Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Các loại thức ăn đặc biệt dành cho cá bột nhỏ

Thảo luận trong 'Tổng hợp - Kinh nghiệm về cá betta' bắt đầu bởi vnreddevil, 20/1/07.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Các loại thức ăn đặc biệt dành cho cá bột nhỏ

    Đây dường như là một chủ đề muôn thuở mà hầu như người nuôi cá lia thia nào cũng quan tâm. Cá bột mới nở của lia thia và một số loài cá cảnh nước ngọt khác như cá killi, cá sặc... rất nhỏ, chúng có kích thước xấp xỉ 1 mm trong khi các loại thức ăn ngoài thị trường như bo bo hay kể cả ấu trùng artemia đều có những hạn chế về kích thước và môi trường. Cụ thể:

    - Bo bo có kích thước tương đương với cá lia thia bột. Mặc dù bo bo mới nở có kích thước chỉ bằng một nửa nhưng chúng lớn rất nhanh. Quan sát trong phòng thí nghiệm của các nhà khoa học phát hiện thấy số lượng bo bo có kích thước nhỏ dưới 0.5 mm là không đáng kể. Mặt khác khi xuất hiện với mật độ cao, chuyển động giật cục của bo bo ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của cá dẫn đến số lượng của chúng bị sụt giảm.

    - Ấu trùng artemia có kích thước thước khá nhỏ, khoảng 0.5 mm, nhưng chúng chỉ sống được khoảng vài giờ trong môi trường nước ngọt.

    Vì vậy trên thực tế, hai loại thức ăn nêu trên không thích hợp để nuôi cá lia thia bột. Bài viết này nhằm giới thiệu hai loại thức ăn đặc biệt nhỏ và thường được sử dụng để nuôi cá con mới nở rất hiệu quả: đó là trùng cỏ (infusoria) và trùn giấm (vinegar eel).

    Trùng cỏ

    Trùng cỏ (infusoria) là những sinh vật nguyên sinh hiện diện ở hầu hết các vực nước như ao, hồ, sông và biển. Chúng có kích thước rất nhỏ và là thức ăn vô cùng quan trọng cho cá bột mới nở. Trong ngành chăn nuôi thủy hải sản ở các nước công nghiệp phát triển, người ta thường phân lập và nhân giống đại trà một số loại trùng cỏ như trùng bánh xe (rotifer) và trùng đế giày (paramecium). Những sinh vật này thuộc về một nhóm trùng cỏ quan trọng gọi là mao trùng (ciliates).

    Trùng cỏ có kích thước nhỏ nhất (khoảng dưới 200 micro mét) so với các nguồn thức ăn khác như bo bo, artemia và trùn giấm. Thực ra, bo bo và artemia mới nở cũng rất nhỏ nhưng chúng tăng trưởng rất nhanh và trở nên quá to để cá bột có thể ăn được. Như vậy, trùng cỏ là thức ăn thích hợp nhất đối với những loại cá bột có kích thước nhỏ chẳng hạn như cá lia thia, betta.

    Ngoài tự nhiên, trùng cỏ hiện diện và tập trung nhiều ở ven bờ ao hồ, kênh rạch, cống rãnh và ruộng lúa; chúng thâm nhập vào cả các hòn non bộ và chậu cảnh qua nguồn thực vật thủy sinh hay thức ăn mà chúng ta mang vào đó. Thức ăn của chúng là vi khuẩn, vi tảo và các loại mùn bã hữu cơ lơ lửng trong nước. Đấy là những nguồn "con giống" mà chúng ta có thể tận dụng để "ươm nuôi trùng cỏ tại gia".

    Có nhiều phương pháp ươm nuôi trùng cỏ, trong loạt bài viết về nguồn gốc của Plakat Thái tác giả Precha đã khuyên nên bỏ một ít rau muống ao vào chậu ép cá và để ở chỗ tối một thời gian, khi cá con ra đời thì nguồn thức ăn trùng cỏ đã sẵn sàng. Bạn sẽ tự hỏi là con giống trùng cỏ ở đâu mà có? Trùng cỏ luôn hiện diện trên bề mặt thực vật thủy sinh (ở đây là rau muống), khi thực vật bị phân hủy bởi vi khuẩn (hiện tượng thối rữa), lượng vi khuẩn sẽ bùng phát và là nguồn thức ăn dồi dào cho trùng cỏ. Trùng cỏ sinh sôi thật nhiều và đến lượt chúng trở thành nguồn thức ăn cho cá bột mới nở.

    Cách truyền thống ở Việt Nam là ngâm lá xà lách trong nước lấy ở ao hay kênh rạch, thậm chí ở cống rãnh trong khoảng một tuần rồi múc cho cá ăn. Trên thực tế, loại lá cây hay nước trái cây nào cũng được nhưng xà lách rất dễ thối rữa và như vậy quá trình ươm nuôi trùng cỏ được rút ngắn. Nếu bạn tham khảo thêm về các cách ươm nuôi trùng cỏ trên mạng thì sẽ thấy người ta sử dụng đủ loại thực phẩm làm thức ăn cho trùng cỏ chẳng hạn như nước trái cây, vỏ trái cây, đồ ăn thừa... tức bất cứ thứ gì có thể lên men nhanh chóng. Tóm lại, nguyên tắc ươm nuôi rất đơn giản: thức ăn (xà lách, rau muống,... ) --> thối rữa (vi khuẩn sinh sôi) --> trùng cỏ ăn vi khuẩn và sinh sôi --> cá bột ăn trùng cỏ. Ở xứ lạnh, trùng cỏ có thể khan hiếm và phải mua con giống nhưng ở xứ nhiệt đới như nước ta, trùng cỏ có mặt ở khắp mọi nơi và vào mọi thời điểm vì chỗ nào cũng có ao, hồ, kênh rạch và hòn non bộ!

    Ươm nuôi trùng cỏ
    [​IMG] [​IMG]
    (Trái) Nước ở các hòn non bộ mọc rêu xanh có chứa trùng cỏ. Chúng thâm nhập vào đó qua nguồn nước và cây thủy sinh. (Phải) Rong và cây thuỷ sinh thu thập từ các hồ nước tự nhiên có chứa trùng cỏ.

    Thành phần:
    - Nước hay rong chứa trùng cỏ lấy từ hòn non bộ hay các hồ nước tự nhiên. Bạn cũng có thể xin nguồn trùng cỏ giống từ những nhà lai tạo cá betta nhiều kinh nghịêm khác. Họ đã lai tạo thành công nhiều bầy cá nên chắc chắn nguồn trùng cỏ của họ có chất lượng.
    - Một chai nước suối đựng nước trái cây.

    Cách thực hiện:
    - Chuẩn bị một chậu nhỏ đổ đầy nước cũ lấy từ hồ cá. Lưu ý: không được sử dụng nước máy vì có chứa chất sát khuẩn!
    - Bỏ vào một ít rong.
    - Đặt nơi có ánh sáng (gần cửa sổ).
    - Hai ba ngày lại châm thêm một muỗng nước trái cây (lưu ý cân chỉnh lượng nước trái cây để không bị thối là được). Có thể thay nước trái cây bằng lá xà lách nhưng quá trình phân huỷ sẽ chậm hơn.

    [​IMG]
    Chậu ươm trùng cỏ dùng để nuôi cá lia thia bột.

    Mỗi khi cho cá ăn múc một chén nhỏ, dùng muỗng múc và rải đều lên mặt nước nơi có nhiều cá bột. Một ngày cho cá bột ăn từ hai đến ba lần. Nếu nước ở chậu ươm vơi bớt thì lại châm nước cũ vào. Xin nhắc lại là phải dùng nước cũ, lấy từ hồ cá hay nước máy đã để hả bằng không chất sát khuẩn trong nước máy sẽ diệt hết trùng cỏ!

