Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Luật đá giải luân lưu và derby hiện đại (D. Henry Wortham)

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - gà' bắt đầu bởi vnreddevil, 17/4/13.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    LUẬT ĐÁ GIẢI LUÂN LƯU VÀ DERBY HIỆN ĐẠI
    D. Henry Wortham - MODERN TOURNAMENT AND DERBY RULES (The Gamecock, 1961)

    [​IMG]


    PHẦN 1

    1.-- Khi cáp trống hay trống tơ trong đá đối đầu (main) hay đá cáp (hack), tất cả trống đồng chạng hay sai lệch trong vòng 2 ounce [56.7g] đều khớp. Trống và trống tơ chạng 6-5 [2.86 kg] trở lên được coi là quá chạng (shake) và cáp theo thỏa thuận (catch weight).

    a. Trong một giải luân lưu (tournament) hay derby, khi được đem cân, trống không được nặng hơn một ounce [28g] hay nhẹ hơn ba ounce [85g] so với chạng quy định (stipulated weight). Nếu một trống được đem cân không đạt yêu cầu này, trọng tài sẽ yêu cầu nài (pitter) mang gà phù hợp đến. Trọng tài sẽ đợi trong một khoảng thời gian hợp lý nhưng không quá 20 phút, và nếu đội (entry) không thể kiếm được gà với trọng lượng phù hợp thì ông có trách nhiệm đến kê phòng vi phạm và nếu cần thiết, cân từng con đủ khả năng đá để xem có trống nào đạt không. Nếu đội không thể hoặc từ chối mang trống phù hợp ra sới, thì trọng tài không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuyên bố đội vi phạm thua trận. Tuy nhiên, những đội khác ngoài đội cáp với đội vi phạm và quản trường (management) sẽ góp trống chạng này; mỗi con được hiển thị chỉ bởi mã vòng và mã đội trên một mảnh giấy gấp. Đội không vi phạm trong trường hợp này sẽ bốc thăm từ một thùng theo hướng dẫn của trọng tài và để xác định mình sẽ đụng gà nào. Không bao giờ có chuyện, ai đó được tặng một trận mà không phải đá để giành chiến thắng.

    (Một gợi ý, không phải luật) Câu lạc bộ được yêu cầu, với sự đồng thuận của tất cả các đội liên quan, ban hành một luật riêng (house rule) áp đặt một khoản tiền phạt nhất định trong trường hợp lắp cựa quá thời gian quy định. Khoản phạt này sẽ được thu ngay lập tức và bổ sung vào quỹ trường (purse).

    b. Khi cáp giải derby, không đội nào bị buộc phải chấp hơn ba ounce trừ phi được chấp nhận bởi đội hay chủ gà liên quan và tất cả các đội. Nếu không thể cáp trong giới hạn này [ba ounce], dẫu vẫn trong tầm chạng đỉnh và đáy công bố, đội sẽ được bỏ giải nếu lệch chạng (weight differential) bị từ chối. Tiền phạt hay phí tham dự được hoàn trả. Các chạng đỉnh và đáy công bố trong một giải derby được coi là chạng kiểm tra (check weight) chừng nào mà việc cáp đá còn được quan tâm. Ở các giải derby kéo dài quá một ngày, điều luật này phải được diễn giải khác đi. Một khi đội bắt đầu đá hết một ngày trong một giải nhiều-ngày, ông buộc phải tiếp tục cho đến hết giải dù không thể cáp gà mình như đã nói. Người cáp (matchmaker) có trách nhiệm cáp những trống vốn không đạt lệch chạng 3-ounce với chạng gần nhất có thể.

    2.--Ở các giải luân lưu hay derby, trọng tài hay các trọng tài phải được tuyển chọn bởi quản trường (pit management). Ông hay họ được chấp nhận với sự đồng thuận của tất cả các đội dựa vào chữ ký trên Hợp đồng hay bằng việc chi trả phí tham dự (entry fee). Sau khi các đội đã chấp nhận trọng tài và xác nhận bằng việc chi trả phí tham dự hay chữ ký trên hợp đồng, bất kỳ quyết định nào của trọng tài sẽ có hiệu lực. Không đội nào được phép bất tuân theo các điều khoản (provision) ở đây và tất cả những quy định (ruling) khác.

    a. Ở các cuộc đối đầu, trọng tài phải được lựa chọn hay đồng ý bởi nhà tổ chức (principals).

    b. Quyết định của trọng tài là sau cùng và không thể phủ nhận liên quan đến mọi vi phạm về luật hay hành vi của các nài khi đá dưới các luật này.

    3.--Trừ phi quy định giải chỉ định khác đi, bất kỳ độ dài cựa nào vốn tròn từ đế đến mũi đều hợp lệ (fair).

    a. Ở những địa phương nơi tục lệ giới hạn độ dài cựa còn 1¼“ hay 1½“, điều hành viên (pit operator) hay người đề xướng (promoter) phải có trách nhiệm đăng ở nơi dễ thấy định nghĩa chính xác về cựa hợp lệ ở riêng trường ấy. Trọng tài cũng phải có trách nhiệm coi xem tất cả đội và người tham dự có tuân thủ bất kỳ và toàn bộ quy định đá trường theo những gì cấu thành một cựa 1¼“ hay 1½“ hợp lệ, trước khi bất kỳ trận nào được đá.

    4.--Lông. Các trống phải tham dự với bộ lông đầy đủ vốn được định nghĩa như sau: đuôi, cánh, mã, và các lông xung quanh đít (vent) có thể được cắt tỉa (trimmed). Trọng tài không được gắn mã vòng bất kỳ trống nào không tuân thủ các điều khoản ở đoạn này. Việc cạo và tỉa lông đầu và lông bờm là không được phép. Trong trường hợp cực kỳ khẩn cấp, nếu một trống vượt quá chạng chỉ định khi được đem cân, lông ở dưới thân có thể được làm mỏng theo cách thức mà, tùy quan điểm của trọng tài, lối đá (fighting ability) của trống không bị ảnh hưởng.

    5.--Ở các giải luân lưu và derby, các đội, khi vừa đến câu lạc bộ, đều [được đặt] dưới sự phân xử của quản trường.

    6.--Tất cả trống ở các giải luân lưu và derby đều được gắn mã vòng bởi trọng tài hay người đại diện của ông trước khi quy trình cáp được bắt đầu. Không ai ngoài trọng tài hay đại diện được chỉ định của ông được phép tiếp cận các mã vòng được sử dụng trên các thí sinh [chiến kê] tương ứng.

    a. Sau khi một trận được mở màn, bất kỳ đội nào bị phát hiện mượn, hay sử dụng hay cố gắng sử dụng bất kỳ trống nào vốn không có mã vòng hay mã vòng không phù hợp đều bị xử thua trận đó và mất hết quyền lợi ở tất cả các quỹ. Hình phạt tương tự cũng được áp dụng cho tất cả những bên [đội] kết nối với sự gian lận (fraud) hay nỗ lực gian lận này. Về trận đấu tức thời (immediate fight) trong sự cố này, quy trình đã mô tả ở phân đoạn “a” của điều luật 1.-- được áp dụng. Bên vô tội phải đá trống để giành thắng lợi.

    b. Bất kỳ trống nào đã được gắn mã vòng và đá thì không thể đá lại trong cùng một cuộc đối đầu, giải derby hay luân lưu trừ phi nó được gắn lại mã vòng bởi trọng tài trước khi rời khỏi sới (không phải trường đấu) khi vừa hoàn tất trận trước.

    PHẦN 2

    Luật đá trường

    1.--Trước khi nài vào sới, trọng tài sẽ cân trống của ông, kiểm tra mã vòng, rà soát cựa một cách cẩn thận và xem gà có hợp lệ về mọi mặt theo các luật ở đây hay không. Nài cũng được phép kiểm tra chạng và cựa [đối phương] để bảo vệ quyền lợi của mình.

    2.--Cắn mổ (billing). Sau khi các trống được tuyên bố hợp lệ, trọng tài sẽ yêu cầu các nài cho trống cắn mổ vài lần, nhằm giúp chúng sẵn sàng rồi thả (pit) theo hiệu lệnh của ông. Nếu trong quá trình cắn mổ mà một con bị tàn tật (disable) theo cách thức bất kỳ, điều đó được xem là sơ xuất của nài và trống vẫn phải đá. Cắn mổ được coi là một phần của trận đấu.

    3.--Thả từ mức 8-foot. Các mức (score lines) được vẽ cách nhau tám-foot [2.44 m] và các trống phải luôn được đặt trực tiếp lên mức--chúng phải được đặt đều hai chân ở chính giữa của mức tương ứng, mặt hướng vào nhau, không ngó ngang (sideway), và buông liền sau lệnh thả. Việc thả (pitting) trước hay sau mức, dắt (walking) hay chạy (running) trống đến mức là không được phép.

    4.--Thả ngay mức giữa [center score, vào chữ công] (như được gọi theo các điều khoản Đếm và Tính Giờ) luôn được thực hiện bằng một tay. Khi nghe lệnh chuẩn bị từ trọng tài, các nài ngay lập tức phải rút một tay về và để cách xa trống--họ không được phép chạm vào trống theo bất kỳ cách nào ngoại trừ tay đang giữ trống sau lệnh “chuẩn bị” (get ready). Các nài phải trong tư thế chuẩn (standard position) khi thả trống, không quỳ, để ngay lập tức lùi ra sau gà sáu feet [1.83 m].
    a. Vị trí của tay trống. Sau khi nghe “chuẩn bị”, bàn tay trống (free hand) phải rút về đặt giữa hông của nài và không được cử động dưới mọi hình thức, hành động mà theo quan điểm của trọng tài sẽ làm xao lãng gà đối phương.
    b. Các mức giữa được vẽ cách nhau 22 inch [56 cm]. Theo lệnh thả (pit), các nài phải cúi xuống, ở độ cao quỳ gối, cùng với trống của mình để hai chân hạ thẳng và đều trên mức và cả hai con phải đối mặt nhau. Trọng tài sẽ là người phán xét trước bất kỳ tư thế phi chính thống (unorthodox positions) nào gây ra bởi tình trạng thể chất của gà.
    c. Bàn tay giữ trống phải luồn bên dưới, xòe ra và nằm giữa hai chân nó.

    5.--Vị trí của nài. Nài và gà phải luôn trong tầm quan sát toàn diện của trọng tài và khán giả. Khi nghe lệnh chuẩn bị, cả hai nài phải tiến về mức, mặt đối mặt. Sau khi thả, dù tại mức 8-foot hay mức giữa, nài phải lùi sau trống của mình 6 feet, rồi phải luôn ở cách mỗi trống ít nhất 6 feet cho đến khi trọng tài ra lệnh bắt gà (handle).

    6.--Bắt gà. Sau khi các trống được thả và đá, trọng tài chỉ ra lệnh bắt khi rõ ràng một hay hai con bị dính cựa (hung). Trọng tài có toàn quyền khi nào ra lệnh bắt gà--khi lệnh này được đưa ra, các trống phải được bắt ngay lập tức cho dù chúng có dấu hiệu bị dính cựa hay không.
    a. Vào mọi thời điểm trong trận đấu, không ai, dù nài hay trọng tài, được chạm vào gà, đến khi có lệnh bắt gà, các nài phải làm theo ngay lập tức.
    b. Lệnh bắt gà được đưa ra khi một trống bị dính cựa vào đối phương, vách sới, chính nó, hay trong trường hợp có sai sót.
    c. Vào bất kỳ thời điểm nào, nếu trọng tài nghi ngờ các trống bị dính cựa theo bất kỳ cách nào thì ông phải ra lệnh bắt gà.
    d. Nài phải tự gỡ cựa ra khỏi gà mình. Ông sẽ nắm dưới gối gà kia và không nhấc [nó] lên khỏi mặt đất để gỡ cựa.
    e. Nài không được phép chạm vào gà đối phương ở bất kỳ thời điểm nào, ngoại trừ sau lệnh bắt để bảo vệ bản thân hay gà mình và điều này phải được thực hiện với bàn mở [các ngón xòe]. Bóp hay hành động thô bạo một cách không cần thiết là một lỗi.

    7.--Nghỉ. Thời gian nghỉ giữa các lượt thả (pitting), sau khi bắt là 20 giây. Khi hết thời gian, trọng tài sẽ hô chuẩn bị, tiếp theo bằng lệnh thả, mà nó được phát ra không đầy 5 giây sau khi hô chuẩn bị.

    8.--Gọi đếm. Một trống nắm quyền đếm khi nó đá chân sau cùng, hoặc khi đối phương bỏ chạy. Đếm (Count) chỉ được thực hiện khi nài bên phía gà nắm quyền gọi. Nài gọi Đếm khi đang nắm quyền, phải gọi nó trong vòng năm giây, bằng không ông mất quyền đếm và Thời Gian được tính nếu cả hai trống đều không chịu đá. Trọng tài quyết định đếm có được yêu cầu trong thời gian năm giây hay không. Gọi đếm luôn là trách nhiệm của nài một khi nắm quyền nhưng điều đó không bắt buộc nếu ông không muốn. Trong trường hợp bỏ chạy, Đếm có thể được gọi vào bất kỳ lúc nào.

    9.--Đếm. Đếm là ba lần Mười và một lần Hai Mươi (được thiết lập bởi tục lệ lâu đời và yêu cầu của các luật ở đây), với hai mươi giây nghỉ giữa mỗi lượt thả. Việc đếm luôn được thực hiện bởi trọng tài, chứ không phải nài, với mục tiêu của mỗi lần Mười là kéo dài trong mười giây và lần Hai Mươi trong hai mươi giây. Sau khi đếm ba lần Mười, trọng tài lại đếm lần Hai Mươi rồi tuyên bố trống đang nắm Đếm thắng trận. Với lần Hai Mươi, các trống được thả ở mức giữa. Nếu trống đang nắm Đếm dính chân (hang), trọng tài sẽ gọi bắt gà, rồi hô chuẩn bị và thả. Một khi các trống vào mức giữa, dù Thời Gian hay Đếm, chúng lưu lại đó cho đến kết thúc trận. Nếu các trống được bắt lên vì bất kỳ lý do gì, trừ trường hợp Thời Gian, chúng sẽ được thả lại trên cùng mức cũ như hồi mới thả.

    Nếu được bắt, Đếm sẽ tiếp tục từ nơi mà nó bị bỏ ngang khi bắt lên. Nếu bị dính nữa, chúng phải được bắt và thả lại theo cách thức tương tự. Toàn bộ ba lần Mười hay một lần tính Thời Gian phải hoàn tất trước khi các trống được thả ở mức giữa. Tuy nhiên, nếu chúng trước đó đã được thả ở mức giữa, thì chúng phải được thả [ở đó] vào cuối mỗi lần đếm Mười.

    10.--Hủy đếm. Khi trống đang bị đếm đá lại, hay trống đang nắm quyền đếm bỏ chạy, thì trọng tài sẽ hô, hủy đếm (count broken), và khi đếm lại, nó bắt đầu lại bằng lần đếm Mười đầu tiên. Trống hủy đếm bằng cách đá lại được giành quyền Đếm cho mình, nếu gà đối phương không đá. Nếu trống đang nắm Đếm chết, gà đối phương sẽ thắng nếu nó không bỏ chạy--nhưng nếu nó bỏ chạy (bởi không thể xác định chịu cự [gameness] của gà chết) mà gà chạy lại không thể thắng, nên không đội nào được tính điểm trong trận này, dẫu đây là một trận hòa về lý thuyết. Nếu một trống đang nắm quyền bỏ chạy, thì trống kia sẽ nắm Đếm nếu nó không bỏ chạy--nhưng nếu nó bỏ chạy (cả hai đều chạy) thì bắt đầu tính Thời Gian. Nếu hai trống đều chạy mà không con nào nắm quyền đếm thì hai đội đều thua. Nếu hai trống đều chết hay đang hấp hối và rõ ràng không thể hủy đếm, thì trận đấu là hòa và mỗi đội được tính nửa điểm. Một con gà chạy không thể thắng trong mọi trường hợp. Gà chết chỉ được tính hòa như đã nói. Trọng tài tiếp tục thực hiện hết số lần đếm trước khi công bố quyết định sau cùng.

