Hệ miễn dịch với gà chọi John W. Purdy (2000) – www.ultimatefowl.com Chức năng của hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể chống chọi với bệnh tật dựa trên hàng loạt yếu tố, mà nhiều trong số chúng có thể kiểm soát thông qua việc quản lý bầy gà một cách đúng đắn. Bài viết sau đây nêu lên những thành phần cơ bản của hệ miễn dịch ở gia cầm, vai trò của chúng trong việc phòng bệnh, và những kỹ thuật phòng bệnh và tăng cường hệ miễn dịch một cách hiệu quả. Hệ miễn dịch của gia cầm thực ra bao gồm hai cơ chế miễn dịch phức tạp và khác biệt mà chúng phối hợp với nhau để duy trì sức khỏe và phòng bệnh. Cơ chế bẩm sinh (innate) là tuyến phòng vệ đầu tiên. Các ví dụ về hệ thống này bao gồm đề kháng di truyền, thân nhiệt và hiện diện của vi khuẩn có ích mà chúng khắc chế cả về thể chất lẫn hóa học đối với sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Các ví dụ khác của hệ miễn dịch bẩm sinh là các tuyến phòng vệ của cơ thể nhằm ngăn cản sự thâm nhập chẳng hạn như da, màng nhầy trong các đường hô hấp và tiêu hóa, và lông mao đường hô hấp, mà chúng bẫy và “dọn dẹp” bụi, vi khuẩn và những thứ khác trong khí quản. Một thành phần khác của hệ miễn dịch bẩm sinh là “thể bù” (complement) (gồm các protein và enzyme trong máu, mà chúng bám vào các vật thể lạ và tiêu diệt). Thành phần sau cùng của hệ miễn dịch bẩm sinh là những tế bào dọn dẹp lớn gọi là “đại thực bào” (macrophage). Những tế bào quan trọng này chu du trong cơ thể, nuốt và tiêu hủy vi khuẩn, virus, nấm và cặn bã, và hỗ trợ cho sự phát triển của hệ miễn dịch như mô tả ở phần sau. Cơ chế thứ hai được gọi là hệ miễn dịch chuyên biệt (specific). Hệ thống này được kích hoạt một khi tuyến phòng vệ đầu tiên bị vượt qua. B-lymphocyte hay “B-cell” là một loại tế bào bạch huyết và được kích hoạt khi đại thực bào nuốt các tác nhân ngoại lai. B-cell liên lạc với vỏ của đại thực bào và nếu một tác nhân ngoại lai bị phát hiện, B-cell bắt đầu tự nhân bản và sản xuất kháng thể (antibody) đặc biệt, còn gọi là immunoglobulin. Việc sản xuất kháng thể bắt đầu sau từ 4-5 ngày và đạt đỉnh điểm sau từ 3-4 tuần. Kháng thể hòa trong máu, và thực thi nhiệm vụ bằng cách bám lên bề mặt của tác nhân gây bệnh, ngăn cản vi khuẩn và virus gây bệnh bám lên các tế bào đối tượng. Những kháng thể khác tăng cường hiệu quả phòng chống của thể bù và đại thực bào đối với tác nhân gây bệnh. Khi bị nhiễm một bệnh nhất định, B-cell duyệt lại “bộ nhớ” về bệnh đó, và phản ứng lại mối đe dọa một cách tốc hành. B-lymphocyte/kháng thể tạo phản ứng phòng vệ đối với vắc-xin, theo đó vi khuẩn chết hoặc suy yếu được đưa vào cơ thể, cho phép bộ nhớ của B-cell được kích hoạt và trong tương lai, sẵn sàng sản xuất kháng thể một khi chúng phát hiện thấy nguồn bệnh. B-lymphocyte/kháng thể chủ yếu phòng ngừa bệnh tật xâm nhập và gây hại cho các tế bào đối