    Ươm nuôi trùng cỏ cấp tốc
    Nhiều người, nhất là những người mới bắt đầu nuôi cá betta, thường không chuẩn bị sẵn trùng cỏ trước khi ép cá! Trường hợp của tôi là khi tôi nuôi một bầy lia thia trong hồ và một ngày kia bỗng thấy cá đẻ và trên tổ bọt xuất hiện trứng. Vấn đề như thế này xảy ra rất thường xuyên và tôi tin rằng nó sẽ tiếp tục xảy ra chừng nào còn có người nuôi cá betta. Nếu bạn chơi chung nhóm với những người nuôi cá betta khác thì không thành vấn đề, bạn có thể xin trùng cỏ từ đó. Bằng không tôi xin giới thiệu một cách ươm nuôi trùng cỏ cấp tốc mà bạn có thể chuẩn bị ngay khi vừa phát hiện cá đẻ và có thể cho cá bột ăn sau đó hai, ba ngày.

    Thành phần:
    - Một ly nước lấy ở hòn non bộ, nơi có nhiều rêu xanh. Đây là nguồn trùng cỏ giống.
    - Một nắm lá xà lách xay nát bằng máy xay sinh tố.
    - Một vài viên men cơm rượu. Hầu như bất cứ khu chợ nào ở Việt Nam cũng có bán men cơm rượu, bạn cứ mua ở các cửa hàng tạp hóa, 1 ngàn đồng mua được 2-3 viên. Men cơm rượu có chứa nhiều vi khuẩn, tôi hy vọng nó sẽ đẩy nhanh quá trình phân hủy lá xà lách. Nếu có nhà khoa học nào khẳng định rằng vi khuẩn lên men cơm rượu không hề có tác dụng thúc đẩy việc phân hủy lá xà lách thì chúng ta sẽ tiết kiệm được 1 ngàn tiền mua men cơm rượu! Dẫu sao, đây chỉ là suy luận của riêng tôi, tôi không khẳng định rằng nó thực sự có tác dụng.

    [​IMG]
    Hỗn hợp gồm nước lấy từ hòn non bộ, xà lách xay nhuyễn và men cơm rượu. Kết hợp xục khí để đẩy nhanh quá trình phân hủy và giảm mùi hôi.

    Dụng cụ:
    - Chậu ươm.
    - Máy sục khí.
    - Đèn.

    [​IMG] [​IMG]
    Có thể thay thế nguồn sáng tự nhiên bằng cách chiếu đèn liên tục 10 tiếng/ngày. Sau đó, đem xô chứa trùng cỏ đặt nơi có ánh sáng để sử dụng lâu dài.

    Cách thực hiện:
    - Bỏ xà lách, men rượu, nước chứa trùng cỏ vào chậu. Đổ thêm nước sạch sao cho mực nước đạt khoảng 1/3 chậu.
    - Sục khí liên tục. Việc sục khí sẽ đẩy nhanh quá trình phân hủy xà lách và hạn chế mùi hôi thối phát sinh.
    - Để chậu nơi có ánh sáng (không chiếu trực tiếp). Thực tế, mấy hôm tôi chuẩn bị thức ăn cho cá thì trời mưa liên tục nên tôi sử dụng đèn hồng tím (loại đèn rẻ tiền dùng cho hồ cá) để chiếu sáng, thời lượng chiếu khoảng 10 tiếng/ngày.

    Sau hai ngày, bạn có thể múc dung dịch này để nuôi cá bột. Lượng thức ăn nhiều ít tùy thuộc vào dung tích hồ ép của bạn, tôi thường cho cá ăn 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều. Cứ đổ dung dịch có trùng cỏ vào chậu ép cho đến khi nào nước hơi ngả màu là được. Bạn có thể duy trì phần nước dư và cho thêm xà lách hay nước trái cây vào để sử dụng cho các lần ép cá sau đó. Từ bây giờ, khi dung dịch đã định hình bạn không phải xục khí và chiếu đèn nữa, chỉ cần để nơi có ánh sáng (không chiếu trực tiếp) là đủ nhưng đừng ngạc nhiên khi dung dịch bắt đầu trở nên nặng mùi! Tóm lại, việc ươm nuôi trùng cỏ để nuôi cá bột từ 1 đến 10 ngày tuổi thực sự rất đơn giản nếu các bạn hiểu nguyên tắc ươm nuôi như trình bày ở trên.