    11.--Thời Gian. Khi cả hai trống ngừng đá, hay bỏ chạy, và không con nào nắm quyền đếm, trong vòng 5 giây trọng tài sẽ tự động tính Thời Gian 20 giây, ba lần. Khi tính Thời Gian, trọng tài hô Thời Gian Bắt Đầu (Time is Going On), và khi hết 20 giây hô Bắt gà. Khi thả lại, các trống được thả đâu mỏ (beak to beak) ở mức trong, và cứ vậy cho đến khi ba lần 20 giây được tính kể từ lúc bắt đầu Thời Gian, và trận đấu sẽ được tính hòa. Xét về tổng thể, bất cứ khi nào Thời Gian được tính, mỗi Thời Gian là 20 giây với 20 giây nghỉ giữa các lượt thả. Nếu không con nào đá, trừ phi cả hai đều bỏ chạy, thì trận đấu tính hòa. Khi hai trống đều chạy thì hai đội đều thua.

    12.--Gà chết. Gà chết là con mà theo quan điểm của trọng tài là chết thực sự và không phải đang hấp hối; nó thua gà sống nếu con kia không chạy. Trọng tài tiếp tục đếm và tính thời gian trước khi công bố một quyết định hay kiểm tra gà. Nếu cả hai trống đều chết, trận đấu được tính hòa, mỗi đội được tính nửa điểm.

    13.--Thử và Chịu Cự. Nghi vấn về Chịu Cự (Gameness) của một trống vốn đang là gà chạy (runner) luôn tùy vào vào suy xét của trọng tài, chứ không phải các nài. Một trống khỏe mạnh luôn được đưa vào sới để thử (test) chịu cự của trống khác, trừ phi trống đối phương, theo quan điểm của trọng tài, về mặt thể chất không thể đá nữa.

    14.--Bỏ sới. Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu một trống bỏ sới giữa chừng trận đấu [leaves the pit, chưa bị coi là bỏ chạy], nó sẽ tự động mất một hay nhiều đếm mà mình đang nắm. Trọng tài sẽ ngay lập tức ra lệnh bắt gà và tính Thời Gian. Trống còn lại trong sới nhận đếm chỉ bằng cách chịu đá vào lệnh thả kế tiếp của trọng tài. Tuy nhiên, nếu theo quan điểm của trọng tài, trống bỏ sới đang chạy, trống ở lại (nếu không bỏ chạy hoặc chết) sẽ tự động nhận đếm, nếu muốn. Nếu trống bỏ sới không hiện diện ở cuối giai đoạn nghỉ 20 giây để theo lệnh thả, trống còn lại trong sới sẽ tự động nhận đếm (nếu không bỏ chạy hoặc chết). Trong những trường hợp như vậy, trọng tài sẽ tiếp tục qua tất cả giai đoạn đếm và nghỉ, trước khi ra quyết định sau cùng. Nếu trống được mang về vào bất kỳ thời điểm nào thì nó sẽ được thả vào lúc bắt đầu của lượt thả kế tiếp. Nếu trống không được mang về trước khi bắt đầu lần đếm-20 thì nó sẽ bị tính thua nếu con trong sới không bị chết hoặc bỏ chạy.
    a. Nếu trống ở lại trong sới cũng bỏ chạy, Thời Gian được tính. Trống bỏ sới có thể trở lại và được thả vào lúc bắt đầu của Thời Gian kế tiếp và nếu nó chịu đá thì nắm đếm. Tuy nhiên, nếu hai trống không xuất hiện khi lệnh thả được phát ra cho Thời Gian thứ ba và cuối cùng, hay trống trong sới vẫn chạy, trận đấu được tính hòa và các luật áp dụng cho hai gà chạy có hiệu lực.

    15.--Đá. Đá (fighting) là nạp (striking), rượt (chasing), cắn hay mổ (pecking) vào gà khác theo quan điểm của trọng tài. Khi các trống bất động và một hay cả hai cản trở (holding) hay rõ ràng cản trở và không nài nào gọi hay nắm quyền đếm, thì trọng tài sẽ tính Thời Gian.
    a. Trong đá giải luân lưu và derby, một trống được coi như đã cáp (matched) khi trọng tài cắt mã vòng của nó hay nếu chưa được gắn mã vòng, khi trọng tài hoàn tất việc cân và kiểm tra cựa và tuyên bố trống hợp lệ để thi đấu. Đội không được phép thay thế [bằng con khác] nếu nó không xuất hiện. Trong đá cáp, các trống sẽ được coi như đã cáp sau khi trọng tài hô “chuẩn bị” lần đầu. Trong một trận đá cáp, trống không chịu cắn mổ sơ bộ thì trận đấu được tuyên bố “hủy” (no contest).
    b. Các luật này phát biểu rõ ràng đâu là thả gà công bằng và đâu là không, và quy định xử phạt (penalties). Trong một trận đá cáp, khi bằng chứng gian lận (fraud) hay thông đồng (collusion) giữa các bên thi đấu được phát hiện, trận đấu sẽ ngay lập tức bị dừng bởi trọng tài và tuyên bố hòa.

    PHẦN 3

    Xử phạt

    1.--Theo các luật ở đây, trọng tài là quan tòa và bồi thẩm (judge and jury) duy nhất và có toàn quyền xử phạt bất kỳ hành vi phạm luật nào. Ngoài những điều đã được lưu ý, việc xử phạt theo suy xét của trọng tài có thể là, phạt đếm, thưởng đếm cho trống đối phương, đuổi nài, hay loại một đội khỏi giải. Nếu một đội bị loại, quản trường sẽ hết sức cố gắng hợp tác với những đội từng đụng hay chưa đụng đội vi phạm, để tìm kiếm những trống cần thiết ở các chạng phù hợp nhằm hoàn tất giải. Đội vi phạm không được gì cả. Nếu không thể tìm ra các trống đạt chạng trong một giải luân lưu, những đội còn lại sẽ nhận ½ điểm khi được cáp với đội bị loại, tất cả những trận trước đó vẫn giữ nguyên kết quả. Trường hợp giải derby, nếu không có trống để hoàn tất danh sách cáp (match list), trọng tài buộc phải tạm ngừng giải và tái cáp những đội còn lại.

