Cựa sắt A.C. Dingwall - Trích "The Art of Cockfighting" (1949) Các loại cựa lưu hành ở các vùng khác nhau tại Mỹ đều có một điểm chung – gọng cựa tròn, thon dần từ đế đến mũi, bất kể chiều dài hay thể loại. Ở các bang miền đông bắc, loại cựa ngắn thường được sử dụng trừ phi có sự thỏa thuận giữa đôi bên. Loại cựa này có chiều dài 1 ¼ inch tính từ mũi và mép trên của đế. Để được xem là “công bằng”, không phần gọng cựa nào được phép võng xuống dưới đáy của đế cựa. Độ cao của mũi cựa, khi đế cựa được giữ ở vị trí vuông góc, sẽ quyết định việc cựa ngắn được xếp vào thể loại “chuẩn” (regulation), “cao” (fast) hay “thấp” (slow). Cựa chuẩn có mũi cựa ngang bằng với mép trên của đế khi được giữ ở vị trí vuông góc. Cựa cao có mũi cao hơn mép trên đế, thường khoảng ⅛ inch (0.3 cm). Cựa thấp có mũi thấp hơn mép trên đế từ ⅛ đến ¼ inch (0.3-0.6 cm). Cựa cùn (peg-awl) phổ biến trong giới cựu sư kê vài năm trước đây, ngày nay rất hiếm khi được sử dụng ở các trường đấu miền bắc. Cựa 1 ¼ inch mũi cao ngày càng trở nên phổ biến so với các loại cựa chuẩn và cựa mũi thấp. Trong tất cả các loại cựa sắt ở Mỹ, gọng cựa được uốn theo ý của nhà chế tạo để mũi cựa lệch tâm tính từ điểm giữa mép trên của đế cựa. Người lắp cựa cũng thường có quan điểm riêng về độ cao của mũi cựa khi lắp trên cẳng gà. Để “lắp gai” (in), người lắp xoay cựa sắt trên gốc cựa xương sao cho mũi cựa hướng về phía đầu gà. Để “lắp ngay” (wide), người lắp xoay về hướng ngược lại để cựa thẳng hàng với phần hậu hay với đuôi gà. Các sư kê áp dụng những lối chỉnh cựa rất khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung sẽ an toàn khi lắp cựa ngắn (1 ¼ inch) gai hay vào trong, để đạt hiệu quả cao nhất. Cựa 1 ½ inch nên được lắp hơi ngay hơn so với cựa 1 ¼ inch. Với cựa dài (1 ¾ inch và dài hơn) mũi cựa phải chỉnh ngay hơn mới đâm hiệu quả. Một số người tuyên bố rằng cựa phải được điều chỉnh cho phù hợp với lối đá của từng con, trong khi số khác lại nói chỉ cần lắp đế cựa đều trên chân gà và cột là được. Trong khi cựa 1 ¼ inch có hình dạng gần như nhau, thì cựa 1 ½ ich lại có một vài phiên bản hình dạng, vốn được sử dụng khá phổ biến ở các bang cực tây và trung tây. Luật trường ở những vùng này cho phép dùng bất kỳ loại nào, quy định duy nhất đó là chiều dài cựa tính từ mũi đến mép trên đế phải là 1 ½ inch, thỉnh thoảng được phép sai số ⅛ inch (0.3 cm). Khác với luật trường nghiêm ngặt ở các bang đông bắc, sư kê được phép sử dụng bất cứ biến thể nào trong thế giới cựa dài. Qua quan sát hàng trăm trận ở nhiều vùng khác nhau, nơi mà mọi thể loại cựa đều được sử dụng thì cựa 1 ½ inch (3.8 cm) đâm nghiệt hơn cả. Gà rót thường cúp đuôi và không đáng giữ để đá trận sau. Đoạn