    [​IMG]
    Chậu ép nhỏ: mỗi lần cho cá ăn chỉ cần vài muỗng nhỏ rải đều lên mặt nước.

    [​IMG]
    Hồ ép lớn: mỗi lần cho cá bột ăn phải múc 4-5 ly.

    Trùn giấm

    Trùn giấm là loại giun tròn cực nhỏ (nematode) sống trong môi trường giấm ăn. Đây là thức ăn tuyệt vời cho cá bột bởi vì chúng có xu hướng bơi tung tăng khắp hồ nên kích thích cá bột đuổi theo để ăn và nhờ vậy mà vây của cá mau phát triển. Mặt khác loại thức ăn này hầu như không cần phải tốn công sức để chuẩn bị như với artemia hay bo bo. Điểm khó khăn duy nhất là làm sao thu hoạch được chúng. Có hai cách mà người ta thường sử dụng:

    Cách thứ 1 (nguồn http://www.bettatalk.com)
    Khi phát triển quá nhiều, trùn giấm có xu hướng tụ lại ở mép bình giấm. Chúng ngoe nguẩy liên tục và quấn với nhau thành mảng tạm gọi là bọt giấm. Chúng ta có thể sử dụng ống hút (loại có bán ở các tiệm thiết bị y tế) để hút một mảng bọt giấm và nhỏ vào bồn nuôi cá. Để tránh hút theo quá nhiều giấm, hãy điều chỉnh để đầu hút đụng vào mảng bọt giấm và nhả nhẹ núm cao su cho đến khi mảng bọt đi vào ống hút thì nhấc lên. Một mảng nhỏ sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến độ pH của bồn và cung cấp hàng ngàn con trùn giấm làm thức ăn cho cá con. Mảng giấm có khả năng bị chìm xuống đáy bồn vì vậy chúng ta nhỏ giọt giấm vào ống nghiệm chứa sẵn một ít nước hồ, lắc nhẹ vài phút để bọt giấm tan ra và nhỏ vào nhiều vị trí khác nhau trong hồ để dàn đều thức ăn cho bầy cá con.

    [​IMG]
    Ảnh Wayne Schmidt.

    Người ta nhận thấy bình càng nhám thì bọt giấm càng nhiều nên trước khi nuôi giấm người ta dùng giấy nhám chà mặt trong của bình! Vật liệu dùng để nuôi giấm là táo tây xay vụn, bọt giấm thường xuất hiện sau khi bắt đầu nuôi một tuần. Nếu bạn cho đẻ nhiều lứa cá thì số lượng bình nuôi dấm cũng phải nhiều tương ứng.

    Cách thứ 2 (nguồn http://www.livefoodcultures.com)

    [​IMG]
    Sử dụng một cái bình có cổ như thế này (bên trái là chai giấm ăn).

    [​IMG]
    Đổ dấm đầy gần đến cổ bình.

    [​IMG]
    Cho vào một miếng bông lọc (loại sử dụng để lọc cho hồ cá) nhưng đừng đẩy bông quá sâu để nó khỏi lọt luôn xuống bình dấm. Đổ thêm một ít nước vào bình và để qua đêm (nên sử dụng nước cũ như nước hồ cá).

    [​IMG]
    Trùn giấm sẽ chui lên lớp nước phía bên trên để thở. Dùng ống hút lớp nước phía trên mặt bông đem đi nuôi cá bột.

    Cách này thu hoạch hầu hết trùn giấm trong dung dịch vì vậy sau khi thu hoạch cần đổ giấm trở lại bồn cũ và nuôi tiếp trong vài tuần cho đến khi trùn sinh sôi trở lại.

