Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Sơ lược về tôm tích

Thảo luận trong 'Bài Viết' bắt đầu bởi vnreddevil, 26/8/11.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    [​IMG]

    Vài tuần trước đây, tôi là một trong nhiều diễn giả được mời đến Capitol City Coral Corral ở Austin, và có phần hỏi đáp ở gần cuối sự kiện. Đến một lúc, tất cả chúng tôi đều được hỏi về loài thân mềm ưa thích, và câu trả lời tức thì của tôi là tôm tích (mantis shrimp). Các loài chân đầu cephalopod [mực và bạch tuộc] tất nhiên cũng rất thú vị, nhưng chúng không thọ và chịu đựng kém (theo kinh nghiệm của tôi). Vì vậy, tôi chọn tôm tích, và trong bài viết này tôi hy vọng sẽ cho bạn biết tại sao. Tôi nuôi một vài con đã nhiều năm qua và chúng thực sự là những sinh vật tuyệt vời.

    [​IMG]
    Tôm tích Neogonodactylus wennerae.

    Để bắt đầu xin được thú nhận một điều. Mặc dù tên gọi phổ biến như vậy, chúng không thực sự là “con tôm” (shrimp) vì thuộc về một nhóm khác trong ngành chân khớp Arthropoda. Tôm chính hiệu thuộc về bộ mười chân Decapoda, nhưng tôm tích lại thuộc về bộ chân miệng Stomatopoda, và tên gọi chính xác là stomatopod [giáp xác chân miệng]. Dẫu có vô số đặc điểm khác biệt giữa tôm và stomatopod, đặc điểm bổi bật nhất là bộ phận chuyên dụng để săn/giết con mồi gọi là càng bắt mồi (raptorial appendages). Có hàng trăm loài stomatopod khác nhau, mà kích thước trưởng thành từ dưới 1 inch [2.5 cm] đến gần 16 inch [40 cm].



    Dẫu vậy, chúng luôn có thân ngắn và đuôi dài, rất uyển chuyển điều cho phép chúng xoay trở thật nhanh chóng và dễ dàng trong không gian chật hẹp và hang hốc. Đuôi và bộ phận bơi chuyên dụng hình mái chèo ở phần hậu cũng cho phép tôm tích bơi/trốn cực kỳ nhanh khi săn mồi hay lúc hoảng hốt.

    [​IMG]
    Mặt trên và dưới của tôm tích Oratosquilla oratoria.

    Nói về càng bắt mồi chúng ta thường mong đợi được thấy loại càng/kẹp như ở tôm và tôm hùm, và có thể được dùng để săn mồi và tự vệ, và cũng dùng để dọn dẹp môi trường khi cần đến. Những cái càng này có hai dạng hoàn toàn khác biệt, dẫn đến việc phân tôm tích ra thành hai nhóm. Tùy vào dạng càng mà chúng có, tôm tích thường sử dụng chủ yếu vào việc đập hay đâm. Do đó chúng thường được gọi một cách tương ứng là “chùy thủ - smasher” (đập) hay “giáo thủ - spearer” (đâm).

    [​IMG]
    Tại đây bạn dễ dàng nhận thấy cặp càng của Neogonodactylus wennerae, một chùy thủ điển hình.

    Việc khảo sát cặn kẽ càng bắt mồi cho thấy rằng nó bao gồm ba phần chính vốn có thể khép thật gọn khi không dùng đến. Đoạn cuối trông rất khác tùy thuộc vào việc chúng là chùy thủ hay giáo thủ.

    Càng bắt mồi của một chùy thủ có một mũi rất sắc ở chóp của đoạn cuối cùng, mà nó có thể dùng như một con dao để đâm hay chém vào phần mềm. Tuy nhiên, ở gốc của đoạn này có một gót dày được dùng để công phá. Khi sử dụng gót (heel), đoạn cuối được giữ ở tư thế gấp (như trong hình) với mũi nhọn khép vào. Do đó, chúng có thể dễ dàng xử lý các mục tiêu mềm cũng như cứng.

    [​IMG]
    Càng bắt mồi của Neogonodactylus wennerae, một chùy thủ điển hình.