    Sau đây là những hành động sai trái, gian lận (unfair), hay không được phép:

    *Sử dụng cựa gian lận.
    *Cắt tỉa gian lận.
    *Mượn, mua hay mướn trống sau khi trận đã được cáp.
    *Sử dụng trống không được gắn mã vòng phù hợp.
    *Bắt gà trước khi có lệnh của trọng tài.
    *Không thả gà ngay khi có lệnh của trọng tài.
    *Thả gà trước khi có lệnh.
    *Không giữ luật 6-foot và lởn vởn (hovering) gần các trống.
    *Không thả gà với một tay bợ ngực.
    *Túc (clucking), thổi (blowing), vẫy khăn tay hay bất kỳ hành động nào vốn có thể thu hút sự chú ý của trống.
    *Thay đổi hay thay thế cựa, gỡ bỏ một cựa hay cựa hư, cắt bỏ một cánh gãy trong khi đang thi đấu.
    *Sự trợ giúp của bất kỳ ai trong sới là không hợp lệ.
    *Việc sử dụng chén nước riêng bị cấm và trường đấu sẽ cung cấp nước sạch để hai nài sử dụng.
    *Không nài nào được phép thả cho nhiều hơn một đội, tuy nhiên một đội có thể thay nài giữa các trận nếu muốn. Trường hợp nài bị thương, luật này có thể được châm chế.
    *Không trống nào được phép bỏ đá và trận đấu bị hủy trong một giải luân lưu hay derby bởi tất cả các đội đều ràng buộc. Trong tất cả các trận được cáp, trống phải được đá đến kết cục (a finish) và với riêng trọng tài có quyền quyết định kết quả trận đấu. Các đội không thể thỏa thuận (agree) kết quả hòa.
    *Thời gian lắp cựa cho phép sau khi một trận được gọi sẽ được thông báo cho tất cả các đội trước khi bắt đầu giải. Điều khoản này sẽ được trọng tài áp đặt một cách nghiêm khắc và xử phạt thích hợp.
    *Thả gà theo cách thức khác với được chỉ định bởi luật, chẳng hạn như đẩy (shoving), ghìm (holding), giật (jerking) ngược, dán bất kỳ vật gì lên mắt gà, đè đầu gà dưới gà đối phương, giữ đầu gà chúc xuống (để nó ngủ), ghìm trống chậm hơn đối phương.

    2.--Trọng tài đặc biệt áp dụng quy trình sau đây nếu vi phạm xảy ra trong lúc thả, khi đang đếm:
    a. Nếu nài bên nắm quyền đếm, phạm quy vì bất kỳ lý do gì, trọng tài yêu cầu bắt gà và bên đó tự động mất quyền đếm.
    b. Nếu nài bên bị đếm, phạm quy vì bất kỳ lý do gì, trọng tài yêu cầu bắt gà và bên đó bị phạt đếm tiếp.

    3.--Sới không bị vi phạm dưới bất kỳ hình thức nào trong khi thi đấu. Điều này có nghĩa rằng, không ai ngoại trừ hai nài và trọng tài được phép bên trong sới sau khi các trống được cho cắn mổ, và không ai có thể vào ngoại trừ trường hợp chấn thương khi nài thay thế có thể làm thay công việc của nài bị thương. Cặp trống tiếp theo không được đem vào sới để cân cho đến khi cặp đang đá hòan tất trận đấu của mình hay được dời qua sới phụ [drag pit, dành cho các trận dằng dai]. Không nài nào của các trống tiếp theo được phép ngồi lên hay gần mép sới (pitside) khi mà hoạt động của gà họ có thể bằng cách nào đó làm xao nhãng cặp đang đá.

    4.--Bất kỳ hành động nào của nài vốn có thể ngăn cản một trống chiến thắng hay thi đấu đều bị gọi là lỗi (foul) và xử phạt bởi trọng tài.

    [​IMG]

    CÁP (MATCHING)

    Được nhiều người coi là một bí ẩn, quy trình chuẩn bị danh sách cáp (match list) thực sự cho một giải luân lưu (tournament) hay derby là tương đối đơn giản. Điều cần thiết là người cáp (matchmaker) phải luôn ghi nhớ rằng bằng quy trình số học, trong trường hợp giải luân lưu, mỗi đội phải gặp nhau một lần. Ở giải Derby, chỉ cần toàn bộ số trống tham dự được cáp và không có bắt buộc gì về phần người cáp ngoài việc cáp những trống ở chạng gần nhất có thể và tránh “độ kép” [double meets, hai đội đụng nhau hai lần] nếu có thể.

    Như là một hướng dẫn cho những ai không quen với việc quản lý một giải luân lưu hay derby, hai thể loại cáp đá sẽ được thảo luận riêng rẽ.

    GIẢI LUÂN LƯU

    Giải chọi gà luân lưu (tournament) mà chúng ta biết ngày nay là thể thức được thừa hưởng từ ông Sol P. McCall quá cố ở Louisiana, thường được gọi là “Người Cha của Giải Luân Lưu”. Vào năm 1908, ông giới thiệu với công chúng một cách thức cáp gà “mới” mà nó ngay lập tức được các sư kê trên cả nước chấp nhận và cho đến tận những năm gần đây, các sự kiện lớn thường được đá theo thể thức thi đấu này. Ý tưởng “mới” của ông đơn giản rằng số lượng đội (entrant) đã định mang theo số lượng trống đã định ở những chạng định trước theo cách để mà mỗi đội đều đụng nhau [tức luân lưu hay vòng tròn một lượt].

    Bởi vì bản chất của giải luân lưu, chạng (weight) và số đội (entry) được định sẵn để những ai mong muốn tham gia có thể biết mình cần bao nhiêu gà. Nó cũng khôn khéo yêu cầu một khoản tiền phạt (forfeit) đáng kể để đảm bảo sự hiện diện của toàn thể các đội. Việc bỏ trận của một đội trong khi đá giải luân lưu sẽ làm xáo trộn danh sách cáp (match list) định trước và đa số các trường đấu hiện nay yêu cầu tất cả các đội ký vào một ký hợp đồng, trong đó họ cam kết đá hết các trận cho đến khi kết thúc, bất chấp vị trí của họ trên thẻ điểm (score card).

    Hợp đồng của Orlando (Florida) Game Club được nhiều người coi là mẫu đơn giản. Nó trước hết tuyên bố “luật riêng” (house rules) vốn chi phối giải luân lưu của mình, chạng, tiền phạt, tiền thưởng và những thông tin thích hợp khác. Rồi nó yêu cầu mỗi đội ký vào một hợp đồng ngắn như sau:

    “Tôi đứng tên dưới đây đồng ý tham gia vào giải Orlando Tournament được tổ chức tại Orlando Game Club, ở Orlando, Florida, tháng một................ và theo đó đồng ý tuân thủ luật trường. Tôi đồng ý đá tất cả các trận được lên lịch trong giải luân lưu và công nhận rằng đội của tôi được đặt dưới quyền phán xử của luật Câu lạc bộ (Club rules) từ thời điểm nó đến địa bàn.

    “Tôi đóng $200 như là tiền đảm bảo (guarantee) mà nó sẽ được áp dụng vào phí tham dự (entrance fee), và tôi đồng ý thanh toán đầy đủ vào hay trước................

    “Tiền được đóng cho.......

    Ngày ....................... Ký tên ........................”

    Thực tế chứng tỏ rằng việc gắn mã vòng (banding) tất cả chiến kê tham dự giải luân lưu là một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa việc đổi hay “tráo gà”. Mã vòng phải được gắn bởi trọng tài hoặc trợ lý được chỉ định trước giải của ông với chuỗi số khác nhau được gán cho mỗi gà. Trọng tài sẽ giữ một bản ghi những số này và kiểm tra chúng khi gà được mang vào sới (pit). Nên luyện tính cẩn trọng rằng các vòng có được gắn gọn gàng và chắc chắn hay không và lối thực hành tốt là gắn mỗi chân một vòng.

    Trong những năm gần đây, điều trở thành lệ là gắn vòng cho mọi trống trong kê phòng (cockhouse) của bất kỳ đội nào và cho phép ông sử dụng bất kỳ con nào trong số này, miễn chúng đạt yêu cầu về chạng như đã phát biểu trong luật. Có ít khả năng phạm luật hơn so với khi đội bị buộc phải sử dụng đúng một số lượng gà được nêu trong hợp đồng.