    Trùn cám cơm mẻ
    Tác giả TnDung - nguồn http://forum.ctu.edu.vn

    VNRD: Những con trùn giấm và trùn cám (microworm) có thể được dùng làm thức ăn cho cá con nhưng để ươm nuôi chúng ta cần phải có con giống. Dưới đây là bài viết về cách làm cơm mẻ của thầy TnDung ở Trường Đại học Cần Thơ, qua đó chúng ta được biết con trùn cám thường xuất hiện trong cơm mẻ. Nếu để ý tìm loại cơm mẻ cái lâu năm thì nhiều khả năng có con cơm mẻ hay trùn cám sống trong đó. Đây có lẽ là gợi ý tốt cho các bạn nuôi và ép cá lia thia.

    I. CÁCH LÀM CƠM MẺ.

    Làm cơm mẻ rất dễ,

    - Lấy khoảng nửa chén cơm mẻ cái (xin, mua từ các quán nhậu lẩu đầu cá (biển) hay trâu luộc (cơm) mẻ). Đựng trong một cái lọ với thể tích tương ứng muốn nuôi (lọ sành, lọ nhựa hay thủy tinh đều được).

    - Lấy cơm nguội đem vo một lần nước, chắc nước bỏ để cho nước chảy vừa hết, rồi bỏ vào chung với cơm mẻ cái. Lượng cơm gần tương đương với lượng cơm mẻ cái. (Bước nầy gọi là cho cơm mẻ ăn). Đậy nắp, nhưng để thông hơi (không kín hẳn). Đặt lọ ở nhiệt độ 28-32oC thì tốt nhất, thấp hơn hoặc cao hơn cũng được.

    - Một tuần sau thì chúng ta có một lọ cơm mẻ. Lúc đó nhìn kỷ thấy xuất hiện con cơm mẻ nhúc nhích trên mặt cơm. Hột cơm lúc nầy như có áo một lớp bột mỏng. Lớp bột mỏng nầy chính là con cơm mẻ. Nếu mắt kém nhìn không thấy thì lấy tay chấm vào cơm mẻ rồi thoa lên đầu lỗ mũi, cảm thấy hơi nhột nhột là được. Con cơm mẻ còn nằm lẩn trong hột cơm ở dưới. Con cơm mẻ chính là một loại tuyến trùng (nematode) có ích. Sự thật con cơm mẻ nầy không đóng vai trò quan trọng trong cơm mẻ, chi là sinh vật chỉ thị cho ta biết cơm mẻ đã ăn được. (xem phần 2)
    Nên để ý cho ăn thường xuyên, khoảng một tuần một lần.

    Lưu ý: Khi thấy có mốc đỏ hoặc mốc đen xuất hiện thì lấy muỗng múc bỏ.

    - Khi nấu thì lấy muỗng gạt bỏ lớp mặt qua một bên lấy phần dưới. Dùng khoảng nửa chén cơm mẻ nêm cho một nồi canh gia đình (~2 tô). (Dùng rổ nhỏ hoà tan nước cơm mẻ. Lược bỏ xác cơm, lấy nước màu trắng đục, sau đó niêm nếm tùy người nấu.)

    - Cơm mẻ rất bổ dưỡng, có nhiều đạm, vitamin và nhiều lợi ích khác.(xem phần 2)

    [​IMG]
    Hình hai lớp cơm mẻ, màu đỏ là vách lọ nhựa đựng cơm mẻ. Lớp trên chứa tuyến trùng và nấm men. Lớp dưới chứa vi khuẩn lactic.

    II. THÀNH PHẦN VI SINH CỦA CƠM MẺ

    Cơm mẻ có các phần chính sau:

    - Con cơm mẻ (Tuyến trùng, nematode): không đóng vai trò quan trọng trong cơm mẻ, chi là sinh vật chỉ thị cho ta biết cơm mẻ đã ăn được. Khi nhìn qua kính hiển vi, con cơm mẻ cử động rất vui. Chúng chỉ ở mặt trên của cơm mẻ. Thức ăn của chúng là nấm men ở bên cạnh. Chúng có hàm lượng protein rất cao, nên có vai trò hỗ trợ dinh dưỡng.