    Ngược lại, càng bắt mồi của một giáo thủ có một số gai hướng lên/ra ngoài ở đoạn cuối cùng, nhưng không có chùy ở gốc. Giáo được dùng để đâm vào nạn nhân và kéo về đoạn thứ hai nhằm giữ yên con mồi để ăn. Chúng làm việc một cách tinh tế như cách thức của cặp càng bọ ngựa, nhưng theo hướng ngược lại bởi chúng gập lên trên thay vì xuống dưới.

    [​IMG]
    Càng bắt mồi của Oratosquilla oratoria, một giáo thủ điển hình.

    Có nhiều loại vũ khí vốn có thể sử dụng để đả thương nặng hơn mức mà bạn nghĩ. Loại ở đây phụ thuộc vào vận tốc. Bằng việc áp dụng nguyên lý tương tự như cơ chế nén-bật (lock-and-spring), tôm tích có khả năng búng ra với vận tốc từ 14 đến 23 mét mỗi giây, vốn là một trong những chuyển động nhanh nhất của động vật. Để dễ hình dung, điều này đồng nghĩa với việc chúng có thể búng ra với vận tốc khoảng 50 dặm một giờ [~80 km/h]. Như vậy, một cú búng vào vật thể ở khoảng cách 2 inch [5 cm] chỉ diễn ra trong vòng có 1/500 giây. Bấm vào đây để nghe giải thích điều này xảy ra như thế nào.



    Cùng với điều này, mặc dù càng không to so với kích thước của tôm, vận tốc này là lý do tại sao chúng trở thành sát thủ tương tự như một viên đạn nhỏ nhưng vận tốc cực nhanh. Do đó, một chùy thủ có thể đập vào mục tiêu với lực công phá gấp cả ngàn lần so với trọng lượng cơ thể chúng. Và trên hết, càng chuyển động trong nước quá nhanh đến nỗi chúng tạo ra những bọt khí theo cách thức của một chong chóng tốc độ cao, mà nó góp phần đáng kể vào lực công phá bởi bong bóng nổ ngay tại mục tiêu. Bao nhiêu? Trung bình, lực bổ sung bằng khoảng một nửa lực công phá thực sự, nhưng nhiều khi nó tăng gần gấp ba lực công phá. Trên thực tế, sóng chấn động tạo ra bởi việc nổ bong bóng này có thể đủ mạnh để làm con mồi choáng hoặc chết, thậm chí kể cả khi càng chỉ đập sướt qua.

    Điều này có nghĩa tôm tích có thể phá hủy vỏ cua và đập vỡ cả vỏ sò ốc. Chúng cũng có thể đập vỡ đá, và vâng, chúng có thể đập vỡ cả mặt kiếng hồ nuôi. Trên thực tế, một con tôm tích lớn có thể đập vỡ mục tiêu bằng lực công phá của một viên đạn, mà nó khiến tôi rùng mình khi tưởng tượng mình bị dính một cú búng vào ngay xương mắt cá. Oái!

    Vâng, hiện giờ về vũ khí như vậy là đủ. Còn mắt của chúng thì sao? Tôm tích cũng có một công cụ thị giác quan trọng, một cặp mắt đặc biệt phát triển trên cuống mắt tuy ngắn nhưng cực kỳ linh động. Điều này cho phép chúng nhìn cực rõ và nhìn về các hướng khác nhau ngay lập tức. Và, chúng được cung cấp độ sâu phối cảnh cực kỳ chính xác (nắm bắt mục tiêu), điều khiến cho vũ khí sấm sét của chúng lại càng hiệu quả và chết chóc hơn.

    Trên thực tế, mắt của chúng có 16 loại tế bào cảm quang (photoreceptor) khác nhau, 12 trong số đó dùng vào việc phân tích màu sắc so với 3 ở người. Điều này cho phép chúng phân biệt đến 100,000 loại màu sắc, so với 10,000 ở người. Mắt của chúng cũng sở hữu một loạt cảm quang phân cực (polarization) và lọc màu, điều cho phép chúng nhìn thấy ánh sáng phân cực và 4 loại màu cực tím. Ít ra cũng rất ấn tượng và được coi là loại mắt phức tạp nhất trong số bất kỳ động vật nào mà chúng ta biết.

    [​IMG]
    Cặp mắt hết sức kỳ diệu của Oratosquilla oratoria.

