Có lẽ chẳng có mấy loài cá cảnh vừa đẹp đẽ, thú vị mà lại độc đáo như cá đuối nước ngọt. Chúng thường thu hút mọi ánh nhìn trong bất kỳ bộ sưu tập tư nhân hay công cộng nào mà người ta trưng bày. Tuy nhiên, có những vấn đề nhất định cần lưu ý để có thể nuôi loài này một cách phù hợp, vốn bao gồm nhiều loại hệ thống hồ cảnh, trang trí và cá đồng ang (tankmate). Trong khi chúng cần mức độ chăm sóc khá cao, sự tưởng thưởng cho việc duy trì các loài này một cách thành công là tuyệt vời. Có nhiều chi cá đuối nước ngọt xuất hiện trên thị trường cá cảnh. Tuy nhiên, những loài thuộc chi Potamotrygon, gọi-là cá đuối sông (river stingray) rõ ràng thông dụng nhất. Có nhiều nguyên nhân. Chúng là loài cá rất xinh đẹp. Kích thước trưởng thành khá to. Chúng thường chấp nhận đủ loại thức ăn dành cho cá cảnh có sẵn trên thị trường. Dưới sự chăm sóc của người nuôi có kinh nghiệm, khả năng sống lâu dài là hoàn toàn khả dĩ. Điều đáng kể nhất, chúng thậm chí có thể được lai tạo và nuôi dưỡng trong môi trường nuôi nhốt. Vào mùa mưa, độ rộng sông Orinoco có thể nở đến 22 km. Ảnh Pedro Gutiérrez. Địa bàn sinh thái một con sông ở Venezuela. Ảnh Anagoria. Bài viết này tập trung vào các chủ đề phân loại, phân bố, sinh thái và bảo tồn loài cá đuối sông; một ít thảo luận về chủ đề hình thái, sinh sản và nuôi dưỡng cá đuối sông. Phân loại Cá đuối (ray & skate), siêu bộ Batoidea, (cùng với các loài cá sụn có hàm khác) thuộc về lớp cá sụn Chondrichthyes. Chúng hợp thành phân lớp mang tấm Elasmobranchii cùng với cá mập và cá chimaera. Chúng chiếm khoảng phân nửa số loài mang tấm. Trong khoảng 500 loài cá đuối, có trên 150 loài đã được mô tả trong hơn 20 chi. Cá đuối nước ngọt họ Potamotrygonidae được phân thành các chi Paratrygon, Plesiotrygon, Heliotrygon và Potamotrygon. Đến nay có 20 loài được mô tả thuộc chi Potamotrygon. P. hystrix được coi là loài điển hình (type species) của chi này. Một số người nuôi cá sử dụng mã số P (tương tự như mã số L ký hiệu cho các loài cá nheo loricariid) để phân biệt những loài này. P. hystrix, loài điển hình thuộc chi Potamotrygon. Hình minh họa bởi Paul Louis Oudart. Loài P. tigrina vừa mới được đặt tên khoa học vào năm 2011. Ảnh Franklin Samir Dattein. Tương tự những loài khác cùng chi, P. castexi thường được thấy nằm bất động trong hồ nơi có dòng chảy ngược. Ảnh Franklin Samir Dattein. Dưới đây là danh sách đầy đủ tên gọi chính thức của các loài thuộc chi Potamotrygon. Potamotrygon amandae (Loboda & Carvalho, 2013) (cá đuối amanda) Potamotrygon albimaculata (M. R. de Carvalho, 2016) (cá đuối itaituba) Potamotrygon boesemani (Rosa, M. R. de Carvalho & Almeida Wanderley, 2008) (cá đuối hoàng đế, emperor) [Heiko Bleher gọi là “cá đuối boeseman” theo tên của một nhà ngư loại học Hà Lan] Potamotrygon brachyura (Günther, 1880) (cá đuối đuôi ngắn, short-tailed) Potamotrygon constellata (Vaillant, 1880) (cá đuối gai, thorny) Potamotrygon falkneri Castex & Maciel, 1963 (cá đuối đốm lớn, largespot) Potamotrygon henlei (Castelnau, 1855) (cá đuối răng to, bigtooth) Potamotrygon humerosa Garman, 1913 [theo ban biên tập PFK, đây là tên đồng nghĩa của cá đuối hổ P. tigrina] Potamotrygon hystrix (J. P. Müller & Henle, 1834) (cá đuối nhím, porcupine) Potamotrygon jabuti (M. R. de Carvalho, 2016) (cá đuối ngọc trai, pearl) Potamotrygon limai (Fontenelle, J. P. C. B. Silva & M. R. de Carvalho, 2014) (cá đuối lima) Potamotrygon leopoldi Castex & Castello, 1970 (cá đuối đốm trắng, white-blotched) Potamotrygon magdalenae (A. H. A. Duméril, 1865) (cá đuối magdalena) Potamotrygon marinae Deynat, 2006 [Heiko Bleher gọi là “cá đuối marina”] Potamotrygon motoro (J. P. Müller & Henle, 1841) (cá đuối khoen, ocellate) Potamotrygon ocellata (Engelhardt, 1912) (cá đuối đốm đỏ, red-blotched) Potamotrygon orbignyi (Castelnau, 1855) (cá đuối lưng trơn, smooth back) Potamotrygon pantanensis (Loboda & Carvalho, 2013) (cá đuối pantanal) Potamotrygon rex (M. R. de Carvalho, 2016) (cá đuối lớn) Potamotrygon schroederi Fernández-Yépez, 1958 (cá đuối hoa, rosette) [có nơi gọi là “flower ray”] Potamotrygon schuhmacheri Castex, 1964 [Heiko Bleher gọi là “cá đuối schuhmacher”] Potamotrygon scobina Garman, 1913 (cá đuối nghiến, raspy) Potamotrygon signata Garman, 1913 (cá đuối parnaiba) Potamotrygon tatianae J. P. C. B. da Silva & M. R. de Carvalho, 2011 [loài gần giống với cá đuối đốm lớn, không rõ tên thông dụng là gì, tạm gọi là “cá đuối tatiana” theo tên một nhà nghiên cứu cá đuối quá cố] Potamotrygon tigrina M. R. de Carvalho, Sabaj Pérez & Lovejoy, 2011 (cá đuối hổ, tiger) Potamotrygon wallacei (M. R. de Carvalho, R. S. Rosa & M. L. G. Araújo, 2016) Potamotrygon yepezi Castex & Castello, 1970 (cá đuối maracaibo) Việc phân tích di truyền các loài hoang dã dẫn đến gợi ý rằng nguồn gốc của nhóm này có thể bắt nguồn từ một loài duy nhất. Tuy nhiên, vai trò của lai tạp trong việc phân hóa nhóm là chưa rõ ràng. Có một số lượng tương đối những đặc điểm chung giữa các loài, cũng như sự biến dị đáng kể bên trong một số loài. Sự hiện diện của loài cá đuối chưa được mô tả Itaituba (hay P14) [hiện được mô tả là P. albimaculata] mà chúng chỉ khác với P. henlei và P. leopoldi về kích thước/số lượng đốm có lẽ là một biến thể hay sự lai tạp. Hiển nhiên, một số nghiên cứu gần đây đặt ra nghi vấn về độ chính xác của hệ thống phân loại các loài này trong hiện tại. Ngoài tự nhiên, P. henlei thích đáy bùn nơi chúng chủ yếu săn các loài sò ốc (gastropods). Ảnh Christine Schmidt. Phân bố/sinh thái Trong số nhiều loài mang tấm phân hóa, Potamotrygonidae là họ cá độc đáo vốn hoàn toàn giới hạn trong vùng nước ngọt. Trong khi họ cá này chủ yếu sống ở sông, chúng lại có khả năng khai thác những địa bàn nước ngọt khác nhau. Potamotrygon là chi cá bản địa ở hệ thống sông bùn trong vùng Nam Mỹ. Nhóm cá đơn ngành (monophyletic), chuyên hóa cao độ này phân bố chủ yếu trong một địa bàn hạn hẹp dọc theo lưu vực sông Amazon. Ngạc nhiên thay, các thành viên thuộc chi này chỉ cư ngụ trong các con sông đổ ra biển Caribe hay Đại Tây Dương. Tuy nhiên, chúng không xuất hiện ở thượng lưu Paraná, vùng đông nam Brazil São Francisco, các sông Argentina ở