Một trong những loài Betta hoang dã ở Việt Nam mà ít người biết đến là Betta sp. Bung Binh (cá dùi đục). Thông tin về loài này được đăng tải trên trang web của Hiệp hội cá rô Anh (Anabantoid Society of Great Britain) vào tháng 8/2002, và được Dthong phát hiện và phổ biến trên các diễn đàn cá cảnh Việt Nam khoảng đầu năm 2006. Sau này, trong số những ảnh cá mà anh Bùi Hữu Mạnh gửi tặng, tôi tìm thấy hình một con cá dùi đục thu thập ở Long An được anh chụp rất rõ. Màu sắc của cá dùi đục tuy không được sặc sỡ như các loài lia thia mang xanh (Betta cf. imbellis) hay lia thia mang đỏ (Betta splendens) nhưng chúng có khả năng thích nghi với môi trường dòng chảy nhất định nên có thể nuôi trong hồ thuỷ sinh hay hồ có gắn bộ lọc. Ngoài ra, hình thức sinh sản ấp miệng cũng là một trong những đặc điểm thú vị đối với người nuôi cá. Betta sp. Bung Binh Herve Gonin và Jacques Laird – www.aagb.org Betta sp. Bung Binh, loài cá xuất xứ từ Việt Nam, được phát hiện vào mùa hè năm 2000 bởi hội những người yêu thích cá đá, cá cờ và cá sặc. Bản năng của chúng phù hợp với một hình thức sinh sản thú vị, sinh sản ấp miệng. Địa điểm thu thập cá Betta sp. Bung Binh ở Củ Chi [thực ra Bùng Binh là một ấp thuộc xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, quá Củ Chi một đoạn], trên đường đi Campuchia, cách Sài Gòn 80 km. Loài cá hoang dã này được phát hiện trong một con rạch nhỏ chảy ra từ rừng và đổ vào một mảnh đất tư nhân. Nước có màu nâu và pha bùn đất vào mùa mưa. Nước mềm và không chứa nhiều chất hữu cơ. Độ dẫn khoảng +/- 300 micro Siemens và độ pH là 7.5. Nhiệt độ khoảng 25 độ C. Loài Betta affin. imbellis [lia thia mang đỏ, nay được xác định là Betta splendens] cũng được phát hiện ở đấy. Bắt cá Betta sp. Bung Binh. Điểm khác biệt lớn giữa loài Betta này với hầu hết những loài cá nhỏ khác là khả năng thích nghi với môi trường nuôi dưỡng. Nước hơi có tính a-xít hay kiềm và độ dẫn hơn 300 micro Siemens rất thích hợp với chúng. Chúng trú trong các bụi cây cỏ ven bờ hay cành lá mục nằm dưới đáy kênh nước đục hay ruộng lúa bùn lầy. Loài Betta này, như tất cả các loài khác thuộc họ Anabantidae [chi Betta hiện được xếp vào họ cá tai tượng Osphronemidae], có một cơ quan hô hấp nằm ngay sau đầu, gọi là mê lộ hay đường rối (labyrinth). Cơ quan hô hấp phụ này thẩm thấu ô-xy trực tiếp từ không khí mà nhờ đó cá có thể sống trong môi trường nghèo ô-xy. Nó bao gồm những màng uốn lượn hình sin với vô số mạch máu. Vây lưng và vây hậu môn có gai vây. Vây bụng có một tia vây rất dài, giống như ở các loài thuộc nhóm Betta pugnax. Hàm có răng hình nón (conical). Khi được chiếu sáng, một đường màu xanh lục xuất hiện trên nắp mang, các vây ửng đỏ và màu của cá đực hơi tươi hơn so với cá cái. Sự khác biệt về giới tính là rất nhỏ. Nếu quan sát thật kỹ thì có thể thấy cá đực hơi lớn hơn và vây hơi dài hơn so với