Thả và đá gà C. A. Finsterbusch - Trích "Cockfighting All Over The World" (1929) Sau khi gà của bạn trải qua giai đoạn nuôi đá hay biệt dưỡng, chúng phải sẵn sàng tự thân vận động khi được thả vào trường đấu để đối mặt với thời khắc tối hậu. Hành động thả - bắt gà trước và trong trận đấu được gọi là thả gà (setting), và kỹ năng cần thiết để thực hiện một cách đúng đắn đa phần phụ thuộc vào luật trường mà bạn đá. Kết quả, điều cực kỳ quan trọng là nài (setter, pitter hay handler) phải nắm rõ luật trường, và phải có khả năng hành động phù hợp với cảnh giác cao độ. Trong khi luật tương đối phức tạp, thả gà đòi hỏi phải thực hành với thật nhiều tính toán. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp các nước đá cựa thép sắc với độ dài khác nhau. Một tay biệt dưỡng giỏi (feeder) chưa chắc đã là nài giỏi, và đây là điều phải hết sức lưu tâm. Ở những vùng mà gà được đá bằng cựa xương, chẳng hạn như Chi Lê, luật vô cùng đơn giản. Cả hai con được đặt đối diện, đồng đều tại mức trên sới và thả. Không được can thiệp cho đến khi hai con ngừng đá và sau thời gian nghỉ trọng tài yêu cầu cho thả lại. Rồi cả hai con được ôm quanh hông và đặt tại mức cho đối mặt (Careo). Đầu và cổ không được phép chạm vào hay nâng lên, dẫu có bị gục xuống. Gà phải còn cắn mổ bằng không trận đấu kết thúc. Chúng tôi từng thấy những chiến kê Chi Lê phá quyền đếm bằng cách này trong hơn một giờ theo luật cũ, cho đến khi một con chết trên tay nài. Tại một số vùng ở Ấn Độ, luật cho phép bắt gà vào bất cứ thời điểm nào mà nài thấy cần thiết, gọi là “xả hơi” hay nghỉ, nhưng trong toàn bộ trận đấu, vốn kéo dài trong nhiều ngày, nài chỉ được phép bắt gà tối đa mười lần. Đó là lý do mà việc “xả hơi” chỉ được yêu cầu khi nào thật cần thiết, bởi vì trong giai đoạn cuối của trận đấu, một bên có thể xuống sức tệ hại, và không thể yêu cầu “xả hơi” trong khi địch thủ của nó còn rất nhiều lượt chưa dùng đến. Rồi còn có vấn đề chịu thua sớm hay để gà của bạn bị đâm hoặc quất đến chết. Tại một số vùng ở Xiêm [tức Thái Lan], không được phép dùng nài. Gà được thả ra và để đá tự nhiên – tương tự như ở Nhật – quyền quyết định được trao cho trọng tài. Vì nài không được phép, sẽ hợp lý khi mong rằng gà phải có thể lực hoàn hảo để duy trì trận đấu từ lúc trả cheo cho đến kết cục khó nhằn. Ở Sumatra, thả gà được phép theo một số luật nhất định, được biết rất hiếm khi gà bị dính cựa vào chính nó, sàn hay địch thủ. Khi gà đá với một cựa dao dài (slasher), vấn đề cực kỳ lớn là tính toán bước chân cho đến khi chúng đụng nhau và đặt bàn chân một cách thích hợp. Một số con đặt chân trái, số khác đặt chân phải, và một số sẽ bay ra từ tay của nài. Trong trường hợp sau, nài đặt tay bên dưới bàn chân còn tay kia chạm lên sàn. Nghe có vẻ lạ lùng, nhưng gà xuất phát từ đó