Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Phương pháp xác định giới tính gà bằng cách xem huyệt

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - gà' bắt đầu bởi vnreddevil, 6/3/13.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Phương pháp xác định giới tính gà bằng cách xem huyệt
    Dr. Tommy Nakayama (Professor Emeritus, University of Georgia) – http://home.comcast.net/~terrychinn/poultry_sorters/index.html

    Phương pháp xác định giới tính gà bắt nguồn từ nhu cầu về phân biệt giới tính của gà đẻ và gà thịt. Khác biệt về trọng lượng giữa gà trống và gà mái được ghi nhận nhưng chỉ có ý nghĩa thống kê.

    Vấn đề được nêu ra vào năm 1923 bởi L. C. Dunn, như sau “sự thiếu vắng những phương pháp phân biệt dẫn đến việc phải nuôi cả ngàn cá thể cho đến khi các đặc điểm giới tính lộ rõ, chỉ khi đó gà trống mới bị giết thịt và đem bán, còn gà mái được tách riêng và nuôi để lấy trứng”.

    Càng tách sớm thì càng tiết kiệm, và đã có nhiều nỗ lực bỏ ra để phân biệt trứng. Thử thách này đã có từ thời Aristotle, người cho rằng trứng dài hơn nở ra gà trống, trong khi khoảng 2 thế kỷ sau Pliny lại dự đoán ngược lại. Cả hai ý kiến đều được chứng minh là sai bởi M.A. Jull, người kết luận rằng cả hình dạng lẫn trọng lượng đều không thể hiện đặc điểm giới tính.

    Thiết bị dò giới tính

    Nhu cầu phân biệt giới tính gà với tiền công hấp dẫn làm nảy sinh những thứ tào lao gọi là “thiết bị dò giới tính” (sex detector).

    Có một loạt trường hợp theo đó “thiết bị” được treo trên đầu dây và con lắc đung đưa bên trên trái trứng để phát hiện giới tính. Nhiều dụng cụ được Bộ nông nghiệp Mỹ kiểm tra và thấy vô tác dụng. Điều này dẫn đến việc ngăn cấm bởi U.S. Mails và các công ty không được phép hoạt động. Tuy nhiên, họ cũng tạo ra một đám mây ngờ vực về phương pháp phân biệt giới tính mà về sau nó đã thất bại.

    Vào năm 1924, có một nhà nghiên cứu trẻ tại Đại học hoàng gia Tokyo đang say mê nghiên cứu sự phát triển của bộ phận được cho là cơ quan giao cấu đực (male copulatory organ) ở gà. Tiến sĩ Kiyoshi Masui xuất bản phát hiện của ông cùng với tiến sĩ Juro Hashimoto và Isamu Ono vào năm 1925. Phát hiện đáng ghi nhớ này đã phá vỡ định kiến rằng gà không có bộ phận này. Đặc điểm nhận diện chính dựa vào mấu đực (male eminence) hay còn gọi là mấu dương vật (phallic knob). Khó khăn ở chỗ làm thế nào để nhận diện vùng kiểm tra bằng mắt thường.

    Dưới đây là hình minh họa huyệt và mấu của gà.

    [​IMG]
    Minh họa bởi Jean E. Hirsch (Canfield, 1950).

    Các nhà nghiên cứu nhận thức được tầm quan trọng của phát hiện này, công bố phương pháp với nhiều chi tiết sát thực tế. Sau đó, Manabu Kojima người tự nghiên cứu từ hướng dẫn của các nhà khoa học Tokyo và Yuzo Sakakiyama, chủ trại ấp, đã khiến phương pháp trở nên thực tế. Phương pháp Nhật Bản, còn gọi là phương pháp quan sát huyệt (vent method), phụ thuộc vào khả năng xác định những khác biệt giải phẫu nhỏ ở huyệt hay hậu môn của gà một ngày tuổi khi bóp vào bụng chúng. Cần khéo léo khi bóp mà không gây tổn thương, và sự chính xác cũng như tốc độ sẽ đạt được thông qua thực hành.

    Phương pháp rất hoàn hảo về sự chính xác và tốc độ, và các khóa huấn luyện được mở dưới sự hướng dẫn của Hiệp hội Phân biệt Giới tính Gà Nhật Bản. Một trường hợp dẫn chứng cho phương pháp được đăng tải vào năm 1928 theo đó, một thiếu nữ được ghi nhận làm việc với tốc độ từ 30 đến 50 con mỗi phút. Ban biên tập yêu cầu độc giả thử nghiệm phương pháp và phản hồi kết quả. Vào năm 1933, một loạt kết quả kém khích lệ và một trường hợp khẳng định công trình của Masui được ghi nhận.