    - Nấm men: là thành phần thứ hai trong cơm mẻ. Nấm men của cơm mẻ thường có dạng hình chùm, cung cấp nhiều vi ta min và đạm, hổ trợ dinh dưỡng.

    - Vi khuẩn lactic: là thành phần thứ ba và là thành phần chánh của cơm mẻ. Vi khuẩn nầy ở lớp duới của cơm mẻ. (khi chúng ta múc cơm mẻ ở lớp dưới, chúng ta lấy phần lớn là vi khuẩn lactic). Vi khuẩn lactic là một loại trực khuẩn, Gram âm, lên men kỵ khí, có khả năng chuyển hoá tinh bột thành đường và acid lactic (sản phẩm sau cùng). Chính nhờ acid lactic mà tạo nên vị chua của cơm mẻ. Vi khuẩn lactic còn kích thích hệ tiêu hoá, tận dụng chất bột, đường nên có nhà khoa học nghĩ rằng có thể sử dụng nó để nghiên cứu trị bệnh tiểu đường. Cũng vi khuẩn lactic nầy tạo điều kiện cho môi trường có pH thấp làm ức chế các vi khuẩn có hại cho đường ruột như Escherichia coli, Samonella... Bản thân vi khuẩn lactic tạo nên chất kháng sinh cần thiết để diệt các vi sinh vật có hại khác lactocine nên rất có lợi cho người ăn. Cũng nhờ những đặc tính sinh học nầy mà ăn cơm mẻ sống có lợi nhiều hơn cơm mẻ chín.

    Xin được ít hàng sơ lược.

    Tndung
     
    Last edited by a moderator: 3/3/16
  2. cuong_aden

    cuong_aden Active Member

    Anh Đại cho em hỏi cái chậu bằng đất anh để trong hồ để làm gì vậy? Mà sao nước anh để cao thế?
     
  3. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Hồ đó vốn nuôi đến 5 con lia thia đồng nên để mực nước cao như bình thường. Khi một cặp đẻ trứng thì mình vớt hết ra (lẽ ra phải rút nước thấp xuống nhưng mình thiếu kinh nghiệm). Nước cao vầy cho cá con ăn rất mệt, mỗi lần phải đổ vào 2-3 ly nước xà lách.

    Cái chậu nhỏ mình tính thả cặp cá vào để ép, khi cá con lớn lên thì xả nước vào hồ cho tràn mặt chậu để cá con bơi ra ngoài hồ rộng hơn. Cách này người Thái hay làm, không có gì lạ.
     
  4. QSy

    QSy Moderator

    Đọc bài này xong lượm được 1 mớ kiến thức quý báo,thanks vnreddevil
    Ủa,mà bác đang nuôi con gì vậy?
    Thấy kiến thức của bác phong phú quá!!Các bài dịch ở các 4r cũng rất tuyệt!
     
  5. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Mình nuôi khoảng 20 con lia thia, 1 cặp super red/khỉ đỏ và 1 con cá lóc.
     
  6. cuong_aden

    cuong_aden Active Member

    Cá lóc kiểng hả anh Đại, anh post hình lên cho anh em coi với, em thì chưa thấy con cá lóc kiểng lần nào?
     
  7. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Nó nằm ở cuối bài Nuôi cá lóc làm cảnh? thuộc box Bài Viết đó, cuong_aden vô đó đọc nghen, mình sợ post ở đây kô đúng chỗ sẽ bị moderator nhắc nhở.
     
  8. cuong_aden

    cuong_aden Active Member

    Vâng, cám ơn anh!
     
