Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Lai tạo tôm càng Bắc Mỹ

Thảo luận trong 'Bài Viết' bắt đầu bởi vnreddevil, 19/6/08.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Lai tạo tôm càng Bắc Mỹ
    Jerry Walls – F.A.M.A 6/2007

    [​IMG]

    Nắm vững những vấn đề cơ bản về chu kỳ sinh trưởng của tôm càng (crayfish) có thể giúp bạn lai tạo một cách thành công hầu hết những loài này. Là một chuyên gia về ngư loại học và phân bố của các loài tôm càng ở Mỹ, tôi thường được hỏi về cách lai tạo tôm càng trong hồ cảnh. Một số người nuôi tôm biết cách phân biệt giới tính nhưng không hiểu rõ về chu kỳ sinh trưởng khác lạ của những loài này, vì vậy hãy đề cập đến những vấn đề cơ bản như làm thế nào để phân biệt giới tính, khi nào tôm chuẩn bị sinh sản, chúng giao phối như thế nào và bạn chờ đợi điều gì một khi trứng xuất hiện.

    Có hơn 350 loài tôm càng ở Mỹ và Mexico nhưng nhìn chung, hầu hết đều phân bố ở vùng phía đông dãy núi Rocky – tức là những loài tôm càng thuộc họ Cambaridae.

    [​IMG]

    Giới tính
    Tôm càng có cơ quan sinh dục ngoài lộ rõ và rất dễ phân biệt giới tính. Tuy nhiên, việc cầm con tôm với năm cặp chân ngực lật ngửa là không dễ chút nào, nhất là khi tay bạn có thể bị càng tôm kẹp phải. Hơn nữa, bộ phận sinh dục ngoài của những con tôm nhỏ cũng rất nhỏ và bạn cần sử dụng kính lúp với độ phóng đại khoảng năm lần để quan sát cho rõ.

    Lật ngửa tôm lên và quan sát phần gốc của hai cặp chân ngực cuối cùng (chân thứ tư và năm). Ở tôm cái, vùng chính giữa các cặp chân là một gò hình tròn hay ô-van với phần trung tâm lõm vào. Cái túi nhỏ này là nơi chứa tinh trùng, được gọi là annulus ventralis. Đây là nơi tinh trùng được lưu trữ sau khi giao phối.

    Tinh trùng không hề đi vào bên trong cơ thể tôm cái – sự thụ tinh diễn ra hoàn toàn ở bên ngoài. Tôm cái còn có một màng ô-van lớn nằm tại gốc của cặp chân ngực thứ ba mà qua đó chúng đẻ trứng. Các chân bụng (swimmeret) ở tôm cái thường nhỏ và đơn giản. Tôm cái cũng thường có cặp càng ngắn và nhỏ hơn so với tôm đực.

    Tôm đực có hai cặp chân bụng đầu tiên (pleopod) phát triển thành cơ quan sinh dục gọi là gonopod. Hai cặp chân bụng này rất dài (thường vươn đến gốc của cặp chân ngực thứ hai hay thứ ba khi bụng tôm duỗi ra) và trông giống như những cái que màu trắng hướng về phía trước đến giữa các chân ngực.

    Cặp gonopod đầu tiên có ít nhất hai dạng (tự nhiên hay nhọn) mà dù ngắn hay dài thì phần chóp của chúng đều khác nhau đối với mỗi loài tôm.

    Cặp gonopod thứ hai nằm vừa khít vào rãnh trên cặp thứ nhất tạo thành hình tam giác. Tôm đực phóng túi tinh từ một lỗ nhỏ nằm ở gốc của cặp chân ngực thứ năm; lỗ thường bị che bởi một ống hình núm vú.

    Tôm càng cambarid đực cũng có các móc ở cuối cặp chân ngực thứ ba (và đôi khi cả chân ngực thứ hai, thứ tư hay thậm chí thứ năm) dùng để nắm giữ tôm cái trong khi sinh sản. Thậm chí, một con tôm càng đực rất nhỏ cũng có thể được phân biệt một cách chính xác nếu bạn kiên trì, bởi vì các gonopod hoàn toàn có thể quan sát được ngay khi tôm con vừa rời khỏi tôm mẹ.

