Cây bồ công anh Toàn bộ các phần trên loài hoa dại này đều bổ dưỡng cho người lẫn gà Susan Burek (Moonlight Mile Herb Farm, Michigan) - http://www.backyardpoultrymag.com Một bác sĩ giải phẫu vào thế kỷ thứ 15 đặt ra cái tên “dandelion” (bồ công anh Taraxacum officinale), đọc là “dent-de-lion” dựa vào dạng lá “hình răng nanh” đặc trưng mà ai cũng nhận ra. Trên thực tế, “lion ’s tooth” (sư nha, răng sư tử) là một tên thông dụng khác của loài này. Mặc dù, bồ công anh có nhiều công dụng, sự tương hợp với hệ thống tiêu hóa cùng với đặc tính lợi tiểu (diuretic) mạnh khiến nó trở thành một loại thuốc ức chế ký sinh tự nhiên. Nó cũng có ích khi được dùng làm một vị trong bài thuốc tấy giun. Tôi dùng nó cùng với bí đỏ, tỏi và cà rốt vào mùa thu khi bí đỏ ra trái (xem bài Phòng ngừa và tẩy giun bằng thảo dược). Bồ công anh là một trong những loài thảo dược kỳ diệu, không những phân bố ở khắp nơi trên thế giới mà toàn bộ các phần trên loài cây này đều có thể được sử dụng một cách hiệu quả. Một số loài gia cầm thích nhựa (milky sap) của cây này. Hạt có thể phát tán (nhiễm) vào thảm cỏ, nhưng dầu gì vẫn có ích. Bồ công anh, loài cây nhị niên (biennial), mọc ở khắp nơi (có lẽ chỉ trừ bắc cực), và ưa chuộng ánh nắng toàn phần hoặc một phần, mặc dù lá sẽ to hơn trong vùng có bóng râm một phần. Nó dường như chuộng đất giàu dinh dưỡng, nhiều mùn và ưa ẩm ướt hơn là khô ráo. Chúng ta không chỉ nhận ra dạng lá đặc trưng như tôi đã nói ở trên, mà có lẽ cả bông hoa màu vàng tươi, vươn cao đến 25 cm so với gốc. Hoa sẽ biến thành thành trái “banh lông” hạt nổi tiếng, bay ra theo gió hay hơi thổi mạnh. Ai mà chẳng nhớ cái trò thổi banh lông khi còn nhỏ, góp chút sức giúp cho bà mẹ tự nhiên! Bài thuốc bao gồm nước cốt hay nước sắc (trà), và rượu lá và hoa khô hoặc tươi. Rễ bồ công anh có thể được hấp, luộc, sao và nướng. Bởi vì bồ công anh mọc ở khắp nơi và chẳng hề khó kiếm, hãy đảm bảo rằng nó không bị nhiễm thuốc diệt cỏ hay khói bụi ven đường. Rễ, lá, thân và hoa đều dùng được và đám gà của bạn sẽ xử sạch trơn. Bồ công anh là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời bao gồm khoáng chất, vitamin, chất xơ, vi dưỡng, lecithin và các chất hoạt hóa sinh học. Vô số công dụng khiến nó trở thành loài thảo dược toàn diện. Bồ công anh có thể được dùng để kích thích chức năng gan nhờ tác dụng lợi tiểu, và nó cũng giàu kali (potassium) để bù vào những gì đã mất vì lợi tiểu. Vị đắng của nó kích thích tiêu hóa. Bồ công anh có lợi cho việc tích lũy năng lượng và dinh dưỡng nói chung. Loài cây bất thường, ở chỗ công dụng của nó phụ thuộc vào mùa thu hoạch và môi trường nơi nó mọc. Chẳng hạn, lá tươi bớt đắng hơn rất nhiều và “ngọt hơn” vào mùa xuân hơn là mùa thu, bởi vậy nó hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn nhiều vào mùa này so với mùa kia. Nó cũng quá cá tính, đến nỗi không phải bài thuốc nào cũng [mang lại tác dụng] như nhau, mà thực sự thay đổi theo từng hoàn cảnh cụ thể. Với ý tưởng đó, tôi đề nghị các bạn sử dụng bồ công anh lấy từ môi trường địa phương (điều không quá khó khăn). Nghĩa là nó phải được gia giảm để đem lại tác dụng tốt nhất trên bầy gà của bạn. Rễ Rễ thường được dùng như nước lợi gan (liver tonic), bằng cách kích thích dịch mật và trao đổi chất tại gan, nhưng theo lối rất êm dịu. Bạn có thể phơi khô và xay những rễ to và trộn vào thức ăn cho gà vào mùa đông. Nó sẽ giúp gà tăng trọng để chúng giữ ấm. Gia cầm cũng ăn cả rễ tươi và bạn có thể cho chúng ăn nguyên cây còn tươi. Thu lại phần rễ để dành vào mùa đông bởi rễ chứa rất nhiều dưỡng chất. Tại phần nối giữa thân và rễ, bạn sẽ thấy chất lỏng như sữa tức “nhựa cây” mà nó sẽ đông lại khi tiếp xúc với không khí. Đó là loại nhũ tương bao gồm đạm (protein), alkaloid, tinh bột, đường, tinh dầu, tannin, nhựa (resin) và gum. Đám gà của tôi dường như rất chuộng nhựa cây và chúng sẽ ăn ngay một khi tôi bẻ ngang thân cây. Lá Lá bồ công anh có thể được dùng tươi hay khô. Nó có thể được dùng như trà và là chất bổ sung rất tốt vào mùa đông, với tác dụng tốt cho gan trong việc tiêu hóa thức ăn. Điều này có thể được áp dụng vào những tháng mùa đông khi gà của bạn ăn nhiều hạt hơn. Nếu bạn phơi khô, đừng rửa bằng nước, và chỉ cần phơi lá thật khô trước khi đem trữ để tránh ẩm mốc. Gieo hạt Để giúp loài cây này sinh sôi, cách tốt nhất là thu hoạch sau khi bồ công anh ra hạt. Với nhiều người ở nội thành, nó là tai họa cho thảm cỏ của họ, nhưng lại là món quà đối với các nhà thảo dược và những ai yêu chuộng vẻ đẹp của hoa bồ công anh! Tôi chắc chắn không giới hạn phạm vi sinh sôi của nó trong phần đất của mình chừng nào mà hạt của nó còn phát tán được! Tốt cho gia cầm Gia cầm chuộng thân rỗng (hollow stalk) và nuốt chúng như thể sợi mì spaghetti. Chúng ngọt và dịu, và là phần yêu thích của gà. Một khi bạn bắt đầu sử dụng bồ công anh để nuôi gà, bạn sẽ ngày càng yêu chuộng và hài lòng với lợi ích mà nó mang lại, đặc biệt là công dụng hỗ trợ tiêu hóa và duy trì sự cân bằng vi sinh trong ruột gà. =============================== Ghi chú Theo thông tin trên mạng, hoa bồ công anh ở Việt Nam mọc tại hai nơi Đà Lạt và Sapa. Nhiều khả năng do người Pháp mang đến chứ không phải loài bản địa. Điều này có lẽ đúng dựa trên vùng phân bố hạn hẹp, bằng không thì những vùng khí hậu lạnh lân cận cũng phải có hoa bồ công anh. Đây là tin vui đối với người nuôi gà ở hai nơi trên, và thậm chí cho toàn bộ vùng cao nguyên nơi có khí hậu lạnh phù hợp cho sự phát triển của loài hoa này. Sau đây là một số thông tin giúp cho việc nhận diện: *Bồ công anh vốn là một vị thuốc bắc (xuất xứ từ Trung Quốc). Bác sĩ Đỗ Tất Lợi liệt kê ba loại thảo dược đều được gọi là "bồ công anh" mà Taraxacum officinale là một trong số đó. Một số trang mạng bổ sung thành “bồ công anh Trung Quốc” để phân biệt với những loài cây nội địa có tên gọi tương tự. Tên gọi này có lẽ không phù hợp bởi đây là loài thảo dược phân bố rộng và được sử dụng