Lịch sử chọi gà Luuk Hans - www.aviculture-europe.nl Hai con Satsumadori đang đá. Chọi gà là bộ môn thể thao rất cổ xưa. Xưa hơn cả kỷ nguyên Công giáo. Thậm chí, người La Mã rất ưa chuộng, và những dân tộc và quốc gia khác còn biết [chọi gà] trước họ rất lâu. Nghe nói, trò chơi máu me này du nhập từ Ba Tư vào châu Âu, cụ thể là Hy Lạp. Chọi gà đã tồn tại ở châu Âu trước khi La Mã xâm lược đảo Anh vào năm 55 trước công nguyên. Cũng vậy, các tộc người Xen-tơ (Celts) và Gô-loa (Gaul) ở lục địa biết đến trò chọi gà trước khi người La Mã chinh phục châu Âu. Thậm chí xa hơn, các dân tộc ở Đông Nam Á (Ấn, Nhật, Hoa) đã biết đến nó [chỗ này tác giả thiếu chính xác]. Một “trò thể thao” từng phổ biến ở khắp nơi trên thế giới. Ngày nay, nó bị bị cấm đoán ở nhiều quốc gia, dẫu vậy nó vẫn hoạt động một cách lén lút, kể cả ở Mỹ. Ở châu Âu, chọi gà vẫn hợp pháp ở miền Bắc Pháp và chỉ ở vùng Nord - Pas de Calais. Chọi gà cũng hợp pháp ở quần đảo Canary thuộc Tây Ban Nha. Cho dù bị cấm đoán, chúng ta vẫn lưu giữ được các giống gà rất đẹp ngày nay như Malay, Asil, Shamo, gà chọi Anh (Old English Game), và cả gà chọi Mỹ (American Game) nữa! Đấy là lý do cần mô tả ngắn gọn về lịch sử chọi gà. Có hai việc xin được lưu ý trước: bài viết này không chứng tỏ rằng tác giả ủng hộ việc chọi gà. Thứ nhì, lịch sử có thể được xem xét dưới nhiều quan điểm khác nhau. Cổ vật Các cuộc khai quật cho chúng ta biết rằng gà được thuần dưỡng khoảng 6000 năm trước ở Trung Hoa [thông tin cũ]. Tuy nhiên, bằng chứng viết tay đầu tiên đến từ Ấn Độ rằng trò chọi gà xuất hiện trong các vương quốc, khoảng 1500 năm trước công nguyên. Thời tiền Công giáo, cách nay khoảng 3000 năm vào thời kỳ của người Phoenician, Do Thái và Canaan, chọi gà đã phổ biến. Lai tạo gà chọi để đá trường được xem là một nghệ thuật và việc kinh doanh chúng mang lại lợi nhuận. Ở Ai Cập, vào thời của Moses, chọi gà là một trò tiêu khiển yêu thích. Trong thời đỉnh cao của nền văn minh Hy Lạp, Themistocles – một vị tướng, người chuẩn bị lên đường chinh phạt Ba Tư – quyết định ôm một chiến kê vào đêm trước trận chiến để khích lệ binh sĩ của mình qua bản chất anh dũng của chiến kê. Dường như người Ba Tư du nhập gà chọi và trò chọi gà vào Hy Lạp. Việc này xảy ra vào khoảng 500 năm trước công nguyên. Sau này, người La Mã thừa kế rất nhiều phong tục và thói quen của Hy Lạp, kể cả trò chọi gà. Đồ gốm Corinthian Hy Lạp, niên đại 700 trước công nguyên. Chọi gà thời cổ, không rõ niên đại và địa điểm. Như đã nói, lịch sử chọi gà bắt đầu từ thời cổ đại. Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng nó bắt nguồn từ Đông Nam Á [thông tin mới]. Tuy nhiên, trước khi trở thành một trò thể thao, gà được coi như là linh vật, dành được sự kính trọng của con người. Gà chọi là đối tượng của tín ngưỡng tôn giáo. Người Syrian cổ tôn sùng gà chọi như là một vị thần. Người Hy Lạp và La Mã cổ gán ghép gà chọi với các vị thần như Apollo [thần mặt trời], Mercury [thần buôn bán] và Mars [thần chiến tranh]. Một ví dụ cổ về tín ngưỡng: trò chọi gà được tổ chức trong các đền thờ và con gà chết vì thua trận được dâng lên các vị thần. Gà được đặt trong một cái vạc bằng vàng, ngâm trong dầu và gia vị. Rồi nó được đốt trên một bệ thờ và tro được đặt trong một cái lọ hay bình bằng vàng. Chọi gà ở châu Âu là trò tiêu khiển của cả thường dân lẫn quý tộc. Người Tây Ban Nha và người Anh, những người đến châu Mỹ mang theo gà chọi và bộ môn chọi gà. Thời La Mã Môn thể thao chọi gà đã xuất hiện ở Rome năm 450 trước công nguyên. Những tác giả cổ La Mã nổi tiếng như Varro và Columella viết về trò chọi gà. Họ viết rằng những chiến kê xuất sắc nhất đến từ đảo Rhodes (dẫn lời của các tác giả Hy Lạp). Julius Caesar rất thích chọi gà và trong đợt chinh phạt đảo Anh lần thứ nhất vào năm 55 trước công nguyên, ông thấy người Briton nuôi gà chỉ để đá; họ không ăn thịt chúng bởi việc đó là cấm kỵ. Ông cũng viết rằng gà chọi của người Briton hay hơn so với gà chọi của người La Mã. Tranh khảm (mosaic) ở Pompei, Ý. Vương quốc Anh Những văn bản sớm nhất về trò chọi gà ở Anh có niên đại vào thời vua Henry II (1154 - 1189). Nhiều vị vua Anh như James I, William III và Charles II thích chọi gà. Vua Henry VIII thậm chí còn dựng một trường gà trong Bạch Cung (Whitehall Palace) của mình ở Westminster. Có thời điểm, chọi gà trở thành môn thể thao quốc gia, và những học viện chuyên biệt được yêu cầu chỉ dạy sinh viên về các vấn đề liên quan đến chọi gà như lai tạo, chăn thả và biệt dưỡng gà chọi. Bởi vô cùng phổ biến, thậm chí giới tăng lữ cũng khuyến khích bộ môn này. Sân nhà thờ và bên trong nhà thờ từng được sử dụng làm trường gà. Vào năm 1654, chọi gà bị coi là phi pháp ở Anh bởi luật của Oliver Cromwell. Nhưng giới quý tộc cũng như thường dân ngoài đường phố vẫn tiếp tục chọi gà và dẫu bị cấm, các trận đấu vẫn được tổ chức trên toàn nước Anh, thậm chí ở nơi công cộng. Rồi vào năm 1849 trong thời trị vì của nữ hoàng Victoria, tính hợp pháp của bộ môn sau cùng cũng kết thúc bởi đạo luật 1849 về Phòng chống Hành vi Tàn ác đối với Động vật. Tuy nhiên, cho đến ngày nay các trận đá gà phi pháp vẫn nở rộ trên toàn nước Anh. Gà chọi được cắt tỉa. Tranh khắc của J. Scott. Các trận đấu được tổ chức ở trường gà, vốn là một khuôn viên tròn bao quanh bởi gỗ, mi-ca (plexiglass) hay lưới chuồng gà. Chỗ ngồi ở trường đấu lớn (stadium) có thể được bố trí sang trọng, nhưng tại các trường đấu “bờ bụi” (brush pit) khán giả có thể đứng hoặc ngồi trên các hàng ghế dài hay ghế xe cũ. Việc cá cược diễn ra trước trận đấu và tiếp tục xuyên suốt. Cờ bạc từng đóng vai trò trọng tâm vào thời xa xưa. Chọi gà thường được tổ chức theo nhóm gọi là giải derby, theo đó sư kê nào thắng nhiều trận nhất trong ngày sẽ đoạt giải derby [chỗ này có lẽ tác giả nhầm lẫn bởi theo Henry Wortham, cái tên "derby" được lấy theo giải đua ngựa Kentucky Derby vào năm 1929]. Gà được bồng bởi chủ gà hay nài trong khi chúng mổ qua mổ lại; việc này được gọi là “cắn mổ”. Rồi gà được thả tại mức được kẻ trên cát để chúng mổ hay đá bằng cựa sắt (spur). Khi chúng bị dính cựa (entangled) và không thể đá nữa, trận đấu sẽ được dừng và hai con được gỡ ra một cách cẩn thận. Rồi trận đấu lại bắt đầu từ mức kẻ trên cát. Một con gà chọi Anh được cắt tỉa (nguồn H.P. Clarke 1848). Trong lịch sử nước Mỹ Môn thể thao chọi gà ở Mỹ thực sự là một tiếp nối của văn hóa chọi gà ở cựu lục địa. Những tổng thống Mỹ nổi tiếng đều thích chọi gà như George Washington, Thomas Jefferson, Andrew Jackson và Abraham Lincoln. Người sau cùng được đặt biệt danh là “Abe Trung Thực” nhờ tài năng của ông trong vai trò trọng tài. Trò chọi gà được công nhận về phương diện xã hội và các quý ông được khuyến khích nuôi một bầy gà và trở thành chuyên gia trong bộ môn thể thao này. Có thời, nước Mỹ trở thành một trung tâm của các hoạt động và sự kiện chọi gà. Chọi gà thậm chí