    [​IMG]

    [​IMG]

    Trạng thái phức tạp của tôm đực
    Tôm càng cambarid hơi phức tạp bởi vì có hai dạng tôm đực trong quá trình sinh trưởng. Các dạng hoán đổi lẫn nhau trong vòng đời của tôm nhưng chỉ một dạng có khả năng sinh sản. Bạn không những phải nắm được cách phân biệt giới tính của tôm mà còn phải nhận biết khi nào thì tôm đực ở trạng thái sẵn sàng giao phối.

    Khi một con tôm càng đực non lần đầu tiên lột vỏ để trở thành tôm trưởng thành, nó chuyển sang tôm đực dạng I. Đây là con đực sẵn sàng sinh sản. Không chỉ các cặp càng trở nên to ra để nắm giữ tôm cái mà các móc ở cuối các chân ngực cũng to ra và trông khác hẳn so với tôm non. Cặp gonopod đầu tiên mà phần chóp dù tự nhiên hay nhọn đều bị sừng hóa trở thành cấu trúc màu vàng–nâu trong suốt với các mũi và góc sắc cạnh. Việc phân loại các loài tôm càng cambarid dựa trên cấu trúc và vị trí riêng biệt của phần chóp gonopod này ở tôm đực dạng I.

    Sau thời kỳ sinh sản từ vài tuần đến vài tháng, tôm đực dạng I lột vỏ chuyển sang trạng thái không sinh sản gọi là tôm đực dạng II. Thông thường, cặp càng nhỏ và yếu hơn một chút so với tôm đực dạng I với các móc ở cuối các chân ngực thu nhỏ đáng kể. Mặc dù cặp gonopod đầu tiên vẫn có dạng tự nhiên hay nhọn, chúng trở nên trắng bệch – giống như cặp gonopod còn lại – mềm với các mũi và góc không sắc cạnh. Tôm đực dạng II có thể vẫn giao phối nhưng không thể chuyển túi tinh cho tôm cái.

    [​IMG]

    Giữa các thời kỳ sinh sản, tôm đực dạng II có thể lột vỏ nhiều lần mà không hề chuyển thành dạng I. Tuy nhiên, khi chu kỳ sinh sản kế tiếp đến gần, tôm đực dạng II lại lột vỏ để trở thành tôm đực dạng I.

    Sinh sản
    Ngoài tự nhiên, hầu hết các loài tôm càng đều sinh sản trong nhiều tháng liên tục, dường như dưới tác động của nhiệt độ, độ dài của ngày và có lẽ cả nguồn thức ăn. Trong hồ nuôi, tôm càng sinh sản vào mọi thời điểm trong năm nếu nhiệt độ nước được duy trì ổn định và chiếu sáng khoảng 12 tiếng một ngày. Có rất ít thông tin về các yếu tố kích thích tôm càng sinh sản. Đa số các nghiên cứu đều được tiến hành trên các loài tôm đào hang vốn không phải là loại tôm càng điển hình nuôi trong hồ cảnh.

    [​IMG]

    Khi một con tôm cái lột vỏ, sau nhiều ngày vỏ của nó sẽ cứng lại hoàn toàn và túi chứa tinh trùng annulus cũng trở nên cố định và không thể nhận túi tinh. Tôm cái mới lột cũng tiết ra pheromone để thông tin cho tôm đực dạng I rằng nó đang sẵn sàng giao phối. Tôm đực có thể lột vỏ thành dạng I nhiều tháng trước đó hay lột vỏ vào cùng thời điểm. Bạn cần bố trí tôm đực dạng I với tôm cái vỏ hơi mềm để việc sinh sản được thành công, vì vậy hãy theo dõi tôm cái một cách sát sao.

    • Khi tôm cái lột vỏ xong, hãy để nó đào hang và trú ở đó trong vòng ít nhất một ngày trước khi thả tôm đực dạng I vào hồ. Tôm cái phải đủ cứng cáp để di chuyển một cách dễ dàng và có khả năng dùng càng để tự vệ; bằng không nó sẽ bị tôm đực ăn thịt.

    • Việc giao phối thường diễn ra vào ban đêm hay ở điều kiện chiếu sáng yếu, thường là trong hang nhưng cũng có khi ở bên ngoài, đặc biệt là trên nền đáy cứng, phẳng chẳng hạn như phiến đá.

    • Tôm đực tiến đến và dùng càng nắm lấy tôm cái. Rồi tôm đực lật ngửa tôm cái và di chuyển nó sao cho cả hai hướng về cùng một phía và bụng ấp bụng. Nó dùng các móc ở chân ngực để giữ tôm cái cố định. Tôm cái thường nằm yên một khi bị lật ngửa.