phổ biến trên toàn cầu, nhất là ở các nước phương Tây. Trang web của Đại học y dược TPHCM gọi loài này là “bồ công anh lùn” ám chỉ phần thân ẩn trong đất, không lộ ra ngoài. Tất cả đều là loài bồ công anh (dandelion Taraxacum officinale). Thiết nghĩ, tự cái tên “bồ công anh” cũng đủ nói lên tất cả và không cần phải bổ sung thêm gì nữa. *Hình ảnh quen thuộc và phổ biến nhất của cây bồ công anh là cục “banh lông” màu trắng mà ai cũng tưởng là hoa. Thực ra đó là quả cầu chứa đầy hạt (bung ra sau khi hoa tàn) mà nó sẽ tung bay khi gặp gió hoặc bị thổi mạnh. Đây là hình thức phát tán vô cùng hiệu quả của loài này, nếu muốn gầy giống thì bạn chỉ cần ngắt một vài quả “banh lông” rồi đem gieo ở vườn nhà là xong. *Theo Wikipedia, có rất nhiều loài “giả bồ công anh” (false dandelion) vì có đặc điểm lá, hoặc thân hoặc hoa tương tự. Theo bác sĩ Đỗ Tất Lợi, hai loài thuốc nam tức thảo dược nội địa, bao gồm “bồ công anh Việt” Pterocypsela indica (tên cũ Lactuca indica) còn gọi là rau bồ cóc, diếp hoang, diếp dại, mót mét, mũi mác, diếp trời, rau mũi cày và cỏ chỉ thiên Elephantopus scaber còn gọi là cúc chỉ thiên, chân voi nhám, cỏ lưỡi mèo. Loài đầu còn có một biến thể thuần dưỡng gọi là rau diếp Ấn (Indian lettuce) vốn được trồng làm rau ăn ở Đà Lạt, trông rất khác so với loài hoang dã. Nếu các bạn đã biết cây bồ công anh chính hiệu rồi thì sẽ thấy cái đám “giả bồ công anh” này khác xa một trời một vực. Nhưng “giả” không có nghĩa là dở mà chẳng qua đó không phải là cây bồ công anh chính hiệu mà thôi. Được biết các loài này có công dụng tương tự và có thể dùng thay cho bồ công anh (cần phải nghiên cứu thêm). Đây cũng là gợi ý tốt cho các bạn chăn nuôi gà.
Bổ sung một số hình ảnh bồ công anh chụp tại Đà Lạt đầu năm 2014 (xung quanh địa điểm này có khá nhiều người nuôi gà chọi): Một cây "giả bồ công anh", không rõ tên:
Cảm ơn dthong. Mình tra từ điển thấy sow=lợn nái, thistle=cỏ kế 蓟 (cây này mọc ở bên Tàu, xứ lạnh, nhiều người trên mạng thấy nó có gai nên đọc trại thành "ké", chắc không đúng vì cây này không có ở Việt Nam) vậy "sow thistle" = cây kế heo, cỏ kế heo (vì nó giống với cỏ kế mà heo lại thích ăn). Tra tiếp thì thấy giống với cây này: Sonchus oleraceus: tục đoạn rau, rau diếp đắng http://vietnamplants.blogspot.com/2013/03/asteraceae-compositae-ho-cuc-phan-3-tu.html (nhận ra nó nhờ cái gân lá màu tím đặc trưng).
Sonchus oleraceus đúng là nó đó . Cây này xứ lạnh mọc hoang kinh khủng nhổ hoài không hết vì hoa nó bay tứ tung .
Sáng nay em thấy đường Thành Thái (sau lưng C30) có bán giống như hình mà không biết có đúng không anh Đ, có bụi bông màu vàng có bụi màu đỏ. Vì không có thời gian để dừng xe lại hỏi là cây bông gì.
Anh đoán là hoa đồng tiền Gerbera, lá giống y chang nhưng lớn hơn. Đồng tiền và bồ công anh cùng họ cúc Asteraceae, trách chi chả giống nhau!
cùng họ nhưng đặc tính có giống nhau kg a? nhỏ bồ cũ khoái nhất bông đồng tiền nên lúc trước đồng tiền loại nào e cũng có^^