).

    Trong hồ cảnh, tôi không thể tìm ra thứ gì mà chúng không chịu ăn. Chúng ăn ngấu nghiến thức ăn tấm, viên, đông khô [freeze–dried, loại bỏ nước và trữ lạnh] và đông lạnh. Ngoài tự nhiên, chúng ăn hạt và trái cây một khi có cơ hội. Tôi nghĩ rằng vì chúng ăn đủ thứ nên chúng có chất để duy trì màu sắc bất kể bạn có bổ sung thức ăn lên màu hay không.

    Vì là loài ăn thực vật, nhiều người lo lắng khi nuôi chúng trong hồ thủy sinh. Tôi không rành về cây cối, vì vậy tôi thường không nuôi chúng trong hồ thủy sinh, nhưng đã từng một lần trong hồ đặt ở trước cửa sổ. Nhờ ánh sáng từ cửa sổ, cây mọc rất nhanh và tôi chưa từng thấy có cây nào bị tổn hại vì cá ăn. Tôi chưa từng thấy cá vương miện ăn thực vật, mà nếu có, thì tốc độ tăng trưởng có lẽ vượt quá sự tổn hại. Tôi cũng nghĩ rằng cá chuộng thức ăn được thả vô hơn là thực vật. Theo kinh nghiệm của tôi, hoàn toàn có thể nuôi cá vương miện trong hồ thủy sinh nhưng đó là điều rất rủi ro.

    Thật ngẫu nhiên, con cá đó dài khoảng 12 inch [30 cm] và có lẽ là con sặc sỡ nhất mà tôi từng có. Điều đó có thể là nhờ ánh sáng và có đủ chỗ trú ẩn, nhưng cũng có thể coi đó là lời phản bác với những gì mà tôi viết ở trên về màu sắc và khẩu phần ăn. Tôi không chắc lắm.

    Hành vi

    Hành vi của chúng là gì? Cuốn sách mà tôi có nói rằng chúng rất hiền lành. Những người khác nói rằng chúng rất hung dữ. Hành vi hung dữ được ghi nhận và so sánh với cá cichlid (Baute & Poncin, 1993). Khi những con cá nhỏ mới xuất hiện ngoài tiệm, chúng có dấu hiệu rách vây vì đánh nhau trong hồ tạm. Ngoài tự nhiên, ở tuổi này chúng bơi theo bầy. Tôi từng thấy những con nhỏ cố nhập vào một bầy cá chạch hề (clown loach) và khi chúng lớn hơn, bắt đầu rỉa vây của cá chạch rồi sau đó lờ tịt chúng đi. Tôi từng có một con luôn lẩn tránh mọi thứ, điều hết sức bất thường, bởi chúng thường bơi lội khắp hồ một cách rất tự tin.

    Tôi tin rằng nhiều vấn đề về sự hung dữ có liên quan đến kích thước hồ mà chúng được nuôi – hồ càng lớn thì càng ít vấn đề. Trên thực tế, tôi chưa hề thấy có trường hợp nào mà cá vương miện gây ra tổn thương nhiều hơn là rỉa vây và bị mất vài cái vảy, nhưng có báo cáo cho rằng chúng thực sự là đồ quái vật. Tôi cũng chưa bao giờ nuôi chúng trong hồ nhỏ hơn 90 gallon [340 lít].

    Khi tôi đang viết bài này, một người bạn yêu cầu bắt hai con lớn ở chỗ anh bởi vì hiện diện của chúng ảnh hưởng đến sự ghép cặp của mấy con Aristochromis christyi trong hồ. Hai con này dài khoảng 17 inch [43 cm] và bị mất ít vảy, có lẽ vì A. christyi. Tôi thả chúng chung hồ. Ngay sau đó, một con bắt đầu ức hiếp con kia và tôi phải chuyển nó sang hồ khác. Có một con vương miện nhỏ hơn rất nhiều trong hồ đầu, và nó chẳng thèm quan tâm đến cái đồ ngáo ộp to xác kia.

    Có vài thứ có thể ảnh hưởng đến việc này. Một trong số đó là hành vi thay đổi tùy thuộc vào cá nuôi cùng hồ. Hiện diện của A. christyi và hành vi ghép cặp của chúng có thể tác động đến sự hung hăng của cá vương miện để sau này chúng ức hiếp lẫn nhau khiến không thể nuôi quá một con trong hồ. Dẫu tôi hiện có một con rất to và một con tương đối nhỏ nuôi cùng hồ mà không có vấn đề gì, tôi vẫn khuyên không nên nuôi quá một con trong hồ.

