Gà có thể dùng sữa? Gail Damerow - http://www.backyardpoultrymag.com Một trong những nguồn dinh dưỡng mà đám gà của tôi ưa chuộng là sữa dê Nubian. Đôi khi chúng dùng thẳng sữa tươi và ấm, lấy từ đợt vắt sữa sáng. Những lúc khác tôi trộn với cám – tức vụn lá và hạt đọng ở đáy máng cỏ (hay manager) – và để nó lên men qua đêm. Vào sáng hôm sau, nó tự biến thành yogurt hay bơ mềm với mùi thảo dược nồng nặc. Dù mùi vị hấp dẫn, tôi chưa hề nếm qua, nhưng đám gà bu lấy tôi mỗi khi chúng thấy thùng sữa xuất hiện. Mặt khác, tôi nghe đi nghe lại rằng gà không tiêu hóa được sữa. Những tay nuôi gà lão thành cố tình cho gà dùng sữa khiến chúng tiêu chảy (diarrhea) nhằm tống khứ tác nhân gây bệnh cầu trùng (coccidiosis). Vậy sự thể là như thế nào? Lactose và lactase Lactose, được coi là đường sữa, là loại đường chỉ có trong các sản phẩm sữa. Lactose là một “disaccharide”, “di” nghĩa là hai và “saccharide” nghĩa là đường. Để tiêu hóa được lactose, nó phải bị phân hủy thành hai dạng đường đơn giản hay “monosaccharide” – glucose và galactose – mà cả hai đều có thể tiêu hóa một cách trực tiếp. Thú có vú sơ sinh, kể cả con người, được sinh ra với enzyme lactase, mà nó phân hủy lactose trong sữa mẹ để có thể tiêu hóa được thông qua glucose và galactose. Khi một số trưởng thành và chuyển sang các loại thức ăn khác ngoài sữa, cơ thể sẽ tiết ra ít enzyme latacse hơn và khả năng tiêu hóa sữa của chúng sẽ kém đi. Kết quả dẫn đến một tình trạng di truyền được gọi là khiếm khuyết lactase hay không tiêu hóa được sữa. Một trong những dấu hiệu không tiêu hóa được sữa là tiêu chảy [tiêu chảy sinh lý, không phải do bệnh]. Gà, dĩ nhiên, không phải thú có vú. Mặc dù là loài ăn tạp, trong môi trường tự nhiên chúng không có mấy cơ hội được tiếp cận sữa hay những sản phẩm từ sữa. Tuy nhiên, thật lạ lùng khi cơ thể chúng vẫn sản sinh ra một ít lactase. Do vậy, chúng có thể tiêu hóa được một ít lactose. Một số sản phẩm sữa vốn có hàm lượng lactose thấp. Kem trộn (cottage cheese) chẳng hạn, đặc biệt nghèo lactose. Và một phần lactose trong sản phẩm lên men chẳng hạn như yogurt vốn đã được vi sinh phân hủy sẵn. Ở thái cực khác, sữa bột và sữa bột gầy (buttermilk powder) có hàm lượng lactose cao. Bảng đính kèm cho thấy lượng lactose tương đối trong các sản phẩm sữa. Đừng bị cám dỗ để cho gà ăn Lactaid hay bất kỳ sản phẩm nào tương tự nhằm khắc phục khiếm khuyết lactase. Những sản phẩm này thay thế cho lactase; chúng phân hủy lactose thành glucose và galactose. Hàm lượng galactose cao lại độc hại với gà. Cho gà ăn Lactaid nhằm gia tăng lượng sữa trong khẩu phần ăn nhất định là một ý tưởng tồi. Mặt khác, nếu bạn uống sữa không-lactose và muốn chia sẻ với bầy gà của mình thì cũng được thôi. Một ít galactose lại thực sự có ích. Hàm lượng lactose trong các sản phẩm sữa (tính xấp xỉ) Sữa tươi 5% Sữa bột, nguyên (whole) 38% Sữa bột, không béo 51% Yogurt (hiệu Kefir) 4% Kem chua (sour cream) 4% Sữa gầy (buttermilk) 4% Bột sữa gầy (buttermilk powder) 48% Cặn sữa (whey) (lỏng) 5% Kem trộn (cottage cheese) 0.4% Kem trộn (2%) 3.6% Kem trộn (1%) 2.7% Bao nhiêu là đủ? Nghiên cứu tại trường Đại học Illinois phát hiện thấy việc cung cấp galactose cho gà đẻ ở hàm lượng 10% hay hơn trong khẩu phần ăn sẽ dẫn đến gia tăng tỷ lệ tỷ vong. Nhưng cho ăn ở hàm lượng từ 2 đến 4% sẽ cải thiện tốc độ tăng trưởng (“Impact of galactose, lactose, and Grobiotic-B70 on growth performance and energy utilization when fed to broiler chicks”, Poultry Science, October, 2003). Bảng trên cho chúng ta biết sữa tươi có khoảng 