    Cũng xin lưu ý rằng có một vài hành vi khác biệt giữa chùy thủ và giáo thủ. Chùy thủ có xu hướng sống trong hang đá, hay bãi đá nhưng bỏ phần lớn thời gian đi xung quanh săn mồi. Chúng có xu hướng săn cua, ốc và những động vật có vỏ khác, và sẽ dùng vũ khí để đập vỡ vỏ con mồi, sau đó ăn thịt. Ngược lại giáo thủ có xu hướng vùi mình và rình rập trong lớp đáy mềm, và săn cá và những loài thân mềm [soft boby, không có vỏ] khác bằng kỹ thuật phục kích. Chúng ở yên một chỗ và đợi con mồi vô tình lọt vào tầm, lao ra chớp nhoáng để bắt lấy. Loại này có thể ăn thức ăn yêu thích của loại kia, nếu có cơ hội.

    [​IMG][​IMG]
    Chùy thủ có xu hướng sống trong hang và bãi đá, nhưng giáo thủ có xu hướng vùi mình và chờ đợi một cách kiên nhẫn để phục kích bất kỳ con mồi khả dĩ nào lại gần.

    Ngoài ra, còn có vài điều thú vị về chúng mà tôi muốn nói đến. Trước hết, chúng có lẽ là loài thân mềm duy nhất mà có thể phân biệt các cá thể của cùng một loài bằng cách nhìn và ngửi. Nói cách khác, chúng có thể nhìn, ngửi và nhớ đủ tốt để biết ai là ai trong vùng lân cận. Và một số loài có thể thay đổi màu sắc theo cường độ chiếu sáng và môi trường xung quanh. Chẳng hạn, một số cá thể ở vùng nước sâu có thể hanh đỏ hay xanh lam thẫm, nhưng có thể chuyển thành xanh lục tươi trong hồ cảnh có trồng đại tảo như Caulerpa. Và một số có màu huỳnh quang (fluorescent), việc sở hữu những đốm huỳnh quang vàng-lục khiến chúng có thể được nhìn thấy dễ dàng hơn trong vùng ánh sáng chập choạng. Điều này được cho là để thông tin hay đe dọa những con khác, và có lẽ là trường hợp duy nhất mà huỳnh quang được sử dụng vào mục đích như vậy.

    Tôi có thể nói thêm nữa nhưng như vậy là đủ về vấn đề sinh học. Tôi sẽ cung cấp một số nguồn thông tin ở phần tham khảo và cả đường link đến một số video hấp dẫn. Còn bây giờ tôi kể các bạn nghe về kinh nghiệm đầu tiên khi nuôi một trong những loài này.

    Con tôm tích đầu tiên của tôi

    Thậm chí sau khi đã lăn lộn trong thú chơi nhiều năm trời, và đọc/thấy vô số thứ về tôm tích, tôi chưa bao giờ cảm thấy nhất thiết phải có một con. Tôi luôn nghe nói rằng chúng thường lẩn trốn, có thể rất hung hãn, không đáng tin cậy đối với những loài thân mềm và cá nhỏ khác, và thậm chí có thể nguy hiểm. Tôi cũng chẳng thấy có ai từng nuôi một con.

    Tuy nhiên, khi tôi ghé qua Tampa một ngày nọ, tìm thứ gì đó thú vị để thả vào hồ 20 gallon [75 lít] mà mình mới làm gần đây, tôi thấy một chùy thủ nhỏ xíu, màu lục tươi gọi là Neogonodactylus wennerae. Hồ nhà thực sự chả có mấy thứ trong đó, vì vậy một cách rất tự nhiên, tôi quyết định cứ thử nuôi một con. Nó chỉ có giá vài đô la và là loài bản địa, vì vậy nếu không thích thì tôi có thể thả nó đi.

    [​IMG]
    "Neogo" trong hồ san hô 20 gallon [75 lít] của tôi.

