Một phương pháp nuôi gà khác (SuperMax) SuperMax (Larry Locara) – http://supermaxpointing.multiply.com Trong 5 năm qua, tôi đã dần chuyển đổi sang một phương pháp nuôi gà khác, áp dụng chủ yếu cho đám gà ác, gà địa phương và một số gà chọi. Như một nhà nông học được đào tạo, những gì mà tôi áp dụng được dạy trong trường vào những năm 70 và hầu như dựa vào thức ăn công nghiệp và thuốc. Đến tận cuối những năm 1990, tôi nuôi bầy gà nhà bằng thức ăn công nghiệp và duy trì sức khỏe bằng thuốc kháng sinh, vitamin-khoáng chất và những chất phụ trợ khác mua ngoài thị trường. Nhưng khi tôi gắn bó với một chương trình hỗ trợ nông nghiệp địa phương vào năm 2003, tôi bị ngập trong tin nhắn, đặc biệt từ các trang trại quy mô nhỏ, về vấn đề làm thế nào để giảm chi phí chăn nuôi gà và những vật nuôi khác. Vào đầu năm 2004, sau cùng tôi nhận ra rằng cần phải có một cơ chế chuyển đổi từ lối chăn nuôi thuần túy dựa vào các sản phẩm thương mại sang một lối thực tế và ít tốn kém hơn. Đó cũng là quan điểm khi tôi được tham dự bài giảng của các chuyên gia từ Bộ nông nghiệp, thuật ngữ mà họ dùng “Hệ thống nuôi trồng tự nhiên” được xây dựng bởi tiến sĩ Teruo Higa, một nhà nông học tự nhiên người Nhật, người đã phát triển những kỹ thuật ứng dụng chất lợi khuẩn và vi khuẩn có ích vào nhiều phương diện đời sống và nuôi trồng. Sau này tôi hoàn thiện kiến thức của mình nhờ tìm tòi thêm, đặc biệt qua mạng internet. Rồi tôi kết hợp chất lợi khuẩn với dược thảo như là nguồn cung cấp vitamin và thuốc điều trị. Cũng nhờ internet, tôi tìm hiểu các loại dược thảo địa phương nhằm giúp đỡ nông dân bớt phụ thuộc vào các sản phẩm thương mại. Qua sự giúp đỡ của bè bạn, tôi thu thập được nhiều loại dược thảo nhờ đó mà không phải tốn nhiều tiền mua thuốc nữa. Tôi sống ở một khu vực ngoại ô thành phố Iloilo và dùng một mảnh vườn nhỏ để thử nghiệm trong vòng 6 năm qua. Vào từng thời điểm, tôi nuôi khoảng từ 40 đến 60 con gà trong khu có diện tích 80 mét vuông. Vào hầu hết thời điểm trong năm, khu vực này ẩm ướt và lầy lội vì nền đất sét, môi trường lý tưởng để các vi khuẩn và virus gây bệnh sinh sôi. Việc gà được thả rông càng làm vấn đề thêm trầm trọng bởi vì chúng lê la khắp nơi, và cùng với chất thải của chúng, khu vực này trở thành một ổ bệnh tiềm tàng chẳng hạn như Newcastle, cầu trùng, bệnh đường hô hấp mãn (chronic respiratory disease) cùng những bệnh khác nữa. Trong vòng 4 hay 5 năm lại đây, tôi không thấy bệnh NCD hay những bệnh khác xuất hiện. Dẫu vẫn trữ sẵn thuốc kháng sinh, tôi chỉ chích cho chúng khi cần thiết. Với nguồn dinh dưỡng cân bằng và việc sử dụng rộng rãi chất lợi khuẩn và thảo dược, tôi đã nuôi dưỡng những cá thể khỏe mạnh mà không cần dùng đến kháng sinh và dồn tiền để mua vitamin. Dưới đây là cách thực hiện: Làm vi sinh bản địa (IMO): Phương pháp cơ bản Nấu gạo thành cháo sệt, để nguội và đổ ra khay với độ dày khoảng 1 inch. Phủ giấy báo và cột kỹ rồi để