cá cái. Bụng cá cái to hơn [ở loài này, cá đực ấp trứng trong miệng nên cổ họng phát triển rất to, hơn hẳn cá cái]. Cá nổi sọc dưa khi bị nhát. Cá không linh hoạt lắm khi nuôi trong hồ. Chúng hiếm khi bơi lội mà thích nằm yên một chỗ dưới đáy hay trong đám cây thuỷ sinh, và bảo vệ lãnh thổ của mình. Khi nuôi theo nhóm, con đực to nhất sẽ xác định một vùng lãnh thổ lớn. Tốc độ tấn công của nó như chớp giật. Nhưng chúng quan hệ với đồng loại khá tốt. Nhìn chung, chúng có xu hướng sống thành bầy đàn với giao tiếp tối thiểu. Hồ nuôi cần tương đối lớn, tối thiểu là 80 lít. Có thể nuôi chung với các loài cá châu Á khác như Oryzias hay cá bạc đầu Aplocheilus panchax. Tuy nhiên, vì là loài quý hiếm, chúng nên được nuôi trong hồ riêng. Hồ cần được cung cấp nhiều nơi trú ẩn như gáo dừa, rễ cây và gạch để cá lẩn tránh con đầu đàn. Nền hồ nên thả thêm lá sồi đun chín làm cho nước hơi có tính acid. Nên trồng những cây thuỷ sinh phát triển nhanh trên bề mặt như Riccia fluittans để cản bớt ánh sáng, phù hợp với cá. Hơn nữa, chúng còn tiêu thụ nitrate và đóng vai trò nguồn cung cấp ô-xy. Thêm vào những bó Hygrophilia hay những loại “fern” trang trí dễ trồng khác. Những cây này chịu đựng được nhiệt độ lên đến 27-28°C, nhiệt độ phù hợp đối với cá, chúng tăng trưởng một cách dễ dàng mà không cần đất. Sắt sẽ hỗ trợ chúng phát triển tốt. Một cặp Betta sp. Bung Binh. Hồ nuôi cần dài và rộng hơn là cao với hệ thống lọc nước tốt và không quá xáo động. Một bộ lọc nhỏ cùng với vòi khí đặt ở góc hồ là đủ cho một hồ có dung tích 80 lít. Nước nên có độ pH từ 6.5 đến 7.2, độ cứng carbonate kH từ 6.6 đến 10, độ cứng tổng gH từ 10 -15. Nhiệt độ khoảng 27°C. Khi nước quá lạnh, cá sẽ kiệt sức và có dấu hiệu căng thẳng. Độ dẫn tối đa 400 micro Siemens tức tương đối cao hơn những loài Betta khác. Mỗi lần thay 1/3 nước, nên sử dụng nước có thành phần hoá học tương tự. Hỗn hợp nước máy (để 48 giờ cho hả clor) với nước mưa hay nước lọc là tốt nhất. Betta sp. Bung Binh rất háu ăn nên chúng tiêu thụ tất cả các loại thức ăn thông thường, từ thức ăn tấm tổng hợp, trùn chỉ cho đến tất cả các loại thức ăn tươi sống và đông lạnh. Chúng cũng ăn cả tim bò và sò đông lạnh xay nhuyễn. Chúng ăn các miếng nhỏ trước, sau đó đến các miếng lớn. Chúng rất dễ nuôi trong những điều kiện được mô tả như trên. Lai tạo loài này cũng rất dễ. Chúng là loài ấp miệng. Các điều kiện nuôi dưỡng cũng hoàn toàn phù hợp để chúng sinh sản. Đôi khi không có gì đáng chú ý ngoại trừ một trong hai con tự dưng biến mất. Chúng xuất hiện trở lại sau 10-13 ngày ấp trứng với rất nhiều cá con. Cá con hiếm khi bị cá cha mẹ hay cá khác cùng hồ ăn thịt. Chúng đẻ không nhiều lắm nhưng lần sinh sản đầu thường cho kết quả khả quan. Trứng có màu trắng, hình oval và dài từ 1.5 đến 2 mm. Quá trình bắt cặp bắt đầu bằng việc cá đực tiếp cận cá cái và cả hai quấn lấy