    Vào năm 1932, Masui và Hashimoto công bố bài viết thứ hai về phương pháp. Kojima đã phát hiện rằng một số gà mái có hình thức tương tự như gà trống. Masui nghiên cứu tần suất của những dạng này và tính được xác xuất chính xác lên đến 98%. Trong một thử nghiệm với 12 chuyên gia hàng đầu, phương pháp chứng tỏ độ chính xác trung bình lên đến 97.8%. Ông cho rằng thật may khi sai số nhận diện mái thành trống nằm ở mức cho phép. Do đó, kỹ thuật này coi như đã hoàn chỉnh và có thể áp dụng.

    Dưới đây là các biến thể được ghi nhận. Cột bên trái của gà trống. Cột bên phải của gà mái.

    [​IMG]
    Minh họa bởi Jean E. Hirsch (Canfield, 1950).

    Áp lực suy thoái

    Vào thời kỳ Đại Suy Thoái những năm 1930, mục đích giảm cắt giảm chi phí khiến Bắc Mỹ quan tâm đến phương pháp Nhật Bản. Một số người Hoa và Nhật làm dịch vụ một cách độc lập, chủ yếu ở khu vực Bờ Tây.

    Vào mùa xuân năm 1933, nhận lời mời của E. A. Lloyd, Tokuzo Yamaguch, người sau này trở thành cộng tác viên của tờ Japanese Poultry Journal, và chuyên gia phân biệt giới tính Hikosaburo Yogo đến đại học British Columbia. Họ thuyết trình và hướng dẫn thực hành bằng việc phân biệt giới tính 23.400 con gà trong vòng 4 ngày. Độ chính xác lên đến 98.7% và 97.8% chia làm hai mẻ. Đợt thực hành ở quận Strawberry Hill, British Columbia là trường hợp đầu tiên được ghi nhận ở Mỹ. Tỷ lệ tử vong (5%) thấp hơn so với trường hợp không phân biệt giới tính (15%).

    Sau đó, họ mở lớp huấn luyện tại Cloverdale, British Columbia. Yogo, cùng với Yamaguch và Hiroji Takahashi thuyết trình tại Hội nghị Gia cầm Quốc tế ở Grand Rapids, Michigan vào tháng 8 năm 1933 mà ở đó họ nhận được sự quan tâm của công luận. Tiếp theo là các buổi thuyết trình ở Washington, Oregon và California.

    Cuốn “Phân biệt giới tính gà con” (Sexing Baby Chicks) của Masui và Hashimoto được dịch sang tiếng Anh vào năm 1933. Everton A. Lloyd, giáo sư chăn nuôi gia cầm tại Đại học British Columbia đã ghi chú như sau “Bây giờ, sau khi hưởng lợi từ kiến thức và kinh nghiệm của người khác, người Nhật, qua các chuyên gia và báo cáo khoa học của mình, đã đem đến cho phần còn lại của thế giới một dịch vụ mới, gọi là phân biệt giới tính gà”. Tình thế dẫn đến việc chuyển giao kỹ thuật vốn không đòi hỏi dụng cụ hay vật liệu gì đặc biệt và không đăng ký bằng sáng chế.

    Chương trình huấn luyện

    Việc chuyển giao được thực hiện mà không có các chuyên gia phân biệt giới tính (sexer) người Nhật bởi luật nhập cư. Năm 1932, Motojiro Hattori, một chủ trại ấp ở Fresno, xin được giấy phép để đưa 4 chuyên gia phân biệt giới tính người Nhật sang huấn luyện cho các Nhật kiều và Mỹ trắng. Một trong những học viên, Kiyoto Saiki, đến Nagoya vào năm 1935 để nâng cao kiến thức và trở về để trở thành trưởng nhóm hướng dẫn tại trường đào tạo Hattori, sau trở thành Hiệp hội Phân biệt Giới tính Gà Quốc tế. Một học viên khác, Clyde Goto, thành lập Hiệp hội Phân biệt Giới tính Gà Nam California.