    Điều tối quan trọng đó là danh sách cáp phải được lập một cách chính xác. Các biểu đồ dưới đây vốn chính xác và như đã in, chỉ định cách mà các đội sẽ đụng ở mỗi hàng chạng. Khi cáp đá là vấn đề số học, việc gọi (call) chạng đầu tiên sẽ chỉ định “chìa khóa” của danh sách và nó không thay đổi trong bất kỳ trường hợp nào sau cuộc gọi gốc. Tuy nhiên, không nhất thiết rằng “hàng” được áp dụng như đã in--mà trọng tài có thể sử dụng bất kỳ “hàng” nào mà ông muốn cho bất kỳ chạng đặc biệt nào. Tất cả những việc này phải được xác định trước khi khởi đấu và trọng tài chỉ làm việc với “con số” chứ không phải là “tên” khi lập danh sách cáp của mình. Các đội tự định danh theo mã số bằng cách bốc chúng từ nón hay hộp, mẩu giấy hay phong thư chứa một con số, tùy vào số lượng đội.

    MƯỜI ĐỘI
    5-9, 4-8, 3-10, 2-6, 1-7
    3-6, 4-10, 7-8, 1-9, 2-5
    2-7, 4-9, 5-8, 6-10, 1-3
    3-8, 6-7, 1-2, 9-10, 4-5
    3-9, 4-2, 7-10, 6-5, 1-8
    3-7, 4-6, 8-9, 1-5, 2-10
    2-3, 5-10, 6-8, 7-9, 1-4
    3-4, 5-7, 8-10, 1-6, 2-9
    1-10, 2-8, 3-5, 4-7, 6-9

    MƯỜI HAI ĐỘI
    11-12, 9-5, 4-8, 3-10, 2-6, 1-7
    2-8, 3-5, 4-7, 6-11, 9-12, 1-10
    2-5, 3-6, 4-10, 7-11, 8-12, 1-9
    2-7, 4-9, 5-8, 6-12, 10-11, 1-3
    9-10, 4-5, 12-3, 8-11, 6-7, 1-2
    6-5, 7-12, 10-2, 3-9, 4-11, 1-8
    9-6, 4-2, 3-8, 5-11, 7-10, 1-12
    2-12, 3-7, 8-10, 4-6, 9-11, 1-5
    2-3, 5-10, 6-8, 7-9, 4-12, 1-11
    2-11, 5-7, 8-9, 3-4, 10-12, 1-6
    2-9, 3-11, 5-12, 6-10, 7-8, 1-4

    MƯỜI BỐN ĐỘI
    2-6, 3-10, 4-8, 9-5, 11-14, 12-13, 1-7
    2-8, 3-5, 7-13, 4-14, 6-11, 9-12, 1-10
    2-13, 5-14, 3-6, 4-10, 7-11, 8-12, 1-9
    3-13, 2-7, 4-9, 5-8, 6-12, 10-11, 1-14
    10-13, 1-2, 4-5, 12-3, 8-11, 6-7, 9-14
    5-13, 1-8, 7-12, 10-2, 3-9, 4-11, 6-14
    2-5, 3-7, 6-10, 8-9, 13-11, 14-12, 1-4
    6-9, 2-14, 4-13, 3-8, 5-11, 7-10, 1-12
    3-14, 2-12, 5-7, 8-10, 4-6, 9-11, 1-13
    7-14, 1-11, 2-3, 5-10, 6-8, 4-12, 9-13
    1-6, 2-11, 5-12, 8-7, 3-4, 10-9, 13-14
    2-4, 5-6, 7-9, 8-13, 11-12, 14-10, 1-3
    2-9, 3-11, 4-7, 6-13, 8-14, 10-12, 1-5

    MƯỜI SÁU ĐỘI
    1-3, 2-4, 6-8, 9-11, 10-12, 13-15, 14-16, 5-7
    2-3, 5-8, 6-7, 9-12, 10-11, 13-16, 14-15, 1-4
    1-2, 4-6, 7-9, 8-10, 11-12, 13-14, 15-16, 3-5
    2-6, 3-4, 14-10, 8-9, 13-11, 7-12, 5-15, 1-16
    1-8, 3-14, 4-13, 5-12, 6-11, 7-10, 9-15, 2-16
    2-15, 3-16, 4-7, 6-12, 8-14, 10-13, 5-11, 1-9
    1-5, 3-11, 6-9, 7-13, 8-12, 10-16, 4-15, 2-14
    2-13, 3-6, 4-5, 8-16, 9-14, 10-15, 7-11, 1-12
    1-6, 3-15, 4-16, 5-10, 7-8, 9-13, 11-14, 2-12
    2-11, 3-13, 4-8, 5-6, 12-16, 7-14, 10-9, 1-15
    1-13, 3-8, 4-11, 5-14, 6-10, 9-16, 12-15, 2-7
    15-8, 3-7, 4-12, 9-5, 11-16, 10-2, 13-6, 1-14
    2-9, 1-11, 5-16, 8-13, 6-14, 7-15, 12-3, 4-10
    2-8, 3-10, 4-9, 5-13, 6-16, 11-15, 12-14, 1-7
    2-5, 6-15, 7-16, 8-11, 12-13, 14-4, 9-3, 1-10

    GIẢI DERBY

    Giải derby như chúng ta thấy hiện nay, ngày càng trở nên phổ biến bởi nó hầu như không tạo nhiều sức ép buộc các tay biệt dưỡng phải “ốp” chiến kê của mình trong vòng bốn hay năm ngày và đưa chúng tới độ trong khi vẫn giữ ở hạng cân nhất định.

    Để hiểu rõ giải derby hơn, chúng ta hãy quay về thời điểm năm 1929, theo một bài viết trên tạp chí The Gamecock cách đây vài năm, Bob Dyer ở Frankfort, Kentucky, cố gắng tổ chức một giải luân lưu. Đó là vào mùa xuân và hầu hết sư kê đã đá hết những chiến kê xuất sắc nhất. Mặc dù nhiều người quan tâm, ông không thể lấp đầy giải luân lưu của mình. Viễn cảnh không có đủ chiến kê. Dyer tập hợp một số người để thảo luận. Trong số những người tham dự có E. A. Brophy ở Paris, Kentucky (người thắng giải derby đầu tiên này). Họ thảo luận về tình thế nhưng nó dường như vô vọng. Điều duy nhất khả thi là đá cáp--nhưng rồi có người đề xuất:

    “Hãy mang đến năm hay sáu chiến kê và cáp chúng theo cân nặng. Người thắng nhiều trận nhất sẽ đoạt giải”. Có một khoảng lặng khi khả năng được cân nhắc, tiếp theo là thảo luận sôi nổi. Những đóng góp thực tế bồi đắp vào ý tưởng và họ đạt đến một thỏa thuận.

    “Chúng ta gọi nó là gì?” có người hỏi. Đấy là derby-time ở Kentucky [giải đua ngựa Kentucky Derby] và câu trả lời tự nhiên là “Hãy gọi nó là giải derby”. Không ai phản đối và vì vậy giải derby ra đời.

    Ông Tom Fowler quá cố ở Knoxville, Tennessee, đề xuất một hệ thống cáp derby đơn giản vốn được chấp nhận một cách rộng rãi. Khi giải derby trở nên phổ biến, các nhân viên phát hiện vài nhược điểm và những quy trình sau đây được bổ sung. Chúng thể hiện quan điểm và kinh nghiệm của nhiều trọng tài, kể cả tác giả của bộ luật ở đây, và được củng cố trong một bài viết của Bob Basham đăng trên tờ Gamecock.

    Giải derby là liều thuốc kích thích vốn đưa trò chọi gà đến tầm mức phổ biến hiện tại vào thế hệ của chúng ta. Tiền độ (odd) mà một người có thể nhận ở giải derby thường rất lớn! Thậm chí, ở một giải nhỏ (small brush) đá đủ đội thì tiền thưởng cũng rất hấp dẫn.

    Bởi trách nhiệm tài chính này, một trường gà, để điều hành thành công, phải thiết lập một thể thức gắn vòng (banding), cáp và đá gà.

    Khi phụ giúp Bob Luster quá cố trong việc cáp gà cho giải derby, ông ghi nhận “Các trọng tài và nhân viên, từ vài năm nay, dễ làm việc hơn bởi một thể thức đã được thiết lập trong việc cáp gà ở những sự kiện này”.