kéo dài ¼ inch (0.6 cm) cho phép đâm tới những vị trí chí tử mà cựa 1 ¼ inch không vươn tới và cũng giúp đâm trong những trận đấu kéo dài khi mà cựa dài trở nên hoàn toàn vô dụng. Hơn nữa, loại cựa có độ dài trung bình này cũng đâm đầu và cổ hiệu quả tương đương với cựa 1 ¼ inch. Chúng là dạng kết hợp giữa cựa ngắn miền đông bắc với cựa dài miền nam. Tuy nhiên, nếu chỉ xét riêng sự gan lỳ, hầu hết mọi người đều công nhận loại cựa ngắn 1 ¼ inch có nhiều lợi thế. Trong khi cựa ngắn là bắt buộc ở miền đông bắc thì cựa dài tương đối phổ biến ở miền nam, và tình trạng này có lẽ sẽ tiếp tục trong nhiều năm tới. Nhưng có lẽ nên áp dụng một độ dài cựa (và cả luật trường) thống nhất cho mọi miền trong cả nước. Nhiều năm trước đây, có nhiều loại cựa rất dài phổ biến trong vùng đá cựa dài hơn những gì chúng ta thấy ngày nay. Cựa dài 2 ½ inch (6.35 cm) và 2 ¾ inch (7 cm), và thỉnh thoảng lên đến 3 inch (7.6 cm) là điều bình thường. Ngày nay, cựa dài 2 ¼ inch (5.7 cm) là phổ biến nhất ở các trường đấu miền nam, một số dài hơn hoặc ngắn hơn chút đỉnh. Mọi người nhận thấy cựa dài hơn lại đâm kém hiệu quả hơn khi trận đấu đi đến đoạn dằng dai. Dẫu những loại cựa bất thường như gọng lệch (side-set twister) và gọng trễ (full drop) vẫn thường xuất hiện ở các trường đấu miền nam, xu hướng hướng chung là sử dụng loại cựa chuẩn (regulation), tương tự như loại cựa ngắn, ngoại trừ dài hơn và mũi cao hơn. Nếu cáp gà ở miền đông bắc, mỗi sư kê nên chuẩn bị sẵn 2 bộ cựa chuẩn 1 ¼ inch. Cũng tốt nếu có một bộ 1 ¼ inch “mũi cao” (fast). Chuẩn bị sẵn hai loại cựa để cáp theo sở thích hay lựa chọn của đối thủ. Thường việc tung đồng xu sẽ quyết định việc dùng cựa của ai và loại gì. Ở những nơi mà cựa 1 ½ inch được sử dụng theo thỏa thuận, xin nhắc lại sư kê nên chuẩn bị sẵn 2 bộ. Một bộ làm dự phòng trong trường hợp cựa bị gãy. Loại cựa 1 ½ inch chuẩn cũng hiệu quả như bất kỳ loại nào khác. Ở những vùng đá cựa 1 ½ inch, sư kê được phép dùng bất kỳ hình dạng nào so với vùng đông bắc, nơi chỉ mỗi loại cựa chuẩn mới được chấp nhận. Sẽ thú vị hơn về mặt thể thao khi sư kê được phép thử nghiệm đủ mọi dạng cựa miễn độ dài như nhau. Ở miền nam, khi mọi hình dạng và độ dài cựa đều được “chấp nhận” miễn tiết diện phải tròn từ đế cho đến mũi, các sư kê có thể chọn đủ loại biến thể - chuẩn, bán võng, toàn võng, jagger [bán võng, mũi cao], gọng lệch (twister), đế loe (skeleton), cựa Cincinnati và những loại khác. Dù có đủ loại và dạng cựa khác nhau, xu hướng dường như ngày càng chuộng loại cựa chuẩn (regulation). Như ở những vùng khác, sư kê ở miền nam nên chuẩn bị tối thiểu hai cặp cựa, không nhất thiết phải khác hình dạng nhưng khác về độ dài. Với gà từ 5.4 đến 6 