được tổ chức trong phòng họp của tổng thống. Nghe nói gà chọi suýt trở thành quốc huy. Nó kém một phiếu so với đại bàng Mỹ. Chọi gà là bộ môn phổ biến thứ nhì sau đua ngựa. Mọi người đều tham gia vào các trận đấu như thế này và mọi tầng lớp xã hội đều sở hữu gà chọi. Quảng cáo chọi gà ở bang Kentucky, Mỹ. Sau đây là câu chuyện được trích từ Storey’s Illustrated Guide của Ekarius (2007). Một câu chuyện bằng hình ảnh phản ánh quan điểm của mọi người về trò chọi gà (vào năm 1775): “… Đại úy John Caldwell thuộc đại đội Kent, trung đoàn Delaware là một sư kê đam mê. Ông và đội quân của mình, những người khơi mào cuộc Cách mạng Mỹ (vào nửa sau thế kỷ 18), vẫn đá gà trong những tháng sau cùng của cuộc chiến. Họ nổi tiếng là những người dũng cảm và thiện chiến trong các trận chiến với quân Anh ở Trenton, Princeton, White Plains và Long Island. Những lúc nghỉ ngơi, đại đội thường tham gia đá gà với dòng gà được đặt tên là Blue Hen hạt Kent. Nghe đồn rằng những con “Blue Hen” [“mái xám”, tức dòng gà xuất phát từ bổn mái xám danh tiếng] này là gà cọp. Cùng với thời gian, cả trung đoàn được đặt biệt danh “Blue Hen” để vinh danh năng lực chiến đấu của cả chiến sĩ lẫn gà của họ… “. Đấy là câu chuyện về dòng gà Blue Hen ở Delaware. Ngày nay, nó trở thành dòng gà của bang Delaware và Đại học Mascot bang Delaware. Trò chọi gà lên đến đỉnh điểm ở Bắc Mỹ thuộc Anh trong khoảng 1750 và 1800. Chọi gà rất phổ biến trên toàn Bắc Mỹ nhưng cực kỳ phổ biến ở những bang miền Nam, nhất là Louisiana. Các sư kê Mỹ nuôi và đá gà chọi vốn được lai tạo và tuyển chọn theo các đặc điểm chiến đấu mong muốn. Họ đã tạo ra những dòng gà chọi rất riêng biệt như Hatch, Kelso, Whitehackles và những dòng khác. Trò chọi gà giảm dần khi nội chiến xảy ra. Cận cảnh đầu của một con gà chọi Madagascar. Những nơi khác trên thế giới Ở nhiều nước, trò chọi gà là bất hợp pháp và bị cấm đoán, nhưng không phải nơi nào cũng vậy! Nhiều quốc gia phát triển giống gà chọi riêng của mình. Nhiều giống gà được pha với nhau – như Malay, Aseel và gà chọi Anh thường được dùng để tạo ra những chiến kê dữ dằn. Chẳng hạn ở Mỹ những ngày xa xưa, nhiều dòng gà được đặt theo tên của nhà lai tạo như đã nói ở trên. Ngày nay, hầu hết trong số chúng đều biến mất. Một ví dụ khác là các quốc gia Mỹ Latin mà mỗi nước đều có một giống gà chọi của riêng mình, chẳng hạn như Navajeros ở Peru. Gà chọi Anh. Nhiều giống gà chọi vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay. Một số giống rất đẹp, nhất là những giống đuôi dài. Những quốc gia như Nhật và Indonesia có nhiều giống gà danh tiếng; nhiều trong số chúng vẫn rất nổi tiếng , chẳng hạn như Shamo của Nhật và Sumatra của Indonesia. Nhiều người thường không nhận ra rằng những giống gà như Sumatra và Satsumadori vốn là gà chọi. Những giống gà khác như Malay, Aseel, Shamo và gà chọi Anh trông ra dáng chiến binh hơn. Hầu hết các giống gà chọi ở những nơi khác trên thế giới trông ít nhiều tương tự với gà Malay [chẳng hạn như gà đòn Việt]. Gà Aseel. Nghe nói rằng giống gà này được sử dụng để cải thiện tinh thần chiến đấu. Nhiều giống gà bị pha tạp, nhưng một số còn rất nguyên sơ chẳng hạn như giống Reza nhỏ con và giống Kulang Asil to con hơn ở Ấn Độ và những biến thể Shamo chẳng hạn như Yakido ở Nhật. Chọi gà vốn rất phổ biến ở nhiều quốc gia và ở một số nơi vẫn được duy trì. Giống gà chọi cổ trụi Madagascar và gà chọi Bruges ở Bỉ rất cổ xưa và vẫn còn