    Sau nhiều năm trời, qua hệ thống đôi khi hao tốn và thường mò mẫm lúng túng, một cách thức gắn vòng, cáp và đá ở giải derby được thiết lập vốn chính xác và công bằng cho tất cả các bên.

    Việc gắn vòng chiến kê thường bị các điều hành viên trường đấu (pit operator) xem nhẹ. Đây là công đoạn rất quan trọng khi điều hành một giải derby. Trọng tài phải được cung cấp vòng số (monogrammed band) và ông phải được hướng dẫn để gắn hai, vâng hai vòng cho mỗi trống, mỗi cái một chân và đảm bảo chúng phải được niêm phong chắc chắn. Quản trường (management) không được cung cấp cả đống vòng cho cá nhân vô trách nhiệm và để hắn gắn vòng chiến kê.

    Không vật dụng cần thiết nào mắc tiền… cân chính xác, vòng số, thẻ cân (weigh card), bảng cáp (match board) và thẻ báo (call sheet). Chỉ vài đô la cũng đủ mua vật dụng cho cả mùa. Quá nhiều điều hành viên tin rằng họ có thể vận hành giải với một điều kiện đơn giản là có “người giữ cửa”.

    Khi gà được gắn vòng, trọng tài phải hướng dẫn từng đội đến gặp quản trường và bốc thẻ cân (đựng trong phong bì) vốn có ghi mã derby của mình, đóng phí tham dự, lấy hay bỏ tùy chọn, và hoàn tất những vấn đề khác chẳng hạn như chỗ ngồi đặt trước.

    Mỗi địa phương đều có quy định riêng về số gà được gắn vòng. Thời gian cho tôi thấy rằng tất cả trống ngoài trường đều nên được gắn vòng và đánh số. Khi thẻ cân như mô tả dưới đây được sử dụng, thì chỉ những trống ở đây mới được phép đá, tức bốn hay sáu con theo quy định của giải derby.

    [​IMG]

    Lưu ý rằng mỗi chạng (weight) phải tương ứng với hai mã vòng, được ghi ngay bên cạnh chạng. Thẻ cân cũng được đục lỗ nên đội có thể xé rời và nộp lại phần chạng (weight side) để cáp.

    Vào cùng thời điểm khi phần chạng được nộp, phần mã vòng (band side) phải được bỏ vào một thùng có niêm phong, đặt trong tầm quan sát của mọi người. Đội phải ghi tên mình lên mặt sau của phần thẻ này. Thùng này không được phép mở hay dời khỏi vùng quan sát cho đến khi danh sách cáp (match list) được hoàn tất và công bố, nhưng không tiết lộ thông tin, trước mặt mọi người.

    Lý do của quy trình này là để tránh việc gọi đội lần thứ hai để nộp phần mã vòng của thẻ cân.

    Kết quả là, hệ thống này cho phép trọng tài hay người cáp (matchmaker) ghép máy móc (blind match), mã vòng với mã vòng, mà không cần lấp đầy bảng cáp bằng cả đống mã vòng.

    Sau khi, người cáp hoàn tất danh sách cáp thực sự và thông báo ở trường, thì “thùng niêm phong” được mở. Ông ráp các phần thẻ với nhau, và đặt thẻ cân hoàn chỉnh bên cạnh sổ báo (call book) và nhập mã vòng tương ứng vào chạng mà ông đã cáp.

    Bắt đầu từ trên đầu thẻ cân, ông nhập mã vòng đầu tiên tương ứng với chạng cáp đầu tiên, đọc xuống và cứ vậy cho đến khi tất cả mã vòng được nhập bên cạnh chạng tương ứng của chúng trong sổ báo. Điều này hạn chế việc “câu” mã vòng thấp và có thể buộc những chiến kê nhất định đụng độ qua lần gọi thứ nhất hoặc thứ nhì khi mà hai chiến kê hay nhiều hơn cùng tham gia vào một chạng bởi người cáp giờ đã biết gà nào là của ai. Nên nhớ, việc cáp đá đã được thực hiện và thông báo!

    Nếu bạn quan tâm một chút đến công đoạn đặc biệt này, nó có nghĩa rằng mỗi trống được cáp, đều đá mã vòng-với-mã vòng bởi người cáp chỉ ghép chúng một cách “máy móc” mà không hề biết ai đụng ai. Khi các trống được ghép hết theo mã vòng-với-mã vòng, thì có thể, qua việc tham khảo sổ mã vòng (master band book), xác định được đội là ai!

    Trên thực tế, nhóm cáp đá (team of matchmakers) cẩn trọng đơn giản bổ sung mã vòng vào chạng tương ứng để mà khi thẻ báo (call sheet) được trao cho đội, không có chuyện mang lộn gà ra cân. Về việc cáp gà thực tế, tôi thích dùng một tấm bìa nặng (vốn có thể mua ở bất kỳ tiệm in ấn nào với kích thước 22x28 inch [cỡ giấy Letter]). Cách làm của tôi là giới hạn thẻ này ở kích thước phù hợp ngay khi biết được số lượng đội (xem hình).

    Tính dọc theo chiều dài 28-inch, ở hàng trên cùng, liệt kê các chạng với sai biệt 1-ounce [~28 g]; cột ngoài cùng bên trái là mã đội. Tôi thích dùng số thật lớn tại mỗi mức pound [trên thực tế là 4, 5 và 6]; việc sử dụng bút chì xanh-đỏ là hữu ích bởi các đường pound [kết nối bên trong một mức pound] có thể được nhận dạng bằng một màu riêng và giúp hạn chế nhầm lẫn của người cáp, lỗi nhầm pound [chẳng hạn 4-14 với 5-14]. [Trọng lượng] chênh nửa ounce được đôn lên chạng trên, chênh một phần tư ounce được dời xuống chạng dưới.

    Sau khi những dấu hiệu đại diện cho chiến kê của mỗi đội được ghi lên bảng, dĩ nhiên mỗi dấu đều ở chạng tương ứng, bảng được tái kiểm tra và việc cáp bắt đầu. Người cáp phải nghiên cứu bảng xem các trận có thể [tiến hành] trong vòng ba ounce và để xem có chạng nào khó cáp ở lệch chạng nhỏ hoặc lớn. Giải derby đại loại là một dạng “bốc thăm may rủi” (number in the hat) xem ai đụng với ai và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích.

    Từ khi các mã số được điền vào vị trí trên bảng, người cáp không được tùy tiện loại bỏ may rủi (chance) này khỏi cuộc chơi bằng cách cố tình cáp đá đội này hay tránh đá đội khác nếu anh ta có cơ hội biết được danh tính của những đội nhất định. Đội không được tiết lộ mã số cũng như các chạng gà của mình trước khi cáp đá.

    Xem xét một giải derby giả định… nếu các đội một và hai đều có trống ở chạng 4-12, thì họ nên đụng nhau… chứ không phải đội một và mười. Người cáp phải bắt đầu từ đỉnh cột chạng của mình và nối những mã gần nhất có chạng tương tự với nhau. Không có “mẹo” lòn từ đầu xuống đáy của mã đội.

    [​IMG]

    Tôi muốn nhấn mạnh với các đội là họ phải biết rằng các trống được cáp [theo cách] ở đây hay bất cứ cách thức công bằng nào khác như ở cột đầu tiên--không được lấy đội một bỏ qua ba và năm để cáp với chín!

    Trong khi đang cáp, một phụ tá có thể điền vào “bảng kiểm tra” (check sheet) như ở dưới, để người cáp, vào mọi thời điểm, đều biết cặp nào đã cáp, còn cặp nào chưa. Với sự đề phòng của các nhân viên, bảng này nên bị hủy vào thời điểm danh sách cáp được hoàn tất. Nó là “bức tranh” tổng thể ai đụng với ai và có thể có giá trị mua bán trong tay kẻ xấu.

