Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Dinh dưỡng và áp lực đối với gà chọi (John W. Purdy)

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - gà' bắt đầu bởi vnreddevil, 11/4/13.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Dinh dưỡng và áp lực đối với gà chọi
    John W. Purdy (2000) – www.ultimatefowl.com

    Chất quan trọng nhất đối với sự sống là nước. Trung bình, nước chiếm đến 55% trọng lượng của gà – trên 1.2 kg nước trong 2.4 kg trọng lượng! Hiển nhiên, chất lượng nước cho gà uống ảnh hưởng đáng kể đến thành tích ngoài trường đấu, trong chuồng lai tạo hay sức khỏe nói chung của chúng. Nguồn nước tươi mới và vệ sinh giúp gà tiêu hóa tốt, ổn định thân nhiệt và vận hành cả ngàn quy trình hóa học vốn giúp chúng đá hay.

    Gà có khả năng chịu đựng được nước bẩn và vẫn sống sót. Chúng ta đều thấy những khay nước không được sạch, gà vườn uống từ vũng nước đọng mà chúng vẫn ổn. Điều không thể hiện ra ngoài đó là hệ miễn dịch phải không ngừng đấu tranh với vi khuẩn trong nước, cũng như trong không khí và đất, từ phân của chim hoang… Hiển nhiên, khi phản ứng với “áp lực” này, đề kháng tự nhiên của gà có thể thất bại và bệnh xuất hiện. Để ngăn cản điều này xảy ra, và hạn chế một “nguồn lây bệnh”, bạn chỉ cần thay nước thường xuyên và đảm bảo nước sạch. Điều này sẽ giúp gà dồn mọi năng lượng để đấu tranh với những vi khuẩn và virus gây bệnh tiềm tàng khác, phát triển bộ lông, cơ bắp, xương, và một cơ thể khỏe mạnh và dẻo dai, điều đóng vai trò sống còn trong lai tạo và đá trường.

    Mặc dù nước máy rất vệ sinh, clor là một hóa chất mạnh mà tôi thấy nên tránh khi biệt dưỡng. Trên thực tế, có nhiều hóa chất được sử dụng để xử lý nước máy vốn không có ích cho gà chọi trong quá trình biệt dưỡng. Nếu nguồn nước của bạn có hóa chất, có một vài giải pháp mà bạn nên biết. Trước hết, vì clor nhanh chóng bay hơi, hãy để một chậu nước qua đêm cho hả clor. Một giải pháp nữa cũng có thể sử dụng là dùng bộ lọc than hoạt tính. Bộ lọc này dễ kiếm, rẻ tiền và lọc hóa chất rất hiệu quả. Đem một chai nước đã khử clor theo bạn đến trường đấu. Thay đổi nguồn nước uống của chiến kê sắc sảo vào ngày thi đấu, hay trước đó một hôm, có thể là một sai lầm.

    Nếu việc uống nước bẩn có thể là yếu tố gây áp lực đối với gà chọi, vậy đâu là những yếu tố khác? Và yếu tố áp lực là gì? Yếu tố áp lực là bất kỳ yếu tố nào trong môi trường sinh sống của gà mà nó đe dọa đến điều kiện “bình thường” và buộc gà phải tự điều chỉnh để thích nghi. Chẳng hạn, nhiệt phát sinh từ ánh nắng (yếu tố môi trường) khiến cho thân nhiệt của gà gia tăng (thay đổi) và nó bắt đầu thở dốc (điều chỉnh). Phản ứng với yếu tố căng thẳng thường tiêu cực, bởi gà phải thường xuyên tái phân bổ năng lượng và dưỡng chất. Trong ví dụ này, chiến kê của bạn tốn rất nhiều năng lượng để hạ thân nhiệt. Sản xuất năng lượng phụ thuộc nhiều vào việc phân hủy carbonhydrate và chất béo, vốn đòi hỏi nhiều vitamin và khoáng chất bao gồm thiamin, niacin và riboflavin, kèm theo ma-nhê như là “đồng-enzyme”. Nó cũng phải thải ra một lượng lớn carbon dioxide tồn đọng, vốn tăng cao trong máu, điều cần đến chất điện giải, thay đổi cân bằng nước và vân vân. Khi nhiệt độ không khí tăng, sai biệt giữa nhiệt độ không khí và thân nhiệt giảm và tỷ lệ giải nhiệt giảm. Vì gà không có tuyến mồ hôi, chúng phải dùng nhiều cách để giải nhiệt ra khỏi cơ thể. Chúng tìm đến bóng râm, thở dốc và giang cánh để làm mát lớp không khí sát lông. Chúng thường nằm xuống nền với cánh và chân giang rộng để nhiệt có thể truyền từ cơ thể sang nền đất mát. Mồng và tích là bề mặt để máu giải nhiệt vào không khí, nhưng khi tỉa mồng thì chúng ta đã loại bỏ khả năng này.

    Để giảm áp lực quá nhiệt, cho gà ăn vào buổi sáng sớm và chiều muộn trong mùa nóng bức, để nhiệt lượng phát sinh trong quá trình trao đổi chất (tiêu hóa) không xảy ra vào thời điểm nóng nực nhất trong ngày, lúc gà đang cố giải nhiệt. Cung cấp bóng râm cho gà, và đặt khay nước ở đó. Cung cấp khay nước uống cho gà tơ thả rông. Bỏ chất điện giải vào nước uống 3 lần mỗi tuần. Nếu gà ăn ít đi (vào mùa nóng) hãy gia tăng hàm lượng dưỡng chất trong khẩu phần ăn, để chúng vẫn nhận được cùng lượng protein, năng lượng, vitamin và khoáng chất. Bổ sung vào khẩu phần ăn những trái cây nhiều nước như táo, đào, chuối, lê, xoài… Nếu bạn phát hiện có con đang khổ sở chống chọi với áp lực nhiệt và sắp đổ gục, nhúng nó vào nước mát (không lạnh) và thả nơi bóng râm. Có lần tôi bỏ thùng đựng đầy gà con 1 ngày tuổi ngoài nắng trong khi sửa soạn chuồng úm. Trời có vẻ không nóng lắm, nhưng trong vòng 20 phút hầu hết đều té xỉu và nhiều con bị chết. Tôi thấy mình thật ngốc! Tôi đưa chúng vào chuồng, rảy ít nước lên người chúng trong khi cầu nguyện cho những con đã chết (chúng là gà của xếp tôi). Trong vòng vài phút, chúng bắt đầu kêu líu ríu và chạy tung tăng, trông mạnh khỏe như thường và sẵn sàng đóng nhận trải nghiệm kế tiếp!

    Áp lực nhiệt là một ví dụ về áp lực thể chất. Những áp lực thể chất khác là tăng trưởng nhanh, sản lượng trứng cao, biệt dưỡng gắt gao, xổ, nước và thức ăn kém chất lượng, nhiễm bệnh, ký sinh và tiêm chủng. Nói chung, áp lực làm gia tăng sự phân hủy, tiêu thụ và tổng hợp đường và chất béo, gia tăng thoái hóa protein ở cơ, gia tăng sản xuất hormon như corticosteroid (tức adrenaline), insulin và glucagon, và tác động tiêu cực lên cân bằng điện giải.