phổ biến. Cận cảnh đầu của một con gà Malay. Gà chọi Bruges. Trong trường đấu Ở Anh, các trường gà quy củ đã tồn tại từ trước khi châu Mỹ được khai phá. Người Luân Đôn có thể tham dự các trận đấu tại những nơi như vậy chẳng hạn như Royal Pit [trường gà hoàng gia] tại Westminster. Cấu trúc gạch và gỗ này được vận hành trong 110 năm. Các trận đấu ở Westminster dẫn đến sự hình thành của bộ luật chọi gà (rules and order of cocking). Tuy nhiên, các trận đấu ở Mỹ không đòi hỏi địa điểm cố định. Các chiến kê – có ghi nhận về những sự kiện mà khoảng năm chục đến sáu chục cặp thi đấu – đá trong khuôn viên được chăng dây hay ở bãi đất trống giữa các tòa nhà. Chiến kê đá với đối thủ cùng trọng lượng, giống như đấm bốc hay đấu vật ngày nay. Trận đấu chỉ kết thúc khi một trong hai bị chết hoặc không đá được nữa. Kết cục bằng cái chết nhằm hạn chế những tranh cãi về việc thắng thua hay chung độ. Nhật Bản, gà đuôi dài thi đấu. Tại các trận đấu, mọi người gặp gỡ bạn hữu và làm quen. Một số thực hiện các giao dịch thương mại. Số khác tham dự các dạ hội sau giải đấu. Trong thời gian thi đấu, khán giả cổ vũ, ăn nhậu và thề thốt. Ở Mỹ khi trận đấu chậm lại, gà được chuyển từ sới chính sang sới phụ ở bên cạnh (dragpit) để đá cho đến hết trận. Ở một số nước, cựa xương được cắt ngắn và tròng cựa sắt (gaff) mà nó hơi cong và mũi nhọn như băng nhũ. Hai cựa sắt Anh-Mỹ. Sự ruồng bỏ Chính quyền thỉnh thoảng cố hạn chế trò chọi gà. Vào năm 1752 ở Anh, trường cao đẳng William & Mary chỉ thị sinh viên tránh xa nó. Bang Georgia ngăn cấm vào 1775. Quốc hội và một loạt bang thông qua luật cấm chọi gà. Sau cuộc chiến giành độc lập (Revolutionary War), một số công dân của nước Mỹ mới xem trò chọi gà như là tàn dư kém cỏi của văn hóa Anh và ủng hộ việc ngăn cấm nó. Chọi gà ở Bali theo Keller, 2012. Ngày nay Ngày nay, trò chọi gà vẫn còn tồn tại. Mặc dù bị cấm đoán ở hầu hết các nước phương Tây, nó vẫn diễn ra ở Mỹ, chủ yếu bởi dân nhập cư. Tại nhiều quốc gia ở châu Phi, Mỹ Latin và châu Á, trò chọi gà vẫn được cho phép [về mặt chính thức, chọi gà không bị cấm ở Việt Nam mà chỉ có “cờ bạc phi pháp” bị cấm mà thôi; tuy nhiên chọi gà hầu như đi đôi với cờ bạc và mặt khác, vẫn có những hình thức cờ bạc khác được nhà nước cho phép]. Gà chọi Mỹ với dây cột. Gà Satsumadori. Chính quyền lo ngại về sự suy đốn của những người chủ gia đình, nhất là khi cá cược lớn tiền. Việc cá cược có thể lấy đi toàn bộ thu nhập! Do vậy, với một số nước việc này quá nguy hiểm. Sẽ rất khó để cấm hẳn môn thể thao máu me này. Dẫu vậy, trò chọi gà cũng mang lại một số giống gà xinh đẹp cho thế giới phương Tây. Người chơi gà ở khắp nơi trên thế giới vẫn cản những chiến kê hùng dũng và can trường này dù với mục đích trưng bày hay đá trường, và việc bảo tồn những di sản sống cổ xưa này cũng là một phần của nhiều nền văn hóa ở khắp nơi trên thế giới. Một cặp gà Shamo ở Mỹ. Kết luận Chọi gà bị cấm đoán ở nhiều nơi trên thế giới. May quá. Rất nhiều giống gà chọi xuất hiện trong các cuộc triển lãm ngày nay. Một tiến triển tốt. Tuy nhiên, những đặc điểm của gà chọi cũng cần được bảo tồn. Sự thay đổi về huyết thống cần được phát hiện nhằm bảo tồn những đặc điểm này. Các giống gà chọi đều lực lưỡng và kiêu hãnh, nhưng hầu hết đều thân thiện với con người, thậm chí với những con trống khác; hãy cứ để chúng như vậy! Chọi gà rất phổ biến nên có rất nhiều đồ mỹ nghệ về chủ đề này; ở đây là tượng kim loại.