    [​IMG]

    Tôi đã không có mặt, nhưng tại một giải derby 20-mấy đội gần đây khi có cả đống chiến kê và chạng đá, hai đội gặp nhau đến hai lần. Đây là điều đáng trách và không thể bào chữa về phía các nhân viên!

    Sau khi sổ báo được công bố, trách nhiệm và nghĩa vụ của “người thực thi” (experditer) là gọi trận bởi người cáp đã hoàn tất công việc. Kinh nghiệm cho thấy rằng sẽ khôn ngoan khi sử dụng một thẻ báo (call sheet) thay vì thông báo miệng cho những đội thi sắp tới. Chúng ta thừa hưởng một bộ ba (triplicate) thẻ báo được minh họa ở dưới, từ một tay Arkansas hay đúng hơn là một sư kê, E.T.McLean người vận hành một nhà máy in ấn lớn. Mỗi đội giữ một bản và một bản được trao cho trọng tài, người đang gọi trận đấu trong diện quan tâm. Việc này loại bỏ nhu cầu kiểm tra sổ sách dông dài khi trống được đem cân bởi mọi thông tin đều trong tay của những người liên quan.

    [​IMG]

    Tại một trường tây-nam, để giữ cho các trận đấu trôi chảy và tránh xáo trộn ảnh hưởng đến việc cân những cặp trống sắp đá trong khi trận đấu đang diễn ra, tôi bố trí một phòng kín bên ngoài trường nơi trọng tài cân và kiểm tra cặp gà được gọi kế tiếp. Tuy nhiên, vòng chân không được cắt bỏ cho đến khi cả hai trống vào sới (main pit) và dĩ nhiên, chúng phải được đối chiếu với thẻ báo mà trọng tài giữ riêng cho đến khi ông tuyên bố cặp gà hợp lệ để đá. Cả hai đội thi đều có một bản sao nếu cần tái kiểm tra.

    Tại hầu hết trường đấu, có một luật riêng tuyên bố giải derby không phải là “bóng chày” (ball game) cho đến khi mỗi đội đá phân nửa số gà của mình. Điều này được đưa vào bởi vì có khả năng một trận phải bãi bỏ vì Ý Chúa, hay Con Người. Theo tiền đề này, có khả năng “loạt” đầu tiên được gọi theo thứ tự cho đến khi mỗi đội đều đá phân nửa số gà mang theo và chỉ sau đó mới bắt đầu xác định người chiến thắng bằng đấu loại (elimination). Nói cách khác, một giải derby bốn-gà phải có mỗi đội đều đá hai con, bất kể điểm số, trước khi gọi trận thứ ba cho mỗi đội. Việc này không phải luôn khả thi bởi có những lúc, khi tất cả những đội được lên danh sách không thể đụng nhau vì khác chạng. Trong trường hợp này, có lẽ cần thiết để một đội đá trống thứ hai của mình với một đội vốn đã đá đủ hai trận.

    Trọng tài phải phát hiện chạng, mã vòng sai hay bất kỳ vi phạm nào khác về Luật, ông nên triệu tập “Hội Đồng” (các đội khi họ đạt năm số lẻ đầu tiên [1-3-5-7-9, biểu quyết luôn có kết quả]) và nghe họ nói cách giải quyết vấn đề… sau cùng, đấy là tiền và trận đấu của họ. Quy trình này đặt việc xét xử (judging) và trừng phạt (penalties) vào tay của các đội và được chấp nhận rộng rãi như là cách mà các đội thi tự xử lý chính mình.

    Bảng cáp hoàn chỉnh được gấp và cất ở chỗ công cộng nơi mà mọi đội thi và người tham dự đều luôn nhìn thấy (nhưng vì được gập nên nội dung không lộ ra). Thẻ điểm (score card) phải khớp với bảng cáp này vốn được mở bởi trọng tài sau khi thi đấu--theo cách này có bằng chứng rằng những trống được đá như đã cáp.

    Ở một giải nhiều-ngày, danh sách cáp mỗi ngày phải được đăng công khai trước sự giám sát của tất cả người tham dự sau khi các trận đấu trong ngày kết thúc. Việc này đặt người gọi trận và người cáp vào cảnh báo không được mắc sai sót và với người cáp để cáp các trống khi chúng hợp chạng mà không dựa vào những đội nhất định để cáp hoặc không cáp.

    Nhiều sư kê đã đóng góp ý kiến và gợi ý của mình để làm nên quy trình cáp và đá giải derby này. Chúng ta phải cầu tiến và cân nhắc tất cả ý tưởng mới mẻ để không ngừng cải thiện mọi phương diện của trò đấu kê, bất kể ai hưởng lợi từ đó.

    Mong chiến kê luôn chiến thắng trong khả năng và đá đến cùng theo luật định!

    [​IMG]


    ==============================


    Ghi chú

    *Xem nguyên bản “Modern Tournament and Derby Rules” (The Gamecock, 1961) của D. Henry Wortham: https://1drv.ms/b/s!AiYCoHR6hcXkhS3Bv7G495Qf5ncd

    *D. Henry Wortham lần đầu đăng “Modern Tournament and Derby Rules” trên tờ The Gamecock vào năm 1946. Có một bản chỉnh sửa (revised) vào năm 1949 trong cuốn “The Art Of Cockfighting” của Arch Ruport (Muff) mà Wortham viết lời giới thiệu (Introduction). Bản ở đây được chỉnh sửa và xuất bản bởi The Gamecock vào năm 1961.

    *Theo Jesse Lloyd Walker (Feathers And Steel: A Folkloric Study Of Cockfighting In Northern Utah, 1986): “Luật Wortham, bản chỉnh sửa năm 1961, được sử dụng phổ biến nhất tại hầu hết các trường đấu ở Mỹ. Luật McCall từng phổ biến vài năm trước đây nhưng chúng lạc hậu hơn phiên bản Wortham. Luật McCall là bộ luật cũ vốn bắt nguồn từ Anh. Bởi truyền thống của các sư kê Mỹ thay đổi dưới ảnh hưởng của các thể loại Mexico và Filipino, luật McCall trở nên lạc hậu. Luật Wortham cũng được sử dụng một cách rộng rãi bởi tạo ra một chuẩn mực mà các sư kê có thể làm theo. Nhiều sư kê đá bên ngoài bang nhà nên một bộ luật chuẩn thiết lập một cảm giác liên tục trong bộ môn. Một bộ luật chuẩn cũng trợ giúp các trọng tài trong công việc của mình. Bằng việc nắm vững một bộ luật, họ sẽ làm việc hiệu quả hơn so với việc hoán đổi kiến thức giữa hai hay ba bộ luật. Wortham tự thân là một sư kê lừng danh và được tôn trọng đủ nhiều để bộ luật của ông được nhanh chóng chấp nhận. Không hề đi chệch hướng khỏi luật Anh, chỉ một số lọc lựa và định nghĩa để phù hợp hơn với thể loại đá của Mỹ”.