5% lactose. Được biết một nửa số đó là galactose, giả sử tất cả đều được tiêu hóa, nếu gà đẻ chỉ ăn và uống toàn sữa tươi thì khẩu phần cũng chỉ có 2.5% galactose – tức trong tầm an toàn và có ích. Tuy nhiên, khẩu phần ăn toàn sữa không cung cấp đủ dinh dưỡng cho gà, và những thứ mà bạn bổ sung vào để cải thiện thành phần dinh dưỡng cho gà sẽ làm giảm phần trăm lactose cũng như galactose. Vì vậy cho gà ăn sữa tươi là tuyệt đối an toàn. Các tổ chức Maine Organic Farmers và Gardeners Association đều tin là như vậy. Một trong những báo cáo của họ nói rằng “Sữa là một nguồn protein chất lượng và có thể được dùng thay thế nước uống trong nửa ngày, còn nước được cho vào nửa ngày còn lại”. (“Feeding Whole Grains to Chickens,” MOFGA Fact Sheet #13) Sữa và các sản phẩm sữa khác cũng được sử dụng để cung cấp thêm năng lượng cho gà vào mùa lạnh giá và ngày ngắn [đêm dài] – giai đoạn mà gà mái có thể ăn không đủ để duy trì thân nhiệt và tiếp tục đẻ trứng. Sữa chứa đến 87% nước. Phần còn lại là protein, carbohydrate, chất béo, vitamin và khoáng chất. Một trong những khoáng chất là can-xi, vốn cần thiết cho gà ở mọi độ tuổi. Một trong những vitamin trong sữa là riboflavin (vitamin B2), mà nó cần để trứng nở. Mái giống bị nuôi nhốt và ăn cám không đủ dưỡng chất có thể cho ra gà con liệt ngón, tình trạng ngón bị quặp vào trong, khiến gà mắc bệnh tự dẫm vào chân mình. Dẫu một số sống sót, những con khác bị chết đói vì không thể đến máng thức ăn và nước uống. Bệnh liệt ngón (curled-toe paralysis) là dấu hiệu cho thấy khẩu phần thức ăn của gà thiếu riboflavin. Cùng với rau tươi, sữa, cặn sữa và các sản phẩm sữa khác là nguồn thức ăn giàu riboflavin. Sữa, khi được lên men thành yogurt, trở thành chất lợi khuẩn đối với gà. Ruột non của gà (và cả của người) chứa đầy vi khuẩn có ích mà chúng giúp cho việc tiêu hóa cũng như sản sinh ra hợp chất kháng khuẩn và enzyme kích thích hệ miễn dịch. Nếu vì một nguyên nhân nào đó mà những vi sinh có ích này bị mất cân bằng, vi khuẩn gây bệnh có thể sinh sôi và gây ra bệnh (đường ruột). Gà chuyển giao một cách tự nhiên một số vi sinh này qua trứng và nhiều hơn qua môi trường chuồng trại. Vi sinh có ích cũng hiện diện trong một số thực phẩm, bao gồm hạt và sữa chua. Gà được cho ăn khẩu phần đa dạng hay được thả rông để tự tìm thức ăn trong môi trường tự nhiên chẳng cần bổ sung chất lợi khuẩn. Tuy nhiên, gà con ấp bằng máy, phát triển quần thể vi sinh đường ruột chậm hơn nhiều so với ấp bằng gà mẹ. Một ít yogurt tươi sẽ cải thiện hệ miễn dịch bằng cách bổ sung trước một ít vi sinh đường ruột tương tự như những gì được hình thành một cách tự nhiên trong đường tiêu hóa. Kháng sinh và những thuốc kháng khuẩn khác sẽ tiêu diệt cả mầm bệnh cũng như vi sinh có ích. Bất kỳ cá thể nào được điều trị bằng kháng sinh hay bị căng thẳng quá mức có lẽ đều cần một chút kích thích hệ miễn dịch từ sản phẩm sữa lên men. Tẩy sữa Bởi vì gà không coi lactose là khẩu phần tự nhiên, khi lượng lactose không tiêu hóa hết đi đến ruột, cơ thể gà sẽ đào thải nó. Theo đó, ruột hấp thu chất lỏng vào máu, và sự gia tăng độ ẩm dẫn đến tiêu chảy. Những tay nuôi gà cựu trào lợi dụng yếu tố này để khống chế bệnh cầu trùng (coccidiosis) bằng cách cho gà bệnh tẩy sữa (milk flush). Quy trình bao gồm việc bổ sung sữa bột vào khẩu phần ăn theo tỷ lệ 25% (một phần sữa bột với ba phần thức ăn) trong vòng bảy ngày. Cung cấp thật nhiều nước để tránh mất nước, bởi vì gà được điều trị uống nhiều gấp ba lần trong thời gian tẩy ruột. Dĩ nhiên, lượng phân lỏng dính khắp lớp