    • Tôm đực luồn một trong hai chân ở cặp chân ngực thứ năm ra sau các gonopod và đẩy chúng hướng thẳng ra phía trước. Nó tiến lên trước một chút và điều chỉnh để phần chóp của cặp gonopod thứ nhất nằm bên trên annulus ventralis của tôm cái. Cùng lúc, những túi tinh nhỏ được phóng ra từ phần giữa của cặp chân ngực thứ năm và chuyển vào các rãnh của cặp gonopod thứ nhất; cặp gonopod thứ hai phối hợp với các rãnh trở thành những ống dẫn hoàn hảo cho phép các túi tinh chảy qua gonopod về phía trước đến các chóp. Chóp cứng của một trong hai gonopod được cắm vào chính giữa annulus và nhẹ nhàng mở nó ra để nạp các túi tinh vào bên trong.

    • Quá trình giao phối hoàn tất sau từ nhiều phút đến gần một giờ, tôm đực tiết ra tinh dịch màu nâu sậm như sáp để đóng kín miệng annulus, nói chung điều này khiến tôm cái chỉ có thể giao phối với một tôm đực duy nhất. Trong khi một tôm đực lại có thể giao phối với nhiều tôm cái.

    • Tôm đực để các gonopod trở về trạng thái nghỉ, gỡ các móc, nhả tôm cái ra và lùi ra xa. Tôm cái lật mình lại và bỏ đi. Bây giờ bạn có thể bắt chúng ra bởi vì chúng sẽ không giao phối lần thứ hai.

    [​IMG]

    Đẻ trứng
    Tôm cái có một cặp buồng trứng bên trong cơ thể, mỗi buồng có khả năng sản xuất từ một chục đến cả trăm trứng hay nhiều hơn mà chúng di chuyển qua vòi trứng đến gốc của cặp chân ngực thứ ba. Nói chung, trứng được đẻ sau khi giao phối từ ba đến sáu tháng, tinh trùng vẫn được lưu trữ tại annulus trong suốt thời gian này và tôm cái sẽ không lột vỏ dù vẫn ăn uống và hoạt động một cách bình thường. Nếu tôm cái lột vỏ trước khi đẻ trứng, nên nhớ rằng annulus và tinh trùng chứa bên trong cũng sẽ đi theo vỏ và lần giao phối đó sẽ bị hỏng.

    Khi chuẩn bị đẻ trứng, tôm cái tìm một địa điểm an toàn, thường là vào ban đêm, và nằm ngửa lưng với đuôi cong về phía các chân ngực làm thành một cái túi. Tôm cái dùng chân làm sạch mặt trong của đuôi. Sau đó, một dòng trứng nhỏ từ điểm giữa của cặp chân ngực thứ ba cùng với dung dịch đậm đặc chảy xuống bụng qua annulus. Ngay lập tức, nút chặn tinh dịch tan ra, annulus mở rộng và tinh trùng trong các túi tinh thoát lên bề mặt của annulus.

    Tinh trùng trộn lẫn với trứng và tất cả tiếp tục chảy về phần đuôi, nơi trứng đã được thụ bám chặt lên các chân bụng. Chúng ở đó trong vòng từ hai tuần cho đến hai tháng khi nước thấm vào và bào thai phát triển. Một con tôm cái đang ấp trứng (được gọi là “dàn nho”) luôn duỗi phần đuôi căng hơn bình thường và dường như có đuôi thật rộng.

    Mặc dù tôm cái của một số loài tí hon (Cambarellus spp.) chỉ đẻ từ sáu đến 12 trứng, một số loài tôm lớn hơn như Procambarus thường đẻ trên 200 trứng. Tôm cái non hay nhỏ con có ít không gian ở đuôi để giữ trứng so với tôm cái to. Những loài tôm nhỏ thường có trứng to hơn loài tôm lớn.

    Tôm cái đang ấp trứng rất yếu đuối và không nên bị làm phiền. Hầu hết vẫn ăn nhưng đều có xu hướng thụ động và sẽ bỏ và ăn trứng nếu bị căng thẳng. Hãy để tôm cái được yên tĩnh! Không may, chỉ một số ít tôm cái trong hồ nuôi chịu ấp trứng đến cùng mà hầu hết đều bỏ ngang. Bởi vì tôm cái trong ao thường ấp trứng thành công, hãy thử giảm độ chiếu sáng và đậy hồ bằng bảng đen. Nhiều tôm cái trốn vào hang trong giai đoạn ấp trứng.