    *Theo Jim Harris (The Rules of Cockfighting; Cockfight, A Case Book, Alan Dunes, 1994): “Những bộ luật khác nhau chi phối các trận đấu xuyên suốt lịch sử chọi gà ở Mỹ, nhưng từ những năm 1950, luật của Henry Wortham ‘Modern Tournament and Derby Rules’ đã thống lãnh (Biên tập viên tạp chí The Gamecock, Faye Laverett, nói với tôi rằng những luật này thực sự là ý tưởng [brainstorm] của Dave Marburger, người để Henry Wortham, một sư kê và trọng tài nổi tiếng, ôn duyệt và chỉnh sửa trước khi chúng được xuất bản). Thông thường, luật riêng (house rules) được bổ sung, nhưng chúng không xung đột với luật Wortham vốn lên quan đến đá cựa tròn (gaff)”.
    “Dẫu vào các thế kỷ khác hay ở các nước khác, sới luôn hình tròn, sới gà ở Mỹ có thể tròn, vuông, bát giác (octagonal) hay bất kỳ hình dạng nào miễn rộng tối thiểu mười sáu feet”.
    “Trận đấu vẫn tiếp diễn chừng nào mà các trống vẫn còn đá. Thông thường sau hai mươi phút trận đấu được dời qua sới phụ (drag pit) vốn chỉ rộng có tám feet, nơi trận đấu được hoàn tất. Việc dời trận nhằm đảm bảo tiến độ (pace) của giải derby, và nó có thể dẫn đến kết quả với hai hay ba trận diễn ra vào cùng thời điểm”.
    “Một lần nữa, luật có thể thay đổi chỗ này chỗ nọ ở Mỹ. Từng có thời “Rules of the Cock Pit” của Sol P. McCall thường được sử dụng nhất, đặc biệt ở miền Nam. Và lúc này lúc nọ, có người đề nghị một bộ luật mới vốn chỉ hơi khác biệt với chúng. Nhưng có sự tương đồng đáng kể giữa hoạt động chọi gà vào thời điểm hiện tại và lịch sử xuyên suốt của bộ môn”.

    *Về cái tên Derby. Derby vốn là tên của một thể thức đua ngựa do Derby Stakes đề xuất ở Anh vào thế kỷ 18. Giải đua ngựa lớn nhất ở Mỹ theo thể thức này là Kentucky Derby. Trận cầu giữa các đội bóng đối địch cùng thành phố cũng được gọi là Derby nhưng mang ý nghĩa khác.

    *Theo thông tin ở đây, giải luân lưu (tournament) được đề xuất bởi Sol P. McCall vào năm 1908. Nếu vậy, tác giả Cội Rễ (Roots), Alex Haxley, đã nhầm lẫn khi đề cập đến giải này từ thời nô lệ! (tức trước 1865 theo Wikipedia).

    *Có đôi chút khác biệt giữa các luật. Luật Việt là “đá cho đến khi nào còn đứng được, trừ khi chạy hoặc chết”; luật Mỹ là “đá cho đến khi nào còn đá được, trừ khi chạy hoặc chết”. Đá (fighting) ở đây được hiểu là nạp, đá (bằng chân), rượt, cắn hay mổ vào gà đối phương. Tuy định nghĩa như vậy nhưng việc thử coi gà còn chịu đá (chịu cự) hay không hầu như qua hình thức cắn mổ. Người ta sử dụng một con gà khỏe mạnh khác, tức nó còn rất sung, sừng sộ để cho cắn mổ với con gà trong diện nghi vấn. Với luật Philippines thì việc thử chịu cự diễn ra giữa hai đấu thủ ngay trong sới; trọng tài bắt hai con đưa lại gần nhau để chúng cắn mổ. Thể loại cựa tròn, nhất là cựa ngắn 1¾“ khiến trận đấu dễ đi đến chỗ dằng dai. Gần như mọi phức tạp trong luật đều tập trung giải quyết thế “cờ tàn” này. Người ta sử dụng Đếm (Count) như là một cách để xác định thắng thua và kết thúc trận đấu. Khi trọng tài thấy không con nào chịu đá, thông thường do quá yếu hay không muốn đá nữa, ông khởi động Thời Gian (Time). Với đá giải, nếu cả hai đều chạy thì chúng sẽ bị tính “thua” tức không con nào có điểm!

    *Chạng (weight) luôn được thể hiện dưới dạng pound (lb) – ounce (oz) (một lb gồm 16 oz). Có nhiều cách viết khác nhau được sử dụng, chẳng hạn 4-10, 4/10, 4:10 thậm chí 4.10 (rất dễ nhầm lẫn). Gà Mỹ thường đá dưới chạng 6-5 (2.86 kg) mà tầm từ 4-14 đến 5-5 (2.21 – 2.41 kg) là thông dụng nhất.

    *Một số thuật ngữ. Các hoạt động cơ bản của nài (pitter/handler) trong sới (cockpit) bao gồm thả (pit) và bắt (handle). Khi cựa bị kẹt, dính (hang/fast) khiến hai trống không đá được, phải bắt lên thả lại, mỗi lần như vậy được tính là một lượt thả (pitting) và trong ngôn ngữ thông thường, các sư kê dùng lượt thả để đo độ nhanh chậm của một độ gà. Đội thi đấu (entry/entrant) có thể dưới tên một cá nhân hay biệt hiệu nhưng thường là một tập thể như sư kê (cocker), tay biệt dưỡng (feeder/keeper/conditioner), người lắp cựa (heeler/gaffer) và nài gà.

    *Trích “The Best of Fulldrop” (E. T. Piper):

    [​IMG]

    HENRY WORTHAM
    (Tháng 9 năm 1962)

    Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin rằng Henry Wortham đã từ trần tại Memphis Veterans Hospital [Bệnh viện Cựu binh Memphis] vào thứ bảy, ngày 11 tháng tám năm 1962, ở tuổi 75. Ông sinh ngày 13 tháng một năm 1887, tại Shellbyville, Tennessee. Có lẽ là sư kê nổi tiếng nhất ở Mỹ, ông bắt đầu sự nghiệp chọi gà gần Memphis ở tuổi 16. Trong nhiều năm trời, ông đá cùng (with) và với (against) những sư kê giỏi nhất ở miền Nam. Kết giao quan trọng đầu tiên của ông là với E. H. Hulsey người sở hữu Seven Arces Farm gần Dallas, Texas.

    Sau nhiều năm trời ở Waco, TX Derby, vào tháng 7 năm 1943, đại sư Hulsey quyết định giải nghệ. Đem theo những chiến kê mà ông phát triển từ hồi còn theo Hulsey, Wortham đến làm cho Jack Walton quá cố ở Texas. Hoạt động như một sư kê (chicken man) toàn diện, tay biệt dưỡng và nài gà, ông thu được thành tích to lớn ở đó. Có lẽ, có thời điểm, ông gom hết các giải luân lưu và derby lớn ở miền Nam, chưa kể vô số cuộc đá đối đầu (main) cạnh tranh dữ dội nhất. Ông là một bậc thầy trong trường đấu và có lẽ là nài gà toàn diện xuất sắc nhất từng xuất hiện ở xứ này, dù miền Bắc hay miền Nam.

    Sau khi Walton về hưu, Wortham nắm chân quản trường Orlando Game Club ở Florida cho Shoemaker và Cliff Moriaty quá cố, những người đã mua khu đất. Đấy là khoảng 1945 và ông vẫn duy trì Orlando ở quy mô đó cho đến khi trường đóng hẳn vào cuối mùa 1961. Vẫn là quản trường, giải Orlando 1962 được tổ chức tại St. Augustine Game Club ở Florida. Cùng với trách nhiệm ở Orlando, ông cũng nắm chức quản trường Sunset Recreation Club tại Sunset, Louisiana vài năm trước đây và giữ chúng cho đến lúc chết. Trong thời gian đó, ông quản lý các giải lẻ tẻ ở chỗ này chỗ nọ, chẳng hạn như giải luân lưu St. Augustine, giải Oaklawn vào 1951 và nhiều giải khác.

    Toàn bộ cuộc đời của Wortham cống hiến cho gà chọi và trò chọi gà. Có lẽ không có sư kê nào trong vòng 40 năm qua mà chưa từng thấy ông một vài lần trong trường đấu hay ít ra cũng nghe danh ông.

    Vợ ông, bà Emma, mất đầu năm nay. Toàn thể công chúng đau buồn sâu sắc trước sự từ trần của Henry Wortham, và mong ước tha thiết của chúng ta là ông được an nghỉ ngàn thu.
     
    Chỉnh sửa cuối: 12/2/19

Chia sẻ trang này