nơi râm mát, tốt nhất dưới tán cây. Lên men trong từ 4-7 ngày, để các vi sinh có ích phát triển trong môi trường, có lẽ bao gồm lactobacilli, men, meo (mold) và nấm (fungi)... Một khi lên men xong, tính thể tích, chuyển qua hũ to, bằng thủy tinh hay nhựa an toàn. Bổ sung một lượng tương đương đường nâu hay mật đường. Trộn đều và để 3 ngày trước khi dùng... Dùng trong chăn nuôi cầm súc hàng ngày. IMO có công hiệu trong vòng 2 tháng, sau đó bạn có thể dùng để xịt đất và cây, đặc biệt là khi kết hợp với hỗn hợp dược thảo. Trồng dược thảo, cây giàu dưỡng chất và cây thức ăn gia súc Trong vòng 4 năm nay, tôi duy trì một mảnh vườn nhỏ để trồng cây và dược thảo. Chúng vừa dùng để nấu nướng vừa dùng cho gà qué. Bởi vì diện tích đất nhà chỉ có 120 mét vuông tính cả một ngôi nhà nhỏ, chúng tôi chỉ còn 10 mét vuông đất trồng các loại cây cỏ khác nhau. Hàng rào của tôi được trồng từ 5 đến 6 cây chùm ngây (Moringa pterygosperma), một cây ổi để lấy lá, cây ngũ trảo (Vitex negundo), cây bụt giấm (Hibiscus sabdariffa) và cây cườm rụng (Carmona retusa). Ngay dưới cửa sổ của tôi là một đám dược thảo gồm bạc hà (peppermint Mentha × piperita), javamint [tác giả nhầm lẫn, chẳng có cây nào như vậy], bạc hà lục (spearmint, Mentha spicata, lá răn như cây húng láng hay húng lủi), rau má, ngải thơm (Artemisia dracunculus) và cỏ râu mèo (Orthosiphon spp.). Mật độ thực vật dày đặc và lớp mùn hữu cơ kích thích trùn đất phát triển. Tôi cũng trồng theo mùa nhiều loại đậu (legume), cả thân đứng lẫn dây leo, chẳng hạn đậu triều (cadios), đậu bướm (centrosema) và thậm chí cả đậu xanh nữa. Một số hạt cao lương (sorghum) còn sót lại khi tôi cho gà ăn cũng mọc thành cây. Chúng trở thành nguồn lương thực tự túc, đặc biệt là khi đám gà ác sục sạo để ăn và lại làm rơi vãi một số. Tôi cũng thường cắt cây cao lương đến tận gốc để kích thích ra nhánh. Cao lương có mức năng lượng tương đương với bắp và gạo nhưng nhiều đạm (protein) hơn. Loại cây giàu tinh bột như khoai sọ (gabi) là nguồn thức ăn tốt cho ốc sên. Cây khoai sọ và những cây thân mềm khác kích thích ốc sên sinh sôi và được thu hoạch bằng cách bẫy đơn giản. Ốc sên là nguồn thức ăn giàu protein, đặc biệt nếu băm nhỏ và nghiền nát. Vỏ ốc sên cũng là nguồn thức ăn giàu can-xi cho gà. Đám gà ác và gà bản địa đều ăn ốc sên tươi băm nhỏ một khi được cung cấp. Chương trình cho ăn Tôi dựa vào cả thức ăn thương mại lẫn tự túc để nuôi gà. Ban đầu tôi nuôi gà bằng cám thúc (booster) rồi chuyển sang cám khởi động (starter) cho gà con và cám tăng trưởng (grower) theo lịch trình. Những thực phẩm này giúp chúng có khởi đầu tốt và có đầy đủ đạm (và amino acid), carbohydrate, chất béo và vitamin để chúng lớn nhanh. Tuy nhiên, sau 3 tháng, tôi chỉ cho ăn một nửa khẩu phần hay khoảng từ 20 đến 30 g mỗi con để buộc chúng phải tự kiếm nửa phần còn lại. Mảnh vườn hiện giờ chen chúc nào là cao lương, đậu và cỏ, trở thành địa điểm sục sạo của