mạn nam sông La Plata, hay đông bắc và đông nam các con sông nhiệt đới Brazil vốn đổ ra Đại Tây Dương. Địa bàn của Potamotrygon thường giới hạn trong một con sông hay lưu vực. Thông thường, chỉ vài loài (chẳng hạn P. motoro và P. orbignyi) cùng cư ngụ trong cùng một lưu vực. Trong những trường hợp nhất định, một loài (chẳng hạn P. leopoldi) chỉ cư ngụ ở một con sông duy nhất. Cá đuối sông thích nghi với đủ loại môi trường nước ngọt khác nhau, chẳng hạn như bờ hồ có cát, rừng ngập nước và các con rạch nhỏ, có bùn. Một số loài có khả năng chịu đựng điều kiện môi trường khác thường chẳng hạn độ pH rất thấp hay nồng độ ô-xy hòa tan thấp (từ đó, một thích nghi thú vị với môi trường nước ngọt: khả năng nổi lên bề mặt khi tầng đáy nghèo ô-xy). Phân bố của loài P. orbignyi ở cửa sông Amazon bị tác động bởi sự biến thiên độ mặn theo mùa. Ảnh Claire Powers. Tuy nhiên, cá đuối sông giới hạn trong vùng nước với độ mặn không quá 3.0 ppt. Thú vị thay, thành phần hóa học máu của cá đuối sông khác biệt một cách đáng kể với các loài mang tấm nước mặn và nước lợ. Chẳng hạn, bởi vì trực tràng (rectal gland) thải ra rất ít muối hoặc không thải, nên chúng không có khả năng lưu giữ u-rê [thành phần có trong nước tiểu]. Cá đuối sông có xu hướng hoạt động hơn về ban đêm, nhất là trong khi săn mồi. Mô tả tốt nhất về chúng là loài săn mồi không chuyên biệt. Ở bất cứ nơi nào có mặt, chúng thường đứng đầu trong chuỗi thức ăn (food web). Cá trưởng thành chủ yếu ăn cá con, trùn và những loài giáp xác nhỏ, trong khi cá non chủ yếu ăn giáp xác nhỏ và thủy trùng [ấu trùng của các loài côn trùng]. Bảo tồn Bởi chúng chỉ phân bố trong một địa bàn tương đối hạn hẹp, quần thể cá đuối sông đặc biệt nhạy cảm với sự đánh bắt cũng như các biến động về môi trường. Cả đe dọa gián tiếp (chẳng hạn hủy hại môi trường để phát triển, khai thác mỏ và ngăn đập) lẫn đe dọa trực tiếp (chẳng hạn nạn giết chóc vô tội vạ như là loài gây hại, đánh bắt để cung cấp cho thị trường cá cảnh) đã dẫn đến những điều luật khắt khe về “đánh bắt” cá đuối cũng như luật bảo vệ của CITES. Hiện nay, có năm loài cá đuối sông được nghi nhận trong sách đỏ IUCN ở trạng thái “bị đe dọa” (threatened). Ngoài tự nhiên, loài P. leopoldi chuộng đáy sông có đá nơi chúng chủ yếu săn cua. Ảnh Michael-David Bradford. Dẫu cá đuối sông hiếm khi được đánh bắt để làm thức ăn, nhưng chúng thường bị vô tình mắc lưới. Chúng cũng chịu sức ép từ nạn đánh bắt cá cảnh. Nguy cơ lai tạp cao (cả vô tình lẫn cố ý) trong môi trường nuôi nhốt – và nhu cầu đang gia tăng về “cá thuần” – khiến cho việc kinh doanh những cá thể được đánh bắt từ tự nhiên trở nên rất bức bách. Việc này cũng không thoát khỏi sự chú ý của những cá nhân vốn đang đánh bắt gắt gao ở những vùng bên ngoài phạm vi bảo vệ hay lén đánh bắt ở nơi bị cấm. 20,000 cá thể được xuất khẩu một cách hợp lệ từ Brazil mỗi năm, cùng với một số lượng chưa biết (đặc biệt là P. henlei và P. leopoldi) được xuất một cách bất hợp lệ. Ngạc nhiên thay, có khoảng 20,000 cá thể khác bị tiêu diệt mỗi năm trong các đợt “dọn dẹp” thường niên dọc bờ sông bởi du khách; sự lãng phí như trường hợp này cần được cảnh báo cho mọi người. Các cơ sở lai tạo cá đuối sông hiện đang được vận hành ở Mỹ, Đức và Đông Nam Á. May thay, việc gắn chíp (PIT tagging) trong ngành đang dần chiếm được sự tin cậy của khách hàng, những người đặt niềm tin vào nhà lai tạo, thay vì các tay đánh bắt, để mua cá “thuần chủng”. Trên thực tế, một khi các nhà lai tạo gia tăng việc sản xuất, họ có thể chiếm lĩnh thị trường bằng các sản phẩm hàng trại (captive bred) và cân bằng việc xuất khẩu cá đuối từ môi trường tự nhiên. Ít ra, việc giải phóng sức ép lên quần thể hoang dã bằng cách này có thể đảm bảo rằng hạn mức đánh bắt hợp pháp trong hiện tại sẽ không bị suy giảm, nhằm đáp ứng cho nhu cầu về nguồn gien hoang dã.
Cá đuối chi Potamotrygon, tức cá đuối sông, là một trong những loài động vật lạ thường nhất mà người chơi cá có thể sở hữu. Chúng cũng là một trong số những loài khó nuôi nhất. Trong khi những người thành công với loài cá này nhiều hơn một cách đáng kể so với những loài cá đuối khác (dù nước ngọt, nước mặn hay gì đó ở giữa), nỗ lực nuôi chúng một cách nghiêm túc nên bắt đầu với thật nhiều tìm tòi, lập kế hoạch và kiên nhẫn. Việc này bao gồm: nâng cao hiểu biết về vấn đề làm thế nào mà những sinh vật chuyên biệt cao độ này thích nghi về mặt thể chất và sinh lý với môi trường tự nhiên, và học cách mô phỏng môi trường này theo cách thức mà nó phù hợp với nhu cầu độc nhất của từng loài muốn nuôi. Cùng với thời gian và tài nguyên cần thiết, người nuôi cá đuối sông có thể thiết lập một môi trường nuôi dưỡng mà ở đó vật nuôi không chỉ phát triển mà còn sinh sản nữa. Phần này thảo luận về hình thái, sinh sản và nuôi dưỡng cá đuối sông. Phần trước thảo luận về phân loại, phân bố, sinh thái và bảo tồn. Hình thái Các loài thuộc chi Potamotrygon có kích thước trung bình trong số các loài thuộc siêu bộ cá đuối Batoidea với độ rộng dĩa (disc width) từ 25 đến 100 cm hay hơn. Cá thể nhỏ nhất trong chi là P. scobina với độ rộng dĩa từ 20.5 đến 27 cm; P. brachyura cá thể lớn nhất thuộc chi được biết có độ rộng dĩa lên đến 150 cm. Nhìn chung độ dài hơi trội hơn độ rộng một chút. Nên nhớ rằng độ rộng và độ dài dĩa là các số đo tiêu chuẩn của cá đuối. Tổng chiều dài thường không được sử dụng, bởi đuôi thường bị cụt một phần. Cá đuối sông (chẳng hạn như những con P. motoro này) càn một lớp đáy nền dày. Ảnh Karel Jakubec. Lỗ nhỏ nằm sau đỉnh đầu (hay lỗ thở) thay thế miệng để hút nước vào các khe mạng trong khi nằm sát đáy. Ảnh Guérin Nicolas. Đĩa hình thành chủ yếu bởi vây ngực phát triển rộng tạo thành viền xung quanh đầu. Về phía sau, nó che gần hết vây bụng. Mặc dù không có vây lưng hay thùy đuôi, những nếp màng da (finfold) hiện diện ở cả phần trên lẫn dưới đoạn giữa đuôi [thay cho vây lưng và vây hậu môn]. So sánh với những thành viên khác trong họ, cá đuối sông có một cái đuôi (hay gốc đuôi) mà nó ngắn cũng cỡn (nhìn chung ngắn hơn độ dài dĩa). Mặt trên dĩa và đuôi thường rất sần sùi, bao phủ bởi gai nhỏ (denticle), gai lớn (thorn) và mấu sần (tubercle). Như những loài cá đuối khác, cá thuộc chi này có gai độc (hay gai đuôi) nằm ở sống đuôi. Gai là các tế bào biểu bì hóa sừng với chóp nhọn. Chúng liên tục rụng và được thay thế. Một con có thể có tới bốn gai một lúc. Gai độc phát triển mạnh ở Potamotrygon. Nó bao gồm một gai xương, một lớp vỏ và tuyến độc. Gai xương vốn đem lại bề mặt cứng, được tổng hợp bằng ngà (dentin). Nó bao gồm một loạt gai nhỏ san sát, hướng về phía gốc. Những tuyến đặc biệt tại gốc tiết ra chất độc mà nó truyền dọc theo lớp vỏ ngoài. Khi thả lỏng, gai xếp lên lớp mô hình chữ V (wedge-shaped) để nó ngập trong nhớt và chất độc. Hầu hết cá đuối sông đều có hoa văn phân hóa cao độ. Chúng bao gồm đốm, vạch vằn vện và khoen trên nền xám, đen và nâu. Hoa văn được coi là đặc trưng của loài. Sinh sản Họ Potamotrygonidae tương tự với các loài mang tấm ở chỗ chúng phát dục trễ, tăng trưởng chậm và đẻ ít. Hiện tượng tuần hoàn nước (hydrologic cycle) dường như tác động đáng kể đến chu trình sinh sản của cá đuối sông. Các nghiên cứu chỉ ra rằng quy trình sinh sản bao gồm một giai đoạn nghỉ ngơi ít ra là với một số quần thể. Khi cá đực phát dục, chúng bắt đầu săn đuổi cá mái. Việc ghép cặp (courtship) có thể rất bạo lực, nhất là khi cá cái được chọn lại bất hợp tác trước sự tán tỉnh của cá đực; cá đực sẽ phải cắn và vật lộn nhằm đạt được tư thế bụng-úp-bụng. Việc giao phối diễn ra rất nhanh, khi cá đực đưa thùy sinh dục (clasper) vào lỗ huyệt (cloaca) cá cái và phóng tinh. Nếu thành công thì trứng được thụ tinh, vòi trứng sẽ chuyển hóa để thực hiện chức năng tương tự như tử cung. Gai trên đuôi (như ở loài P. henlei này) gây ra vết thương hở nghiêm trọng mà nó rất dễ bị nhiễm trùng. Ảnh Stan Shebs. Ngay sau khi đẻ, cá cái nên được tách riêng để phục hồi sức khỏe. Ảnh Steven G. Johnson. Việc phân biệt giới tính cá đuối trưởng thành chẳng có gì khó khăn; như các loài cá sụn khác, cá đực (trái) có thể được xác định thông qua một cặp thùy sinh dục trên vây bụng của chúng. Minh họa Rafael Ruivo. Tất cả cá đuối nước ngọt đều áp dụng một hình thức sinh sản gọi là thai trứng (matrotrophic viviparity), khi tử cung tiết sữa (hay histotrophe) thông qua những tua đặc biệt (hay trophonemata) để nuôi dưỡng bào thai phát triển trong quá trình thai nghén. Quá trình thai nghén có thể diễn ra theo từng giai đoạn hay quanh năm. Thời gian thai nghén thay đổi tùy theo từng quần thể hoang dã, kéo dài từ 3-12 tháng, tuy nhiên, trong các quần thể nuôi dưỡng, giai đoạn này thường kéo dài từ 9-12 tháng. Mùa đẻ thường kéo dài từ 3-4 tháng. Tùy vào mỗi loài, điều kiện môi trường và sức khỏe của cá mẹ, mà số lượng cá con mỗi đợt mang thai thường từ 2-7, dẫu có báo cáo lên đến 15. Cá đẻ con (pup) và với hình dạng hoàn chỉnh. Trong môi trường nuôi dưỡng, cá con tốt nhất nên được chuyển ngay lập tức sang hồ khác để nuôi riêng. Quá trình tiêu thụ noãn hoàng kéo dài đến 7 ngày. Vào lúc này, cá con có thể được cung cấp đủ loại thức ăn tươi và đông lạnh. Với dinh dưỡng phù hợp, chất lượng nước xuất sắc và thật nhiều không gian, cá sẽ lớn rất nhanh. Nuôi dưỡng Một trong những yếu tố quan trọng