    Áp lực tâm lý cũng quan trọng không kém. Diều bay trên đầu là một ví dụ về áp lực tâm lý. Gà chọi đáp ứng tốt với áp lực này một khi nó đã quen. Khi chuẩn bị chiến kê đá trường, nhiều người bật nhạc trong kê phòng thật to và liên tục 24 giờ để gà làm quen với tiếng ồn ngoài trường đấu. Đây là ý tưởng hay. Thường xuyên bồng bế gà ngay trước giai đoạn biệt dưỡng cũng có ích. Giúp gà làm quen với những điều khác lạ mà chúng có thể đối diện ngoài trường đấu. Nên nhớ rằng – bạn cần một chiến kê sắc sảo, tập trung khi ra sới. Một chiến hữu của tôi bỏ gà trong lồng xách trong quá trình biệt dưỡng, chở chúng đi lòng vòng trên xe tải. Bạn có thể cho điều này là thái quá nhưng chính những chi tiết nhỏ làm nên sự khác biệt. Sử dụng tủ dưỡng 60 x 60 cm khi cho gà ăn bữa tối. Đây là loại tủ dưỡng mà bạn sẽ sử dụng ngoài trường đấu. Quấn chân thường xuyên để gà quen với áp lực trên chân, chỗ gần cựa – chúng sẽ bớt chòi đạp và giãy giụa khi bạn lắp cựa để đá. Khi xổ gà, nhờ vài người bạn đến chơi và la hét, vung tay giống như đám đông xung quanh sới. Việc thay đổi người mà gà vốn đã quen thuộc (người chăm sóc) khi xuất trường có thể khiến gà lo lắng. Cố gắng bố trí để người chăm sóc/biệt dưỡng cũng đồng thời là nài gà, hay nài gà phụ xổ trong quá trình biệt dưỡng. Luôn sử dụng một vài chiến kê kinh nghiệm để xổ với gà tơ, chưa đá đấm bao giờ. Điều này sẽ giúp chúng “tập trung” ngay lập tức! Chất phụ trợ cũng giúp gà đang chịu áp lực tâm lý mau thích nghi và hồi phục.

    Một số dòng gà có xu hướng giải tỏa áp lực tốt hơn là số khác. Gà đòn nổi tiếng về sự điềm tĩnh, kháng bệnh và thích nghi với chuồng trại chật hẹp. Gà cận huyết sâu thường lo lắng và kén chọn môi trường bởi vì khả năng giải tỏa áp lực kém. Gà căng thẳng hay “nhút nhát” (high-strung) rất khó tới độ vào ngày đấu bởi chúng “lo ra”! Nếu bạn thấy gà nhút nhát, nhớ dành nhiều thời gian trong quá trình biệt dưỡng để giúp chúng làm quen với việc bồng bế, vận chuyển, nhốt trong tủ dưỡng, xổ, tiếng ồn…

    Như các sư kê kinh nghiệm đều biết, không dễ để đạt 10% biệt trội về phong độ, chân cuối, mỏ cuối và đó là cuộc chơi khó khăn. Cách mà bạn xử lý sự tương tác giữa áp lực, dinh dưỡng và phong độ đóng một vai trò chủ chốt trong việc hoàn thành mục tiêu ở bộ môn này.


    ---------------------------------------------------------------------------


    Ghi chú (vnrd)

    *Khử clor trong nước máy bằng vitamin C là cách đơn giản và hiệu quả mà người chơi cá cảnh vẫn áp dụng.
    http://www.diendancacanh.com/threads/1424

    *Giải nhiệt cho gà trong những ngày nóng bức là một nhu cầu cấp thiết. Trên thực tế, đa số các trại gà đều xây tường gạch, mái tôn với một vài lỗ thông gió bên trên. Gà thường bị hốc vào buổi trưa (biểu hiện giang và xệ cánh). Giải pháp thông thường là cho gà uống nước pha chất điện giải và xịt nước lên tường và mái tôn. Còn vài cách nữa chúng mà chúng tôi thấy hiệu quả và nằm trong khả năng của mọi người đó là: trồng cây xung quanh nhà, phủ xanh tường và mái (xịt nước sẽ hiệu quả hơn), và bố trí trần cao, mái lệch để lấy gió và thoát nhiệt. (còn một số cách tạm thời nữa như dùng quạt hút, đặt chai đá lạnh… riêng đại gia muốn chơi tới bến thì tường hai lớp, bố trí hồ nước hoặc hệ thống bơm phun tự động trên mái)
    [​IMG]
    [​IMG]

    *Vào mùa mưa, độ ẩm thực sự là một vấn đề. Trại gà cần bố trí ở vùng đất cao (gò), hoặc đắp nền như xây nhà cho người. Trại cần thiết kế để vừa thoáng khí mà vẫn tránh gió lùa.
     
    Last edited by a moderator: 5/3/16

Chia sẻ trang này