    Hồ của tôi bao gồm một vài mảnh đá tươi/đá san hô nuôi trồng (aquacultured live rock), đáy cát và hai con cá. Còn có một vài con ốc (snail) và ốc mượn hồn [hermit crab, về mặt khoa học nó là con cua mượn cái vỏ ốc để trú ngụ] nữa, nhưng tôi lấy đi ba con ốc Astraea nhỏ, chỉ để lại ba con ốc turbo lớn hơn. Tôi cũng để ốc mượn hồn lại. Ngoài con ốc mượn hồn đốm (Dardanus megistos) tương đối lớn, số còn lại là những con nhỏ mà tôi tự bắt lấy, tôi coi những con nhỏ gần như đi tong và con lớn đủ mạnh để lo cho chính mình. Sau rốt, Neogo như tên mà tôi đặt [con tôm tích], lúc đó chỉ dài độ một inch rưỡi [3.8 cm].

    Khi mới thả, nó tìm thấy một cái hang ở gần phía sau một tảng đá tươi lớn. Rồi nó bắt đầu đục đẽo bên trong tảng đá và tôi thỉnh thoảng có thể nghe thấy tiếng va chạm nhanh trong đại loại vài ngày. Sau này cái lỗ hiện ra ở phía trước tảng đá, bằng với mực đáy cát. Qua xem xét bằng đèn pin, tôi thấy Neogo nới rộng đường kính hang, làm nó đủ to để xoay trở bên trong. Sau cùng, sự quan tâm chuyển qua phía đối diện hồ và nó được phát hiện ẩn mình bên dưới một vài tảng đá khác. Ban đầu nó ở một trong hai vị trí trong khoảng 99% thời gian khi đèn sáng, chủ yếu nơi có đá.

    Trong vòng một tuần tất cả những con ốc mượn hồn nhỏ đều biến mất. Tôi thậm chí có lần còn chứng kiến sự tấn công, khi thấy một vật nhỏ văng lên từ đáy ngay sau khi nghe thấy tiếng búng tóc, tóc, tóc. Chỉ một vài cú đập khác và vỏ con ốc mượn hồn bị đập vỡ và bữa tiệc bắt đầu. Tất cả các con hàu trên đá tươi nuôi trồng cũng đều bị phá vỡ và ăn thịt.

    [​IMG]
    Không, thậm chí đến con hàu (barnacle) cũng chẳng an toàn trước một chùy thủ đói khát.

    Tôi bắt thêm ốc mượn hồn, những cũng bắt đầu bổ sung viên tôm khô. Neogo thích chúng, và cũng bắt đầu ăn thức ăn tấm và artemia một khi có khả năng bắt được một số. Thậm chí sau nhiều tuần, đúng như tôi mong đợi, tôm tích không cố gắng ăn ốc turbo hay ốc mượn hồn lớn. Trên thực tế, Neogo thực sự bỏ bỏ qua chúng, thậm chí khi chúng ở rất gần nhau. Tương tự, nó dường như còn nhận ra rằng tôi không phải là mối đe dọa và ngày càng ra khỏi nơi trú ẩn nhiều hơn, đi dạo xung quanh. Nó bắt đầu cho tôi một ấn tượng khác thường rằng nó rất tò mò, không chỉ kiếm ăn, mà thích ngắm tôi cũng nhiều như tôi thích ngắm nó.

    Trong vài tháng kế tiếp, tôi bổ sung nhiều san hô, nhiều cá và thậm chí cả tôm vệ sinh nữa mà không có vấn đề gì. Con tôm tích dường như tập trung vào thức ăn của cá và thỉnh thoảng một ít ốc mượn hồn. Nhưng vì một lẽ chưa biết, Neogo quyết định xử con ốc mượn hồn lớn vào một đêm, và tôi vô tình ở đó để chứng kiến. Nó đã lớn một cách đáng kể vào lúc đó, khoảng hai inch rưỡi [6.5 cm] và có lẽ nó cho là mình đã đủ lớn để xử con ốc mượn hồn.

    Tôi thấy con tôm phi ra khỏi hang và quất vào vỏ con ốc mượn hồn một vài cú. Nó là cái vỏ nặng nên chẳng hề hấn gì. Con ốc [đúng ra là con “cua”] chỉ thụt vô và nằm yên. Vì vậy con tôm rút về hang và đợi con ốc thò đầu ra, rồi thử lại lần nữa. Con ốc vẫn không hề hấn gì.