nhau. Sau đó nó lui vào hang để ấp trứng lặng lẽ một mình Cá đực Betta sp. Bung Binh đang ấp trứng. Cá con tương đối lớn. Chiều dài khoảng 6-7 mm cho phép chúng ăn ấu trùng artemia ngay lập tức. Không có vấn đề gì về nguồn thức ăn vì chúng có thể xơi thêm trùng cỏ trên các bụi Riccia và các cây thuỷ sinh khác, và cả thức ăn thừa của cá lớn. Tốc độ tăng trưởng của cá rất nhanh. Không nên làm xáo động mặt nước trong vòng từ 15 đến 20 ngày cho đến khi mê lộ (labyrinth) của chúng phát triển hoàn toàn. Hơi gió lạnh có thể tác động xấu đến cá con khi chúng mới nổi lên mặt nước lần đầu! Cá đạt 8 cm ở 5 tháng tuổi và bắt đầu sinh sản. Tóm lại, Betta sp. Bung Binh là loài cá hấp dẫn và thuần phác. Không nghi ngờ gì nữa, đây có lẽ là loài cá Betta hoang dã cuối cùng được phát hiện ở Việt Nam [Loài mới nhất được xác định là Betta prima (Bùi Hữu Mạnh, WAR, 2010) ở Phú Quốc]. Nhà khoa học Heok Hui Tan ở đại học Singapore phát biểu rằng loài cá này tương tự như loài Betta prima ở Campuchia và Thái Lan nhưng hơi đỏ hơn.
Mấy con này lâu lâu e thấy lẫn trong thau tép mồi nữa đó a Đại,nhìn tụi này ko hấp dẫn cho lắm nên chắc cũng ít người để ý đến chúng
Bạn chon mình xin địa chỉ và số Phone của anh Bùi Hữu Mạnh nhé, cám ơn bạn nhiều!anh Mạnh khi xưa là thầy dạy mình ở Khoa Sinh Trường ĐH KHTN đó! Từ lúc vê quê đến giờ không liên lạc được !
Theo thông tin trên thì cá dùi đục cũng phân bố ở Long An hả Đại ca? Nếu ở LA thì cá có thêm tên địa phương riêng nửa không ? Hay vẫn gọi là cá dùi đục ?
Bạn liên hệ ở đây nhé http://bhmanh73.googlepages.com/ (mình cũng chỉ liên hệ với ảnh qua mail thôi).
Bác VNRD và bạn huanag67 nếu liên lạc được với thầy Bùi Hữu Mạnh thì mời thầy tham gia diễn đàn mình luôn nhe.! Mình nghĩ diễn đàn nếu được thầy tham gia sẽ có thêm được nhiều điều bổ ích cho anh em học hỏi
Ok,mình sẽ cố gắng liên lạc với Thầy Mạnh.Thầy Mạnh khi xưa có nghiên cứu thành công đề tài có 7 màu siêu đực hay lắm,bằng cách chuyển đổi gen cá đực thành YY,khi đó cho giao phối với cá cái XX thì sẽ cho ra 100% cá đực XY!
Mình mới tìm thấy lại 1 tấm ành chụp với Thầy Mạnh,2 người đeo kính ở giữa,Thấy bên trái còn mình bên phỉa,ảnh chụp năm 1996 !
Hix mình học trước Mạnh 1 khóa, Mạnh có nhiều đam mê lắm, từ cá đến côn trùng. Mạnh tính làm cá với TS Tường Anh nhưng thầy Tường Anh đi nước ngoài nên Mạnh làm luận văn với thầy Hùng về côn trùng. KHông bít mạnh giờ giờ công tác ở đâu bạn vnreddevil nhỉ. Lâu quá không về trường, huhu.
Có bạn nào biết cá Betta sp. Bung Binh (cá dùi đục) ở đâu có không ? Có thể tìm được ở HCM không ? Nếu có thì ở đâu ? Giá bao nhiêu ? Thanks Hưng/
cho e đào mộ tí, hiện e mới tìm đc 1 vài chú này, muốn ép nhân giống để giữ giống,nhưng k biết tập tính sinh sản nó ntn, có anh chị nào có kinh nghiệm thì mình chia sẻ nhau nha fb e https://www.facebook.com/profile.php?id=100005463121686