đám gà. Hạt và lá cỏ là nguồn carbohydrate bổ sung, trong khi lá, cành non và hạt các loại đậu như đậu triều, đậu bướm, đậu xanh và đậu công (flemingia) đem lại nguồn protein bổ sung. Nếu có điều kiện, ốc sên giã hay nấu và băm nhỏ cũng là nguồn protein tuyệt vời đối với gà. Sử dụng IMO và dược thảo hàng ngày IMO, một dạng chất lợi khuẩn và thảo dược, là trọng tâm của chương trình tăng cường sức đề kháng của tôi. Nước uống hàng ngày được chuẩn bị bằng cách trộn 1/2 muỗng trà IMO vào 1 lít nước sạch. Một lượng đều nhau gồm chùm ngây, rau má, ngũ trảo và bạc hà (hoặc húng) được giã nát và 2 muỗng canh nước cốt tổng hợp được hòa với 1 lít nước đã cho IMO trước đó. Đây là nguồn nước uống duy nhất cho gà, đặc biệt là gà con trong lồng ươm (brooder). IMO và thảo dược cũng được bổ sung vào thức ăn, nhất là cám khi còn ướt. Trước khi cho nước, lấy 1/2 chén thảo dược (giống như trên) được băm nhuyễn trộn với IMO với tỷ lệ 1 muỗng canh mỗi nửa kilo cám. Khi thêm nước, hỗn hợp được trộn đều và cho gà ăn. Phương pháp này đảm bảo rằng con nào cũng có phần ăn lợi khuẩn và thảo dược. Điều trị bệnh thông thường bằng thảo dược: Bằng việc tăng cường sức đề kháng, tôi đã hạn chế mức độ nhiễm bệnh đến mức tối thiểu và chi phí thuốc kháng sinh và thậm chí cả vitamin-khoáng chất cũng giảm một cách đáng kể. Vi khuẩn có ích đi vào cơ thể và chiếm chỗ trong ruột và những khu vực khác, trục xuất vi khuẩn gây bệnh ra ngoài. Thảo dược như chùm ngây cung cấp chất chống lão hóa (anti-oxidant), vitamin như B-complex, tiền vitamin như betacarotene và khoáng chất như sắt, kali và những thứ khác. Rau má bao gồm những hóa-thực chất (phytochemical) giúp tăng cường sức đề kháng và tác dụng trực tiếp như là thuốc sát trùng chống vi khuẩn gây bệnh. Ngũ trảo (lagundi) là thuốc ho và có tác dụng kháng CRD. Bên cạnh đó, ngũ trảo còn được biết ở châu Âu như là nguồn hormon thực vật – có tác dụng dưỡng thai (phyto-progesterone) và cũng được gọi là cây Chaste (tiết hạnh) và có thể kích thích mái tơ động dụng sớm. Bạc hà (hay húng) có chất the và giúp gà ngon miệng. Nó kích thích khẩu vị. Việc chuyển đổi sang phương pháp nuôi gà tự nhiên đã giúp tôi có cái nhìn tường tận về cách thức mà chất lợi khuẩn hỗ trợ cho sự tăng trưởng của gà và những sinh vật sống khác. Những nông dân được học hỏi qua radio và các bài viết trên báo chí địa phương đều chuyển qua áp dụng phương pháp này và kiểm chứng được lợi ích của nó. Vâng, tiến sĩ Higa đã đúng khi đề xuất hướng tiếp cận mà ông gọi là Hệ thống nuôi trồng tự nhiên! ================================ Ghi chú Những cây được dùng phổ biến làm thức ăn cho gia cầm ở ta gồm: *Chè đại Trichanthera gigantea được nhập khẩu năm 1993 từ Colombia; đây là loại cây thân bụi, lá to, năng suất khá cao, rất giàu protein 15-18%, khoáng và vitamin. *Rau lấp Aneilema keisak còn gọi là rau thài lài nước, rau ngấp ngó; giàu vitamin, protein và chất khoáng. *Lục bình.