Vitamin K với gà chọi John W. Purdy (2000) – www.ultimatefowl.com Vitamin K là một dưỡng chất quan trọng đối với gà chọi. Chất này, vốn cần thiết cho sự đông máu, trên thực tế tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau, chẳng hạn như vitamin K1, vitamin K2 và vitamin K3. Vitamin K1 là một loại vitamin tự nhiên và hiện diện trong hầu hết các loài thực vật với hàm lượng khác nhau. Sau khi K1 được hấp thu vào máu, nó được đưa tới gan, nơi nó chuyển hóa thành vitamin K2. Vitamin K2 cũng được tổng hợp bởi quần thể vi sinh đường tiêu hóa. Mức độ lợi ích mà vật chủ thụ hưởng từ quá trình này tùy thuộc mỗi loài (theo độ dài của đường tiêu hóa), và vị trí sản xuất tương ứng với vị trí hấp thu. K3 là dạng tổng hợp của vitamin này, mà nó được lấy từ thức ăn tổng hợp, chẳng hạn như menadione sodium bisulphite (MSB), menadione sodium bisulphite complex (MSBC), và menadione pyrimidinol bisulphite (MPB). Sau khi được hấp thu, chỉ một tỷ lệ nhỏ được chuyển hóa thành dạng hoạt hóa sinh học (K2) và dự trữ trong gan; còn hầu hết đều bị thải loại một cách nhanh chóng. Nhìn chung, vitamin K trong viên gà đẻ (layer pellet), khi trộn vào khẩu phần ăn, là nguồn bổ sung duy nhất đối với hầu hết các sư kê. Viên gà đẻ được phối trộn với các loại hạt khác, vốn chứa rất ít hoặc không có vitamin K. Như bạn thấy, cách này hạ thấp hàm lượng vitamin nói chung, kể cả vitamin K, và đó là nguyên nhân chúng ta cần bổ sung vitamin vào khẩu phần ăn của gà. Vai trò của vitamin K trong việc sản xuất prothrombin (yếu tố đông máu) rất phức tạp. Cần đến 13 loại protein khác nhau để cơ chế đông máu hoạt động một cách hiệu quả; chỉ 4 trong số đó cần đến vitamin K. Về cơ bản, vitamin K có vai trò “đồng tố” (co-factor) trong việc chuyển hóa các tiền hợp chất thành những protein cần thiết, kể cả prothrombin. Hầu hết các nhà nghiên cứu trong lãnh vực này đều đồng ý rằng việc tổng hợp vitamin K2 ở đường tiêu hóa là đủ cho nhu cầu nội tại của vật nuôi, dẫu cũng nên bổ sung thêm cho chắc ăn. Có nhiều tình huống có thể ngăn cản việc sản xuất cũng như hấp thu một cách hiệu quả vitamin này. Thiếu vitamin K có thể gây ra bởi việc tiêu thụ mycotoxins, chất độc do các loài nấm mốc trong thực phẩm tiết ra. Mycotoxins là chất cực độc và gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nhiều cơ quan bên trong cơ thể. Tránh sử dụng thức ăn ẩm mốc bằng mọi giá. Một nguyên nhân phổ biến nữa gây ra chứng thiếu vitamin K là lạm dụng kháng sinh, mà nó hủy hoại quần thể vi sinh có ích trong đường tiêu hóa. Chẳng hạn, gà mắc bệnh cầu trùng bị thiếu máu mãn tính và thường được điều trị bằng thuốc sulfa liều cao mà nó tiêu diệt mọi vi khuẩn cả xấu lẫn tốt. Cần bổ sung chất lợi khuẩn và vitamin K sau khi điều trị. Việc bổ sung vitamin K rất quan trọng đối với chiến kê chuẩn bị xuất trường. Nên sử dụng những dạng vitamin K tự nhiên trong quá trình biệt dưỡng, bởi chúng tương đối không độc và cũng cung cấp cả những dưỡng chất có lợi khác. Cần hết sức cẩn trọng khi chích vitamin K vì nó gây độc nếu sử dụng quá liều (một chiến hữu của tôi phát hiện ra điều này khi đối tác của anh “quất sụm” bầy chiến kê sắc sảo vào buổi sáng hôm derby bằng việc chích vitamin K cho chúng. Không bao giờ được chích vitamin cho gà vào ngày thi đấu). Theo quan điểm của một nhà dinh dưỡng, và sư kê giàu kinh nghiệm, tôi đề nghị các bạn sử dụng hai nguồn vitamin K tự nhiên: gan và cỏ linh lăng (alfalfa). Cả hai đều là những nguồn vitamin K tuyệt vời (cả K1 lẫn K2) và nhiều dưỡng chất khác chẳng hạn như khoáng chất, vitamin và amino acid. Cỏ tươi cũng là nguồn vitamin K tốt và gà nên được thả ra bãi cỏ một cách thường xuyên trong quá trình tiền biệt dưỡng và biệt dưỡng trước khi lâm trận. Vào những tháng mùa đông hay những vùng rất khô hạn mà cỏ khan hiếm, sẽ rất có ích khi bổ sung gan và cỏ linh lăng cho chiến kê.