nhanh như chớp giật, cần hết sức đề phòng bởi trận đấu đôi khi kết thúc ngay trong chân đầu tiên. Trên thực tế, một số gà được huấn luyện đá lối này. Luật trường ở Bali và Madoera [tức Madura] đòi hỏi cả hai bàn chân phải chạm đất một cách vững chãi, chân gắn cựa dao dài [chân trái] phải đặt sau một bước so với chân phải. Một số con rất khôn không hề bay mà chạy tới trước hụp dưới địch thủ, xoay mình và đá trong khi con kia đang tiếp đất sau cú nạp đầu tiên. Và vì luật khác, nên cần kỹ năng khác. Luật trường sẽ cho nài biết cách thả gà, và không nên làm gì trái với nó. Trung thực khi thả gà là lời khuyên không cần phải nhấn mạnh thêm. Hãy đặt gà đồng đều và nhẹ nhàng lên mức như dự tính và thả nó. Đừng để ý đến nhận xét của đám khán giả mà hãy tập trung ánh mắt và tâm trí vào cặp gà và nài địch. Chuyển tải những nhận xét và yêu cầu của bạn cho trọng tài, bằng sự thận trọng và lịch thiệp nhưng rõ ràng. Khi viện dẫn luật, bạn cần thể hiện sự am hiểu về chúng và ý kiến của bạn sẽ tạo ra sự chú ý ngay lập tức. Không nên chơi gian lận bởi nó sẽ khiến nài địch chơi gian lận để trả đũa lại bạn. Việc thực hành và tính toán trong thả gà đòi hỏi một cái đầu lạnh và phản ứng nhanh nhạy. Nếu gà của bạn đâm tốt và đang chiếm ưu thế, thì đừng ngắt ngang dẫu gà địch đã nằm để bị đếm. Chừng nào mà gà bạn còn đá thì nó đang chiến thắng. Đừng ngắt ngang nó. Gà của bạn có thể bị chột trong trận đấu. Bạn chẳng thể làm gì để giúp nó, nhưng khi được yêu cầu thả, đặt nó lệch một bên để con mắt lành có thể nhìn thấy địch thủ. Gà chột là một trường hợp đặc biệt, chúng không thể đá bên phía mắt bị thương và đá chệch choạc bởi ước lượng sai khoảng cách. Gà cận chiến (in-fighter) có khá hơn và lối đá của chúng hỗ trợ cho con mắt bị thương, đôi khi đá lệch bên, tạo ra ấn tượng rằng chúng đá tốt hơn khi bị chột một mắt. Đôi khi chúng đá tốt hơn thật, nếu con mắt còn lại không bị thương nốt. Gà Asil cỡ nhỏ rất tuyệt trong những trường hợp như thế này, bởi nó thậm chí còn đá dữ dội hơn khi bị mù hẳn, và không bao giờ chịu buông lông địch thủ. Tuy nhiên, đây là những trường hợp ngoại lệ. Chột mắt là tổn thất nặng nề dưới bất kỳ góc độ nào. Bạn chẳng thể làm gì để tránh được nó, và những chấn thương như vậy thường xảy ra do cựa, đòn quất (sưng) hay cánh đâm. Gãy chân [sụp bàn tỳ] cũng xảy ra thường xuyên, dẫu làm thế nào điều này xảy ra đôi khi là một điều bí ẩn đối với người mới chơi. Khó có thể tin rằng một cái cựa nhỏ có thể đâm gãy hoặc vẹo xương. Đây cũng là tổn thất nặng nề, nhất là trong đá cựa ngắn (short heel) và cựa xương (naked spur), dẫu chúng ta từng thấy có con chiến thắng với một cái chân gãy. Khi bạn được yêu cầu bắt gà, đặt chân lành ngay bên dưới cơ thể và sắp xếp để nó nằm ngửa lưng thay vì nằm nghiêng một bên. Gà nằm ngửa lưng luôn nguy hiểm, vậy nên đừng cố dựng nó dậy trừ phi được trọng tài yêu cầu. Đừng làm theo những gì mà nài địch yêu cầu. Trong hầu hết trường hợp, chỉ trọng tài mới là người có quyền yêu cầu bạn làm điều gì đó. Gỡ bỏ cựa [bên chân bị gãy] nếu được phép. Gãy cánh cũng xảy ra. Bạn không thể làm gì để giúp gà nhà trong tình trạng này. Nếu luật cho phép, cắt lông cánh cho ngắn. Gà có thể bị suy nặng vì trúng cựa và mất thăng bằng. Trong những trường hợp như vậy, đặt nó tựa lên đuôi và tìm cơ hội để đá lên từ phía lưng, nhất là khi địch thủ đang đâm chém nó. Nhưng nếu gà của bạn đang lấn lướt và địch thủ té nằm, bạn hãy yêu cầu bắt gà ngay lập tức. Việc rút cựa, khi gà bị dính, được quy định trong luật trường và khi bạn thực hiện việc này, hãy đảm bảo thực hiện một cách đúng đắn và công bằng. Việc thả gà bị tang nặng trong thi đấu đòi hỏi sự tính toán mà nó hình thành thông qua thực tiễn. Hầu như không thể đưa ra chỉ dẫn trong nhiều tình huống có thể xảy ra. Một số luật trường cho phép sửa ở một mức độ nhất định, số khác cấm hoàn toàn kể cả việc thả gà. Ở Ấn Độ, gà được phép sửa thoải mái trong lúc “xả hơi” (nghỉ) đến mức có thể khớp [thay] cánh, mỏ bị gãy và khâu vá vết thương. Mục đích của luật này là thử thách một cách khốc liệt mức độ gan lỳ và độ bền. Đấy là lý do mà nài phải cực kỳ kinh nghiệm để thực hiện tốt, và người như vậy thường nổi danh bằng kiến thức và năng lực tuyệt vời của mình. Lắp cựa đá trường không phải lúc nào cũng là công việc của nài, dẫu họ cũng phải có kinh nghiệm trong lãnh vực này. Gà đá cựa xương phải được chuốt cựa. Lớp sừng rỗng phải bị cạo bỏ cho đến khi cựa không còn dấu hiệu lỏng lẻo nữa. Mũi cựa phải được chuốt sắc và toàn bộ thân cựa được làm cứng. Quá trình được thực hiện bằng cách vuốt cựa bằng giấy nhám ẩm với dung dịch phèn và sau đó đánh bóng bằng một mảnh gỗ. Như thông lệ ở Chi Lê và những vùng ở Argentina. Ở Tây Ban Nha, chiều dài cựa là cố định, và bị cắt ngắn nếu dài hơn mức độ quy định. Gà cáp đá được đo cựa bằng một dụng cụ nhỏ gọi là “escantillon” (khuôn). Cựa thép thường cố định về hình dạng và độ dài theo luật mà từng nước áp dụng, cũng như việc dùng đế (socket) để tròng vào gốc cựa xương. Chẳng có lý do gì để chừa gốc cựa (stub) dài hay ngắn hơn mức cần thiết để tròng đế vào. Nếu quá dài nó sẽ làm gọng cựa bị ngắn lại, cản trở việc đâm sâu tối đa. Nếu quá ngắn, nó có thể ảnh hưởng đến sự vững chãi của cựa. Ở một số vùng, việc chêm bên dưới đế cựa được cho phép và sư kê để gốc cựa dài hơn với quan điểm cho rằng mũi cựa sẽ vươn xa hơn. Với cựa đóng thấp (close heeled), chẳng quan trọng việc bạn lắp cựa thép như thế nào. Chúng sẽ đâm với bất kỳ loại cựa nào, nhưng với cựa đóng cao (K-legged) , việc lắp cựa là quan trọng nhất. Thả gà cựa dao khác nhau ở mỗi