  9. VNN

    VNN Banned

    Bác Đại đúng là 1 kho kiến thức. Lâu wá kg gặp anh !:p
     
  10. nhixuan

    nhixuan Active Member

    Đọc bài này hình như mình thấy được mình sai lầm của mình ở đâu rồi đó! có thể bầy cá con cũa mình còn lại không nhiều là do mình cho bobo vào tập cho nó ăn sớm quá! (ngày thứ 6 sau khi nở!) lúc đó có thể cá con bơi chưa vững mà cho bobo vào chạy lung tung gây "tai nạn giao thông" làm chết nhiều cá con!
    Mình sẽ rút kinh nghiệm trong lứa tiếp theo!không nóng vội nữa
    Cám ơn bác vnreddevil
     
  11. cây với cá

    cây với cá Active Member

    CÂY VỚI CÁ nghĩ NHI XUÂN bác tìm ra vấn đề rồi đấy , chúc mừng bác .
    HÔm nào CÂY VỚI CÁ đến nhà VNREDDEVIL nhá ........để tớ lấy thêm thông tin ý mà ....
     
  12. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Cách tạo trùng cỏ giống

    Cách tạo trùng cỏ giống

    Nguyên liệu
    - Một ít rơm khô lấy từ các vựa bán trái cây.
    - Một ít cỏ tươi.

    Cách làm
    Ngâm rơm và cỏ tươi vào chậu nước và để nơi có ánh sáng gián tiếp (chẳng hạn gần cửa sổ)
    [​IMG]

    Sau một tuần múc nước trên bề mặt kiểm tra bạn sẽ thấy những sinh vật nhỏ li ti trong nước.
    [​IMG]

    Cận cảnh
    [​IMG]

    Những con trùng cỏ này có thể thấy được bằng mắt thường. Chúng vốn sống trong các ruộng lúa, khi ruộng khô nước chúng bám lên bề mặt rơm khô và sống ở trạng thái tiềm sinh. Khi ngâm rơm vào nước, trùng cỏ bắt đầu phục hồi và ăn cỏ mục trong nước. Chúng ta vớt nước có trùng cỏ cho cá bột ăn.
     
    đại dương cr thích bài này.
  13. dthong

    dthong Moderator

    trùng cỏ của anh vnreddevil nhìn rõ quá hé . Trùng cỏ của dthong nhìn như đám mây trắng đục
    [​IMG]
     
  14. QSy

    QSy Moderator

    hehehehe..............ăn cái món này hổng biết nó có chui vào mang cá con làm cá ngủm k các bác?
     
  15. nhixuan

    nhixuan Active Member

    Loại này là thức ăn "chuyên dùng" cho cá bột thôi, đâu có nhiều mà cho cá lớn ăn! nên đâu có vướng vào mang được bạn ơi!
    Cám ơn anh Vnreddevil đã phát hiện ra cách làm loại trùng này! hy vọng là nó sẽ giải quyết được vấn đề khó nhất là thức ăn cho cá bột trong những ngày đầu (từ sau khi tiêu thụ hết noãn đến khi ăn được bobo)
     
  16. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Anh em nào cần trùng cỏ giống thì qua mình lấy nghen, mình có cả một chậu!
     
  17. cuong_aden

    cuong_aden Active Member

    Trùng cỏ em làm ở nhà lại có màu vàng. Nhưng nước thì hôi kinh khủng!
     
  18. dthong

    dthong Moderator

    nước mà bị hôi là chưa đạt và rất độc đối với cá con do chứa chất ammonia . Bạn phải múc 1 ít vô 1 hũ rộng cho thêm nước cũ vào khoảng vài ngày xài được .
     
  19. cuong_aden

    cuong_aden Active Member

    Cám ơn anh dthong, em bất cẩn quá!
    SOS: nước trùng cỏ nhà em bị lũ chuột chạy đổ hết trơn, mà bây giờ đàn cá nhỏ chưa ăn bobo được, ngâm chắc phải vài ngày mới có. Cứu cá con em với!
     
  20. nhixuan

    nhixuan Active Member

    bạn Cuong-aden pm cho anh vnreddevil đi anh ấy có nguyên 1 xô to trung đế giày tốt lắm
     

Chia sẻ trang này