lb (2.45 – 2.7 kg), sư kê nên lắp cựa 2 ½ inch (6.35 cm) và với gà nhẹ hơn 5.4 lb, bạn nên lắp cựa 1 ¾ (4.45 cm) đến 2 inch (5.1 cm). Sau khi đá đấm chán chê, hầu hết đều thấy rằng loại cựa chuẩn đâm cũng tốt như ai, nếu không muốn nói là tốt hơn bất kỳ loại cựa nào khác. Cựa nên được mua từ nhà chế tạo danh tiếng, người rất lưu tâm đến chất lượng thép và kéo léo trong việc chế tác và tôi luyện cựa. Một số nhà chế tạo cựa khéo léo đến nỗi sản phẩm của họ gần như là một công trình nghệ thuật và được người sở hữu ca ngợi. Dẫu cựa có cấu trúc tương đối đơn giản, cần phải có trình độ thực sự để chế tạo sao cho đạt yêu cầu về thẩm mỹ, trọng lượng mà vẫn không bị vẹo hoặc gãy. Để sử dụng lâu dài và như ý, bạn nên chi tiền mua loại cựa tốt nhất có thể. Cho đến giờ, chủ đề thảo luận ở đây chỉ giới hạn xung quanh loại cựa tròn (round gaff) được sử dụng ở Mỹ, Anh Pháp và Bỉ. Ở những nơi khác trên thế giới, người ta sử dụng loại cựa rất khác biệt và nói chung là loại cựa dao (slasher). Cựa dao có hình dạng khác với loại cựa dài (long gaff) sử dụng ở miền nam. Ở Mexico và Philippines, lưỡi dao tương tự về hình dạng và độ dài – và được gắn vào gốc cựa tự nhiên. Mỗi con chỉ được gắn một dao. Nhìn bề ngoài, những cái cựa dao trông rất lạ lẫm so với loại cựa tròn ở Mỹ. Ở Tây Ấn, người ta thường thấy gà được đá bằng cựa tháp chuốt nhọn, vốn được lấy từ vỏ cựa của gà mái. Chúng rất phù hợp để dùng làm vũ khí cho gà trống xét về độ vừa vặn và đầu nhọn.
Lắp cựa đá trường Arch Ruport “Muff” - Trích "The Art of Cockfighting" (1949) Lắp cựa đúng cách để đá trường là rất quan trọng. Mặc dù gà hay vẫn đâm với bất kỳ kiểu cựa hay cách cột cựa nào, tôi tin rằng nhiều con đâm kém có thể được cải thiện nhờ lắp cựa đúng cách. Khi đến thời điểm lắp cựa đá trường, bạn cần chuẩn bị một số thứ. Cựa sắt phù hợp, đồ quấn đệm, và chỉ cột nên có sẵn. Một trợ lý, người biết cách bồng gà sẽ rất hữu ích. Khi lắp cựa, một số người sử dụng những mảnh da nhỏ, rộng khoảnh ¼ inch và dài hơn 1 inch một chút. Những mảnh này được quấn chồng chéo cho đến khi gốc cựa xương dày lên vừa khít với đế cựa sắt. Những người khác lại chuộng sợi dây da dài để quấn quanh chân và lên gốc cựa cho đến khi vừa khít với đế cựa sắt. Sau đây là cách làm dây da quấn cựa: Một tấm da mỏng, thuộc bằng a-xit, là tốt nhất bởi nó có thể đem giặt và không bị chai. Trải tấm da trên bàn với mặt sần nằm dưới và thấm mặt trong bằng nước. Rồi gập nó lại với mặt ướt nằm bên trong và vắt mạnh để làm ẩm đều. Kế đó, trải phẳng và kéo xuống qua cạnh bàn hay hộp và làm dãn đều, kéo dãn theo chiều dài của tấm da. Trải lên bàn và cắt dọc theo chiều dài tấm da, thành những sợi rộng độ ¼ inch và dài khoảng 20 