quốc gia mà chúng được sử dụng. Những nơi mà luật cho phép thay thế cựa dao bị hỏng, chúng được làm thật nhẹ và sắc để chém vào địch thủ. Những loại cựa nhẹ như vậy rất thịnh hành ở Mexico và Trung Mỹ. Quan điểm cho rằng khi gà bạn đâm cựa vào mình địch thủ, nó sẽ chảy máu đến chết trong lúc bạn đang thay cựa, bằng không cũng trở nên quá yếu và suy sụp đến mức không thể gây ra bất kỳ tổn thương nghiêm trọng nào. Ở Peru, những con gà rất to được đá bằng cựa dao cỡ khủng và bởi vì luật không cho phép thay cựa gãy, nên dao được chế tạo cứng và nặng. Ở Philippines, một loại cựa dao khác được sử dụng. Thường nhỏ hơn loại cựa dao được dùng ở phương Đông. Ở quần đảo Indo (Sunda Archilepago) người ta dùng hai loại cựa dao khác nhau. Loại cũ là vũ khí cong và ngắn, được gắn vào cựa xương và loại mới là cựa dao rất dài được gắn lên bàn chân bằng nêm gỗ (wedge) và băng keo. Trong khi cựa dao Mỹ có đế hai-chạc để gắn hay tròng lên gốc cựa xương, thì loại vũ khí của người Java không hề có đế, vì vậy việc cột cựa thép lên chân là cả một nghệ thuật mà nó đòi hỏi kỹ năng và thực hành. Chỉ một cựa dao được phép sử dụng và nó được gắn bên chân trái, theo quan niệm lâu đời rằng bên này đá chân chết. Chúng ta từng thấy nhiều con đeo cựa dao bên chân phải, và phải thú nhận rằng chúng ta không thể phân biệt được sự khác nhau giữa chân trái với chân phải trong vấn đề đâm chém, dẫu chúng ta hoàn toàn đồng ý rằng gà cũng có con thuận chân trái hoặc chân phải. Lắp cựa là một nghệ thuật không thể học thông qua bất kỳ loại sách vở nào. Cách thông thường để thu thập kinh nghiệm là học hỏi thực tế thông qua một cựu sư kê giỏi giang. Cần phải nhắc lại rằng, loại gà “đâm nghiệt” (bloody heeled) có khả năng đâm địch thủ nằm sân dẫu cựa có dở hay lắp cựa kém. Loại vũ khí có độ uốn và hiệu quả tuyệt vời chỉ tốt chừng nào mà bạn có loại gà đâm nghiệt. Bạn có thể đá những con như vậy với mọi thể loại cựa, và chúng dường như có khả năng xử lý được hết. Không chỉ mỗi vấn đề cựa, mà còn tùy thuộc vào từng cá thể, bởi vì tầm quan trọng của việc lai tạo ra những con gà như vậy vượt lên trên tất cả những thứ khác.
Sửa gà (C. A. Finsterbusch) Sửa gà C. A. Finsterbusch - Trích "Cockfighting All Over The World" (1929) Như đã nói, một số luật cho phép việc sửa gà trong khi thi đấu, giữa các lượt thả. Số khác ngăn cấm thậm chí kể cả việc bắt gà. Trường hợp sau được áp dụng ở Tây Ban Nha, khi gà thua vì đơn giản bị quất sụm hay chết. Ở một số nơi tại Tây Ban Nha, một khi gà sụm là coi như thua. Luật này được áp dụng khi tham khảo những trận đấu xưa kia vốn bị hòa một cách máy móc qua vô số lượt thả. Gà phải đá trong thời gian quy định, biến thiên từ 20 đến 30 phút. Nếu cả hai vẫn đứng vững và đá tiếp thì coi như hòa. Do vậy, gà chọi Tây Ban Nha hiện đại phải đá dồn dập ngay từ lúc khai cuộc, và vì chúng đá cựa xương (naked heel), những đòn hiểm là điều bắt buộc phải có. Đó là lý do trong những trường hợp như thế này, không hình thức sửa gà nào được phép hoặc cần thiết. Luật trường ở châu Mỹ, nhất là Mỹ, cho phép sửa gà với một số hạn chế nhất định và ở Ấn Độ, việc sửa gà là rất quan trọng, nếu không muốn nói là phần quan trọng nhất của trận đấu. Ở Ấn Độ, nài đến trường với đầy đủ những dụng cụ cần thiết cho nhiều công đoạn sửa gà, nhưng ở phương Tây số lượng thường bị hạn chế chỉ bao gồm một miếng bọt biển, một khăn khô và một chén nước. Trong khi thi đấu, không nên cho gà uống nước hay bất kỳ chất kích thích nào khác. Cho uống cồn cũng tệ hại như bất kỳ chất nào khác, và việc dùng rượu brandy để gây say nên tránh hoàn toàn. Khi gà bị quá nhiệt, việc áp một miếng bọt biển ướt bên dưới cánh và đít sẽ có hiệu quả. Khi bị nghẹt thở, một miếng khăn ướt hay ngón tay ngoáy vào họng có thể thông được đôi chút. Khi tang ảnh hưởng đến hệ thần kinh gây tê liệt cục bộ, hãy chườm bằng tay ấm và xoa bóp. Chất the (methol) cũng tốt, nhưng đảm bảo không để gà hít phải. Khi gà bị choáng váng, việc hít một ít nước đái quỷ (ammonia) sẽ làm nó tỉnh táo. Vào mùa nóng, giữ gà càng gần với mặt đất càng tốt bởi nơi đó mát hơn, và trong khi sửa gà, không để mặt nó hướng về phía gà địch. Rửa cán và chân bằng miếng bọt biển ẩm. Hơi nước sẽ làm mát gà. Nếu gà mất tinh thần, dù bởi non gan hay bị tang nặng, dùng tay vỗ dọc theo lưng, ấn phao câu (rump) xuống. Lối xoa bóp này tác động lên thận và tuyến thượng thận cũng như tinh hoàn. Day nhẹ bằng đầu ngón tay xung quanh đít cũng đem lai tác động tương tự. Khi gà bị xỉu (uncouple) hay có dấu hiệu liệt chân, hãy vận động hai chân như thể đạp xe, xoa bóp chân từ háng đến gối và day bằng ngón cái. Xếp chân co sát mình gà và áp bàn tay ấm, sau khi chà sát vào bất kỳ chỗ quần áo nào, lên mình nó. Khi bàn chân co quắp, hãy kéo các ngón và gãi móng tay dưới lòng bàn chân. Gãy chân và cánh không thể sửa được. Điều duy nhất mà bạn có thể làm là trợ giúp cho gà khi thả trong khuôn khổ cho phép của luật trường. Nếu gà bị khò khí quản (windpipe), hãy kéo dãn cổ một lúc, lắc qua lắc lại. Mục đích là để kéo dãn động mạch nhằm làm khép vết thương lại, bịt nó bằng các mô lành. Hãy để gà nuốt máu bầm vào diều. [Trường hợp cựa hầu (throat cut), Dingwall mô tả tĩnh mạch cảnh bị đâm] Nếu khò phổi, không thể sửa. Áp lạnh có thể giúp một thời gian ngắn, nhưng đó là tất cả những gì có thể làm. Nếu khò phổi vì trúng cựa xương sắc nhọn hay cựa chóp (“puones”) thì không gì có thể giúp gà khỏi cái chết ngay lập tức. Hiếm khi cựa đâm trúng ngay tim, nhưng nếu xảy ra thì sẽ dẫn đến tử vong ngay lập tức. Nếu trúng cựa gần hay lân cận tim, gà sẽ bị xỉu (drop down) và nếu nó đứng lên được thì thân sẽ đổ về trước. Chườm nóng sẽ giúp ích và khi thả gà, hãy đặt nó xuống sàn. Một số người nói việc đổ nước lên đuôi gà sẽ giúp nó đứng lên, nhưng tôi chưa bao giờ có cơ hội chứng kiến việc này. Cú đâm trúng mề gây tổn thương rất nặng. Hãy áp bàn tay càng nóng càng tốt vào vùng bị tổn thương. Cựa đâm vào thận, thượng thận và tinh hoàn là nặng nhất, do đó gà bị đâm có thể bỏ chạy. Áp nhiệt vào vùng lưng dưới và hy vọng vào điều may mắn. Cú đâm vào ngực khiến gà đổ ra phía trước. Xoa bóp bằng tay ấm, nhưng thật nhẹ nhàng và bóp nhẹ phao câu. Trúng cựa vào tai hay gần đó sẽ khiến gà bị ngã [ngã mang tai] và nếu trúng não [ông địa] thì sẽ gây tử vong ngay lập tức. Trúng cựa vào cột sống cổ sẽ gây tử vong ngay lập tức, nhưng nếu cựa xuyên qua gáy, cắt trúng gân cổ thì nó sẽ khiến gà giãy giụa một lúc. Trong trường hợp sau, nhanh chóng gãi móng tay lên mồng. Trúng cựa vào cơ cổ, làm tổn thương những dây thần kinh quan trọng nhất, sẽ gây ra vẹo cần (wry neck), sau đó gà có thể xoay mòng mòng và thậm chí té ngã. Nắm đầu bằng các ngón tay và lắc thật nhanh theo đủ mọi hướng, sau cùng vặn đầu theo hướng ngược lại [với hướng cong tự nhiên] và kéo dãn cổ. Cựa đâm trúng hoặc xuyên qua mắt không thể sửa, nhưng đừng rửa bằng nước hay bất kỳ loại thuốc nào lên vùng bị tổn thương. Khi trận đấu kết thúc, thả gà tang về lồng, và trước khi làm bất cứ gì khác hãy tắm gội và vệ sinh toàn thân cho nó. Nếu mang theo cuốn sổ, hãy ghi chú các vết mà nó bị đâm. Vết thương vào cơ bắp không nguy hiểm và thậm chí cả gãy xương nữa cũng không phải là vô vọng. Bôi vết thương bằng dầu vaseline hoặc long não (camphorated oil). Đừng bôi cồn vào vết thương, tốt nhất hãy dùng i-ốt nếu bạn nghi nhiễm trùng. Nếu gà yếu, thay vì thức ăn bạn hãy cho gà uống nửa phần nước nửa phần rượu brandy. Trên nguyên tắc, bạn sẽ giúp gà khỏi cảm lạnh và nó sẽ đòi ăn trong vòng 12 tiếng. Giữ lồng yên tĩnh và càng tối càng tốt. Trước buổi tối, để gà tang uống nước bao nhiêu tùy thích. Ngày kế, nước và khẩu phần bánh mì ngâm. Sau khi ăn xong, bạn sẽ biết gà bị tang nặng đến đâu và tìm cách xử lý phù hợp. Ý kiến nên cho gà ăn ngay sau khi tắm gội gây ra nhiều phàn nàn hơn cả. Nếu có con phục hồi, dẫu vẫn làm theo cách này, thì ít nhiều đều nhờ vào khả năng kháng bệnh tuyệt vời của nó. Lồng yên tĩnh, không có gió lùa, nghỉ ngơi và nước mát là điều tối cần thiết trong việc trị tang sau trận đấu. Kiểm tra mình gà một lượt và đảm bảo rằng gà không bị bất kỳ chấn thương nghiêm trọng nào lên hệ thống thần kinh hay gần sát tim. Nếu vết đâm ở gần thận, kiểm tra phân và nếu thấy chóp màu trắng có lẫn máu, bạn có thể đoán rằng thận bị thương, bằng không sự viêm nhiễm sẽ diễn ra sau đó. Đây là những điều mà bạn cần lưu ý vào ngày kế tiếp. Chườm nóng cho thận, cho uống thật nhiều nước ấm và giữ gà trong lồng ấm áp, tiện nghi và tối. Sau khi gà được nghỉ ngơi một thời gian ngắn, chẳng hạn hai ngày, và bạn muốn kiểm tra xem tinh hoàn có bị tổn thương hay không, đặt gà nằm ngửa và day nhẹ phần sau chân về hướng tinh hoàn. Gà sẽ tiết ra một ít tinh dịch mà nó thường có màu trắng trong suốt. Nếu có dấu vết máu trong tinh dịch, bạn có thể chắc rằng gà bị tang. Tuy nhiên, việc máu không xuất hiện trong tinh dịch cũng không có nghĩa rằng cơ quan sinh sản hoạt động tốt. Nên đặt nghi vấn tang ở tuyến thượng thận một khi gà bị trúng cựa gần khu vực đó, và vẫn giữ nguyên tình trạng thẫn thờ và đờ đẫn. Tuyến thượng thận có ảnh hưởng mạnh đến tinh thần nói chung và phản ứng hiệu quả với một lượng cồn nhất định. Khi gà, sau một đêm nghỉ ngơi, thể hiện sự phấn chấn và thậm chí còn gáy, thì bạn có thể yên tâm. Nó đã đi được hai phần ba chặng đường hồi phục. Mồng và mặt nhợt nhạt, kèm theo phân hanh vàng hoặc xanh là bằng chứng bị trúng cựa vào gan hay mật. Mặt tím tái, hơi thở gấp gáp, mí mắt sưng to, tiêu chảy và đái dầm dề những triệu chứng đáng sợ nhất của bệnh viêm phổi (pneumonia). Cho uống một muỗng rượu brandy pha đường và chích nửa cc dầu nhựa thông nguyên chất vào đùi trái. Ngày kế, sau khi được nghỉ ngơi thoải mái, nếu gà không có dấu hiệu hồi phục thì tốt nhất nên hóa kiếp cho nó. Vết đâm vào gan và mề cần một khẩu phần ăn đặc biệt. Cho gà nhịn ăn uống 24 giờ. Cho uống sữa trong 3 ngày. Khi gà đỡ hơn, cho ăn một trái trứng tươi trộn với vụn bánh mì. Sau một tuần, cho ăn sữa với yến mạch cán (rolled). Gà sẽ phục hồi sau 10 ngày. Gãy xương cần được điều trị ngay lập tức. Cắt sạch lông, nắn lại hai đầu xương; đệm vải và cố định bằng thanh gỗ mỏng hay bảng cứng. Dùng băng mỏng quấn chắc nhưng không quá chặt khiến tuần hoàn máu bị cản trở. Gà sẽ phục hồi sau 14 ngày. Cho ăn sữa và yến mạch cán. Vết thương ở phần mềm không cần quan tâm nhiều. Chỉ cần giữ sạch và gà thường không bị ảnh hưởng gì sau vài ngày. Vết thương gây ra bởi cựa xương bị nhiễm trùng cũng không phải là hiếm. Thoạt trông có vẻ cựa xương gây ra nhiễm trùng và sốt vì chất độc trên đầu cựa. Điều này không đúng, và hậu quả tệ hại của vết thương hoàn toàn vì nguyên nhân phù nề và bầm dập bởi cú đá, trong khi cựa sắt lại đâm rất ngọt. Nước chanh và nước lạnh có tác dụng trị lành trong vòng 14 ngày với vết đâm nghiêm trọng nhất. Chừng nào mà gà hồi phục, bạn nên cho chúng ăn thoải mái và ăn một phần khẩu phần biệt dưỡng, hỗ trợ gà - trong thời gian này – bằng cách cho uống nước bao nhiêu tùy thích. Gà đờ đẫn trong lồng, với lông ủ rũ, và không ăn sau khi bị bỏ đói nên được theo dõi kỹ càng và điều trị thích hợp. Bằng bất cứ giá nào không được lai tạo chúng, dẫu sau này chúng có phục hồi hoàn toàn đi nữa.