    Đến lúc đó, tôi nghĩ con tôm chỉ đe dọa con ốc và có lẽ đã chán và bỏ qua, nhưng tôi đã lầm. Đợt tấn công thứ ba đã thành công khi con tôm đánh trúng con ốc trước khi nó kịp thụt vô, nhao trên đầu và đập vào một trong hai cuống mắt. Để cứu con ốc, tôi vỗ vào mặt kính phía trước và con tôm rút lui, và tôi bắt ngay con ốc ra kịp lúc.

    [​IMG]
    Con ốc mượn hồn tội nghiệp của tôi bị tấn công và mất một mắt trong tích tắc, sau khi sống chung với Neogo trong nhiều tháng.

    Tôi nghĩ xem phải làm gì và quyết định bắt con tôm tích ra và đưa đến nơi khác. Vào lúc đó, tôi còn có một hồ 56 gallon [246 lít] không-san hô với thật nhiều đá và cát, nhưng chỉ nuôi một vài con cá và động vật thân mềm mà tôi bắt, và tính đưa nó vào đó. Vì vậy tôi làm một cái bẫy.

    Neogo rất thích artemia và săn đuổi chúng khắp hồ, điều giúp tôi nghĩ ra một ý. Tôi thả vài con artemia vào một cái ly và bịt bằng nắp plastic trong suốt, chỉ để lại một kẽ nhỏ ở một bên. Tôi đặt nó gần hang con tôm tích và khoảng một inch [2.5 cm] cách vách hồ, rồi kéo cục nam châm chùi hồ (dày khoảng một inch) vào vị trí ngay bên trên kẽ hở mà tôi bố trí trên nắp plastic.

    [​IMG]
    [​IMG]
    Ở đây bạn có thể thấy một cái bẫy đơn giản mà tôi làm, và cách sử dụng nó.

    Trong vòng vài giây, con tôm tích bò ra khỏi hang, tìm ra khe hở trên nắp và vào trong lấy thức ăn. Ngay lập tức tôi kéo cục nam châm xuống để chặn lối ra. Tôi vẫn thấy việc giam nó trong ly thủy tinh lâu quá vài giây là không ổn, và lấy một hộp nhựa đựng thức ăn ra khỏi ngăn kéo và bỏ bẫy vào. Tôi cầm ly đổ con tôm vào hộp, rồi cho thêm một mẩu san hô rồi nhấn chìm cả hộp vào hồ. Thành công! Hoặc tôi cho là vậy.

    [​IMG]
    Đây là Neogo, chỉ ngay trước khi đập vỡ hộp plastic.

    Tôi đem cái ly xuống bếp nhưng trước khi tôi đưa nó qua hồ khác tôi nghe tiếng con tôm tích gõ vào thành hộp. Thậm chí trước cả khi tôi có thể chạm tay vào cái hộp, Neogo chui qua một góc và lẩn vào đám đá. Cái đồ “chết tiệt” này đục lủng một lỗ trên hộp vừa đủ lớn để lách mình qua.

    Tôi rất bực và đoán là con tôm cũng vậy, do đó tôi đợi một lúc trước khi lập lại quy trình. Lần này tôi đề phòng không sử dụng ly thuỷ tinh nữa sau khi chứng kiến cái lỗ trên hộp và thay vào đó sử dụng một cái ly plastic. Tôi thực sự ngạc nhiên rằng nó vẫn có tác dụng đến lần thứ hai, dẫu tôi nghĩ rằng sẽ không, và nhanh chóng lấy cái ly ra và đổ con tôm thẳng vào hồ cá khác. Xin lỗi, chẳng còn thời gian để mà làm quen nữa (acclimation).

    Dẫu vậy, câu chuyện không kết thúc ở đây khi hai con tôm gõ mõ [pistol shrimp, một loại tôm càng có thể phát ra tiếng động bằng cách đập hai mảnh càng với nhau, có địa phương gọi chúng là “tôm tít”] tương đối lớn trong hồ không thích kẻ mới vô chút nào. Tôm gõ mõ là một loài giáp xác độc đáo khác vốn cũng có chiếc càng thú vị. Tuy nhiên, chúng thường làm con mồi choáng hay chết bằng cách phát ra âm thanh và sóng chấn động ghê hồn khi đóng càng lại cực nhanh. Tiếng động đủ to để cả nhà đều nghe thấy, và đủ to để chống lại bất kỳ kẻ nào định làm chúng bực bội, điều mà Neogo đã phạm phải.