inch. Có thể rạch khe ở một đầu để tròng lên đế cựa xương, nhưng tôi thích chừa khoảng 1 inch vuông ở một đầu. Ở chính giữa, tôi đục một lỗ đường kính ⅜ inch cho vừa với gốc cựa. Nó có tác dụng như tấm đệm để cựa sắt đè lên. Quấn dây da xung quanh chân, một vòng bên trên cựa xương và một vòng bên dưới, và rồi xung quanh chân và lên trên cựa xương cho đến khi đế cựa lắp vừa khít. Tròng cựa vào và ấn xuống cho đến khi nó tựa vững chắc lên chân. Đừng bao giờ xoay đế cựa để tròng vào bởi nếu làm vậy bạn sẽ làm lớp vỏ sừng bị bong ra. Để đệm da và cột dây, hãy nhờ trợ lý giữ gà đúng tư thế. Cách làm như sau: Bồng gà dọc theo thân với đầu hướng về bên trái, giữ chặt nhưng ở vị trí thoải mái. Nắm chân trái bằng tay phải và kéo dãn chân về phía người lắp cựa. Như vậy gà nằm lên cánh tay trái với phần lưng áp vào ngực của người trợ lý. Cánh tay trái bợ dưới mình gà với chân phải được lồng giữa ngón cái và ngón trỏ của bàn tay trái. Điều này cho phép chân phải cử động tự do, và trong trường hợp gà quẫy đạp, nó sẽ không tự làm mình bị thương hoặc đá trúng người lắp cựa. Đảo vị trí bồng gà để lắp chân bên phải. Khi lắp cựa ngắn, chỉnh mũi cựa theo hướng bên trong sợi gân gối (tức sợi gân lớn trên chân mà nó hiện lên ở gối khi kéo ngón thới). Với chân phải, chỉnh mũi cựa ngay theo sợi gân gối (back of the leader). Cách chỉnh này phù hợp với gà đá chân trái cao hơn khi bạn bật (flip) nó. Đổi ngược lại trong trường chân phải đá cao hơn. Với cựa dài, mũi cựa phải chỉnh ngay hơn về thới. Với gà đá chân rời (single-stroke), tôi chuộng loại cựa lệch rất ít hoặc không lệch (side set), và gọng chỉ hơi cong một chút, mũi gần bằng với mép trên của đế cựa. Với gà nạp lùa, gọng nên cong hơn và lắp hơi ngay hơn (wider). Cột chỉ chặt nhưng đừng chặt đến nỗi chân bị đơ. Khi cựa được chỉnh như ý, quấn dây da xung quanh chân và nhờ trợ lý dùng ngón tay giữ nó nguyên vị trí. Dùng sợi chỉ dài khoảng 20 inch (50 cm), quấn khúc giữa xung quanh gọng mặc dù cựa có gờ (tie hook), kéo xuống và xung quanh chân bên dưới cựa, và cột một nút đôi (double flat knot). Rồi quấn chỉ xung quanh đế cựa và cột; kéo xuống quấn quanh chân và trở lên và cột chặt. Rồi lại kéo xuống xung quanh chân và lên bên dưới cựa và lại cột. Cách cột này sẽ giữ cựa chắc chắn. Để lắp cựa chân trơn (slip-leg), không nhất thiết phải dùng đế cựa giả, băng keo hay miếng đệm. Lấy một đoạn da rộng ¼ inch và dài khoảng 1 foot, gập đôi, và quấn một vòng quanh đế cựa. Quấn lên chân gà rồi kéo chặt. Chỉnh cựa như ý rồi kéo chặt dây da; vòng đầu dây ra ngoài và đi xuống xung quanh chân rồi quay lại và cột. Rồi cột chỉ theo cách vẫn thường áp dụng. Cột chặt và cựa sẽ không bị xê dịch. Vệ sinh cựa sau