    Tôi cũng thấy hiện tượng tương tự ở cá kích thước lớn khi chúng tỏ ra hung dữ với nhau và với loài có kích thước tương đương khác, nhưng đồng thời chúng lại chấp nhận những con nhỏ hơn nhiều. Tôi chưa bao giờ mất con vương miện nào vì sự ức hiếp của cá cùng hồ, và chúng dường như có khả năng sống sót thậm chí trong đám cá cichlid to lớn, hung dữ. Nhiều người chơi cá nuôi chúng trong các hồ phỏng rạn [“rift lake”: hồ hình thành từ vết nứt trên vỏ trái đất, “rift lake tank”: hồ cảnh mô phỏng hồ rạn] như trường hợp của bạn tôi với loài A. christyi.

    [​IMG]

    Điều kiện nước

    Điều kiện nước trong các hồ cichlid? Cá vương miện xuất hiện ở hồ Tanganyika trong các vùng kênh rạch lầy lội nhưng không bao giờ xuất hiện ở những vùng pH cao trong hồ. Chúng xuất hiện nhiều hơn ở sông Congo, nơi mà dòng nước hơi có tính a-xít. Kinh nghiệm cho thấy rằng chúng thích nghi tốt với tầm biến thiên rộng, bởi chúng có thể nuôi trong môi trường nước kiềm, cứng của hồ rạn cichlid cũng như nước mềm, a-xít. Tôi không nghĩ có sự khắt khe về điều kiện nước; nếu những loài cá cảnh nhiệt đới khác có thể sống trong nước hồ của bạn, thì cá vương miện cũng vậy.

    Sinh sản

    Sinh sản chưa bao giờ thành công trong môi trường nuôi dưỡng và có lẽ không bao giờ vì lý do kích thước và sự tương thích. Mặc dù chúng bơi thành đàn khi còn non, chúng không đi cùng nhau trong môi trường nuôi nhốt và không đi cùng nhau khi trưởng thành. Còn một vấn đề nữa, như những loài characin khác, chúng có lẽ trải qua một kiểu di cư nhất định trước khi sinh sản điều vốn không thể giả lập trong môi trường nuôi dưỡng. Dĩ nhiên, cùng với việc điều trị bằng hormon, hoàn toàn có khả năng chúng sẽ được sản xuất một cách đại trà vào một ngày nào đó.

    Không gian là chìa khóa

    Vậy bạn có nên mua cá vương miện? Tôi sẽ nói vâng, nhưng chỉ khi bạn hiện đang có hồ rộng. Tôi hết sức can ngăn mọi người mua cá vốn sẽ lớn quá dung tích hồ với ý nghĩ rằng họ sẽ mua hồ rộng sau này. Hãy đợi cho đến khi bạn mua được hồ rộng, và chuẩn bị không gian cho con cá lớn đến 1 m hay hơn. Dẫu cá vương miện có những nhược điểm nhất định về phương diện cá cảnh, tôi nghĩ những mặt tích cực vẫn lấn lướt hơn. Đó là loài cá xinh đẹp mà chúng khiến cả những người vốn không thích cá mú cho lắm cũng phải quan tâm.

    Tham khảo

    Baute, P., and P. Poncin. 1993. “Preliminary study of the behaviour of Distichodus sexfasciatus Boulenger 1897 in aquarium: ethogram, social behaviour and daily rhythm of feeding activity.” Cahiers d'Ethologie Fondamentale et Appliquee, Animale et Humaine 12(4):509–518.

    Stewart, K. 2001. “The freshwater fish of Neogene Africa (Miocene–Pleistocene): systematics and biogeography.” Fish and Fisheries 2(3):177–230.


    ============================


    *Loài characin nhỏ hơn và cũng có sọc là black-banded leporinus Leporinus fasciatus (cá ong).

    *Loài characin lớn và có vạch ở đuôi, là phi phụng (flagtail Semaprochilodus theraponura, tên cũ Prochilodus insignis), họ Prochilodontidae, phân bố ở Nam Mỹ. Loài này thường được nuôi chung với cá rồng.
     
    Chỉnh sửa cuối: 24/3/17

Chia sẻ trang này