    Dẫu vậy, tôi đã vô tình bỏ hai con này vào cùng với một ít đá, và đôi khi chúng làm tôi nhức đầu vào ban đêm, vì vậy tôi thực sự nghĩ con tôm tích có thể tự kiếm được miếng mồi ngon và giúp luôn cho tôi nữa.

    [​IMG]
    Tôm gõ mõ (pistol shrimp) cũng là loài giáp xác độc đáo, mà nó có một cái càng to với khả năng phát ra âm thanh cực lớn mà nó có thể làm choáng và thậm chí giết chết những loài sinh vật khác.

    Khỏi cần phải nói, tiếng pháo bông nổi lên râm ran đêm đó. Pop, pop, pop... Pop, pop, pop... Pop, pop... Nghe cứ như là tiếng súng. Nhưng ngay sau đó, tiếng động ngưng và tôi nghĩ là chúng đã xử nhau xong. Tôi đoán rằng Neogo là kẻ chiến thắng nhưng sáng hôm sau con tôm tích nằm ngay đơ, giữa hồ, chổng chân lên trời, và hoàn toàn bất động. Chết.

    Tôi nhoài người kéo cái thân thể bất động lên, chỉ để nhận ra rằng nó chưa chết hẳn. Nó quất vào kẽ tay tôi và máu tuôn ra xối xả trước khi tôi kịp rút tay ra khỏi nước. Vì vậy, tôi hiểu ra tại sao nó lại được đặt biệt danh – bằng một giá đau đớn. Đấy là lý do tôm tích thường được gọi là “thợ xẻ ngón cái” (thumb splitter).

    [​IMG]
    Coi chừng! Tôi đã bất cẩn, và phải trả giá. Đấy là lý do tôm tích thường được gọi là “thợ xẻ ngón cái”.

    Tôi rửa sạch vết thương và băng lại, và để con tôm tích yên. Nó không bao giờ nhích khỏi nơi mà mình nằm nghỉ, và sau khi đợi trong nhiều giờ, tôi gắp nó ra bằng đũa. Vâng, lúc này nó đã chết hẳn. Vì vậy, tôi chụp một vài tấm hình về cái xác xanh lè, rồi xé nó ra làm thức ăn cho cá và thậm chí còn cho con ốc mượn hồn chột mắt ăn một ít.
     
    Chỉnh sửa cuối: 17/5/14
  2. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Chăm sóc tôm tích trong hồ cảnh

    Bỏ qua câu chuyện của tôi, nếu bạn quyết định tôm tích là loài mà mình muốn thử nuôi, thì bạn có một vài lựa chọn khi quyết định làm hồ và chăm sóc cho chúng. Việc thả bất kỳ loại nào (chùy thủ hay giáo thủ) vào hồ rặng san hô (reef) rõ ràng không phải là ý hay nếu bạn dự định thả nhiều thứ có thể trở thành con mồi và chạy loanh quanh đáy hồ. Nhưng, theo chỗ tôi biết, chùy thủ nhỏ bé của tôi chưa bao giờ quấy rầy những con ốc turbo to con hay tôm vệ sinh (cleaner shrimp) vốn luôn đậu trên nóc hồ hầu hết thời gian, hay bất kỳ con nào trong số 4 con cá nhỏ. Nó cũng không bao giờ đe dọa san hô. Vì vậy, tôi nghĩ với chọn lựa thích hợp, hoàn toàn có thể nuôi những loài tôm tích nhỏ trong một hồ san hô hoàn chỉnh. Và dĩ nhiên, chúng cũng có thể được nuôi trong một hồ không-san hô, chừng nào mà cá đủ lớn để tự vệ.

    [​IMG]
    [​IMG]
    Ở trên là tôm tích công Odontodactylus scyllarus, một trong những loài phổ biến nhất trong thú chơi. Nó là một chùy thủ vốn có thể dài đến 6 inch [15 cm]. Ở dưới là tôm tích vằn (zebra mantis shrimp) một giáo thủ to lớn, đôi khi dài đến 16 inch [40 cm] và tôi từng thấy cả nửa tá được bày bán ở các tiệm cá cảnh.