mỗi lần đá và giữ chúng sạch bóng. Để kết luận về chương lắp cựa, sẽ không thừa khi trích dẫn lời của một chiến hữu vào thế kỷ 18, Sir Richard Blackmore: [tác giả nhầm lẫn, đoạn này trích từ “The Royal Pastime of Cock-fighting” của Robert Howlett (1709)] VỀ LẮP CỰA GÀ CHỌI “Và về việc lắp cựa cho gà, không có một công thức nhất định nào, bởi cách thức và đòn lối của một số con đòi hỏi cựa phải lắp thật cao; số khác lại thật thấp: Con này phải lắp cựa “gai” (narrow), con kia lại phải lắp cựa ngay (wide) hết mức có thể.” “Và do vậy, tôi không để ai khác lắp cựa, trừ phi anh ta phải xem gà xổ trước đó, và nhận biết lối đá của nó; không những anh ta chẳng thể trở thành một chuyên gia lắp cựa [nếu không làm vậy], mà theo tôi cách phù hợp nhất để lắp cựa gà là chăm sóc và xem nó xổ.”
Vào sới Arch Ruport “Muff” - Trích "The Art of Cockfighting" (1949) Khi nài bước vào sới với một chiến kê đã sẵn sàng thi đấu, bạn nên tạm gác mọi thứ sang một bên và tập trung vào trận đấu trước mắt. Bạn phải không ngừng theo dõi nhu cầu của gà nhà và sẵn sàng trợ giúp khi cần thiết. Bạn phải đảm bảo rằng chạng gà hai bên là chính xác. Bạn phải kiểm tra cựa gà địch và đưa cựa bên mình cho nài địch kiểm tra. Bạn phải quan sát gà địch thật kỹ lưỡng để xem nó có được tỉa lông và lắp cựa theo đúng quy định hay không. Bạn phải để ý xem sới vuông hay tròn và ánh sáng có chiếu đều ở mọi vị trí hay không. Bạn cũng phải khảo sát tình trạng mặt sới. Nếu bạn đá bằng loại cựa chuẩn, hãy kiểm tra để đảm bảo rằng thân cựa tròn từ đế cho đến mũi, và không phải là loại cựa võng [drop socket: cựa hình số 3 hoặc số 7]. Sau khi cho gà cắn mổ (billing), bạn lập tức lui về phần sới bên mình. Khi nghe hiệu lệnh “thả”, hãy thả ngay lập tức, đảm bảo thả gà đều trên hai chân đồng thời buông tay. Đừng đẩy nó ra trước hoặc kéo về sau, mà hãy để nó có cơ hội đối mặt địch thủ một cách sòng phẳng. Cú nạp đầu tiên có thể đồng nghĩa với chiến thắng hay thất bại. Đừng sấn lại gà nhà, mà hãy theo dõi nó thật kỹ. Trong trường hợp gà dính cựa vào nhau, lên sàn hoặc vách sới, hay bất kỳ vật thể nào khác, hãy có mặt ngay lập tức để bắt gà khi trọng tài ra lệnh. Ôm gà nhẹ nhàng nhưng chắc chắn để nó không chòi đạp. Để nó nghỉ ngơi trừ phi bị tang, hãy vuốt lông cho thẳng và chuẩn bị đá khi trọng tài đếm xong. Nếu gà bị tang, hãy sửa tang cho nó trong khả năng của bạn. Nói chung, một khi gà bị tang nặng trong khi thi đấu thì chẳng mấy trường hợp có thể phục hồi được. Tuy nhiên, cũng có lúc nài có thể hỗ trợ và một nài giỏi sẽ thắng trận đấu tưởng chừng như sẽ thua nếu biết phải làm gì và làm như thế nào. Trình độ của nài là ở chỗ biết khi nào cần “bắt gà” và khi nào cần để gà đá tiếp. Nếu