    [​IMG]

    Tôm non
    Sau khoảng hai tuần, những bào thai tôm nhỏ xíu phát triển hoàn toàn mặc dù chúng vẫn hơi khác so với tôm trưởng thành. Khi thoát ra khỏi màng trứng, thân chúng rất to vì chứa đầy noãn hoàng, cặp mắt khổng lồ với cái đuôi bé xíu vẫn chưa phát triển hoàn toàn. Những cái càng với ngón nhọn, xếp chồng lên nhau giúp chúng bám chặt vào chân bơi để không bị dòng nước cuốn đi khỏi bụng tôm mẹ. Nhờ sự che chở dưới bụng tôm mẹ, chúng lột vỏ hai hay ba lần cho đến khi tiêu thụ hết hoãn hoàng và mang hình dạng bình thường. Sau từ một đến ba tuần tuổi, chúng rời khỏi tôm mẹ và sống cuộc đời tự lập.

    Ở tôm non đang trưởng thành, việc lột vỏ diễn ra hàng tuần và mỗi lần như vậy chúng đều trở thành đối tượng bị ăn thịt của tôm cùng bầy hay tôm lớn hơn. Bạn nhớ cung cấp thật nhiều chỗ trú ẩn cho tôm non.

    Hầu hết tôm càng cambarid đều có đời sống ngắn ngủi. Chúng thành thục sinh dục sau từ hai tháng đến gần một năm tuổi và thọ từ hai đến bốn năm. Tôm càng xuất xứ từ những vùng nước ấm hiếm khi nào sống lâu quá ba năm, nhưng những loài đào bới xuất xứ từ những vùng nước lạnh và hang động có thể sống lâu từ sáu đến mười năm.

    Thông báo kết quả của bạn
    Có rất ít thông tin về việc lai tạo các loài tôm càng Bắc Mỹ trong hồ cảnh được công bố và việc xác định chính xác danh tính loài rất khó khăn. Tôi rất sẵn lòng giúp định danh loài tôm mà các bạn đang nuôi và rất vui khi được nghe về những cố gắng lai tạo của các bạn. Hãy liên hệ với tôi qua địa chỉ gyretes@prodigy.net.

    Ghi chú
    Hai cặp chân bụng (swimmeret) đầu tiên của tôm càng (crayfish) phát triển thành cơ quan sinh dục gọi là pleopod hay gonopod. Chóp của cặp gonopod thứ nhất là một cấu trúc bị sừng hóa mà người ta dựa vào hình dạng của chúng để phân biệt các loài tôm càng với nhau. Có hai loại cấu trúc cơ bản là process (tự nhiên, uốn lượn và phân nhánh) và stylet (mũi nhọn).

    Còn đây là các hình minh họa bổ sung về bộ phận sinh dục ngoài của tôm gồm annulus ventralis ở tôm cáihai cặp gonopod ở tôm đực.
     
    Chỉnh sửa cuối: 8/2/18
  2. QSy

    QSy Moderator

    Bài rất hay!
    Cám ơn Đại ca nhìêu!!E đang cần các bài này để bổ sung kiến thức vào thú chơi này!!Ở nhà cũng đang nuôi
     
  3. minhduc123

    minhduc123 Active Member

    bài viết quá tuyệt nhưng anh có thể noi rỏ hơn về đk kiên bể nuôi như thế nào là tốt nhất đc ko
     
  4. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Hà hà, đây là bài dịch mà, tác giả không nói rõ cách bố trí hồ nuôi. Bạn chờ đến khi nào tác giả ra phần 2 nhé :p
     
  5. DrMartens

    DrMartens Active Member

    Đọc đã quá chừng,có thêm tí kinh nghiệm...
    Có một việc em thấy (ý kiên cá nhân) là tôm giao phối nhìu lần trong ngày,và trong liên tục 1 - 2 ngày,tiếc là hình ảnh em xóa hết ko cập nhật được.....
     
  6. QSy

    QSy Moderator

    Bọn này sao mà xung thế hổng biết?hehehe
     
  7. DrMartens

    DrMartens Active Member

    Lần đầu tiên thấy em cứ tưởng nó đang ăn thịt con kia,lấy cây khều ra thì nó sủi bọt,buông nhau ra tụi nó nhìn em với ánh mắt rực lửa...:D Mãi sau nay mới hĩu
     

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội