Các loài trĩ Việt Nam Trĩ (pheasant) bao gồm các loài thuộc phân họ Phasianinae, họ Phasianidae, bộ Galliformes. Các loài như công (peacock), gà rừng (junglefowl), cút (quail) và gà gô (partridge) cũng thuộc họ trĩ Phasianidae, nhưng được xếp vào các phân họ khác. Trên thế giới, có tổng cộng 35 loài trĩ phân bổ trong 11 chi. Ở Việt Nam, đến nay phát hiện được 10 loài trĩ phân bố trong 5 chi, trong đó có đến 4 loài đặc hữu (gà lôi lam mào trắng, gà lôi lam mào đen, gà lôi lam đuôi trắng, gà tiền mặt đỏ) và 2 phân loài đặc hữu (gà sao, gà lôi vằn). Một số loài ở Việt Nam tuy được gọi là “gà” chẳng hạn như “gà lôi”, “gà tía”, "gà tiền" nhưng về phân loại, chúng thuộc về nhóm trĩ (pheasant). Tất cả các loài trĩ ở Việt Nam đều được bảo vệ và có tên trong sách đỏ. Đặc điểm giới tính của trĩ phân hóa rất mạnh, con trống có màu lông sặc sỡ, đuôi dài, đa số có mặt và tích đỏ tươi. Trĩ trống to hơn nhiều so với trĩ mái và không tham gia vào việc nuôi con. Chúng ăn các loại hạt và côn trùng. Rất nhiều loài trĩ được người nuôi gia cầm ở khắp nơi trên thế giới ưa chuộng nhờ màu lông sặc sỡ của chúng. Ở Việt Nam, có một số người đã thành công trong việc nuôi chim trĩ đỏ để làm cảnh cũng như lấy thịt. Kỹ thuật nuôi trĩ cũng tương tự như nuôi gà nhưng chuồng trại phải rộng và bao kín để chim khỏi bay mất. 1. Trĩ đỏ hay trĩ đỏ khoang cổ (Phasianus colchicus) phân bố rất rộng trong hầu hết các quốc gia ở châu Á, chúng còn thâm nhập vào các nơi khác như Bắc Mỹ, châu Âu, Chi Lê, Hawaii, New Zealand và Tasmania. Tên được đặt theo thành phố cổ Colchis ở miền tây Georgia (tức nước cộng hòa Gruzia trong Liên Bang Xô-Viết cũ). Phân hóa hình thái rất mạnh với hơn 30 phân loài chia thành 5 (hay 6) nhóm dựa vào một số đặc điểm như sự hiện diện của vòng cổ màu trắng, màu lông ở gốc đuôi, và lông bao cánh. Nhóm trĩ vòng cổ trung hoa (chinese ring-necked pheasant) bao gồm những phân loài ở Trung Quốc, Đài Loan và miền bắc Việt Nam. Phân loài ở Việt Nam là trĩ đỏ khoang cổ bắc bộ Phasianus colchicus takatsukasae (tonkinese ring-necked pheasant) phân bố ở các tỉnh phía bắc như Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh và Yên Bái. Theo một số tài liệu, trĩ đỏ còn được phát hiện ở những vùng xa hơn về phía nam như khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), rừng quốc gia Nam Cát Tiên, huyện Đức Trọng và núi Bidoup (Lâm Đồng) và khu bảo tồn U Minh Thượng (Kiên Giang) nhưng không rõ chúng thuộc phân loài nào. Trĩ đỏ có đuôi dài và nhỏ, bộ lông có nhiều màu sặc sỡ; kích thước 60 - 80 cm. Trĩ trống trưởng thành có đầu, gáy màu nâu. Cằm, họng và cổ đen ánh xanh, mỗi lông có nhiều vằn ngang nhỏ, màu đen. Cánh nâu. Đuôi vàng phớt xanh với các vằn ngang rộng, màu đen ở giữa và màu tím ở hai đầu. Bụng nâu thẫm ánh đỏ. Sườn vàng cam óng ánh. Chim mái nhỏ hơn chim trống. Đầu và cổ nâu thẫm. Vai, lưng hung đỏ phớt nâu tím. Cằm và họng vàng