gà của bạn đang trên cơ và mạnh khỏe thì tốt nhất cứ để nó đá tiếp. Nếu nó đang thất thế và không được khỏe, thì có lẽ nên tranh thủ thời gian để nó nghỉ ngơi. Khi bạn thấy đến thời điểm cần bắt gà, hãy bồng nhẹ nhàng và không đụng đến phần đầu. Tôi từng thấy những nài được xem là giỏi kéo đầu gà gần như đứt khỏi cổ. Tại sao họ làm như vậy, tôi không thể biết, nhưng điều đó chắc chắn là không tốt cho gà. Nếu thời tiết nóng nực và gà có dấu hiệu quá nhiệt, hãy quạt bên dưới cánh và đuôi. Và thỉnh thoảng, khi gà mệt, hãy ghé miệng sát lưng gà và phà hơi mạnh, đẩy luồng hơi ấm qua lớp lông đến da lưng. Phổi gà nằm sát với sống lưng và hơi ấm dường như phần nào kích thích chúng. Nếu gà xỉu (uncouple) vì trúng cựa ngực thì không thể làm gì. Trường hợp ngã vì cựa lưng, nếu không quá tệ, có thể sửa bằng cách xoa bóp và cho gà đi lại nếu có thể. Một lần nữa, việc phà hơi nóng có thể giúp ích. Một số nài đặt gà cưỡi lên đầu gối, hai tay nắm hai bàn chân rồi kéo mạnh xuống. Số khác đè chân sát vào thân rồi bóp gà thật mạnh. Đôi khi, việc xoa bóp lườn và lưng gà sẽ có ích. Hãy giúp nó bước đi, nếu gà có thể bước đi thì cũng tốt tương đương bất kỳ cách nào khác. Với cựa hầu, nâng cao đầu gà nhưng đừng kéo cổ. Vết đâm tròn và bằng việc nâng cao đầu và giữ yên một lúc, vết đâm có thể khép lại và máu, nếu nó đông thì sẽ ngừng chảy. Đừng cố móc máu bầm ra khỏi cổ. Đấy là hành động rất nguy hại không nên làm. Khi gà bị quáng (nerve blind), hãy sửa theo cách tương tự như trúng cựa đầu (brain blow). Nếu cánh bị gãy, bạn có thể bố trí gà nằm ngả về bên cánh lành, nhưng hầu hết gà đều đổ mình về bên cánh gãy. Nếu nó không thể tự đứng, hãy yêu cầu được bắt gà một lần theo luật trừ phi nó cần nghỉ ngơi mà gà địch lại không đá. Nếu vậy thì tốt nhất cứ để yên. Gà bị gãy chân là một trong những trường hợp cần hết sức dũng cảm, và bạn hầu như không thể trợ giúp gì cho gà nhà ngoại trừ lúc thả. Bạn hãy để gà đứng đều trên hai chân và ôm nó lâu hết mức có thể, bạn chỉ buông tay khi gà địch vừa chớm đá nó. Nếu cả hai đều bị tang nặng mà bạn biết chắc gà nhà gan lỳ và đoán là gà địch không lỳ bằng, kéo dài thời gian nghỉ chừng nào mà luật trường cho phép, hãy để gà địch nguội xuống. Nó có thể bỏ chạy. Nếu gà bạn ngừng đá khi đâu mỏ, bạn có thể khiến nó mổ bằng cách búng vào mỏ. Giựt lông ở cổ họng là cách giúp nó hồi tỉnh lại. Một cái tát nhẹ đôi khi cũng có ích, và thỉnh thoảng nếu bạn thả mạnh nó lên mức sẽ khiến nó chịu mổ. Tuy nhiên, hãy chắc chắn về mức độ gan lỳ của gà nhà trước khi mạnh tay với nó. Nếu bạn nghĩ gà nhà hơi non gan (cold blood), hãy thả nó thật nhẹ nhàng. Đừng đánh đập mà hãy trò chuyện với nó và xoa bóp cánh một cách nhẹ nhàng. Không