    Trong bất kỳ trường hợp nào, bạn cần phải nỗ lực tối đa (tôi có nói điều gì mình chưa hề làm chăng?) và nên kiếm các loài nhỏ con mà thử. Mọi người đều chuộng sắp đặt tự nhiên, bao gồm cả nền đáy dày và một số đá tươi hay đá nền. Nhiều người cũng bố trí hang bằng một số ống PVC với đường kính, vị trí phù hợp, và/hay một vỏ ốc to. Ngoài ra, một chùy thủ nhiều khả năng sẽ xây dựng nhà riêng bên trong đống đá của bạn.

    Với giáo thủ, người ta thường khuyên nên trải cát với độ dày gấp rưỡi chiều dài tôm. Và, cũng tốt khi bổ sung một số vỏ sò vụn và/hay san hô vụn mà chúng được sử dụng để gia cố hang.

    [​IMG]
    Bổ sung vỏ sò vụn như thế này để giáo thủ dùng làm vật liệu gia cố hang.

    Về vấn đề vỡ hồ, may mắn thay những loài nhỏ con dường như không có xu hướng đập vỡ hồ của bạn, nhất là trong trường hợp giáo thủ. Chừng nào mà tôm tích cảm thấy “hạnh phúc” và không bị đe dọa, chúng không có lý do nào để làm như vậy. Vì vậy, đừng khiến chúng cảm thấy bị đe dọa. Dẫu vậy, tôi nghe nói đến việc lót tấm mi-ca (plexiglass) lên đáy hồ, dưới cát, để ngăn tôm đập vỡ đáy khi đào hang. Vì vậy, việc này có thể tốn kém hơn một chút nhưng an tâm. Dĩ nhiên, hồ acrylic [nhựa tổng hợp] có lẽ chắc chắn hơn hồ kiếng nếu bạn lo lắng điều đó.

    Dầu sao, về việc cho ăn, tôi biết không phải ai cũng kiếm được ốc mượn hồn miễn phí. Nhưng theo chỗ tôi biết, con tôm tích nào cũng có thể thích nghi với đời sống hồ kiểng và tập ăn những loại thực phẩm khác. Một mẩu thịt chắc chắn rất hợp, nhưng như tôi đã nói, viên tôm, thức ăn tấm (flake) và artemia cũng tốt với tôi.

    [​IMG]
    Đây là Oratosquilla oratoria, một con tôm tích khác của tôi. Nó là một giáo thủ mà tôi mua từ tiệm cá địa phương trong thời gian sinh sống tại Nhật, và là loại thức ăn phổ biến ở đó. Ở đây bạn có thể thấy “Orato” đang xơi một mẩu sashimi [cá sống] thừa.

    Vâng như bạn thấy. Một bài giới thiệu hay về tôm tích và cách nuôi. Một lần nữa, chúng là loài thân mềm yêu thích của tôi, và một chút kế hoạch và sửa soạn có thể đem lại phần thưởng tuyệt vời cho bất kỳ người chơi hồ cảnh nước mặn nào. Trên thực tế, sau khi viết bài này, tôi cảm thấy thôi thúc phải kiếm thêm con khác…

    Một số nguồn tham khảo và video hay

    Bí mật của bộ chân miệng Stomatopod. http://www.ucmp.berkeley.edu/aquarius/index.html

    Các loài stomatopod nuôi cảnh: phân biệt và chăm sóc tôm tích. http://www.ucmp.berkeley.edu/arthropoda/crustacea/malacostraca/eumalacostraca/royslist/

    Hướng dẫn nuôi tôm tích của Lurker. www.blueboard.com/mantis/

    Tôm tích quá giang một con cá nóc nhím (porcupine pufferfish):


    Nắm một con tôm tích lớn (ngốc quá):


    Tôm tích phá bộ lọc:


    Tôm tích đập vỡ vỏ sò:


    Tôm tích đấu với bạch tuộc:


    Tôm tích và những loài giáp xác khác:


    Tôm tích công (peacock mantis shrimp) giết bạch tuộc khoen xanh (blue-ringed):


    World's Deadliest (chương trình kỷ lục của động vật) – tôm tích xuất đòn.


    Tôm tích vằn (zebra mantis shrimp) xuất đòn (chiếu chậm)
     
    Chỉnh sửa cuối: 17/5/14

Chia sẻ trang này