tượng. Tuy nhiên, nếu hệ miễn dịch không thể ngăn cản bệnh, phản ứng tiếp theo của hệ miễn dịch chuyên biệt là sản xuất ra T-lymphocyte. Tùy vào mỗi loại T-cell chuyên biệt, chúng có thể trực tiếp tấn công đối tượng, tăng cường chức năng của các tế bào khác bao gồm cả chức năng miễn dịch (chẳng hạn như B-cell và đại thực bào) và tiêu diệt tế bào nhiễm bệnh khi cần. Khi gà bị nhiễm bệnh và tự sản xuất ra kháng thể, điều này gọi là “miễn dịch chủ động”. Với gà mới nở, gà mẹ cung cấp kháng thể thông qua trứng. Động vật có vú tiết ra sữa non giàu kháng thể cho con bú. Kháng thể được tạo sẵn gọi là “miễn dịch thụ động”. Những phụ gia thức ăn mới trên thị trường cung cấp kháng thể cho động vật và gia cầm, và chứng tỏ tác dụng trong việc phòng bệnh (một ví dụ về công nghệ này là sản phẩm Pro-Immune). Trên thực tế, gà mái là nhà máy sản xuất kháng thể hiệu quả mà kháng thể trong trứng trở thành chủ đề nghiên cứu và phương pháp điều trị chủ yếu ở người. Những chương trình tiêm chủng nhất định trên gia cầm được lên lịch sao cho chúng hoạt động sau khi kháng thể từ gà mẹ bị suy yếu, để kích thích B-cell tạo kháng thể và kích hoạt hệ miễn dịch đề kháng với bệnh tật. Nếu việc tiêm chủng diễn ra sau khi kháng thể từ gà mẹ đã tan hết, phản ứng với vắc-xin có thể xảy ra. Phòng bệnh đòi hỏi việc quản lý bầy gà một cách hiệu quả. Với các nhà lai tạo gà chọi, thách thức cũng tương tự, và có thể còn khó hơn nhiều so với các nhà chăn nuôi công nghiệp. Nhiều tiêu chuẩn áp dụng cho gà công nghiệp, trên thực tế, lại không phù hợp với hoàn cảnh của nhà lai tạo gà chọi bình thường. Phương pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh là an toàn sinh học: ngăn cản việc tiếp xúc với nguồn bệnh hay đối tượng tiềm tàng (gà, chim hoang hay nuôi, động vật, người, thức ăn nhiễm bệnh và dụng cụ). Việc này khả thi đến mức nào đối với một nhà lai tạo gà chọi bình thường? Hầu như không thể! Tuy nhiên, có một vài bí quyết mà bạn có thể thực hiện nhằm hạn chế khả năng nhiễm bệnh cũng như tác động của chúng một khi xảy ra. 1. Cách ly gà con với gà trưởng thành nếu có thể. Gà thả rông ngoài khu vực dây cột hoặc uống cùng khay nước với gà giống có thể truyền bệnh từ một con cho toàn bộ bầy đàn. Nếu gà con tiếp xúc với nguồn bệnh tiềm tàng trước khi có kháng thể, chúng có thể đổ bệnh. Nhiều gà lớn hơn có thể mang mầm bệnh, thậm chí dù chúng không thể hiện triệu chứng. 2. Trước khi mua gà, hãy tìm hiểu quy trình (thuốc, phụ gia thực phẩm, lịch tiêm chủng, kỹ thuật chăn nuôi) mà nhà lai tạo áp dụng để giữ gà mạnh khỏe. Tìm hiểu loại bệnh xảy ra trong quá khứ và ông đã làm gì để khống chế và chữa trị cho chúng. Nếu ông sử dụng rất nhiều thuốc và gặp nhiều khó khăn với bệnh tật trên bầy gà, thì bạn hãy cân nhắc việc mua gà. Bạn sẽ mua gà và cả những rắc rối của ông nữa. Nếu có thể, hãy kiểm tra gà thật kỹ trước khi mua chúng! Quan sát gà thật kỹ lưỡng – không chỉ các chiến kê sáng láng, mà cả gà giống lẫn gà con nữa. Chúng có mạnh khỏe và cảnh giác với cặp mắt lanh lợi, bộ lông tươi tốt và đầu đỏ tươi? Khi chúng gáy, giọng của chúng có to và trong trẻo? Trống và mái tơ có hoạt bát bên dây cột? Chuồng lai tạo và gà giống có sạch sẽ và được quản lý tốt? 3. Khi mang gà mới về nhà, hãy cách ly chúng với bầy gà nhà trong 2 tuần nếu có thể. Cho gà nhà ăn uống và bồng bế trước rồi sau cùng mới đến gà mới để tránh lây bệnh cho gà nhà. Tẩy giun và diệt rận cho chúng, và theo dõi chúng cẩn thận. Đôi khi, sự căng thẳng khi chuyển đến nơi ở mới cũng như việc thay đổi khẩu phần ăn cũng khiến bệnh tật phát sinh. 4. Chọn gà giống trong số những con mạnh khỏe và hoạt bát nhất. Dẫu lai tạo những cá thể yếu ớt trong một dòng gà hay cũng chẳng ăn thua; tốt nhất nên bỏ còn hơn là tạo cơ hội để những gien kháng bệnh kém lọt vào bầy gà của bạn. 5. Giải thích cho khách viếng thăm về nội quy hạn chế đi lại trong trại gà của bạn. Nếu bạn bán gà, hãy yêu cầu khách hàng đi ủng và sát trùng trước khi họ đi vào trại. Bệnh có thể được mang đến từ nơi khác thông qua giày dép và quần áo. Nếu bạn biết ai đó mà gà của họ đang bệnh, đừng để người đó đi lung tung và bồng gà của bạn. Điều này rất quan trọng bởi việc khách hàng đi từ trại gà bệnh qua trại gà khỏe là đường lây bệnh phổ biến nhất. 6. Diệt chuột! Chuột có thể mang mầm bệnh, kể cả tiêu chảy. Phân chuột lẫn trong thức ăn có thể truyền bệnh cho bầy gà. Đặt thuốc chuột ở những nơi gà không lai vãng tới và luôn bổ sung thêm. Sử dụng thức ăn chất lượng từ những nhà sản xuất danh tiếng, quản lý tốt. Nếu bạn thấy thức ăn lẫn rác hoặc bị cắn nham nhở, đó là dấu hiệu chuột phá hoại, hãy tìm kiếm nhà cung cấp thức ăn khác. 7. Tôi đề nghị cho ăn 2 bữa mỗi ngày vì nhiều lý do, nhưng một trong số đó là nếu bạn chỉ cho ăn một bữa mỗi ngày, và nếu bạn cho ăn vào buổi tối thì gà của bạn thường chừa lại một ít thức ăn cho ngày hôm sau. Thức ăn thừa lôi kéo chim và chuột đến và chúng có thể mang theo mầm bệnh. Với trại gà lớn thì điều này rất khó thực hiện nhưng với đa số các nhà lai tạo, cho ăn 2 bữa mỗi ngày là khả dĩ. 8. Nếu bạn có không gian, hãy đưa gà ra bãi cỏ thường xuyên. Các trại gà hiện đại thường rộng gấp đôi trước đây để có chỗ cột dây, bãi chăn thả và chuồng lai tạo di động. Định kỳ, toàn bộ gà được dời tới chỗ mới, để nền phục hồi và gà không phải dẫm lên phân cũ. Một số nhóm hợp tác bao gồm nhiều trại gà mà mỗi trại tập trung vào một công đoạn sản xuất chiến kê đá trường: lai tạo, nuôi dưỡng gà tơ và biệt dưỡng. Đây là dạng kết hợp lý tưởng nhằm ngăn ngừa bệnh tật lây lan, dẫu vậy nên nhớ rằng con người và dụng cụ di chuyển giữa các trại cũng có thể lan truyền mầm bệnh. 9. Khi thiết lập sân và chuồng giống, nền hơi dốc tốt hơn bằng phẳng và trũng