xám có vạch nâu. Ngực, bụng và sườn xám hung. Chim trĩ đỏ thường sống ở vùng đồi núi thấp, độ cao 800 m so với mực nước biển, nơi có nhiều cỏ, cây bụi và rừng thông. Không sống trong rừng rậm. Kiếm ăn lúc sáng sớm hay xế chiều. Vùng kiếm ăn thay đổi. Tối ngủ trong các lùm cây thưa. Trĩ đỏ bắt đầu sinh sản từ tháng 3. Chim trống gáy to, khàn khàn “ korrk-kok”. Tổ làm trên mặt đất. Mỗi lứa đẻ từ 10 – 16 trứng, ấp trong 26 ngày. Trĩ con sau 10 tháng có thể trưởng thành sinh dục. Thức ăn bao gồm hạt cỏ, cây lương thực, giun đất, mối, kiến và nhiều loại côn trùng khác. Lưu ý: Trĩ đỏ là loài được nuôi làm cảnh rất phổ biến trên thế giới. Đa số đều bị lai tạp hoặc thuộc phân loài khác. Các cá thể này có thể xuất hiện tại Việt Nam qua đường nhập khẩu sinh vật cảnh. Không nên lai chúng với trĩ hoang dã nội địa để bảo tồn nguồn gien thuần chủng. 2. Trĩ sao (Rheinardia ocellata) phân bố từ Hà Tĩnh đến Bình Định trong các rừng kín thường xanh trên núi đất. Loài định cư, được phát hiện ở nhiều nơi trong vùng phân bố như vườn quốc gia Bạch Mã, rừng vùng đèo 41 ở A Lưới, khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Có hai phân loài, phân loài ở Việt Nam và trung Lào là Rheinartia ocellata ocellata, phân loài ở Mã Lai là Rheinartia ocellata nigrescens. Phân loài ở Mã Lai có mào dài và đốm sao rõ hơn. Chim trống trưởng thành có bộ lông màu vàng da bò điểm các đốm trắng, nâu sẫm và đen, lông mày rộng màu trắng, mào dài màu trắng, đầu nhỏ, họng trắng nhạt, da mặt hồng, mống mắt nâu với lớp da màu xanh lam xung quanh mắt, mỏ đỏ, chân nâu. Đuôi thuôn và rộng bản (12 cm) với 12 lông vũ dài gần 2 mét (trong một thời gian dài, chúng được coi là loại lông vũ dài nhất trong số các loài chim hoang dã). Chim trống trổ mã vào năm thứ 3 nhưng đuôi chỉ đạt kích thước tối đa vao năm thứ 6. Trĩ sao mái có bề ngoài tương tự nhưng mào và đuôi ngắn hơn. Cả chim trống lẫn chim mái đều không có cựa. Chim trống cất tiếng gáy hùa uối gọi mái từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm. Tiếng gáy rất to, vang xa và cất lên từng chập. Trĩ sao sinh sản khoảng từ tháng 4 – 8. Sở thú Sài Gòn lai tạo thành công trĩ sao lần đầu tiên vào năm 1996, được biết không nơi nào khác trên thế giới sở hữu phân loài trĩ xinh đẹp và quý hiếm này. Thức ăn của chúng chủ yếu là lá cây, hoa quả, sâu bọ, dòi, nhộng và các động vật nhỏ. 3. Gà lôi hông tía (Lophura diardi) phân bố ở Việt Nam, Lào và miền bắc Thái Lan, trong các rừng nguyên sinh, thứ sinh (nhất là rừng cây họ Dầu), rừng tre và nương rẫy rậm rạp có độ cao trên 600 m so với mực nước biển. Loài được đặt theo tên của nhà tự nhiên học người Pháp Pierre-Médard Diard (diard's fireback, diard's crested fireback, siamese crested fireback). Đây là loài chim xinh đẹp và trổ mã chỉ sau một năm. Mào dài và được trang điểm bởi túm lông màu đen-tím. Mặt và tích đỏ tươi, họng màu đen. Ngực, cổ và lườn trên màu xám với hoa văn lỗ rỗ. Hông màu vàng tươi (nên mới có tên trĩ “hỏa hậu” fireback), gốc đuôi màu ánh kim với tua hạt dẻ. Đuôi dài và cong với các tông màu đen, xanh và lục. Cánh màu xám với những vạch đen trắng; bụng và lườn màu đen. Mỏ màu vàng, cẳng chân và ngón màu đỏ. Giống như những loài gà lôi khác, cựa mọc khá dài nên cần phải tỉa để không làm gà mái bị thương khi giao phối. Gà mái không nổi bật bằng gà trống nhưng cũng có hoa văn độc đáo khiến chúng trông hấp dẫn nhất so với gà mái của các loài trĩ khác. Gà mái không có mào, mặt và tích nhỏ hơn so với gà trống nhưng cũng đỏ tươi. Đầu, họng và cổ có màu nâu-xám; phần trước của ngực và lưng có màu hạt dẻ tươi. Phần sau của lưng, cánh và đuôi có màu hạt dẻ với màu đen và trắng lỗ rỗ. Mỏ màu xám sẫm, chân và ngón màu đỏ. Gà trưởng thành vào năm thứ ba, có khi vào năm thứ hai. Gà trống có màu lông trưởng thành vào năm thứ nhất nhưng đuôi vẫn ngắn hơn so với gà trống trưởng thành. Kích thước từ 61-81 cm. Mùa sinh sản diễn ra từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm. Gà mái đẻ từ 5 đến 8 trứng và ấp từ 24-25 ngày. 4. Gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi) là loài đặc hữu, phân bố ở khu vực bắc trung bộ gồm Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Trị và Hà Tĩnh, trong vùng rừng rậm quanh núi đá vôi và rừng thứ sinh ở độ cao 50 – 200 m so với mực nước biển. Gà lôi mào trắng được cho là bị tuyệt chủng trong hàng chục năm trời nhưng mới được tái phát hiện gần đây. Loài được đặt theo tên của nhà động vật học người Pháp Alphonse Milne-Edwards (1835-1900), giám đốc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris. Loài gà nhỏ con, gà trống có màu xanh ánh kim với vô số tông màu khi được chiếu sáng. Lông ở lưng, cánh, bao cánh và đuôi đen với mép lông màu lam ánh kim. Đôi lông đuôi ở giữa nhọn, ngắn dần ở các đôi tiếp theo. Mào trên đỉnh đầu màu trắng và ngắn hơn so với các loài gà lôi khác, mặt và tích đỏ tươi, chân đỏ, đuôi ngắn. Mỏ lục vàng nhạt hay màu sừng. Gà mái nhỏ hơn nhiều với tông nâu chủ đạo và mào không hiện rõ. Mặt và mồng gà mái nhỏ cũng như nhạt màu hơn, chân đỏ. Gà trống trổ mã ở một năm tuổi. Mặc dù rất hiếm ngoài tự nhiên nhưng loài này xuất hiện nhiều trong môi trường nuôi dưỡng bởi trước đây người Pháp đã đem nhiều cá thể về châu Âu. Trong môi trường nuôi dưỡng, gà sinh sản từ cuối tháng 3 đến tháng 6 hàng năm. Chúng dường như rất thích mưa và có lẽ là loài trĩ duy nhất như vậy. Mỗi lứa có từ 4 - 7 trứng màu kem hồng thẫm với các chấm trắng nhỏ. Thời gian ấp 24-25 ngày. Gà cha mẹ chăm sóc con rất tốt. 5. Gà lôi lam đuôi trắng (Lophura hatinhensis) là loài trĩ đặc hữu, phân bố hẹp xung quanh khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ ở Hà Tĩnh và Quảng Bình. Địa bàn ưa thích của chúng là các sườn đồi thấp và thung lũng ven suối có độ cao khoảng 50 – 200 m trong các khu rừng ẩm thường xanh nguyên sinh và thứ sinh, những nơi có tán rừng, nhiều cọ, mây song và tre nứa nhỏ. Trong địa bàn nói trên còn gặp cả gà lôi lam mào đen, gà tiền, gà so và trĩ sao. Về mặt di truyền, gà lôi lam đuôi trắng rất gần với gà lôi lam mào trắng nên có ý kiến coi nó như một phân loài của loài trên. Gà lôi trống trưởng thành có mào lông màu trắng ở đỉnh đầu với mút lông đen. Sải cánh dài 245 mm. Đầu, cổ ngực và trên đuôi đen có ánh tím thẫm. Lông cánh đen, bao cánh đen có ánh xanh. Các lông bao cánh, lông ở lưng và bao đuôi có vệt ngang đen nhung ở gần mút lông. Đuôi đen và có 4 lông, ở giữa màu trắng tuyền (đặc điểm phân biệt chủ yếu với gà lôi lam mào trắng). Chim mái trưởng thành có kích thước nhỏ hơn chim trống và nhìn chung bộ lông có màu hung nâu sẫm. Chân đỏ. Da mặt đỏ tươi. Mỏ đen sừng. Ghép đôi bắt đầu từ tháng 10. Mỗi lứa đẻ 5 – 7 trứng và cách nhau 2 – 3 ngày. Thời gian ấp 21 – 22 ngày. Vườn thú Hà Nội đã chăn nuôi thành công loài này. Kết quả theo dõi cho thấy gà lôi lam đuôi trắng hoạt động kiếm ăn mạnh vào hai thời điểm sáng sớm và chiều tà, giảm dần vào lúc trưa. Trưa nghỉ trong bụi râm mát. Tối ngủ trên các cành cây cao. Ăn nhiều loại thức ăn như thóc, ngô, lạc, chuối tiêu, nho, rau xà lách, giá đỗ, giun, châu chấu, ốc vặn... 6. Gà lôi lam mào đen (Lophura × imperialis) phân bố trong các cánh rừng của Việt Nam và Lào. Được Delacour & Jabouille mô tả vào năm 1924 từ một đôi chim mẫu bắt được tại Việt Nam. Tuy nhiên tần suất bắt gặp là rất thấp. Nó được tái phát hiện vào năm 1990, khi một con trống choai bị một người nông dân thu hoạch mây bẫy được. Một con trống choai khác bị bắt vào tháng 2 năm 2000. Gần đây, qua xét nghiệm ADN, người ta đã xác định được đấy là con lai tự nhiên của gà lôi vằn (Lophura nycthemera annamensis) với gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi) hoặc gà lôi lam đuôi trắng (Lophura hatinhensis) chứ không phải là một loài riêng biệt. Vì vậy, các tổ chức BirdLife và IUCN đã đưa nó đưa ra khỏi danh sách loài bị đe dọa. Gà lôi lam mào đen trông tương tự như một loài chim bí ẩn khác của Việt Nam là gà lôi lam đuôi trắng, nhưng to hơn, dài khoảng 75 cm, đuôi cũng dài hơn, mào và các lông đuôi màu lam sẫm toàn bộ trong khi gà lôi lam đuôi trắng có mào và các lông đuôi trung tâm màu trắng. Mặt và tích màu đỏ tươi, mào lam, chân đỏ thẫm và bộ lông bóng. Con mái mầu nâu với mào lông ngắn dựng đứng, đuôi và lông cánh sơ cấp màu đen. 7. Gà lôi trắng (Lophura nycthemera) là loài phân bố rộng từ tây nam Trung Quốc, đông Miến Điện, bắc Lào, tây nam Campuchia, đông bắc Thái Lan, miền bắc Việt Nam cho đến tận đảo Hải Nam. Đây là loài được đề cập đến nhiều nhất trong hội họa và thơ ca Trung Quốc thời cổ đại, nghe nói nó là cảm hứng cho sự sáng tạo con chim “phượng hoàng” thần thoại. Phân loài chuẩn Lophura nycthemera nycthemera (không hiện diện ở Việt Nam, chỉ dùng để so sánh): gà trống có mào đen dài, cổ đen, bụng đen ánh xanh thép. Toàn thân màu trắng với những vạch đen. Đuôi dài, những lông ở giữa trắng tuyền. Mỏ xám, chân đỏ, mặt và tích đỏ tươi, nhất là vào mùa sinh sản. Gà trổ mã với bộ lông trắng vào năm thứ 2. Năm đầu gà trống thường có nhiều vệt đen trên ngực, trong khi hầu hết phần còn lại có màu nâu với những vạch xám nhạt. Gà mái có màu xám ô-liu. Gà mái nhỏ và mặt nhạt màu hơn nhiều so với gà trống. Gà thường trưởng thành khi đạt 2 năm tuổi, đôi khi sớm hơn. Gà sinh sản rất sớm vào cuối tháng 2 hàng năm. Mỗi lứa đẻ từ 6 đến 15 trứng và ấp trong vòng 26-27 ngày. Phân hóa hình thái mạnh với tổng cộng 15 phân loài. Theo www.vncreatures.net, ở Việt Nam ghi nhận có 4 phân loài bao gồm: gà lôi beaulieu, gà lôi berlioz, gà lôi bel và gà lôi vằn. Nguyên tắc phân biệt các phân loài: càng vào phía nam thì lông đuôi càng ngắn dần, màu trắng càng giảm và màu đen càng tăng. So sánh chiều dài đuôi của các phân loài theo thứ tự phân bố như sau: * Phân loài chuẩn Lophura nycthemera nycthemera: gà trống 550 – 700 mm, gà mái 240 – 320 mm. * Gà lôi beaulieu (Lophura nycthemera beaulieui): gà trống 458 – 365 mm. * Gà lôi berlioz (Lophura nycthemera berliozi): gà trống 380 mm. * Gà lôi bel (Lophura nycthemera beli): gà trống 350 – 450 mm, gà mái 200 – 220 mm. * Gà lôi vằn (Lophura nycthemera annamensis): gà trống 310 – 355 mm, gà mái 215 – 255 mm. 7a. Gà lôi beaulieu (Lophura nycthemera beaulieui) phân bố ở bắc bộ, từ tây bắc đến Hà Tĩnh. Đặc điểm tương tự như phân loài chuẩn Lophura nycthemera nycthemera, nhưng đuôi ngắn hơn một chút; những vạch đen ở phần trên cơ thể nhiều, rộng và đậm hơn những vạch đen ở cánh và cạnh đuôi. 7b. Gà lôi berlioz (Lophura nycthemera berliozi) phân bố ở bắc-trung bộ, gồm Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên-Huế trong vùng rừng núi có độ cao khoảng 600 – 1500 m. Đặc điểm tương tự như gà lôi beaulieu ngoại trừ đuôi ngắn hơn. 7c. Gà lôi bel (Lophura nycthemera beli) phân bố ở trung-trung bộ, từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, trong vùng rừng thường xanh nguyên sinh và thứ sinh có độ cao trên 500 m. Gà lôi bel tương tự gà lôi berlioz, nhưng đuôi trắng hơn. Chúng kiếm ăn dưới mặt đất và ban đên ngủ trên cây. 7d. Gà lôi vằn (Lophura nycthemera annamensis) là phân loài đặc hữu, phân bố ở các rừng nam-trung bộ, cao nguyên Lâm Viên phía bắc Plâycu và đông bắc-nam bộ. Gà trống có mào dài, họng và toàn thể mặt bụng màu đen. Đặc điểm dễ thấy là một dải rộng màu trắng chạy dọc theo hai bên cổ. Lông dài ở ngực và sườn màu trắng pha lẫn đen. Mặt lưng có những vân đen mảnh xen kẽ với vân trắng, mỗi một lông có khoảng 6 tới 7 vân trắng hẹp. Cánh màu đen với một vài vân trắng; đuôi màu đen có nhiều vân trắng hẹp. Mắt màu nâu cam hay vàng. Mỏ đen hoặc màu xám sừng. Da quanh mắt màu đỏ tươi, chân đỏ tía. Gà mái có bộ lông màu nâu sẫm. Đuôi màu nâu hạt dẻ sáng, họng màu xám nhạt. Mào dài và có màu nâu sẫm. Lông bao cánh, vai và toàn bộ mặt lưng có những vệt hình mũi mác màu xám nhạt, những vệt này ở phía trên lưng có mép màu tối đục. Mắt nâu, mỏ ngà, chân đỏ tía. 8. Gà tiền mặt đỏ (Polyplectron germaini) là loài đặc hữu, phân bố ở phía nam nước ta từ Quy Nhơn vào đến Đồng Nai, trong nhiều địa hình rừng núi khác nhau kể cả rừng thông và tre nứa, nơi có độ cao khoảng 1200 m so với mực nước biển. Kích thước trung bình khoảng 60 cm. Gà trống có những đốm tròn lớn màu xanh thép trên cánh vai và đuôi, lưng và gốc đuôi có màu nâu sẫm và không chấm tròn. Mào rất ngắn màu vàng cam, mặt màu đỏ. Gà mái nhỏ hơn, da mặt cũng đỏ và những đốm tròn trên đuôi rõ nhất so với các loài gà mái khác cùng chi. Gà tiền thường phát tiếng gáy kéo dài đặc trưng vào các giờ khác nhau trong ngày. Lúc chạy thường xòe cánh và ít khi bay lên cao. Gà sinh sản hầu như quanh năm. Mỗi lứa, gà mái thường đẻ hai trứng màu kem và ấp từ 22-23 ngày. Thức ăn bao gồm trái cây và côn trùng. 9. Gà tiền mặt vàng (Polyplectron bicalcaratum) phân bố từ vùng đông bắc đến sườn phía đông dãy Trường Sơn, thuộc tỉnh Bình Định. Tuy vùng phân bố rộng nhưng gà tiền mặt vàng hiện còn rất ít. Trên thế giới, gà tiền mặt vàng xuất hiện ở Miến Điện, Thái Lan, bắc Lào, Vân Nam và đảo Hải Nam ở Trung Quốc. Có tổng cộng 5 phân loài; xét trên vùng địa lý, phân loài ở nước ta có lẽ là phân loài chuẩn phân bố ở Miến Điện và Lào Polyplectron bicalcaratum bicalcaratum. Lông gà trống màu xám nâu. Mào màu nâu vằn trắng. Trên lưng, lông bao đuôi có vệt trắng xếp thành hàng. Cánh có nhiều sao tròn được bao ngoài bằng một vòng đen và một vòng trắng nhạt. Trên đuôi có nhiều sao lớn hình bầu dục màu vàng lục ngoài viền hung đỏ. Chân có hai cựa. Mắt trắng, da mặt vàng, chân xám. Gà mái gần giống gà trống nhưng kém mã hơn. Sống định cư ở rừng, thích hợp là rừng già cây gỗ pha tre nứa trong các thung lũng hay chân núi đá. Sống đơn lẻ hoặc theo cặp. Kiếm ăn vào buổi sáng và chiều. Trưa bay lên cành cây thấp để nghỉ (thường đậu lên cây giang hoặc nứa đổ nằm ngang cao 3 m). Ngủ đêm trong bụi gian hoặc bụi cây. Trước khi bay lên cây ngủ thường kêu “kò kò ...kọc, kò kò...kọc”. Gà tiền mặt vàng ăn quả mềm (đa, si, sung, vả) rụng trên mặt đất, các hạt cỏ dại và các loài động vật nhỏ (mối, kiến, giun, dế...). Mùa sinh sản từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm và thường nghe con trống gáy “koong kói koong kói”. Tổ làm trong hố đất nhỏ, nông và lót bằng lá khô. Mỗi lứa đẻ 2 trứng, vỏ màu vàng đất. Ấp 21 ngày. Con non mạnh khoẻ. 10. Gà lôi tía (Tragopan temminckii) phân bố ở Lào Cai, gần Sa Pa, nơi có rừng cây cối rậm rạp với độ cao từ 2000 – 3000 m so với mặt nước biển. Trên thế giới, loài này phân bố từ vùng đông bắc Ấn Độ, Miến Điện cho đến Trung Quốc. Tên được đặt theo nhà điểu học người Hà Lan Coenraad Jacob Temminck (1778-1858). Đầu màu đen, mặt nạ màu xanh quanh mặt lan rộng vào mùa sinh sản; mào, cổ và ngực có màu đỏ-cam sẫm, một số con trống có cổ áo màu cam tươi; phần còn lại trên cơ thể màu đỏ thắm với những đốm xám ở ngực dưới và trên cánh, lưng và lông đuôi. Yếm màu xanh da trời với mảng đỏ-cam. Mắt nâu, mỏ đen, chân hồng. Gà trống non 1 năm tuổi nhìn chung giống gà mái nhưng kích thước hơi lớn hơn. Gà mái có thân trên màu hung đỏ cho đến nâu xám, với nhiều bông hình mũi tên màu da bò (buff) nhạt cho đến trắng xám. Cổ màu da bò cho đến trắng, với những vạch đen; thân dưới màu nâu nhạt với những đốm trắng và vệt đen lớn. Da quanh mắt có màu hơi xanh lam. Gà lôi tía kiếm ăn và làm tổ trên cây. Thức ăn chủ yếu lá chồi, hạt và côn trùng. Trong môi trường nuôi dưỡng, gà trưởng thành vào năm thứ 2 và sinh sản vào cuối tháng 4 cho đến tháng 6 hàng năm. Mỗi lần đẻ từ 3 – 6 trứng và ấp trong 28 ngày. Ghi chú 1. Gà tây Meleagris gallopavo (domestic turkey) đôi khi cũng được gọi nhầm là... "gà lôi"! Gà này xuất xứ từ Bắc Mỹ. 2. Gà sao Numida meleagris (helmeted guineafowl), còn gọi "gà trĩ" (rất dễ hiểu nhầm!), là giống ngoại nhập và không thuộc nhóm trĩ. Một số người nuôi gà này để lấy thịt. 3. Một số trĩ cảnh có nguồn gốc ngoại nhập, có lẽ từ Thái Lan hoặc Trung Quốc, chẳng hạn trĩ đỏ, trĩ trắng (có lẽ là trĩ đỏ bạch tạng), trĩ bảy màu vàng, trĩ bảy màu xanh, trĩ bảy màu đỏ. Đa số đều bị lai tạp, không nên lai với trĩ nội địa để bảo vệ nguồn gien thuần chủng. 4. Thông tin về gà lôi lam trắng lai với gà nhà: Tham khảo http://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_mục_sách_đỏ_động_vật_Việt_Nam http://en.wikipedia.org/wiki/Pheasant http://www.gbwf.org/pheasants/ http://vncreatures.net/hinhanh.php?page=34&loai=1&nhom=0& http://220.231.117.38/bc/index.php?option=com_medialibrary&task=showCategory&catid=194&Itemid=56
Chuồng chim cảnh ngoài trời aviary Thắng Lợi Aviary là một mô hình chuồng nuôi chim cảnh ngoài trời, một không gian nuôi chim nhốt nhưng có khả năng tiếp xúc trực tiếp với các điều kiện thời tiết của địa phương. Ưu điểm: Tạo một không gian trang trí sân vườn lí thú với người nuôi chim. Tạo điều kiện cho chim nuôi tuy bị nhốt nhưng có cảm giác rất gần gũi với tự nhiên. Hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi về không gian, môi trường cho một số loài chim hoang dã có thể sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt. Vệ sinh dễ dàng. Trang trí nội thất dễ đẹp. Nhược điểm: Có thể thu hút chuột, rắn, chồn... hoặc một số loài côn trùng có hại tìm đến để ăn chim hoặc ăn thức ăn của chim - làm ảnh hưởng chung đến sinh hoạt của con người và môi trường chăn nuôi chung. Một số loài chim không sẵn sàng thích ứng với điều kiện khí hậu mưa nắng tự nhiên, hoặc một số loài không phù hợp khi nhốt chung với nhau: nếu không chú ý và chuẩn bị kĩ sẽ không thể thích nghi được lâu dài với môi trường sống trong chuồng chim cảnh ngoài trời.