    Tiến sĩ Morley A. Jull tại Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) nắm nhiệm vụ giám sát việc chuyển giao kỹ thuật phân biệt giới tính. Để kiểm tra phương pháp, ông tuyển dụng 4 kỹ thuật viên từ nhân sự ở Beltsville và chứng minh rằng tỷ lệ 92% có thể đạt được thông qua huấn luyện. USDA xây dựng các hướng dẫn và mô hình để minh họa.

    Một số khóa huấn luyện đầu tiên được tổ chức ở Kent và Bellingham, Washington, và Petaluma, California. Chi phí khóa học ở Petaluma trong thời gian 3 tháng là 500 đô la, một giá đắt đỏ vào thời đó. Nhiều học viên được các trại gà tài trợ. Mọi người được huấn luyện các nguyên tắc cơ bản một cách gấp rút rồi được gửi đi làm trong ngành công nghiệp. Tuy nhiên, vì phải giữ bí mật thương mại và thiếu kinh nghiệm, kết quả ban đầu của họ khiến phương pháp phải mang tiếng xấu trong số những trại ấp gà Mỹ.

    Một số những học viên ban đầu này về sau đạt được thành công trong sự nghiệp. Heimer Carlson, học viên khóa đầu tiên ở Petaluma năm 1934 phỏng đoán rằng ông phân biệt giới tính cho tổng cộng 56 triệu đầu gà và gia cầm trong cả đời mình. Gladys Hansey, học viên khóa đầu ở Bellingham, cùng với chồng trở thành chủ trại ấp.

    Rất nhiều bản tin minh họa về phương pháp được xuất bản với mục đích tự học bởi Gibbs, Canfield, Forsyth, Shrader và Waldo. Hiển nhiên, một số người có thể tự học từ bản hướng dẫn.

    Ở dưới là hình chụp từ bản tin của Canfield. Bên trên chỉ cách giữ gà. Bên dưới chỉ cách vén huyệt.

    [​IMG]

    Nhiều người học hỏi lẫn nhau và phát triển kỹ năng thông qua việc thực hành ráo riết, trong khi những người khác học dưới sự hướng dẫn của các thành viên gia đình. Thời gian để đạt được sự chính xác và tốc độ thay đổi từ vài tháng đến vài năm.

    Khó khăn nằm ở chỗ, mặc dù kiếm được nhiều tiền trong một thời gian ngắn, công việc đòi hỏi năng lực thực sự và do đó không dễ theo đuổi. Jeffrey và Thompson vào năm 1943 phát biểu “Hầu hết người nuôi và ấp gà không thể học phương pháp này và phải trả tiền để các chuyên gia thực hiện công việc”.

    Không tiêu chuẩn chất lượng

    Charles S. Gibbs khi còn trong ban giảng dạy tại Đại học Nam Kinh, Trung Quốc đã viếng thăm Nhật Bản 2 lần và học phương pháp từ các nông dân Trung Hoa. Khi trở về Mỹ, ông bắt đầu truyền dạy phương pháp và viết cuốn “Hướng dẫn phân biệt giới tính gà” (A Guide to Sexing Chicks) vào năm 1935, trong đó ông công nhận các nhà nghiên cứu người Nhật đã “nâng tầm nghệ thuật một công việc bình thường và khiến nó trở thành một phát hiện khoa học hữu ích cho toàn bộ ngành công nghiệp gia cầm thế giới”. Mô tả của ông về yêu cầu trình độ như sau “Bởi vì phân biệt giới tính không được xem là một ngành nghề ở Mỹ, và không có tổ chức nào giám sát tiêu chuẩn chất lượng, mọi người đều có thể tham gia. Kết quả không phải lúc nào cũng đạt mức yêu cầu. Do đó, nhà phân biệt giới tính thiếu kinh nghiệm không nên làm dịch vụ ở cấp độ thương mại, hoặc khuyến khích việc buôn bán gà không do các chuyên gia phân loại và ít ra phải đạt trình độ bằng cấp hạng nhất theo tiêu chuẩn Nhật Bản”.

    Thời đó, những tiêu chuẩn này là có khả năng phân biệt giới tính cho 100 con gà lơ-go trong thời gian 30 phút với độ chính xác lên đến 92% sẽ đạt bằng hạng nhất. Bằng không, các học viên phải đạt bằng hạng nhì vốn đòi hỏi độ chính xác trên 86% và có chân trong Hiệp hội Phân biệt Giới tính Gà. Ứng viên muốn tham dự hiệp hội phải đạt độ chính xác trên 80% trong cùng điều kiện. Gibbs ghi nhận rằng học viên được đào tạo phù hợp có thể đạt tốc độ 1000 con mỗi giờ với độ chính xác lên đến 98%, một tiêu chuẩn vượt xa so với yêu cầu của ngành công nghiệp.

    Mặc dù không có tiêu chuẩn Mỹ, một số chuyên gia được yêu cầu chứng minh năng lực theo luật cấp phép hành nghề của nhiều bang.

    Ngành nghề nhận được định hướng cần thiết nhờ nhãn quan của S. John Nitta, người sinh ra ở Seattle, Washington và sau khi hoàn tất trung học vào năm 1933, đến Nhật và tham dự một lớp phân biệt giới tính gà. Ông tiếp tục học tập tại các trại gà ở đó và thu được nhiều kinh nghiệm. Trở về từ năm 1936, ông cộng tác với R. C. Parrish ở công ty Telsex, Ohio với vai trò giáo viên. Vào tháng 8 năm 1937, ông mở trường huấn luyện đầu tiên ở Los Angeles, với mục đích đào tạo các chuyên gia phân biệt giới tính cho thị trường và theo đó, thiết lập độ tin cậy và ổn định cho ngành nghề.

    Vào năm đại họa 1938, ông thành lập Hiệp hội Phân biệt Giới tính Gà Mỹ và chuyển đến Lansdale, Pennsylvania để gần các trại ấp lớn. Trường học được chuyển đến năm 1942 và tiếp tục vận hành đến năm 1974, mặc dù nhu cầu về chuyên gia phân biệt giới tính vẫn còn và dẫu Nitta có quảng cáo tiềm năng của ngành nghề mạnh đến đâu, giới trẻ Mỹ không còn quan tâm đến công việc cực nhọc và đòi hỏi tập trung trong nhiều giờ mà tiền công lại chẳng bõ này. Tuy nhiên, chất lượng bằng cấp của Nitta vượt xa so với yêu cầu của ngành công nghiệp, và và khiến ông trở thành đại sư đầu ngành.

    Những trường khác cũng được thành lập, chẳng hạn như Chester Pilch ở Hazardville, Connecticut vào năm 1939. Các khóa học được tổ chức bởi USDA, các trường cao đẳng nông nghiệp và lò ấp bởi nhu cầu về nhân sự quá lớn so với khả năng cung cấp.

    Lợi ích của ngành phân biệt giới tính vẫn còn là vấn đề tranh cãi vào 1937-1938 nhưng vào năm 1948, tình thế đã như sau “Cả một thời gian dài bị người chăn nuôi ngờ vực, nhưng hiện được công nhận có lợi ích kinh tế”. Các trại ấp đảm bảo độ chính xác tối thiểu 95% và không có gà chết.

    Một trong số những nỗ lực để giúp thực hiện công việc dễ dàng là máy Chicktester* từ Nhật mà nó tương tự như dụng cụ mà các bác sĩ dùng để kiểm tra tai bệnh nhân. Nó có một ống thủy tinh nhỏ áp vào huyệt và chuyên gia quan sát trực tiếp qua kính phóng đại. Người ta tuyên bố rằng với khóa huấn luyện kéo dài một tuần, một người có thể phân biệt 300 con mỗi giờ với độ chính xác 100%. Nỗ lực giới thiệu máy này vào đầu những năm 1950 với mục đích thay thế cho các chuyên gia đã không thành công, nhưng lại tỏ ra hữu dụng trong một số trường hợp khi tốc độ và số lượng không phải là ưu tiên hàng đầu. Một dụng cụ tương tự gọi là Sortisex** từ Đức được quảng cáo có thể phân biệt đến 800 con mỗi giờ.

    Những đặc điểm liên quan đến giới tính khác cũng được kết hợp với phương pháp xem huyệt như màu mỏ, lông tơ hay lông cánh, màu chân…

    Thời hạn thực hiện và yêu cầu hoàn tất công việc trong vòng 24 giờ khiến một ngày làm việc rất dài vào các buổi chủ nhật-thứ hai và thứ năm-thứ sáu. Công việc cũng diễn ra theo thời vụ từ tháng 2 đến tháng 6 trong giai đoạn phát triển của ngành công nghiệp, và rất nhiều chuyên gia làm việc bán thời gian.

    Hầu hết chuyên gia làm việc tự do thông qua một tổ chức, nơi cung cấp dịch vụ cho các trại ấp. Một nỗ lực cơ cấu ngành nghề được thực hiện khi Liên đoàn Chuyên gia Phân biệt Giới tính Gà được thành lập vào năm 1968, nhưng bị giải tán sau đó một thập kỷ.

    Biến động về kinh tế khiến số lượng chuyên gia giảm dần. Trong những năm 1930, tiền công phân biệt hộp gà 100 con từ 50 cent đến 1 đô la. Vào năm 1968, nghe nói tiền công còn thấp hơn hồi 1933, năm bắt đầu cuộc Đại suy thoái. Dẫu độ chính xác đã tăng từ 90% lên đến gần 100%. Các chuyên gia chỉ có thể bù đắp cho việc lạm phát bằng cách gia tăng tốc độ làm việc. Lương bổng kém cũng ngăn cản lớp trẻ tham gia vào ngành nghề cũng như thu hút các chuyên gia từ nước ngoài.

    Ngành phân biệt giới tính phát triển từ việc loại bỏ trống lơ-go và giữ mái để lấy trứng và thịt, sang phân biệt giới tính gà tây. Trước đó là vịt và ngỗng.

    Khó khăn khi chuyển giao kỹ thuật này, vốn không đòi hỏi dụng cụ đặc biệt, nằm ở chính sách. Đấy là chưa nói đến yếu tố rủi ro cũng như học phí. Biến động chính trị trong 1/4 thế kỷ kèm theo cuộc biểu tình ở Vancouver đã hạ thấp tầm quan trọng của các chuyên gia Nhật, và các Nhật kiều tự động rời khỏi khu vực Bờ Tây hay vào các khu “tái định cư” khi Thế Chiến II nổ ra. Mặc dù tự thân phương pháp không có gì xúc phạm người khác, ngành nghề được mô tả như là quân phiệt Nhật vào năm 1942, từ ngữ thực tế là “tụi Nhật” (Japs), một từ khinh miệt để gọi kẻ thù vào thời đó. Do tính chất ngành nghề, vốn đòi hỏi phải di chuyển rất nhiều, nhiều chuyên gia bị chính quyền địa phương bắt bớ. Mặt khác, nhờ giá trị công việc của họ, Cơ quan Tái Định cư đã bảo lãnh cho một số người đi làm việc. Mãi cho đến năm 1951, các chuyên gia người Nhật mới được chấp nhận ký hợp đồng làm việc nhưng chỉ ngắn hạn.

    Tiến bộ trong lai tạo cho phép các trại ấp phân biệt giới tính theo màu sắc và lông để gia tăng số lượng. Chỉ cần huấn luyện sơ, một nhân công thường cũng có thể phân biệt 2500 con mỗi giờ với sai số cho phép. Các chuyên gia phân biệt giới tính vẫn được thuê vào các công việc chọn giống.

    Hiển nhiên, các chuyên gia phân biệt giới tính đã góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp gia cầm. Sự phát triển của thị trường đã vượt ra ngoài khuôn khổ cung cấp trứng và thịt, có rất nhiều nhu cầu khác nhau về các sản phẩm liên quan đến gia cầm. Mục đích vốn không thể thực hiện được thì nay đã hiện rõ, đó là, một phương pháp thực tế để xác định giới tính ngay từ trong trứng.

    * Phân phối bởi American Chicktester Company, 2923 West Olympic Boulevard, Los Angeles 6, California

    ** Phân phối bởi National Farm Equipment Company , Inc., 142 Greene Street, New York 12, N.Y.
     
  2. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Ghi chú

    Qua tìm hiểu về các phương pháp xác định giới tính gà, chúng tôi thấy có hai cách đáng tin cậy với tỷ lệ chính xác cao bao gồm: lai tạo theo đặc điểm giới tính (sex-link) và xem huyệt (vent sexing). Lai tạo theo đặc điểm giới tính nghĩa là tận dụng các đặc điểm gắn liền với giới tính và lai làm sao để mái và trống khác nhau một cách rõ rệt. Một ví dụ phổ biến mà chúng ta thường thấy trên mạng là lai theo đặc điểm phát triển lông cánh. Gà mái: lông cánh mọc nhanh, dài và so le, gà trống: lông cánh mọc chậm, ngắn và đều. Người bình thường chỉ cần coi sơ là xác định được, chẳng cần đến trình độ chuyên gia. Tuy nhiên, sự khó khăn nằm ở phần lai tạo, bạn phải có các dòng gà thuần, cụ thể là các dòng gà lông cánh mọc nhanh và lông cánh mọc chậm. Điều kiện như vậy chúng ta không hề có (trừ phi bạn nhập gà giống). Sẽ nhầm lẫn khi cho rằng có thể áp dụng công thức xem cánh cho bất kỳ bầy gà nào!

    Như vậy, phương pháp khả thi nhất dành cho người nuôi gia cầm ở ta là xem huyệt. Thông thường, học viên phải tham dự các khóa huấn luyện và thực hành trước khi đạt mức thành thạo. Theo tiến sĩ Nakayama “Hầu hết người nuôi và ấp gà không thể học phương pháp này và phải trả tiền để các chuyên gia thực hiện công việc”. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định nhiều người có thể tự học một cách thành công qua hình ảnh và tài liệu. Dưới đây là một số thông tin mà chúng tôi sưu tầm được, hy vọng có thể giúp ích cho các bạn.

    Thao tác

    Gà con mới nở sau vài giờ được đem ra lựa. Học viên giữ gà bằng tay trái (với người thuận tay phải) và bóp nhẹ để vắt phân dư trong ruột vào một ca nhựa, nhờ vậy việc quan sát sẽ thuận lợi hơn. Dùng tay phải, ấn nhẹ ngón cái và ngón trỏ để huyệt lòi ra. Bạn sẽ nhìn thấy mấu sinh dục (“eminence” hay “bead”) cỡ đầu cây kim. Cần xác định thật nhanh bởi ấn huyệt lòi ra quá lâu sẽ không tốt. Gà mái thường được thảy qua khay bên phải và gà trống khay bên trái (khay trống thuận tay hơn). Các thiết bị phụ trợ bao gồm đèn 200 W và kính lúp.

    Hình mô tả cách giữ gà bằng tay trái và vén huyệt bằng tay phải.
    [​IMG]

    Ấn nhẹ cho huyệt hơi lồi ra:
    [​IMG]

    Video mô tả chuỗi thao tác: bắt gà, vắt phân, vén huyệt, xác định, thảy vào khay, phối hợp hai tay.


    Biến thể

    [​IMG]

    *Canfield (1941) liệt kê các biến thể mấu sinh dục sau khi nghiên cứu 10 ngàn cá thể ở một trại gà công nghiệp (mỗi bên 9 biến thể):
    - Gà trống: a & b 64.32%, c 7.85%, d & d’ 0.58%, e & f 20.53% , g & h 3.41%.
    - Gà mái: a & b 57.22%, c, c’ & d 16.98%, e & f 24.52%, g & h 1.27%.

    *Carlson (1986) tái khẳng định khi đánh giá về gà trống: d’ “khá hiếm”, g “hiếm” và h “cực hiếm”. Với gà mái, a & e “bẹt chuẩn mực” và c’ “khó xác định nếu lồi nhiều”.

    *Các dạng phổ biến nhất là a & b ở cả hai bên. Các dạng f & g ở gà trống dễ nhầm với gà mái (<25%). Các dạng c & c’ ở gà mái dễ nhầm với gà trống (<17%).

    Quan sát

    *Trước hết, bạn cần xác định hai vành hay thùy (lobe) ở phía dưới mỗi hình. Điểm khác biệt giữa trống và mái là mấu sinh dục. Nó nằm chính giữa hai thùy (1) hay hơi xích lên trên (2).
    [​IMG]

    *Bây giờ bạn nghiên cứu đến mấu sinh dục. Ở gà trống, nó hơi tròn và căng lên như hòn bi.
    [​IMG]

    *Ở gà mái, nó hơi nhọn như chóp cây thông hoặc bẹt.
    [​IMG]

    *Thông thường, mấu sinh dục của gà trống to hơn. Đôi khi, mái hoặc trống có đến 2 mấu. Nếu rơi vào trường hợp khó xác định (thường hiếm), chúng ta có thể tách riêng và khảo sát kỹ lưỡng hơn.

    *Qua thử nghiệm thực tế, sau khi được hướng dẫn như trên, học viên mới đạt tỷ lệ chính xác đến 84%.
     
    Chỉnh sửa cuối: 8/3/13
  3. carom

    carom Active Member

    hì, nội vạch đít chú gà con lên kg khéo tét đít thì nguy to^^
     

Chia sẻ trang này