ai đoán được những con gà rót này sẽ hành động ra sao. Một số sẽ tiếp tục đá một cách gan lỳ nhất có thể hoặc đá một chân dữ dội trước khi bất ngờ bỏ cuộc. Chỉ cần trúng cựa sơ sơ cũng khiến chúng bỏ chạy thục mạng. Đừng cố qua mặt trọng tài. Đừng quên rằng ông có thể xử lý bạn một cách nghiêm khắc. Hãy đặt gà đều trên hai chân tại mức ở lượt đếm mười. Đừng để nó đổ trước khi gà địch bị đổ, nhất là khi bạn nắm quyền đếm, bởi nếu gà địch nằm đè lên gà nhà, nó có thể mổ, điều mà nó không thể làm trong tình thế khác. Ở miền Nam, nài sử dụng nước giữa các lượt thả để rửa mặt và làm gà tươi tỉnh trở lại. Ở miền Bắc, luật trường không nhắc gì đến nước nôi và hiếm khi nào được sử dụng. Nếu bạn từng thả nhiều gà, bạn sẽ học hỏi được một số điều ngoài những gì được đề cập ở đây và chỉ có thể cảm nhận bằng kinh nghiệm, bởi mỗi trường hợp đều phải xử lý khác nhau. Sẽ khôn ngoan nếu bạn không tán chuyện với đám đông và không bị mất tập trung với những gì xảy ra bên ngoài sới. Nếu thời tiết nóng nực, hãy để gà xuống sàn bởi ở đó mát hơn vì hơi nóng bay lên. Nếu gà nhà có xu hướng đá người, hãy chắc chắn rằng sự chú ý của nó dồn vào gà địch, bằng không nó sẽ chuyển qua bạn và có thể bị đả thương nặng, hoặc thậm chí là chết trước khi quay sang đá gà địch.
Sau trận đấu Arch Ruport “Muff” - Trích "The Art of Cockfighting" (1949) Khối lượng việc chữa trị mà bạn phải thực hiện trên một con gà tang hoàn toàn phụ thuộc vào giá trị của nó như một chiến kê hay gà giống, cũng như mức độ trầm trọng mà nó bị thương. Dẫu có là chiến kê xuất sắc thì cũng không có gì đảm bảo rằng nó sẽ là gà giống tốt hay thậm chí khá. Dĩ nhiên, ai cũng muốn cản từ chiến kê thắng trận nhưng tôi chuộng con chưa đá bao giờ, miễn tôi thấy anh em cùng bầy hay chú bác nó đá. Khi trận đấu kết thúc, cách thức thắng hay thua của gà bạn sẽ quyết định việc phải làm gì với nó. Nếu nó là đồ gà rót hay bị tang quá nặng đến mức chả có mấy cơ hội phục hồi, dĩ nhiên cách thức điều trị rõ ràng nhất là “vô nồi”. Tuy nhiên, nếu nó thắng hoặc thua như một chiến binh, và lối đá của nó khiến bạn hài lòng nên muốn giữ đá tiếp hay làm giống, thì bạn phải có trách nhiệm sơ cứu cho nó trong khả năng có thể. Đa số mọi người sẽ không đá gà thua và cũng không cứu chữa cho nó; nhưng tôi có một con thua trận đầu và thắng liên tiếp mười hai độ sau. Điều đầu tiên bạn cần làm là vệ sinh cho nó. Lau toàn thân bằng nước ấm và xà bông và bôi thuốc sát trùng loại tốt chẳng hạn như nước hoa phỉ (witch-hazel) hay kim sa (arnica). Bỏ vào lồng xách và giữ ấm cho nó. Khi bạn về nhà, thả vào lồng ấm và cho ăn bánh mì và sữa, và sau đó là một ít nước uống. Nếu nó bị gãy chân và bạn muốn cứu nó, hãy nắn