bởi vì nó thoát nước tốt hơn. Nền trũng kéo muỗi đến (kèm theo bệnh đậu gà) và làm phân ứ đọng. 10. Tẩy giun và diệt rận định kỳ. Những ký sinh này hút hết dưỡng chất của gà và khiến chúng dễ nhiễm bệnh. 11. Tiến hành tiêm chủng những bệnh phổ biến ở vùng của bạn, và với những bệnh mà gà của bạn đặc biệt dễ mắc phải. Marek và newcastle là những bệnh có thể khống chế nhờ tiêm chủng. Ở một số vùng, bệnh đậu gà và coryza xảy ra khá thường xuyên và nên được đưa vào chương trình tiêm chủng. Còn có nhiều loại vắc-xin khác nữa. Bạn hãy làm theo chỉ dẫn để gà không bị phản ứng thuốc. Tiêm chủng vào ban đêm để gà không bị căng thẳng. 12. Có lẽ một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc kiểm soát dịch bệnh là theo dõi các biến đổi về khẩu vị, màu sắc, độ xốp của phân, thở khò khè, ho, chảy mũi, lông ủ rũ, chậm chạp và những triệu chứng khác. Những triệu chứng này đòi hỏi phải hành động ngay! Nếu được, hãy cách ly gà bệnh khỏi bầy ngay lập tức. Hòa kháng sinh phổ rộng vào nước uống cho cả bầy trong khi tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh. Hầu hết các bang đều có trường đại học nông nghiệp với phòng thí nghiệm có thể giúp xác định bệnh, thường là miễn phí, mặc dù bạn có thể phải làm việc với một bác sĩ thú y tại cơ sở để giao nộp gà. Hãy liên hệ với bác sĩ thú y hoặc đại lý nông nghiệp tại địa phương để tìm hiểu thông tin. Phòng thí nghiệm cần nhiều gà bệnh (2-3 con), tốt nhất còn sống hay vừa mới chết, cùng với thông tin chung về bầy gà (số lượng lây nhiễm, tuổi gà, triệu chứng và thời điểm phát hiện, chương trình tiêm chủng, loại thuốc đã dùng…). Phòng thí nghiệm sẽ tiến hành chẩn đoán bệnh và thông thường sau 10 ngày, đưa ra phác đồ điều trị và phòng ngừa cụ thể. Đừng ngại gọi cho họ và đặt cả đống câu hỏi. Tiền thuế của bạn đã được lấy để trả lương cho họ rồi! 13. Giữ gà mạnh khỏe để hệ miễn dịch mạnh mẽ và vượt qua bệnh tật. Cung cấp khẩu phần ăn cân bằng, nước sạch, và kiểm soát áp lực (xem bài Dinh dưỡng và áp lực đối với gà chọi). Cân nhắc việc bổ sung chất tăng cường hệ miễn dịch để kháng bệnh thay vì định kỳ sử dụng kháng sinh mà nó dẫn đến sự kháng thuốc, và làm tổn thương hệ miễn dịch và các cơ quan nội tạng (gan và thận). Những sản phẩm tự nhiên giúp tăng cường hệ miễn dịch bao gồm “chất lợi khuẩn”, chứa những vi khuẩn đường ruột có ích, những vitamin và khoáng chất nhất định như vitamin E và selenium, thảo dược chẳng hạn như cúc dại (echinacea) và triện vàng (goldenseal), kháng thể của gia cầm, cung cấp miễn dịch thụ động và những thứ khác. Trên trang web của tôi có những sản phẩm tự nhiên giúp tăng cường sức khỏe và kháng bệnh cho gà chọi. ========================================= Bí quyết an toàn sinh học: 6 cách phòng bệnh An toàn sinh học cho bầy gà (Wildfoot) An toàn sinh học (Scott Shilala) An toàn sinh học cho gà nhà (Lisa)