nền, nên phải làm vệ sinh và thay mới hàng ngày. Bằng không nếu gà ở ngoài bãi cỏ, chúng phải được chuyển qua chuồng khác mỗi ngày. Thường xuyên dọn dẹp phân lỏng, hay đưa gà qua chuồng khác, tránh để gà tiếp xúc với mầm bệnh trong phân, để gà không tái nhiễm bệnh cho đến khi mầm bệnh tiệt hẳn. Một số nhà chăn nuôi hiện đại tin rằng sữa, nếu được cung cấp thỉnh thoảng hay liên tục, sẽ giúp ngăn ngừa bệnh cầu trùng. Không phải vậy. Việc cho ăn quá nhiều lactose dẫn đến tiêu chảy chỉ là một phương pháp hạn chế bệnh cầu trùng vốn đã bùng phát. Điều trị bằng cách tẩy sữa không phải là không nguy hiểm. Khuẩn Escherichia coli, vốn gây ra một số lây nhiễm gọi chung là bệnh tiêu chảy (colibacillosis), coi lactose là thực phẩm chính. E. coli thường xuất hiện với số lượng nhỏ trong ruột mỗi cá thể, nhưng trong giai đoạn căng thẳng hay bệnh tật, lượng vi khuẩn có thể phát triển ngoài tầm kiểm soát. Cho gà ăn sữa vào những giai đoạn như vậy cũng đồng nghĩa với việc nuôi dưỡng E. coli, cung cấp thêm thức ăn cho chúng dưới dạng lactose, điều cho phép chúng sinh sôi thêm nữa. Mặc khác, sữa chua có hàm lượng lactose thấp và giúp kháng bệnh thông qua khái niệm cạnh tranh – nghĩa là một khi ruột gà chứa đầy những vi sinh có lợi, chúng sẽ hoạt động mạnh để đẩy mầm bệnh ra ngoài. Tuy nhiên, lưu ý rằng vi khuẩn và nguyên sinh bào (protozoa) không cư ngụ trên cùng một địa bàn sinh học trong ruột gà. Do đó, sự cạnh tranh của những vi khuẩn có ích trong yogurt tươi không tác dụng trực tiếp trên bệnh cầu trùng (vốn là nguyên sinh bào). Tuy nhiên, việc kích thích hệ miễn dịch của gà bằng sữa lên men sẽ giúp chúng mạnh khỏe nói chung và chống chọi tốt hơn với đủ loại bệnh tật. ================================================ Ghi chú Ở cái xứ mà con người còn không đủ sữa để uống thì ý tưởng bổ sung sữa vào khẩu phần ăn của gà khá là xa vời. Tuy nhiên, có rất nhiều bài biệt dưỡng của các cựu sư kê Mỹ sử dụng sữa, đặc biệt là sữa gầy buttermilk 1% độ béo. Qua bài này chúng ta biết rằng buttermilk có 5% lactose nên gà hoàn toàn có khả năng hấp thu được (tiến sĩ Bunan đã không hoàn toàn đúng khi cho rằng gà thiếu enzyme tiêu thụ lactose và cần phải lên men trước khi cho ăn). Các sư kê Việt có thể áp dụng nguyên xi các bài biệt dưỡng dùng sữa gầy từ Mỹ (miễn là họ tìm ra sữa này ở Việt Nam). Theo khảo sát của chúng tôi thì loại sữa gầy 1% không phổ biến lắm. Những hiệu sữa phổ biến đều có độ béo trên 1.5%. Các bạn đều biết khẩu phần biệt dưỡng phải được tuân thủ một cách nghiêm ngặt, bằng không thì các bạn hãy coi như mình đang thử nghiệm một công thức mới hoàn toàn. Việc sử dụng sữa chua (yogurt) rõ ràng là tốt hơn, nhưng như các bạn đã biết, các bài biệt dưỡng có sẵn hầu như không sử dụng loại này và các bạn phải tự mình thử nghiệm mà thôi.
E đã áp dụng sửa chua cho gà con gần 6 tháng nay thấy rất hiệu quả anh Đ ơi, gà con ăn khỏe tiêu hóa tốt có cảm giác gà ăn như không biết no vậy. Mặt khác em đã thử cho gà 3 tháng tuổi trở lên uống rượu nho pha với nước 1 tuần 1 hoặc 2 lần. => Gà cùng bầy rất đồng đều hầu như hoạt động liên tục tới 10 giờ tối nếu không tắt đèn cho ngủ.
L tự làm từ sữa hộp hay mua sẵn của vietnamilk vậy? Hay tự làm cho rẻ, anh thấy có lão bên Phi tự làm men rượu, trộn thêm ít yakult cho có vi sinh.
Em dùng Yakult Nhật Bản 1 lố 5 chai nhựa, 2 bầy gà con dùng 1 chai pha nước hoặc thức ăn /tuần. Gà lớn 1 chút em kết hợp thêm rau sam, cỏ mực, lá chùm ngây nhưng chưa dám cho ăn nhiều (ngoài ra vẫn sử dụng cỏ cú và rau mua về ăn còn dư thay phiên hàng ngày)