xương. Nếu chỗ gãy nằm dưới gối, quấn hai hay ba lớp băng mềm xung quanh rồi nẹp để giữ yên vị trí. Nẹp có thể được giữ cố định bằng băng keo. Nếu chỗ gãy trên đùi, cần phải cắt trụi lông sát da trước khi quấn băng. Dù trường hợp nào, băng phải được quấn khít, nhưng không quá chặt khiến tuần hoàn máu bị ảnh hưởng. Sau một tuần hay mười ngày, gỡ băng và nẹp và kiểm tra vết gãy một cách cẩn thận. Nếu ổn, lại quấn băng và nẹp và để thêm một tuần hay mười ngày nữa. Rồi gỡ băng và nẹp và xoa bóp kỹ vùng bị thương bằng dầu dừa hay bơ. Lúc này, chân phải lành lặn hoàn toàn. Với cánh gãy, nắn xương trong khả năng của bạn, xếp cánh theo vị trí tự nhiên, bó sát vào thân ở vị trí bình thường. Rồi lấy cái tất dài của phụ nữ, cắt bỏ đoạn sát gót, rồi tròng đầu to qua đầu gà và ra sau gần đến đuôi. Việc này sẽ giữ cánh gãy nằm cố định sát thân. Xé đầu to của tất và cột xung quanh đuôi để tránh xục xịch hoặc co lại về đầu. Cần khoảng ba tuần để cánh gãy lành hẳn. Dĩ nhiên, gà nên được nhốt trong lồng nhỏ, tương đối tối với thật nhiều rơm sạch. Nó cần được nghỉ ngơi cho đến khi vết gãy lành hẳn. Nếu gà bị xỉu (uncoupled), thì chẳng làm gì được. Xoa bóp chỗ vết đâm và dìu nó (nếu bước đi được) là tất cả những gì bạn có thể làm. Đừng giữ gà bị xỉu nặng làm gì, bởi chả mấy con phục hồi hoàn toàn để có thể sử dụng lại. Đa phần cựa hầu, trừ phi rất nặng, đều sẽ lành – nếu còn cơ hội – khi bạn về đến nhà. Cựa phổi thường khiến gà tử vong trước khi ra khỏi sới, cũng như cựa trúng tim. Thỉnh thoảng, gà sống sót khi cựa đâm sượt tim và trông có vẻ như phục hồi hoàn toàn; nhưng hậu quả sẽ lộ ra khi gà dụng sức. Đầu của nó sẽ tím tái và thở dốc. Nếu gà vừa bị đâm, hãy sơ cứu cho nó ngay tại trường, và khi nó có thể ăn, cho nó thức ăn mềm, mỗi lần không nhiều nhưng thường xuyên. Làm vậy trong nhiều ngày cho đến khi nó có thể tiêu hóa đồ hạt. Giữ ấm cho nó và tránh gió lùa. Chẳng thể làm gì nhiều với tổn thương mắt, ngoại trừ việc giữ cho mắt mở để nó không mưng mủ và chảy nước. Sulfa hiệu quả trong việc chống viêm. Dĩ nhiên, nếu mắt bị đâm trúng, tất cả những gì có thể làm là giữ nó mở và sạch sẽ. Nếu gà bị mù choáng (never blind), điều thường xảy ra khi một mắt bị đâm, thì việc gãi đầu chỗ ngay sau mồng và xoa bóp nhẹ nhàng có thể hữu ích. Khi lông đuôi và cánh bị gãy, thì tốt nhất nên nhổ luôn. Lông mới sẽ mọc ra trong vòng từ sáu đến tám tuần. Một gà chiến hay gà tơ nên đá thường xuyên thế nào trong một mùa sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào việc nó có thắng dễ dàng hay bị tang nặng đến đâu. Tôi từng chứng kiến gà chiến hay gà tơ đá ba đến bốn trận trong một ngày, nhưng tôi luôn tự hỏi về sự khôn ngoan của những ai làm như vậy.