của việc nuôi cá đuối là chính cái hồ. Ở đây, hồ tốt nhất là hồ lớn. Một số nơi đề nghị dung tích hồ tối thiểu là 90 gallon [340 lít]. Thậm chí có như vậy, tốt nhất nên sử dụng hồ 120 gallon [450 lít] hay lớn hơn. Hồ “dài” phù hợp hơn hồ “cao”, khi cá cần bề mặt (tức đáy) hơn là độ cao. Do vậy, thậm chí dẫu cá nhỏ cũng cần hồ tối thiểu 48 inch dài x 30 inch rộng x 20 inch cao [120x76x50 cm] cho mỗi trio (tức một đực và hai cái). Hồ nuôi cá đuối sông nên trải cát. Nền cát nên đủ dày để cá đuối có thể vùi hẳn mình xuống (chẳng hạn chỉ trồi mỗi đôi mắt lên). Không được sử dụng sưởi đáy vì chúng có thể làm cá bị bỏng. Loại sửa bình thường (chìm hay bán chìm) nên được sử dụng, kèm theo nắp bảo vệ (chẳng hạn như loại vỏ Hagen). Bởi cá đuối sông nhạy cảm với nước kém chất lượng, nên chúng cần hệ thống lọc cực kỳ hiệu quả. Chỉ một bộ lọc sinh học tốt (chẳng hạn như bộ lọc mưa “trickle” cỡ lớn) mới đủ đảm nhiệm công việc. Bộ lọc cơ học thô (và phải vệ sinh bông, tấm lọc thường xuyên) cũng cần thiết bởi cá đuối thường rất phàm ăn. Bộ lọc hóa học (nhất là các loại lọc kim loại) có thể hữu ích trong việc bảo vệ cá khỏi bị tích tụ và nhiễm độc. Bởi vì cá đuối sông (chẳng hạn như P. leopoldi) có miệng tương đối nhỏ, một số loại thức ăn nên cắt nhỏ theo kích cỡ phù hợp. Ảnh Noel Weathers. Nghe nói dân da đỏ Nam Mỹ sợ cá đuối (chẳng hạn như P. hystrix) còn hơn cả cá piranha. Ảnh Jim Capaldi. Cá đuối sông không quá bảo vệ lãnh thổ; nếu sử dụng hồ đủ lớn, chúng có thể được nuôi theo đàn hay với những loài cá nhất định khác. Chúng đồng cư đặc biệt tốt với các loài cá bề mặt chẳng hạn như sấu hỏa tiễn (gar), vốn có xu hướng không lấn chiếm không gian của chúng. Chúng không nên nuôi chung với các loài cá hung dữ hay rỉa rói như piranha, cá nóc và những loài cichlid nhất định. Cần lưu ý khi nuôi chung với pleco (tức cá chùi kiếng Plecostomus sp.) vốn có xu hướng quấy rầy chúng bằng cách bám vào mặt dĩa. Dẫu những loài cá nhỏ bơi nhanh và giỏi như tetra thường an toàn, cá đuối sông sẽ ăn bất cứ con nào nếu chúng có thể bắt được. Cá đuối sông chuộng khẩu phần ăn thật đa dạng. Chúng có thể được cho ăn thành phần tươi sống tổng hợp như trùn đen (blackworm), trùn đất (băm nhỏ) [con này bên nước ngoài to vật vã], trùng đỏ [bloodworm, tức ấu trùng muỗi lắc], tép [ghost/grass shrimp, loại tép trong suốt được nuôi làm thức ăn cho cá] với một số đồ đông lạnh như trai, sò, cá suốt (silverside), tép krill và/hay tép mysis. Phải cực kỳ cẩn trọng khi bắt cá đuối. Sẽ tốt hơn nhiều nếu bắt chúng bằng chậu hoặc thau thay vì vợt. Đừng lơ là trong khi bắt hay đang làm việc với chúng. Vết đâm của cá đuối cực kỳ đau đớn và nguy hiểm đến tính mạng. Nếu động mạch bị đâm trúng thì phải đè mạnh lên vết thương để hạn chế chảy máu. Vết thương phải ngay lập tức ngâm vào nước nóng nhất mà nạn nhân có thể chịu đựng được. Sau khi cơn đau dịu xuống, vết thương có thể được rửa bằng Betadine, sau đó rửa bằng xà bông sát trùng. Rồi – cho dù vết thương có nhỏ cỡ nào – hãy ngay lập tức tìm trợ giúp y tế [gọi bác sĩ hoặc đến bệnh viện]. Việc kiểm tra phải bao gồm cả chụp x quang để tìm xem có mảnh gai nào còn sót lại trong vết thương. Tái khám nếu có bất kỳ dấu hiệu viêm nhiễm nào. Mặc dù cá đuối sông không phải là đối tượng chính của ngành đánh bắt cá cảnh ở bang Amazonas, chúng góp phần vào việc gia tăng doanh số cá neon đỏ (cardinal tetra, Paracheirodon axelrodi). Ảnh Axel Rouvin. Một con cá đuối ngọc trai Potamotrygon sp. “pearl” xinh đẹp [hiện được mô tả là P. jabuti]. Ảnh www.stingraywebshop.com. Kết luận Cá đuối chi Potamotrygon là loài cá cảnh cực kỳ ấn tượng. Dẫu chúng có tỷ lệ sống sót trong môi trường nuôi nhốt được ghi nhận cao hơn nhiều so với các loài batoids khác, thì việc nuôi dưỡng cũng không thể sơ suất hay xem nhẹ. Trên thực tế, việc chăm sóc những cá thể khác thường này một cách phù hợp đòi hỏi việc chuẩn bị và tài nguyên đáng kể. Ngoài ra, bạn phải lưu ý để tránh bị thương nghiêm trọng trong khi bắt và làm việc với chúng. Dẫu vậy, cá đuối sông là loài cực kỳ xinh đẹp, thú vị và hoàn toàn xứng đáng để đầu tư công sức. Việc lai tạo và nuôi dưỡng thành công các loài Potamotrygon khá dễ dàng còn khiến chúng hấp dẫn hơn nữa. Việc lai tạo cá đuối sông không chỉ thú vị (và rất có tiềm năng kinh tế), mà còn quan trọng đối với công tác bảo tồn bởi nó làm giảm áp lực đánh bắt ngoài tự nhiên. Cùng với sự phát triển các sản phẩm thương mại, người ta có thể hy vọng rằng ngày càng có nhiều loài và biến thể cá đuối sông xuất hiện trong các hồ cảnh tại gia vào một tương lai không xa. ========================================== Giới thiệu về cá đuối nước ngọt (David Webber)
========================================== Ghi chú Hai loài cá đuối mới ở lưu vực sông Tapajós http://www.reef2rainforest.com/2016...ray-species-described-from-the-tapajos-basin/ Cá đuối ngọc trai (Pearl Stingray), hiện được mô tả một cách chính thức là Potamotrygon jabuti (ảnh: M. Carvalho). Một tài liệu được xuất bản gần đây trên tạp chí Zootaxa đã chính thức mô tả hai loài cá đuối nước ngọt từ sông Tapajós ở Brazil. Cả hai loài đều được biết đến trên thị trường cá cảnh một thời gian, loài đầu được đề cập như là “P14” hay cá đuối itaituba (Itaituba Ray), và loài thứ hai thường được gọi là cá đuối ngọc trai (Pearl Ray). Cá đuối itaituba hiện được mô tả như là Potamotrygon albimaculata nhờ các đốm trắng đặc trưng, là một trong nhiều loài thuộc cái-gọi-là “cá đuối đen” đặc hữu ở Brazil. Cá đuối ngọc trai, một loài Brazil đặc hữu khác, được mô tả như là Potamotrygon jabuti theo tên địa phương nơi mà nó phân bố. Cá đuối itaituba (Itaituba hay P14 Ray), được mô tả là Potamotrygon albimaculata (ảnh: M. Carvalho). Những năm gần đây chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số lượng các loài cá đuối nước ngọt được mô tả chính thức, và sự cải thiện tương ứng trong hiểu biết của chúng ta về địa bàn, phân bố và các quan hệ phân loại của loài cá độc đáo này. Tương tự hai loài được mô tả trong tài liệu này của Marcelo Carvalho, nhiều loài cá đuối nước ngọt đã được thị trường cá cảnh và thú chơi biết đến trong nhiều thập kỷ qua, nhưng không có tên khoa học tương ứng hay một hệ thống đánh số được chấp nhận rộng rãi (hệ thống đánh số P chưa bao giờ được chấp nhận một cách rộng rãi như hệ thống đánh số L cho người chơi cá pleco), người chơi gặp khó khăn để phân loại chính xác các loài cá đuối chưa được mô tả. Nhiều văn bản liên quan đến hai loài Tapajos mới này đề cập không chỉ những khác biệt về hình thái của chúng, mà còn bàn chi tiết về địa bàn và tầm phân bố của chúng, vốn là điều thú vị với bất kỳ tay chơi nào dự định nuôi một trong hai loài cá đuối xinh đẹp này. Cá đuối itaituba (Itaituba Ray), như hầu hết các loài cá đuối đen khác, trải qua sự thay đổi màu sắc rõ rệt khi chúng đến độ tuổi trưởng thành (ảnh: G. England và R. Hardwick). Cá đuối ngọc trai (Pearl Ray) cũng thay đổi màu sắc rõ rệt khi nó lớn lên. Hình minh họa sự biến đổi từ cá non (trái) đến cá trưởng thành (phải) (ảnh: M. Carvalho). Với bản mô tả này, họ Potamotrygonidae (cá đuối Nam Mỹ) hiện có đến 30 loài chính thức [theo fishbase, trong khi wikipedia ghi nhận đến 34 loài], mặc dù các điều chỉnh và loài mới vẫn tiếp tục được bổ sung vào con số này. Theo tác giả tuyên bố, lần bổ sung này vào họ cá biến sông Tapajós thành một trong những địa bàn phân hóa nhất của cá đuối nước ngọt, và cá nước ngọt nói chung. Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng sông Tapajós có lẽ là quê hương của hơn 500 loài cá nước ngọt, mà có đến 25% trong đó là đặc hữu (Lima, 2010; Buckup & đồng sự, 2011)—điều dẫn đến quyết định gần đây về việc từ chối một dự án xây đập khổng lồ trên con sông này, một hành động cần thiết, thậm chí tin tốt lành, cho đa dạng sinh học của vùng. Phân bố của cá đuối itaituba P. albimaculata (Itaituba Ray) ở Tapajos. Phân bố và biến thể hình thái của cá đuối ngọc trai P. jabuti (Pearl Ray) dọc theo lưu vực Tapajos. Mặc dù tài liệu chỉ ra rằng cả hai loài đều phổ biến trên thị trường cá cảnh (đúng như vậy), nhưng vẫn hiếm ở hầu hết các vùng tại Mỹ. Đấy là vì việc hạn chế xuất khẩu của cơ quan chính phủ Brazil, IBAMA, vốn áp dụng hạn ngạch (quota) lên cá đuối nước ngọt. Hạn ngạch nhỏ giọt được cấp phát cho cả hai loài đã dẫn đến giá cả cao ngất nơi các cá thể hoang dã ở hai loài, và đa số cá đuối ngọc trai và đuối P14 đều đi đến châu Á, nơi mà người chơi và nhà lai tạo chấp nhận mua cá này với giá cao. Điều này có thể thay đổi trong tương lai, không chỉ vì các cơ sở lai tạo ở châu Á bắt đầu sản xuất P. albimaculata và P. jabuti ở số lượng nhất định, mà ít nhất một nhà xuất khẩu Brazil còn bắt đầu sản xuất những loài này tại cơ sở của họ. Bởi những cá thể cản hồ (captive-bred) không phải là đối tượng chịu hạn ngạch ngặt nghèo của IBAMA, chúng ta có thể thấy những loài cá đuối hấp dẫn này nhiều hơn trên thị trường trong những năm sắp tới. Tài liệu (nguồn mở): Carvalho, M. R. (2016). Description of two extraordinary new species of freshwater stingrays of the genus Potamotrygon endemic to the Rio Tapajós basin, Brazil (Chondrichthyes: Potamotrygonidae), with notes on other Tapajós stingrays. Zootaxa, 4167(1), 1. Link: http://www.mapress.com/j/zt/article/view/zootaxa.4167.1.1